BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại Tập-Trung (Phần II – 18)

08 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1689)
Trại Tập-Trung (Phần II – 18)
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.36

- 18 -


Chưa có triệu chứng « nổ » của tù nhân về từ Hà Nam Ninh. Anh em vẫn tự do tắm giặt, nấu nướng, đi lại « linh tinh ». Anh em tự do nhổ rào trại đun bếp. Anh em tự do sang khu B truyện trò ngoài hàng rào. Trực trại chỉ thị tổ vệ sinh kiếm củi cho Hà Nam Ninh. Trật tự cả hai khu đều khép nép khi gặp Hà Nam Ninh. Trần Trọng Thanh lên bệnh xá nằm cả ngày. Cung củ đậu, lợi dụng tình chiến hữu, hết sang nhà này đấu láo lại sang nhà khác đấu láo. Anh ta rất khớp Hà Nam Ninh. Vì Hà Nam Ninh nhiều trung tá ở các binh chủng dữ dằn. Có một đại tá nhảy dù nữa. Nhưng Hà Nam Ninh không hẳn chỉ toàn sĩ quan quân đội mà con viên chức cao cấp chế độ cũ, phản động và đảng phái trình diện học tập cải tạo. Ra Bắc, chẳng phải là tù nhân tối quan trọng. Ở Nam, chẳng phải là tù nhân tầm thường. May rủi cả. Trưởng ty Dân vận và chiêu hồi, nhạc sĩ Vũ Thành An, ra Bắc. Tổng trưởng thông tin và chiêu hồi Hồ văn Châm ở Nam. Dân biểu Nguyễn văn Cung ra Bắc. Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Lương ở Nam. Những nhà văn quân đội ra Bắc. Những nhà văn dân sự « biệt kích văn nghệ » ở Nam. Nhà văn « biệt kích văn nghệ » Dương Nghiễm Mậu về nhà sau 11 tháng tù. Nhà văn quân đội Duy Lam hôm nay vẫn ở trại trừng giới Phú Khánh.

Một điều Hà Nam Ninh cảm thấy tủi nhục và phẫn nộ là thấy thiếu tá nhảy dù Cung củ đậu xun xoe theo sau trung sĩ công an trực trại, nhâng nhâng cầm xâu chìa khóa, đóng và mở cửa hai lần tập họp điểm danh. Sự phẫn nộ đã không trút vào Cung củ đậu mà lại trút vào một tên trật tự tù nhân hình sự khu B. Tên này bị vây đánh ở bệnh xá, sau đúng một tuần Hà Nam Ninh về Z30 D và một số người đã được gặp vợ con, đã nhận quà thăm nuôi. Vũ Xuân Thông cũng đã gặp thân nhân. Chàng có tin buồn : thân mẫu vừa qua đời. Thông buồn bã ra mặt. Chàng mong gặp mẹ sau nhiều năm xa cách. Chàng đã về thật gần mẹ. Nhưng mẹ chàng vội khuất núi. Vài người chỉ có em hay chị dẫn con thăm bố. Vợ đã phụ tình từ lâu, gia đình viết thư ra Bắc đã nói dối vợ vẫn thủy chung. Trung úy Thọ, người bạn tuổi nhỏ của tôi gặp vợ và cha già. Chuyện vui buồn chưa dứt bùi ngùi và ngậm ngùi thì một nửa Hà Nam Ninh chuyển khu. Ba đội vào K2 K3. Hai đội sang khu B. Năm đội bên khu B qua khu A. Ngay buổi tối hôm chuyển khu, chuyển K, Hà Nam Ninh còn lại khu A, tỏ thái độ.

Một nhà hát. Bốn nhà hát theo. Trước hết, họ hát những bản hùng ca do anh em của họ sáng tác. Rồi họ hát chính huấn ca. Cái lâu đài âm thanh này đã khiến tù nhân cả K1 ngưng hút thuốc là, ngưng chuyện trò. Tôi nghĩ thế. Vì, ở nhà của tôi (bây giờ tổ vệ sinh sống chung với đội rau xanh khu B mới sang), các cửa sổ khoang trên, khoang dưới kín mít. Tù nhân chờ đợi phản ứng của cai tù. Z30 D K1 không có phản ứng. Quản giáo, vệ binh, trực trại đứng gần các nhà nghe hát. Hà Nam Ninh chỉ hát, không reo hò, không hô khẩu hiệu. Họ hát đến khi kẻng báo ngủ thì ngưng hẳn. Sáng hôm sau, tập họp điểm danh bình thường. Các đội cũ đi lao động. Các đội Hà Nam Ninh ở nhà, tư do như hôm vừa tới. Mỗi chiều, vệ binh, lần lượt, dẫn từng đội ra suối tắm giặt. Nước bơm vào hồ không kịp. Xuất trại, Đội trưởng báo cáo. Ai đội nón, mũ đều lật khi qua điếm canh.

Ngày 25 tháng Chạp năm Thân, dương lịch 1981, Z30 D tuyên bố kết quả xổ số chào mừng Tết Con Gà. 300 tù nhân của 3 K được « thần tài » chiếu cố. Tất cả tụ tập ở hội trường K1 chờ làm thủ tục về xum họp gia đình. Chưa lần nào tù nhân được tha đông như lần này. Người ta phóng ra một tin phấn khởi : tù cũ sắp về hết nhường chỗ cho tù miền Bắc bồi dưỡng rồi về luôn. Tiến bộ vượt mức ! Tiến bộ, tôi chợt nhớ bài « lên lớp » của phó giám thị Phúc :

- Đáng lẽ các anh về từ lâu. Chúng tôi giữ các anh ích lợi gì ? Các anh lao động không đủ nuôi các anh, các anh nắm vững hơn ai. Sở dĩ, các anh còn cải tạo vì vợ con các anh ở nhà đã tiến bộ vượt mức. Chính vợ con các anh viết thư yêu cầu chúng tôi giữ các anh lại, giáo dục các anh để các anh tiến bộ ngang mức vợ con các anh thì khi về các anh mới thích nghi đời sống xã hội chủ nghĩa !

Bài « lên lớp » đã làm tù nhân « chửi » vợ con mình quá xá. Cộng sản còn có nghệ thuật cù không cười. 300 tù nhân được tha kỳ này chắc đã được vợ con ô kê tiến bộ. Đặc biệt, cận Tết, họ đỡ bị … bóc lột lao động thêm. Bộ nội vụ đã giáng một đòn cân não. Hà Nam Ninh chới với con số 300 tù nhân được tha. Trung úy Thọ tìm tôi :

- Nó lọc hay quá, anh ạ !

- Lọc gì ?

- Lọc người.

- Ra sao ?

- Nó lọc từ Hà Nam Ninh trước ngày về đây. Biên chế đội rồi mới chuyển trại. Các ông cầu an, lừng khừng đã sang khu B và vô K2 cả.

- Còn lại là chống đối à ?

- Chống đối và chống chống đối.

- Thâm hiểm ghê nhỉ ?

- Vâng. Nó cho hai quan điểm đối nghịch sống chung. Cộng sản mà ! Anh Thông bị kẹt.

- Sao ?

- Anh ở giữa hai quan điểm.

- Còn cậu ?

- Em không dám lên tiếng nữa. À, anh này …

- Gì ?

- Phản ứng của nó ra sao khi Hà Nam Ninh hát nhạc chính huấn.

- Tôi không gần gũi nó, không thể biết. Nhưng tôi biết chắc điều này : cộng sản sẽ trấn áp qua giai đoạn kiên trì. Nhìn lại vụ nó nuốt Kampuchia đi ! Nó chuẩn bị dư luận thật chín muồi, kiên trì chịu đựng mọi ngang ngược của Pol Pot, Iang Sary. Cho đến khi giải phóng Kampuchia là chân lý, nó mới thôn tính Kampuchia.

- Tại sao anh không làm chính trị ?

- Tại sao tôi phải làm chính trị ? Mà cậu đề cập chính trị ở đâu ?

- Ngoài đời.

- Không, ngu sao làm chính trị. Đem tư tưởng chính trị của mình chỉ đạo bọn làm chính trị mới khôn. Tôi không làm chính trị song, tôi có thái độ chính trị như thái độ viết. Cả hai nằm trong thái độ sống của tôi.

- Em sẽ làm gì ?

- Ở đâu, bao giờ ?

- Ở đây, bây giờ.

- Xếp tàn y lại để dành hơi. Hỏi mãi, sốt ruột !

Buổi chiều ngày 27 tháng Chạp năm Thân, một đội Hà Nam Ninh xuất trại ra suối tắm. Nội quy ghi rõ điều khoản này : « Trại viên xuất trại và nhập trại phải báo cáo cán bộ và bỏ nón mũ khi ra và vào cổng ». Tôi đã ở trại lao cải Sa Ác và Rừng Lá, tôi thấy điều khoản này được tù nhân triệt để thi hành. Một vài người không thèm đội nón mũ. Để khỏi chấp hành nội quy. Sa Ác còn quái ác bắt tù nhân cận thị gỡ kính xuất nhập trại. Điều này không có trong nội quy nhưng nằm ở câu « Trại viên phải triệt để tuân hành mệnh lệnh và chỉ thị của cán bộ … ». Một tù nhân Hà Nam Ninh đã cố tình không gỡ mũ ra khi vào trại. Cán bộ trực trại, lúc ấy, chưa đến điếm canh. Vệ binh trên vọng gác thay thế. Vệ binh yêu cầu gỡ nón sau khi báo cáo nhập trại. Tù nhân này nhất định không gỡ nón. Vệ binh lên đạn. Để cảnh cáo tù nhân « ngoan cố », vệ binh ngắm đống đá chất cao ngoài cổng trại, cách chỗ đội tập họp báo cáo nhập trại khoảng 2 thước bấm cò. Viên đạn làm một mảnh đá dội ngược văng mạnh vào cánh tay một tù nhân. Anh này bèn nằm lăn ra. Vệ binh bắn chỉ thiên 3 phát báo động. Trực trại, quản giáo, vệ binh kéo đến. Y tá được gọi ra băng bó vết thương ngoài da. Đội Hà Nam Ninh được yêu cầu vào trại.

Thay vì về nhà, họ xếp hàng đôi, ngồi giữa sân tập họp lao động. Bốn đội Hà Nam Ninh khác cũng ra ngồi tỏ tình đồng đội. Khi các đội cũ của khu A lao động về, Hà Nam Ninh yêu cầu họ cùng ngồi. Ai thích thì ngồi, ai không thích thì thôi. Không có sự cưỡng bức. Một nửa tham dự. Một nửa về nhà lấy cơm, chia cơm. Số người tham dự không ăn cơm. Tù hình sự tham dự rất ít. Đại diện của Hà Nam Ninh yêu cầu trực trại mời ban giám thị tới giải quyết vấn đề. Trực trại hứa chuyển đạt lời yêu cầu rồi gấp sổ trực, rời điếm canh. Nắng tắt rất nhanh. Chiều nay không không có kẻng báo điểm danh. Trật tự K1 đã lỉnh hết sang khu B. Cung củ đậu cũng biến luôn. Ở khu B, cơm canh lĩnh khẩn trương và đem vào nhà chia. Các cửa khóa sớm. Vệ binh tăng cường canh phòng, tuần tra. Khu B kể như bất động. Chẳng ai dám xô tường ra cả, dù xô mạnh là tường đổ.

Bóng tối đã trùm Z30 D K1. Đèn các nhà đã lên. Vệ binh trên chòi sát cổng đã xuống và rút đi. Lực lượng võ trang bảo vệ trại làm thành hai vòng vây chung quanh trại, phía ngoài hàng rào. Ban giám thị không đến. Cuộc đấu tranh bắt đầu. Cuộc đấu tranh với lý do đơn giản như đã kể ở trên. Thoạt đầu, bọn tù nhân hình sự trộm cắp xông vào phòng trật tự lục soát đồ đạc và tịch thu đường, thuốc rê, thuốc lào, trong khi, Hà Nam Ninh cùng tù nhân cũ hát vang nhạc chính huấn. Tù hình sự, dưới sự lãnh đạo của tên Lâm Quyền, đạp cổng hội trường, tiến vô sách động 300 tù nhân vừa trúng số, chuẩn bị về nhà ăn Tết, ra tham dự Đêm Không Ngủ. Tâm trạng 300 người này thật não nề. Ra không được, ở lại không xong. Ra thì có thể bị nằm tù nữa. Mà ở thì có thể bị … ăn đòn tranh đấu. May sao, có một người trong số 300 người đứng lên hô hào đoàn kết chiến đấu chống Cộng Sản. Vậy là một nửa người miễn cưỡng ra, một nửa người ở lại, tản mạn tại chân hàng rào suốt đêm. Nhiều người núp ở bệnh xá, bếp bệnh xá. Lâm Quyền tự phong chức trưởng ban hành động, đến từng nhà dọa nạt và lùa « nhân dân » ra tranh đấu. Nhạc chính huấn vẫn rền vang. Ban giám thị không tới.

Khoảng 22 giờ, ô pạc lơ trại oang oang :

- Chú ý, anh em trại viên chú ý … Đây là tiếng nói của cán bộ giáo dục trại cải tạo Thủ Đức Z30 D. Anh em lắng nghe tôi đọc vài điều trong nội quy

Tù nhân hát thật lớn, át cả tiếng nói của cán bộ giáo dục. Nhưng hắn cứ đọc nội quy. Đọc xong, hắn nói :

- Một trại viên vi phạm nội quy, kéo theo hàng trăm trại viên vi phạm nội quy. Ban giám thị yêu cầu những trại viên vừa được tha, về ngay hội trường chuẩn bị hành lý để sáng mai nhận Giấy ra trại thật sớm. Về hay không là do sự quyết định của các anh.

Đại diện Hà Nam Ninh yêu cầu tù nhân vừa trúng số về hội trường gấp. Họ chỉ đợi có thế. Một người duy nhất ngồi lại. Người này trung thành với lời hô hào « đoàn kết chiến đấu ».

- Chú ý, anh em trại viên chú ý … Ban giám thị sẽ giải quyết vấn đề vào ngày mai. Yêu cầu anh em về nhà ngủ. Chúng tôi cam kết không có hình phạt trả thù.

Z30 D cứ đem nội quy ra nói. Và nói một cách bình tĩnh. Khi ấy, lực lượng võ trang từ Hàm Tân đã đến tăng cường. Trong này, nhạc chính huấn hăng say hơn. Tù nhân hình sự pha nước chanh, nấu chè cho mọi người ăn uống. Thuốc lào rít ròn rã. Tôi bỏ về từ lúc này, không còn hứng thú đứng và đi xem nữa. Nhưng tôi không ngủ. Cái răng khôn nhổ hôm qua còn đang hành tôi nhức nhối. Tôi nằm nghe những lời yêu cầu tù nhân giải tán, ai về nhà nấy ngủ, mai đi lao động. Về khuya, nhạc chính huấn ngưng hát tập thể. Chương trình chuyển sang mục văn nghệ Đêm Không Ngủ. Đơn ca không đàn đệm. Những ca khúc bêu riếu lính « Một trăm em ơi … », những ca khúc sến do bọn tù hình sự vô lại ông ổng hát đã làm hại anh em Hà Nam Ninh. Đấu tranh vô tổ chức nó mau tàn. Gần sáng, rã đám. Ai về nhà nấy, đúng yêu cầu của Z30 D, tuy hơi muộn.

Và đó, từ nguyên do, diễn tiến đến kết thúc của cái gọi là « nổi loạn ở nhà tù Hàm Tân ».

Sáng sớm hôm sau, cửa các nhà bị khóa chặt. Không có điểm danh. Không có lao động. 300 tù nhân được tha khẩn trương rời hội trường sang K2. Ở đấy họ sẽ làm mọi thủ tục ra trại. Người tù được tha ngồi lại tham dự Đêm Không Ngủ cũng sang K2 luôn. Trật tự vẫn lưu vong. Chỉ có tổ vệ sinh bên ngoài quét dọn sân trại và đổ rác. Không khí Z30 D căng thẳng. Khu B nằm nhà hết. Một vài nhà hò hét, vỗ tay. Khu A thì hoàn toàn im lặng. Buổi trưa, tổ vệ sinh phải khiêng cơm, canh cho từng nhà. Cửa mở. Cơm canh vào là khép chặt, khóa kỹ. Xế trưa, các cửa nhà đội cũ mở. Trật tự đã về đủ. Quản giáo các đội đến phát giấy cho đội làm tự kiểm. Quán giáo hướng dẫn viết tự kiểm. Tự kiểm nhận khuyết điểm tham dự Đêm Không Ngủ vì bị cưỡng bức và lên án một số người chủ mưu vô danh. Không một ai được viết ngoài cái ý đó. Ngày 29 tháng Chạp, mọi chuyện kể như đã qua. Cửa nhà Hà Nam Ninh mở tung. Miễn lao động toàn trại. Đi lại tự do. Nước bơm đầy hồ. Không ai bị kỷ luật cả. Ngay buổi sáng, một phái đoàn của bộ nội vụ đến thăm viếng anh em Hà Nam Ninh. Phái đoàn chuyện trò thân mật và hỏi anh em có cần đề xuất gì không. Tuyệt nhiên, phái đoàn không đề cập chuyện mới xảy ra.

Vũ Xuân Thông tìm tôi »

- Đêm qua anh đi đâu ?

- Tôi đứng xem, đến màn chè cháo, tôi về ngủ. Thế nào, thất bại hay thành công ?

- Theo anh ?

- Các ông đánh giá Cộng Sản thấp quá. Kinh nghiệm Hà Nam Ninh đâu ? Lý do thành công ở Hà Nam Ninh là chống đối nhốt tù nhân dưới hầm đá mà không đọc quyết định thi hành kỷ luật và do bầy sư tử lãng mạn và quả cảm lãnh đạo. Lý do thất bại ở Z30 D là chống gỡ nón và do “lãnh tụ” Lâm Quyền sách động đấu tranh. Tại sao ông dở thế ?

- Em bị theo cái đà xoay.

- Sao không chỉ các ông chơi ? Ông biết thằng Lâm Quyền can tội gì không ?

- Tội gì ?

- Ông đi hỏi cả trại, ai cũng biết tội nó. Nó chọc thủng vách nhà tắm cho bạn nó coi xi nê chị nó tắm. Vé mỗi lần vài đồng. Chị nó tố cáo nó với công an và yêu cầu cho nó đi cải tạo.

- Bỏ mẹ !

- Z30 D thật sự coi thường các ông rồi. Nó sắp ra tay rồi đấy. Rồi ông coi.

- Phái đoàn bộ nội vụ biết điều lắm.

- Đó là cái lỗ miệng Cộng Sản. Tôi gửi lời chê đầu óc lớn của các ông. Các ông không nghe tôi. Họa hổ thành khuyển.

Vũ Xuân Thông bỏ về. Người hùng của tôi chưa có vợ, dù rất đẹp trai và nhiều tài. Sáng sau, 30 tháng Chạp, điểm danh trễ hơn thường lệ. Nắng đã lên, kẻng vẫn chưa báo. Lại có chuyện gì chăng ? Có chuyện thật. Vũ Xuân Thông và 4 người khác xách hành lý rời Z30 D. Tôi đoán Thông và 4 đầu óc lớn ra đi. Về sau, tôi biết Vũ Xuân Thông về Chí Hòa. Có lẽ, hiện nay, Thông còn nằm ở trại trừng giới Phú Khánh.

Không có vấn đề gì cho anh em Hà Nam Ninh ở lại khu A và khu B. Ba ngày Tết thật êm ả. Ngày nào trung úy Thọ cũng sang nhà tôi, leo lên chỗ góc khoang trên của tôi hút thuốc lào và tâm sự. Thọ rủ thêm vài sĩ quan trẻ khác.

- Kết thúc chưa, anh Duyên Anh ?

- Chưa.

- Em thương anh Thông quá.

- Tôi cũng vậy.

- Anh Thông tình cảm lắm. Anh ấy bị một thằng đảng phái cáo già giật giây. Nó dùng tình cảm, dùng luôn cái bị thăm nuôi lúc nào cũng đầy của nó làm xao xuyến nhiều anh em “con bà phước”. Anh Thông ở Bắc không ai thăm nuôi cả.

- Lính chiến lại hào sảng, đâu biết tham nhũng. Đa số sĩ quan tác chiến, tôi thấy đều “con bà phước” hoặc bị thăm nuôi lép kẹp. Những thằng tham nhũng, thối nát, ở tù vẫn phây phây. Chúng nó thừa tiền mua cai tù nên chúng nó nhàn hạ. Còn được tha sớm nữa.

- Anh biết phái đoàn bộ nội vu hỏi thằng đảng phái ma đầu cần gì, nó trả lời sao không ?

- Không.

- Nó xin một thùng rác cho phòng. Nó biểu dương nồng nhiệt trại Z30 D. Còn anh Thông, anh yêu cầu không có trả thù người cải tạo, dù phái đoàn không đề cập chuyện Đêm Không Ngủ.

- Đó là lý do Thông ra đi ?

- Lý do phụ thôi. Anh Thông và 4 người kia bị ghim từ Hà Nam Ninh. Anh nói vụ này chưa kết thúc, liệu còn những gì xảy ra ?

- Nó sẽ làm các cậu xâu xé nhau.

- Cách nào ?

- Tôi không biết. Có lẽ, cậu sẽ không ở khu A lâu đâu.

- Em sẽ chuyển trại ?

- Chuyển K hoặc khu

- Anh có lời nào khuyên em thêm ?

- Một người công an chấp pháp Nam bộ tập kết ở sở công an thành phố Hồ chí minh khuyên tôi, ở tù Cộng Sản đừng tin ai, đừng dại dột chết ở lỗ chân trâu. Một người cai tù ở Chí Hòa khuyên tôi, đừng chống cán bộ quản giáo, vệ binh vì chúng nó không có quyền bắt, không có quyền tha, nhưng có quyền hành hạ và dồn mình vào chỗ chết. Cậu suy nghĩ lời người ta khuyên tôi.

- Cám ơn anh.

Mồng 5 Tết, tù nhân Hà Nam Ninh K1 tập họp hết ở hội trường nghe giám thị Mạnh “lên lớp”. Đây là bài lên án nặng nề Đêm Không Ngủ. Bài này được phát thanh cho cả trại nghe.

- Ai cho phép các anh vi phạm nội quy ? Ai cho phép các anh hát nhạc chính huấn ? Ai cho phép các anh tụ tập âm mưu nổi loạn ? Ai cho phép các anh sách động đấu tranh trong nhà tù ? Việt Cộng nổi loạn trong nhà tù, các anh tàn sát hết, các anh đâu có tha. Các anh nổi loạn, Việt Cộng chúng tôi không tàn sát các anh. Đó là chính sách nhân đạo và khoan hồng của đảng và nhà nước đối với người học tập cải tao…

Giám thị mạnh lên lớp gần ba tiếng đồng hồ. Cuối cùng là câu kết luận:

- Các anh, ai muốn lao động thì được lao động, ai không muốn lao động thì ở nhà. Từ nay, trại không tha thứ một hành động vi phạm nội quy nặng hay nhẹ.

Ngay buổi trưa, 5 đội Hà Nam Ninh khu A bị xào xáo, biên chế lung tung thành 5 đội mới. 3 đội sang khu B. 2 đội chuyển sang 2 căn nhà nằm sau phòng trật tự, sát hàng rào trại. Z30 D K1 vận dụng 2 đội dựng một hàng rào tre cách ly 2 đội Hà Nam Ninh với các đội khác. Thêm hàng rào kẽm gai giữa hai nhà. Đội xây cất xây bức tường gạch chia đôi hồ nước. Một cái cổng có giây xích và khóa chặt. Hai căn nhà của hai đội Hà Nam Ninh biến thành khu kỷ luật tập thể. Tù nhân không được ra ngoài hàng rào, không được nhận quà thăm nuôi, không đi lao động, không tắm giặt hàng ngày. Nước sẽ vào đủ xối cầu tiêu. Một tuần tắm hai lần bằng vòi nước đẩy vô, giới hạn thời gian. Bật lửa, diêm bị tịch thu. Điếu cày bị tịch thu luôn. Sự trả thù bắt đầu…

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn