BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73479)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cái chết của Lê Trí Hổ

23 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 2040)
Cái chết của Lê Trí Hổ
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Hầu hết anh em chúng tôi đều đã theo nhau đi qua nhiều trại tù nên ở trại 4 Văn Bàng này, chúng tôi đều biết nhau. Không những thế, chúng tôi còn rõ tâm tình và thái độ của nhau, những ai là hiền lành chân thật, những ai là thay dạ đổi lòng, những ai mưu mô thủ đoạn, những ai kiên tâm vững chí, những ai thay dạ đổi lòng, những ai còn đứng chung với nhau trong hàng ngũ, những ai cam tâm làm chó săn cho Cộng Sản... Đối với những người làm chó săn, dù trên cấp bậc nào, dù tuổi tác nào, anh em cũng khinh bỉ, chẳng xem ra gì. May mắn thay, những thành phần bán linh hồn cho quỉ không có bao nhiêu.

Trong nhiều cái chết của anh em trại Văn Bàng, cái chết của Lê Trí Hổ làm cho chúng tôi cảm xúc và bàng hoàng vô cùng. Tôi biết Lê Trí Hổ khá rõ, vì anh là người trong đội tăng gia trồng rau xanh với tôi, hằng ngày vẫn lao động trong khu đất bên bờ suối. Anh cũng là người đã cùng tôi đi qua nhiều trại tù giống như trường hợp của Hoàng Y Vư, Nguyễn Văn Tròn, Huỳnh Văn Lẹ, Nguyễn Văn Phúc...

Tôi mang bệnh sốt rét từ khi đến trại 1 Yên Bái, bệnh tiêu chảy kiết lỵ từ sau khi đến trại 11 Yên Bái. Nhưng bệnh dai dẳng không làm tôi chết được. Lê Trí Hổ chỉ bị tiêu chảy có ba hôm đã qua đời. Hình như anh cũng đã sống trong tình trạng mất hẳn cảm giác. Những hôm đầu, anh còn mang quần áo xuống suối giặt, vẫn đi lao động bình thường vì không dám khai bệnh nghỉ ở nhà mất phần ăn thường chỉ được 1 chén cháo nhỏ xíu. Hổ chết trong sự mong đợi quà thăm nuôi 3 kí của gia đình từng ngày một. Nếu quà thăm nuôi có thuốc trị tiêu chảy cho anh đến kịp thời, có lẽ anh còn sống được và không xuôi tay một cách nhanh chóng như vậy. Tiếc thay quà mang tên anh có đến 5 gói mãi đến 1 tuần sau ngày anh chết mới tới. Mỗi người tù chỉ được trại phát cho một phiếu quà gửi về cho gia đình tiếp tế, nhưng tại sao anh lại có đến 5 gói? Chỉ có thể hiểu là phiếu quà mà trại phát cho tù, ở các bưu điện bên ngoài cũng có bán chợ đen nên gia đình đã mua thêm gửi vào cho anh. Năm gói quà thăm nuôi của anh, không có người nhận lúc này được sung vào ban ẩm thực của nhà bếp. Anh em buồn cho anh không được hưởng phần, đã chết trong sự thiếu thốn.

Đội chúng tôi được cử khiêng quan tài của anh lên núi chôn. Toán gồm 12 người, 6 người thay nhau gánh, 6 người mang cuốc xẻng và búa chim để đào đất. Nhưng sao quan tài của anh quá nặng. Anh em khấn vái: “Hổ ơi, mi sống khôn thác thiêng, cho anh em tụi tao gánh quan tài mi nhẹ chút chứ nặng như vậy chúng tao không gánh nổi”. Tôi không rõ lời van xin có linh nghiệm không, chứ sau đó, chúng tôi thấy đi nhẹ nhàng hơn. Khởi đi từ trại lúc 2 giờ chiều, vừa ra khỏi cổng trại đã thấy đàn quạ rừng có đến hàng trăm con bay nhào lộn trên trời và kêu lên inh ỏi, chát chúa. Chúng sà xuống theo đoàn người gánh quan tài. Chúng tôi không hiểu được tại sao đoàn quạ đen lại ngửi thấy mùi xác chết một cách bén nhậy đến thế. Chúng liên tục kêu: “Quạ! Quạ!” như mừng rỡ vì sắp có của ăn cho chúng.

Chúng tôi khiêng ì ạch đến cả tiếng đồng hồ mới đến nơi cán bộ chỉ định cho đào huyệt. Đây là một khu đất bằng đá nằm chênh vênh trên sườn đồi được gọi là nghĩa địa trại cải tạo Văn Bàng. Đã có hơn 6 ngôi mộ của anh em được chôn ở đây, chỉ là những nấm một trơn, không có bia ghi tên tuổi và năm tháng mất của người chết. Đàn quạ đen cũng đã theo chân chúng tôi đến đây. Chúng dạn dĩ và lì lợm, không hề sợ người, cứ sà đến gần chỗ để quan tài. Tôi nghĩ bụng nếu quan tài không chôn thật sâu, biết đâu đàn quạ này không đến đào bới lên để rỉa xác người bạn tù xấu số của chúng tôi! Mười hai người chia nhau làm hai nhóm đào liên tục gần hai tiếng đồng hồ thế mà vẫn chưa đạt được chiều sâu 1 thước rưỡi như điều anh em muốn. Chúng tôi ai nấy đều mệt nhoài, mồ hôi tuôn không ngớt nhưng tốc độ đào đất vẫn quá chậm vì gặp đất đá, phải dùng búa chim nậy ra từng tảng một. Gần 6 giờ, rừng đã về chiều, nắng đã bắt đầu nhạt dần, không thể ở lại lâu hơn, cán bộ vũ trang cho lệnh bắt hạ huyệt để anh em ra về trước khi trời tối.

Vẫn biết chết là giải thoát, lúc này, chết còn là cái gì nhẹ nhàng hơn phải sống cuộc đời tù đày, thế nhưng tất cả anh em chúng tôi đều bùi ngùi xúc động. Nấm mồ chỉ được un lên sơ sài, không có gì ghi dấu tên tuổi người xấu số, đôi ba năm sau làm sao thân nhân có thể đến đây để bốc mộ? Còn ai biết chỗ an nghỉ của anh? Còn ai biết đường đi để vào nơi này? Từ ga Bảo Hà vào, đã mất hai ngày đi bằng đường bộ, chẳng có xe cộ nào có thể vào đến đây... Nghĩ đến chỗ đó, chúng tôi đã thấy trước bao nhiêu khó khăn cho gia đình người bạn.

Thôi cũng đành vĩnh viễn giã từ người bạn tù khổ hạnh. Chúc Linh Hồn bạn an giấc ngàn thu với núi rừng.

Bảo Thái

(Trích trong hồi ký “Bước Chân Tù” của người cựu tù Bảo Thái)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn