BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73486)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31183)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Tù Chiến Hữu

13 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1632)
Người Tù Chiến Hữu
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tình cờ khi đang xem một cuộn video ca nhạc, đôi mắt tôi bỗng như bị cuốn hút, dán chặt vào màn hình bởi một tiết mục đơn ca. Người ca sĩ trình bày không thuộc vào hàng ngôi sao, cũng chẳng phải là một thiếu nữ trẻ đẹp, hấp dẫn, mà chỉ là một người đàn ông trung niên, tướng mạo bình thường. Với cây tây ban cầm thùng, trong tư thế ngồi, anh ta tự đệm cho mình hát. Dĩ nhiên anh chỉ giậm hợp âm cho phù hợp theo giai điệu. Phần nhạc nền chính đà có dàn nhạc bên trong đảm trách. Giọng ca không lấy gì làm xuất sắc. Tuy nhiên, cái cách của người nam ca sĩ này hát, ở phần dung nhan và đặc biệt đôi mắt, khi thoáng mở, lúc nhắm hờ, tôi nhìn thấy mênh mang niềm u ẩn, hoài niệm bên trong. Anh làm tôi không nén được bồi hồi, xúc động. Dường như có khoảng khắc hai mắt tôi mờ đi, nước mắt ứa ra. Đứng ra, từ nhiều chục năm trước, cứ mỗi lần bất chợt nghe ca sĩ Paul Anka hát bài Pâpa qua chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu phát ra từ đài phát thanh hoặc từ băng cassette trong các quán cà phê nhạc, y như rằng tôi không ngăn cản được cảm xúc của mình. Tâm hồn tôi dễ nhạy cảm quá chăng? Có thể. Nhưng điều chắc chắn tôi biết rõ về mình là, tôi đã có những ngày niên thiếu đầy ấp kỷ niệm lăn lộn nơi chợ đời bên người cha già tận tụy lo cho gia đình, nuôi nấng dạy dỗ, thuơng yêu con cái nhất mực. Do đó mọi đề tài, câu chuyện về những người cha tốt, gương mẫu hay gây cho tôi nhiều sự lưu ý, quan tâm. Đồng thời, cũng dễ làm tôi trắc ẩn, mềm lòng. Nhưng lần này, đặc biệt không phải nội dung của bài hát “Người cha yêu dấu” làm tôi xót xa, chú ý lắng nghe. Đích thực, chính là do hình ảnh, dáng dấp của người ca sĩ. Tôi đã biết đến tên tuổi anh ta, nhưng không quen, từ những ngày chưa tạm mất nước. Lúc đó anh chơi trong ban nhạc trẻ Mây Trắng, đàn và hát. Chẳng có gì nổi bật để tôi phải ái mộ hay ghi nhận. Cho đến những ngày sau khi ba quân tướng sĩ bị bức hàng, cùng với lớp lớp đồng đội bị lùa vào “Đại học máu”, tôi mới có dịp hạnh ngộ với một người tù cải tạo mà ngay phút đầu nói chuyện tôi đã thấy quý mến, muốn được làm chiến hữu của ông ta. Người tù chiến hữu của tôi có liên hệ gì với chàng ca sĩ hát bài Pâpa trước mặt, đã làm tôi rơi nước mắt đàn ông? Khi nhìn anh ta hát, tôi có cảm giác nao nao đau đớn như mới vừa chia tay với người bạn tù khả kính năm trước… Và hôm nay, gặp lại…qua màn hình! Tôi nói thế có nghĩa là, thực ra cuộc chia tay ấy đã thuộc về một quá khứ mù xa lăng lắc….

Đó là những ngày tháng u ám. Bầu trời đất nước trong tâm khảm mọi người, trong đó có bạn và tôi, chỉ bao trùm một màu đen tối. Khi mà vợ buộc phải xa chồng, cha ứa lệ lìa con, anh em tan tác, song thân qua đời không thấy mặt…. Có nỗi niềm thống khổ, tang thuơng nào dưới thế gian, trong cuộc đời, vượt hơn những điều kể trên mà chúng ta đã phải hứng chịu từ ngọn đòn thù hiểm độc của kẻ thù? Nhưng lúc đó, nào mấy ai biết trước được dã tâm của bạo quyền Cộng sản. Nên mới có cảnh…. Thôi thì cũng đành thu xếp lên đường học tập cải tạo với hạn kỳ mười ngày, nửa tháng, ba mươi ngày ăn… Cá trong chậu, chim trong ****g, biết sao hơn?

Mười ngày, một tháng rồi thậm chí hơn một năm. Những cái mốc thời gian không hẳn dài, nhưng quả thực quá ư lâu vì tâm trạng mong mỏi ngày về thôi thúc trong lòng hết thảy những người đi học tập cải tạo. Nhưng khi vượt qua cột mốc một tuổi tù rồi thì, hình như mọi anh em tù cải tạo, không ai còn chút lạc quan nào để có thể tin vào những lời hứa hẹn hão huyền của bọn cai tù mệnh danh quản giáo. Anh em khuyến khích nhau bảo toàn nghị lực, giữ gìn sức khỏe, sửa soạn cho một cuộc trường kỳ nín thở qua sông. Với ý chí sống còn, tôi nghĩ rằng không ai trong hàng trăm ngàn tù cải tạo khắp đất nước, không quyết tâm vượt qua cho được những hung hãn nộ cuồng của dòng sông đỏ phi nhân, đầy dẫy thác lũ, cạm bẫy giết người. Tuy nhiên, vì lý do này hay lý do khác, đã có không ít anh em chiến hữu rơi rụng ngay từ những ngọn sóng đầu tiên. Như tại trại Trảng Lớn Tây Ninh, trại đầu tiên tôi bị đưa vào, đã có Mai Gia Thuợc mở chốt lựu đạn tự sát trong hầm. Kế tiếp, một Ngô Nghĩa giữa đêm khuya đánh cắp quân phục Việt Cộng, đường đường chính chính vượt qua cổng trại. Rủi thay, dọc đường vì sơ ý trong đối thoại với vài VC thứ thiệt, anh bị phát hiện rồi xô xát với cả bọn. Cuối cùng anh bị bắt lại, bị tuyên án tử hình. Và anh đã ngã gục trước sáu tên đồ tể. Mỗi lần hồi tưởng lại giây phút đó, tôi vẫn còn cảm giác gây gây khắp cả người. Dù sao, đại đa số anh em vẫn thầm lặng, dẻo dai và bền bỉ, tiếp tục vượt qua từng cửa ải trong vô số ải trần gian đọa đày suốt nhiều năm tháng đó. Trong số này, dĩ nhiên có quý chiến hữu, những người đang đọc bài này. Và tôi. Nhớ lại gần một năm đầu tại trại Trảng Lớn, tôi thấy mình đôi lúc còn có những vọng tưởng mơ hồ pha chút lạc quan ngây thơ, đối với những lời huênh hoang tuyên bố của bọn quản giáo về một chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng (sic!) qua câu nói đầu lưỡi: “học tập tốt, lao động tốt, về sớm!” Cho đến khi cùng với vài trăm tù cải tạo khác từ Trảng Lớn, tôi được về…không phải sớm, mà chuyển về trại An Dưỡng Suối Máu Biên Hòa, một đêm tháng Năm năm 76. Chính tại nơi đây tôi đã gặp “người tù chiến hữu” của mình; một người vừa là bạn, đồng thời cũng vừa là một người thầy. Người đã trao cho tôi nhiều hiểu biết hữu ích về cuộc sống, nhất là trong thời kỳ nhiễu nhương, ly loạn can qua. Đồng thời, vạch trần cho tôi thấy tâm địa kẻ thù, nhận diện rõ rệt hơn về chân tướng quỷ ma của chúng. Phải hiểu biết về chúng mới mong sống còn!

***

Đoàn Molotova che bạt bít bùng, sau gần suốt đêm vượt quãng đường dài, thả chúng tôi xuống khoảng sân rộng trước một hội trường lớn. Trong bóng tối mịt mùng, những ánh đèn pin từ tay bọn cán bộ tiếp nhận thỉnh thoảng chớp lòe, mọi người chỉ thấy nhau như những bóng ma. Dù mệt mỏi, tất cả vẫn phải nhang chóng tập họp vô hàng. Sau đó, phân ra từng tốp với lỉnh kỉnh đồ đạc trên vai, được vài tên cán binh súng ống lăm lăm áp dẫn về các lán. Hành trình dài, mệt nhọc, nên chỉ sau mươi, mười lăm phút lao xao dọn chỗ dưới hai ngọn đèn lù mù hai đầu lán, tất cả đi vào giấc ngủ. Vì là buổi sáng đầu tiên vừa chuyển đến trại mới nên tất cả chưa phải đi lao động. Hầu như mọi người đều cố nấn nướng thêm những giờ phút quí báu trong mùng. Đang lơ mơ, tôi bỗng có tiếng động sát bên. Dường như người bạn tù mới bên cạnh tôi đã dậy. Tôi nghe có tiếng sột soạt xếp mùng và cuốn chiếu. Chặp sau, lại nghe âm thanh lạ tai như là tiếng của nước bị khuấy mạnh rột rẹt. Tiếp theo là mùi khói tỏa ra hăng hắc khiến tôi ách xì liền mấy cái. Tôi hé mắt nhìn qua màn mùng, thấy đó là một người đàn ông trung niên, vẻ mặt đạo mạo. Ông ta đăm chiêu như một nhà hiền triết đang đeo đuổi một ý tưởng nào đó. Tôi ngạc nhiên vì là lần thứ nhất nhìn thấy một người bạn tù có một cốt cách hơi khác lạ so với những người khác. Dù sao, ông ta sẽ là người bạn nằm cạnh mình trong những ngày sắp tới. Nghỉ vậy nên tôi thức dậy với ý định làm quen ông ta trước.

- Chào cậu, mệt không?

Vừa chui ra khỏi mùng, bất ngờ tôi đã nghe người bạn tù hỏi thăm trước.

- Không mệt lắm, còn ông?

Vừa thu xếp gọn chỗ nằm tôi vừa nhìn ông, trả lời.

- Đi rửa mặt rồi vào mần một điếu cho tỉnh.

Ông bạn không đáp câu xã giao của tôi, đưa tay chỉ ống thuốc lào, mời. Tôi lắc đầu.

- Rồi có lúc cậu sẽ cần nó lắm đấy.

Ông bạn tù nói vói theo khi tôi ra ngoài rửa mặt. Lác đác đã có nhiều bạn tù trong lán và các lán bên cạnh thức dậy. Hầu hết lăng xăng lao xao làm đủ thứ chuyện khi vừa mới đến trại mới. Tựu trung chỉ nhằm săn nhặt, thu gom vật dụng của nhóm tù trước bỏ lại trước khi chuyển đi trại khác, để tạo tiện nghi cho mình. Nào những lon bơ ca coóng, những mảnh vải quần áo rách phế thải, những chai lọ đựng nước….hằm bà lằng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những miếng ván để nằm, bởi tất cả đều rõ, nằm chiếu trên nền đất hoặc xi măng, rất rêm đau mình mẩy mỗi sáng thức dậy. Cái mục săn nhặt này tôi vốn rất lanh. Tôi đã có một cái sạp để nằm đêm qua, lúc vừa ào vào lán. Tất nhiên, của anh em trước. Miếng ván trơn tru, lại còn có đóng hai thanh gỗ ở hai đầu, cơi lên khỏi nền xi măng độ một tất. Trong tù mà được miếng nằm như vậy, thua gì long sàng!

Lúc tôi trở vào, ông bạn tù vẫn còn tại vị. Điều tôi kinh ngạc là, không hiểu bằng cách nào ông đã đun xong lon guigoz nước nóng, pha trà uống tỉnh bơ. Tôi há hốc:

- Nấu ở đâu nhanh vậy, ông?

- Ngồi xuống nhắp miếng, cậu. Trà quạu ở nhà gởi đợt đầu đấy.

Ông bạn tù dòn miệng mời tôi thay cho câu trả lời. Tôi sà xuống ngay.

- Trà thì tôi hảo lắm.

Tôi nói với ông bạn tù. Ông trịnh trọng…giở nắp lon guigoz, chiêu ra một miếng vào chiếc ca inox, loại của dân nhà binh to tổ chảng, mời tôi. Làm xong ngụm trà tôi cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo hẳn. Tôi có thời giờ nhìn kỹ ông bạn tù hơn. Vóc dáng ông như tôi, thấp người nhưng cân đối, không quá gầy. Gương mặt ông trông hiền hòa, trí thức. Đặc biệt với đỉnh đầu tròn, tóc hơi thưa hói một chút nơi trán. Tôi thấy tóc muối tiêu nhiều hơn tiêu. Tôi ước chừng ông khoảng năm mươi hay xấp xỉ tuổi đó. Hai lần tôi hỏi trước ông bạn đều không trả lời thẳng câu hỏi, lại hướng sang chuyện khác, nên lần này tôi chỉ nhận xét:

- Tôi thấy ông có vẻ vô địch về đun, nấu, hút hít đấy. Nhưng còn săn nhặt đồ dùng, sao ông chậm quá vậy? Thiên hạ quơ hết, còn gì?

Tôi kịp ngó xuống nền xi măng, nói tiếp:

- Tôi phải đi quơ một miếng ván nằm cho ông liền bây gờ đây…

Không đợi ông bạn tù kịp có ý kiến, tôi nhào ngay ra ngoài. Cũng còn chưa muộn lắm. Một chặp khá lâu, tôi khệ nệ kéo lết vào một mảnh ván ép cũ mèm nhưng còn lành lặn. Ông bạn tù không biểu hiện mừng rỡ, chỉ tỏ vẻ cảm động:

- Kiếm ra ở đâu được, tài vậy?

Tôi vừa lót vào chỗ của ông bạn vừa kề tai ông nói nhỏ:

- Tôi rình thấy không có ai, cạy bên hông nhà bếp.

Ông bạn trợn mắt, buột miệng:

- Gan rứa!

Rồi ông cười đồng lõa…. Buổi sơ giao giữa ông bạn tù và tôi chỉ có vây. Nhưng tôi thấy có cảm tình ông ngay từ phút đầu tiên. Từ phong thái điềm đạm, thong dong đến cách nói chuyện từ tốn, nhỏ nhẹ. Đặc biệt ở chất giọng Huế hay Quảng Trị gì đó của ông, chiều thanh nghe như luôn đi xuống lắng đọng, tình cảm. Tiếp nối là những ngày lao động khổ sai thường tình của dân cải tạo. Ông bạn và tôi cùng đội cùng tổ nên làm việc gì cũng được phân công làm chung cạnh nhau. Càng gần gũi, tôi càng mến ông bạn, lần lần khám phá nơi ông nhiều điều hay ho, đáng học hỏi. Ngay cả trong việc ăn uống, chia chác phần ăn hàng ngày. Vì luôn chậm chân và không có tính so đo hơn thua nên ông luôn chịu phần thiệt so với các bạn tù trong tổ.

Chính vì vậy, trong một lần chia khoai, tôi đã nghĩ ra một cách bắt thăm mau lẹ, giản dị: chỉ định một người quay lưng hô lên tên của một người được nhận phần chia đầu tiên (phần này được một trong những người đứng thành vòng tròn chỉ tay vào); người được xướng tên phải nhận phần đó, những người còn lại sẽ nhận phần mình thứ tự theo chiều kim đồng hồ. Không ngờ cách chia này, sau đó được các tổ khác bắt chước rồi lan sang nhiều đội khác, trại khác. Thậm chí theo tù ra đến tận miền thuợng du Bắc Việt.

Trong tổ tôi có Trương Tuấn Khanh, nguyên là tay họa sĩ lại có cả tài chế tác và điêu khắc. Chả là có một ngày Chúa nhật của Chúa, trong khi hết thảy bạn tù nghĩ ngơi hoặc xúm nhau đấu láo, tôi thấy anh ta cầy cục chế tạo một cây đàn ghi - ta bằng vật liệu anh góp nhặt, lùng sục trong trại. Vì ngứa nghề nên tôi xáp đến xem anh ta làm vừa hỏi chuyện này nọ. Tất nhiên phải trải qua nhiều buổi Chúa Nhật mới xong. Cây đàn hoàn tất tuyệt đẹp. Đó là một công trình thủ công độc nhất vô nhị mà tôi chứng kiến trong tù, kể cả những ngày tháng về sau. Chỉ là vách ván ép cũ với ruột dây điện thoại, âm thanh nghe vẫn còn dòn vang, rất đã. Nhưng tuyệt tác ở chỗ, toàn bộ mặt thùng đàn được tay nhà nghề điêu khắc tỉ mĩ những hình hoa văn đẹp mắt. Ngày cây đàn hoàn tất tôi có góp công phụ…lên dây đàn. Sau đó, đàn dạo một bài gọi là mở miệng cho cây đàn. Nghe xong, bậc thầy chết tác tuyên bố tặng luôn cây đàn cho tôi! Chưa hết, người bạn vàng còn bảo tôi ôm đàn làm mẫu cho anh ta vẽ tôi lên một tờ giấy tập học trò mở đôi. Rồi trang trọng ký tặng. Thật cảm kích!…

Nhưng, chuyện về anh bạn họa sĩ này cùng cây đàn và bức họa còn nhiều tình huống lâm ly xảy đến với tôi, sau này. Tôi không muốn sa đà vào chi tiết, lạc mất nhân vật trung tâm…là người bạn tù nằm cạnh. Chính ông ta hỏi chuyện trước hết thảy mọi bạn tù khi thấy tôi ôm đàn khảy:

- Biết chơi đàn à?

- Chút đỉnh cho đỡ buồn, như ông they.

Tôi học được lối nói cà rỡn của ông bạn nên xài lại với ổng. Tự nhiên ông bạn già thở ra, đôi mắt xa xăm:

- Nhìn cậu chơi đàn tôi thấy nhớ nhà…à, nhớ thằng con tôi. Cậu biết nó không?

- Ông già hỏi ngộ! Con ông làm sao tôi biết…?

Tôi nói thế, ông im lặng. Tôi thấy ông lộ vẻ buồn xa vắng.

Thời gian sau đó, ông bạn tù tâm sự với tôi đủ thứ và dĩ nhiên, ngược lại. Nhưng phần tôi ít hơn. Có lần, về chuyện gia đình con cái, ông nói với tôi ông chỉ có ba người con trai. Số ông không giữ được con gái. Có được một đứa là gái thì nó đã sẩy trước ngày bà vợ gần sanh. Ông nói nó hiện lên và khóc với ông hoài trong giấc mơ. Còn ba cậu con, vì ông tên Nguyễn Trung Hòa nên một cậu được đặt tên là Trung Ngôn, một cậu là Trung Lập, cuối cùng là Trung Hành. Ông giải thích, đó là quan niệm cũng như lập trường của ông đối với thời cuộc lúc đó. Thời Nhật hất cẳng Pháp chiếm Đông Dương. Rồi Pháp trở lại. Chiến tranh ác liệt lan rộng từ Nam chí Bắc giữa Việt Minh và Pháp…Tất nhiên đó chỉ là quan niệm riêng của ông. Chủ trương trung dung, dung hòa, đứng giữa, đi giữa…., để sống còn của ông không hạp với tôi nên đã có lần tôi với ông tranh cãi ngang ngửa, dữ dội trong..hòa khí! Nhưng về sau, khi ở tù có vẻ bắt đầu lâu, tôi thấy người bạn tù của tôi có lý! Không có lý sao được trong tình cảnh tù đày của CS, khi mà mình không còn làm chủ được chính sinh mạng của mình! Nhất là trong thời gian đầu, tù cải tạo còn nằm trong tay quản chế của đám cán binh dép râu từ rừng rú ra. Đám cai tù này quản lý lỏng lẻo, dễ thở, nhưng dễ chết với chúng như chơi! Dường như chúng được lệnh ngầm: tiền trảm hậu tấu. Thế nên hầu như trại nào cũng có ít nhiều tù cải tạo bị giải đi làm vật tế thần nhằm dằn mặt số còn lại, đôi khi chỉ với lý do lãng nhách. Ngay như trại vừa chuyển về, tôi đã nghe tin truyền miệng: hơn nửa năm trước, một Nguyễn Quốc Trụ đã bị xử tử hình vì trốn trại, đã đành. Một tù cải tạo khác cùng chung số phận vì tội dám cả gan tuyên truyền, cho rằng những người trốn trại là anh hùng. Một anh em nữa cũng thọ án xử bắn vì phát hiện gửi chui một lá thư cho vợ hẹn ngày đào thoát. Ngoài ra, còn một vụ thảm sát khác với dăm ba nhân mạng cải tạo cùng hàng chục người bị thương. Vụ này kinh động đến nỗi cả một phái đoàn công an từ thành Hồ lên điều tra. Cuối cùng vụ án chìm xuồng, bị ém nhẹm vào im lặng. Đó là cái chết của nhạc sĩ Minh Kỳ cùng nhóm bè bạn trong một buổi tối bàn về chương trình văn nghệ cho ngày 2 tháng 9 năm 75. Một quả lựu đạn, không rõ từ đâu ném tới, nổ tung ngày giữa bàn trà lá của anh em. Tin phản tuyên truyền của bọn dép râu thì bêu riếu rằng, bọn tù nó xử nhau vì ghét đồng bọn hợp tác làm văn nghệ chào mừng cách mạng. Tuy nhiên, từ anh em hiểu chuyện nói ra thì đó là do bàn tay của một tên dép râu. Nó trả thù vì bị nhóm văn nghệ xỉ vả vào mặt bởi tội ăn chặn quá đáng tiền của anh em nhờ (đã có trả công hậu hỉ trước) hắn ra phố mua giùm một ít thuốc hút, cà phê, trà lá.... Anh em bạn tù, chắc chắn không ai dám hay nỡ làm như vậy. Và cũng không thể có một vị trí nào tốt, an toàn bản thân, để ra tay sát hại anh em mà không bị mọi người nhìn thấy. Hơn nừa, hiện trường gần hàng rào (làm bằng chồi cây khô, ken kín, nhưng vẫn có nhữn khe hở nhìn xuyên qua được) sát với mấy dãy nhà của tụi dép râu. Từ bên kia hàng rào, chúng đã ném qua!

Rồi có một ngày toàn trại bị gọi tập trung ra sân để cán bộ biên chế. Duyên may, tôi và người bạn tù nằm cạnh lại được chung lán. Ác hại, cái lán mới lại là lán đã xảy ra đêm thê thảm, kinh hoàng…. Ông bạn tù hay nhát tôi:

- Ở trong lán này, đừng có giỡng mà đàn với địch nghe! Đêm, Minh Kỳ sẽ về bắt cậu đàn hát cho ổng nghe bài Chuyến Tàu Hoàng Hôn tốc hành đó!

Ông bạn nói cà rỡn nhưng tôi cũng ớn! Chả là vì sắp đến ngày “nể nớn” 2 tháng 9, 76. Cái máu mê đàn hát khiến tôi cũng nôn, muốn tham gia. Ông bạn rỉ tai cản tôi. Ông còn vái tiết mục đơn ca của tôi…bị loại! Ông chạm tự ái nghề nghiệp của tôi, dù có thể ông đúng. Nên tôi ra sức tập dượt, quyết được chấm lên sân khấu. Đơn ca chỉ chọn một bài nhưng tôi lại có đến ba bốn đối thủ. Gườm tôi nhất là tay vừa đàn vừa hát bài N.V.Trỗi. Tôi cũng vậy, nên chọn bài Tiếng Hát Trên Thành Phố Mang Tên Người. Và tôi đã thắng. Tôi khoái chí nhưng ông bạn tù lại khen tôi bằng khuôn mặt đưa đám. Tôi hiểu ông nên không dám chọc quê. Ngược lại, bất ngờ ông góp ý:

- Lỡ rồi, tôi đề nghị thế này: Hôm hát, cậu hãy hát câu “Từ thành phố này người đã ra đi” thành “người giả ra đi” và bác thành “bát”, được không?

Tôi đi guốc thâm ý độc địa trong bụng ông bạn già nên cười nụ khoái trá:

- Được, dễ như ông hút thuốc lào vậy thôi. Nhưng mà, nếu có “sự cố kỷ thuật” gì, tôi sẽ thành thật khai báo do ông chỉ đạo đó nghe!

Câu trả lời của tôi làm ông bạn tù, lần đầu tiên bật cười ha hả.

Cái buổi hôm đó, trước lúc ôm đàn bước lên sân khấu, thật sự tôi hết sức hồi hộp về ý định thực hiện của mình. Nhưng với quyết tâm làm vui ông bạn, tôi đã nhả lời ca hoàn toàn theo ý ông. Vả lại, nếu có bị kêu đi “làm việc” với cán bộ, thiếu gì cách tôi có thể chống chế. Nào là tôi quên lời; nào là tôi là người miền Nam chỉ quen hát cổ nhạc nên khi hát tân nhạc, nhái giọng Bắc, dễ bị ngọng, líu lưỡi, phát âm trớt quớt, cán bộ thông cảm!…Rồi bài hát đưa bác lên trời xanh cũng được tôi hót qua cầu. Chắc chả có ma nào lắng nghe từng chữ qua tiếng hát tù ca ốm đói thiếu hơi, chết tiệt của tôi. Chỉ có điều, tôi nhớ có anh chàng tên Sơn, trông giống lai Nhật, thủ giàn trống tự chế. Nhịp phách tempo anh ta gõ cứ là loạn, khiến tôi nhiều lúc khựng lại, rồi phải chạy theo muốn hụt hơi. Thiệt tai hại, thế mà hóa lại hay. Đóng góp không ít trong việc phá bĩnh bài ca “tiệt tác”!….

Thêm mùa Xuân thứ hai trong tù. Lúc đó tôi cũng vẫn còn chưa dám tin đó mới chỉ là phần nhạc dạo của thiên bi khúc tù ca. Người nhà của ông bạn tù và mẹ tôi thăm viếng mang theo chút ít quà khiêm tốn làm hương hoa cho ngày Tết. Quà cáp thì tôi và ông bạn chia xẻ, cộng góp chung sinh, mà tôi thì luôn hưởng phần hơn. Biết tôi chỉ có mẹ thăm nuôi, ông hỏi:

- Cậu có vợ con gì chưa?
- Bồ thì có, vợ con thì chưa.
Tôi trả lời.

- Thế cũng mừng cho cậu, tiếc rằng tôi không có con gái trạc tuổi cậu…

Ông già bỏ lửng câu nói, mắc mơ màng. Tôi hiểu được ý ông bạn tù một nửa. Tôi thắc mắc:

-Tại sao ông lại mừng tôi chưa vợ con?

Ông bạn thừ người ra một chặp, rồi thủ thỉ:

- Huấn (tên gọi thân mật của tôi chỉ ông bạn tù biết) này, chưa vợ con là đỡ khổ đấy! Tôi nói thiệt nghe, còn lâu lắm…. Rồi mình sẽ còn bị sang tay cho đám kiến vàng (công an) nữa. Chưa hết hạn đâu!

Lần đầu tiên tôi nghe ông đưa ra nhận định này. Nhưng do ông nói, tôi tin ngay.

- Lâu là cỡ bao lâu?
Tôi hỏi.

- Cho đến khi nào học tập tốt xong xuôi,. Ông đáp theo giọng khôi hài đen cố hữu và không quên nhấn mạnh chân lý:

- Nhớ cho kỹ: Tự giác là tự sát! Nhưng nếu đã thành thật khai báo rồi thì trước sau như một, dầu sông có cạn, núi có mòn!!

May mắn, trong học tập cải tạo tôi đã được gặp đúng thầy! Những điều ông bạn tù nói, dần dà theo thời gian đều thấy ứng nghiệm.

.............................
Tháng 5/77, một buổi chiều mây thấp nặng nề, sau buổi lao động nặng nhọc về, toàn trại bị gọi tập trung ra sân. Lệnh chuyển trại khẩn cấp ban ra. Tên tuổi những người tù phải chuyển trại được cán bộ đọc nhát gừng bằng chất giọng khô khốc. Cảm giác khi bị gọi đến tên mình, lúc đó khí diễn tả. Một cái gì thật thảng thốt, điếng lặng trong người. Buồn hay vui chẳng cảm nhận được. Lệnh cán bộ, những người được gọi tên phải về lán tu xếp tư trang, tập trung trở lại ra sân. Còn những người khác, tan hàng về lán, không ai được ra khỏi cửa!

Cảnh bạn tù cải tạo chia tay nhau cũng u buồn, não nuột không kém gì! Người đi kẻ ở, chẳng ai biết ai vui ai buồn, ai may mắn, ai khốn khổ hơn ai trong những ngày tháng mịt mùng trước mắt. Tôi không thể xác nhận được rằng tôi buồn hay vui khi nghe tên của ông bạn tù cũng được tên cán bộ xướng lên sau tôi một lúc. Khi tên cán bộ an ninh kiểm tra lần chót đám tù chuẩn bị lên xe, thấy cây đàn tôi mang theo, hắn giữ lại. Tôi nói đó là quà tặng, nếu không cho mang theo, tôi xin được trả lại chủ của nó. Hắn ngần ngừ chưa quyết định tôi đã bất kể, xách đàn đi vội về lán, trao lại cho người bạn tốt bụng. Khanh xiết chặt tay tôi, ứa nước mắt….

Chuyến chuyển trại bằng hải trình ba ngày ba đêm đầy gian khổ, không lần nào sánh bằng. Đi, tất nhiên, không biết sẽ đi đâu! Ở cũng vậy, chẳng rõ tới bao giờ!….Chuyển tù. Những chuyến chuyển tù. Những người trong cuộc ắt biết, có không biết bao nhiêu câu chuyện và sự việc xảy ra trong những chuyến lưu đày tù nhân cải tạo để có thể kể ra đây…

…..Ông bạn tù và tôi cùng hàng trăm cải tạo khác bị đưa thẳng ra Bắc bằng tàu thủy, tàu hỏa, bằng phà, rồi bằng molôtva; cuối cùng, chúng nhét chúng tôi lọt thỏm vào giữa một thung lũng hẹp, vây quanh là đồi sắn, trà, và rừng rậm với núi xa xa. Khí hậu lạnh lẽo, ma thiêng nước độc. Đó là địa danh Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ông bạn tù và tôi lần này bị phân ra khác lán nhưng cũng kề nhau. Cả trại chỉ có năm lán ọp ẹp, vách đất, mái bằng phênh nứa đan. Chỗ nằm cũng vậy, cũng chỉ bằng lồ ô đan, cọt kẹt, gập ghềnh. Nó hành hạ lưng tù quá thể! Trại cũng chỉ do bọn dép râu, áo rêu canh phòng. Được cái, tuy lao động nặng nhưng biện pháp quản lý thoáng. Có lẽ chúng nghĩ rằng tù nhân không thể nào trốn được trong lãnh địa của chúng.

Tù cải tạo ở đây, mỗi sáng cai tù giao công việc với chỉ tiêu cho từng cá nhân rồi mạnh ai nấy đi, khônh có cảnh bị kè súng sau lưng. Chỉ tiêu thường là một hai bó nứa hay lồ ô; có khi là đốn hạ cây làm gỗ hay củi đun, kéo về; lắm lúc chỉ là đi săn nhặt măng rừng tăng cường thức ăn cho trại. Núi đồi rừng rậm mênh mông, tuy được tự do đi lao động một mình, nhưng cũng nguy hiểm khôn lường. Vắt, bò cạp, rắn rít, muỗi rừng đầy dẫy. Dễ bỏ xác ngoài trại mà không ai biết chỗ nào để đi lôi về! Chính vì vậy, tuy khác lán khác đội, mỗi ngày ông bạn tù vẫn đi chung, kết hợp sức lao động với tôi. Tất nhiên tôi gánh hết cho ông những phần nặng vì lúc đó tôi còn trẻ, khá khỏe. Ông luôn căn dặn tôi giữ sức khỏe, không làm bất cứ việc gì rán sức quá. Tới đâu thì tới! Nước sông, công tù. Chúng không mang ra bắn vì tội lao động không tốt đâu.

Theo đúng phương châm của ộng, tôi chỉ lao động cầm chừng, làng tàng. Ai dọ dẫm sao, mình dọ dẫm vậy. Miễn đừng trây lười quá đáng. Điều quan trọng: Tuyệt đối không phê bình bất cứ đồng đội nào. Ở Nghĩa Lộ chỉ được năm tháng, cả trại bị chuyển thẳng lên miền Thuợng du Phố Lu, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, gần biên giới Tàu. Lần này lời “tiên tri” của ông bạn tù đã ứng nghiệm. Tiếp nhận tù là bọn công an trong sắc phục màu phơn phớt đất sét, trông sạch sẽ, lịch sự. Nhưng, đằng sau những ánh mắt đăm đăm cú vọ của chúng, dường như vẫn còn ẩn chứa thêm nhiều thứ tàn độc, giết người khác….

Ông bạn tù trấn an tôi:

- Chẳng có gì phải lo. Coi vậy chứ chúng có kỷ luật hơn đám dép râu. Chúng không hành xử mình bừa bãi, tự ý đâu.

Thật ra, tù cải tạo cũng không hơi đâu lo lắng ai giam mình. Dép râu hay công an thì cũng vậy. Có điều, những trại giam của công an kiên cố, ngăn nắp hơn thấy rõ. Chắc chắn, đó là dấu hiệu báo trước một sự giam giữ mút mùa. Cái lạnh thấu xương của miền Thuợng du mới chính là điều làm tù cải tạo lo lắng, sợ hãi. Nó như những lưỡi lam cứa vào da thịt, len tận vào xương. Thiếu ăn. Thiếu uống. Thiếu mặc…. Làm sao chống chỏi! Mỗi sáng xếp hàng chờ xuất trại lao động, tôi thấy ai cũng run lẩy bẩy. Bọn công an thì nai nịt, quần áo che chắn tận răng với mũ trùm đầu che tai, bịt trán. Tôi thực hiên ngay hai cái mũ trùm đầu dã chiến bằng vật liệu vải bao cát và vải mền. Một cho ông bạn tù, một cho tôi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy người bạn tù tôi không chịu nổi. Chỉ một thời gian ngắn tôi thấy ông xuống sắc, xanh xao thấy rò. Có lúc, tôi mượn cách nói của ông bạn động viên lại ổng:

- Rán nín thở qua sông. Chỉ mới ăn với ở với công an thôi, chưa mặn nồng đâu, ông à!…

Bỗng có một ngày ông bạn tù già khai ốm, xin nghỉ lao động. Tôi sờ trán thấy ông hơi sốt. Ông nói ông cảm thấy một bên cổ họng bị đau. Ông hỏi tôi có thấy gì không. Tôi ghé mắt nhìn kỹ, thấy chỗ ông nói đau có hơi ửng đỏ. Tôi đưa tay sờ, cảm giác có một cái gì đó hơi cồm cộm đầu ngón tay. Tôi lo lắng nhưng trấn an ông:

- Thôi ông ở nhà nghỉ, khai ăn cháo đi. Rồi chắc cán bộ y tế sẽ có thuốc cho ông uống.

Ông bạn tù ở nhà nghỉ lao động một ngày, hai ngày rồi cả tuần lễ. Mỗi tối tôi vẩn đến bên ông thăm hỏi, chuyện trò cho ông đỡ buồn chán thêm hại bệnh tình. Phần cháo mỗi ngày ông ăn càng kém đi. Vì đó chỉ là thứ cháo bột mì hoặc sắn khô tán nhão. Tôi bảo ông phải rán nuốt, uống mấy thứ thuốc giảm đau trại phát mà không ăn gì, bao tử chiụ sao thấu! Tôi để ý thấy cái mục hạch bên cổ phải, ngay dưới cằm ông, càng ngày càng phát triển, to hơn và đỏ hơn. Tôi hỏi ông, thế cán bộ y tế trại không có biện pháp chữa trị gì cho ông hay sao? Ông nói họ chỉ bảo uống thuốc, do họ đưa nhỏ giọt mỗi ngày. Tôi nghe ông nói, lòng bất nhẫn không chịu được. Tôi ái ngại nhìn ông đi đứng bắt đầu không vững, ăn uống khó khăn, nói năng thều thào…., mà chẳng biết làm sao! Tôi cũng chỉ thân tù cải tạo khác gì ông, cam đành bất lực trước bệnh trạng của bạn tù. Đêm nào tôi cũng đến chỗ ông nằm, kể cho ông nghe đủ thứ chuyện trên đời để cho ông đỡ cô đơn. Có một đêm ông bảo tôi ngồi xổm bên sạp giường. Ông trịnh trọng mở nắp lon guigoz rồi lấy muồng múc từng muỗng cháo bo bo, bảo tôi há miệng cho ông đút. Tôi không hiểu sao ông muốn tự tay làm vậy. Hoạt cảnh có vẻ buồn cười trước mắt những bạn tù khác, nhưng tôi thì cảm động. Lúc đó, tự nhiên tôi nghĩ ông như người cha tinh thần của tôi. Và óc liên tưởng khiến tôi nhớ đến hình ảnh một con chiên ngoan đạp đang rước lễ, được cha linh mục chủ lễ cho ăn bánh thánh….

Giữa lúc người bạn tù già của tôi khốn khổ vì chứng bệnh, đùng một cái, lệnh chuyển trại đưa xuống. Lại một đêm mịt mùng lạnh buốt xương, cả trại được lùa ra cổng, từng cặp tù tay còng chung, bị hốt lên chèn cứng, ngột ngạt trong từng chiếc molôtva che bạt kín bưng, chuẩn bị chuyển bánh. Người bạn tù đau liệt của tôi không được hưởng ngoại lệ! Sau này, tôi hiểu được lý do lần chuyển trại khẩn cấp đó: quân đội Trung Quốc dàn hàng, chuẩn bị tấn chiếm các tỉnh địa miền Bắc. Gần hai ngày bằng đường bộ lẫn đường thủy đầy gian nan nhọc nhằn, tôi và ông bạn tù được đưa tới trại K4 Vĩnh Phú, thuộc miền trung du. Trại này nằm giữa một thung lũng tương đối rộng, bùn và nước ruộng đặc quánh, đỏ ngầu. Nghe nói, trước kia là một vùng tập trung người cùi.

Tôi không được xếp chung đội, cùng lán với ông bạn. Tuy nhiên, hai lán cũng ở sát cạnh nhau nên tôi dễ dàng thăm bệnh ông . Tình trạng chăm sóc sức, trị bệnh ở đây cũng chẳng khá gì hơn, chỉ dăm ba thứ thuốc giảm đau nhức của nền y dược ma quỉ sản xuất! Cái hạch của ông bạn đã trương to như cái chén up dưới co. Ông hoàn toàn không ăn được. Chỉ có húp một ít nước cháo pha muối hoặc đường do một người phụ trách y tế, vốn cũng là một bạn tù cải tạo, đút cho mỗi buổi. Giai đoạn này gần như những giây phút hiếm hoi mỗi trưa và mỗi chiều, trước khi vô phòng, tôi đều bước qua nhìn ông bạn, hỏi han một vài câu. Ông kiệt lực, chỉ nằm một chỗ thều thào với tôi trong hơi thở nặng nề. Cho đến một buổi sáng, khi vừa được mở cửa buồng, tôi chạy sang ông thì được người bên cạnh nói, suốt đêm qua ông lầm thầm nói nhảm dữ quá; có lúc còn nghe ông bật ra tiếng nấc như khóc và có vẻ như đã thở hơi lên. Tôi ngồi hẳn trên sạp, một bàn tay tôi nắm lấy cánh tay ông bạn già, tôi nói thì thầm như rót vào tai ông:

- Ráng qua cơn bệnh ông già, ông nỡ bỏ tôi sao?…

Tôi thấy ông hé mắt nhìn tôi, dường như có một chút ngấn lệ bên khóe. Ông cử động như muốn nắm lại tay tôi, nhưng không nổi và cũng không nói thêm được với tôi lời nào!…

Buổi trưa hôm ấy, vừa lao động về đến cổng, người bạn tù trực lán thấy tôi đã nói ngay:

- Ông Hòa chết rồi! Chôn ở sau ngọn đồi sắn, gần núi.

***

Tôi biết rằng, kể từ đây tôi sẽ không còn ai để được tôi chung, hay chung cho tôi một độ cá!

Những năm tháng còn nằm cạnh nhau, khi biết ông bạn tù chính là ký giả Huy Vân phụ trách chuyên mục văn nghệ điện ảnh ở trang trong nhật báo Tiền Tuyến (ngoài ra ông còn lấy biệt hiệu Binh Cà Gật, chuyên viết những bài dí dỏm, phê bình mọi sinh hoạt của giới nhà binh ta, góc dưới trang nhất), tôi hay bàn luận cũng như kể cho ông nghe những chuyện phim hay. Có lần ông không đồng ý với tôi về tên cô tài tử chính trong cuốn phim Caroline Chérie. Tôi nói đó là Carol Baker. Ông lại cho rằng phải là cô Martin Carol mới đúng. Ai biết ai đúng ai sai, nên cả hai cá với nhau một ngày dạo phố, ăn uống thoải mái khi được phóng thích. Dĩ nhiên ai nói trật, thua phải chi tiền bao. Hào hứng quá nên tôi với ông quên béng hai điều cần thiết: làm sao ra tù cùng lúc, và kiếm đâu ra cuốn phim để coi lại kiểm chứng?…. Nhưng hỡi ôi! Rốt cuộc, chỉ có mình tôi ra tù. Chẳng còn ai để lo cho tôi chuyện trước, sau; chẳng còn ai để cùng tôi tính chuyện thắng, thua.

Dù sao, ngay sau khi ra tù, tôi cũng đã hai lần tìm đến căn nhà của người bạn tù theo địa chỉ ông cho. Đó là một căn phố nằm giữa quãng đường Nguyễn Công Trứ, Thị Nghè. Nhưng cả hai lần, cửa đều đóng im ỉm, không gặp được ai. Phần vì những ánh mắt dò xét khác thường của những người từ mấy căn nhà lân cận, tôi đâm lo ngại, lảng đi, không dám hỏi thăm. Tiếc rằng, do cuộc sống thôi thúc, bươn chải, những ngày về sau này tôi không còn có dịp nào tìm đến ngôi nhà có gia đình của người tù chiến hữu của mình nữa….

Nguyễn Trung Hòa, đó là người chiến hữu trong tù mà tôi thuơng cảm và nhớ đến nhất! Nên khi xem người nhạc công ca sĩ ôm đàn hát bài Pâpa với cả tâm hồn, làm sao tôi có thể ngăn được dòng nước mắt; làm sao tôi có thể ngăn tôi đừng viết nên những dòng hồi ức đau thương này?!…Bởi vì người ca sĩ trong khung hình chính là Nguyễn Trung Hành, con trai của người tù chiến hữu của tôi!….

Hồ Hoàng Hạ

Trích sách viết “Chuyện Người Tù Cải Tạo” trang 162 - 179 tập I /2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn