BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73499)
(Xem: 62249)
(Xem: 39441)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký ức về chuyến đi vượt biên không thành lần thứ 2 trong đời

08 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 8525)
Ký ức về chuyến đi vượt biên không thành lần thứ 2 trong đời
516Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
516


Người trên Ca bin xe gồm cả tôi là năm. Người lái xe và người dắt tôi đến xe này ngồi ở băng ghế trước. Băng sau là tôi và hai người nam nữ ngồi chung. Xe chạy mà không ai nói gì với nhau cả. Họ đang nghĩ về những gì vừa xẩy ra cho đoàn xe. Tôi chắc thế. Còn tôi thì cũng vừa nghĩ về những giây phút trôi qua với ông lớn và Sarek. Hai người nam nữ ngồi cạnh tôi chắc là một cặp vợ chồng. Họ và tôi chỉ chào nhau một lần khi trèo vào Ca bin xe rồi sau khi xe chạy thì cả hai bắt đầu ngủ. Hai người ngồi băng trước cũng không nói chuyện gì hết. Tôi nghĩ ông lớn đã nói cho những người Khmer này biết tôi không nói được tiếng Khmer còn họ thì ngược lại. Không biết ông lớn gửi gấm tôi cho họ như thế nào đây? Tôi muốn bắt chuyện với họ mà đành chịu. Nước Khmer sau khi bộ đội Việt Cộng rút về chỉ một thời gian ngắn mà nay phát triển thấy rõ. Khi còn ở bên quê nhà tôi đã thấy người dân Việt bắt đầu dùng những chiếc xe Honda Cánh Én cũ rích mà người ta gọi là xe Cúp nghĩa địa nhập từ ngoại quốc về. Hôm nay tôi mới biết những xe này nhập cảng vào Khmer rồi được các lái buôn tập trung lại để chuyển về tiêu thụ tại Việt Nam. Khi còn ở Kompong Som tôi đã thấy người dân Khmer không ai dùng loại xe Cúp Cánh Én này cả. Đa số họ dùng loại xe Honda Dream hay tệ hơn thì cũng là loại Suzuki 100. Có lẽ họ chê xe Honda này nhỏ, chỉ có 50 phân khối cylinder và trông không đẹp mắt. Đời sống người dân Khmer như vậy khá hơn người dân nước Việt.

Đường càng gần về Nông Pênh thì càng ít hư hỏng hơn và tuy xe chở nặng nhưng tốc độ chạy rất nhanh. Xe của Nhật chế tạo có khác. Sau chốt kiểm soát của ông lớn và Sarek thì tôi không còn thấy thêm các chốt chận của lính Khmer nữa. Cảnh vật hai bên đường nhiều nhà dân hơn tuy vẫn còn thưa thớt rồi đoàn xe đi vào một trạm kiểm soát của công an và quan thuế Khmer. Tôi đã thấy lại những chiếc xe đò, xe chở hàng hồi sáng khi còn ở bến xe Kompong Som đang đậu dọc bên lề đường để chờ nhân viên đến xem xét. Có khá đông người Khmer bán hàng rong vây chung quanh các xe rao bán hàng y như các trạm kiểm soát bên Việt Nam vậy. Trông thấy đoàn xe, những người bán hàng rong này chạy vội đến ngay. Tiếng rao hàng vang vang chung quanh xe nhưng một nhân viên mặc đồng phục quan thuế đi đến hướng dẫn đoàn xe chạy vào một lối riêng khác mà những người bán hàng rong không được theo vào. Đoàn xe chạy dọc theo lối đi riêng này rồi từ từ ngừng lại. Người Khmer mặc áo thun mầu mỡ Gà cùng vài người Khmer của các xe khác xuống xe đi vào trong gian nhà nhỏ dưới một tàng cây khá lớn gần đó. Trong chốc lát những người này quay lại xe và đoàn xe tiếp tục chạy tiếp.

Xe chạy ngang phi trường Pochentong. Những chiếc máy bay dân sự cánh quạt đậu yên trên phi đạo gần hàng rào kẽm gai sát vệ đường. Cảnh không khác hình ảnh của phi trường Tân Sơn Nhất ngay khu vực gần Bà Quẹo của quận Tân Bình. Gặp phi trường Pochentong thì Nông Pênh cũng chẳng còn bao xa nữa. Tôi sẽ gặp thành phố Nông Pênh chỉ trong chốc lát nữa thôi. Hồi còn ấu thơ bên quê nhà tôi đã từng nghe cha tôi nói thời ông Diệm có những người dân Sài gòn dùng xe Mô tô bình bịch chạy từ Sài gòn sang Nông Pênh để mua sắm hàng hóa, để ăn Hủ tiếu Nam Vang nữa mà họ đi và về chỉ trong ngày. Nhưng khi đó là lúc thanh bình của miền Nam VNCH.

Đoàn xe vào thành phố Nông Pênh lúc 3 giờ 45 phút chiều, chạy vòng vèo qua các con phố. Tôi nhìn những con phố này không khác gì những con phố của Sài gòn với những vỉa hè đầy người đang bước dạo cạnh các hàng cây trồng trước các cửa tiệm. Xe cộ chạy ngược xuôi hú còi inh ỏi. Tôi trông thấy một rạp Chiếu bóng với vẻ bề ngoài giống hệt rạp Casino gần chợ Bến Thành. Sau cùng xe chạy vào một sân tráng Xi măng thật rộng với các bờ tường vây chung quanh. Xe ngừng yên chỗ, người Khmer mặc áo mầu mỡ Gà ra dấu tôi xuống xe. Tôi rời Ca bin xe, nhìn chung quanh thấy khá nhiều những xe vận tải chở hàng đậu trong cái sân này. Người Khmer này ra dấu cho tôi đi đến một chiếc xe khác trong đoàn mà đang có 3 người Khmer khác đứng gần đó. Ông khmer này dừng lại bên họ, nói chuyện với những người này trong chốc lát rồi một người còn trẻ trong số họ tách ra ngoắc tôi đi theo y ra tuốt ngoài phía cổng của cái sân đậu xe này. Tôi nghĩ vậy là xong việc của họ. Tôi phải làm gì đây? Nhưng ra ngoài cổng rồi mà người Khmer này vẫn chưa chịu quay trở vào. Y mỉm cười nhìn tôi rồi yên lặng nhìn xuôi ngược dòng xe hai bánh chạy trên đường như mong chờ ai đó. Bất chợt y ngoắc tay, một chiếc xe Honda Dream ngừng lại gần chúng tôi. Y và người lái xe này trao đổi bằng tiếng Khmer và sau đó chiếc xe Dream này chở hai chúng tôi chạy lòng vòng trên các con đường của thành phố Nông Pênh. Đây là xe ôm. Xe ngừng lại cạnh một toà nhà khá lớn. Hai chúng tôi xuống xe, người Khmer trẻ tuổi này móc túi lấy tiền trả cho tay lái xe ôm rồi sau đó ra dấu tôi đứng yên tại đó, y đi thẳng vào trong tòa nhà này. Y vào trong 5 phút rồi 10 phút mà vẫn chưa thấy ra. Người lái xe ôm vẫn còn dừng xe tại chỗ. Y hỏi tôi vài câu Khmer nhưng tôi lắc đầu khua tay tỏ ý không hiểu lời y nói. Tôi đi rảo vài bước thử nhìn vào trong tòa nhà này. Một hàng chữ Hotel de Bayon đắp nổi trên tường. Đây là một khách sạn. Người Khmer này vào đây làm gì vậy? Vẻ bề ngoài khách sạn này thật đẹp với các bức tường ốp đá mầu xanh lá cây. Cửa kiếng mầu phớt tím bóng lộn nhưng trong suốt thấy rõ các nhân viên tiếp tân mặc đồng phục đang đứng trong quầy nói chuyện với nhau. Chùm đèn vàng lớn treo không cao lắm trên trần cùng các đèn chiếu sáng khác soi rõ các chậu cây kiểng trang trí cùng các bức tranh thật đẹp trên tường. Có vài người đi ra nhưng không phải là người Khmer trẻ tuổi đi cùng với tôi. Tôi quay nhìn phía khác. Bên kia đường là khu công viên nhỏ với các hàng cây được cắt tỉa đẹp đẽ. Vài người đi bộ lững thững trên các con đường nhỏ. Một kiến trúc khá lớn hình tròn sơn mầu vàng nằm cuối con đường cắt ngang công viên nhỏ nầy. Chợ hay Cơ quan chính quyền? Tôi không biết nhưng trông khá lạ mắt.

Tôi quay mặt trở lại nhìn vào trong khách sạn để kịp thấy người Khmer trẻ tuổi đi ra cùng với một người đàn ông khác. Đứng gần tôi, hai người nói vài câu gì đó với nhau xong người Khmer trẻ này giơ tay ra dấu từ biệt rồi y leo lên chiếc xe ôm đang chờ tại đó. Chiếc xe ôm chạy tức thì. Người đàn ông còn lại đi đến bên tôi chìa tay ra bắt và nói:

- Mình đi xuống bến Tắc Ca Mau ngay bây giờ nghe.

Rồi nhìn đồng hồ đeo tay người đàn ông này như chợt nhớ điều gì lại nói :

- Bây giờ vẫn còn sớm chúng ta đi ăn uống cái đã rồi tính. Ông ta cười nói tiếp: Với lại chúng ta cũng chưa biết gì về nhau mà. Phải không? Tôi là Danh Ngạnh còn anh tên gì vậy?

Tôi nói tên tôi và nhìn khuôn mặt ông. Danh Ngạnh chắc trên 40 tuổi. Khuôn mặt khắc khổ đen sạm nhưng ông có miệng cười rất tươi với hàm răng trắng còn khá tốt.Vừa lúc có một xe Honda ôm bỏ khách xuống ngay cửa khách sạn, ông vội ngoắc chiếc xe này lại và sau đó tay lái xe chở chúng tôi đến một khu vực bán hàng ăn uống nằm không xa khách sạn Hotel de Bayon. Trời bây giờ đã chiều hẳn. Khu bán hàng ăn nhậu này rất rộng lớn và khá đông khách đến ăn bữa chiều hay nhậu nhẹt lai rai y chang các khu vực bán hàng ăn bên Việt Nam. Hễ nước càng nghèo thì càng có nhiều tiệm bán hàng ăn uống. Tôi đã nghe một người nào đó nói như vậy trước đây. Mà quả đúng vậy. Mở hàng bán đồ ăn, ngày nảo rủi vắng khách thì gia đình chủ quán dùng ngay các món ăn bán ế thay cho bữa cơm trong ngày. Danh Ngạnh đưa tôi lên tầng hai của một quán ở đây và chọn một bàn ẩn khuất sau bụi Dừa kiểng. Ngồi trên đây, mắt tôi lại trông thấy nóc toà nhà lớn mầu vàng hình tròn khi nãy. Tôi hỏi Danh Ngạnh thì được ông cho biết đó là chợ Ô Sây. Một cái chợ lớn nhất nhì ở Nông Pênh tương tự như chợ Bình Tây trong vùng Chợ Lớn-Sài gòn. Một người hầu gái trong quán mang thực đơn cho chúng tôi xem. Danh Ngạnh hỏi tôi muốn ăn thức gì? Tôi ngỏ ý muốn ăn món Hủ tiếu Nam Vang để thử coi món này ngay tại nơi gốc họ nấu ăn ra sao nhưng Danh Ngạnh xua tay nói :

- Chọn món khác đi. Hủ Tiếu Nam Vang có gì lạ mà ăn.

Tôi đành để Danh Ngạnh chọn món thôi. Y gọi các món Lươn, Ốc... rồi gọi tiếp bia nữa nhưng tôi nói không uống được bia. Danh Ngạnh hỏi về hành trình của tôi mà tay Khmer đã kể sơ cho y biết khi gặp trong khách sạn. Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện từ lúc xuống cá lớn ở Vàm Rầy-Hà Tiên cho đến khi ghe sa vào tay hải tặc Thái rồi những ngày ở trên đảo hoang và đảo Cô Tan cho đến khi đi lang thang trên đường vì không đủ tiền vé. Tôi cũng kể cho Danh Ngạnh nghe chuyện gặp được ông lớn cùng Sarek rồi được đoàn xe buôn Hino, Isuzu chở về Nông Pênh này và sau cùng là gặp y. Danh Ngạnh bảo tôi :

- Anh quá sức may mắn, lúc đó thay vì gặp toán lính của Sarek mà là bọn lính Polpot thì chưa biết mạng anh ra sao. Có khi chúng giết anh không chừng.

- Ghê vậy. Tôi có làm gì họ đâu.

- Vậy! Chúng giết thì giết tha thì tha chả biết đâu mà lường. Có đứa rất thù ghét người Việt, có đứa không. Ai xui thì gặp mấy thằng nầy. Mà cũng do số phần cả thôi. Chẳng biết đâu mà tránh.

Khi nói câu này, khuôn mặt y trầm ngâm lộ vẻ buồn. Y hối tôi ăn uống cho mạnh vào để bù những ngày thiếu thốn vừa qua. Sau đó chúng tôi rời quán. Danh Ngạnh đón một xe ôm chở cả hai xuống bến tàu đò chạy tuyến đường sông Châu Đốc-Nông Pênh. Bến đò này có tên là Tắc Ca Mau hay còn gọi là Bến đò Cây Nhãn. Trời đã bắt đầu tối nhưng vẫn cho thấy rõ cảnh nhộn nhịp của bến tàu này. Cả chục chiếc ghe bầu khá lớn nằm sát cạnh bờ. Người lên kẻ xuống nườm nượp. Dọc sát bờ là các cửa hàng ăn uống viết bằng ba ngôn ngữ Khmer-Tàu-Việt. Tuy vậy qua hình ảnh của bến tàu và tiếng rao của các người bán hàng rong , tiếng phu khuân vác gọi nhau lên xuống hàng ở các chiếc ghe bầu này tôi có cảm tưởng đây là một bến đò nào đó bên quê nhà vì tiếng Việt người ta đang nói tại đây.

- Anh Hai đi ngay bây giờ hay đi chuyến kế để thằng em lo vé cho.

- Có vé tốc hành đây. Lấy một hay hai vé hả Huynh?

Danh Ngạnh lắc đầu im lặng đi dọc theo cạnh bờ mắt nhìn các ghe bầu này rồi y dừng lại ở một chiếc bảo tôi đứng tại chỗ chờ y. Danh Ngạnh đi theo tấm ván bắc thẳng từ bờ xuống dưới ghe. Nước sông đang lên. Một mùi tanh của nước của Cá và bùn non theo gió bốc vào mũi tôi. Mùi bến ghe như bao bến ghe khác, không lẫn vào đâu được. Tôi nhìn về hướng Tây, sao Hôm đã xuất hiện trên bầu trời chập choạng. Có tiếng gọi tên tôi. Nhìn lại, Danh Ngạnh đứng dưới chiếc ghe ngoắc tôi xuống. Đi chầm chậm theo tấm ván mắt tôi trông thấy từng giề Lục Bình, rác rưởi nổi rập dềnh theo con nước sát cạnh ghe. Một phụ nữ từ phía sau Danh Ngạnh bước ra nhìn tôi hỏi:

- Cậu này đây hả? Để tôi lo cho, yên tâm.

Đây là loại ghe bầu lớn chở hàng trên sông mà ta thường thấy ở các bến đò. Ghe này chia làm ba tầng. Tầng dưới cùng và tầng trên chất đầy hàng hoá của dân buôn. Tầng giữa là nơi nghỉ ngơi của khách đi ghe. Bằng lối đi ngay chính giữa , người phụ nữ này dẫn tôi vào tầng giữa này. Hàng chục người nam nữ ngồi nằm trên các chiếc võng căng sát cạnh nhau mắt dán vào màn hình Ti Vi lớn đang chiếu phim quyền thuật Hồng Kông. Đến một chiếc võng còn trống người phụ nữ này nói :

- Cậu nằm ở võng này nghe. Muốn đi vệ sinh thì ra phía đằng sau. Cần gì thì cứ hỏi tui đừng ngại. Có mệt thì cứ nằm nghỉ đi.

Danh Ngạnh cho tôi biết ghe sắp sửa rời bến. Nhìn người phụ nữ xong nhìn tôi y nói tiếp:

- Mọi chuyện chị Ba sẽ lo cho anh. Sáng sớm mai anh sẽ đặt chân lên Châu Đốc. Chúc anh thượng lộ bình an. Tôi về đây. Y vỗ vai tôi từ biệt. Đảo mắt nhìn những người trong các chiếc võng, miệng cười tủm tỉm Danh Ngạnh nói nhỏ với tôi:

- Khuya thấy người ta làm cái gì thì đừng ngạc nhiên nghe cha nội.

Tôi đi cùng với Danh Ngạnh và người phụ nữ Khmer được gọi là chị Ba về phía mũi ghe nơi có tấm ván bắc thẳng lên bờ. Người đàn ông Khmer không quen biết này quá tốt với tôi y như những người Khmer khác đã gặp. Những câu chuyện về mối thù truyền kiếp giữa người Việt và người Khmer cùng các hình ảnh đoàn người Khmer vũ khí lăm lăm trên tay, mắt trắng dã man rợ đuổi bắt tàn sát người Việt trong quá khứ mà người ta gọi là Cáp Duôn đã ít nhiều tan biến trong tôi. Danh Ngạnh dừng lại đặt hai tay lên bờ vai tôi thân mật:

- Em ở đâu bên Việt Nam vậy.

- Cần Thơ. Tôi nói dối trước mặt hai người Khmer này. Mắt Danh Ngạnh sáng lên:

- Cần Thơ. Chỗ nào vậy? Anh cũng từng sống ở Cần Thơ đó.

Trời ơi! Tại sao lại phải làm như vậy. Thói quen luôn dấu diếm, dối trá loanh quanh trong xã hội Cộng sản đã lậm vào người tôi rồi. Nói dối cả những lúc không cần thiết. Mặt tôi đã đổi sắc? Cầu mong là trời tối để Danh Ngạnh và người phụ nữ Khmer sẽ không thấy sự thay đổi nơi mặt tôi để biết tôi nói láo và quả thật là vậy vì Danh Ngạnh nói tiếp:

- Trước đây anh đã sống một thời gian gần bến Ninh Kiều đó. Còn em ở đâu? Danh Ngạnh nhắc lại.

- Ở đường Mậu Thân anh.

Danh Ngạnh nói tiếp trước khi bước chân lên bờ: Chị Ba đây sẽ lo cho em an toàn. Tôi nhìn theo bóng Danh Ngạnh dần khuất khỏi con đường sát cạnh bến đò. Trời tối nhưng sinh hoạt của bến đò này vẫn nhộn nhịp. Tiếng máy đò vang vang đây đó. Hễ chiếc ghe này xuất bến thì chiếc khác cặp vào liền. Rồi tấm ván được kéo ra khỏi chiếc ghe bầu này. Tiếng máy nổ lớn hơn, ghe từ từ chạy lui ra xong trở đầu vòng lại rồi bắt đầu chuyến hải hồ. Tôi sắp sửa rời xa Nông Pênh. Thật tiếc! Phải chi có tiền bạc thì chắc tôi sẽ ở lại thành phố này để đi xem Chùa Tháp ra sao hoặc đi thẳng về hướng Tây để làm một chuyến viếng thăm hai ngôi đền Angko Vat, Angko Thom nổi tiếng mà có người gọi là Đế Thiên, Đế Thích. Tôi đi ra phía sau ghe. Một khoảng trống khá rộng ngay sau buồng lái được dùng làm một gian bán hàng ăn uống. Nơi đó, Chị Ba cùng một bà cụ người Khmer lui cui nấu các món ăn hoặc pha nước uống cho khách, hỏi tôi uống cà phê nước ngọt gì hay ăn uống gì không trên ghe có bán đủ cả. Ghe có cả nhà tắm, nhà vệ sinh cho khách buôn nữa. Thấy sẵn nước tôi vội vàng rửa ráy qua loa thân thể rồi thay bộ quần áo khác xong quay ra giúp chị Ba mang các ly cà phê hoặc dĩa thức ăn cho các khách buôn ngồi trong võng. Những người Khmer biết nói tiếng Việt mà tôi đã gặp đều bằng giọng người miền Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chưa gặp người nào nói giọng miền Trung hoặc miền Bắc Việt Nam cả. Rảnh rỗi, chị Ba cho biết tên chị là Thạch Sa Thi người gốc Trà Vinh. Chị hỏi tôi về quan hệ ra sao với Danh Ngạnh, tôi kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Chị nghe rồi nói :

- Lúc đầu ổng xuống dưới ghe nhờ tui giúp cho cậu về Việt Nam an toàn. Tui cứ nghĩ cậu là người trong đường dây làm ăn của ổng rồi gặp chuyện rắc rối gì đó nên phải xuống ghe về Việt Nam gấp gáp như vậy. Ai ngờ. Chị Sa Thi này cũng cho biết Danh Ngạnh trước đây nằm trong nhóm đưa người vượt biên sang đất Thái. Tổ chức đi lọt nhiều chuyến nhưng trong chuyến lo cho vợ con và bản thân thì lại bị kẹt, bị bỏ rơi giữa đường do lật lọng gì đó giữa bộ đội Việt Cộng và Khmer đỏ vì chia chác không đều. Vợ, con của Danh Ngạnh mất tích trong rừng sâu còn Danh Ngạnh thì bị bắt rồi đường dây tổ chức lo lót Danh Ngạnh ra tù. Người vượt biên những lúc sau này giảm bớt hơn trước thì nhóm của Danh Ngạnh xoay qua bắt mối tiêu thụ hàng tàu viễn duyên từ cảng Kompong Som về. Thảo nào Danh Ngạnh có vẻ buồn khi nghe câu chuyện tôi kể và vì từng chung một cảnh ngộ nên y đã sốt sắng giúp tôi. Do số phần cả thôi. Tôi nhớ lời của Danh Ngạnh đã nói hồi chiều tại quán ăn.

Ghe cứ chạy êm ả như vậy. Thỉnh thoảng kéo từng thôi còi dài khi gặp ghe chạy ngược chiều hoặc vượt qua ghe khác. Những khúc sông gần thị tứ, tôi có thể thấy phố xá cùng xe cộ chạy gần bờ. Trời dần về khuya thấy bớt việc, tôi quay về võng của mình. Nằm đung đưa trên võng tôi quan sát những người chung quanh mình trong ánh sáng lờ mờ của màn hình Ti Vi. Đàn ông, đàn bà nằm ngồi xen kẽ trên các võng sát cạnh nhau xem Video cảnh đang chiếu của một phim Ma Hồng Kông. Vừa xem họ vừa nói chuyện với nhau về công việc làm ăn hoặc về những đoạn phim đang chiếu. Gió trên sông thổi vào ghe thoảng mát. Không hề có tiếng Muỗi vo ve trên ghe này. Không xem phim nữa, tôi đổi chiều nằm trên võng, suy nghĩ về Phương bây giờ ra sao? Không biết khi tàu hải quân của Sok Sammath ghé đảo hoang hai người tài công ở đó chịu ra về hay lại tiếp tục trốn ở lại? Tôi nghĩ về Dũng, thằng Minh và anh Tấn. Họ ở đâu trong lúc này? Được vài ngày rồi thì chắc họ đã về tới Việt Nam. Mong là vậy. Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào cũng không biết.

Ngủ ngon như vậy không biết được bao lâu thì tôi chợt thức. Chung quanh bây giờ im vắng cách lạ thường. Tai tôi nghe những tiếng rên rỉ từ phim trên màn hình. Tôi chồm dậy định bụng rời võng để ra phía sau ghe đi tiểu. Những chiếc võng cạnh tôi bây giờ trống trơn. Những người khách này đi đâu cả rồi? Ghe chưa tới Châu Đốc mà. Tiếng phụ nữ từ màn hình rên rỉ tiếp. Tôi quay đầu nhìn. Ti Vi đang chiếu một cảnh cụp lạc Con nhà Nghèo và trong ánh sáng lờ mờ, từng cặp người ôm nhau trên mặt sàn ghe ngay dưới các võng của họ. Không ai trong số họ còn xem phim hoặc để ý chung quanh nữa. Tôi đã hiểu lời nói nhỏ của Danh Ngạnh lúc chập tối trước khi chia tay.

Những khách thương hồ này cũng đang tự mình đóng phim với nhau.

Người ta thường nói câu : Đi buôn có bạn, đi bán có phường để chỉ sự đồng cam cộng khổ với nhau trong việc buôn bán. Những khách thương hồ này chắc chắn không phải là vợ chồng của nhau. Chỉ là bạn cùng nghề thôi nhưng việc họ đang làm bây giờ khác gì vợ chồng ! Tôi mới hiểu tại sao dân đi buôn hàng biên giới dễ kiếm tiền mà cũng dễ thay lòng đổi dạ. Chiếc ghe bầu này cứ êm ả chạy trong đêm tối như vậy. Không dám rời võng, nằm yên, tôi cố dỗ giấc ngủ nhưng thực sự thật khó cho đến khi phim chấm dứt khá lâu rồi mà những tiếng động, tiếng cười nho nhỏ của người nào đó vẫn tiếp diễn cho đến khi đèn trong tầng này đột ngột bật sáng lên thì sinh hoạt mới trở lại bình thường y chang như khung cảnh trong một rạp chiếu bóng. Tôi kín đáo nhìn những khách buôn bán này. Họ đã vuốt lại áo quần, vén lại tóc tai và đang ngồi hoặc nằm đong đưa trên võng họ. Ai cũng vẻ mặt tỉnh queo làm như không hề có các chuyện vừa xẩy ra. Bây giờ tôi mới dám rời võng để đi ra phía sau ghe. Khi quay vào tôi gặp lại chị Sa Thi đang lui cui sắp xếp lại các ly tách, chén bát trong gian hàng trên ghe. Thấy tôi chị Sa Thi ngoắc tay. Tôi dừng lại, chị nói nhỏ:

- Ghe sắp đến trạm kiểm soát hỗn hợp nhưng trước khi đến trạm thì ghe sẽ ngừng để cho khách xuống và rước thêm các khách mới. Em sẽ phải xuống ngay tại bến này vì nếu đi tiếp thì khi đến trạm kiểm soát công an Khmer và Việt Nam sẽ biết em không phải là khách buôn và họ sẽ có thể giữ em lại.

- Trời ơi. Phải rời ghe này! Rồi em đi đâu tiếp? Tôi lo lắng hỏi chị.

- Đừng sợ em trai. Mọi chuyện chị sẽ lo cho em. Em sẽ đặt chân lên Châu Đốc ngay sáng sớm nay cho xem. Tối ngủ ngon hả em? Uống cà phê sữa đá nha. Cứ ngồi yên khi nào chị nói em xuống thì mới xuống nghe.

Đúng như chị Sa Thi nói. Khoảng tiếng đồng hồ sau thì ghe bầu này chạy chậm lại. Rồi một số khách lên hoặc xuống ghe. Có tiếng rao ai đổi tiền Việt sang tiền Khmer hoặc ngược lại. Tôi còn duy nhất trong người là đồng tiền 100 Riel mầu đỏ. Giữ làm kỷ niệm thôi chứ tờ giấy bạc này giá trị quá nhỏ. Rồi chị Sa Thi ở đâu đi lại vẩy tôi. Tôi theo chị đi xuống khỏi chiếc ghe bầu này. Đây là một cái bến đò nhỏ. Các chiếc ghe chở khách nhỏ đang chở khách sang bên kia bờ. Chiếc nào cũng có cây đèn Bão treo lủng lẳng dưới mái ghe. Đến một chiếc ghe gần nhất. Chị nói:

- Em theo ghe này qua bên kia bờ. Lên bờ rồi hễ xe Honda ôm nào chạy về bến Cồn Tiên thì leo lên nghe. Khi đến bến Cồn Tiên rồi ngồi chờ khi nào có Chẹt * thì đón Chẹt đó ngay. Qua khỏi Cồn thì là Châu Đốc đó. Đón xe Chành * hay Honda ôm thì tùy ý em, bảo họ chở em đến xe đò tốc hành về Cần Thơ. Đây chị gửi em tiền. Em xuống ghe nha, chúc em về nhà bình an.

Mọi sự diễn ra y đúng y như chị Sa Thi dự liệu. Vừa đặt chân lên bờ thì đám Honda ôm nhao nhao chạy đến tìm khách bằng hai ngôn ngữ Việt hoặc Khmer. Tôi chọn một chiếc mà người chủ trông còn rất trẻ. Câu ta chạy xe thật nhanh trong đêm tối. Tôi đến bến Cồn Tiên khi trời vẫn chưa sáng. Những quán ăn trên bờ đã mở hàng sớm. Chọn một quán gần bờ nhất để tầm mắt có thể nhìn thấy được các chiếc Chẹt đón khách, tôi gọi một ly cà phê sữa nóng ngồi nhâm nhi như một khách địa phương. Đây vẫn còn trong địa giới nước Khmer. Qua bên kia Cồn thì mới là nước Việt. Trời đã bắt đầu bình minh rồi.

Trong chiếc xe đò tài nhất tốc hành đi Cần Thơ. Tôi ngồi nhìn cảnh vật hai bên đường mà thoáng buồn vì chuyến đi bất thành. Nhẩm tính, tôi rời nhà đã cả tháng trời rồi chứ ít sao! Không biết thời gian mình vắng nhà như vậy công an địa phương chúng có biết mình vượt biên không? Bây giờ mình về nhà có sao không? Không biết thằng Minh đã về tới nhà chưa nữa? Tôi nghĩ đến Phương nghĩ đến Dũng và anh Tấn nữa. Lục trong túi xách của mình, tôi xem lại tấm Chứng minh Nhân dân của Phương mà tự hỏi mình có nên hay không nên tìm đến nhà nàng để báo tin cho thân nhân nàng biết. Trời bây giờ sáng rõ rồi. Gió sớm mai thổi mát rượi. Xe chạy vào bến xe Cần Thơ. Xuống xe, kiểm tiền trong túi chỉ còn đúng 2000 đồng tiền Việt Nam. Chị Sa Thi đã lo cho mình thật chu đáo. Nhưng mà mình còn phải về nhà tận Sài gòn. Tại mình nói dối nhà ở Cần Thơ nên họ đã giúp mình về tới Cần Thơ là đúng rồi. Làm sao mình có tiền để về Sài gòn bây giờ đây! Tôi chợt nhớ đến nhà của một người bạn mà đã quen trong lần ở tù vượt biên chung. Người bạn này tên Thành nhà ở đường Mậu Thân. May ra anh ấy có nhà.Tôi đón xe Chành kêu chở đến đường Mậu Thân ngay. Gặp được nhà anh Thành thì sẽ cạo râu tắm rửa cho thật sạch sẽ trước đã rồi mượn tiền của gia đình anh Thành để về Sài gòn sau đó sẽ mang tiền xuống trả lại. Đường Mậu Thân đây rồi. Tôi trả tiền cuốc xe và đi dọc theo đường để dò tìm số nhà của anh Thành. Con đường này thật lạ. Số nhà không theo thứ tự liền nhau mà được sắp xếp lộn xộn. Đi tới rồi đi lui mỏi cả chân mà vẫn không tìm ra được số nhà anh Thành. Hỏi thăm người dân sống tại đường này thì không ai biết tên anh Thành cả. Mệt mỏi, ngồi nghỉ chân trên thềm của một căn nhà đóng cửa, tôi phân vân không biết mình sẽ phải làm gì đây nếu như không tìm được nhà của anh Thành? Nhìn lơ đãng các căn nhà đối diện mà trong trí bực mình nghĩ là chính quyền hay bưu điện đã đánh số nhà quá sức phức tạp trên con đường này thì trời ạ, số nhà mà tôi kiếm nãy giờ đang nằm ngay trước mắt tôi.

Tôi bước vội sang gõ cửa kêu tên anh Thành. Một bà cụ trong nhà đi dép lẹp xẹp bước ra gặp tôi hỏi:

- Cậu là ai vậy, quen biết sao với thằng Thành?

* Chẹt: Phà nhỏ
* xe Chành : xe đạp ôm

Tôi kể sơ về quan hệ giữa tôi và anh Thành cho bà cụ này nghe. Bà mời tôi vào nhà cho biết :

- Thành con tôi vắng nhà 2 năm nay mà không nghe tin tức gì cả. Thấy cậu gọi tên nó tôi mừng quá tưởng có tin tức gì về nó nào ngờ.

Hơn 3 năm trước, trong một chuyến vượt biên bị lộ tại huyện Xuyên Mộc tôi đã bị du kích địa phương bắt giải giao cho công an xã Phước Thuận. Trong trại tạm giam của xã, gã cán bộ chấp pháp tên Mười Lý đã ra giá mỗi người viết thư về nhà báo gia đình mang 1 cây vàng 24 lên nạp thì sẽ được thả ngay còn không y sẽ giao cho công an huyện Xuyên Mộc. Những ngày nằm trong phòng giam ở đây tôi và anh Thành đã quen nhau. Anh cũng bị bắt trước tôi trong một chuyến vượt biên khác và đang chờ tin của người nhà anh khi đó. Hơn tôi 3 tuổi, anh Thành là lính tác chiến trong Sư đoàn 9 Bộ binh VNCH. Chúng tôi cho nhau địa chỉ mà chưa lần nào ghé thăm nhau kể từ lần gặp gỡ năm đó . Rồi mẹ tôi lên được trại đóng vàng chuộc mạng con mình cho gã cán bộ Mười Lý này. Tôi hỏi Bác Sáu mẹ anh Thành về việc ngồi tù năm đó thì bà nói:

- Đòi tui một cây vàng mới thả thằng Thành mà cậu coi nhà đâu có khá giả gì. Tui mang được 5 chỉ vàng 24 thôi. Vậy mà lấy 5 chỉ rồi đâu chịu thả thằng con tui ngay cậu. Một hai bắt tui phải về nhà mang tiếp cho chúng 5 chỉ nữa thì mới thả. Tui nói không có chúng đâu chịu tin ngay. Bắt tui ở trên đó tới 3 ngày mặc cả xuống 8 chỉ rồi 6 chỉ cuối cùng biết tui không còn vàng thực chúng mới chịu thả thằng Thành đó.

Tôi tắm rửa, cạo râu mặt mũi và thay quần áo sạch sẽ sau đó dùng bữa cơm trưa vội vã với hai bác Sáu cùng Nhiệm người em gái ruột của anh Thành. Nhiệm cho tôi biết sơ về chuyến đi của anh Thành như sau:

- Ảnh đi bằng đường bộ băng ngang Campuchia. Từ đó đến giờ gia đình em không nghe tin gì về ảnh hết. Nay nghe anh kể mới biết các chuyện về người Việt vượt biên bên đó. Em vẫn hàng đêm đốt hương cầu mẹ sanh mẹ độ phù hộ cho ảnh. Mong là ảnh vẫn bình yên sống đâu đó ở bển.

Tôi an ủi Nhiệm và hai bác Sáu ba mẹ anh Thành rồi như một kỷ niệm, tôi đã lấy tờ giấy bạc 100 Riel còn lại trong người làm quà tặng cho bác Sáu ba của anh Thành trước khi chia tay với gia đình này. Đi chuyến xe tốc hành tôi về được xa cảng miền Tây-Sài gòn vào lúc xẩm tối. Ngồi nhâm nhi cà phê trong một quán bên cạnh đường tôi chờ tối hẳn sẽ đón xe Honda ôm để về nhà cho an toàn. Về nhà trong sự ngạc nhiên của mẹ và các em tôi. Trong nhà ai cũng nghĩ chuyến tôi đi đã đến nơi an toàn. Tôi hỏi thăm về thằng Minh. Nó vẫn chưa về.

Ngày hôm sau, không hiểu sao mà tin tôi về nhà đã đến tai bà Tư Lực (mà người trong khu phố thường gọi là bà Sáu nhà bán Cà phê) mẹ thằng Minh. Ông bà cán bộ này đã đến nhà tôi hỏi thăm về chuyến đi, về thằng Minh con trai họ. Tôi lần lượt kể lại mọi sự rồi khi thấy bà Tư Lực này khóc lóc than vãn quá lớn tôi đâm sợ công an biết sự vụ nên để trấn an ông bà, tôi nói là thằng Minh sẽ về đây chỉ nay mai thôi bác đừng khóc lớn nữa coi chừng công an biết là chết cả đám bây giờ.

Thưa các bạn đọc trong diễn đàn. Các bạn biết là ở Việt Nam nếu ai đi vượt biên rủi không thành mà yên ổn quay về đừng để công an biết thì không sao nhưng nếu rủi chúng biết mình vắng mặt tại địa phương là để vượt biên thì lại khác. Nhất là chuyến đi đã không thành còn bị hải tặc bắt người nữa. Chưa biết sẽ ra sao đây? Những ngày kế tiếp vẫn chưa thấy thằng Minh về thì bà Tư Lực này lại đến nhà tôi cật vấn tôi đủ điều làm như tôi phải chịu trách nhiệm về chuyện tại sao con bà chưa về được. Có lẽ ỷ mình thuộc gia đình cách mạng quen biết nhiều với cán bộ trên Phường, Quận nên bà Tư Lực này không sợ sệt gì hết đi kể lể rồi lại khóc than với mọi người về chuyện của thằng Minh. Tôi sợ mà chưa nghĩ ra cách để thoát.

Tuần lễ sau đó, một buổi sáng ngày Chủ Nhật khi đang ngồi uống cà phê trong một quán thiết kế theo kiểu sân vườn. Ông Nam, chủ tịch khu phố tôi cũng đang ngồi uống cà phê trong cái sân vườn này, thấy tôi, đã ngoắc tay gọi qua ngồi bàn ông có việc. Ông Nam này cũng là dân Bắc Kỳ di cư 54 vậy mà có ai ngờ ông đã hoạt động ngầm cho Việt cộng từ lâu. Nhà ông là một địa chỉ đỏ trong cái danh sách gia đình cách mạng tại địa phương. Được cái do quen biết khá thân với gia đình tôi từ lâu nên ông này cũng tốt với gia đình. Có chuyện gì từ Phường, Quận ông vẫn thường cho nói cho gia đình biết trước. Tôi biết sắp sửa có việc liên can đến tôi đây mà quả thật là vậy.

- Tụi thằng Hùng thằng Tứ vừa mới họp với Phường cho biết nay mai sẽ làm việc với cháu về chuyến đi vừa rồi đó. Liệu sao thì liệu sớm cháu à. Thôi về chỗ đi nha.

Làm việc. Hai chữ này trong xã hội cộng sản tại quê nhà là có nghĩa điều tra-thẩm cung. Còn Hùng và Tứ. Đây là 2 thằng công an bảo vệ chính trị của quận. To xác, mặt mũi hung ác hai gã này là hung thần của rất nhiều nạn nhân cư ngụ trong quận. Tôi sắp sửa gặp 2 tên này. Làm sao bây giờ? Tôi về nói chuyện với mẹ tôi về lời báo động của ông Nam. Mẹ tôi nói :

- Con đi lên Đà Lạt chỗ nhà cậu Khánh sống ở đó một thời gian xem sao nhưng rồi mẹ tôi lại đổi ý liền khi nói: Thôi Đà Lạt xa mà lạnh lắm con. Hay là con thử lên trên rẫy của chú Kim đi, gần Sài gòn hơn, an toàn hơn là con ở đây. Chú Kim là em của ba tôi có rẫy cà phê vùng Túc Trưng gần Dốc Mơ-Gia Kiệm. Nhưng tôi trả lời: Không có chỗ nào an toàn để thoát khỏi tay bọn thằng Hùng, Tứ ngoại trừ ra được nước ngoài mẹ à. Mẹ tôi gật đầu:

- Mẹ biết vậy nhưng làm sao có chuyến ngay bây giờ đây.

Hôm đó tôi lo lắng đến nỗi không thiết ăn uống gì cả. Đêm đi ngủ mà lòng chẳng yên. Buổi sáng vừa thức dậy mới lách mình ra khỏi nhà đi rảo đến quán phở Quỳnh gần đó định làm một tô thì một tiếng xe thắng gấp ngay trước mặt tôi. Hai gã thanh niên mặc thường phục nhìn tôi hỏi :

- Anh tên Vũ, Phạm thắng Vũ?

Vừa gật đầu với hai gã lạ mặt thì nhanh như chớp tên ngồi phía sau tót xuống đẩy tôi lên ngay chiếc xe Honda 67 này rồi y nhẩy lên ngồi kẹp tôi vào giữa hai gã. Chiếc xe vọt thẳng và ngừng lại trước cửa trụ sở công an Quận. Gã ngồi sau dẫn tôi vào ngồi trong một căn phòng còn vắng hoe và bảo:

- Anh ngồi đây chờ làm việc với tụi tui.

Ngồi một mình trong căn phòng vắng vẻ này mà tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Mình vừa mới ra khỏi nhà thì chúng ở đâu nhào lại bắt liền. Vậy là chúng đã phục sẵn bắt ngay nếu gặp. Gia đình tôi chẳng ai biết việc vừa xẩy ra. Không biết hàng xóm có ai thấy hai gã này bắt tôi không nữa để còn nói lại cho gia đình biết. Sự việc xẩy ra quá nhanh. Hai gã này là ai? Hùng và Tứ thì tôi biết mặt. Rồi sự bình tĩnh dần trở lại trong tôi. Thôi thì cái gì tới nó sẽ tới. Mình phải bình tĩnh. Bất quá chấp nhận cảnh tù vượt biên vài niên nữa nhưng rồi lại thoáng buồn. Đi vượt biên bao phen đã ra khỏi nước rồi mà còn phải quay trở về. Tôi đã cố hết sức mà vẫn không thoát. Nghỉ dậy học, mất việc làm cũng vì vượt biên để rồi bây giờ ngồi đây mà chưa biết số phần sẽ ra sao. Đang nghĩ thì một phụ nữ bước vào căn phòng này chào tôi rồi bà lặng lẽ quét nhà và sắp xếp các ghế ngồi cho gọn gàng. Đây là phòng tiếp dân trong quận với các dãy ghế dài xếp gần nhau cho người dân và 2 cái bàn của nhân viên làm việc. Tôi đứng lên nép mình bên cửa sổ quan sát khuôn viên toàn trụ sở công an quận này. Ba dãy nhà nối với nhau thành hình chữ U. Các phòng liền nhau có cái đã mở cửa sẵn và người đi vào đi ra. Cửa lớn ngay cổng đóng kín chỉ dùng cửa phụ nhỏ bên hông và ngay tại đây là một chốt nhỏ có nhân viên công an trực sẵn. Người dân có việc phải đến đây hay đi ra ngoài đều do người nhân viên này xem xét.

Phòng bắt đầu đông người đến chờ như tôi. Bắt chuyện với một người đàn ông ngồi bên cạnh tôi được biết ông đến theo giấy mời vì liên can đến một vụ ấu đả tại gia. Hỏi một chị phụ nữ khác thì bà này cho biết đến làm giấy bảo lãnh con trai từ trại cai nghiện Bố Lá về nhà. Ai cũng có việc mới phải đến đây nhưng mặt ai cũng đầy vẻ lo âu. Còn tôi, hai gã thanh niên chở tôi đến đây chỉ nói cộc lốc chờ làm việc mà không cho biết làm việc gì. Chắc chắn là vụ vượt biên của mình. Cũng một phần do cái miệng của bà Tư Lực không kín mà tụi này mới biết chuyện. Bà này sót con nhưng khóc lóc than van để lộ chuyện cũng đâu giúp thằng Minh về ngay! Rồi đây thằng Minh con bà cũng sẽ bị y như tôi nếu nó về được. Các công an bắt đầu xuất hiện và giải quyết các sự vụ nhưng họ làm việc quá chậm. Tôi nhìn ra phía cổng thấy những người xong việc thơ thới ra về rồi tự dưng tôi nẩy ra một ý định. Tôi làm vẻ mặt tỉnh bơ đi ra cửa như một người dân vừa xong việc giấy tờ nhưng thấy vậy mà không phải vậy, gã công an ngồi trực tại đây thấy tôi y hỏi liền :

- Anh đi đâu?

Tôi hoảng hồn nhưng lấy vẻ tự nhiên trả lời y:

- Ra ngoài mua thuốc lá hút.

- Không được.

- Mua xong quay vào liền mà anh.

Gã lắc đầu nói :

- Đi vào ngay.

Tôi quay trở vào. Tôi thấy có nhiều người dân ra hoặc vào cái cửa này dễ dàng đâu có bị gã hỏi giấy mà tại sao gã lại hỏi tôi? Chắc gã này đã thấy lúc sáng tôi bị 2 tên kia chở đến đây. Tôi nghĩ vậy. Ngồi như thế mà vẫn không thấy ai hỏi đến mình mà cũng chẳng thấy mặt hai gã thanh niên chở tôi hồi sáng cho đến trưa thì phòng làm việc này bắt đầu bớt người rồi sau cùng chỉ còn mình tôi trong phòng. Mắt lim dim buồn ngủ mà bụng thì đói tôi chẳng thiết để ý việc chung quanh cho đến khi có tiếng chân người dừng ngay bên cạnh hỏi tôi giọng người miền Nam:

- Anh đến có chuyện gì vậy?

Mở mắt, trước mặt tôi là một nữ công an còn khá trẻ tay ôm một chồng hồ sơ trước ngực nhìn tôi. Nữ công an này là một trong hai nhân viên giải quyết giấy tờ cho người dân trong phòng, người kia là nam nhưng bây giờ tôi không thấy mặt y đâu. Tôi vẫn ngồi im. Người nữ công an này hỏi tiếp :

- Anh đến lo chuyện gì sao nãy giờ không gặp tụi tui?

Tôi trả lời là không có chuyện gì hết thì người nữ công an này lại hỏi không có việc cần thì sao lại vào đây? Ngay lúc đó tự dưng tôi buột miệng nói xạo liền.

- Tôi đến đây để làm nhân chứng cô à.

- Làm nhân chứng ! Mà vụ gì?

- Một vụ trộm trong đêm tại khu phố.

Trước đó hai ngày trong phường tôi có xẩy ra một vụ trộm. Kẻ gian đã bẻ khoá vào nhà một gia đình cán bộ trẻ nhưng khi chúng đang dọn đồ dở dang thì hai vợ chồng người cán bộ này ở đâu về nhà đúng lúc. Bọn trộm gồm hai tên đã chống cự lại và bỏ chạy thoát nhưng gây thương tích cho gia chủ. Không ai biết mặt hai tên trộm nhưng gã cán bộ chủ nhà lại đổ cho một trong hai tên trộm là một thanh niên sống cùng khu phố. Khi dân phòng đến nhà người thanh niên bị tình nghi này mới biết anh ta đang trong cơn say khướt tại một bàn nhậu của một quán cóc trong hẻm của khu phố bên cạnh. Sự việc rõ như vậy và dù cả chủ quán lẫn bạn nhậu làm chứng tình trạng ngoại phạm của anh thanh niên nhưng gã cán bộ vẫn quả quyết chính người thanh niên này vừa ăn trộm trong nhà y ta. Tôi bịa ra chuyện gã cán bộ làm đơn thưa và anh thanh niên nhờ tôi làm nhân chứng cho anh. Nghe vậy người nữ công an này hỏi tôi đưa xem giấy mời làm việc. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên trả lời là không có giấy mời mà một công an sáng nay đã đến nhà gặp tôi hỏi về câu chuyện ăn trộm tối hôm đó rồi sau đó chở tôi đến đây để làm nhân chứng nhưng rồi tôi chờ hoài mà chẳng thấy ai hỏi gì cả. Người nữ công an này hỏi tôi là ai đã chở anh đến đây. Tôi lắc đầu nói không biết tên. Nghe vậy thì người nữ công an này bảo tôi ngồi chờ chốc lát. Y thị đi ra khỏi phòng rồi quay lại với một tay thanh niên khác và nói :

- Bây giờ trưa rồi. Đồng chí này sẽ chở anh về nhà anh để ăn cơm. Ăn xong thì đồng chí ấy sẽ chở anh về lại đây ngay. Chiều tui sẽ hỏi các đồng chí khác về chuyện của anh đó.

Nói xong người nữ công an này bỏ đi về phía nhà để xe của cán bộ. Ngồi trực tại chốt ở cửa bây giờ là một gã thanh niên khác thay cho tên công an cũ. Tay thanh niên trẻ dắt chiếc xe Honda 67 ra khỏi cửa, đạp máy xe nổ rồi bảo tôi ngồi sau lưng y. Xe chạy, y hỏi đường và số nhà tôi. Trong chốc lát xe ngừng trước cửa nhà, mẹ tôi và đứa em gái nghe tiếng xe chạy ra thấy tôi thì nói liền.

- Con đi đâu từ sáng tới giờ mà không nói cho ai biết. Ăn cơm gì chưa vậy?

Tôi trả lời liền.

- Đói bụng quá sức nên về ăn cơm nè mẹ.

Nghe vậy mẹ tôi hối đứa em gái vào nhà dọn cơm rồi quay sang gã thanh niên bà nói luôn.

- Cháu là bạn của Vũ hả? Cháu vào dùng cơm luôn với gia đình bác nghe.

Gã thanh niên này vẫn ngồi yên trên xe không trả lời mẹ tôi rồi không hiểu sao y ngoắc tay gọi tôi lại gần nói nhỏ.

- Anh tranh thủ vào ăn cơm ngay đi. Tôi cho anh 15 phút. Tôi đi đằng này một lát sẽ quay lại ngay. Nhớ nghe 15 phút nữa tôi quay lại đó nha. Nói xong y gật đầu chào mẹ tôi rồi quay đầu xe chạy mất. Mẹ tôi thấy vậy hỏi :

- Bạn con đó hả? Đứa nào vậy?

Tôi không trả lời mẹ tôi mà nhìn chăm chú cho đến khi hút bóng gã thanh niên rồi tôi cất tiếng gọi em gái tôi lên nhà ngay. Mẹ tôi vẫn nghĩ gã công an này là bạn tôi. Em gái tôi nghe gọi chạy lên chưa biết chuyện gì thì tôi hối vô trong lấy chìa khoá và dắt xe ra khỏi nhà ngay.

- Chuyện gì từ từ giải quyết. Vào ăn cơm đã. Mẹ tôi hỏi dồn.

- Thằng vừa rồi là công an quận đó mẹ. Con bị bắt từ lúc sớm may mà con lừa được mấy đứa này cho về nhà để ăn cơm đây nè. Giờ con phải đi ngay đây kẻo không còn dịp. 15 phút nữa nó quay lại thì mẹ nói là con đang ăn cơm có người đến gọi chở con đi rồi nghe. Đứa nào đến nhà mình hỏi thêm về con thì mẹ liệu đường mà trả lời. Đưa con ít tiền con đi ngay bây giờ. Vừa nói tôi vừa đạp máy xe Honda.

Tôi lái xe chở đứa em gái chạy một lèo lên Hố Nai tá túc nơi nhà một người bà con bên họ hàng của mẹ tôi và ở đây hai ngày sau thì em gái tôi lên cho biết tin về Dũng. Một người được thả từ trại giam công an Bến Cầu-Tây Ninh đã tìm đến nhà theo địa chỉ ghi trong giấy, báo tin cho biết thằng Dũng bị công an biên giới Mộc Bài bắt và hiện đang bị giam tại nhà giam huyện. Còn Phương, cứ nấn ná mãi chưa kịp tìm đến nhà nàng thì bây giờ lại bị kẹt ở đây. Mãi hơn 7 năm sau tôi mới biết các tin tức của Phương. Còn anh Tấn. Cũng cùng thời gian như với Phương, khi tôi tìm đến địa chỉ anh ghi cho năm xưa, người trong nhà rất mừng vì nghĩ tôi mang đến cho họ biết các tin về anh Tấn nhưng họ đã thất vọng. Không ai trong nhà biết tin gì về anh sau chuyến vượt biên tại Hà Tiên năm đó. Lần chia tay với tôi và Dũng tại bến xe Kompong Som là lần cuối cùng tôi gặp anh Tấn. Vĩnh biệt anh Tấn, một trong những người mà tôi rất muốn kết làm bạn thân trên đời.

Ba ngày sau nữa, mẹ tôi đã tìm được mối để tôi làm tiếp một chuyến vượt biên lần thứ ba trong đời. Chuyến đi này đã đưa tôi đến được trại tỵ nạn Galang của nước Cộng Hòa Indonesia an toàn nhưng.

Đến mà chưa thoát...

Phạm thắng Vũ
May 8, 2008.
Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
Xin anh viet tiep!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn