BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xuân trong rừng thẳm

12 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1681)
Xuân trong rừng thẳm
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mặt trời sắp khuất sau những ngọn đồi xa xa của huyện Đồng-Xuân. Vài cơn gió lạnh từ trong khe núi thổi ra. Từng đàn chim đang bay về phương trời còn chút ánh sáng cuối cùng của một ngày đông lạnh lẽo. Tôi và Quân vẫn chưa rời cái rựa. Chúng tôi phải đẵn thêm hơn hai mươi cây tre lồ-ô nữa mới đủ chỉ-tiêu mà trại học-tập cải-tạo đã giao khi sáng sớm lúc bắt đầu đi vào rừng lao-động. Trời càng về chiều, hơi lạnh từ các hóc núi bốc lên bao phủ một vùng. Bụng chúng tôi đã trống rỗng. Ba củ khoai mì lúc sáng, hai lon guigoz nước lạnh đã tan vào da thịt. Độ đường dinh-dưỡng trong máu đã xuống thấp đến mức chúng tôi muốn xây-xẩm mặt mày. Nhưng chúng tôi phải tiếp-tục công-việc nặng nhọc. Tên vệ-binh đứng bên cạnh mặt lạnh như tiền, đang lăm lăm khẩu AK như một chiến-binh đang ở ngoài mặt trận trong tư-thế sẵn-sàng nhả đạn.

Phía xa, tên quản-giáo trẻ đang đứng tán gẫu với một tên vệ-binh khác. Tên quản-giáo này có nhiều đề-tài để nói vì lần đầu tiên trong đời được đi phép về Sài-gòn, nơi mà đa số người từ miền Bắc vào muốn tham-quan.

Vừa chặt tre, vừa lắng nghe chuyện hai tên này đấu khẩu với nhau, để xem trình-độ hiểu biết của chúng đạt đến cỡ nào của "đỉnh cao trí-tuệ".

Tên quản-giáo mỗi khi nói chuyện với chúng tôi đều khoe "cái đỉnh cao trí tuệ của người cộng-sản" nhưng không bao giờ chứng-minh cụ-thể nó như thế nào để người nghe có thể tưởng-tượng ít nhiều...

Tên quản giáo nói:

· Đồng-chí biết không,cái thành-phố thủ-đô ngụy mà tớ vừa đi phép đó trời ơi to rộng quá chừng. Có lẽ phải bằng một vạn lần cái xã Kim-Liên chúng mình. Xe ô-tô, xe hon-đa, xe đạp chen nhau mà chạy thấy phát khiếp. Nhà nước ta mới giải-phóng Sài-gòn được mấy năm mà xây một cái bệnh-viện cao to mấy chục tầng lầu lại đặt tên là "Bệnh-viện Thống-Nhất" mới oai chứ! Tụi Mỹ-Ngụy làm gì có đỉnh cao trí tuệ để có thể xây-dựng như vậy.

Tôi và Quân nghe rõ mà không giám phì cười vì đang nghe một tên " Trạng Quỳnh tân-thời" kể chuyện. Hoặc như chuyện "thầy bói xem voi" tân-thời thôi. Hay "đi xa về nhà nói khoác" cũng được.

Tên quản-giáo nói tiếp:

· Cán-bộ, đảng-viên, công-nhân-viên cao-cấp, thâm-niên đảng vụ, dù mắc bệnh gì mà được nhà nước dành mọi ưu-tiên đưa vào trị bệnh tại bệnh-viện này đều lành hẳn. Chưa có người nào xuất-viện mà than phiền... Thật là "đỉnh cao trí-tuệ của loài người".

Nghe đến đây tôi nhớ lại câu chuyện mà vợ tôi đã kể cho tôi trong kỳ thăm nuôi trước đây.

Một người con rể trong tộc họ của tôi, Bác Trí trước năm 1945 là một y-tá tại bệnh-viện Huế. Khi Việt-Minh cướp chính-quyền, ông tiếp-tục phục-vụ chính quyền mới.

Sau đó đổi vào làm việc ở Bồng-Sơn, Bình-định. Rồi lúc chính-quyền quốc-gia chiếm lại phần đất Việt-Minh đã bỏ chạy, ông bị kẹt lại ở phần đất liên-khu 5.

Hiệp-định Genève 1954 ra đời, Bác Trí được tập-kết ra Bắc.

Sau ngày 30-4-75, ông trở về Sài-gòn mang quân-hàm Thiếu-tá Bác-sĩ. Nghe đâu, lúc ra ngoài Bắc ông làm ở bệnh-viện Hải-phòng lần hồi từ y-tá lên y-sĩ rồi bác-sĩ. Sau cùng là Thủ-trưởng Bệnh-viện. Được phong quân-hàm Thiếu-tá khi ông đổi vào B công-tác. Năm 1978, ông bị đau chứng ruột thừa sưng có mủ. Được đưa vào bệnh-viện Thống-Nhất để chạy chữa, Bác Trí nhất quyết không chịu nằm ở bệnh-viện này. Bảo người nhà phải năn nỉ hoặc lo thủ-tục giấy tờ để đưa ông đi nằm bệnh-viện Grall hoặc Sùng-Chính cũng được. Ai cũng lấy làm lạ, vì được chữa bệnh ở Bệnh-việm Thống-Nhất là một "tiêu chuẩn dành cho đảng-viên, cán-bộ cao-cấp" chứ không phải ai cũng được hưởng quy-chế đó.

· Hay có thể vì đau quá mà Bác Trí lên cơn điên chăng?

Thật ra, Bác Trí tôi chưa bao giờ minh-mẫn như lúc đó khi nghe bác nói thì-thầm với bác gái:

· Bà biết không, cái bệnh-viện Thống-Nhất này đã nổi danh với cái câu nói của các bà quả-phụ : "Mọi bệnh tật đều tiêu-tan, lúc vào đi cửa trước, lúc ra khiêng cửa sau". Cái cửa sau ngụ-ý gì bà có biết không? Đó là cửa Nhà Xác đấy!

· Vả lại, tôi quen hầu hết mấy tên "bác-sĩ", "y-sĩ", "dược-sĩ", "y-tá" phục-vụ tại bệnh-viện này và quá rõ khả năng "lương-y-như-từ-mẫu" của chúng. Ngay như tôi, ngày xưa còn được đào-tạo y-tá của Pháp, còn đọc được một số sách báo chuyên môn viết bằng tiếng Pháp mà tôi còn ngượng, khi được gọi là "Bác-sĩ" vì không xứng đáng, vì kiến-thức cũng như tay nghề quá kém cỏi... Còn những tên kia, học hành chẳng là bao, lao-công lâu năm, có đảng-tịch tốt được phong hàm "Bác-sĩ". Chúng giết người nhiều hơn cứu chữa người.

· Thì ai lại không biết vậy. Nhưng dù sao ông cũng là cán-bộ, đảng-viên cao-cấp thì ông phải tuân-hành sự đãi-ngộ của nhà-nước chứ. Ông cứ nằng-nặc đòi chọn nhà-thương có "Bác-sĩ ngụy" chữa, nhất là khâu giải-phẫu, ông mới yên-tâm, thì ai mà chiều ông được. Lập-trường giai-cấp ông để ở đâu?.

· Tôi nói với Bà lần chót, Bà phải cố-gắng tìm đủ mọi cách, dù cho phải tốn tiền đi nữa, đưa tôi vào các bệnh-viện có bác-sĩ tốt-nghiệp đại-học y miền Nam để xin giải-phẫu mới được.

Nhưng "tiêu-chuẩn là tiêu-chuẩn", nên rốt cuộc, Bác Trí cũng phải tuân theo.

Sau khi giải-phẫu được ba ngày, Bác Trí lên cơn sốt. Bác-sĩ tại Bệnh-viện Thống-Nhất cho biết vết mổ bị nhiễm trùng. Bác Trí tức giận nên chẳng còn nể-nang gì nữa, ngày ngày cứ chửi bừa:

· Bố mẹ tiên-sư chúng mày, mổ áp-păng-đi-xít dễ còn hơn mổ gà, thế mà chúng mày cũng làm ông bị nhiễm trùng tê-ta-nót, thì làm cái đéo gì? Ba ngày sau đó, Bác Trí được khiêng ra bằng cửa sau và "không còn bệnh gì cả".

Nghe tôi kể lại câu chuyện trên, Quân nói một câu như để kết-luận:

· Thật là " đỉnh cao trí tuệ" có khác!

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa chặt lồ-ô nên quên sự đói khát và mệt nhọc. Chiều dần xuống, đàn cò trắng bay về tổ. Những người Thượng lững thững quảy gùi sau lưng, vừa đi vừa hút thuốc với những ống điếu dài. Các bạn của tôi đã chặt đủ số lượng lồ-ô ấn định, người thì ngồi nghỉ-ngơi, người thì đi kiếm măng tre, lá "nhíp" để đem về lán "cải-thiện", một số người khác thì đi tìm các giò lan rừng đem về chơi.

Quân và tôi là hai người làm chậm nhất nhưng rồi cũng đủ số lồ-ô phải nộp. Chúng tôi buộc những bó lồ-ô lại, rồi chúng tôi khuân về, chất thành từng đống cao trước cổng trại.

Chỉ còn năm ngày nữa là đến giao-thừa. Đó là cái Tết thứ năm của chúng tôi trong trại cải-tạo.

Ban chỉ-huy trại ra lệnh cho mọi cải-tạo-viên trong trại đều phải "hồ-hởi", "phấn-khởi" để chuẩn-bị vui Tết sắp đến.

Anh Nay Luett, cựu Tổng-trưởng Phát-triển sắc-tộc đang ngồi đan những chiếc gùi rất xinh đẹp. Anh không cần nhìn những múi đan, các ngón tay anh như tự-động làm việc thoăn-thoắt. Mỗi lúc có người bạn thân quen đi ngang qua, anh đều nở một nụ cười như chào hỏi. Còn khi thấy các tên cán-bộ, anh tỉnh bơ như thể đang mải-mê lao-động hăng say nên không trông thấy.

Anh Bích,trưởng toán làm mành trúc đang kiểm-soát lại các hoa-văn hiện trên mành trúc có cân đối và mầu sắc có hài-hòa không.

Anh Định lo "xủi" và "đánh bóng" mấy "tác-phẩm chạm khắc" trên mấy miếng nhôm mà cán-bộ quản-giáo đã "giao chỉ-tiêu cho anh".

Anh Lê-sĩ-Hùng thì đang thao thao bất tuyệt về đội hình và chiến lược cho đội bóng đá của phân trại B sẽ tranh giải chung kết toàn trại Xuân-Phước.

Tôi đang ngồi ôm chiếc đàn ghi-ta để soạn hợp-âm cho một hợp-xướng nhiều bè. Ca-khúc "Tiếng Chày Trên Sóc Bom-Bo" sẽ được chúng tôi trình-diễn vào đêm giao-thừa.

Ai cũng cố gắng làm một "cái gì" để vui Xuân nơi rừng thẳm. Không phải vì tuân theo lệnh của Trại Cải-tạo, mà là để quên cảnh tù đày xa gia-đình trong dịp xuân về.

Tết chỉ có ý nghĩa khi tất cả bà con ở xa tụ-tập về vui trong gia-đình.

Tết hết ý-nghĩa khi phải xa nhà. Mà càng hết ý-nghĩa khi phải ở trong tù.

Tôi đang sung sướng vì đang tìm được một hợp-âm hay và lạ, bỗng nghe tiếng gọi của anh quản-giáo ồm ồm :

· Anh Phương đâu, ra gặp tôi gấp.

Nghe tiếng gọi tên tôi, tôi liền để cây đàn ghi-ta xuống, đứng lên trả lời to:

· Báo-cáo cán-bộ, có tôi. Tôi ra ngay.

· Anh Phương, nghe mấy anh em học-tập báo-cáo anh là họa-sĩ nên gần Tết thủ-trưởng muốn vẽ một số thiệp chúc Tết để gửi đi các đơn-vị bạn, tôi đã đề-nghị anh lãnh khâu này. Anh mau thu-xếp công-việc dở dang, rồi theo tôi lên trình-diện thủ trưởng nhận lệnh.

Không biết mấy anh bạn cùng học-tập cải-tạo này tìm đâu ra tờ "lý-lịch trích ngang" của tôi mà giám gán cho tôi là "họa-sĩ". Ngày xưa, lúc còn phục-vụ trong quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa, tôi là sĩ-quan phòng Ba nên thường vẽ "sạc" thuyết-trình và vẽ slide để chiếu mỗi khi có phái-đoàn quan-khách đến thăm đơn-vị. Còn lúc ở nhà thì vợ tôi giao cho "chức phu-quân phụ-trách vẽ hoặc kẻ lông mày" chứ từ trước đến nay chưa có ai phong hàm "họa-sĩ" hay "vẽ-sĩ" gì cả. Nay lỡ có người tiến-cử mà cán-bộ quản-giáo đã đích-thân "cầu hiền" thì có không "muốn vẽ" hoặc "không vẽ được" cũng không giám chối từ, vì từ chối cũng đồng nghĩa với "chống đối". Trong trại cải-tạo của cộng-sản mà được khoác cho hai chữ "chống đối" là vào "co-nét" mà nằm hoặc nặng hơn nữa ra bãi tha-ma mà chơi!

Khi nghe tôi nhận vẽ, anh cán-bộ quản-giáo nói thêm :

· Anh Phương phải nhớ rằng đây cũng là khâu "thi đua" giải xuất-sắc của Trại. Nếu anh làm tốt, đội ta cũng được trại tính điểm thi-đua. Mỗi giải thưởng là một con gà đấy. Ráng lên "họa-sĩ"!

Anh cán-bộ quản-giáo đưa tôi vào gặp "thủ-trưởng". Lần đầu tiên, một anh học-tập cải-tạo được gặp "một quan lớn coi tù" của cộng-sản.

Mới nhìn "quan", tôi thấy ớn lạnh ngay: quan có mặt lưỡi cày, da ngăm ngăm đen, hai lông mày rậm giao nhau, có hàm râu quai nón nhưng được "quan" cạo kỹ nên chỉ còn nhìn thấy chân râu xanh xanh. Miệng quan rộng, môi dày và thâm... Tôi có đọc qua sách xem tướng của chiêm-tinh-gia Huỳnh-Liên, nên "ớn lạnh" là phải!. Nhìn xuống dưới, thấy hai bàn tay của quan "thủ-trưởng" lớn như hai quạt giấy xòe ra, ngón tay thô và đầu ngón tay phình to, lại tướng sát nhân nữa! Ôi! tôi chưa biết mình sẽ gặp gì đây? Thủ-trưởng nở một nụ cười "ngoại-giao" với tên tù "ngụy".Mà theo định-nghĩa của các giảng viên cộng-sản cứ léo nhéo không biết mỏi miệng mỗi khi "lên lớp" :

· " Ngụy quân" là bọn "trời không dung, đất không tha",chỉ có tội chết nhưng nhờ cách mạng, Bác và Đảng rộng lượng khoan hồng, nên tha tội " chết" chỉ cho đi học-tập cải-tạo để trở thành "người công dân chân-chính " có ích cho gia-đình và xã-hội.

Ôi! những "mỹ-từ" đó như thuốc phiện ru ngủ những người nghiện ngập!

Ông bảo tôi:

· Anh khẩn trương làm việc ngay mới kịp.

Sẵn có giấy croquis và phẩm nhuộm đủ màu, tôi chỉ lấy tre vót làm cọ và lấy tóc chế-tạo thành bút vẽ.

· Tưởng vẽ gì, chứ vẽ " thiệp chúc Tết " thì " ba mươi giây " thôi!, tôi nghĩ trong đầu như vậy.

Hai ngày trôi qua, tôi đã vẽ xong 100 tấm thiệp chúc Tết đầy mầu sắc rực-rỡ. Hàng chữ "Chúc Mừng Năm Mới" rất mỹ-thuật chắc suốt đời tôi chưa lúc nào có thể vẽ "xuất thần" như lúc ấy.

Nhưng, than ôi cuộc đời "họa-sĩ-bất-đắc-dĩ" của tôi chưa chấm dứt mà lại bắt đầu..."họa vô đơn chí!" kể từ lúc ấy.

Chiều ngày 30 Tết, trong lúc tôi cùng các anh em trại-viên đang hợp xướng lại lần chót bản Tiếng Chày Trên Sóc Bom-Bo để tối nay trình-diễn thi-đua. Ai cũng cố gắng hát cho thật mạnh, thật hay và ai cũng nghĩ sẽ giật giải kỳ này : giải thưởng là một con gà mái dầu.Nghĩ đến giải thưởng này, ai cũng nuốt nước bọt vì ở trại cải-tạo "chất thịt tươi" rất cần.

Anh cán bộ quản giáo cùng hai anh cán bộ an-ninh trại đến gặp tôi.

· Anh Phương "khẩn trương" chuẩn bị đi "kỷ-luật" ngay!

Tôi rất ngạc-nhiên, tự nghĩ :

· Mình mới làm công-tác cho đơn-vị xong, có điều gì vi-phạm đâu mà bị kỷ-luật. Nên tôi hỏi lại anh quản-giáo:

· Cán bộ gọi tôi đi kỷ-luật? Tôi phạm lỗi gì và lúc nào?

· Anh cứ thi-hành lệnh của trại trước, còn tại sao anh tự tìm hiểu.

Sau đó, tôi theo ba anh cán-bộ đi đến nơi thi-hành kỷ-luật: đó là một "co-nét" để giữa sân sau trại, ở ngoài trời : ban ngày nắng chiếu gay-gắt thì rất nóng, ban đêm hơi lạnh của núi rừng về mùa đông thấm vào thì lạnh run người. "Co-nét" này đã có nhiều "khách" chiếu-cố trước tôi, nên tỏa mùi hôi hám, ngột ngạt.

Nửa đêm trừ-tịch, lắng nghe tiếng hát hợp xướng vui mạnh để thi-đua văn-nghệ của các bạn tôi vọng lại trầm bổng rất hay.

Tôi suy-nghĩ mãi :

· không rõ mình phạm lỗi lầm gì mà phải ra nằm "co-nét", mà trước đây có người bạn gọi đùa là "khách-sạn-mi-ni-Hilton-miễn-phí" này! Hay là có tên "ăng-ten" nào báo-cáo láo hại mình đây?

Nghĩ mãi cũng không ra, rồi vì mệt nhọc giấc ngủ đến lúc nào không hay.

* * *

Từ Mồng Một đến mồng Ba Tết, bên ngoài anh em cải-tạo vui-vẻ với các trò chơi như đấu cờ tướng, nhảy bao bố, ăn uống, đi lại, cười đùa với nhau. Còn tôi nằm trong "co-nét" chật chội, tối mù để suy-nghĩ mình có tội gì.

Trong lúc anh em ở ngoài ăn gà, mỗi phần ăn được bồi dưỡng năm miếng thịt heo to bằng ngón tay cái, có chao, có đường lại có chút ít rượu đế "gò đen" nữa để mừng Tết thì tôi chỉ được ba muỗng cơm chan tí nước thịt mặn như muối (nói đúng ra là nước muối có ít mỡ nổi lên trên) để cầm hơi qua ngày.

Ngày mồng bảy Tết, cán-bộ kỷ-luật trại đến mở cửa "khách-sạn mi-ni Hilton miễn-phí" này ra, gọi tôi ra "tắm nắng đầu xuân", sau đó dẫn ra suối tắm mát,anh cán-bộ này bỗng hỏi tôi :

· Anh đã tìm ra tội của anh chưa?

Thấy tôi đứng nghe nhưng không trả lời được câu hỏi đó, anh cán-bộ nói tiếp:

· Tội của anh, theo thủ-trưởng nói, tội nặng lắm, tội " tâm-lý-chiến ngụy",tội "chiêuhàng" (cólẽ anhta muốnnói hai chữ "chiêu-hồi"),thêm tội " ngoan-cố",có tội mà giả vờ không biết tội...

Tôi đứng nghe dài dài toàn tội với tội... Tôi cũng chẳng buồn để ý anh ta nói thêm những tội gì nữa vì tôi đã quá mệt mỏi, nghe chán tai, chỉ ước mong vào lại "co-nét" ngủ một giấc cho khỏe. Câu cuối cùng tôi nghe anh cán-bộ này nói khi anh khóa cửa "co-nét" nhốt tôi:

· Khi nào anh thành khẩn nhận tội, thì thủ-trưởng sẽ khoan-hồng cho anh ra...

* * *

Thêm một tuần nữa trong "co-nét", nóng như nung ban ngày, lạnh thấu xương ban đêm, suy nghĩ mãi tôi vẫn chưa tìm ra mình phạm tội gì. Thấy nhốt lâu mà hỏi tôi, tôi vẫn chưa trả lời được là phạm tội gì, nên trại cũng phải "đặc xá" cho tôi ra ngoài để đi lao-động sản-xuất như các anh em khác.

Ba hôm sau,sau khi đi lao-động bình thường. Anh quản-giáo lại gọi tôi lên "trình-diện" thủ-trưởng.

Tôi lo quá, không biết lần này "họa-sĩ" tôi còn mang "họa" nào nữa đây vì: "họa vô đơn chí, phước bất trùng lai!".

Thấy mặt "họa-sĩ" tôi, anh thủ-trưởng mặt sắt quát ngay :

· Vào học-tập cải-tạo mà anh vẫn chưa có chút tiến-bộ nào cụ-thể, anh vẫn còn dở trò "Tâm-lý-chiến ngụy" nữa à?

· Lúc trước, các anh bảo: 7 tên Việt-cộng đeo không làm gảy cành đu-đủ!, nay anh lại vẽ thiệp chúc Tết "ba hoa" (này ba hoa mai, này ba hoa đào, này ba hoa lan...) anh muốn ám-chỉ chúng tôi là "ba hoa" (láo-khoét) chứ gì? Tôi đứng im, nghe anh thủ trưởng nói tiếp:

· Tôi không ngờ anh thâm thật, tụi Mỹ-ngụy đã đào-tạo anh thế à?

Bấy giờ, tôi mới hiểu rõ tội của tôi là đã vẽ thiệp chúc Tết cứ mỗi nhóm có 3 hoa: vẽ hai hoa thì cân đối quá,nhàm chán, vẽ bốn hoa cũng cân đối và rườm-rà chẳng mỹ-thuật, cứ ba hoa tương-đối nhìn được. Tôi đâu có ngờ tên cán-bộ cộng-sản này lại có "đỉnh cao trí-tuệ" như vậy và đã suy-luận "siêu-thực" như vậy.

Trong đợt thi-đua Tết năm đó, đội chúng tôi đạt được thành-tích cao :

vô-địch bóng đá toàn trại, hợp xướng hay nhất phân trại, đan gùi và giỏ bằng mây, tre mỹ-thuật nhất. Chỉ có tôi vào nằm "co-nét" hơn mười ngày: tôi nghĩ đây cũng là thành-tích siêu-cao! đóng góp "vui Tết". Đội chúng tôi được thưởng năm con gà. Anh em bàn với nhau để dành một nửa con gà "thưởng riêng cho tôi" vì tôi đã soạn hòa-âm và tập các bạn hợp-xướng có kết quả đáng khích lệ kể trên, hơn nữa cũng là dịp biểu dương thành-tích của tôi: nằm "co-nét" mà "chì " không chịu nhận tội! (họ đâu có biết là chính tôi cũng chẳng hiểu tội của tôi nữa!).

Con gà đó các bạn tôi đã kho thật nhiều gừng, muối cũng như "đường thẻ". Kho đi, kho lại nhiều ngày vì không biết ngày nào tôi hết bị "kỷ-luật". Tôi ăn con gà này mà cảm nhận "chưa bao giờ ngon thế!": ngon vì tình bạn "lá lành đùm lá rách" trong trại cải-tạo, ngon vì lâu ngày chưa được ăn gà!

* * *

Vào khoản sáu bảy tháng sau, chúng tôi được anh Nay Luett báo tin vui là anh đã được cán-bộ cho biết:

· Anh đang được "bồi-dưỡng" đặc biệt để chờ đưa ra Hà-Nội để tiến-hành thủ-tục đi định-cư tại Pháp.

Chính-phủ Pháp đã bảo-trợ anh sang đấy. Các trại-viên ai cũng mừng cho anh, vì từ ngày anh bị bắt đưa vào trại Xuân-Phước đến nay, trại không cho phép thân-nhân anh đến thăm nuôi tiếp-tế thuốc men, đồ ăn, đồ dùng như những trại-viên khác. Anh rất thiếu thốn mọi mặt, nhưng trông anh lúc nào cũng lạc-quan và chân thật với chúng tôi. Anh dùng thì giờ rảnh rổi để đan giỏ, đan gùi gửi tặng các bà vợ lên thăm nuôi chúng tôi. Gùi kiểu Thượng anh đan rất mỹ-thuật, nên ai cũng muốn có một cái để làm kỷ-niệm. Trong trại, tôi cũng là một trong những người bạn mà anh thường nói chuyện. Anh vẫn còn nhớ rõ ngày anh còn là Tổng-trưởng đã ra tận sóc Thượng ngoài miền Trung gắn lên ve áo tôi tấm huy-chương Phát-triển Sắc-tộc bội-tinh hạng Nhì vì tôi có công trạng tổ-chức định-cư người Thượng tại đấy.

Mỗi khi chúng tôi được thăm nuôi tiếp-tế, chúng tôi cũng chia đến anh những thứ anh thích như mắm ruốc kho sả, đường thẻ và nhất là thuốc lào, thuốc lá : hai thứ anh nghiện nhất.

Rồi ngày vui của anh đã tới, anh từ-giã chúng tôi để đi đến một chân trời xa lạ nhưng hưởng được tự-do.

* * *

Sau bảy năm ở trại cải-tạo, tôi được tha về ở với gia-đình tại thành-phố Sài-gòn.

Rời những khu trại giam dọc theo biên-giới Việt-Miên như Bù-gia-mập, Bù-đăng, Sóc Bom-Bo, Minh-Hưng, rời trại kiên-giam Xuân-Phước, tôi có cảm tưởng giống anh chàng Lỗ-Bình-Sơn ở hoang-đảo trở về đất liền. Chào tạm biệt những mùa xuân trong rừng thẳm với "lũ khỉ" và "những người vượn" để trở về gặp lại loài người.

Thế rồi một ngày đẹp trời, nắng ấm chan hòa thành phố Sài-gòn, tôi gặp lại "một người vượn" từ rừng xanh xuống thăm tôi. Tôi rất đổi ngạc nhiên vì không bao giờ ngờ anh quản-giáo cũ ở trại cải-tạo lại đến nhà tôi.

· Chào Anh. Sao Anh lại biết chỗ tôi ở mà đến thăm.

· Tôi có ghi ở sổ tay, vì nghĩ có ngày tôi sẽ phải nói chuyện thân mật với "các anh"... cũng như...có "một sự việc anh muốn biết"...

Anh cho chúng tôi biết:

· Anh Phương, hôm nay gặp lại anh, tôi mừng lắm vì thứ nhất tôi đã bị sa thải ra khỏi ngành hơn năm nay, có dịp tôi sẽ nói cho anh biết chuyện này sau. Thứ hai cũng tin anh biết một "sự thật":

· Anh Nay Luett, bạn của anh hồi ở trại, đã bị đem đi thủ-tiêu ở miền Sông Cầu, Phú-Yên năm đó chứ không phải đưa ra Bắc làm thủ-tục đi Pháp như tin loan báo. Vì trại được tin anh Nay Luett được người dân sắc-tộc rất quý mến và nhà nước ta nghi anh này hoạt-động trong tổ-chức Fulro nên giao cho trại "ra tay sớm".

Nghe tin này,tôi rất buồn vì mất đi một người bạn có tâm huyết với quốc-gia dân-tộc.

Còn chuyện anh quản giáo cũ của tôi ở trại học-tập cải-tạo, quê ngoài Kim-Liên, Nghệ-Tĩnh. Hồi anh sắp lấy vợ, vì nhà quá nghèo, nên anh nghĩ ra cách viết thư đến các trại viên cải-tạo đã cho về để xin ít quà hoặc ít tiền để tổ chức lễ cưới. Anh là quản-giáo, nên còn giữ được địa-chỉ của cải-tạo-viên cũ. Không ngờ có bạn đồng sự ghen ghét biết được nên báo cáo với cấp trên nên anh ta phải ra hội-đồng kỷ luật và bị đuổi ra khỏi ngành. Gia-đình của anh ở Kim-Liên cũng bị xếp vào thành-phần bất hảo. Vợ anh thấy anh thất nghiệp, cũng bỏ anh đi tìm anh khác. Buồn chán, anh trở vào Sài-gòn với cuốn sổ ghi địa-chỉ các anh cải-tạo và đến nhờ vả đôi lần. Nhờ sống ở Sài-gòn nhiều ngày (hơn kỳ đi phép lần nào), anh đã biết rõ là anh đã bị cộng-sản tuyên-truyền láo khi nhận bệnh-viện Vì-Dân của chế-độ cũ thành bệnh-viện Thống-Nhất do "Nhà nước ta" xây dựng. Ngoài ra, anh ta cũng còn biết các học-viên cũ là "người tốt" chứ không phải "ngụy quân chuyên moi gan người ra nhậu rượu" như trước kia lúc anh vào B nhận nhiệm-vụ bị nhồi sọ như vậy.

Anh cũng nhắc lại chuyện "Xuân trong rừng thẳm" của tôi. Anh nói:

· Lúc tôi nhận lệnh của thủ-trưởng đến đưa anh đi nhốt "co-nét" tôi cũng lấy làm lạ, sao lại ghép tội anh vẽ "ba hoa" vì lúc đó ở trại, chúng tôi cũng nhận được thiệp chúc Tết từ ngoài Bắc gửi vào cũng thường vẽ ba hoa như vậy.

Phương-Duy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn