BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76328)
(Xem: 63018)
(Xem: 40410)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thảm kịch “Nhân Văn Giai Phẩm

11 Tháng Mười Một 200612:00 SA(Xem: 2250)
Thảm kịch “Nhân Văn Giai Phẩm
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
 
Kính dâng hương hồn các nạn nhân dưới chế độ độc tài toàn trị 

Đúng 50 năm trước, khi tấn thảm kịch Cải cách Ruộng đất (1953-1956) vừa hạ màn, để lại cả một vùng nông thôn tan hoang đầy tang thương trên miền Bắc vì trận bão diệt chủng rợn người với 172008 nạn nhân (1), thì cũng bắt đầu một tấn thảm kịch khác có tên là “vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm”! Lần này, nạn nhân phần lớn là những trí thức, văn nghệ sĩ có khát vọng tự do dân chủ và đầu óc suy tư độc lập. Cả thảm kịch trước cũng như thảm kịch sau đều do các lãnh tụ Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCS) đạo diễn và đều khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử mấy ngàn năm của Đất nước ta.

Về cuộc CCRĐ, chúng tôi đã từng có dịp nói đến, hôm nay xin kể lại với bạn đọc về “vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm”.

Bối cảnh chung

Trước hết, chúng tôi xin nói sơ qua bối cảnh chung của miền Bắc hồi giữa thập niên 50 thế kỷ trước để bạn đọc ngày nay dễ hiểu được nguyên nhân của trào lưu tư tưởng đòi tự do trong sáng tác văn nghệ cũng như đòi mở rộng dân chủ trong xã hội hồi đó.

Sau Hiệp định Genève và nhất là sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp thu miền Bắc từ tay quân đội Pháp trao trả thì một tâm trạng khao khát được tự do, nhất là tự do sáng tác, tự do suy tư nổi lên trong trí thức, văn nghệ sĩ đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời chiến tranh, chính trị được coi là “thống soái” nên cán bộ chính trị tha hồ kiểm duyệt sáng tác của trí thức, văn nghệ sĩ, từ câu văn, cấu trúc, văn phong cho đến nội dung tư tưởng. Mà than ôi, trình độ của cán bộ chính trị hồi đó quá thấp, mà lại thường kênh kiệu về cái vai trò “thống soái” của mình, họ coi thường trí thức văn nghệ sĩ là “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) thậm chí là “đại biểu tư tưởng tư sản”. Trong chiến tranh, trí thức, văn nghệ sĩ kháng chiến phải ép mình chịu đựng tình cảnh đó, nhưng khi hoà bình đã được lập lại rồi thì họ muốn được nới rộng tự do hơn, ít nhất là trong sáng tác: ai mà không thấy xót xa đau đớn khi những “đứa con tinh thần” của mình bị cắt xén vô tội vạ! Đấy là tâm trạng chung của trí thức văn nghệ sĩ kháng chiến hồi đó.

Còn tâm trạng của dân chúng, đặc biệt là dân chúng sống trong vùng trước đây bị Pháp chiếm, là nỗi khiếp sợ bị thành kiến là dân vùng địch, bị trả thù, bị đấu tố như trong CCRĐ, khiếp sợ chế độ đăng ký hộ khẩu rất ngặt nghèo, lo sợ bị bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, bị “mất đạo”, “mất Chúa”... Chính vì thế, một làn sóng di cư ào ạt đã nổi lên lôi cuốn cả một triệu người bỏ nhà cửa, bỏ ruộng vườn chạy vào Nam.

Sự đời éo le

Trong bối cảnh đó, hồi cuối năm 1954 đầu năm 1955, một nhóm nhỏ văn nghệ sĩ đảng viên trong quân đội gồm có Trần Dần, Tử Phác, Đỗ Nhuận (về sau Đỗ Nhuận sớm xin rút lui) đã gặp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, uỷ viên Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) Nguyễn Chí Thanh để đề nghị “cải tiến công tác văn nghệ trong quân đội”. Khi trình bày về những can thiệp quá đáng của cán bộ chính trị đối với các tác phẩm thì Trần Dần đã kết luận “xin trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”. Chính cái câu nói đó làm cho Nguyễn Chí Thanh và những người lãnh đạo văn nghệ, đứng đầu là Tố Hữu, buộc tội cho nhóm văn nghệ sĩ này là “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng”, là “tư tưởng tự do tư sản phản động”. Khốn nỗi, hồi đó, Trần Dần lại đang gặp phải bi kịch lớn trong đời riêng: anh yêu một cô gái Hà Nội (bị coi là dân vùng tạm chiếm), mà lại là một giáo dân Công giáo, lại được uỷ quyền cho thuê mấy ngôi nhà (mà chị đã tự nguyện giao lại cho chính quyền thành phố). Dưới con mắt đầy cảnh giác của Đảng hồi đó, Trần Dần bị nghi ngờ là đã “sa lưới địch”, bị “trúng viên đạn bọc đường” của tư sản. Tổ chức Đảng không đồng ý cho Trần Dần kết hôn với người yêu nhưng nhà văn vẫn cứ sống với chị ấy. Lại thêm một chuyện nữa, hồi tháng 3 năm 1955, có cuộc phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Trong lúc đám nịnh thần tâng bốc thơ Tố Hữu lên mây thì Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hoàng Yến, Trần Dần... lại dám nói đến mặt yếu kém của thơ Tố Hữu. Trần Dần nhận xét thơ của Tố Hữu là “nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại” và “Tố Hữu mắc sai lầm thần thánh hoá lãnh tụ”... Hồi đó mà dám phát ngôn như thế về thơ của người lãnh đạo văn nghệ đầy quyền uy thì thật là quá bạo. Vì thế, một loạt bài báo đả kích những người đã dám phê bình thẳng thắn, tiếp theo là một loạt buổi họp “kiểm thảo” (nói theo từ ngữ thời ấy, có nghĩa như hạch hỏi, truy đấu) với những lời buộc tội rùm beng, dẫn đến việc Trần Dần và Tử Phác bị bắt giam...

Khi Trần Dần còn bị câu lưu, đầu năm 1956, một số nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn T‎ý... chủ trương ra tập “Giai Phẩm 1956”, sau này gọi là “Giai Phẩm Mùa Xuân”, do nhà xuất bản Minh Đức ấn hành. Trong tập đó, đáng chú ý có các bài “Chống Công Thức”, “Ông Bình Vôi” của Lê Đạt, “Cái Chổi Quét Rác Rưởi” của Phùng Quán và bài thơ “Nhất Định Thắng” của Trần Dần (của đáng tội, Trần Dần không hay biết gì việc đưa bài của mình vào Giai Phẩm). “Giai Phẩm Mùa Xuân” mới ra liền bị thu hồi.

Sau ba tháng bị giam, Trần Dần và Tử Phác được thả ra. Nhưng chỉ vì một vài câu thơ trong bài “Nhất Định Thắng”, như ...“Tôi bước đi/không thấy phố/không thấy nhà/Chỉ thấy mưa sa/trên màu cờ đỏ” và ...“Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người/Người vẫn thường hốt hoảng trước tương lai”, mà Trần Dần bị “đánh” rất mạnh, bị đem ra “luận tội” (chữ của Hoàng Cầm) là “bôi đen chế độ”, “xuyên tạc thực tế tốt đẹp của miền Bắc”, là “phản bội”...

Vươn tới tự do

Hồi năm 1956, tình hình thế giới cũng như trong nước có thêm những nhân tố kích thích lòng hăng hái phát biểu của các công dân có đầu óc suy nghĩ và có ý thức trách nhiệm xã hội. Đó là ảnh hưởng lớn lao của việc Đại hội 20 ĐCS Liên Xô (tháng 2.1956) vạch trần những sai lầm (nói đúng hơn là tội ác) trầm trọng của Stalin, ảnh hưởng của phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của ĐCS Trung Quốc đưa ra tháng 5.1956 (hồi đó ít ai biết đó là trò ma giáo của Mao Trạch Đông và ĐCS TQ nhằm đánh bẫy những người bất đồng chính kiến cho họ xuất đầu lộ diện để sau này dễ bề tiêu diệt họ) và tiếng vang của Hội nghị Trung ương ĐLĐVN (tức là ĐCS) tháng 9.1956 chính thức thừa nhân những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ và đưa ra nhiệm vụ “sửa sai”.

Vì thế, mặc dù “Giai Phẩm Mùa Xuân” bị thu hồi, nhưng đến tháng 8.1956 “Giai Phẩm Mùa Thu” tập I vẫn cứ ra, rồi tiếp theo là tập II. Trong tập I có những bài khá thẳng thắn, như “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” của Trương Tửu, “Bức thư gửi một người bạn cũ” của Trần Lê Văn và đặc biệt là bài báo bộc trực “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” của Phan Khôi. Tờ báo tư nhân duy nhất còn lại từ thời Pháp chiếm đóng, báo “Thời Mới” của Hiền Nhân, đã coi bài này của cụ Phan là “quả bom tạ nổ giữa Hà Thành”.

Đến ngày 20.9.1956, báo “Nhân Văn” ra số 1, có ghi rõ tên người chủ nhiệm Phan Khôi, thư ký toà soạn Trần Duy. Ngay trên trang đầu, toà soạn đã tuyên bố rõ ràng: “...báo “Nhân Văn” đứng dưới sự lãnh đạo của ĐLĐVN, theo chủ nghĩa Mác-Lênin với tinh thần thực tiễn, để xúc tiến công cuộc củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà, để đi đến thực hiện chủ nghĩa xã hội, theo như ý muốn của Đảng cũng là ý muốn của nhân dân cả nước” (nguyên văn). Trong số 1 có một bài ngắn mang tựa đề: “Ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Giáo sư đại học”, trong đó ông Tường trình bày ý kiến thẳng thắn về mở rộng tự do và dân chủ. Một bài khác với tựa đề: “Chống bè phái trong văn nghệ” của Trần Công với lời lẽ nhẹ nhàng, lịch sự, tác giả dám đề cập đến sự độc đoán của nhóm lãnh đạo văn nghệ. Chắc bài này đã “chạm nọc” một số quan chức văn nghệ hồi đó. Một bài thơ của Lê Đạt nhan đề “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” với câu “Phải hiểu, phải yêu, phải quý trọng con người”. Đặc biệt nhất trong số 1 là bài ký dài của Hoàng Cầm, với tựa đề: “Con người Trần Dần”, đã kể lại bi kịch tình yêu của Trần Dần, việc Trần Dần đã hai lần bị bắt và có lần đã tự cắt cổ mình, những lần bị “kiểm thảo” vì bài thơ “Nhất định thắng” của ông. Qua bài ký đó, Hoàng Cầm đã hé tấm màn bí mật về sự đàn áp tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Một bức ký hoạ của Nguyễn Sáng vẽ chân dung Trần Dần với vết thương chéo ngang cổ đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Trong ngày báo “Nhân Văn” ra mắt số đầu tiên, cả Hà Nội nhốn nháo, sôi động, người người truyền tin cho nhau, rộn ràng chạy đi tìm mua báo, và số báo hôm đó “bán chạy như tôm tươi”. Nhiều người mua hai, ba số để gửi cho bạn bè các nơi khác. Tờ báo mới ra đời đã gây dư luận xôn xao ở Hà Nội, rồi lan xuống Hải Phòng, Nam Định và truyền đi nhiều nơi khác.

Phản pháo của Đảng

Năm ngày sau, 25.9.1956, báo “Nhân Dân” của Đảng tung ra một bài dài của Nguyễn Chương, phó trưởng ban tuyên huấn trung ương, cố tình ghép tội chính trị cho báo “Nhân Văn” là “muốn nhân việc phê bình lãnh đạo văn nghệ hẹp hòi, mệnh lệnh mà làm cho người ta tưởng rằng toàn bộ sự lãnh đạo của ĐLĐVN và toàn bộ chế độ chính trị ở miền Bắc là độc đoán, độc tài, chà đạp con người, không có nhân văn” (nguyên văn). Những ngày sau, các báo khác của Đảng đồng loạt đăng nhiều bài phê phán kịch liệt “Nhân Văn” với giọng điệu giống nhau, với lời buộc tội tương tự: báo “Nhân Văn” đánh vào đảng lãnh đạo, đánh vào chế độ.

Nhưng những bài trên báo chí “chính thống” thường quá nhiều chất “lưỡi gỗ”, kém tính thuyết phục đối với đông đảo dân Hà Nội, vì họ cảm thấy bằng kinh nghiệm bản thân là báo “Nhân Văn” nói thật. Ai chứ những ông Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo... thì chẳng lạ gì với dân Hà Nội và họ thành thực có cảm tình. Vì thế, dù bị công an doạ dẫm, các cán bộ đảng ở cơ sở răn đe, nhiều trí thức, sinh viên, giáo viên vẫn cứ công nhiên cổ động cho báo “Nhân Văn”, phản bác lại những điều báo Đảng viết. Hăng nhất là sinh viên, nơi các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường giảng dạy.

Một hiện tượng nữa cho thấy ảnh hưởng của “Nhân Văn-Giai Phẩm” đối với thanh niên là hồi đó họ thường ngâm nga, như lời cửa miệng, mấy câu thơ nổi tiếng“Đem bục công an/đặt giữa trái tim người/Bắt tình cảm ngược xuôi/Theo luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), “Tôi bước đi/không thấy phố/không thấy nhà/Chỉ thấy mưa sa/trên màu cờ đỏ” (Trần Dần). Tôi còn nhớ một chuyện làm dư luận ở Hà Nội hồi đó rất phẫn nộ, là theo lệnh “trên”, Sở Báo chí của Thủ tướng phủ đã phái cán bộ của Sở, tên là Thiết Vũ, đưa một bài phê phán báo “Nhân Văn” đến cho tờ “Trăm Hoa” và yêu cầu đăng. Chủ bút Nguyễn Bính không chịu nhận bài. Thiết Vũ nài ép không được, thế là anh chàng vũ phu kia đã hành hung nhà thơ. Dư luận phản đối ầm lên một dạo.

Đàn áp khủng bố

Vượt qua bao khó khăn do nhà cầm quyền gây ra, báo “Nhân Văn” ra được năm số. Đến số 6, khi nhà in đã lên khuôn, thì trưởng ban tuyên huấn trung ương Tố Hữu hô hoán ầm lên rằng trong số 6, Nguyễn Hữu Đang trắng trợn xúi giục dân chúng biểu tình trong dịp Quốc hội họp, âm mưu gây bạo loạn. Rồi... theo một kế hoạch định sẵn, những tuyên bố đồng loạt được tung lên, đặc biệt là tuyên bố của “235 văn nghệ sĩ Nam Bộ” (thật ra, đây là tác phẩm nguỵ tạo của báo “Thống Nhất”) đăng trên báo “Nhân Dân” ngày 15.12.1956 buộc tội cho báo “Nhân Văn” để cho kẻ địch lợi dụng, gây chia rẽ Bắc Nam, gây sự hiểu lầm về chế độ tốt đẹp của miền Bắc, nguy hại cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Cùng ngày đó, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội đã ra lệnh cấm báo “Nhân Văn”, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh ra sắc lệnh báo chí. Thế là những tờ “Trăm Hoa”, “Đất Mới”, “Giai Phẩm”... đều bị bóp chết không kèn không trống.

Về sau, số phận những người tham gia vào trào lưu Nhân Văn-Giai Phẩm này như thế nào thì chắc nhiều người đã biết. Người ta đã trắng trợn biến chuyện văn chương thành một “vụ án gián điệp”. Nhà văn nữ Thuỵ An chẳng dính dấp gì đến báo “Nhân Văn” cũng bị ghép vào nhóm “Nhân Văn” và ngày 21.1.1960 đưa ra xử trong “vụ án gián điệp” cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo (nhà xuất bản Minh Đức) và Phan Tài và Lê Nguyên Chi (hai người này bị coi là tòng phạm). Nhà văn Thuỵ An và nhà hoạt động văn hoá Nguyễn Hữu Đang mỗi người lĩnh án 15 năm tù ngồi, nhà xuất bản Minh Đức – 10 năm tù ngồi, tịch thu tài sản, hai tòng phạm – mỗi ông lĩnh 5 năm tù. Nhưng đó chỉ mới là mặt nổi của tảng băng mà thôi. Số còn lại thì người ta không công khai xét xử tại toà án, nhưng lại ngấm ngầm tống vào tù, như các ông Phùng Cung, Trần Duy, Phan Tại, Hoàng Công Khanh, Tuân Nguyễn... Riêng nhà thơ Phùng Cung “âm thầm” ngồi tù đến 12 năm – từ tháng 12.1961 đến tháng 11.1972, qua nhiều nhà tù độc ác nhất trên miền Bắc, bị biệt giam nhiều lần với cùm kẹp man rợ. Nhà văn Phan Khôi, các giáo sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh đều bị cách chức, bao vây kinh tế và quản thúc cho đến cuối đời. Có người bị đày đoạ đến đói khổ, như luật sư Nguyễn Mạnh Tường... Các văn nghệ sĩ có dính đến Nhân Văn-Giai Phẩm đều bị “kỷ luật” – trên văn bản ghi hai, ba năm, nhưng thực tế thì kéo dài đến 30 năm. Trong thời gian đó họ bị đưa đi lao động cải tạo, bị cô lập, bị “treo bút”, nghĩa là suốt 30 năm không một tác phẩm nào của họ được phép xuất bản, như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan, Quang Dũng...

Khốn khổ nhất là những người gọi là “Nhân Văn phường”, “Nhân Văn xã”, “Nhân Văn huyện”... tức là những người có cảm tình với “Nhân Văn” ở khắp nơi, đã từng ủng hộ, bênh vực, chuyền tay báo, thậm chí chỉ đọc hay lưu giữ báo “Nhân Văn”, đều bị công an địa phương ghép tội “liên quan với “Nhân Văn”, thế là suốt đời bị kỳ thị, bị nghi ngờ. Mà “cái án” này thì không bao giờ được xoá cả. Đó là khổ nạn của người dân có chút đầu óc suy nghĩ.

Trận đòn chí mạng mà ĐCS đánh vào trào lưu Nhân Văn-Giai Phẩm không chỉ gây đau thương cho hàng trăm, hàng ngàn con người, mà nghiêm trọng nhất là nó đã đánh gục hầu như cả một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ miền Bắc, dìm họ trong nỗi khiếp sợ triền miên, đè bẹp trí sáng tạo của họ, tạo nên một nếp nghĩ theo công thức chết cứng của Đảng, tạo nên một thứ “văn nghệ minh hoạ” (hay còn gọi là “văn nghệ phải đạo”) tồi dở. ĐCS đã làm cho cả một nền văn học, nghệ thuật, văn hoá, giáo dục bị lụn bại, méo mó, què quặt, thụt lùi hàng mấy chục năm trời so với trước. Suy cho cùng, đây chính là tội ác lớn nhất của Đảng đối với Dân tộc.

Hồn tự do bất diệt

Một điều cần nhấn mạnh, dù đảng cầm quyền đàn áp tàn bạo trào lưu dân chủ đến thế nào đi nữa, nhưng trong lòng Dân tộc, hồn tự do bất diệt vẫn sống mãi, khát vọng dân chủ mãnh liệt vẫn sục sôi, khi có điều kiện thì lại bùng lên không thể nào dập tắt được. Hồi năm 1987, sau nhiều năm cầu xin, cuối cùng thì “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ” được thành lập, do nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hộ làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã phát huy tinh thần tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và dù không được phép vẫn cho ra báo “Truyền Thống Kháng Chiến” với 2 ngàn bản in. Câu lạc bộ đã dám thảo luận những vấn đề chính trị rất hóc búa, như yêu cầu Bộ chính trị và Ban bí thư kiểm điểm công việc của mình trước Trung ương, yêu cầu thi hành kỷ luật những bộ trưởng, thứ trưởng phạm sai lầm để cho 10 triệu dân miền Bắc bị đói năm 1987, yêu cầu Trung ương đừng “độc diễn” khi Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà để cho Quốc hội được bầu cử dân chủ... Đảng cầm quyền tức giận, bắt đầu đàn áp những người tham gia Câu lạc bộ thì ông Nguyễn Hộ – người đảng viên với 50 tuổi đảng – đã tuyên bố ra khỏi ĐCSVN (1990).

Trong năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ – sự thật là chỉ tạm thời nới lỏng dây trói thôi – thì giới trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà báo đã biết nhân cơ hội đó vươn lên. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra bản “Đề cương đề dẫn thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học”, một lần nữa đặt lại quan hệ giữa văn học và chính trị, phản đối dung tục hoá mối quan hệ này, phản đối sự “tuyệt đối hoá chính trị, tuyệt đối hoá sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học” (nguyên văn), nói một cách khác văn học đòi “tự do”, đòi thoát khỏi sự đè đầu cưỡi cổ của “đảng tính”. Thật ra cũng không khác mấy yêu cầu đòi Đảng “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ” mà Trần Dần đã đưa ra hồi cuối năm 1954 đầu năm 1955, khởi đầu cho trào lưu “Nhân Văn-Giai Phẩm”. Một phong trào sáng tác mạnh mẽ đã được dấy lên: nhiều tác phẩm vang dội một thời đã xuất hiện, như “Thời Xa Vắng” (1986) của Lê Lựu, “Tiểu Thuyết Vô Đề” “Thiên Đường Mù” và “Bên Kia Bờ Ảo Vọng” (1987) của Dương Thu Hương, “Ly Thân” (1987) của Trần Mạnh Hảo, “Lời Khai Của Bị Can” (1987) của Trần Huy Quang, “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì” (1988) của Phùng Gia Lộc, “Tiếng Đất” (1988) của Hoàng Hữu Cát, “Mùa Lá Rụng Trong Vườn” (1985) của Ma Văn Kháng, “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Hữu Thiệp... Văn thơ của Nguyễn Minh Châu, Trần Vàng Sao, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo, hội hoạ của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bửu Chỉ, kịch nghệ của Lưu Quang Vũ, Tất Đạt... đã để lại những dấu ấn đẹp cho thời kỳ đó. Những đổi thay của báo chí cũng khá tích cực, nổi bật là tuần báo “Văn Nghệ” dưới thời tổng biên tập Nguyên Ngọc, “Sông Hương” với tổng biên tập Tô Nhuận Vĩ, “Lang Bian” với tổng biên tập Bùi Minh Quốc, “Tuổi Trẻ” với tổng biên tập Vũ Kim Hạnh. Cũng cần nhắc đến vai trò của ông Trần Độ, hồi đó là trưởng Ban Văn nghệ Trung ương đã có công thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ chính trị ra nghị quyết 05 (công bố đầu tháng 12.1987) với tinh thần nới rộng tự do cho văn nghệ sĩ, phần nào đã có tác dụng mở đường cho các tác phẩm tốt ra đời. Về ấn phẩm bí mật thì phải kể đến tờ “Diễn Đàn Tự Do” do Giáo sư Đoàn Viết Hoạt chủ trương. Một thời gian sau thì đảng cầm quyền hoảng sợ, lại siết chặt dây trói, lại bày ra “vụ án Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ”, đưa vào tù các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Đình Mạnh... cuối cùng là ông Nguyễn Hộ, “vụ án Lang Bian” với việc khai trừ khỏi ĐCS và quản chế nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và đàn áp Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Ông Nguyên Ngọc, bà Vũ Kim Hạnh đều bị gạt ra khỏi cương vị tổng biên tập các báo họ đã phụ trách. Các nhà tu hành từng ủng hộ ĐCS trong cuộc chiến tranh miền Nam, đến khi họ cất tiếng nói chính nghĩa cũng bị đàn áp, tù đày, quản chế, như Linh mục Chân Tín, ông Nguyễn Ngọc Lan... Đó là chưa nói đến vụ án Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt với mức án cực kỳ nặng.

Đấu tranh không ngừng

Trong tình hình vô cùng khó khăn đó, cuộc đấu tranh đòi dân chủ hoá vẫn không ngừng tiến tới. Các nhà cách mạng lão thành Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Lê Giản, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Trấn, Ngô Thức, Trần Độ, Nguyễn Văn Đào, Hoàng Hữu Nhân, Lê Hồng Hà, Trần Dũng Tiến, Vũ Huy Cương... đã cất cao tiếng nói chính nghĩa của mình. Ông Nguyễn Hộ đã cho ra tập luận văn “Quan Điểm Và Cuộc Sống”, ông Nguyễn Văn Trấn – tập tạp luận “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội”, ông Hà Sỹ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) – ba tập sách “Dắt Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ”, “Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân” và “Chia Tay Ý Thức Hệ”, Trần Thư – “Người Tù Bị Xử Lý Nội Bộ”, Hoà Thượng Thích Quảng Độ – “Nhận Định Những Sai Lầm Tai Hại Của Đảng Cộng Sản Việt Nam Đối Với Dân Tộc Và Phật Giáo Việt Nam”, ông Trần Độ – “Hồi Ký”, Tiêu Dao Bảo Cự – “Nửa Đời Nhìn Lại”, Trần Khuê – “Đối Thoại”... Nhiều người khác, như Lữ Phương, Nguyễn Kiến Giang, Nguyên Phong Hồ Hiếu, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... cũng đã công bố những luận văn, những nghiên cứu của mình để chỉ rõ con đường tất yếu phải dân chủ hoá Đất nước. Cũng chính trong thời gian này, một tờ báo bí mật nhỏ nhắn viết rất hay mang tên “Người Sài Gòn” mà người ta đồ rằng do Ông Già Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn làm. Tờ báo được những người dân chủ đón nhận rất nồng nhiệt.

Bước vào thế kỷ mới, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho ra “Chuyện Kể Năm 2000”, nhưng bị thu hồi ngay, ông Nguyễn Thanh Giang tự xuất bản “Suy Tư Và Ước Vọng” cũng bị tịch thu. Tướng Trần Độ định cho ra “Nhật Ký Rồng Rắn” nhưng bị công an cướp đoạt ngay khi sắp đưa đi photocopy. Ông Vũ Cao Quận định ra cuốn “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” cũng bị chặn lại và tước ngay.

Nhiều người đã phải trả giá rất đắt cho quyền tự do phát biểu của mình bằng sự mất tự do, tức là bằng nhiều năm cầm tù, quản chế, bằng những sách nhiễu thường xuyên của nhà cầm quyền...

Phong trào sôi động

Ngày 21.2.2001, từ Thanh Minh thiền viện ở Sài Gòn, Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoà Thượng Thích Quảng Độ đã công bố “Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam” với sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước rất rõ ràng và cụ thể. Đến năm 2005, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, thay mặt Cao Trào Nhân Bản, đã đưa ra “Lộ Trình 9 Điểm Nhằm Dân Chủ Hoá Việt Nam”. Và đặc biệt là ngày 8.4.2006, 118 nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước đã tung ra bản “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006” có tính chất cương lĩnh của phong trào dân chủ, minh định mục tiêu, phương pháp đấu tranh của những người dân chủ. Tuyên Ngôn đó được nhiều người trong nước nhiệt tình đón nhận, tính đến nay đã có trên 2 ngàn người khắp các tỉnh thành trong cả nước can đảm ký tên và được người Việt ở hải ngoại hoan nghênh nồng nhiệt. Tuyên Ngôn 2006 cũng được dư luận thế giới biết đến và ủng hộ. Mười mấy ngày sau, vào ngày 15.4.2006, tờ bán nguyệt san “Tự Do Ngôn Luận” do Linh mục Têphanô Chân Tín làm chủ nhiệm đã ra số đầu tiên từ trong nước mà không cần xin phép. Đây là một tờ báo giấy được phổ biến ở khắp ba miền đồng thời được đưa lên mạng lưới điện tử. Cho đến ngày 15.11.2006, tờ “Tự Do Ngôn Luận” ra được 15 số. Đó là một cố gắng rất lớn của những người chủ trương và những người ủng hộ bán nguyệt san. Nhà văn Hoàng Tiến cùng với bốn nhà trí thức ở Hà Nội định ra tờ báo in “Tự Do Dân Chủ” vào ngày 15.8.2006 thì ba ngày trước đó công an đã xông vào nhà thô bạo lùng sục, cướp đi mọi phương tiện, nên tờ báo in không ra được.Tuy nhiên, đến ngày 2.9.2006 báo “Tự Do Dân Chủ” điện tử đã xuất hiện trên mạng. Và ngày 15.9.2006, tờ bán nguyệt san “Tổ Quốc”, tiếng nói từ suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam, cũng đã ra số 1 từ trong nước do những cây bút trong nước với sự cộng tác của một số cây bút ngoài nước. Đến nay tờ “Tổ Quốc” đã ra được 5 số. Đây cũng là báo giấy đồng thời là báo điện tử.

Về mặt tổ chức cũng đã xuất hiện những tập hợp, những hiệp hội, nghiệp đoàn rất độc đáo trong năm nay. Ngày 8.5.2006, các bạn trẻ du học sinh Việt Nam ở nhiều nước, như Nguyễn Tiến Trung, Hoàng Lan... đã cùng một số sinh viên, học sinh trong nước thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ và Tập Hợp này đã có những hoạt động của tuổi trẻ rất ngoạn mục. Tiếp đến, ngày 1.6, ông Hoàng Minh Chính đã tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam, thực chất là cho ra đời một Đảng Dân Chủ mới gọi là Đảng Dân Chủ (XXI) với Cương Lĩnh và Điều Lệ hoàn toàn mới. Ngày 8.9, Đảng Thăng Tiến Việt Nam đã tuyên bố thành lập với Cương Lĩnh đấu tranh rõ ràng và có cơ quan đại diện đặt ở nhiều nước. Đến ngày 16.10, sau bao nhiêu ngày tháng vận động vất vả, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền đã thành lập. Đây là cố gắng lớn để tập hợp mọi lực lượng đấu tranh cho dân chủ vào một mặt trận có tính đại diện rộng rãi. Ngày 20.10, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ra đời với sứ mệnh đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động Việt Nam, chống ách áp bức bóc lột người lao động. Đây là một sự kiện rất mới trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam đến nỗi bà Cù Thị Hậu, đại diện cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã kêu gọi tại Quốc Hội Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần phải tăng cường giúp đỡ cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không thì Công Đoàn Độc Lập Việt Nam sẽ tranh thủ mất quần chúng công nhân. Để ủng hộ cho phong trào công nhân lao động trong nước, từ ngày 28 đến ngày 30.10, “Hội Nghị Warszawa 2006” quy tụ nhiều đại biểu từ nhiều nước trên thế giới đã họp tại đại sảnh Quốc Hội Cộng Hoà Ba Lan và đã bầu ra Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, đánh dấu sự kết hợp hài hoà và chặt chẽ cũng như sự ủng hộ lẫn nhau giữa phong trào trong nước và ngoài nước. Cũng cần nói rõ là ngày 27.10, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đã tuyên bố thành lập, Hội tuyên bố sẽ kết nạp tất cả mọi tù nhân chính trị, lương tâm và tôn giáo đã từng bị tù đày dưới chế độ độc tài toàn trị trước và sau năm 1975. Tin chắc rằng Hội Ái Hữu này sẽ có số hội viên rất đông đảo ở khắp mọi miền đất nước. Còn đến ngày 30.10, Hiệp Hội Đoàn Kết Công - Nông Việt Nam đã ra đời với các đại biểu công nhân và nông dân. Nếu tất cả các tổ chức này chịu khó đi sâu vào quần chúng và hoạt động vì lợi ích thiết thực của quần chúng, đồng thời biết tự bảo vệ mình, thì cái lực lượng quần chúng này sẽ có sức mạnh lớn lao.

Về mặt đấu tranh của quần chúng, thì một hiện tượng nổi bật nhất trong đầu năm nay là phong trào đình công, biểu tình của công nhân lao động đã bùng nổ, bắt đầu từ Sài Gòn Bình Dương, Vũng Tàu rồi lan rộng ra toàn miền Nam, lan ra miền Trung, miền Bắc thu hút đến trên 100 ngàn người tham gia đấu tranh, bất chấp sự cản trở ngăn cấm của nhà cầm quyền. Các cuộc đình công biểu tình này hoàn toàn có tính tự phát với những yêu sách đơn thuần về mặt kinh tế. Tuy vậy, chúng cũng phần nào mang màu sắc chính trị rõ rệt, vì chúng đi ngược lại ý muốn của kẻ cầm quyền, phơi bày cái mặt thật của đảng cộng sản và giai cấp cầm quyền, ngoài miệng tự xưng là đảng của giai cấp công nhân, chính quyền của công nhân và nhân dân lao động, nhưng lại ra mặt bênh vực giới chủ nhân, đàn áp công nhân lao động, thậm chí bắt bớ nhiều người cầm đầu của công nhân. Một phong trào nữa bền bỉ, dai dẳng hàng chục năm nay, vừa qua lại bột phát mạnh mẽ hơn nữa là phong trào khiếu kiện của dân oan. Những đoàn dân oan từ các tỉnh khắp nước kéo về Hà Nội, Sài Gòn để đòi lại đất đai, nhà cửa bị cưỡng chiếm bởi bọn “cường hào ác bá” mới. Nhiều đại biểu dân oan đã liên kết với những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, có nhiều người đã ký tên vào bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006, điều đó làm cho kẻ cầm quyền rất lo sợ. Vấn đề đất đai ngày nay đã trở thành vấn đề sinh tử của quần chúng, người ta đã lao vào đấu tranh không còn biết sợ nữa. Đó là một điểm rất mới của phong trào quần chúng hiện nay. Chẳng hạn, như cuộc đấu tranh vừa qua của nhân dân ba xã huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã kéo lên Hà Nội để khiếu kiện đất đai. Hàng ngàn dân chúng đã kéo đến trước cửa trụ sở Quốc Hội 35 phố Ngô Quyền phản đối việc lấy đất đai của họ để xây dựng khu đô thị Văn Giang, theo như dự án đã được chính phủ thông qua. Quần chúng đứng chật ních trên vỉa hè trước trụ sở Quốc Hội, bao vây cả ngày liền đêm trong năm ngày, làm cho Văn phòng Quốc Hội phải đóng cửa mấy ngày liền, nhân viên của Văn phòng phải đi cửa sau để đến chỗ làm việc. Trong lúc đó, lực lượng công an chỉ đứng dưới đường chứ không dám hung hăng can thiệp như trước. Đây là biểu hiện rõ nét của sức mạnh quần chúng khiếu kiện.

Thế là trên chặng đường gian khổ đầy máu và nước mắt dài dằng dặc suốt 50 năm qua, biết bao chiến sĩ dân chủ đã bị hy sinh, đã bị đày đoạ khốn khổ trong ngục tù, nhưng hàng loạt các chiến sĩ khác vẫn tiếp tục dũng cảm xông tới không ngừng để chống lại bạo quyền và thúc đẩy cuộc đấu tranh hoà bình, bất bạo động nhằm chuyển hoá Đất nước ta từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên, đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn thể dân ta.

Điều đáng mừng là bên cạnh các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ không mệt mỏi trong nhiều năm qua, như các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Vũ Huy Cương, Vũ Cao Quận, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hoàng Tiến, Trần Khuê, như hai‎ vị đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các nhà tu hành Thích Tuệ Sỹ, Thích Thiện Hạnh, Thích Thiện Minh, Thích Không Tánh, Chân Tín, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Lê Quang Liêm, v.v... đã xuất hiện thêm nhiều chiến sĩ dân chủ mới rất dũng cảm, năng động, thông minh, sắc sảo, như Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Phương Nam Đỗ Nam Hải, Trần Mạnh Hảo, Bạch Ngọc Dương, Phan Thế Hải, nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thuỷ, hai mục sư Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Công Chính, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Bùi Kim Thành, v.v...2 Ngay cả những cán bộ đảng viên, những cựu công thần của ĐCS, như các ông Phạm Văn Xô, Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Thi, tướng Nguyễn Nam Khánh, cựu phó thủ tướng Đoàn Duy Thành, cựu thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Tài... cũng đã cất cao tiếng nói thẳng thắn vạch mặt những kẻ lãnh đạo độc tài mang tính lưu manh trong Đảng, như Đỗ Mười, Lê Đức Anh. Một số cán bộ đảng viên đã từng giữ những trọng trách trong ĐCS cũng đã nhập cuộc vào việc vận động dân chủ theo cách riêng của họ, như các ông Phan Đình Diệu, Nguyễn Trung Thành, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Luật sư Trần Lâm, Đặng Văn Việt, Trần Quốc Toản, v.v...

Cũng rất đáng mừng là ngày nay, việc kết hợp đấu tranh giữa trong nước và ngoài nước đã chặt chẽ và nhịp nhàng hơn trước. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã có nhiều khả năng chi viện cho phong trào trong nước, cũng như khả năng vận động chính giới của các nước dân chủ, vận động dư luận và các tổ chức quốc tế yểm trợ cuộc đấu tranh để dân chủ hoá Đất nước ta, nhờ đó đã tạo thêm được nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho phong trào trong nước.

Tất cả những điều đó đem lại niềm tin vững chắc cho mọi người đang tranh đấu vì tự do dân chủ: dù có gian nguy thế nào đi nữa, dù kẻ thù của tự do dân chủ có đàn áp, khủng bố ác liệt đến thế nào đi nữa, nhưng cái chế độ độc tài toàn trị lỗi thời nhất định sẽ bị thay thế bởi thể chế dân chủ đa nguyên, có khả năng tạo điều kiện cho Đất nước tiến lên mạnh mẽ, đem lại tự do, công bằng xã hội và phúc lợi chung cho mọi công dân.

Moskva, 11.11.2006

Nguyễn Minh Cần

Ghi chú:

1. Số nạn nhân dẫn theo bộ “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam” gồm 3 tập, tập I (1945-1954), tập II (1955-1975), do Viện Kinh tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội. Trong sách có ghi rõ CCRĐ đã tiến hành ở 3563 xã với 10 triệu dân số mà tỷ lệ địa chủ được quy định là 5% (xem tr.85-86 tập II) thì số bị quy là “địa chủ” phải lên tới trên 500 ngàn người.

2. Chúng tôi chỉ xin dẫn tên những người trong nước, và chắc chắn là còn thiếu sót nhiều. Xin bạn đọc lượng thứ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn