BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

GS. Phan Huy Lê lần đầu tiên công bố trên truyền thông nhà nước:‘Anh hùng Lê Văn Tám’ hoàn toàn không có thật

15 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 2059)
GS. Phan Huy Lê lần đầu tiên công bố trên truyền thông nhà nước:‘Anh hùng Lê Văn Tám’ hoàn toàn không có thật
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00


HÀ NỘI (NV)- Giáo Sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, vừa lên tiếng chính thức trên truyền thông nhà nước và khẳng định rằng nhân vật “anh hùng Lê Văn Tám” là hoàn toàn không có thật.

Giáo Sư Phan Huy Lê công bố việc này trong một bài viết được đăng trên tạp chí Xưa và Nay của của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, số ra Tháng Mười, năm 2009.Bài viết sau đó được báo Khoa Học và Đời Sống (www.bee.net.vn) đưa lên mạng vào ngày 14 Tháng Mười, năm 2009, với tựa đề “GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám.”

Đây được coi là lần đầu tiên Giáo Sư Phan Huy Lê lên tiếng về sự kiện này trên một cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước Việt Nam.

Cách đây hơn 4 năm, trên báo Người Việt số ra ngày 19 Tháng Ba, 2005, lần đầu tiên Giáo Sư Phan Huy Lê đã bạch hóa việc nhân vật “anh hùng Lê Văn Tám” là không có thật. Trả lời phỏng vấn, Giáo Sư Phan Huy Lê nói rằng, “trong một dịp thuận tiện” ông sẽ công bố sự kiện này trên truyền thông tại Việt Nam.

Sau khi đọc được bài viết trên trang mạng www.bee.net.vn, nhật báo Người Việt đã gọi điện về Hà Nội hỏi chuyện Giáo Sư Phan Huy Lê, tuy nhiên ông đang đi công tác tại Hải Phòng nên không liên lạc được.

Trong bài viết trên tạp chí Xưa và Nay, Giáo Sư Phan Huy Lê nhấn mạnh khi giải thích về nhân vật Lê Văn Tám, rằng: “Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.”

Tưởng cũng xin nhắc lại về nhân vật anh hùng Lê Văn Tám: Bất cứ ai đã từng là học trò tại miền Bắc Việt Nam những năm trước 1975 và cả Việt Nam sau 1975 đều biết về câu chuyện Lê Văn Tám, một thiếu niên hơn 10 tuổi, bán đậu phộng rang vì lòng yêu nước căm thù giặc Pháp đã tẩm xăng vào người làm “ngọn đuốc sống” đốt kho đạn giặc tại Thị Nghè thành phố Sài Gòn vào ngày 1 Tháng Giêng, năm 1946.”

Câu chuyện về người thiếu niên dũng cảm này đã đưa vào sách giáo khoa dành cho lớp 4 hoặc lớp 5. Nó được truyền tụng tới mức rất nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam lấy tên Lê Văn Tám đặt cho các trường học, tượng đài, công viên, đường phố. Tại các trường học, tên Lê Văn Tám cũng được đặt cho các chi đội, liên đội thuộc tổ chức “Đội Thiếu Niên Tiền Phong.”

Những giải thích về lý do vì sao lại có nhân vật “anh hùng Lê Văn Tám” của Giáo Sư Phan Huy Lê trên tạp chí Xưa và Nay không khác lắm với lời giải thích của ông với báo Người Việt cách đây hơn 4 năm.

Giáo Sư Phan Huy Lê kể lại câu chuyện ông có dịp làm việc với Giáo Sư Sử Học Trần Huy Liệu vào những năm 1960, lúc ấy ông Trần Huy Liệu là phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, kiêm viện trưởng Viện Sử Học. Ông Trần Huy Liệu mất năm 1969.

Giáo Sư Phan Huy Lê tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của Giáo Sư Trần Huy Liệu, như sau: “Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng Tháng Mười, 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.”

“GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.”

Giáo Sư Phan Huy Lê nhấn mạnh là “GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.”

Theo lời Giáo Sư Lê thì, “Giáo Sư Trần Huy Liệu giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách Mạng Tháng Tám. Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức bộ trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền trong chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.”

Giáo Sư Phan Huy Lê cũng nói lại điều căn dặn của Giáo Sư Trần Huy Liệu là: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”

“Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.” Giáo Sư Phan Huy Lê viết.

Giáo Sư Lê khẳng định: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.”

Điều này trùng hợp với lời khẳng định của ông trên báo Người Việt 4 năm về trước, rằng: “Là những nhà sử học, chúng tôi phải giữ một thái độ trung thực và phải tiếp cận với sự việc càng rõ ràng càng tốt và vì thế tôi đã công bố ‘lời nhắn nhủ’ của anh Trần Huy Liệu.”

Hồi năm 2005, trong cuộc họp với hãng phim truyền hình Việt Nam (thuộc đài truyền hình VN) Giáo Sư Phan Huy Lê, từng nói về chi tiết phi lý về “Lê Văn Tám” rằng: “Cậu bé Lê Văn Tám sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ, và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến phản bác lại những gì Giáo Sư Phan Huy Lê công bố.

Sau bài trên báo Người Việt (Tháng Ba, năm 2005), thì ba năm sau, tờ Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày Thứ năm, 16 Tháng Mười, 2008, có bài viết tựa đề “Về cây đuốc sống Lê Văn Tám” của ông Trần Trọng Tân, nguyên là trưởng ban Tư Tưởng Văn Hóa Thành Ủy, thành phố Sài Gòn. Trong bài này, ông Trần Trọng Tân nói rằng: “Có người đã gửi cho tôi một tài liệu được lấy trên mạng thông tin điện tử, trong đó Giáo Sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: ‘Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật’.”

Sau khi dẫn ra nhiều tư liệu, ông Trần Trọng Tân khẳng định rằng “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực.

Ông Tân viết: “Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17 Tháng Mười. 1945 và ngày 8 Tháng Tư, 1946; trận ngày 17 Tháng Mười, 1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành ‘cây đuốc sống’; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.”

Tuy vậy, ý kiến của ông Trần Trọng Tân không được dư luận đồng tình, bởi ông không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp. (K.N)

Khôi Nguyên, Người Việt
15/10/2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn