BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73423)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xuân Này Con Không Về

04 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 1119)
Xuân Này Con Không Về
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
LTG: Bài viết này tôi xin đặc biệt tặng cho người nhạc sĩ trẻ Việt Khang và những ai đang bị VC cầm tù vì “tội yêu nước” và cũng để nói lên lòng bất mãn của mình trước hiện tượng những ca nhạc sĩ Việt Nam tại hải ngoại đã lần lượt quay về Việt Nam quỳ lụy đảng cướp VC để được hát, để được mang vòng hoa đỏ thắm, y như nhuộm máu đồng bào. Tôi cũng viết bài này để trân trọng tặng những ai phải xa nhà trong ngày xuân vì nhiệm vụ, hoặc những gia đình có người thân ra đi đấu tranh vì lý tưởng giải phóng dân tộc mà mùa Xuân nào cũng vắng nhà, hoặc không bao giờ trở lại để có được mùa xuân đoàn tụ. (HQB)

 “Xuân này con không về” là tựa đề bài hát của Trịnh Lâm Ngân hay nhạc sĩ Nhật Ngân. Có thể nói đây là bài hát khá nổi tiếng được ra đời vào Thập Niên 60. Nó nổi tiếng là vì một số lời lẽ mới nghe qua tuy có vẻ đơn giản, bình dân, nhưng nếu ai chịu khó nghe kỹ từng lời thì mới thấy sự sâu sắc bởi ý tình của dòng nhạc. Nếu tôi không lầm thì nhạc phẩm này được ca sĩ Duy Khánh hát đầu tiên và ông hát rất thành công. Nó thành công đến nỗi trong giới yêu nhạc, có người tưởng lầm rằng nhạc phẩm này do chính Duy Khánh sáng tác, và cũng chính nhạc phẩm này đã gắn liền với tên tuổi của người nhạc sĩ gốc miền Trung, có giọng hát rất đặc biệt này.

Lời mở đầu của bài hát, diễn tả tâm trạng một người trẻ xa nhà trong ngày xuân. Người ấy vì hoàn cảnh không thể về thăm mẹ mình và các em, dù năm trước đã hứa là sẽ về, nhưng ngày xuân đến mà người ấy vẫn biền biệt nơi xa: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa

Có lẽ tôi không cần phải giải thích thì ai nghe bài hát cũng hiểu tâm trạng nhân vật chính trong nhạc phẩm này phải sống xa nhà và nhớ lại những kỷ niệm thời mình còn bên mái ấm gia đình với mẹ và các em: “Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui, nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào.”

Người bạn này biết rằng nếu mình không về được thì mẹ của mình buồn lắm. Mình là con lớn mà phải sống xa nhà, còn mẹ mình và đàn em nhỏ đang sống trong nghèo túng: “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang, khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân. Đàn trẻ thơ ngây, chờ mong anh trai, sẽ đem về cho tà áo mới, ba ngày xuân đi khoe xóm giềng."

Dù anh biết rằng nếu mình không về được thì mẹ mình buồn, nhưng nếu mình về để cho mẹ và em được vui thì mình không làm tròn bổn phận người trai thời chinh chiến. Vì thế, anh xin mẹ thương anh mà hãy đợi ngày mai: “Con biết bây giờ mẹ chờ em trông, nhưng nếu con về bạn bè thương mong. Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, mẹ ơi con xuân này vắng nhà… Mẹ thương con xin đợi ngày mai...”. Chính đoạn kết này đã khiến người viết xúc động vào những ngày xuân, mỗi khi nghe đến. Nay là thời điểm có những cảm xúc khác trong ngày xuân nên tôi xin viết ra để hầu bạn đọc, trong thời điểm mọi người đón xuân nơi đất khách quê người. Và bài viết này người viết muốn gửi đến quý độc giả trước cao điểm ngày xuân để ai có phước, cha mẹ còn sống trên đời và nếu hoàn cảnh cho phép thì hãy cố gắng về thăm cha mẹ trong ngày xuân.

Dĩ nhiên bài viết này không cổ võ cho việc trở về Việt Nam thăm cha mẹ dù các vị còn sống. Đối với người viết, ngày các người con bỏ nước ra đi lánh nạn VC, không một ai nghĩ đến ngày trở lại nếu chế độ VC còn đó. Ngay những người vội vã bỏ nước ra đi vào thời điểm 30-4-75 cũng không ai nghĩ đến ngày trở lại nếu chủ nghĩa hay con người cộng sản còn kia. Chính vì đó, mà nhiều người con yêu của các bà mẹ Việt Nam, mùa xuân nào cũng xa gia đình dù họ có thể trở về thăm nhà bằng nhiều “lý do chính đáng”.

Ngày xưa, trước ngày VC thôn tính trọn vẹn miền Nam, tác giả bài hát đã diễn tả hình ảnh những người lính trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xa nhà, ngày xuân không thể về với gia đình, bởi bao nhiêu người như họ phải chào xuân ngoài trận chiến. Vì thế những người lính trẻ ấy đã không chọn sự êm ấm cho riêng mình, qua câu “Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, mẹ ơi con xuân này vắng nhà…”

Thời gian gần đây tại quê nhà, một người nhạc sĩ trẻ không nổi tiếng, gần như không ai biết anh là ai cho đến khi tiếng ca hiền hòa của anh được cất lên qua hai bài nhạc do chính anh sáng tác: “Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?” Khi làm điều đó, chắc chắn Việt Khang đã đứt khoát chọn thái độ “không lẽ riêng mình êm ấm” và sau khi hai bài hát nêu trên được luân lưu khắp nơi trên thế giới, thì anh đã thật sự “vắng nhà”. Có thể anh sẽ còn phải vắng nhà, không chỉ mùa xuân năm nay, mà còn nhiều mùa xuân khác nữa, bởi ai cũng biết những bản án rừng rú vài năm của bọn VC, có thể là vài mươi năm không chừng, nếu chúng còn tồn tại.

Nhắc đến ca nhạc sĩ trẻ Việt Khang tôi có thể nói “Việt cộng sợ Việt Khang”. Nói như thế, rất có thể quý độc giả cho rằng tôi nói quá lời. Không đâu, tôi không nói quá lời. Nếu bọn VC không sợ Việt Khang thì chúng đã không có bản án kỳ quặc đó. Ai đời, bọn bán nước lại có quyền kết án người yêu nước. Mà cho dù bọn VC có lộng hành trong giai đoạn đen tối của đất nước, thì bọn chúng cũng chỉ có thể giam cầm Việt Khang chứ chúng không thể “bỏ tù” lời ca và tiếng hát của anh đã được vang đi thật xa, nếu không muốn nói là bay khắp nơi trên quả địa cầu, nơi có những người Việt Nam cư ngụ.

Viết đến đây tôi bổng thấy lòng mình se lại và trào dâng một niềm uất hận. Tôi hận bọn VC gian ác là bọn buôn dân, bán nước, là một đảng cướp, là tập đoàn “hèn với giặc nhưng ác với dân”. (Những ông bà nào “thiêng liêng” có thể ngưng tại đây để khỏi phải lên án rằng tôi “thích nói chuyện trính trị” hay “thích chửi VC”.) Tôi cũng trách những ai nhận mình là người “quốc gia”, hoặc “tỵ nạn chính trị”, hoặc “trí thức”, hoặc “không làm chính trị”, hoặc “tôi không theo phe nào” hoặc “lo chuyện thiêng liêng” mà lại nhẫn tâm “đón xuân” trong sự đau khổ của người khác.

 Trong số những người mà tôi cho là nhẫn tâm đó, có một ca nhạc sĩ nổi tiếng tại Tiểu Bang Oregon, Hoa Kỳ, nơi tôi cư ngụ, đã chọn thái độ quay về Việt Nam lần thứ hai để hát trên sự đau khổ của toàn dân, hát trên sự nhọc nhằn của các bà mẹ Việt Nam, hát theo kiểu dẫm nát trên trái tim của những người yêu nước giống như Việt Khang và các bạn trẻ và người dân vô tội. Có người chống cộng dù không từng ân oán gì với chế độ VC. Họ tố cáo VC là vì VC gian ác. Họ chống VC là vì VC là con cái của thế lực tối tăm. Họ lên án VC vì VC là kẻ bán nước. Nói chung, họ đang ở tù, đang bị khủng bố vì lòng yêu nước, họ bị bịt miệng vì dám nói lên sự sai trái của đảng VC. Vậy mà mấy ông bà ca nhạc sĩ, mấy tay “trí thức”, mấy “nhà yêu nước” ở hải ngoại lại vác mặt về ca ngợi VC hay hát cho VC nghe, là nghĩa làm sao?

Vào đầu tháng 12 năm 2012 vừa qua trong một bài viết của tôi có tiêu đề: “Đền ơn đáp nghĩa” tôi cố ý nhắc khéo người nhạc sĩ nổi tiếng này để ông đừng phản bội lại sự ủng hộ của đồng hương Việt Nam và giới mộ điệu âm nhạc tại Oregon. Tôi chỉ nhắc khéo, vì thật sự tôi cũng từng quen biết và cũng từng ngưỡng mộ tài năng của ông. Có thể nói là tôi từng “mê” một số ca khúc do ông sáng tác. Vì “mê” nhạc phẩm của ông, vì muốn “vuốt mặt, nể mũi” nên tôi chỉ viết:

“Trong một quyển sách của Mục Sư Phan Thanh Bình, có đoạn ông viết như sau: “Những nghệ sĩ sau thời gian nổi tiếng và khá giả nhờ sự ủng hộ của khán thính giả, nên họ đã tổ chức những buổi “tạ ơn” hay “cảm ơn” và những ai muốn được họ tạ ơn hay cảm ơn... thì phải mua vé tham dự..." Điều đó không sai. Tôi biết ít nhất một ca nhạc sĩ rất nổi tiếng. Tại địa phương ông cư ngụ, chưa ai thấy ông đóng góp một xu cho những công tác ích lợi chung trong cộng đồng. Ông cũng không hề một lần đóng góp lời ca tiếng hát của ông cho đồng hương địa phương thưởng thức, nếu có thì phải trả thù lao. Ông chỉ chu du ca hát xứ người. Vậy mà khi cần tiền, ông bèn tổ chức “tạ ơn em” tại địa phương nơi ông không buồn quan tâm trong mấy Thập Niên. Điều buồn cười hay khôi hài, là đã có năm bảy trăm người, mỗi người bỏ ra năm bảy chục Mỹ kim, để mua vé danh dự, hoặc thượng hạng, hầu có thể nghe ông hát “tạ ơn em” và mua CD nhạc của ông mang về tiếp tục nghe ông "tạ ơn em"... Điều phũ phàng hơn hết là khi cộng đồng có những buổi tổ chức có tính cách xã hội, giúp đỡ những ai cần giúp đỡ, hoặc biểu tình lên tiếng tranh đấu cho những người bị VC đàn áp tại Việt Nam, thì ông ca nhạc sĩ này lại biệt tăm và số người tham dự buổi ông tổ chức “tạ ơn em” cũng mất dạng.”

Đọc những dòng chữ trên có người cho rằng tôi đã “đánh hơi nặng tay” mặc dù tôi không nêu đích danh đương sự. Nhưng cũng có người chê tôi là “đánh mà như giỡn chơi”. Cũng có người khuyên tôi là đừng làm chuyện “đàn gảy tai trâu” vô ích.

Bây giờ tôi xin được nói chuyện của mình. Cách đây gần hai mươi năm, Má tôi lìa trần cũng vào ngày đầu năm, nhưng mùa Xuân đó tôi cũng không về được, bởi tôi không chọn sự êm ấm cho riêng mình, dù tôi có đầy đủ lý do chính đáng để trở về. Vài tuần lễ trước khi Má tôi trút hơi thở sau cùng, qua điện thoại, Người đã trìu mến hỏi tôi bằng giọng nói của các bà mẹ Nam Kỳ: “chừng nào mầy về thăm tao?”. Sau khi tôi nêu rõ lý do, Má tôi đã thông cảm cho tôi và hiểu rõ hoàn cảnh đất nước cũng như nỗi khổ đau của đồng bào trong nước và những ai vượt thoát VC còn kẹt lại trong các trại tỵ nạn, nên Người nói bằng giọng trầm buồn và chứa đựng bao nhiêu sự thương yêu dành cho thằng con xa xứ: “Thôi cũng được, chừng nào hoàn cảnh đất nước cho phép, con nhớ về thăm Má…”.

Tôi nhớ Má tôi và những người thân yêu trong gia đình, nhưng tôi không thể “nhẫn tâm” quay về Việt Nam khi chế độ VC còn đó, đồng bào thân yêu tôi vẫn bị đọa đày, người dân Việt của tôi trốn chạy chủ nghĩa và con người cộng sản còn đây và đang bị Liên Hiệp Quốc thanh lọc để trả về Việt Nam, bởi không tin rằng họ là thành phần tỵ nạn chính trị. Thế giới không tin là phải, bởi tin làm sao được khi có quá nhiều người từ hải ngoại trở về cái nơi mà họ từng bỏ ra đi vì cho rằng không có tự do, mất quyền làm người? Dân của tôi người tự mổ bụng, tự thắt cổ, tự cầm dao đâm vào tim để phản đối sự từ chối của thế giới và cũng để gióng lên tiếng kêu tuyệt vọng cho đồng bào mình tại hải ngoại được biết. Rất tiếc, nhiều người đã bịt tai, bịt mắt để dễ dàng trở về Việt Nam theo kiểu “áo gấm về làng”, bất chấp tiếng rên siết của đồng bào bên quê nhà và tại các trại tỵ nạn vào thời điểm đó. Họ tự hào rằng “không làm chính trị”.

Ngày xuân, tôi viết bài này bởi một số lý do đã nói và cũng để nhớ đến Má tôi. Đồng thời tôi cũng muốn nói lên lòng bận tâm của mình, khi phải chứng kiến nhiều người tỵ nạn VC tại hải ngoại ra vào Việt Nam như người ta đi chợ. Có người về hát cho VC hay bọn tư bản đỏ nghe trong cái vỏ bọc “vì nghệ thuật”. Có người mang tiền về Việt Nam tiếp máu cho VC qua nhãn hiệu “từ thiện”. Có người thường xuyên về Việt Nam để kiếm bồ nhí trai tơ, với lý do “báo hiếu”, hoặc “xây mồ mả cho ông bà, cha mẹ”. Có người về Việt Nam để “buôn thần bán thánh” bằng danh nghĩa “tu sĩ thiêng liêng”. Về bằng cách nào cũng đều là những kẻ nhẫn tâm trên sự đau khổ của người khác, khi mà sự trở về của họ chỉ là cái cớ hơn là một lý do chính đáng cần được sự thông cảm của mọi người.

Riêng người ca nhạc sĩ nổi tiếng mà tôi quen biết trong vòng gần hai mươi năm khi gia đình tôi di chuyển đến Tiểu Bang Oregon, ông đã trả lời phỏng vấn của báo chí sau lần ông thoát khỏi “căn bệnh ngặt nghèo” và trở về Việt Nam lần thứ hai, như sau: “Cái chết với tôi nhẹ nhàng lắm, bởi tôi nghĩ không có gì tồn tại mãi được, cũng phải đến lúc phai tàn. Nếu có điều gì vĩnh cửu thì đó là tình yêu như sáng tác mới nhất của tôi, “mãi mãi yêu em”.

Người viết rất mừng vì ông ca nhạc sĩ này vẫn còn sống sau “căn bệnh ngặt nghèo” cần sự chú ý của những người ngưỡng mộ ông, trong đó có tôi. Nhưng bây giờ tôi quá buồn, và thất vọng, bởi “ông đã chết” trong lòng tôi. Và điều mà tôi cho là “vĩnh cửu” mà người Việt yêu chuộng tự do trong ngoài nước sẽ khó quên, đó là vòng hoa đỏ thắm như máu đồng bào, mà ai đó đã tròng vào cổ vợ chồng ông, trong chuyến về Việt Nam vừa qua của họ.

Huỳnh Quốc Bình
Salem, Oregon, Hoa Kỳ ngày cuối tháng Giêng năm 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn