BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đầu năm, nhớ lại chuyện ăn cỏ kiểng trong tù cải tạo!

04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1333)
Đầu năm, nhớ lại chuyện ăn cỏ kiểng trong tù cải tạo!
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21

(Tặng những đồng đội cựu tù cải tạo trại A-20 và các trại khác)


Tôi không nghĩ là những người không ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước, một trải cải tạo thuộc vào một trong những trại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam có thể biết cỏ kiểng là cỏ gì, tại sao gọi là cỏ kiểng và tại sao chúng tôi lại phải ăn cỏ kiểng. Nói thật với các bạn, gần đây có dịp đọc lại cuốn hồi ký của người tù Hỏa Lò John McCain, trong đó ông cho biết những tù binh Mỹ bị giam ở đây do không hiểu rau muống là gì nên đã gọi rau muống là “cỏ” và họ phản đối ban quản trị đã buộc họ phải ăn cỏ, nên tôi mới viết lại chuyện ăn cỏ kiểng vì một số anh em trong trại A-20 chúng tôi từ thập niên 80 đã phải ăn cỏ thật chứ không phải là “cỏ rau muống” như tù binh Mỹ tại Hỏa Lò. Cỏ đó chúng tôi gọi là cỏ kiểng.


Gọi đó là cỏ vì chúng tôi không phải là nhà thực vật học nên không hiểu rõ loại lá cây mà chúng tôi ăn là lá gì nên gọi đại là cỏ cho được việc làng nước cốt, vì lá gì thì cũng chỉ cốt sao nhét đầy vào cái bụng cũng trống cho đỡ đói mà thôi. Nhưng tôi phải mô tả chi tiết một chút thì quí vị mới có thể hiểu được. Trại A-20 không phải chỉ có một trại mà có tới 4 trại khác nhau, mỗi trại cách nhau ba bốn cây số và đều do các tù nhân của chuyến trở về từ Guam của tầu Việt Nam Thương Tín xây dựng. Trại E là trại chúng tôi phải sống lúc đầu, là trại ngoài cùng, khang trang nhất, nhà ngói, vườn rau, ao cá và những hàng dừa thẳng tắp, nhưng lại là trại ghê gớm nhất, với kỷ luật khắt khe với việc trừng phạt trong cuồng cọp tối đa có khi tới 5 năm, nhất là vấn đề thăm nuôi, gởi quà qua bưu điện cực kỳ khó khăn.

Những người mới tới, đứng ngoài cổng phân trại E của A-20 nhìn vào, có thể tưởng lầm đây là một tụ điểm du lịch. Không những trại có vườn rau ao cá, mà việc trang trí cây kiểng cũng dẫn tới việc chúng tôi vì đói quá mà phải ăn cỏ kiểng. Số là, dọc theo những lối đi và vườn rau trong trại, ban quản trại bắt tù nhân chúng tôi lấy gạch đỏ “chạy” thành những bức ngăn chỉ cao bằng viên gạch thẻ, rồi đem cỏ kiểng trồng sát vào các hàng gạch. Gọi là cỏ kiểng chứ thật ra loại cây mọc thành từng cụm này do tù nhân chính trị đào từ ven rừng mang về trồng. Lá của loại “cỏ” này chỉ bằng móng tay cái, có hình thù gần giống như lá rau dền ta nhưng bóng, nhấm thử vào miệng không thấy vị đắng, chát hay the.

“Cứ loại lá nào không đắng, không ngọt, không chát hay the là không có chất độc, có thể ăn được”. Phước “moshe dayan”, một thành viên trong đội lao động ở nhà giam 1 với tôi lúc đó khẳng định như thế. Anh có cái biệt danh mà anh em bạn tù đặt cho là vì anh chỉ còn một con mắt, giống như tướng độc nhãn của Do Thái Moshe Dayan.

Phước “moshe dayan” không phải là một sĩ quan quân lực VNCH mà là thành viên của một trong những lực lượng vũ trang của Hòa Hảo, bị bắt trong một cuộc tảo thanh lực lượng Phục Quốc của chính quyền Cộng Sản ở Hậu Giang. Đó là theo lời anh khai trong lý lịch trích ngang. Là người được sinh ra, lớn lên, sinh sống và hoạt động trong vùng sông rạch Miền Nam nên Phước “moshe dayan” rất rành về “rau rác” ngoài đồng, ngoài ruộng.

Tại trại A-20 Xuân Phước, Phước “moshe dayan” chỉ vẽ cho anh em chúng tôi kiếm rau cỏ mọc hoang ở bờ ruộng hay trong nương sắn có thể ăn được để độn với khoai mì lát cho đỡ đói. Vì thế đã có thời kỳ chúng tôi ăn cả đọt khoai mì luộc, dền gai (có rất nhiều gai, mọc bên đường), đọt cỏ trai, cỏ diệu, cỏ tóc tiên, rau sam, khoai mài dại (trông hình thể giống khoai mà trồng ở vườn, nhưng rất độc, phải xắt ra cho vào bao ngâm ở suối 7 ngày mới lấy lên luộc ăn được)

Tuy nhiên, “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” nên Phước “moshe dayan” suýt chết. Một hôm, anh tiết lộ đọt lá “cây hoa cứt lợn” ăn được và bổ. Anh nói: “Dưới vùng tôi, họ dùng cây hoa này để làm phân cho cây trồng, chắc nhiều protein”. Anh cho tôi ăn thử một lá đã luộc chín, nhưng thấy nhám và hôi tôi phải nhả ra ngay. Chắc quí vị cũng biết là của cây hoa cứt lợn dù là đọt hay lá cũng đều có nhiều lông nhọn, sờ vào thấy nhám. Tôi và nhiều anh em khác khuyến cáo Phước “moshe dayan” không nên ăn. Nhưng anh tiếp tục ăn. Thấy không có gì xảy ra tất không có chất độc. Cả trại không ai đi theo Phước độc nhãn trong vụ này vì lá có luộc nhừ rồi cũng vẫn nhám và không hết mùi hôi.

Cho đến 10 ngày sau, bụng Phước “moshe dayan“cứ chướng lên và đau đớn. Anh em trong trại đều cho là anh bị cổ trướng hay ung thư ruột. Hai người tù được đưa lên làm ở bệnh xá lúc đó là bác sĩ Lộc và bác sĩ Châu (trước ở Nhảy Dù) khi chẩn đoán bệnh của Phước đã năn nỉ viên thượng úy VC coi bệnh xá lúc đó cho Phước “moshe dayan” đi bệnh viện Phú Khánh, nếu không anh ấy sẽ chết. Chúng tôi không hiểu là do phép lạ xui khiến hay do một chút lòng nhân còn sót lại trong lòng viên thượng úy y sĩ VC mà Phước “moshe dayan” được anh ta chấp thuận cho đi bệnh viện. Tại bệnh viện, Phước được phẫu thuật để lấy những nùi bã của những đọt lá cây hoa cứt lợn bị kẹt trong phân ở ruột già. Phước độc nhãn thoát chết, nhưng ở lớp da bụng của anh, những vết khâu chỗ mổ của một bác sĩ phẫu thuật nào đó của VC vụng tay nên giống như những chân rết bò khắp bụng.

Vâng, việc chúng tôi ăn cỏ kiểng xẩy ra trước thời gian Phước “moshe dayan” ăn đọt lá cây hoa cứt lợn rất nhám và hôi dù đã luộc chín. Cũng là do Phước độc nhãn và một số anh em bạn tù miệt ruộng với chúng tôi phát giác ra là lá của cây cỏ kiểng ăn được “nấu lên, cho tí muối vào cũng tạm dằn được cơn đói, hơi giống canh rau dền”. Tôi ăn thử và quả loại cỏ kiểng này giống rau dền thật, nhưng cái hậu của nó làm cho cổ ngứa ran ran kéo dài khoảng 15 phút. Cũng may là vụ ăn cỏ kiểng này xảy ra trước lúc Phước “moshe dayan” phải đi bệnh viện, chứ nếu vào thời gian sau thì có cho kẹo chúng tôi cũng không dám.

Một người ăn thấy không sao thì nhiều người khác bắt chước. Dĩ nhiên, lá cỏ kiểng cứ trụi dần. Thời điểm đó, cái đói khát triền miên biến chúng tôi thành đoàn quân giống như quân Mông Cổ “đi đến đâu cỏ không kịp mọc”. Việc tàn sát cỏ kiểng gây chú ý cho Lý “lé” cán bộ an ninh trại. Sau mấy phùa huy động những ăng ten tin cậy nhất, Lý “lé” có cả một danh sách khá dài những anh đã ăn cỏ kiểng và cả đám chúng tôi bị đi “làm việc”, trong đó có cả Phước “moshe dayan”. Lý “lé” đập bàn ghế quát tháo cáo buộc chúng tôi “phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa”, bôi xấu lãnh đạo trại vì “trại đã nuôi ăn đầy đủ, thiếu đói gì đến nỗi vi phạm 8 điều lệnh nếp sống văn hóa mới”. Lần đó, Lý “lé” không đưa chúng tôi vào chuồng cọp, nhưng cấm “thăm gặp, nhận quà bưu điện”.

Khi về đến trại, thấy chúng tôi vui như tết, anh em hỏi thì Phước “moshe dayan” nói: “Nói thật với các huynh, đệ đây chỉ sợ nó cùm trong biệt giam, không cải thiện bữa ăn bằng cỏ kiểng được nữa, còn cắt thăm gặp và gởi quà thì đệ không sợ vì có bao giờ đệ được thăm nuôi hay gởi quà đâu, “con bà phước” chính hiệu con nai vàng mà bày đặt nhận quà”. (nhóm từ “con bà phước” được một số bạn tù dùng để chỉ những anh em đồng cảnh nhưng gia đình không có điều kiện thăm nuôi, thăm gặp, nghĩa là thành phần được coi là côi cút trong tù cải tạo)

Tôi, Phước “moshe dayan” và một số anh em khác ở phân trại E là “con bà phước” vì nhiều lý do khác nhau: Có người vì không muốn gánh nặng cho gia đình nên khi chuyển trại tự cắt thăm gặp bằng cách không viết thư về cho gia đình, có người gặp cảnh ngộ vợ sang ngang con thì còn nhỏ theo mẹ, có người có vợ vượt biển cùng gia đình không có tin tức hồi báo, có người thì vẫn viết thư về nhà nhưng gia đình không bao giờ có thể thăm gặp được vì nghèo quá, đường sá lại diệu vợi.

Nhưng dù có thăm gặp hay được phép nhận quà qua đường bưu điện thì người tù cũng chỉ đỡ đói trong một thời gian nhất định và cuối cùng cũng phải mưu sinh bằng “rau rác, ếch nhái” ngoài đồng ngoài ruộng để thêm vào những bữa ăn toàn khoai mì lát luộc và nước muối. Đã thế lại còn bị cho ăn đói nữa!

Ngày nay ở Mỹ, có nhiều rượu thịt ê hề, nhưng chẳng dám ăn, không dám uống vì mối đe dọa nào cholesterol, nào tim mạch, cao máu, tiểu đường. Hoàn cảnh oái oăm này ở Mỹ càng làm tôi nhớ đến Phước “moshe dayan”, đến những loại cỏ mà anh đặt tên thành rau, nhớ đến lần anh đi bệnh viện, nhớ đến những lá cỏ kiểng, nhớ đến khoảng thời gian dài trong biệt giam phải đối phó với những cơn khát cùng cực, phải uống nước tiểu của nhau và cho tới bây giờ tôi vẫn cho rằng trong cơn hoạn nạn, lá cỏ kiểng hay những loại cỏ nào ăn vào không chết, không gây bệnh, ngay cả đến loại khoai mì H34 xắt lát, phơi khô rồi mà phải ngâm đến 3 ngày mới hết chất độc trước khi nấu chín, cũng là tặng phẩm của ơn linh thiêng cho tù cải tạo.

Phải nhờ sự linh thiêng dẫn dắt và soi sáng, thì giữa cảnh đói khát trước những vạt rau cỏ dại mọc đầy rừng, cây có độc chất, cây không, nhưng xanh rì hấp dẫn, thì người tù mới nhận ra được những cây có thể ăn được và cây ăn vào sẽ trở thành một liều thuốc tự tử.

Vũ Ánh

01-01-2011

Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn