BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73524)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cánh Hoa Tan Tác Của Sinh Ly

25 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1444)
Cánh Hoa Tan Tác Của Sinh Ly
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kính tặng Cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước.

Kính tặng chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, đã mở lượng hải hà cứu giúp đồng bào tị nạn Việt Nam qua cơn bão biển.

Kính tặng những người tù cải tạo, những con người với lòng cam đảm phi thường, đã đối đầu với bão tố tháng tư, họ đã vượt qua cơn sóng dữ, một là nằm xuống mảnh đất quê hương, hai là đến được bến bờ TỰ DO.

Tôi bỗng nhớ đến mấy vần thơ trong ngục tù cải tạo của nhà thơ kiên cường, bất khuất Nguyễn Chí Thiện:

"Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng bại,
Ta vẫn còn đây và sắt thép còn kia
Chết chóc thầm câm, cốt nhục chia lìa
Ta vẫn sống và không hề lẫn lú
Ta muốn nói với loài dã thú,
Khúc khải hoàn ta sẽ hát thiên thu"

.......Tôi là người tù cải tạo, xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến những người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa, những anh hùng, liệt nữ, những người bạn tù đã nằm xuống mảnh đất quê hương cho LÝ TƯỞNG TỰ DO, những hình ảnh oai hùng đó sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của toàn thể người dân MIỀN NAM NẮNG ẤM TỰ DO.

***


.......Tôi là người vợ tù cải tạo, nước mắt 3 năm địa ngục chưa thôi rơi vì khóc xa con, giờ đây lại tiếp tục đổ vì cách biệt chồng. Anh ơi, ngày tiễn chân anh về nơi phương trời xa thẳm, cũng chính là ngày em chào từ biệt bố mẹ ra đi một nẻo, con chúng mình bỏ lại sau lưng, tiếng khóc con thơ chưa đầy tuổi, làm em tan nát cả cõi lòng!


......Tôi là một người mẹ, của đứa con đầu lòng Đình Thuỵ. Con ơi, 30 năm xưa, con chào đời trong cơn bão tố tháng Tư, cơn bão tàn khốc gây biết bao đau thương cho người dân miền Nam, bố mẹ chưa kịp mừng ngày con đầy tuổ thì đã vội chia lìa, mẹ nhìn đằng trước lệ nhỏ khóc cha con, mẹ quay lưng lại, nhỏ lệ khóc xa con....

Chị ơi, em với chị tuy không cùng một trại tù, nhưng chúng ta cùng chung một số phận: TÙ CẢI TẠO. Em may mắm hơn chị, vì chưa vướng bận thê nhi, dù trải qua những năm tháng cực hình mất tự do. Còn chị, có cảnh đớn đau nào cho bằng! Hôm nay, trời Cali đã chớm Thu với những cơn gió se lạnh lòng người tha hương. Em viết lại những dòng hồi ký này, nhưng không phải cho em, mà dành cho chị, người phụ nữ có lòng cam đảm phi thường, đã chiến thắng phong ba bão táp. Chị kể lại chuyện những năm tù đày, những tháng đội mưa giông, đạp sình lầy nơi vùng đèo heo hút gió kinh tế mới, những ngày đội gạo thăm nuôi chồng, với giọng đều đều, với gương mặt bình thản, nhưng chị làm sao che giấu được em những xúc động trong lòng chị, bởi vì em cũng là người "đã thấy quan tài mà đổ lệ". Cũng là người bị cơn bão tháng Tư cuốn trôi đi trong dòng đời cay nghiệt.

tuỵt....tuỵt....tuỵt.....tuýt....tuýt

Một hồi còi rít lên lanh lảnh như xé thinh không, đèn phòng phựt sáng, một tiếng thét đầy sắt máu vang lên, tôi nghe văng vẳng như từ cõi âm:

-Thức dậy.....


Tôi choàng tỉnh cơn mê, ác mộng đêm hay ác mộng ngày. Nhìn xung quanh tôi, toàn người là người, nằm ngổn ngang, lăn lóc, vô thứ tự. Một chị bạn vỗ nhẹ vai tôi nói:


-Dậy đi chị, cuốn mền chiếu rồi sửa soạn đi.


-Đi đâu hả chị?


Tôi ngớ ngẩn hỏi.


Người bạn khác pha trò:


-Thì đi tù chứ đi đâu.


Ngoài kia trời vẫn tối thui, giờ này chắc là khoảng 3 hay 4 giờ sáng. Nhìn xuống dưới lầu, theo những ngọn đèn leo lét hắt xuống sân trường, tôi chứng kiến từng toán người, tay xách nách mang đi lầm lũi xuống cầu thang ra sân. Trường trung học Hưng Đạo ngày xưa yêu dấu, với tình thầy cô, học trò thắm thiết, với từng hàng học sinh áo dài trắng thước tha đi, mà giờ này được thay thế bằng những người phụ nữ bị bắt đi tù đầy dưới những họng súng AK, những đôi mắt căm thù của bọn bộ đội cộng sản. Theo như tờ giấy của ủy ban quân quản thành phố, chúng kêu chúng tôi trình diện học tập tháng 6-75, trước chồng tôi 3 ngày, nhưng thình lình vào khoảng 9 giờ tối, bọn nằm vùng phường xóm đổ ập lại nhà tôi, chẳng nói chẳng rằng chúng lôi cổ chồng tôi đi, anh nói với theo: "Em yên tâm, anh sẽ quay về...." Rồi nữa đêm hôm ấy anh trở về nhưng không phải ở lại nhà mà là thu thập một vài món đồ dùng cần thiết để rồi cuốn gói ra đi. Oái oăm thay, ngày anh bị bắt đi, lại là ngày tôi ra đi. Và chỗ tôi đến trình diện lại là ngôi trường cũ yêu dấu...Hôm nay trở về trường xưa, thầy cô, bạn cũ không thấy đâu, mà chỉ toàn là những khuôn mặt đầu trâu, mặt ngựa, những khuôn mặt chỉ giỏi lừa phỉng của bọn cộng sản, ngón đòn lừa phỉnh đó đã nằm trên tờ giấy, với những hàng chữ "....mang theo thức ăn trong 10 ngày". Ôi, 10 ngày đắng cay!!!

Tôi cất cao tiếng hát, bài hát mang âm hưởng cảnh đời, cảnh đời dâu biển:

"...Dòng thời gian mang những thăng trầm, trong đời ai biết ra sao?
Ngày vui như mây khói vút bay xa dần thời thơ mộng cũ
Ta mong quên đi thời gian cho ta vui cuộc đời dù đời đắng cay.
Ta mong quên đi nỗi đau vây quanh ta đã bao ngày, vẫn không nhạt phai....
Mưa rơi, mưa vẫn rơi hoài....."

Mưa rơi, mưa vẫn rơi hoài, mưa từ trại tù cải tạo Suối Máu....., mưa rơi đến Little Sài Gòn, Westminster, dù đã 30 năm qua, nhưng vẫn không thể nào rửa sạch NỖI HẬN THÁNG TƯ. Năm đó, tháng đó, ngày đó, giờ đó, khắc đó, vẫn không bao giờ phai nhạt trong tôi.....


......Hai hàng nước mắt lăn dài trên má.....


(Chị tôi gượng cười, lấy khăn lau nhẹ trên mắt, chị nói hay bị xúc động như vậy mỗi khi có ai nhắc đến chuyện cũ, chuyện xa xưa đó ngày nay vẫn còn ẩn ẩn hiện hiện như một bóng ma.....)

Thân em ai chẻ làm đôi
Nửa nằm trong khám, nửa tìm chồng con
Ngày đi lệ đổ ba hàng
Hàng nhất bố mẹ, hàng nhì chồng con,
Hàng còn lại để riêng em,
Con tim tan nát, tấm thân héo mòn....


Ngày 20-06-1975:

Địa danh Suối Máu, Biên Hòa, ôi nghe lạnh lùng làm sao, tôi chỉ biết đến nó khi đoàn xe Motolova ngừng lại, đám chị em bạn trên chiếc xe bít bùng bàn tán xôn xao. Từng toán chị em lần lượt bước xuống xe, dưới những họng súng AK đen ngòm, những khuôn mặt non choẹt, lúc nào cũng gờm gờm của bọn Việt Cộng. Một tên hất hàm về phía chúng tôi:

-Các chị đi cho lẹ lên, làm gì mà chập chạp thế.

- Tất cả tập hợp lại điểm danh.

- Chị kia, sao ngồi đó.

Mặc cho chúng hò hét thế nào, chúng tôi vẫn lề mề bước. Suốt bao nhiêu tiếng đồng hồ giam mình chật kín, ngộp thở trên cái xe cà rịch cà tang, ai nấy đều thở dốc.

Tôi kéo lê cái bị, mồ hôi ướt đẫm vai, trên trán, chảy dài xuống má.....

Ngày 30-07-1975:

Đã hơn 1 tháng rồi, chúng tôi vẫn nhởn nhơ đi đi lại lại trong cái khu đất này, hết ăn rồi lại nằm trong những ngôi nhà bằng tôn trên những cái giường ộp ẹp, cũ kỹ. Khu trại tù này khá rộng, chia hẳn làm đôi, một bên cho tù cải tạo nam và một bên cho chúng tôi, những nữ tù nhân thuộc thành phần sĩ quan cảnh sát, không có những thành phần khác. Thôi rồi 10 ngày đã trôi qua mà ai nấy cũng mong đi học xong sớm để được về sớm. Có người đi chỉ vác có cái thân và một cái muỗng ăn cơm, kẻ mang độc nhất cái khăn lông để đắp, còn kẻ khác cẩn thận hơn, mang theo đầy đủ vật dụng nhưng cuối cùng tất cả đều lắc đầu thở dài, chán nản khi màm đêm buông xuống. Giấc mơ hồi hương 10 ngày đã biến thành cơn đau thương trong suốt cuộc đời. Lúc ấy chúng tôi mới thấm thía câu nói "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm". Đêm nào cũng vậy, chiếc bao tải tôi nhặt được trong đống rác, được rửa sạch để làm thay cái gối cũng ướt đẫm nước mắt tôi. Tinh thần tôi suy sụp một cách mau lẹ, phần xa mẹ già yếu, không ai chăm sóc, phần lo lắng chồng đi về một nẻo trời vô định, nhất là thằng con tôi mới chào đời chưa được bao lâu, hôm đi, nó lại còn đang sốt, ho....Cầu trời cho nó được khoẻ mạnh.

Ngày 15-08-75:

Chị T. trưởng toán A2, giơ một tay lên bắt nhịp để tất cả nhóm cùng hát theo. Cả tháng nay chỉ sinh hoạt đội, lên lớp và ca hát. Những tên cán bộ quản giáo mặt mũi còn non choẹt, mặt mày vênh váo, nói vanh vách như con vẹt làm chúng tôi điếc cả lỗ tai. Ngày nào cũng vậy, có một bài hát,chúng tôi cứ phải vừa vỗ tay, vừ hát theo nhịp ngón tay của chị, bài hát tôi nghe đầy sắt máu, nó giống như những bài hát ngày xưa mà cha tôi vẫn kể tôi nghe thời đấu tố địa chủ....Bài Kết Đoàn:

Kết đoàn....2,,,3....
Kết đoàn chúng ta là sức mạnh,
Kết đoàn chúng ta là sắt gang
Đoàn kết ta bền vững
Dù sắt với gang còn kém bền vững


Chúng tôi hát tới hát lui nên đã có người hát thành câu:

Kết đoàn chúng ta là bạo tàn
Kết đoàn chúng ta là bạo phát
Đoàn kết ta bền vững
Dù cướp nước Nam mà cứ bền vững


Tháng 9-75:

Ngày về quê xa lắc lê thê, tháng lụi, năm tàn, chúng tôi chuyển trại về Trung Tâm huấn luyện Quang Trung, (giờ thành trại tù Quang Trung) để nhập chung với đoàn tù nữ sĩ quan quân nhân, một trại tù nữ gồm thiếu úy, trung úy chung, không có trại tù nam chung quanh. Chúng tôi đã phải trồng rau cải thiện, nuôi heo và nơi đây tôi đã được hưởng cái gọi là chính sách khoan hồng của nhà nước, nhân ngày lễ Việt Cộng 2-9. Chúng xét đơn việc phụ nữ có thai, những người có con dưới 1 tuổi để thả về sớm (Việt cộng gọi là "tạm hoãn học tập") 21 chị em gồm nữ quân nhân và cảnh sát lên đường tập trung tại căn cứ Sóng Thần (Biên Hòa) để chờ thân nhân tới lãnh về. Tâm hồn tôi bay bổng lên cao để rồi rơi rụng lả tả, rơi như từng mảnh thư vụn xuống mặt đường. Chính sách bưng bít, cấm đoán đủ mọi thứ thông tin ra bên ngoài đều được cán bộ quả giáo tuyệt đối thi hành. Vài chị bạn ở lại, len lén gởi thư, nhờ các chị được thả đưa về gia đình. Trước những lời đe doạ, hăm he của bọn quản giáo, một chị có mang theo lá thư, vì hoảng hốt đã xé vụn bức thư rồi dấu ở cạp quần, ai ngờ lúc đứng dậy leo xuống xe, cạp quần hở ra, thế là bao nhiêu mãnh thư đã tung bay theo gió. 21 nữ tù nhân chịu chung số phận: vi phạm kỷ luật trại, bị xếp vào một đội riêng và bị trả ngược lại trại tù Quang Trung. Tôi lệt bệt bước qua cổng trại và đã té xỉu tại đây vì quá đau khổ.

Tháng 12-75:

Cái lạnh căm căm của những ngày gần Giáng Sinh và Tết, không hiểu sao năm nay lại lạnh quá trời. Có nhiều người nói: Cộng Sản xâm lăng miền Nam đã đem theo cái giá băng ấy từ miền Bắc vào, mang theo cả những con ghẻ cái lở vào Nam. Tôi cuốn mình trong những tấm áo thô, có gì cũng mang khoát lên người, tối ngủ tôi bỏ cả 2 chân, chui người vào cái bao tải đựng gạo mà vẫn chưa qua khỏi cơn lạnh. Các chị em, ai nấy bị cảm, sốt nhưng đã có thuốc khắc phục bằng các loại lá cây, bằng sự chịu đựng của cơ thể, dù cho tâm hồn phải chịu đựng bao trăm cay nghìn đắng. Tôi đau lòng, tủi phận, đau phần cảnh nước mất nhà tan, tủi vì thân phận tù đày, xa cha mẹ, xa chồng, và xa hẳn đứa con thơ 1 tháng. Đã vậy sáng nào cũng lên lớp học tập chính trị, viết bản tự kiểm, tự khai, viết hàng trăm lần mà vẫn cứ phải viết, tối nào cũng phải họp lại tự phê bình, kiểm thảo, không có gì để kiểm thảo cũng cố nặn óc ra mà nói, rồi bình bầu xuất sắc, rồi khoa chân múa tay, hát đi hát lại những bài hát đầy mùi máu......

Cái Tết đầu tiên xa nhà, xa gia đình, mỗi nữ tù nhân được hưởng ơn mưa móc của bác và đảng với một miếng thịt lợn mờ, được viết thư về thăm gia đình và được nhận gói quà 2 kg. Gói quà tình thương của gia đình gởi tới cho các nữ tù, ôi sao cảm động nhưng chua xót quá. Tôi mở phần quà mẹ tôi cho, bao giờ cũng có gói muối vừng, gói ruốc, ít gói mì, gói bột ngọt. Có chị bạn ở cùng lán, gia đình gởi lên gói thịt bò, chị kể vì thèm thịt quá lâu nên chị ăn vội vàng làm cục thịt tắc nghẹn nơi cổ họng nên phải đưa lên bệnh xá chữa trị. Ôi buồn đau làm sao, cái không khí giá buốt của ngày Tết, chúng tôi ngồi trong trại tù ngóng nhìn ra cửa trại, nhìn những đám mây lững lờ bay, lá cây nghe xào xạc qua làn gió mà tưởng nhớ đến người thân yêu. Tôi nhớ cái đêm giao thừa, ngồi trong mùng, nghe lòng xót xa, bất chợt tôi nghe một chị bạn nằm cạnh hát nhè nhẹ những tình khúc mùa xuân bất hủ, tôi cũng hát phụ họa với chị:

"........con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa...."
"Ôi nhớ xuan nào, thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa, rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng chờ trời sáng
đỏ hây hây những đôi má đào...."


Hốc Môn, tháng 3 năm 1976

Kính thăm Mẹ và gia đình,

Lời đầu tiên cho con được thăm sức khoẻ đến mẹ và gia đình mình. Nơi đây con lúc nào cũng khoẻ mạnh (dù bệnh gần chết vẫn phải nói khoẻ ) và luôn luôn vui vẻ (dù con tim đã héo mòn vẫn không được nói buồn). Con đã nhận được gói quà, thư của mẹ và các anh em con gởi. Nhìn đến gói muối vừng con luôn nhớ mẹ vẫn làm cho chúng con ăn với cơm nắm. Ở trại Hốc Môn này, con có gặp được chị T, con bác Quang học chung, chị có gởi lời thăm mẹ. Nghe mẹ kể thằng Thuỵ lúc này lớn và kháu khỉnh lắm. Nó cũng gần 1 tuổi, bi bo suốt ngày. Mẹ có gặp được anh T tuần trước, anh nói vẫn bình yên, khoẻ mạnh (nhớ chồng, nhớ con đến tan nát cả cõi lòng mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, mẹ nói thằng Thụy mập mạp, kháu khỉnh, khoẻ mạnh, nhưng đến khi con gặp nó lại, nó sao thấy xanh xao gầy gò thế hả mẹ).

Vài hàng con viết vắn tắt thăm hỏi gia đình, con cầu chúc mẹ và toàn thể anh em đều khoẻ mạnh, con xin hẹn thư sau.
Con

(Những dòng chữ trong ngoặc và nghiêng nghiêng trong bức thư do chị kể lại, chị còn kể nhiều nữa....những ngày buồn ảm đạm, với 2 bàn tay chị bị con ghẻ tấn công, đầy những mụn mủ.....)

Tháng 5-75:

Tên cán bộ quản giáo Út Que (đám quản giáo trong trại này hay có tên bắt đầu bằng chữ Út, Út chột, Út Que, Út hột...) gỡ cặp mắt kiếng xuống và hướng về chúng tôi ngồi chật kín hội trường đội, hắn tiếp tục "lên lớp" và nói như con vẹt:

"Nói chung các đội làm việc tốt, đạt chỉ tiêu yêu cầu.
Nói chung các chị sau một thời gian lao động đã chưa hiểu được thế nào là lao động là vinh quang.
Nói chung các chị cố gắng làm sớm, nghỉ sớm
Nói chung các chị ráng học tập tốt để mau về sớm
Nói chung các chị....."

Chúng tôi ngồi bên dưới phải nghe đi nghe lại nhiều lần những luận điệu cũ rích, nên trước những buổi lên lớp như vậy, chúng tôi chỉ nó chuyện riêng tư, ngồi ngủ gà ngủ gật, còn tôi ngồi thừ ra, lắng nghe bài lên lớp của hắn và tôi đếm đủ được hơn 100 từ "nói chung" chỉ trong có mấy câu, chúng tôi bấm nhau cười khúc khích, nếu cứ tiếp tục mãi chắc lên tới 1000 từ không biết chừng. Sao hôm nay không thấy anh Út Que nói thêm câu mà hàng ngày tôi vẫn nghe " nói chung trại chúng ta đang gặp khó khăn nên mọi người phải cố gắng khắc phục, nói chung là về thuốc men..." Đúng vậy vì phải khắc phục nên bàn tay tôi đầy những màu xanh của lá cây, của thuốc khắc phục dân gian chuyên trị bệnh ghẻ lở....

Tôi chuyển về trại tù Hốc Môn này đã hơn 3 tháng rồi, vẫn ở các căn nhà tôn, sàn xi măng và những manh chiếu khi đi ngủ, chúng tôi có những cái giếng nước để dùng, dù ở sạch sẽ như vậy, con ghẻ miền Bắc vẫn không tha cho....

Đôi mắt tôi mở thao tháo nhìn thẳng lên đỉnh mùng, mồi đêm tôi không bao giờ ngủ được hơn 2 tiếng đồng hồ, khắp người tôi nóng ran, ngứa ngáy khó chịu. Tôi chẳng bao giờ quên được cái cảnh khổ của cuộc đời khi chiều tà buông xuống, chính là lúc con ghẻ tấn công tôi tới tấp, những kẽ bàn tay, kẽ bàn chân, hai cái mông, nhất là hai bên háng ngứa khủng khiếp, lúc đầu tôi còn lấy tay xoa nhè nhẹ nhưng rồi càng xoa càng ngứa, rồi hết xoa tới màn gãi nhẹ rồi gãi mạnh, mạnh đến bật cả máu ra. Mỗi đêm tôi phải ngủ ngồi cho đỡ ngứa, tôi mang cả một thau nước vào bên trong mùng, dùng một cái khăn nhúng nước lạnh và xoa nhẹ vào những chỗ ngứa. Mấy thứ đó chỉ đỡ dần cho tôi trong khoảnh khắc nào rồi ngứa lại hoàn ngứa cho đến một ngày của tháng 9-76, ngày đó, người nhà được phép lên thăm nuôi tôi, nước mắt tôi không chảy ra trong khu thăm nuôi tù này nhưng tuôn như dòng suối trong lòng tôi. Vì tôi gặp được thằng Thụy, đứa con chào đời trong cơn bão dữ, không nhớ được mặt mẹ nó.

-Chào bác ạ!

Dù đã biết trước ngày ấy gia đình người chị chồng và đứa con tôi lên thăm nuôi, tôi vẫn nghẹn ngào, nức nở khi nghe những tiếng nói đầu tiên của thằng Thụy, nó thẹn thùng bẽn lẽn nép mình bên người bác ruột, chị kéo tay cháu lại nói:

-Mẹ con đó, đâu phải là bác, lại ôm mẹ đi con.

Thằng bé cứ cúi mặt lê lê cái đôi dép dưới sàn ra chiều mắc cỡ, tôi nắm lấy tay con và ôm nó vào lòng mà cõi lòng đau xót. Ngồi suốt buổi mà cháu hỏi đủ thứ:

- Mẹ ơi, sao tay mẹ xanh lè vậy mẹ?

- Mẹ bị ghẻ ngứa đã mấy tháng nay, nên lấy lá thuốc Nam bôi tạm.

- Bác Thìn nói nhận được thư mẹ, lần này bác có mang thuốc xức ghẻ cho mẹ.

- Mẹ ơi, sao mắt mẹ đỏ vậy mẹ?

- Mẹ bị bụi bay vào mắt đó...

- Mẹ ơi, bác Thìn dẫn con đi thăm bố rồi, sao mẹ không đi thăm bố?

- Mẹ ơi, chừng nào thì mẹ về?

- Con ráng ngoan ngoãn và nghe lời bác Thìn, mẹ sắp về rồi!

Tôi phải nói dối để nó khỏi buồn rầu, lo lắng. Ngày ra đi, tôi thầm nói với con rằng:" chỉ độ mươi ngày sau là mẹ lại về bên con", thế mà bao mùa thu sang, xuân đến, hạ qua mà mẹ vẫn còn đây...Tiếng con gà trống gáy đâu đây ban sáng "cúc cù cu cu cu..." nghe như "đời chỉ đầy cay đắng mà thôi".. và tiếng con tắc kè trên xà ngang cột nhà cứ mỗi buổi tối lại kêu lên những tiếng não nề, bi thảm "tắc kè, tắc kè...hết về...hết về..."

Tàn lá buôn bao la,
Che kín rừng bạt ngàn,
Che từng tia nắng tan,
Che cuộc đời sắp tàn.


Keng....keng....keng......keng....keng....
Keng....keng....keng......keng....

Từng hồi kẻng thứ nhất vang lên trong buổi sáng tin mơ báo thức tù nhân dậy sửa soạn đi lao động. Tôi chợt tỉnh cơn mơ, tiếng kẻng này tôi đã nghe nhiều lần nhưng chưa lần nào tôi nghe lạ tai và ghê rợn như lần này.

Tôi chỉ thực sự biết đến câu "Lao động là vinh quang" trên thiên đường cộng sản, khi bước chân vào trại tù Hàm Tân (Thuận Hải) Z30D rừng lá cây buôn bạt ngàn (cây buôn là một loại cây na ná như cây dừa xiêm, nhưng với những tàn lá rất lớn xoè tròn ra như cái lọng hay cái quạt, người ta dùng lá để lợp nhà, làm nón...)

Tháng 10-76:

Chúng tôi có khoảng nửa tiếng đồng hồ thức dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn vội vàng miếng bột mì luộc còn để dành mỗi tối dằn bụng để ban sáng đi lao động. Hồi kẻng thứ hai vừa dứt, từng toán nữ tù nhân đã sắp hàng trước cổng trại:

-Báo cáo cán bộ đội tăng gia 5 người xin ra
-Báo cáo cán bộ toán gánh tranh 20 người xin ra
-Báo cáo cán bộ toán 2 người đi gánh nước tiểu
-Báo cáo cán bộ toán 4 người đi gánh phân....

Mỗi toán đi xa và đông người luôn luôn đi kèm là một tên công an áo vàng kè kè khẩu AK đi theo canh chừng (sau này bọn công an áo vàng coi tù nhân thay cho đám quản giáo bộ đội).

Ngày quan ngày, 3 tuần đã trôi qua, chúng tôi làm đủ thứ việc, từ trồng rau, nuôi heo, gánh tranh về lợp nhà, dựng nhà cửa, tô vách đất và làm giường 2 tầng...Tối về đến căn phòng, được đặt lưng lên chiếc giường, tay vắt trên trán để nghĩ đến chuyện hẩm hiu mà phát buồn. Nơi đây thiếu thốn tất cả, ngay cả đến nước cũng vẫn phải dùng một con suối, vì không có giếng nước hay nước máy nên từ ăn uống, rửa ráy, tắm giặt đều chỉ một con suối...Đám nữ tù chúng tôi cứ ngày ngày đi lao động bên ngoài, phải mang theo cả quần áo, các lon để đựng nước...để chiều về, khi đi ngang qua con suối đua nhau lấy đầy nước vào các lon để dùng, thay nhau xuống suối tắm giữa cảnh rừng lá buôn bao la phủ kín.

Tháng 11-76:

Kể từ ngày bước chân vào đây, chúng tôi đã phải làm việc cật lực hơn các trại lúc trước, đã vậy ăn uống lại thiếu thốn, mất vệ sinh. Ngày nào cũng vậy khẩu phần ăn cho mỗi tù nhân là bột mì luộc, mì lát, bí rợ hay cá kho ươn thối, nhưng chúng tôi vẫn phải nuốt cho qua ngày để giữ sức khoẻ đợi ngày về. Sáng nào cũng 5 giờ thức dậy đi lao động, 6 giờ chiều về khóa cửa tù, nên nhiều khi chúng tôi thấy mình giống như những nô lệ, tôi chợt nhớ đến câu nói của một người nô lệ da đen khi đọc một cuốn sách về người nô lệ: "If I had my life to live over, I would die fighting rather than be a slave again....All we knew was work, and hard work. We were taught to say "yes sir" and scrape dơn and bow, and to do just exactly what we were told to do, made no diffference if we want to or not..."

Tháng 1-77:

Bên trong trại tù Hàm Tân tôi gặp một vài người quen ở gần nhà, họ là những sinh viên thuần tuý hồi xưa bị Việt cộng ghép vào tội Sinh viên phục quốc, một vị thẩm phá là nguỵ quyền, phần còn lại là nữ quân nhân và nữ cảnh sát.
....................

Tháng 3-77:

Những ngày buồn ảm đạm cứ thế trôi qua mau, chúng tôi làm lao động như một người tù nam. Năm tháng cứ dần dần trôi nhanh, mọi người chờ dài cả cổ mà ngày về vẫn biền biệt, tít mù sương...Tôi ở trại này cũng gần 1 năm, những chuyến đi thăm nuôi của gia đình làm tôi vẫn ái ngại vô cùng, vì biết gia đình lúc này đang thời kỳ thiếu thốn, khó khăn nhưng vẫn im lặng chịu đựng, miễn sao lo cho tôi đến lúc ngày về. Con tôi nay đã gần 3 tuổi, mỗi lần gặp lại nó cứ hỏi tôi sao lâu quá không thấy mẹ về, con mong mẹ về đưa con đi học, các bạn con ai cũng có mẹ bên cạnh sao con thì không. Nghe con than thở mà tôi đau khổ vô cùng nhưng biết làm sao hơn khi gặp cảnh cá chậu chim ***g.

(Chị ơi, những câu chuyện của chị nghe bi đát, đáng thương làm sao, những cực hình thể xác chị không đớn đau bằng chúng em, những nam tù nhân trong miền Nam, lại không sao sánh bằng với những nam tù nhân ngoài Bắc, nhưng về tinh thần chị còn cực gấp hơn bao nhiêu lần. Bao nhiêu những đắng cay, tủi nhục, bao nhiêu những cực hình của thể xác, chúng em đều chịu đựng được, nhưng không thể nào chịu đựng nổi những năm tháng tù đày mất Tự Do. Hồ chí Minh đã xoen xoét câu nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", thế mà tại sao lại đi cưỡng chiếm miền Nam, tước đoạt tất cả tự do của người dân miền Nam, để rồi cuối cùng dùng chiêu bài chống Mỹ cứu nước, chiêu bài học tập cải tạo...Đất nước Việt Nam thương yêu sau 30 năm cai trị dưới bàn tay máu của XHCN độc đoán, độc đảng đã đưa dân tộc đến thảm họa diệt vong.

Bọn cộng sản đã dùng những danh xưng hoa mỹ như học tập cải tạo nhưng thực sự đã che đậy những tội ác tày trời của chúng khi đã lừa phỉnh được những người lính chiến VNCH, tập trung họ vào những trại tập trung khổng lồ nơi rừng thiêng nước độc. Chúng đã đày đọa được những thân xác chết dần mòn theo năm tháng tàn phai, nhưng không bao giờ hủy diệt được những tinh thần bất khuất, thà chết trong tự do hơn sống với loài quỷ đỏ. 5 năm cải tạo hay 10 năm hay 20 năm đi nữa, những người tù cải tạo, nếu may mắn còn sống sót, vẫn không có người nào mở miệng thốt lên câu nói:"...nhờ tôi được cải tạo lâu năm, tôi đã thực sự biết ăn năn hối cải..."

Sau 15 năm, kể từ ngày người tù cải tạo đầu tiên theo diện HO đặt chân lên xứ sở của Tự Do Mỹ quốc. Biết bao câu chuyện thăng trầm trong cuộc đời. Giờ này người tù ngồi trầm ngâm suy nghĩ về sóng gió đời mình. Một người kể lại chuyện anh suýt bỏ mình trên trại tù miềm Bắc vì lạnh và đói khát, người khác kể lại những sự trả thù đê tiện của bọn quản giáo trại tù, những công việc khổ sai triền miên khiến bao người đã bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm. Em đã chứng kiến những người bạn tù nằm sóng sượt trên bãi cỏ tranh, 2 người bạn khác ghè nhau, rất khó nhọc đưa anh ra khỏi bãi cỏ tranh đầy những trái mìn râu, mìn cóc. Nhưng kìa bàn chân anh đã đứt lìa, chỉ còn dính lại chút da, máu chảy lênh láng...Cảnh hai người phụ nữ đi thăm nuôi, khóc chồng tử nạn. Một người vật mình vật mẩy, gào thét lên "Anh ơi! sao anh nỡ chết đi, bỏ em lại một mình, sao anh không chết trong thời chiến, mà anh lại chết trong thời bình.."

Biết bao câu chuyện thương tâm xảy ra trong ngục tối, mà Việt cộng lúc nào cũng dùng chính sách "học tập cải tạo", một chính sách thành công nhất của bọn chúng đã thực sự tập trung được người lính chiến VNCH vào trong các trại tù để giết dần giết mòn họ. Bao nhiêu năm cải tạo, chẳng những không cải tạo được gì họ mà chỉ còn lại trong khối óc, trái tim những người lính VNCH niềm khao khát TỰ DO.

Và chị ơi, 30 năm đã trôi qua, nhưng trên mãnh đất quê hương hôm xưa và ngày nay vẫn còn đầy rẫy những trại tù, vẫn còn biết bao nhiêu người bạn tù vẫn mỏi mắt trông chờ một tia nắng hy vọng của ngày mai. Chúng ta là những người may mắn đã đến được bến bờ Tự Do thì chúng ta phải làm gì để giúp đỡ, an ủi những kẻ bạc phận, riêng em sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày khốn khổ trong ngục tù, bên tai em lúc nào cũng văng vẳng tiếng hát, tiếng hát gởi về cho những người tù bên trời quê hương đau khổ:

"Người bạn tù ơi, ta không quên đâu, nhớ hôm xưa nhìn đôi tay cùm xích, hàng song thưa chia cách vạn tình ngâu, ai tra tấn nghe lòng ai kim chích. Ai trở về xứ Việt, ta gởi về theo một ít TỰ DO, TỰ DO, TỰ DO và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết đến cửa ngục tù, chia bớt chút buồn lo.

Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm ta, người ấy ở trong tù. Ta sẽ về đón ở cửa âm u, đời sẽ đẹp mùa xuân hồng biết mấy, dù ngoài kia mây có trĩu mùa thu..."

Ngày 21 tháng 8 năm 1978, Việt Cộng trả tôi về cố hương. Tính từ buổi leo lên chiếc xe Molotova bụi bặm xa rời thành đô yêu dấu, cho đến lúc bước chân xuống xe xích lô về nhà, thời gian thấm thoát đã hơn 3 năm, với biết bao vật đổi sao dời. Ngày về mừng mừng tủi tủi, gặp lại mẹ già, con thơ. Tóc mẹ đã đầy tuyết sương, con tôi nay đã 3 tuổi, chạy nhảy vô tư như không biết gì hết, chồng tôi vẫn nằm trong ngục tù cải tạo. Ngày vui chưa được trọn một ngày thì sáng hôm sau có giấy gọi tôi trình diện phường. Cầm tờ giấy trong tay, tôi bước vào văn phòng phường thì đụng ngay cặp mắt cú vọ của con mụ Việt cộng áo vàng. Nó hất hàm hỏi:

- Chị mới học tập về hả?

- Tôi về ngày hôm qua...

- Chị có giấy gọi đi khẩn hoang vùng kinh tế mới vào khoảng 2 tuần nữa.

Tôi liền trình bày hoàn cảnh của tôi, mới về còn bệnh tật,có con nhỏ không ai chăm sóc nên xin hõa lại. Mụ áo vàng quắc mắc nhìn tôi:

- Đây là chính sách của nhà nước, chị không được cãi lệnh, hay chị muốn đi cải tạo tiếp?

Nghe những câu đó, tôi nghẹn ngào không nói nên lời, lúc đó tôi có cảm tưởng như muốn nhảy xổ vào giết con mụ này xong mới hả giận. Nếu không vì con, vì mẹ, tôi đã ăn thua đủ với nó. Tôi quay gót rời khỏi văn phòng phường vừa về đến nhà thì Mẹ tôi gọi với theo:

- Con có giấy báo đi thăm nuôi chồng con này.

Đầu óc tôi quay cuồng, bao nhiêu chuyện dồn dập một lúc, nhưng tôi vui vui vì sắp được gặp mặt chàng sau 3 năm xa cách. Ngày tiễn chân anh về nơi phương trời xa thẳm , mà bây giờ em về đây, bóng dáng anh vẫn xa tít mù khơi, thăm anh được lần này, em cũng phải khăn gói quả mướp xuống vùng kinh tế mới để biến "sỏi đá thành cơm".

***


Thấm thoát đã bao năm, tôi theo chồng tôi đi định cư tại Mỹ theo diện HO5, bão táp phong ba đã lắng xuống, dĩ vãng đi xa rối. Những kỷ niệm, dù đắng cay vãn làm tôi không bao giờ quên được, nhất là khi mùa thu đến, đứng trước cửa nhà quét lá vàng rơi, lòng tôi rung cảm khi nghe tiếng lá cây xào xạc, lại gợi trong tôi những ngày trong tù quét lá vàng và rung cảm khi đọc những áng thơ hay của nhà thơ Dương Tử trong "Con Đường Cải Tạo", cũng nói đến thu trong tù, cũng nói đến những hy sinh lớn lao, những chịu đựng khổ cực của người vợ tù cải tạo:

"Hôm nay lá rụng thật nhiều
Nghiêng nghiêng chiều ngả bóng chiều thướt tha
Hôm nay em đến Nam Hà
Thăm anh giữa một chiều thu nắng vàng
Em ơi, bốn độ thu tàn
Bốn mùa thu ấy, trăm ngàn đắng cay
Em ngoài tần tảo, mai gầy vóc mai
Hôm xưa giây phút chia tay
Còn nghe dặn với: ngày này tháng sau
Ai dè đời những bể dâu
Tóc xanh giờ đã nhuốm màu tuyết sương
Tháng chờ năm đợi mỏi mòn
Tơ lòng rút mãi héo hon ruột tằm"


Rồi đến khi gặp lại nhau, tưởng như trong mơ, còn biết nói gì đây khi tương lai mù mịt :

"Bốn thu mới có một lần
Gặp nhau mà vẫn tưởng rằng chiêm bao
Nhớ xưa cái thuở ban đầu
Gặp nhau e ấp, gặp nhau thẹn thùng
Bây giờ tóc ngả màu bông
Gặp nhau muốn nói, nói không nên lời
Rưng rưng mắt lệ đầy vơi
Câu hàn huyên chết nửa vời trên môi"
(Dương Tử - Con Đường Cải Tạo)


Có lẽ ngày ấy, Trời Phật còn thương tôi, thân gái dặm trường: 3 năm tù đày, một năm kinh tế mới, 3 năm "gánh gạo nuôi chồng, nước mắt vòng quanh", nên không nỡ để tôi lặn lội đường xa tận trại tù Nam Hà miền Bắc, mà chàng học tập cải tạo ngay ở một trại tù nổi tiếng mà người ta vẫn kể chuyện về "con ma vú dài khám Chí Hòa".

Hoài Hương

Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 381-398 tập II/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn