BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

BIỂN NHỚ

27 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 6146)
BIỂN NHỚ
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
57

Chương 5: Về trại Palawan lần cuối


Tháng bảy bão lớn, gió đôi khi thổi tắt bếp gaz, sóng lắc đổ cả nồi chén nên chúng tôi phải phát bánh lạt muối và chút đỉnh mứt cho các thiuyên nhân ăn dằn bụng.

Mai trở lại trại, niềm vui hiện rõ lên mặt mỗi người lẫn với nỗi buồn man mác trước ngày chia tay. Kỳ này chỉ vớt được một trăm hai mươi người nên có phần gần gũi hơn là với những nhóm trước.

Chiều chiều, chúng tôi hay tổ chức chop từng toán mười người đi viếng từ phòng này đến phòng lái, sau cùng vào phòng ăn dùng cà phê, trà, bánh, nghe nhạc (máy chúng tôi mới mua ở Singapore sau này).

Những người đứng tuổi rất cảm động nghe lại những bản nhạc Việt Nam xưa, lim dim thả hồn về kỷ niệm yêu dấu của khoảng đời đầm ấm cùng gia đình xum họp dưới một mái nhà; Hơn một người đã thầm khóc với bản "Thôi" nức nở của Thái Thanh.

Đám trẻ lại say mê nhạc "ngụy"; bậm môi nhịp đùi với những bản khích động nhạc của Led Zeppelin hay khoan khóai hít hà theo nhịp điệu du dương của nhạc "xì lô" Mỹ. Lúc ra về, một em hỏi tôi :

- Bên Tây đi phòng trà mắc không anh ?

Tôi mỉm cười trả lời lại :

- Lo để dành tiền giúp gia đình bên nhà đi chớ !

Thật ra chính chế độ "xã hội chủ nghĩa" hiện tại (hay nói nôm na ra là chế độ cộng sản) mới đáng trách vì chính sách ngu dân của họ, gò bó, cưỡng ép tuôi mộng mơ của các em vào những công tác xã hội hay đẩy các em vào con đường phải tìm kế sinh nhai quá vất vả để rồi tuổi trể này bỏ nước ra đi, chỉ mang theo những kỷ niệm riêng của gia đình chứ không có được những gì đẹp về nền văn hóa Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung.

Sung sướng nhất là các em nhỏ : ngoài chuyện ông đầu bếp đem kẹo và làm bánh cho mỗi chiều, các em còn được tắm "piscine". Tháng này chúng tôi đã vớt được ba chiếc ca nô cao su lớn (loại cấp cứu) của một tàu buôn Panama mới bị bão đánh chìm. Thủy thủ đoàn tàu chìm này đã được một chiếc tàu khác tới trước vớt lên. Cả ba chiếc ca nô được giăng lên mui hầm tàu Goelo và được bơm nước biển vào để làm hồ tắm công cộng.

Trong hầm còn chỗ trống nên thuyền trưởng cho phép mở bàn đánh ping pong để cho các thanh niên Việt Nam huấn luyện các bạn Pháp.

Tôi ít ưa chơi môn thể thao này vì nóng tánh, hay xì nẹt, nhứt là bị "bỏ nhỏ", muốn phóng lại phía kia đỡ banh mà sóng lắc mạnh phía nọ làm chân bị "dính" vào đất, lại vói tay không tới nên thua hoài.

Tóm tắt sinh hoạt trên tàu không thua gì trại hè.

Tối, tôi hay mang đàn Tây Ban Cầm ra cho các anh em muốn giúp vui văn nghệ. Tôi mua lại của các thủy thủ vài chai bia và whisky, còn ban ẳm thực lo chấy tôm khô với chút tỏi ớt làm "mồi" nhậu lai rai. Tuyệt vời ! Không một phòng trà nào có thể tạo lại bầu không khí đó, dù cho có rượu ngon, món ăn quý hơn và ca sĩ tài hơn.

Rất giản dị, chúng tôi ngồi trên boong tàu phía trước. Gió mát, trăng sao rất hữu tình. Sóng nhè nhẹ nhịp theo tiếng hát êm dịu hay câu thơ ngậm ngùi làm hồn khoan khoái với men rượu và vị khô mặn cay.

Sáng hôm sau đến hải cảng. Như thường lệ, hải quân Phi Luật Tân lên tàu trước để làm thủ tục nhập cảnh. Như mọi khi, thùng quà biếu (thuốc lá Mỹ và whisky) cũng đã sẵn sàng để cám ơn sự sốt sắng của các "ngài" đã chịu khó ra tàu sớm.

Một viên thanh tra xin thêm báo "ấy" với nụ cười tủm tỉm và đôi mắt láo lia như ngại ngùng không dám nói ra chữ Playboy hay Penhouse, khiến tôi nhịn cười không được ! Tiếc rằng không có hình con trai ở truồng đem ra chọc hắn một phen.

Một lát sau, thuyền lớn ra đón các thuyền nhân vào bờ. Tôi nhìn ra hình dáng quen thuộc của chị Anh Vân (trưởng ban hồ sơ) và của anh Hùng (trưởng ban trật tự) đi cùng các anh em hướng đạo ra đón và tiếp tay các đồng bào xuống ghe. Sau đó sẽ có xe vận tải chở về trại :

"Mến chào các bạn đồng hương !". Tiếng nói của anh Hùng qua loa phóng thanh khiến đồng bào tỵ nạn cảm động vô cùng.

Lời chào của cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã xoa dịu được phần nào những khổ nhọc sau bao ngày lênh đênh, lạc lõng giữa biển cả mênh mông. Chính tôi cũng cảm thấy phấn khởi khi nhìn thấy các thanh niên kia uy nghi trong y phục của ban tổ chức trại Palawan, với lá cờ vàng ba sọc đỏ bên tay phải áo.

Ghe vừa neo vào tàu Goelo, các anh vội lên hỏi thăm ân cần đồng bào rồi mới xuống hầm nói chuyện về tổ chức cuộc sống ở trại, cách làm thủ tục xin định cư và sau đó trả lời những thắc mắc về cuộc sống mới.

Xong cơm trưa, tôi nóng lòng đợi các bạn xuống ghe để vào thăm trại. Hải cảng Puerto Princesa thật là thơ mộngf nhờ nằm trong vịnh với dãi núi trải dài phía sau. Đây đó nhấp nhô vài biệt thự mới. Đỉnh nhà thờ trắng nổi bật giữa các lều tre xập xụi, tương tự như một làng Việt Nam khiến tôi bồi hồi tưởng như sắp đặt chân lại trên quê hươàng. Ghe tấp vào bến. Chủ thuyền đặt xuống một tấm ván nhỏ làm thang lúc lắc… rồi từng người nín thở cố bước đi thật khéo. Người nào thành công đến chốn an toàn được các bạn vỗ tay khen ngợi. Dân địa phương cũng cười xòa trước sự vụng về của chúng tôi. Sau đó chúng tôi lấy xe lam, từng nhóm ba người để đến trại : đây chỉ là xe máy dầu (Honda) gắn vào một thùng có bản chỗ ngồi. Nếu quen với chú tài xế thì được ngồi chỗ ôm phía sau… êm hơn ! Bên ngoài xe thì sơn đủ màu tím, đỏ… coi rất vui mắt. Mỗi xe đều có tên một nữ tài tử xi nê như là Ursula, Jane, vân vân… thật là buồn cười.

Trại tỵ nạn nằm cách xa bến cũng hơn mười cây số. Trên đường đi chúng tôi gặp một Phái Đoàn Tỵ Nạn (bốn trăm người) ra hải cảng đi trại Bataan để chuẩn bị lấy phi cơ đi Hoa Kỳ và Úc. Họ vui mừng chào và vẫy tay theo chúng tôi.

Tỉnh này nghèo, khoảng mười lăm ngàn dân, sống nhờ vào sự hiện diện của năm ngàn người tỵ nạn trên đảo, nhất là nhóm xe lam chở người Việt ra vào thành phố hay ra hải cảng (giá lúc nào cũng đắt hơn vì họ biết mấy người này sắp được đi định cư nên "vui tánh và rộng rãi hơn"). Trại tỵ nạn rất là thoải mái, ra vào tự do, chỉ đóng cổng từ lúc mười giờ tối đến sáng sớm thôi.

Đến trước cổng trại, một số đông thuyền nhân cũ, đã được tàu Goelo đưa đến trc, ra đón chào chúng tôi một cách thân ái và cảm động. Tôi nhận ra mang máng vài khuôn mặt vì hầu hết đều lên cân rất nhiều… vài người đã cạo đầu để giữ lời hứa đã khấn vái trước khi ra đi. Đớ là chưa kể sự thay đổi của các cô, các bà, ai cũng cao lên nhờ những đôi giầy cao gót kiểu mới, hồng hào son phấn như đầm lai trong bộ jeans bó người. Nhiều cô tiến bộ mau hơn đã bắt đầu tập hút thuốc. Rồi đây "toa moa" được vài câu là các cậu sinh viên du học ngày xưa sẽ tha hồ làm thơ, thả hồn theo trăng gió !

Anh em gặp lại hỏi nhau sức khỏe và việc định cư. Một em bé khoe với tôi :

- Ở đây ăn uống đúng tiêu chuẩn lắm bác sĩ ơi ! Có cá tươi, thịt heo và trái cây nữa !

Một anh chặn lại :

- Xạo mày ! Bác sĩ biết không tại nó láu cá ; thấy nó còn nhỏ không ai rầy la nên nó "lương" (ăn cắp) đồ nhiều hơn.

Anh em cười xòa rồi tôi theo các bạn về "nhà". Trại được chia làm chín khu, chứa khoảng tử bốn đến năm ngàn người. Có khu gồm những nhà công cộng lớn cho những người mới tới. Mỗi căn làm bằng cây với nóc nhà rơm, bên trong phân chia bởi một đường đi giữa ; hai bên hành lang ấy là hai dãy phòng rộng mỗi gian hai thước. Cứ bốn người được phát một phòng, hai người ngủ ở dưới, hai người ngủ ở gác trên. Để dễ diễn tả hơn thì cứ tưởng tượng như vào... chuồng ngựa ! Phía sau là một dãy bếp công cộng với những lò đất. Các bà, các cô đang "hầu ông táo", thấy tôi vào vội đứng dậy bẩm thưa làm tôi ngại vô cùng.

- Trời ơi, sao bác sĩ ốm quá vậy ?

Tôi mỉm cười :

- Tại mấy chị mập ra đấy chứ !

Mọi người cườì ĩ làm cho giây phút gặp lại nhộn nhịp, vui tươi và khó quên. Chẩ có mấy cu tí thì khóc inh ỏi khi mấy má bảo :

- Ra thưa bác sĩ đi chứ ! Đâu có chích đâu mà sợ !

Sau đó chị Ánh Vân đến dẫn tôi đi viếng trại. Tôi có cảm tưởng như đang về thăm thôn quê Việt Nam với những hẽm nhỏ bùn trơn đá gồ ghề, với những chòi tranh hai bên và hàng ghế tre trước cửa, lu nước sau nhà. Đó đây vài đám thanh niên đánh bài "cắt tê" cho qua thì giờ. Một anh nhìn tướng tá đen đúa và bộ tóc quăn dài của tôi rồi ngạc nhiên bảo các bạn :

- Bữa nay sao có thằng Phi này vào trại ? (Trại này có đặc điểm là hoàn toàn tự trị, lính Phi chỉ gác cổng và chỉ được quyền vào trại khi nào banh trật tự trại, toàn là người Việt, mời vào).

- Chắc có đánh lộn lớn ? – một anh khác vừa trả lời vừa chưng "tẩy".

Tôi mỉm cười trong bụng, bước tới gần sòng bài, nói : "Mấy anh mạnh giỏi ?" khiến một anh hết vía la lên :

Trời đất ! Thằng Phi này nói tiếng Việt bỏ dấu hay quá !

Chị Ánh Vân can vào :

- Phi nào mà bỏ dấu Việt ngữ giỏi vậy ? Bác sĩ Việt Nam của tàu Goelo đó !

Thăm hỏi đôi lời rồi tôi đến xem lò bánh mì, lò làm bún : các công nhân là người tỵ nạn, tình nguyện giúp trại ngoài giờ học sinh ngữ (chỉ được chút đỉnh tiền túi là hai mươi đô la mỗi tháng thôi).

Đi ngang trường học, các trẻ em đang chăm chú học khiến tôi cảm phục ý chí bất khuất của đám mầm non nước Việt Nam sau này : trong hoàn cảnh thiếu thốn muôn điều, từ tinh thần đến vật chất, mà còn "xôi kinh nấu sử" không phải là điều đáng khen sao ?

Qua đến lớp sinh ngữ, tôi rất ngạc nhiên nghe tiếng cười là hăng hắc. Té ra la Thiện (thông dịch viên) và cô y tá Catherine đang giảng bài và chỉ cách đọc cho rõ câu : "Le chasseur sachant chasser sans son chien".

Những âm "sờ" và "xờ" đảo lộn nhau tưng bừng, mỗi khi Thiện bắt lặp lại câu đó nhanh hơn… và càng nhanh hơn.

Cuối cùng tôi vào câu lạc bộ ăn chiều. Các phái đoàn thường đến đây ăn uống ; tiền lời của quỹ được dùng vào việc bổ ích chung như in báo, văn nghệ hay mướn phim vidéo về chiếu ngoài trời mỗi tuần.

Thấy tôi ăn mặc giống dân tỵ nạn với cái quần xà lỏn xanh của trại phát (một anh tỵ nạn cho lại) nên cô chạy bàn ngạc nhiên hỏi :

- Mới đến đảo hả ? Với tàu Pháp ?

- Dạ, hôm qua. Tôi ăn đĩa cơm rang Dương Châu quá ngon lành (vì lâu quá thềm đồ ăn Việt Nam) làm cô ta hỏi tiếp :

- Trên tàu ăn uống cực lắm phải kế hoạch anh, nghe nói họ cho ăn ít lắm !

Tôi mỉm cười không trả lời.

Lát sau, khi bưng trái soài ra, cô ấy xin lỗi (vì bà bếp mới cho biết tôi là "bác sĩ " của phái đoàn trên tàu Pháp đó) :

- Bác sĩ đừng giận em…Đâu ngờ bác sĩ trẻ quá vậy !

Phái đoàn trưởng và thuyền trưởng đề nghị ở tại đảo Palawan thêm ba ngày, để nghỉ và sửa chữa tàu chút đỉnh. Vả lại không có chi gấp vì lúc này trăng rằm sẽ không có thuyền vượt biển. Ai muốn đi đâu ăn ngủ đâu cũng được. Tôi, Thiện và Catherine vào trại ở, để "nếm mùi tỵ nạn" cho biết, nhưng ít khi đi chung. Hai người kia thích đi cùng các bạntỵ nạn mà họ đã săn sóc, còn tôi muốn tìm hiểu sâu xa hơn cuộc sống ở trại này, nên tách đi riêng, để có thì giờ nghe lời tâm sự của người đồng hương.

Mỗi hẻm, tôi cố đến gặp gỡ một số đồng bào. Đâu đâu ai cũng nồng hậu đón tiếp (khui bánh Tây, mời thuốc lá Mỹ, lăn xăn đi mua nước đá dừa Xiêm, châm trà hay mời ở lại dùng cơm…) khiến tôi cảm động đến… cà lăm. Chỉ có vài người vẫn còn muốn "hỏi giấy" tôi. Một đêm nọ, một ông đi ngang "kênh" tôi bảo :

- Nhường cho mày đó !

- Nhường cái gì chứ anh ? – tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Thì con vợ tui đó. Lúc vượt biển đồng lòng đi Úc, bây giờ nó sanh chứng nộp đơn theo diện tàu Pháp vớt chứ không chịu xin đoàn tụ gia đình bên chồng ở Úc nữa.

Thấy anh ta co vẻ say rượu, tôi không cãi lý cho mệt.

Đến vài nhà khác, tôi cố giải quyết giùm vài vấn đề tìm thân nhân, giúp cách tìm hội bảo lãnh cho các em vị thành niên, chia sẻ những lo âu… Nhưng lắm lúc gặp nhiều thảm kịch khó giải quyết được.

Một người đàn ông đến nắm vai tôi, mắt nhòa lệ :

- Bây giờ chắc con tôi đẻ rồi hả bác sĩ ? Vợ tôi có thai bảy tháng, bị cướp Thái hãm hiếp rồi dẫn đi… cách đây hai tháng… (anh ngẩng mặt lên trời như muốn trách cứ vũ trụ tại sao ? rồi nói tiếp). Mà không biết nó có sao không ? Má nó bị đánh đập quá vì không chịu theo bọn hải tặc. Bác sĩ làm ơn lái tàu Goelo đến đảo Kra tìm vợ tôi… tôi đội ơn !

Một nhóm thanh niên nọ đến năn nỉ :

- Bác sĩ thưa với phái đoàn làm ơn lên miền Trung vớt giùm bà con chúng tôi. Miền Trung khổ nhiều rồi, cầu mong bác sĩ cứu nạn. Miền Nam ghe còn có máy chứ chúng tôi vượt biên với thuyền buồm !

Tôi có đề nghị lại với thuyền trưởng là nên lên đến Đà Nẵng thử một lần. Goelo co đi một lần nhưng không gặp ghe nào nên lộ trình mới bị bãi bỏ. Thật sự muốn cho hữu hiệu và công bằng cho cả miền Nam và miền Trung thì phải có hai chiếc tàu chạy ngược nhau từ Cà Mau lên và từ Đà Nẵng xuống.

Tối đến, tôi hay đi dạo quanh trại, nhìn trộm qua các khung cửa sổ mục nát xem đồng bào đang làm gì. Người thì viết thư tâm sự với bạn thân sống ở Âu Mỹ, người thì may áo quần thuê kiếm thêm chút vốn chờ ngày được định cư, người lại hát cho dịu nỗi lòng đớn đau trằn trọc suốt đêm dài… Hàng trăm cử chỉ của những người bị tình đời bạc đãi, của những người khắc khoải chờ đợi giấy định cư mà giấy phép ấy chẳng bao giờ đến khiến tôi xót thương vô cùng.

Một hình ảnh rất khó quên xảy ra một đêm nọ, khi tôi đi dạo trại cùng một đám thiếu nhi. Đứa đi trước đứa chạy sau, đứa nắm tay khoe được lên lớp tựu trường năm nay, đứa khoe nhận được quà thân nhân gởi… tôi chợt chú ý một em bé không nói chi hết mà cứ nắm chặt tay tôi… như cố bám níu vào một lẽ sống. Ngạc nhiên, tôi dừng bước lại, vuốt tóc em hỏi :

- Có chuyện gì buồn không em ?

Em mếu môi khóc, bảo là nhớ ba quá. Tôi không dám hỏi thêm, sợ khơi lại niềm đau trong lòng bé nhưng trong tôi chợt xót xa và thắc mắc vô hạn. Ba em đâu rồi ? Em còn má hay anh chị em không ?

Lần đầu tiên trong đời tôi biết được nỗi buồn đến không còn sức đứng vững nữa. Tôi vội ngồi xuống băng tre trước chùa, tâm phân vân tự hỏi không biết có bao nhiêu đứa trể mồ côi cha mẹ ở trại này ?

Tiếng chông mõ từ chùa vang ra càng làm lòng tôi tê tái đớn đau. Tôi quay đầu lại nhìn vào Niệm Phật Đường. Phật uy nghi ngồi nhìn đám con thơ đang gục đầu dưới vạn mối lo âu, đang cố van xin chút ân huệ. Tiếng tụng niệm đều đều khiến lòng tôi lắng dịu xuống. Bỗng nhiên tôi thấy buồn ngủ. Tôi muốn ngủ cho quên hết, cho không còn nghe thấy những thảm cảnh này nữa.

Tôi về "chuồng ngựa" ngủ, mê man được một hồi khiến các người chung quanh tưởng tôi đi nhậu mới về, vì ngang trước cổng trại, phía bên kia đường, có những quán nhậu bình dân, thiên hạ có thể vào uống bia và nhảy đầm đến mười giờ tối. Giắc ngủ chập chờn với những đợt tấn công của muỗi và rệp. Tôi là nạn nhân thê thảm nhất của hai thứ này vì không có lãnh mền mùng như các đồng bào tỵ nạn. May phước, kế chỗ tôi nằm có anh bạn vừa buông tờ báo Tiền Phong xuống ngủ, tôi bèn lấy tờ báo làm quạt, quạt đỡ. Trong khi anh ấy ngủ thẳng giấc như một đứa trẻ thơ vừa được mẹ kể chuyện ời xưa, tôi chỉ chập chờn được đôi chút rồi không còn ngủ được nữa.

Mười hai giờ khuya, tôi ra tháp tùng với các anh em ban trật tự để trò chuyện và đi "hành quân". Khoảng năm mươi người tình nguyện, được chia làm từng nhóm năm người để đi khắp trại xem xét coi có kẻ trộm thừa giấc ngủ của dân lành mà cướp bóc không. Từng đoàn lặng lẽ di chuyển qua các hẽm sình lầy, tay cầm đèn pin để rọi tránh các khúc cây gãy trong trận mưa vừa qua, làm tôi vui thú tưởng tượng như đang đi trong bưng, lùng bắt cộng sản.

Có một đêm chúng tôi rượt bắt trộm hơn một tiếng đồng hồ mà không được vì bọn nó đã tẩu thoát ra bãi biển và núp trong các bụi cây.

Mỗi buổi sáng thứ hai mọi người đềy dậy sớm để chào quốc kỳ lúc tám giờ. Lá cờ vàng ba sọc đỏ được từ từ kéo lên bởi các anh chị em đại diện quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, với sự hiện diện của quân lực "đồng minh" Phi. Các phái đoàn ngoại quốc đứng xếp hàng dài, đối diện với các đồng bào đang nghiêm chỉnh đứng theo từng khu của họ.

Lá quốc kỳ bay phất phơ trông đẹp vô cùng nhưng nơi đây các dãy nhà san sát che tứ phía nên đứng gió khiến cho cờ không được oai hùng như đang tung bay trên các đồn lính tại que nhà.

Giây phút thiêng liêng nhất là lúc hàng ngàn người cùng đồng thanh ca bản Việt Nam, Việt Nam thật oai hùng và cảm động khiến tôi nghe tê điếng cả người. Sau đó đại diện các phái đoàn ra bày tỏ đôi chút ý kiến. Rồi đến trưởng ba tổ chức trại ra tóm tắt sinh hoạt của tuần vừa qua : bao nhiêu thư nhận được, mấy ngàn thư gửi đi ; bao nhiêu người đã sanh, đã bị trộm cướp. Hay ra hầu tòa (trại có tòa, bót riêng do người Việt Nam điều khiển để xử các bị can như trộm cướp, đánh lộn, nhưng cũng để khiển trách "vài chị em ta" thiếu kín đáo có thể làm cho người ngoại quốc khinh rẻ người Việt).

Sau đó tôi đi dùng điểm tâm lần cuối ở trại. Buồn quá nên đi ăn mì và uống cà phê sữa một mình chứ không rủ đông đảo bạn bè như mọi sáng. Một số anh em đến chúc tôi thượng lộ bình an và nhớ trao giùm thơ từ cho thân nhân ở Âu Mỹ (phần tôi lãnh gân hai trăm thư ; Thiện và Catherine đâu cũng ba trăm).

- Bác sĩ ráng về giải phóng đất nước, chúng tôi xin tình nguyện đi theo !

Tôi ngẩng đầu lên trông thấy một nhóm thanh niên khá tốt tướng. Một anh nói tiếp :

- Bất cứ lúc nào, tôi cũng sẵn sàng theo lời kêu gọi cứu quốc của bác sĩ !

Một em khác, trẻ hơn nên quá khích, thêm vào :

- Giết cộng sản xong, mình sẽ đi đòi nợ máu tụi Thái Lan !

Tôi gật đầu lấy lệ, chẳng biết trả lời sao.

Sống ở đời, nhất là trong thế cô độc ở trại tỵ nạn, ai cũng cần bám vào một lẽ sống, một lý tưởng, để cho thời gian và không gian đỡ đè nén tâm linh, nên tôi không nỡ đem lý trí ra trình bày rằng tình hình chánh trị xừ Việt Nam không tùy thuộc ở tôi.

Tàu hụ còi, tiếng còi vang dội vào núi rừng nghe thật não nùng, tựa như con thú bị thương gào thét. Máy tàu từ từ nhịp mau hơn như muốn sớm dứt khoát với sự quyến luyến, nỗi sầu nhớ muôn bề. Vài phút sau, tôi cố lấy can đảm nhìn lại hải cảng Puerto Princesa lần chót. Mặt trời rực đỏ khởi sự lặn sau núi đèo. Bầy chim hải âu bay theo như muốn tiễn chúng tôi đến khỏi vịnh... Suốt bốn ngày, trên đường về Singapore, tôi có cảm tưởng như đang sống ngược lại thời gian. Mỗi bươc đi trên tàu Goelo, tôi vẫn... như nghe thấy đồng bào tôi vẫn còn ở trên tàu. Trên bậc thang này vẫn còn một thiếu nữ ngồi khóc cha đang bị cải tạo, đụa cột kia vẫn còn một thanh niên ôn lại bài học sinh ngữ. Nằm trên mui hầm tàu các cụ già vẫn còn bàn chánh trị, cầu mong phục quốc quân sớm thành công... Mãi đến nay, nhiều đêm tôi vẫn còn nghe còi tàu Goelo hụ trong giấc mơ và bao nhiêu vkỷ niệm dập dồn trở lại trong tâm trí làm tôi xót xa vô cùng cho số phận của người tỵ nạn Việt Nam.

Vẫn còn 350.000 đồng bào sống tập trung ở các trại tù Đông Nam Á, nhất là ở Thái, sự đối đãi thật là khốn kiếp nếu không muốn nói là vô nhân đạo, khi họ dùng một số trại tù dọc biên giới với Cao Miên để đỡ đạn các đợt tấn công của cộng sản Việt Nam vào đất Thái. Vẫn còn vài ngàn người vượt biển đi tìm Tự Do mỗi tháng và bọn hải tặc Thái càng ngày càng lộng hành... Tôi còn nhớ trên đường về Singapore, gặp nhiều ghe Thái ngoài biển. Họ không nổ máy chạy như lúc trước nữa (vì đã nhận ra tàu Goelo và hay tin Cap Anamur đã về bờ). Nhờ thế tàu chúng tôi đi ngang rất gần và có thể thấy rõ ràng chúng khinh người đến mức không cần hóa trang thành thuyền đánh cá (thả lưới) mà chỉ câu cá bằng cần câu tre hay đánh bài trong khi chờ đợi... (thuyền tỵ nạn ra để cướp).

Phan Minh Hiển

Tiền lời của sách này được tác giả và nhà xuât bản tặng hết vào Hội Giúp Trẻ Em Đói ở quê nhà.
Ý kiến bạn đọc
31 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
"Hội từ thiện con mẹ gì mà đối đải với mình như chó ghẻ; ăn không ngon mà cũng chẳng no; ghế bố thì ngưới có người không": sau này, khi biết được có những ghe không còn lương thực, phải ăn thịt nhau... những người nở lòng thốt ra câu này có thấy ăn năn chút nào không? Và có thấy rằng mình đã được Ông Trời ban phước cho mình quá nhiều rồi không? " Lên tàu này là 1 sự nhục nhã cho dân VN, anh biết không? Thà gia đình tôi chết dưới biển còn hơn!"... như con thuyền ma ở đoạn sau, có lẻ anh nầy sẽ cảm thấy "còn hơn"! "Phải mà, anh được mấy thằng Tây cho ăn ngon, ngủ kỷ nên mặc kệ tụi tôi": đương sự nầy không thấy được chân giá trị của những người vì lòng nhơn đạo mà hi sinh cái riêng tư của mình; tôi cũng tự hỏi, cho đến thời điểm nầy, đương sự nầy có làm được điều gì cho người khác vui vẻ hay không?... mà bạo miệng xài xể người khác quá vậy! Và sau khi được cứu và định cư ở nuưóc nào đó, có làm được điều gì giúp người khác không? Hay chỉ cho gia đình mình mà thôi [!] "Lẫn quẩn chỉ nghe những câu chưởi thề giánh ăn": đã nói rồi, cái ăn "trượng" đến như thế đấy! "Phải chi không lên tàu thì giờ nầy tới đảo rồi": hoặc làm chiếc thuyền ma [!] "Ở dưới ghe tôi ăn cơm ngon hơn, còn cả trăm trái dừa và cam tươi": ôi miếng ăn trọng đến thế sao! 35 năm sau, khi làm việc với các tổ chức Cộng Đồng, tôi vẫn thấy đồng hương ta vẫn không có gì thay đổi: "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi", đồ ăn free thì lảnh cho thật nhiều - ăn không hết thì liệng vào sọt rác- bới xách đem cả về nhà nữa, mà không chịu móc túi ra đóng góp 1 xu, ăn xong là bồng bế nhau ra về! "Chuyện dọn dẹp không phải là việc của tôi"! "Thuyền vẫn trôi, yên lặng trở vào sương mù, mang theo cả sự huyền bí... để lại nơi chúng tôi nhiều thắc mắc về số phận những thuyền nhân trên ghe kia. Có thể họ đã chết trong cơn bảo tố, nhưng sao ghe không chìm? Có thể họ chết vì đói khát, nhưng xác họ đâu? Giả thuyết gần sự thật nhất có lẻ là họ đã bị cướp Thái bắt cóc và thủ tiêu tất cả rồi?": riêng những người vượt biển đã được ở trên tàu Goelo thì có những cảm nghĩ gì khi thấy con thuyền ma nầy? "Tôi cũng hơi bực là các bà mẹ sanh nạnh, đổ lỗi cho nhau, không chịu đem trả bình sửa khi các cháu bú xong. Chỉ có 10 bình cho 20 em, nên họ lại đổ thừa đứa nầy uống trước đứa kia uống sau, đứa nầy bú nhiều, đứa kia bú ít..." "Nhưng trật tự không kềm nổi sự hổn độn trên tàu: kẻ tò mò muốn xem, người viện cớ đến nhìn bà con..." "Nhưng họ vẫn chịu "ăn đòn" hơn là nghe chỉ thị ban trật tự" "Dạ...em kiếm ống thuốc lào đâu mất rồi! Chịu nổi không?": những con người nầy thật làm xấu hỗ người VN! Hởi "Con rồng cháu Tiên", đâu hết cả rồi? Như tác giả đã từng viết rằng, cũng có những người tốt; nhưng ít quá và yên lặng quá! Trong thời điểm hiện nay July 2010, nếu người tốt vẫn miệng câm như hến, thì không bao lâu nữa, Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại chúng ta sẽ không mất cơ hội nghe được quốc ca VC và "Như có chó hồ trong ngày vui đại thắng" ngay tại đất Mỹ nầy: ăn năn thì đã quá muộn rồi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn