BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76681)
(Xem: 63115)
(Xem: 40506)
(Xem: 32132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn về một lần hạnh ngộ

20 Tháng Mười Một 200712:00 SA(Xem: 955)
Tản mạn về một lần hạnh ngộ
54Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.45
Tôi đến thăm tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vào ngày ông vừa mới trở về sau khi đi tôn tạo mộ chí cho nhạc phụ của ông là cách mạng nhà thơ rất nổi tiếng Thôi Hữu. Vừa bước vào phòng khách ấm cúng tôi thấy ông Giang đang tiếp chuyện luật sư Trần Lâm. Là người quen, tôi nhanh chóng hoà nhập trò chuyện với hai bậc đàn anh trong làng dân chủ. Thế là cả ba chúng tôi đại diện cho ba thế hệ, người nọ hơn kém người kia xấp xỉ một con giáp, không hẹn mà đã gặp nhau trên một bàn trà để chia sẻ với nhau những nỗi niềm, những tâm trạng.

Nguyễn Thanh Giang


Sau những lời chân thành vấn an của một đàn em với hai bậc trưởng lão, tôi chủ động trao đổi với anh Giang về dự định sẽ viết một khảo luận có nhan đề : “Hoà giải Hoà hợp dân tộc ! Khát vọng muôn đời “ sau khi tôi đọc bài viết mới đây của anh Giang về vấn đề này đăng trên tờ Tổ Quốc (Tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam). Anh Giang phân tích, chỉ bảo và động viên tôi mọi điều như một người anh lớn đầy trách nhiệm với thế hệ tiếp nối của mình. Khi trong tôi đã định hình được một kế hoạch làm việc tiếp, tôi buột miệng hỏi anh Giang: “ Vì lý do gì mà trong danh sách những con dân đất Việt không được nhà cầm quyền hài lòng lại có nhiều người mà cuộc đời họ đã từng gắn liền với bục giảng mà lại là bục giảng Địa lý đến thế.»

Anh Giang trả lời tôi: Ta phiếm luận chơi chơi với nhau như thế thì được, còn đúc rút thành một hiện tượng phổ biến thì chưa thể được đâu Long ạ. Giờ đây đám “CƠ HỘI CHÍNH TRỊ“ mà Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng đề cao cảnh giác là đa dạng nguồn gốc lắm, đủ mọi loại binh chủng từ kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, đến luật sư, nhà văn, nhà thơ, linh mục, mục sư, hoà thượng, công an, quân đội, công nhân, nông dân, lão thành cách mạng, đến đầu gấu, xã hội đen … thôi thì đủ nam phụ lão ấu, đâu có chỉ là ba ông giáo lại là các ông giáo Địa lý. Tôi chưa kịp nói gì với anh Giang về chuyện này thì cửa ra vào kẹt mở. Bất ngờ xuất hiện hai người phụ nữ một trẻ, một người đã luống tuổi. Anh Giang giới thiệu vắn tắt với tôi về hai người phụ nữ này. Tôi thực sự bất ngờ khi được biết người luống tuổi là bà Trần Thị Lệ vợ của cố giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, là mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân. Người trẻ tuổi là vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài. Cả hai luật sư rất trẻ này đang nằm trong trại giam của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với tội danh mà toà sơ thẩm tháng 5/2007 đã tuyên cho họ tội chống lại nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 88 Bộ luật hình sự). Tôi thực sự xúc động về cuộc trùng phùng bất ngờ này. Hai người phụ nữ xuất hiện đột ngột đã làm gián đoạn cuộc phiếm luận dang dở của ba chúng tôi. Lần này lại là anh Giang, anh nhanh chóng xóa đi những thận trọng mà hai vị khách đang chăm chú vào tôi. Khi thấy anh Giang giới thiệu tôi là thầy giáo dạy Địa Lý người đã cùng với Đỗ Việt Khoa năm ngoái làm rung động giáo dục đào tạo cả nước, bà Lệ tháo cặp kính dầy cộp vừa lau vừa buồn buồn kể với mọi người về người con gái bé bỏng của bà, luật sư Lê Thị Công Nhân sinh 1979 đang phải chịu đựng sự đoạ đầy trong nhà giam của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam với án hình 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Bà Lệ như quá xúc động về những kỷ niệm đã trở thành xa xăm mà vẫn như rất gần gũi. Bà kể :

“Ngay từ bé cháu Nhân đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về khoa học địa lý. Những năm đầu thập kỷ 1980 cả nước đói, cả nước nghèo, tôi chỉ đủ tiền mua cho các con tôi quả địa cầu nhỏ xíu cỡ trái bưởi để các cháu học bài. Một lần ngày Nhân còn chưa đủ tuổi đi học lớp một tôi đã vô tình hỏi cháu: Mẹ đố con chỉ đất nước mình nằm ở đâu trên quả cầu này ? Cháu Nhân chẳng cần suy nghĩ gì nhiều vui vẻ chỉ đúng ngay dải đất hình chữ S nhỏ xíu cỡ như hạt đậu nằm bên bờ biển đông. Sở dĩ dải đất đó nhỏ như vậy vì theo tỉ lệ xích khi mà cả quả địa cầu cũng chỉ lớn bằng cỡ trái bưởi. Sau này khi cháu học lên đến phổ thông trung học, bộ môn mà cháu đã từng đi thi học sinh giỏi và đạt điểm cao là môn địa lý, sau đó mới là bộ môn lịch sử và văn học. Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên khi kỉ niệm học trò của cháu là những cuộc tranh luận không kém phần gay gắt giữa cháu và các thầy cô về những vấn đề học thuật. Tất nhiên trường đại học mà cháu chọn để học là trường Đại học KHXH&NV"

Tôi ngước nhìn anh Giang như thầm muốn nói, anh đã thấy chưa, lại có một môn đồ nữa của Địa Lý rồi. Vậy mà vừa nẫy anh nhắc nhở tôi đừng khai thác làm gì cái lận đận mang tính tiền oan nghiệp chướng đã vận vào những người làm công tác Địa Lý.

Tôi bộc bạch với bà Lệ, với cháu Khánh rằng: Do những người làm Địa Lý, học Địa Lý là phải đi nhiều, sống gần với thiên nhiên, sống gần với đất đá mà họ rất dễ ngộ được những giọt mồ hôi nào đã rơi trên mảnh đất này, họ rất dễ rùng mình và rung động trước những giọt máu ông cha đã đổ ra suốt 4000 năm trên dải đất hình chữ S này. Ngót 20 năm trước trong bài : “ Một buổi tối ở Nữu Ước” của thầy giáo và nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang đăng trên báo Nhân Dân đã có những đoạn văn cháy bỏng khát vọng hoà hợp, hoà giải:

… đêm đêm ta không thể không nghe thấy tiếng trái tim Việt Nam đang thao thức khắc khoải đâu đó tận bên kia bờ Thái Bình Dương và trong những cơn gió lang thang trên từng kinh tuyến Địa cầu đều có hơi thở nồng ấm của những người con dân Đất Việt ».

Tôi thấy rất cần phải lắp lại, đặc biệt nhắc lại với các bạn trẻ rằng : Vào những năm cuối thập kỷ 1980 đầu 1990, dù cho Đảng cộng sản Việt Nam đã tuyên bố cương lĩnh đổi mới (1986), Đảng đã chính thức cởi trói cho văn nghệ sĩ thì trong con mắt Đảng lúc đó người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là người Việt Nam ra đi sau 30/04/1975 tất cả đều chỉ là bọn phản bội Tổ Quốc đáng bị nguyền rủa và trừng phạt. Mẹ Tổ Quốc đã trợn mắt nhìn những đứa con vì nhiều lý do buộc phải ra đi như thế thì tất yếu trong ánh mắt những kẻ bỏ xứ mà liều thân tránh sao cho khỏi những tủi hờn trách oán: “Tổ Quốc chỉ là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ Quốc là một dĩ vãng cần phải quên đi” (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc ăn năn).

So sánh những gì đã xẩy ra với những gì mà ông Nguyễn Minh Triết mới nói với kiều bào trong chuyến ông Mỹ du vừa qua chúng ta mới thấy hết được khát vọng hoà hợp hoà giải dân tộc trong Nguyễn Thanh Giang đã bùng cháy sớm biết mấy và mãnh liệt đến chừng nào. Suy tư trong chuyến đi dự Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28 tại Washington trình bầy trong bài báo “Một đêm ở Nữu Ước“ ngày ấy đã thể hiện tầm chính khách đặc biệt với năng lực tiên tri rất đáng nể trọng của Nguyễn Thanh Giang. Chúng ta không thể ngờ được sau 20 năm bài báo đó ra đời lại là những ngày ông Nguyễn Minh Triết tha hương trên đất Mỹ với những tuyên bố:

“Trên đường đến đây (quận Cam Cali) tôi thấy một số ít bà con người Việt tụ tập phản đối. Nói thật tôi muốn dừng xe xuống bắt tay họ, tôi muốn mời họ dự cuộc gặp ngày hôm nay để chúng ta cùng nói với nhau những lời chân thành và thẳng thắn “

Một đoạn khác “Sống trên đời để làm gì? Các bạn trẻ có đặt ra câu hỏi đó không ? Sống trên đời không phải để thù hận mà chính là để yêu thương nhau. Một lần nữa tôi mong bà con mình hãy vì Quê hương Đất nước gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh hùng cường “

Một đoạn khác « Trong gia đình, bạn bè có lúc cũng còn giận nhau, nhưng chúng ta hãy gác lại tất cả để đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh hùng cường sánh vai với bạn bè thế giới “

Trước đó ông Võ Văn Kiệt một cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu Thủ tướng cũng đã từng mở lòng ra mà ngậm ngùi “Có triệu người vui và cũng có triệu người buồn “

Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc thì như nghẹn ngào:
” Tổ quốc còn đau món nợ Tân Trào
Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu
Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu
Một tấc giang sơn không được để hao mòn”

Như vậy làm sao có thể nói tất cả những người dân chủ là những kẻ cơ hội chính trị. Tôi nghĩ rằng “Tổ quốc đã ăn năn“ Đảng cũng đã bắt đầu sám hối, còn các thần dân của Đảng đã phản tỉnh từ lâu lắm rồi mà Đảng và Tổ Quốc chẳng hay biết hay là biết mà coi thường mà coi rẻ. Với thế giới bên ngoài Đảng và Nhà nước đã mở lòng ra như thế, hà cớ gì trong nước Đảng cứ khăng khăng mãi điều 88 Bộ luật hình sự để “Đánh đập đoạ đầy” những con dân của Đất Việt như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Phương Anh, Vũ Văn Hùng… và bao nhiêu những người con khác khi họ chỉ có mỗi một tội là bầy tỏ nỗi niềm, khát vọng của họ một cách rất ôn hoà.

Thấy câu chuyện của mọi người đang gần đến những gì mà mình đang mong muốn, bà Lệ và cháu Khánh trân trọng trao cho tôi, cho anh Giang và cụ Lâm mỗi người một bộ bài cãi. Người thì cãi cho con, người thì cãi cho chồng dự định sẽ cãi trong phiên toà phúc thẩm chồng con họ sắp tới.

Quá xúc động về những gì mà bà Lệ đã nói về con gái bà, cháu Khánh đã rưng rưng nước mắt nói về chồng mình, tôi kể lại với mọi người câu hỏi mà một đài phương Tây đã hỏi tôi: ”Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, ông nghĩ gì về tình cảnh của hai luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ?” Tôi đã trả lời họ một cách rất thẳng thắn rằng : ”Mặc dù so với tôi học chỉ ở độ tuổi của những học sinh của tôi, tuổi của các con tôi… tôi vẫn dành cho họ sự ngưỡng mộ, tôn trọng và tin tưởng “

Nghe tôi nói như thế cả hai người phụ nữ đều như thấy ấm lòng hơn. Vì nhiều lý do tôi không thể kéo dài cuộc trò chuyện được. Sau khi tiễn cụ Lâm ra về, tôi tạm biệt anh Giang và nói lời chia tay với hai người phụ nữ đau khổ đó: “Thưa bà Lệ và cháu Khánh ! Tôi chỉ là một nhà giáo về hưu, tôi chẳng có kinh nghiệm và kiến thức gì về tố tụng và pháp đình. Tôi thành thật xin được chia sẻ với bà và cháu những lo âu bấy lâu nay. Tôi cầu mong và tin tưởng những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và người thân của bà và của cháu».

Suốt dọc đường về chiếc xe máy của tôi ì ạch đi ngược những cơn gió mùa đông bắc cuối năm lạnh buốt. Tôi cứ buồn buồn mãi một tiếc nuối. Vì sao ? Vì sao mà tôi không nói rõ với bà Lệ và cháu Khánh rằng : Bên cạnh nỗi xót xa cho con mình , cho chồng mình bà và cháu rất cần có một niềm tự hào về họ.

Họ đã không sống vô cảm như bao nhiêu người trong xã hội chúng ta đã sống vô cảm.

Họ đã không sống vô trách nhiệm như bao nhiêu người trong xã hội chúng ta đã sống vô trách nhiệm.

Họ không hề có tội, lịch sử sẽ xoá án cho họ. Lịch sử chắc chắn sẽ không lười biếng như đã từng lười biếng nữa.

Tôi nghĩ rằng nếu Đảng cộng sản Việt Nam cũng có khát vọng hoà hợp hoà giải thực sự, họ phải trả lại nhân quyền, trả lại tự do cho hai luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ngay sau phiên toà phúc thẩm sắp tới. Đó cũng chính là những gì mà luật sư Trần Lâm đoàn luật sư Hải Phòng người đã từng cùng luật sư Đào Văn Hiếu dám dũng cảm nhận bào chữa cho rất đông các nhà dân chủ như : Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn… trong các vụ án chính trị từ 10 năm trước, người đã từng bào chữa cho hai luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân trong phiên toà sơ thẩm tháng 5/2007 và sẽ tiếp tục bênh vực cho họ trong phiên toà phúc thẩm sắp tới. Chỉ có dũng cảm như vậy những người cộng sản Việt Nam mới có thể tìm lại được những gì mà họ đã đánh mất trong lòng cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đang ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Tôi tin tưởng là như vậy.

Hà Đông, ngày 20 tháng 11 năm 2007
Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên PTTH Hoà Bình và Hà Tây
Nguyên thanh tra chuyên môn kiêm nghiệm sở GDĐT Hà Tây
Người đương thời giáo dục đào tạo 2006
Ứng cử đại biểu quốc hội XII.
Địa chỉ : Thôn Văn La xã Văn Khê Thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây.
ĐT: 034. 3521066 - DĐ : 095.3298198

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn