Một nhóm 42 nhân sỹ, trí thức TP HCM hôm thứ Sáu 7/12 gửi ra thông báo "Về việc tổ chức mít tinh phản đối những hành động gây hấn những ngày gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Thông báo có chữ ký của các vị như Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng và GS Tương Lai... nói rõ họ sẽ "tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn Thành phố vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày Chủ nhật 9/12/2012 để biểu thị ý chí và thái độ của nhân dân Thành phố trước những hành động gây hấn ngang ngược, phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Thông báo này cũng kêu gọi "đồng bào, nhân sĩ, trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh hưởng ứng và tham gia hoạt động được tổ chức sáng 9/12/2012 để phản đối những hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Những người tổ chức cho hay trong cuộc mít tinh họ sẽ sử dụng các khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Cực lực phản đối những hành động gây hấn gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc" và "Cần có những biện pháp hiệu quả bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo Việt Nam".
Họ cũng yêu cầu chính quyền TP HCM có biện pháp hỗ trợ an ninh cho điều mà họ gọi là hoạt động yêu nước này.
Ngăn chặn biểu tình
Sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 năm 2011, ở TP HCM cũng đã có biểu tình chống Trung Quốc.
Tuy nhiên khác với Hà Nội, nơi trong suốt mùa hè 2011 diễn ra nhiều cuộc tuần hành, ở đô thị lớn nhất Việt Nam chỉ có hai cuộc.
Cuộc đầu tiên hôm 5/6/2011 có sự tham gia của hàng nghìn người, nhưng con số người tham gia hoạt động hôm 12/6 giảm đáng kể sau khi giới chức có biện pháp ngăn cản.
Một người tham gia tuần hành ở TP HCM lúc đó nói với BBC rằng cơ quan công an đã "chia cắt" đoàn biểu tình làm nhiều nhóm nhỏ. Sau khi bị phân tán,đến khoảng sau 11 giờ hoạt động cũng chấm dứt.
Lực lượng an ninh ở TP HCM bị cáo buộc đã bắt đi một số người.
Sau lần đó, không có thêm tuần hành phản đối Trung Quốc ở TP HCM.
Sau khi các lời kêu gọi được tung ra trên mạng lần này, những người tự gọi là 'biểu tình viên' cũng cảnh báo nhau về các phương thức ngăn cản biểu tình của an ninh Việt Nam.
Một trong những người tham gia nhiều cuộc tuần hành, Nguyễn Lân Thắng, viết trên trang Facebook cá nhân: "Mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình, việc đầu tiên là các hồng vệ binh ào ạt đánh phá, bôi nhọ bằng các thủ thuật nguỵ biện tinh xảo..."
"Bước 2, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để lôi bọn tích cực biểu tình ra giáo dục... Bước 3, các chốt dân phòng được thiết lập nhằm ngăn chặn từ xa... Bước 4, đài báo loan tin là mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát, mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo..."
"Mình dự báo kịch bản vẫn theo các bước như thế..."
07-12-2012
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn