BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73501)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại tù Xuân Lộc

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 2891)
Trại tù Xuân Lộc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Bài viết nầy để tưởng nhớ đến những người bạn tù đã qua đời gây ra bởi kho đạn nổ. Thân xác của họ không còn nữa nhưng lòng can đảm, sự hy sinh và tinh thần chộng Cộng của họ sẽ mãi mãi là tấm gương cho những người Việt yêu tự do. Mến tặng anh Thu, Công-Quang, OC Côn-Sơn, Cát, Đắc, Bạch, BS NXN, Đạo, Nghiệp, Giang và các bạn trong tổ 4 để nhớ đến có một lần mình cùng sống chung nhau và cùng chia xẻ những chuyện vui buồn lẫn đau khổ trong một hoàn cảnh đặc biệt không bao giờ có thể quên được.

Một đoàn xe Motolova chở những người tù cải tạo từ từ lăn bánh rời trại cải tạo Trảng Lớn và đang hướng về một nơi vô định trong một đêm tối vào cuối tháng mười năm 1975. Trảng Lớn là một căn cứ bộ binh cũ ở phía tây bắc của tỉnh Tây Ninh.

Ngồi trong xe, che kín bởi mui xe bằng vải bố, những người tù cải tạo mang những niềm hoang mang và lo âu khác nhau. Có người rất lạc quan cho rằng đoàn xe sẽ hướng về Sàigòn để mọi người được trở về đoàn tụ với gia đình trong một xã hội mới và một chế độ mới, hòa-thuận và thanh-bình. Có người kém lạc quan hơn cho rằng đoàn xe sẽ chở những tù cải tạo đến một trại chuyển tiếp như vùng kinh tế mới để có dịp làm quen với xã hội mới trước khi được thả về đoàn tụ cùng gia đình. Còn người có nhiều kinh-nghiệm về chế độ Cộng-Sản, cho rằng đoàn xe chở người cải tạo về một nơi thật hoang vắng. Nơi đây họ sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ cho dễ kiểm soát và có điều kiện cho thời gian học tập lâu dài (không muốn nói là ở tù mút chỉ cần câu).

Cả hơn tháng nay trong nhóm cải tạo đưa ra tin đồn sẽ có chuyển trại, nhưng không ai biết rõ ngày giờ khởi hành và địa điểm của trại mới. Vào những ngày mới vào trại Trảng Lớn, Quang rất mừng gặp lại cố OC Nguyễn Đức Cường tự Cường kiến lửa và OC Trần Văn Trung, khóa 5 OCS thuộc liên đội C. Ngạc nhiên gặp lại bạn thân, người nầy cứ nghĩ rằng người kia đã di tản vào ngày 30 tháng Tư. Như vậy không phải chỉ một mình bị kẹt lại. OC Cường cho tin Trảng Lớn chỉ là trại tập trung tạm thời, sau nầy tất cả đều bị chuyển đi trại khác.

Một tuần sau đó bọn quản giáo cấm không cho anh em cải tạo thuộc các khối khác nhau được tự do gặp nhau. Từ đó, Quang không còn gặp lại OC Cường và Trung nữa. Mãi đến khoảng một năm sau, Quang bị chuyển về trại cải tạo ở rừng Kàtum thuộc tỉnh Tây Ninh gần biên giới Cao Miên, Quang được tin OC Cường và một số OC khác như Mai Công An cũng ở trại cải tạo Kàtum nhưng khác tiểu đoàn với Quang.

Chiều nay sau khi điểm danh xong, anh em cải tạo đi ngủ sớm như thường lệ. Bỗng nhiên vào gần nửa đêm, bọn quản giáo và nhóm vệ binh mang súng AK-47 chạy xông vào trại nơi anh em cải tạo đang nằm ngủ ngon. Chúng ra lệnh tập họp các anh em cải tạo khẩn cấp để chuyển trại và chỉ được mang một ít hành trang thôi.

Anh em cải tạo nửa mơ nửa tỉnh, hoảng-hốt chụp vội cái gì mang được thì mang để kịp sắp hàng điểm danh. Cảnh tượng thật là hỗn loạn như cuộc di tản miền Trung và Sàigòn vừa qua. Quang vội cuốn cái mùng và cái võng lại, chụp cái mền làm bằng bao cát, cái cà mèng nhặt được khi mới vào trại rồi dồn tất cả vào túi ba lô. Mang ba lô lên vai, tay vác thùng sắt đại liên đựng nước uống và đầu đội nón may tay bằng vải bao cát, Quang sắp hàng theo tổ 4.

Nhiều anh bạn gồng gánh linh tinh nào là thùng đựng nước, nồi niêu, xoong chảo, gà vịt đủ cả như chú Tàu đi mua bán vỏ chai ở Sàigòn Chợ-Lớn. Cuối cùng, họ bị bọn quản giáo bắt bỏ trở lại hết. Sau mấy tháng trời thu thập đồ linh tinh để trở thành tiểu tư sản, bây giờ họ lại trở thành vô sản một lần nữa.

Trong xe bịt bùng, người ngồi trên ba lô, ngồi trên thùng sắt hoặc ngồi bệt trên sàn xe Motolova, mắt nhìn vào hai mũi súng AK-47 chĩa vào họ. Hai tên vệ binh mặt còn rất trẻ đứng phía trước cầm súng AK-47 lên đạn sẵn sàng bắn vào người cải tạo nếu có những triệu chứng phản động xảy ra. Quang cảm thấy lo âu mặc dù Quang đã có một lần chứng kiến cuộc hành quân chuyển trại giống như vậy.

Lần trước xảy ra sau khi Quang và nhóm cựu sĩ quan cấp úy của Việt-Nam Cộng Hòa trình diện đi học tập cải tạo tại trường Trung Học Chu Văn An ở vùng Chợ-Lớn vào đầu tháng sáu năm 1975. Cũng là sự trùng hợp, vì đây cũng là trường học cũ của Quang. Quang học lớp đệ nhất B4 niên khóa 68-69, trước khi tình nguyện vào Hải Quân. Vì tin tưởng chỉ mười ngày học tập, Quang cũng như một số anh em khác chỉ đem theo một cái túi nhỏ chứa ba bộ quần áo, cái mùng, cái mền, bàn chải và thuốc đánh răng, và một số tiền để ăn câu lạc bộ và tiền để tiêu lặt vặt. Quang thơ ngây nghĩ rằng mình sẽ được cắp tập đến trường Chu Văn An để học những điều hay mới như mình học thời xưa.

Vào ban đêm bọn bộ đội đeo súng AK-47, mang lựu đạn chạy vào trường ra lệnh tụ tập tất cả cựu sĩ quan lại. Những cựu sĩ quan cấp úy nầy trình diện vì tin rằng sau khi 10 ngày học tập xong, họ sẽ trở về sống với gia đình trong cảnh đất nước thanh-bình. Bọn bộ đội ra lệnh họ sắp hàng hai và tay để lên đầu để khám xét. Tất cả lần lượt leo lên xe Motolova mui phủ kín.

Đoàn xe rời khỏi Sàigòn một cách vội vàng vào một đêm tối giới nghiêm. Không một bóng người dân thường ở đường phố. Cuộc đổi đời bắt đầu xảy ra thật sự. Mười ngày trong tù cải tạo của chế độ Cộng-Sản cùng nghĩa với hơn 20 năm của chế độ tự do. Chuyển trại lần thứ hai vẫn làm Quang lo vì không biết mình sẽ đi về đâu? Số phận của chính mình và các anh em sẽ ra sao? Gia đình có biết mình đang ở đâu không? Tung ra niềm hy vọng giả tạo làm hoang mang và lo âu cho các anh em cải tạo là thủ-đoạn tâm lý chiến của bọn Cộng-Sản. Bọn chúng làm cho mọi người cải tạo luôn luôn hy vọng rằng một ngày mai rất gần họ sẽ về đoàn tụ với người thân. Trong thực tế, thân thể khô cằn của người cải tạo đang chết dần với thời gian tù vô hạn định, trong một cuộc sống khổ cực và thiếu điều kiện dinh dưỡng.

Trong những năm đầu bọn Cộng-Sản thường dùng những thủ đoạn khác như là giữ bí-mật về tin tức gia đình cùng kiềm chế gia đình của người cải tạo. Bọn chúng giữ bí-mật chỗ ở của người cải tạo và giới hạn sự liên-lạc giữa họ và gia đình. Ngoài ra, chúng thường tuyên-truyền lẫn hăm dọa mọi người bên ngoài lẫn bên trong trại cải tạo. Tất cả mọi người đều lo sợ và hoang mang nên thường che dấu sự thật về hoàn cảnh hiện tại của họ. Người cải tạo luôn luôn nhắn về gia đình là mọi việc đều bình thường, ăn uống đầy đủ, học được nhiều điều mới và sắp được thả về. Gia đình luôn luôn nhắn người cải tạo cố gắng học tập để được cho về sớm và đừng lo gì về gia đình. Mọi việc đều êm đẹp như ngày xưa dù rằng họ đang gánh chịu một hoàn-cảnh rất khó khăn cho họ.

Sau khi rời khỏi vùng Trảng Lớn đoàn xe chạy về hướng Nam phía thành phố Tây Ninh và Sàigòn. Lén nhìn ra ngoài qua những lỗ nhỏ bằng mũi đinh ở cái mui xe, Đắc, một cựu Trung Úy Quân Cảnh, cho hay là xe mới qua khỏi thành phố Tây Ninh nơi có những ánh đèn sáng phát ra từ tòa thánh đạo Cao Đài.

Trước khi Sàigòn rơi vào tay Cộng-Sản, Quang được đại diện Giang Đoàn 52 Tuần Thám và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng Ba Sông Ngòi, đóng ở Bình Dương, đến thành phố Tây Ninh để đưa đám tang của một người bạn, cố Hải Quân Thượng Sĩ Thuấn. Anh Thuấn, thuyền trưởng một tàu PBR do Quang làm sĩ quan trưởng toán, bị Việt Cộng phục kích từ bờ sông bên kia và bắn hỏa tiễn B40 cắt đứt gọn cái đầu của anh khi anh đang lái tàu trong cuộc tuần tiểu ban đêm trên sông Sàigòn gần ngõ ba Thị Tính. Thuấn là một thuyền trưởng trẻ, tài-năng, can đảm và có nhiều năm kinh nghiệm ở vùng xôi đậu nầy. Cố Thượng Sĩ Thuấn là một trong những chiến sĩ anh hùng của Hải Quân Việt-Nam Cộng Hòa chết đi để bảo vệ tự do. Anh ra đi và để lại người vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy một tuổi đời.

Càng đi về hướng nam, anh em cải tạo càng mừng vì cho rằng đoàn xe chở họ về Sàigòn và được thả về đoàn tụ với gia đình thân yêu. Có nhiều người đang nghĩ khác và cho rằng đoàn xe có thể về bến Bạch Đằng ở Sàigòn, từ đây tàu biển sẽ chở họ ra miền bắc để thăm lăng Bác và sẽ không bao giờ có ngày về lại miền Nam thân yêu. Sống Nam tử Bắc. Anh em cải tạo thình lình im lặng và bắt đầu lo lắng khi thấy xe quẹo trái hướng về phía đông, hướng về tỉnh Bình Dương.

Đoàn xe chạy ngang qua vùng Củ Chi. Quang vui mừng trong bụng hy vọng có dịp ngang qua nhà máy xay lúa của gia đình cậu Tư của Quang ở ngã ba Tân Qui thuộc quận Củ Chi. Quang ước rằng Quang có dịp nhảy xuống vào thăm bà con hoặc ít nhất là cho bà con thấy mặt mình đang ngồi trong xe để biết mình vẫn còn sống. Cuối cùng, tất cả đều không thành sự thật.

Đoàn xe tiếp tục chạy ngang qua những khu rừng cao su của ông bà Ngoại và những người bà con của Quang làm chủ trước năm 75. Có dịp về ngang qua quê Ngoại mà không được gặp người thân thì không gì buồn hơn. Làm người cải tạo như Quang muốn gặp lại người thân yêu của mình thật là khó khăn. Muốn nói là không bao giờ thành sự thật. Cộng-Sản được gọi là bọn vô gia đình là phải.

Xe từ từ bò lên cầu và nhìn qua khe hở của mui xe, Quang vui mừng khi thấy lại chiếc cầu Bình Dương quen thuộc. Cầu Bình Dương thuộc tỉnh Bình Dương bắt ngang qua sông Sàigòn và cách Sàigòn khoảng 30 cây số. Bên phải của chiếc cầu vào thời chiến tranh là căn cứ Hải Quân, nơi có Giang Đoàn 24 Xung Phong, Giang Đoàn 52 Tuần Thám, bộ Hành Quân của vùng Ba Sông Ngòi và căn cứ Hải Quân Bình Dương. Đối diện căn cứ Hải Quân bên kia bờ sông Sàigòn là trường Công Binh. Gần đó là chợ Bình Dương luôn luôn tấp nập người mua kẻ bán.

Sau khi ra trường OCS khóa 6, Quang được phục vụ trên chiến hạm PGM 607, Nam Du, thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội cho đến khi lên Trung úy và giữ chức Hạm Phó, "Hạm Phó baby". Sau khoảng hai năm ở Hạm Đội, Quang được thuyên chuyển về Giang Đoàn 52 Tuần Thám, biệt phái Vùng Ba Sông Ngòi. Quang phục vụ đơn vị hơn hai năm đúng vào lúc mức độ chiến tranh thật khốc liệt. Quang có dịp ở chung căn cứ với một số OC như Bùi Thạch Trường Sơn, OC Phạm Minh Hùng, Trần Chí Hùng và Trần Lệ Trí. Cầu tàu căn cứ Hải Quân Bình Dương luôn luôn tấp nập với đủ các loại tàu sông như tàu đổ bộ, tàu yểm trợ, xung phong và tuần thám.

Giờ đây những tàu bè cặp ở cầu tàu không còn nữa. Căn cứ Hải Quân bỏ hoang vắng. Thời trước, nơi đây là ngọn gai đối với bọn Cộng-Sản và cũng là nơi xuất phát những cuộc hành quân đã làm bọn Cộng-Sản phải lo sợ. Phía trái của chiếc cầu về hướng bắc là vùng Ngã Ba Thị Tính, Đồi Tre, Hố Bò, Dầu Tiếng nơi Công Trường Năm của Cộng-Sản đang hoạt động rất mạnh. Chúng luôn luôn làm áp lực vùng Bình Dương và chuẩn bị tấn công Sàigòn bất cứ lúc nào.

Được tin tình báo có VC hoạt động vùng ngã ba Thị Tính tối nay. Chờ đêm xuống, Quang được lệnh dẫn bốn chiếc PBR chở toán Biệt Động Quân đi phục kích và làm thiệt hại khá nặng cho bọn Cộng-Sản. Bọn nầy là Cộng-Sản chính quy miền bắc được biệt phái vào Nam, Sinh Bắc Tử Nam. Vào giữa đêm, bọn chúng bị bắn chìm đang lúc chúng dùng ghe đi thu lúa gạo của người dân vùng nầy để tiếp tế cho đám bộ đội thuộc Công Trường năm đang bị chết đói. Sau trận nầy, Quang được Tư Lệnh Trần Văn Chơn đến căn cứ Hải Quân Long Bình và gắn cho Anh Dũng Bội Tin với ngôi sao bạc. Chắc chắn là Quang không có khai báo cho bọn quản giáo về huy chương và chiến công của mình trong tờ tự kiểm điểm. Nếu có, bọn nó đã đì Quang mút chỉ. Căn cứ Hải Quân Bình Dương là ngọn gai đối với Cộng-Sản. Bọn chúng luôn luôn muốn tiêu diệt căn cứ nầy bằng mọi giá. Chúng đã dùng người nhái để giật mìn cầu tàu, thả mìn trôi theo lục bình, đặt mìn dọc theo bờ sông nơi tàu bè thường lui tới và dùng gián điệp để biết những cuộc hành quân bí mật của vùng ba Sông Ngòi.

Hầu như mỗi chiếc PBR thuộc giang đoàn 52, tối thiếu là một lần, đã bị nổ chìm hoặc bị hỏa tiễn B40 bắn thủng. Chúng đã gây tử thương những người bạn thân trong đơn vị Quang như Hải Quân Trung- Úy Nguyễn Văn Bờ, Hạ Sĩ Nhị, Hạ Sĩ Tài, Thượng Sĩ Hậu, Thượng Sĩ Thuấn, v.v. Chúng cũng làm bị thương Hải Quân Trung Úy Phan Thành Trung khóa 22 Nha Trang và nhiều chiến sĩ khác.

Cố Đại úy Vấn, chỉ huy phó Giang Đoàn 24 Xung Phong, đang ngồi trong chiếc soái đỉnh, bị bắn B40 từ bờ đối diện gần làng Công-Giáo khoảng hai cây số trên sông Sàigòn về phía trái của chiếc cầu nầy. Cố Đại Úy Vấn chỉ huy đoàn tàu Hải Quân trong cuộc hành quân phối hợp với Bộ Binh để chận đường rút lui của bọn Cộng-Sản. Chúng đang dùng xe tăng T54 bao hãm vùng Bến Cát, phía bắc chợ Bình Dương. Cuộc chiến xảy ra càng ngày càng khốc liệt đã gây thiệt hại cả hai bên. Chiếc cầu Bình Dương đã mang lại cho Quang nhiều kỷ niệm vui buồn cùng những lúc sinh tử trong thời chiến tranh. Giờ đây đi ngang qua cầu, cảnh cũ những kỷ niệm xưa không còn nữa. Buồn cho cả dân tộc Việt-Nam và buồn cho cả chính mình, chiến tranh đã khổ, vào thời thời bình lại không hưởng được an bình mà đang phải chịu đựng những khó khăn do bọn Cộng-Sản gây ra. Dân tộc Việt-Nam đang bắt đầu một cuộc chiến tranh mới trong một thời bình giả tạo.

Nhóm cải tạo ngồi trong xe bắt đầu bàn tán lao nhao lên. Họ lạc quan cho rằng: Đoàn xe nầy sau khi qua khỏi khu thành phố của tỉnh Bình Dương sẽ trở về hướng nam về Sàigòn.

Sống với Cộng-Sản một thời-gian, ai cũng có nghề tiên đoán giỏi như những tay nổi tiếng về chơi cờ tướng hoặc cờ chess. Cuối cùng ai nấy đều đoán trật hết. Nếu may mắn, đoán trúng thì cũng chẳng đi đến đâu vì bọn Cộng-Sản vô nhân đạo nầy đã nắm vững toàn cả nước Việt-Nam rồi.

Cuộc vui mừng của anh em cải tạo cũng chấm dứt rất nhanh, mọi người đều buồn rưng rưng nước mắt và càng lo âu hơn khi thấy đoàn xe không rẽ về hướng nam mà tiếp tục hướng về phía đông bắc.

Đoàn xe dừng nghỉ mấy lần dọc bên đường ở khu vắng vẻ không có dân chúng và không có nhà cửa để cho các anh em cải tạo đi tiểu. Bọn Cộng-Sản dấu anh em cải tạo như mèo giấu cứt vậy.

Đến chiều tối ngày hôm sau thì đoàn xe đã vào vùng cao nguyên. Quang cảm thấy không khí lạnh của vùng cao nguyên thâm nhập cơ thể xuyên qua chiếc áo mỏng manh che thân. Xe bò chậm lên đèo, lăn nhanh xuống đèo, quẹo trái, rồi quẹo phải qua những eo núi cao hẹp hiểm nghèo. Anh em ôm chặt lẫn nhau để không bị đụng vào thành xe hoặc không bị văng xuống đường. Nếu văng xuống đường dù có bị thương mà trốn đi được thì cũng tốt thôi. Thực tế ra, Quang cũng muốn nhảy xuống xe để chạy trốn nhưng chỉ ngại khẩu AK-47 đang chĩa trước mặt.

Sau một ngày ngồi mệt cái bàn tọa, tê cả chân, bụng đói, một số anh em ngồi ngủ gà ngủ gật và giao số phận họ cho tên tài xế cũng có lẽ đang ngủ gà ngủ gật.

Đến nửa đêm, xe dừng hẳn lại. Nghe mấy tên vệ binh la hét om sòm ra lệnh các anh em cải tạo leo xuống xe mau và sắp hàng lại. Một người bạn Quang còn mơ ngủ chẳng biết trời đất đâu cả đứng lớ ngớ một mình. Một tên vệ binh nóng tính chạy tới và dộng báng súng vào bả vai anh làm anh tỉnh hẳn lại.

Ôm cái tui ba lô, tay cầm thùng đạn đại liên 50 đựng nước uống, Quang nhảy xuống xe và sắp hàng theo tổ 4. Anh khối trưởng Thượng la khản cổ để cho anh em đứng theo hàng điểm danh mau. Anh Thu, lớn tuổi nhất trong tổ 4, một cựu Trung Úy Quân Nhu đứng bên cạnh nói nhỏ cho Quang biết mình đang ở trại gia binh cũ của Sư Đoàn 18 VNCH. Anh đã đóng vùng nầy thời trước năm 75. Địa danh nầy là Xuân-Lộc, một địa đầu của vùng cao nguyên.

Đã mệt và thêm đói nữa, Quang chỉ muốn kiếm một chỗ nằm nghỉ ngay, nhưng vẫn không được. Bọn quản giáo cứ lải nhải tuyên truyền lẫn hăm dọa: "Cách Mạng đưa các anh đến đây để có đủ điều kiện học tập, ổn định nhanh chóng. Nếu các anh cố gắng học tập tốt thì Bác và Đảng, Nhân Dân sẽ tha tội cho về đoàn tụ gia đình sớm. Còn nếu anh nào trốn trại sẽ bị bắn chết tại chỗ để làm gương và gia đình sẽ chịu hậu quả lấy"ø.

Nghe bọn nầy ca bài này mãi và dai như đỉa chán muốn chết được thôi. Bác đã chết bao nhiêu năm rồi, mà chúng cứ kêu gọi lên mãi. Nhiều anh bạn vẫn còn ngây thơ cho rằng nếu Bác còn sống thì đời cải tạo mình không bị hành hạ như vậy đâu. Chắc anh bạn nầy vẫn đang mơ ngủ. Bọn Cộng-Sản từ lớn đến nhỏ đều nói láo cả. Không nên tin bọn nó thì hay nhất.

Cuối cùng, bọn quản giáo cho anh em cải tạo chui vào những dãy nhà thuộc trại gia binh của gia đình lính Cộng Hòa ở trước năm 75 để nghỉ. Mệt quá, Quang thảy cái túi ba lô xuống đất và nằm gác đầu lên túi vội ngủ cho qua đêm. Ngày mai bắt đầu một thử thách mới.

Trời chưa sáng hẳn, một số anh em đã bắt đầu đi thu lượm tất cả những gì có thể dùng được. Dưới cặp mắt kinh nghiệm của anh em cải tạo thì cái gì cũng quí cả. Từ con ốc con tán nhỏ đến vỏ đạn, vỏ chai, bao đựng cát, vỏ xe, ruột xe cũ của bánh xe hơi nhà binh. Đã nghe một nhóm đang giành nhau những ống sắt thường dùng đựng đạn đại bát của Pháo Binh để làm thùng chứa nước uống hoặc chứa nước tiểu để tưới rau muống. Một số anh em nhặt được quả đạn đại bác 80 ly chưa nổ. Họ đang cạy đầu đạn ra để lấy thuốc đạn làm mồi lửa nấu cơm và nước uống. Vỏ đạn bằng đồng để làm đồ kỷ niệm như bình đựng hoa, lược chải đầu, dây đeo đồng hồ hoặc đồ nữ trang để gởi về gia đình. Đó là những gì họ có thể làm để nhớ và giúp đỡ gia đình trong hoàn-cảnh khó khăn nầy. Nếu không may, quả đạn nổ. Nếu họ có bị thương hoặc chết đi thì cũng không có gì hối tiếc cả vì cuộc đời hiện tại chẳng có gì quan trọng để sống.

Một vài anh đang cạy những tấm ván gỗ ép từ thùng đựng đạn để ghép làm giường ngủ, ghế ngồi hoặc bàn ăn. Anh Cát, một Trung Uy Hải Quân đoàn viên, tự nguyện nấu ăn cho tổ của Quang. Cát nhặt được một nhóm gỗ vụn nấu nước uống cho tổ. Quang có nhiệm vụ khiêng thùng đạn đại liên 50 không đi kiếm nước dùng. Qua khỏi bốn dãy nhà gia binh, Quang mới tìm được một cái giếng nước.

Xung quanh giếng đã có khoảng hơn một chục người đang chen nhau lấy nước. Quang cột sợi dây thừng vào cái thùng đại liên. Dắt được đặt tên là Dắt Cực, ở chung tổ với Quang, một Trung Úy Quân Cảnh, cựu trưởng đồn Quân Cảnh Vĩnh Long, gở từng sợi nylon từ bao cát Mỹ để lại và bện thành sợi dây thừng nầy. Dắt cũng là em trai của Hải Quân Trung Úy Trần Văn Định khóa 19 Nha Trang. Định là chỉ huy phó của Duyên Đoàn 42, đóng ở đảo Hòn Khoai, đơn vị cuối cùng của Quang.

Cũng may có một anh vừa bỏ đi vì kéo không được nước, Quang mới có dịp đến gần miệng giếng và từ từ thả thùng gàu xuống đáy giếng. Nghe thùng đụng nước, nhưng không thấy thùng nghiêng một bên cho nước chảy vào có lẽ vì giếng cạn nước. Quang kéo thùng không lên. Không thể nào về với thùng không được vì nước uống trong tổ đã gần hết. Quang suy nghĩ một chút thì chỉ có cách là cột một cục đá bên cạnh thùng để khi đụng nước thùng sẽ nghiêng một bên cho nước tràn vào.

Quang thả thùng xuống giếng một lần nữa sau khi cột một cục đá xanh vào thanh thùng. Kỳ nầy Quang nghe chiếc thùng chạm vào nước và đụng đáy giếng cùng một lúc. Quang giựt dây qua lại mấy cái cho thùng ngã ngang phía cục đá. Quang cảm thấy nước bắt đầu chảy vào thùng. Quang từ từ kéo thùng lên được một phân nửa thùng nước. Như vậy cũng đủ nước dùng cho bọn Quang vào buổi sáng nay. Nước đục và đỏ như máu vì giếng cạn và đất đỏ vùng nầy. Xuân-Lộc là một vùng đất đỏ có lẽ là vùng núi lửa cũ đã xảy ra lâu lắm rồi.

Định đem nước trở về tổ, vừa bước được mấy bước Quang chụp ếch cạnh bờ giếng. Người lăn một bên, thùng văng một bên. Đất sét lại có nước đổ lên thì rất trơn. Nếu chụp con ếch thật thì cũng mừng vì cả bọn sẽ được một buổi ăn có chất thịt. Trái lại, chụp ếch giả làm cho đít teo nầy đau thôi. Thêm nữa thùng nước quí như vàng đổ mất luôn.

Quang phải trở lại xếp hàng và lần nầy kéo nước lên nhưng hơi ít hơn lần trước. Rút kinh nghiệm, để không bị té nữa, Quang vừa đi vừa bò vừa giữ thùng nước thật chặt từ từ ra khỏi vùng chụp ếch tự do. Quang đem nước về đến tổ thì Anh Thu, Công-Quang, Đắc và Côn-Sơn đã thức dậy và đang ngồi chung quanh cái bếp lửa ấm. Họ đang chuyền ống thuốc lào cho nhau. Đến phiên mình thì kéo thẳng vào phổi và giữ hơi thuốc càng lâu trong phổi càng tốt. Công-Quang thình lình bật ngửa ra vì say thuốc lào. Hút thuốc lào cũng tốt vì thuốc làm mình quên đi hoàn cảnh hiện tại trong giây phút.

Công-Quang, một trung-úy Không Quân, trực thăng pilot, có tài đánh cờ tướng. Công-Quan có cô vợ sắp cưới đang chờ mười ngày học tập xong để làm đám cưới.Côn-Sơn, một OC khóa 12, mới lập gia đình, đơn vị cuối cùng ở Phú Quốc. Côn-Sơn còn được gọi là Sơn bửa củi. Nếu có khúc củi nào to và chắc cỡ nào, Sơn vẫn tìm cách bửa ra được.

Côn-Sơn hỏi làm thế nào để kiếm thức ăn và nước uống cho ngày hôm nay. Người tù cải tạo chỉ có hai niềm mơ ước đơn giản: Được ăn buổi cơm no đủ và được gặp lại gia đình thân yêu. Nếu được ăn một tô phở đặc biệt với đầy nước béo, thì ở thêm vài năm nữa cũng không sao. Tuy mơ ước thật đơn giản nhưng rất khó thành sự thật khi ở vào hoàn cảnh nầy.

Ngoài ra, họ thường kể cho nhau những chuyện lúc còn trong quân ngũ, chuyện những ngày cuối cùng ở Sàigòn, chuyện chưởng của Kim Dung như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Thiên Long Bát Bộ và chuyện phim gián điệp James Bond 007. Nghe kể mãi Quang cũng thuộc lòng luôn.

Thêm nữa, họ kể chuyện bè bạn thân, về gia đình kẻ ở lại, người ra đi ngoại quốc. Một chuyện hấp dẫn nhất được anh em bàn tán là chuyện một anh bạn OC đi tàu HQ 505 di tản đến tới được Phi-Luật-Tân. Vì nhớ quê hương và nhớ gia đình hiện còn ở lại Việt-Nam, anh bạn OC nầy lái tàu Việt-Nam Thương Tín từ Phi-Luật-Tân trở về Việt-Nam. Bọn Cộng-Sản cho ban khen hôm đầu, mấy hôm sau bắt anh đi tù cải tạo mút chỉ. Chỉ có sống với bọn Cộng-Sản thì mới biết rõ tại sao chúng ta không thể nào tin và sống chung với Công-Sản được.

Ngoài những chuyện đáng kính về lòng hy-sinh và chung thủy của vợ hiền con thảo của anh em cải tạo, cũng có một vài chuyện buồn xảy ra cho gia đình họ. Vì không có kiên nhẫn hoặc vì hoàn cảnh, có vài người vợ hoặc người yêu của anh em cải tạo bỏ đi lấy chồng, đã gây ra nỗi khổ tinh thần cho những người bạn nầy rất nhiều. Chuyện buồn hơn là chuyện người vợ yêu mến đi lấy bộ đội để được hưởng một đời bình an. Nghe những chuyện buồn nầy làm Quang cảm động lây và cảm thấy như là chuyện của chính mình vậy.

Chuyeän hấp dẫn nhất vẫn là chuyện ăn uống. Hầu như mỗi buổi chiều, bụng đói meo, mặc dù mới vừa ăn cơm chiều xong, anh em trong tổ ngồi xung quanh OC Côn-Sơn để nghe kể những buổi ăn nhậu ở vùng Dương Đông, Phú Quốc thuộc vùng Bốn Duyên Hải cũng là đơn vị cuối cùng của OC Côn-Sơn. Từ những buổi ăn tôm hùm tươi, biên mai cùng cá biển tươi trên tàu PCF đến những buổi nhậu trong quán phở Bò Vàng do gia đình bên vợ của OC ĐKNam.

Về đến Sàigòn, nhậu ở tiệm bò bảy món Ánh Hồng, ăn gà hấp rượu ở nhà hàng La Cay, hoặc nhậu món lẩu ở quán Chú Bảy. Các anh em vừa nghe kể vừa chảy nước miếng lòng thòng. Anh em cải tạo thường mời ăn nhậu với món ăn tưởng tượng, chỉ ăn bằng lỗ tai, không nhai được bằng miệng, không ngửi được bằng mũi, không cầm bằng tay và không nhìn bằng mắt được. Thế mà nước miếng chảy dài dài. Thà là được những lúc ảo ảnh như vậy có còn hơn không.

Từ phía chân trời, mặt trời đã lên khỏi hàng cây dọc theo bên ngoài hàng rào kẽm gai. Quang có dịp quan sát cảnh vật chung quanh. Trại gia binh thuộc khối của Quang ở có khoảng mười dãy nhà. Mỗi dãy có tám căn nhà kế nhau. Sàn nhà chỉ còn đất đỏ trơ ra. Có lẽ sàn gạch tàu hay cement đã bị bọn cán bộ hoặc vệ binh cạy lên bán hoặc đem về Bắc. Bên ngoài những dãy nhà là toàn đất đỏ mọc đầy cỏ hoang, cỏ lao cao hơn đầu người.

Khí hậu ở đây cảm thấy hơi lạnh lạnh, ẩm thấp lẫn với sương mù vào buổi sáng. Nhìn về phía bắc, xa xa là những đồi núi cao với những đám mây trắng bao phủ. Khung cảnh và khí hậu ở đây làm Quang nhớ đến những ngày thực tập hải hành và hành quân sông ngòi vùng San Francisco, CA sau khi mãn khóa trường OCS, Newport, RI. Khung trời đẹp đó giờ đây chỉ còn là mơ mộng và rất mỏng manh như những đám mây đang bay qua đỉnh núi.

Đây cũng là lúc vui thích nhất vì Quang có dịp sống lại những kỷ niệm cũ với các bạn cùng khóa đang thực tập ở những vùng sình lầy và những ngày đi offshore cuối tuần với các bạn ở phố Tàu San Francisco. Quang mỉm cười khi nghĩ đến theo các bậc đại huynh vào các night club. Được gọi là Quang baby vì khuôn mặt đầy sữa. Chưa đủ tuổi đi lính, đã tình nguyện đi sĩ quan Hải Quân. Giấy tờ (ID) chưa đủ mười tám tuổi tròn, nên thường xếp hàng đứng sau các đại huynh có ID tuổi cao. Đi ké theo các đại huynh để khỏi bị ông thần da đen gác cửa động thiên thai đuổi ra vì dưới tuổi ăn chơi.

Mỗi lần Quang nhớ về những chuyện vui cũ làm cho tinh thần hăng hái, niềm tin mãnh liệt và hy-vọng để sống. Cộng-Sản chỉ có làm hại thể xác và kiềm chế sư tự do của Quang, nhưng chúng không thể nào kiềm chế tâm hồn và niềm tin của Quang được. Nhờ lòng tự tin thêm vào sự may mắn, sau ba năm rưởi ở tù cải tạo, Quang cắt rào trốn được ra trại cải tạo ở thành Ông Năm ở Hóc Môn. Quang may mắn vượt biên được vào cuối năm 1978. Ước mong được tự do nay đã thành sự thật.
-Ê! Quang, thằng em đang mơ mộng gì đó?

OC Côn-Sơn, gọi Quang trở về thực tế. Côn-Sơn lại tiếp:
-Tụi nó phát bắp cải ở gần giếng nước. Tới phiên mầy đi lãnh cho tổ hôm nay.

Quang vội lấy ba bao cát không dùng như shopping bags để lãnh thức ăn. Anh khối trưởng Thượng phát cho tổ Quang ba đầu bắp cải to tướng và xanh tươi. Ở vùng Xuân-Lộc vì khí-hậu và đất đai tốt, nên bắp cải trồng được to và xanh như vậy. Đem về đến nơi thì Cát đã nhóm thêm lửa để nấu cháo. Anh Thu lấy được thêm một thùng nước đem về. Cát để dành một ít gạo trước khi chuyển trại. Cát bỏ hết gạo vào nồi nước sôi nấu để cháo loãng.

Quang rửa sơ một bắp cải và cắt làm đôi. Để dành một nửa cho buổi chiều. Còn một nửa cắt nhỏ và bỏ vào nồi cháo chín đang sôi pha màu đỏ đỏ của nước giếng mới kéo lên.

Một lúc sau bắp cải và cháo đều chín. Anh em trong tổ ngồi quay quanh bếp lửa ấm, chia nhau những chén cháo nóng loãng với hương vị bắp cải ngọt lịm vào tận cổ, bên ngoài không khí lạnh lạnh ở vùng cao nguyên. Tình bạn thương nhau và chia sẻ nhau trong lúc khổ thật quí quá và sẽ vĩnh viễn ở mãi trong lòng Quang.

Hiện tại, người viết bài đang ngồi trong căn phòng ấm cúng với đủ tiện nghi, tay cầm ly Starbucks cà phê sửa thơm ấm, nhìn ngoài trời tuyết trắng đang rơi ở vùng ngoại ô Washington, D.C. mà vẫn cảm thấy mình đang thiếu thiếu một cái gì. Có lẽ thiếu những người bạn cũ ngồi bên cạnh để cùng nhau chia xẻ khung cảnh đầm ấm nầy và cùng sống lại những kỷ niệm xưa.

Mấy ngày đầu ăn bắp cải thấy ngon lắm. Qua hai ba tuần sau, ngày nào cũng ăn bắp cải, ăn riết mệt nghỉ. Tối ngủ anh em đánh raém lia chia cả lên như là ban nhạc đánh trống đêm. Đến sau nầy thấy bắp cải thì muốn nhợn tới cổ họng luôn.

Anh tổ trưởng Thượng, người trong khỏe mạnh thế và la hét to thế, một buổi sáng anh ta không leo nổi xuống võng. Nước mắt Anh chảy dòng trên đôi má. Có lẽ vì thiếu dinh dưỡng, nên các bắp thịt và gân của anh ấy nhão nhoẹt và không cử động theo ý muốn của anh. Quang thấy Côn-Sơn và Công-Quang đứng xung quanh võng của anh Thượng, đang cố gắng khuyên nhủ anh và lo đỡ anh xuống đất.

Vì thiếu nước chi dụng hằng ngày, bọn bộ đội chia anh em cải tạo ra từng toán nhỏ và dẫn họ đến một con suối nhỏ để đi tắm, lấy nước uống và nấu ăn về trại. Con suối nầy cách trại khoảng nửa cây số.

Dòng suối nhỏ nầy có lẽ bắt nguồn từ vùng miền thương du phía bắc và chảy vào những dòng sông nhỏ ở phía nam. Nước suối thật trong và mát rượi. Các anh em lâu ngày mới có dịp thấy nước trong như vậy, nên cởi hết quần áo ra nhảy nhanh xuống để hưởng sự tư do và mát mẻ của thiên nhiên. Tuy chỉ tắm có vài phút thôi cũng đủ làm cho cơ thể mình thoải mái và tạm quên đi hoàn cảnh hiện tại. Tên vệ binh mắc cỡ quay mặt đi khi thấy anh em cải tạo sexy một trăm phần trăm.

Lúc về đến trại tên quản giáo tập họp anh em cải tạo lại và chưởi mắng một trận:
-Các anh bị ảnh hưởng của bọn đế quốc Mỹ nên các anh kém văn minh đi và quên phong tục thuần túy của Việt-Nam. Làm cái gì mà để cái... ấy lòng thòng bên ngoài như thế.

Anh em cải tạo khoái chí quá cười thầm trong bụng. Tối về phòng, anh em kể nhau nghe cười một trận cho đỡ tức bụng. Lâu lắm mới có dịp trả thù lại bọn nó. Nhìn thấy dòng nước suối chảy làm Quang vui hẳn lên. Đúng là Hải Quân mắc cạn mà thấy nước cũng như cá được thả xuống nước. Dòng nước chảy làm sống động những kỷ niệm thời oanh liệt của người chiến sĩ Hải Quân đã có dịp đi khắp cả vùng sông ngòi và biển cả đẹp đẽ của đất nước Việt-Nam yêu mến.

Quang đã có dịp đi từ đầu đến cuối nguồn sông Sàigon khi Quang đóng ở Giang Đoàn 52 Tuần Thám ở Bình Dương. Nhiều lần được biệt phái vùng Đặc Khu Rừng Sát ở Nhà Bè để hộ tống tàu buôn ra vào cửa Cần-Giờ ở gần Vũng Tàu. Tàu vào tận cảng Khánh Hội, Sàigòn. Cửa Cần-Giờ, Vũng Tàu là phần cuối sông Sàigòn. Quang cũng có dịp dẫn tàu PBR về Bến-Lức đại kỳ. Trong những chuyến đi tuần, khi vào những khúc sông an toàn, Quang thường nhảy xuống sông để bơi lội theo PBR đang thả trôi vài cây số. Đó cũng là những phút thoải mái để Quang quên đi những gì nguy hiểm của cuộc phục-kích có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không biết tên quản giáo lúc đó đang ở đâu? Nếu nó thấy Quang tắm sông kém văn minh như vậy chắc là hắn thảy cho vài quả bắp chuối B40 thay vì mắng chửi như hôm nay.

Khi đi tàu biển, PGM HQ 607 thuộc Hạm Đội, Quang cũng thường bơi từ chỗ tàu thả neo vào đến các bãi biển đẹp, thơ mộng ở các hòn đảo như đảo Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Tre, bãi An Thới thuộc Phú- Quốc, bến Hà-Tiên ở miền nam thuộc vùng bốn Duyên Hải.

Có lần, HQ-607 được biệt phái Vùng Năm Duyên Hải, sau chuyến tuần tiểu từ cửa biển Bồ Đề đến vùng đảo Hòn Khoai phía nam mũi Cà Mau, tàu về nghỉ bến đậu trước cầu tàu của bộ Tư Lệnh Vùng Năm trên sông Năm Căn. Trên đường vào sông Năm Căn, mặc dù với sự hộ tống của các tàu tuần thuộc vùng Năm, tàu vẫn bị bọn Việt Cộng chào mừng với vài quả bắp chuối B40-B41 nhưng tất cả đều trật cả.

Ở cầu tàu caên cöù Hải Quân Năm Căn, Quang đang phụ vẽsố tàu "HQ 607" ở hai bên mũi tàu để chuẩn bị thanh tra khi tàu trở về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội ở Sàigòn. Quang đeo thòng người xuống dưới mũi tàu ngang với con số tàu. Đang vẽ lại số tàu, thình lình có chiếc PCF chạy qua gây nhiều sóng, làm Quang bị trợt và rơi xuống sông với cả thùng sơn trắng đổ theo lên đầu. Dòng nước bùn của sông Năm Căn chảy rất mạnh, Quang thả trôi theo dòng nước và lội tấp về phía cuối vòng đai căn cứ. Cũng may không ai thả lựu đạn MK3 chống người nhái lúc đó. Cả đầu và người Quang dính sơn trắng giống như "snowman".

HQ-607 cũng có dịp đi tuần miền Trung thuộc vùng Hai Duyên Hải. Quang lại có dịp ghé vào Cầu Đá ở Nha-Trang thăm gia đình của OC NNLễ, ăn phở Chụt và lội vào hòn Tre. Sau khi đi tuần biển về, HQ-607 cập cầu ở căn cư Hải Quân Cam Ranh. OC NNLễ và PTHùng khóa 8 dẫn Quang vào câu lạc bộ Sĩ Quan Mỹ trong căn cứ Cam Ranh, được ăn hamburger và ice cream thật là ngon. Sau khi tắm biển ở bãi biển cát trắng đẹp thuộc khu câu lạc bộ, các đám dẫn nhau ra làng Cây Số 9 để đổi gió và thăm các nàng tiên nữ.

Quang có dịp qua bên duyên đoàn 26, đảo Bình Ba, thăm OC Lê Minh Sang cùng khóa nhân dịp phái đoàn tâm lý chiến Hải Quân từ Sàigòn đến giúp vui tại đơn vị.

Quang còn lội vào bãi biển Vũng Rô, Sông Cầu. Đứng trên bãi biển Vũng Rô, nhìn ra biển Quang thấy chiếc tàu HQ-607 đang thả nheo ngoài khơi sao thật là nhỏ bé so với đại dương rộng bao la. Nhìn vào đất liền có dãy núi Trường Sơn, thấy những chiếc xe hơi nhỏ tí xíu như đàn kiến bò dọc theo đường đèo qua những dãy núi xanh hùng vĩ của miền Trung làm Quang không quên được cảnh đẹp thiên nhiên của nước Việt thân yêu.

Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
"...Một chuyện hấp dẫn nhất được anh em bàn tán là chuyện một anh bạn OC đi tàu HQ 505 di tản đến tới được Phi-Luật-Tân. Vì nhớ quê hương và nhớ gia đình hiện còn ở lại Việt-Nam, anh bạn OC nầy lái tàu Việt-Nam Thương Tín từ Phi-Luật-Tân trở về Việt-Nam. Bọn Cộng-Sản cho ban khen hôm đầu, mấy hôm sau bắt anh đi tù cải tạo mút chỉ. Chỉ có sống với bọn Cộng-Sản thì mới biết rõ tại sao chúng ta không thể nào tin và sống chung với Công-Sản được..." câu hay nhất
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn