BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi trình diện "học tập cải tạo"

20 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1726)
Tôi trình diện "học tập cải tạo"
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày 30-4-75, tôi cùng một vài chiến hữu sắp sửa vào Bộ TTM để trình diện TrungTướng Vĩnh Lộc mới được bổ nhiệm làm Tổng Tham Mưu Trưởng thì nghe trên đài phát thanh lời tuyên bố của Tống Thống Dương văn Minh xin "người anh em phía bên kia hãy ngưng bắn và ... " chúng tôi cảm thấy có một sự đổ vỡ xen lẫn một sự hoang mang không biết tươnglai sẽ đi về đâu?

Suốt đêm 29 tiếng phi cơ trực thăng của Mỹ hạ cánh và cất cánh trên nóc tòa Đại sứ át hẳn tiếng súng lẻ tẻ nơi xa vọng về, đúng 6 giờ sáng ngày 30, việc di tản bằng trực thăng chấm dứt.

Vào khoảng gần trưa tiếng ken két của xích xe tăng địch vọng tới từ cầu xa lộ cùng với tiếng máy ầm ì của từng đoàn xe Molotova chở những bộ đội mang nón cối với những ánh mắt bỡ ngỡ khi nhìn thấy vẻ rộng lớn đẹp đẽ của Saigon. Một số người tò mò đổ ra hè phố, đây đó một vài lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng của MTGPMN được phất lên một cách lạc lõng thiếu hẳn sự hăng say nồng nhiệt của hồi tháng tám năm 1945 khi đoàn giải phóng quân từ chiến khu về trong những bộ quân phục tùy tiện, chân giầy, chân đất bước đi nhẹ nhàng theo nhịp điệu của những bản quân hành đầy tình yêu nước, mộc mạc và chân thành của cả một dân tộc cương quyết vùng lên để có được độc lập và tự do mà cho tới nay tôi vẫn còn bồi hồi xúc động mỗi khi được nghe những âm điệu của những bản nhạc "Anh em trong đoàn quân du kích, Du kích quân...", những tiếng hoan hô vang dậy và đoàn người vây quanh thăm hỏi, tiếp tế bánh kẹo nước uống rồi cùng tham gia cuộc diễn hành với những chiến sĩ giải phóng quân, thật là đúng với lời ca "Đoàn quân đi giữa sóng mến thương muôn người trìu mến...; nhưng vào giờ này bản nhạc "Giải phóng Miền Nam" được coi như là quốc ca của Chính phủ lâm Thời Miền Nam Việt Nam cùng với bản " Tiến về Saigon" với âm điệu rùng rợn của nó luôn luôn là nhạc nền trong các loa phóng thanh được gắn khắp nơi trong thành phố.

Những con người được mệnh danh là "cách mạng 30 tháng 4" bắt đầu xuất hiện với mảnh băng đỏ quấn trên cánh tay, thường là những thành phần du thủ du thực lang thang bụi đời mượn gió bẻ măng, chúng lọt vào những cơ sở của chính phủ, của quân đội chiếm đoạt những xe cộ hoặc vũ khí rồi đi quậy phá, những xe moto của cảnh sát chạy lung tung trên đường phố, thậm chí cả xe tăng cũng bị đem ra tập lái trên đường quẹt cả vào những xe du lịch bỏ lại bên lề đường, người dân chẳng ai thèm đếm xỉa tới bọn chúng, ai ai cũng còn hoang mang lo lắng cho ngày mai.

Một số anh chị em sinh viên đã tự động đứng ra giữ vai trò trật tự lưu thông tại những nơi bị kẹt xe cũng là một điều đáng ghi nhận. Chiếc xe jeep của quân đội tôi để trước cửa nhà cũng được các vị "cách mạng tháng tư" tự động tới lấy đi, tôi theo dõi tin tức trên đài phát thanh cũng như những tin do các bạn bè còn liên lạc được , đài truyền hình đã ngưng hoạt động, và cùng nhau đi trình diện tại các địa điểm được ấn định tại các trường học thường thường là để khai lý lịch cá nhân, trong dịp này tôi thấy phần nhiều những câu hỏi xoay quanh việc anh có phải là đảng viên đảng Dân chủ của tổng thống Thiệu không, có nhiều từ trong bản khai đánh máy không có dấu làm chúng tôi hiểu lầm như "bản thân" có người lại hiểu là "bạn thân" nên đã điền vào một lô tên những ông bạn thân quen , thế nào là "tư liệu sinh hoạt", "tư liệu sản xuất"... một cái máy may có thể vừa là tư liệu sinh hoạt vừa là tư liệu sản xuất , thế nào là "tội ác đã làm"...đây cũng là dịp để những phóng viên của báo Quân đội nhân dân ghi nhận những cảm tưởng của những sĩ quan VNCH, phần lớn đều mang một tâm sự cay đắng, tấm tức vì không may là nạn nhân của một giải pháp chính trị, chúng tôi được biết tên một vài nhân vật như Trần văn Trà, chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, Cao đăng Chiếm...nói chung cuộc tiếp súc được diễn ra trong bầu không khí tương đối có "văn hóa"., họ có ý muốn trấn an chúng tôi bằng những câu trả lời vu vơ kèm theo những nụ cười có vẻ "thân thiện" và số phận của chúng tôi được thông báo là sẽ có chính sách riêng, ai nấy ra về với vẻ mặt băn khoăn trong sự vui mừng của vợ con đứng tụ tập ngoài cổng vì lo rằng vào trình diện rồi bị nhốt luôn.

Đầu tháng sáu, qua đài phát thanh và truyền hình đã hoạt động trở lại, chúng tôi nhận được lệnh trình diện tại khu Đại Học xá Minh Mạng từ Thứ Sáu 13 tháng Sáu đến hết ngày Chủ nhật 15 tháng sáu, mang theo tiền ăn trong một tháng , mùng mền và áo mưa, trong tâm trạng dứt khoát muốn biết tương lai mình sẽ đi về đâu, tôi và Đ/T Nguyễn minh Tiên cùng nhau ra bến xe Lam đi trình diện ngay hôm đầu tiên mặc dù đó là ngày thứ sáu 13, một ngày xui xẻo, một số trình diện trễ hơn vì còn muốn ăn Tết Đoan Ngọ xong đã.

Sau khi ghi tên vào danh sách, chúng tôi ngồi chờ các bạn khác lần lượt tới, không khí mỗi lúc trở nên náo nhiệt hơn, bạn nào cũng tay sách hành lý như đi du lịch, có anh nói đùa cứ như mình đang ở Air Terminal chuẩn bị làm thủ tục xuất ngoại, một lát sau chúng tôi được gọi tên, giao nộp hết giấy tờ tùy thân: thẻ kiểm tra, thẻ sĩ quan, bằng lái xe ... , đóng tiền ăn cho 3 ngày đầu, rồi cùng nhau lên lầu chia nhau những phòng trống, khi lên cầu thang tôi bật phì cười khi nghe gọi tên " anh Trần- Cẩm-Hương", tôi vô cùng ái ngại cho số phận của vị Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân của QLVNCH. Tôi ở cùng phòng với Tướng Lâm văn Phát, tôi chưa bao giờ được gặp ông mặc dù biết ông là bào huynh của anh Lâm văn Phiếu, một bạn cùng quân chủng KQ, ông ta than phiền rằng chế độ nào ông cũng bị ở tù, ông đề nghị chúng tôi gọi ông là "anh Ba" cho có vẻ thân mật hơn.

Sáng hôm sau khi mở mắt giậy tôi thấy ê ẩm cả ngưòi, thì ra mình chưa quen nằm trên sàn nhà bao giờ, đến trưa có nhà thầu trong Chợ lớn đem cơm chiên tới , chúng tôi ngồi ăn hai bên chiếc bàn dài, tôi chỉ nhớ là cơm ăn đầy sạn cát nuốt không vô, nhà thầu nói đó là gạo của Cách mạng phát, hệ thống vệ sinh không ai chăm sóc , nước chảy suốt ngày đêm, chúng tôi không đươc liên lạc với bên ngoài. Các bạn khác lần lượt trình diện trong những ngày kế tiếp cho tới đúng 12 giờ đêm chủ nhật 15 tháng sáu chúng tôi được lệnh tập họp, điểm danh rồi leo lên những chiếc xe vận tải Molotova bít bùng, đoàn xe di chuyển trên những phố đêm vắng tanh của Saigon , chúng tôi ai cũng trong tâm trạng không biết mình sẽ đi về đâu? ...

Qua những lỗ thủng nhỏ của vải bạt tôi hồi hộp theo dõi lộ trình của đoàn xe trên những đường phố thân quen, đường Hồng Thập Tự, Đinh tiên Hoàng, Hàng Xanh gần nhà tôi, chắc giờ này các con tôi đang ngủ say, còn vợ tôi chắc còn trằn trọc lo lắng cho tôi, rồi xa lộ Biên Hòa, đoàn xe vào căn cứ Long bình, chúng tôi nghĩ chắc là đến nơi rồi, nhưng sao thấy đoàn xe cứ chạy lòng vòng hoài cả giờ đồng hồ rồi lại đi ra xa lộ trực chỉ hướng Đalat.

Cho đến lúc tờ mờ sáng đoàn xe vượt qua ngã ba đi Gia kiệm, Đalat và lây hướng đi Phan thiết, đến một khoảng trống không có nhà cửa, đoàn xe dừng lại cho chúng tôi xuống bên lề đường làm vệ sinh cá nhân, mấy tên "chiến sĩ lái" cũng túm tụm lại hút thuốc và tán dóc, tôi nghe loáng thoáng chúng phê bình con gái Saigon không biết thổi cơm, có thể chúng nói đúng vì đã lâu lắm rồi còn ai ở Saigon lại thổi cơm theo kiểu dã chiến với ba cục gạch và nhóm bếp bằng một mẩu giây quai dép râu mà chúng vẫn thường làm.

Đoàn xe lại di chuyển, qua ngã ba Ông Đồn lấy hướng đi Bà Rịa, tới Long giao khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi bị lùa vào một doanh trại cũ của QLVNCH., và chia ra từng tiểu đội gọi là A, bốn A thành một trung đội gọi là B, đại đội gọi là C.

Mỗi B được ở một căn nhà tiền chế bằng gỗ, nền đất trống chơn, dài khoảng 20 mét, rộng 5 mét, chỉ có hai lối ra vào hai đầu không có cánh của, mỗi người được phát một tấm nylon thay chiếu, B trưởng của tôi là một vị tuyên úy công giáo, cha Thịnh, A trưởng của tôi là anh Trần cửu Thiên, công việc đầu tiên là ổn định chỗ ở, làm sạch sẽ quanh lán trại, mỗi B phải cắt người đi đào hố vệ sinh, luân phiên khiêng nước cho nhà bếp và luân phiên nấu cơm cho cả C, tổng cộng có 6 B, quân số khoảng 240 đại tá, anh C trưởng là anh Cao văn Phước thay mặt cho tất cả các anh em nhận chỉ thị của bộ chỉ huy trại.

Long giao có một độ cao trên mặt biển vài chục mét nên giếng lấy nước đều sâu thăm thẳm, phải dùng poulie để kéo nước, các anh H.M.Quang, Võ v. Hạnh, Trực người khá đậm đà được làm ngựa kéo nước, các anh Kiểm (tỉnh trưởng) to con và đen xậm như người Miên cùng anh Trần cửu Thiên chuyên khiêng nước cho nhà bếp, chúng tôi được hướng dẫn cách thức nấu cơm bằng chảo gang cho hàng trăm người ăn, mới đầu thì cũng có lúc khê lúc sống, gạo "Đại Mễ" do Trung Cộng viện trợ bị mọt gần nửa, khi thả vào chảo để vo nổi lên trắng xóa cả mặt chảo, không còn chất dinh dưỡng, còn nấu canh thì rất đơn giản, chỉ một gói mì ăn liền chút muối thả vào chảo nước đun sôi là xong, lâu lâu cũng có bắp cải hoặc cá, thịt heo, vài tuần sau đã xuất hiện triệu chứng phù thũng, lấy tay bấm vào da thấy lõm hẳn xuống, mắt cá chân sưng lên, chúng tôi nói đùa là bị bệnh phồn vinh giả tạo, riêng "anh" Cẩm Hương dành riêng một góc phòng, không biết anh C trưởng Cao v. Phước kiếm đâu được một vài tấm vải bạt quây lên thành một căn phòng nhỏ cho "anh" có một chút riêng tư, vài ngày sau "anh" bị đưa đi một nơi khác cùng với Đại tá Cảm, vị cựu chỉ huy trưởng của trường Sĩ quan trừ bị Thủ đức đã về hưu từ lâu nay sức khoẻ không được tốt lắm, tôi thấy Người thường nằm trên võng phe phẩy quạt và không phải lao động.

Thời khóa biểu hàng ngày như sau:
5.00 dậy
5.15 đến 5.30 tập thể dục
7.00 lao động
10.30 ăn trưa
13.30 lao động
16.30 nghỉ, ăn cơm
19.00 sinh hoạt
21.00 tắt đèn

Chúng tôi bắt đầu lao động lai rai, ngày hai ba giờ cuốc đất , đánh luống trồng rau muống, săn nhặt những đồ dùng như ca, gà mèn, thìa trong những khu nhà bỏ trống , có một hôm A3 của tôi được lệnh đi ra ngoài kiếm củi về cho nhà bếp, bị tù túng khá lâu nên chúng tôi rất vui thích thở hít không khí tự do, và đặc biệt là trại "bồi dưỡng" cho mấy miếng thịt heo kho , trên quốc lộ vắng vẻ thỉnh thoảng có một vài người bán chuối lăn bột chiên bên đường hương thơm ngào ngạt nhưng chúng tôi đã được hướng dẫn là không được liên hệ với dân nên đành lặng lẽ nhìn với đôi mắt đầy thèm thuồng, tới một khu rừng ven đường, chúng tôi đi lượm những cành khô, đến chiều mỗi người một bó vác về trại.
Một vài tối chúng tôi được đi coi phim với những đề tài tuyên truyền cho cách mạng như :
- HCM của chúng em,
- Hà nội bản hùng ca nói về 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà nội tháng 12 năm 72,
- Nguyễn thái Bình một sinh viên VN du học tại Mỹ đã ý thức được ý đồ dã man của Mỹ đã đi thuyết trình tại nhiều tiểu bang, khơi mào cho tinh thần phản chiến tại Mỹ,
-1-5-73 ngày vui lịch sử chiếu lại ngày diễn binh quan trọng sau khi hiệp định Ba lê được ký kết,
- Nổi Gió nói về tâm trạng của một sĩ quan trong quân đội Saigon sau khi được Bác và Đảng "soi sáng" đã ngầm theo cách mạng ám sát cố vấn Mỹ rồi trốn ra bưng...

Có một điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hôm sau buổi chiếu phim, các cán bộ quản giáo tập họp chúng tôi lại và nói:" cách mạng cho các anh xem phim là để học tập chứ không phải để giải trí, vậy các anh hãy viết bài thu hoạch nói về cảm nghĩ của các anh, nộp cho Trại để đánh giá kết quả"

Lúc bấy giờ chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác, thật ra một số lớn chúng tôi đâu có chú ý gì đến nội dung phim đâu, vì đây là cơ hội hiếm có để gặp nhau nên chúng tôi thường hỏi thăm và cho nhau biết những tin tức nhiều hơn là nhìn lên màn ảnh, nhưng rồi mỗi người đóng góp vào chúng tôi cũng hoàn thành được bản "thu hoạch" với nội dung theo ý muốn của ban chỉ huy đã gợi ý. Ai ai cũng cố gắng, nhịn nhục cho qua thời gian một tháng để rồi còn về lo việc gia đình., lâu lâu, chúng tôi lại phải đóng tiền gọi là để thêm vào ẩm thực, hoặc mua hạt giống rau muống, và dần dần một số các anh ở các nơi khác cũng bị đưa tới Long Giao., như các anh Chiếu (quan tòa) ở vùng 4, Từ Vấn..., anh Bảy Điển và anh Phú biết về Kỹ thuật Điện lo về nhà máy phát điện và mắc giây điện cho các buồng, tôi biết chút ít về điện tử mỗi tối thường được "hộ tống" đi điều chỉnh những máy truyền hình họ gọi là "ci nê hộp" tại các cơ quan, phần lớn họ không biết sử dụng những nút vặn, điện thế lại không đều nên hình ảnh lúc có lúc không, lúc đổ nghiêng hoặc không biết thiết trí ăng ten.

Khi hết thời hạn một tháng , chúng tôi hồi hộp chờ đợi khi được tập họp để rồi ngẩn ngơ nhìn nhau lúc được thông báo là ở ngoài nhân dân không yên tâm vì các anh chưa được học tập và cũng để bảo vệ sinh mạng cho các anh, ở ngoài nhân dân đang thù ghét các anh, nên bắt đầu tuần tới trại sẽ bố trí cho các anh học tập để có điều kiện hiểu rõ chính sách của cách mạng đôi với những sĩ quan trong quân đội Saigon, tuy nhiên cách mạng hiểu rõ tâm trạng các anh cần phải liên lạc với gia đình, vì vậy các anh được viết thơ cho vào bao thơ bỏ ngỏ, cách mạng sẽ chuyển đến gia đình các anh, địa chỉ của trại là : 7590/HT/L16/T2, số nhà 12., tất cả các máy thu thanh mang theo đều phải giao nộp cho trại bảo quản, trại sẽ giao cho anh C trưởng một máy để cho các trại viên nghe tin tức của cách mạng .

Tối hôm ấy, tôi nghe nhiều tiêng thở dài tức tưởi, ấm ức vì đã ngây thơ để bị đánh lừa. Mỗi buồng được phối trí lại cho tiện viêc học tập, buồng tôi mang số 12, anh B trưởng mới là anh Trí (Đ/tá thuộc Bộ Xã hội), buồng phó là anh Dư thanh Nhật, có hai tổ học tập:
Tổ 1 do anh Trí và anh Bảy Điển gồm A1 và A2, tổng số 20 người.
Tổ 2 do anh Nhật và anh Thiên gồm A3 và A4, tổng số 20 người .

Thời khóa biểu như sau:
Mỗi ngày học 6 giờ : sáng 3, chiều 3.
Một tuần học 5 ngày, 1 ngày lao động, khi căng thẳng (thiếu nước, củi ...) học 4 ngày.
Vấn đề nước rất là thiếu thốn vì có lúc giếng bị cạn và mùa mưa chưa đến, chúng tôi phải tiết kiệm nước đến nỗi với một lon Guigoz nước đầy có đục một lỗ nhỏ síu và một thau hứng dưới chân chúng tôi có thể vừa tắm gội và giặt quần áo luôn!!!

Chương trình gồm một số bài căn bản như:
- Âm mưu của đế quốc và thất bại của tay sai trong những năm vừa qua
- Ngụy quyền là tay sai của đế quốc Mỹ và là kẻ thù của dân tộc Việt Nam
- Quân Ngụy là công cụ của đế quốc Mỹ
- Đế quốc Mỹ và tay sai đã cố gắng hết sức trong cuộc xâm lược Việt Nam nhưng đã liên tiếp thất bại và cuối cùng thất bại hoàn toàn
- Nhìn của cách mạng về thất bại của đế quốc Mỹ.
- Truyền thống của dân tộc Việt Nam
- Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn
- Chính sách và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam hiện nay
- Lao động là vinh quang
- Chính sách của cách mạng đối với sĩ quan chính quyền Saigon cũ ra trình diện và trách nhiệm trước cách mạng nhân dân và thái độ cần có của họ .

Mỗi bài gồm phần chuẩn bị, lên lớp, thảo luận tại tổ và bản thu hoạch, thời gian từ hai cho tới ba tuần lễ cho mỗi bài. Nơi học là một hội trường rộng chúa khoảng 300 người không có ghế, chúng tôi săn nhặt những thùng đạn bằng sắt loại dùng cho đại liên 30 có quai sách làm ghế ngồi rất tiện lợi, lại có thể dùng đựng tài liệu học tập và cho nó cái tên là "samsonite" cho có vẻ lịch sự. Hệ thống âm thanh của họ rất đơn giản ; chỉ một máy thu thanh bán dẫn do Hungary viện trợ chạy pin thường, có gắn thêm hệ thống interphone và hai loa sắt nhỏ treo ở cuối phòng, máy đặt trên bàn trước mặt giảng viên, dùng ngay loa của máy làm micro, giờ nghỉ có thể chuyển sang nghe các đài phát trên hệ AM nên rất tiện dụng tại những nơi không có điện.

Giáo viên chính là một chính trị viên cấp trung đoàn tên Bình, người miền Bắc, khoảng 40 tuổi, ăn nói khá chững chạc, có pha lẫn đôi chút thiện cảm, hấp dẫn người nghe, đôi lúc chúng tôi được nghe đọc tin tức trong báo Nhân Dân, hoặc dự những buổi nói chuyện của "cán bộ cấp cao" như Dương thành Thảo phát ngôn viên của chính phủ lâm thời Miền Nam VN đến nói về Hiệp định Paris

Xen lẫn vào những buổi học tập là viết đi viết lại nhiều lần những bản lý lịch, mỗi lần lại có thêm những mục mới phải bổ sung, như viết về những "việc lớn" đã làm, một số câu hỏi về định nghĩa thế nào là việc lớn được nêu lên, những việc ích quốc lợi dân về những lãnh vực nào vân vân và vân vân, cứ bàn cãi hoài chẳng đi được đến kết luận cụ thể nào cả, khiến cho anh cán bộ quản giáo sốt ruột đưa ra một định nghĩa xanh rờn: đấy là những tội ác mà các anh gây ra cho nhân dân, đấy là những chiến công, những huy chương những việc các anh đã làm trong thời gian phục vụ trong quân đội; để "bồi dưỡng" chúng tôi được chung tiền mua hàng tại "căng tin" một hình thức quân tiếp vụ, phần lớn đơn đặt hàng là những hũ tương chao, kẹo đậu phộng, mì gói, tàu vị yểu, đường tán, nhưng cũng phải vất vả cử người đi ra xếp hàng từ sáng sớm tại Liên trại, rồi mang về phân phối lại cho anh em, Đ/tá Lương Chi ( thiết giáp) là người rất tích cực lo cho các bạn trong công tác này

Để tinh thần bớt căng thẳng trong thời gian học tập, ban chỉ huy trại lại đem dến mấy cây đàn mandoline để các anh giải trí, thật cũng nực cười là phải lục tìm trong trí nhớ những bài hát thuở xa xưa hồi còn đi học, hồi còn là hướng đạo sinh, thậm chí cả những bản hồi cách mạng tháng 8 như : Ai yêu Bác HCM hơn chúng em nhi đồng, HCM muôn năm, Đời sống mới, Nhớ chiến khu, Diệt phát xít ..., tuyệt đối không có "nhạc vàng".

Một đôi khi có một vài anh nón cối, đứng tuổi có vẻ như những cấp sĩ quan cao cấp (họ không bao giờ đeo lon trên cổ áo) tới quan sát những sinh hoạt của trại, đây là dịp để chúng tôi có thể dò hỏi về chính sách cũng như thời gian học tập và những câu trả lời lại càng làm chúng tôi thêm thắc mắc : "các anh rồi cũng sẽ về sau khi học tập thôi" và thêm một câu hơi mỉa mai" nhưng không có làm Đại tá nữa", hoặc rằng "thời gian học tập không có lâu hơn thời gian các anh phục vụ trong quân đội Saigon đâu", hoặc rằng "nếu muốn diệt các anh, chúng tôi đã làm gọn từ lâu rồi". Có anh bạn không biết lượm được tin tức từ đâu nói rằng phải học tập ba năm như hồi 54 khi VC đối xủ với những thành phần chế độ cũ còn ở lại, làm cho các cuộc bàn cãi thêm sôi nổi sao mà lại lâu đến thế, và anh bạn đáng thương kia bị anh em sỉ vả cho một mách vì đã đưa ra một tin tức chẳng có phấn khởi chút nào!!!, tuy nhiên cũng có một tin làm chúng tôi vui xen lẫn buồn bực là Việt Nam đã được chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc, vui là vì nước mình được cộng đồng thế giới công nhận, buồn là vì việc này lẽ ra mình phải thực hiện được.

Những hôm lên hội trường là những ngày anh em ở các khu khác có dịp gặp nhau, có những bạn Phế Binh cụt cả hai chân được các bạn đồng đội khiêng tới lớp thay vì phải ngồi trên tấm gỗ có bánh xe nhỏ khó mà có thể di chuyển được trên những con đường đất gồ ghề, cảnh tượng này gây nhiều xúc cảm và bất mãn về sự tàn nhẫn của VC đối xử với Thương Phế Binh của chúng ta, sự cay đắng còn được thể hiện qua những lời phát biểu của những học viên bị "chỉ định" đễ phát biểu về cảm tưởng sau khi học tập như câu nói bất hủ của Đ/T Thẩm nghĩa Bôi, Thiết giáp, khi kết luận : Đại tá Thẩm nghĩa Bôi từ nay không còn nữa, Đ/T Thẩm nghĩa Bôi đã chết rồị !! như để chứng tỏ chúng tôi đã được soì sáng đến nỗi quên cả quá khứ.

Cách mạng có những sáng kiến thật kỳ quái, gây khó khăn để đánh giá "nhiệt tình" của chúng tôi trong việc học tập, như trong những tối phải viết bản thu hoạch để hôm sau nộp, thỉnh thoảng lại cắt điện để xem chúng tôi khắc phục khó khăn như thế nào? tôi chưa bao giờ phải đeo kính mà đành phải chờ mượn kính của các anh bạn mới nhìn được chữ viết dưới ánh sáng lù mù chập chờn của ngọn đèn cầy.
Thời gian cứ từ từ trôi đi, mỗi tối tôi thường ra sân nhìn về phía Saigòn rực ánh sáng ở một góc trời mà tự hỏi không biết vợ con mình xoay sở ra sao trong cuộc sống mới này, tin tức qua thư từ chỉ toàn những lời lẽ giống nhau học tập tốt, lao động tốt rồi cách mạng sẽ khoan hồng cho về, những nét chữ quen thuộc thân yêu giúp tôi rất nhiều trong việc can đảm chịu đựng, chấp nhận mọi thử thách trong những ngày sắp tới.

Buổi chiều ngày 23 tháng mười, chúng tôi được lệnh chuẩn bị chuyển trại, đến khuya chúng tôi lên xe tải di chuyển về hướng Saigon, ai cũng mang một tâm trạng vui vì chắc rằng học tập xong rồi mình đi về thôi, xe chúng tôi không bị bít bùng như trước nên tôi ướm hỏi anh C trưởng Cao văn Phước (quân vận) một người đàn anh tôi rất quý trọng đã hành xử rất khéo và đứng đắn trong trách vụ đại diện cho các bạn học tập, "liệu mình có được về không anh ?", anh đăm chiêu nhìn mảnh trăng cuối tuần chậm rãi trả lời:"chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", nhưng mãi đến 13 năm sau tôi mới ra khỏi đường hầm!!

Khi đến Tam hiệp đoàn xe tách về phía Biên Hòa và chúng tôi tới một nơi toàn nhà mái tôn: Trại SUỐI MÁU, cái tên mới nghe gây những ấn tượng khủng khiếp...

Tới đây tôi xin tạm chấm dứt giai đoạn Long Giao mà nhà thơ quân đội quá cố anh Thục Vũ đã để lại những vần thơ gây nhiều xúc cảm:

Chiều Long Giao đèo cao heo hút gió
Nắng lưng đồi hẹn hò vương áng chân mây

và giai đoạn Suối Máu:

Chiều Suối Máu xót xa buồn nhớ con
Tình yêu em vẫn đong đầy nơi khóe mắt

Đằng Vân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn