- Này đọc đi!
Tôi đọc một tối là xong, mấy hôm sau tôi đưa sách trả anh bạn rồi bảo:
- Hình như không đứng đắn anh ạ!
Anh bạn cười đáp:
- Truyện này cũng nổi tiếng đấy nhá, anh không thích thì thôi!
Mấy năm sau, cơ quan của tôi gửi tôi đi thụ huấn một khóa huấn luyện quân sự tại trường bộ binh Thủ Đức, khoảng bốn tháng nhà trường lại mời một ông văn nhân, ký giả nổi tiếng để đăng đàn diễn thuyết về các vấn đề thời sự, chính trị cho sinh viên sĩ quan nghe. Có lần trường mời một ông ký giả tên tuổi kiêm nghề luật sư đến diễn thuyết, ông này trước kia là Đại úy huấn luyện viên của trường, hôm ấy Trung Tướng chỉ huy trưởng chủ tọa. Ông ký giả luật sư thao thao bất tuyệt, ông nói khéo lắm, ông ấy ca ngợi sinh viên khiến đôi khi họ phải phì cười, mấy người sinh viên ngồi gần tôi bảo:
- Cái ông nội này Bắc Kỳ có khác, lém mồm lém miệng quá xá!
Khi ông ký giả nói xong đến lượt sinh viên phát biểu ý kiến, những lời đối đáp giữa sinh viên và diễn giả rất vui vẻ hào hứng, khi bế mạc Trung Tướng lên diễn đàn cám ơn và ông có đôi lời về hiện tình chính trị đất nước:
- Những cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên học sinh tại SàiGòn hiện nay rất là thiếu ý thức, bây giờ có kẻ nó vác gậy gộc đến nhà mình nó đánh mình mà cứ đòi hòa bình thì thử hỏi làm thế nào cho có hòa bình, chẳng qua chỉ làm lợi cho kẻ địch!. .
Buổi nói chuyện vui vẻ, hào hứng, từ ông Trung tướng, diễn giả đến sinh viên ai nấy đều trình bầy rõ ràng mạch lạc các vấn đề.
Khoảng bốn năm tháng sau, nhà trường lại mời một nhà báo về diễn thuyết về hiện tình chính trị đất nước, lại chính là ông tác giả cuốn Tình Yêu Cao Thượng, hôm ấy Đại Tá chỉ huy phó chủ tọa, sau lời giới thiệu của ông chỉ huy phó, ông diễn giả mở đầu:
- Tôi mới xuất bản mấy cuốn sách về hòa bình, chính trị, nhưng tôi viết hơi cao, ở đây tôi chỉ nói đại cương mấy vấn đề dễ hiểu thôi vì các bạn tập tành mệt nhọc, không nói dông dài làm chi nhiều. . .
Giọng ông yếu đuối nghe thều thào, ông nói không lưu loát như diễn giả kỳ trước, mấy người sinh viên ngồi sau tôi than phiền:
- Gớm cái ông nội này Bắc kỳ mà nói chán quá! nhà văn gì mà nói kè nhè nghe chán quá!
Ông nói không lôi cuốn được người nghe như ông luật sư bốn tháng trước đây, nhiều người ngủ gà ngủ gật, khi bài nói chuyện chấm dứt, có một sinh viên đứng lên phát biểu ý kiến về hiện tình chính trị, ông sinh viên này nói cũng lẩm cẩm quá khiến nhiều người thở dài:
-Gớm cái ông nội sinh viên này hỏi vớ vẩn quá!
Buổi nói chuyện kết thúc, ông chỉ huy phó lên cám ơn:
- Tôi xin thay mặt nhà trường cám ơn nhà văn đã cho chúng tôi được nghe một buổi nói chuyện rất hào hứng . .
Ông chỉ huy phó nói vắn tắt quá không hay bằng ông Trung Tướng nói lần trước, buổi nói chuyện chẳng có gì là hào hứng.
Đúng là quả đất tròn, gần mười năm sau tôi lại gặp ông văn sĩ trong trại tù cải tạo Xuyên Mộc. Chúng tôi ở Long Thành được bốn năm thì chuyển trại đến đây giữa một khu rừng âm thuộc tỉnh Bà Rịa, đây là một trong những trại hắc ám ghê gớm nhất của miền Nam, rập khuôn theo miền Bắc. Nhập trại được vài ngày họ đưa chúng tôi lên hội trường nghe cán bộ nói chuyện, anh cán bộ trẻ nói về án tù mới, về nội qui và có nói về ông văn sĩ, cán bộ nói:
- Sau khi ở đủ ba năm anh ấy bảo trại phải thả anh ấy về vì án tù đã hết, anh ấy gọi tất cả các cán bộ bằng anh hết. Ban giám thị trả lời anh ấy rằng chưa có lệnh của Bộ nội vụ chúng tôi chưa thả được, thế là anh ấy tuyệt thực, được một ngày anh ấy xin nước uống, ban giám thị bảo nước uống cũng là của trại, không thể cho anh ấy được. Hôm sau anh ấy đầu hàng Ban giám thị, chấm dứt tuyệt thực.
Tôi nhớ ra ông văn sĩ mà trước đây tôi không có cảm tình gì mấy, nhưng thoạt nghe cán bộ nói về thái độ thách đố bạo lực về khí phách anh hùng của ông, tôi cảm phục ngay vì từ ngày vào tù đến nay tôi chưa thấy ai có tinh thần bất khuất như ông, người ta thường nói: nước rặt mới biết cá thối, cháy nhà mới ra mặt chuột. . vào tù mới biết người anh hùng, kẻ tiểu nhân, có nhiều anh đã từng xênh xang mũ cao áo dài nay gặp cán bộ thì cúi xuống nịnh bợ để mau được thả về. . ít nhất cũng phải có được một người như ông văn sĩ, một người tuy là quá ít nhưng cũng cho chúng tôi có được một niềm tin vững chắc.
Chúng tôi ở nhà một, ông văn sĩ ở nhà hai cách nhau một khoảng đất trống, ông ở trong đội đảng phái phản động tên là Đội 81, có lẽ vì họ có tám mươi mốt người. Đội này do một ông cũng là văn sĩ phản động làm đội trưởng, ông đội trưởng này lại chê ông văn sĩ kia không tốt, có thời kỳ làm tay sai cán bộ tố giác anh em, nhưng theo tôi thấy đa số anh em trong đội đều nể ông, cảm phục lòng cam đảm của ông. Hầu hết số đội viên là thành phần đảng phái phản động, họ là thành phần thấp trong xã hội như thợ thuyền, làm thuê làm mướn, được cái có gan tham gia đảng phái nhưng không có mưu trí nên bị bắt trọn ổ hết.
Một hôm trời mưa rả rích, nhìn qua của sổ sang nhà hai bên kia thấy nhiều người ra hiên tắm mưa, tôi thấy ông văn sĩ ở trần lấy khăn lau người vì trại không cho ông ra ngoài tắm sông, tôi thấy người ông gầy gò khủng khiếp chỉ toàn là xương không có thịt, những giải xương sườn nổi hẳn lên trông thật thê thảm, người thì nói tại ông tuyệt thực, có người nói họ cô lập ông không cho gia đình lên thăm nuôi, không cho bạn tù được tiếp xúc hoặc cho đồ ăn mà chỉ được phát một tí khẩu phần, Ban giám thị trại cương quyết loại bỏ tiêu diệt ông vì tội chống đối. Nhìn tấm thân ông tôi thở dài ngao ngán nghĩ đến sự tàn ác của con người: người thật là lang sói với người.
Đội của chúng tôi gồm khoảng mười người lo về vận chuyển, chúng tôi có ba xe bò để chuyên chở thực phẩm từ khu ngoài vào khu trong, có khi chở cát, gạch cho thợ xây cất. . Một hôm tôi được cán bộ giao nhiệm vụ nấu nước uống cho anh em ngay ngoài cổng trại, tôi xuống sông múc nước đổ vào cái nồi lớn, bắc lên mấy cục gạch rồi kiếm củi khô nhóm lửa. Anh cán bộ có vẻ tử tế với tôi, hay lại trò truyện, nhưng tôi luôn tự nhủ:
- Anh tốt với tôi thì tôi cám ơn, nhưng cái biên giới giữa tôi và anh nó đã quá rõ ràng!
Hôm ấy tôi nấu nước ngay ngoài cổng trại, anh em trong đội đẩy xe đi ngang chỗ tôi đùa cợt vì thấy tôi được cán bộ cho làm việc thoải mái. Bỗng nhiên tôi thấy ông văn sĩ đứng ngay ở cửa trại nói nho nhỏ:
- Báo cáo cán bộ, tôi lên Ban giám thị.
Anh cán bộ trẻ hạch sách:
- Bỏ kính xuống!
Trên nguyên tắc mỗi lần báo cáo phải bỏ kính, họ muốn kẻ bại trận phải thần phục kẻ chiến thắng và cũng để hạ nhục người ta đến cùng, ông văn sĩ đã bỏ kính xuống, nhưng anh cán bộ vẫn chưa tha:
- Báo cáo lại.
Ông văn sĩ phải báo cáo một lần nữa rồi mới được ra, tôi thấy ông gầy và yếu kinh khủng, ông đứng như không vững có lẽ chỉ một cơn gió mạnh cũng đủ xô ngã con người gầy ốm như que củi ấy. Nhưng trong tấm thân hình gầy khô đét ấy tôi như trông thấy cái sức mạnh ghê gớm của một tinh thần bất khuất dám chống lại bạo lực đê hèn. Tấm thân gầy gò yếu đuối ấy gợi cho tôi sự thương hại thì ít nhưng sự kính phục thì nhiều, một tấm thân mảnh khảnh gió thổi cũng bay và trong tay không một tấc sắt đã làm cho kẻ thù phải kiêng nể, sợ hãi nên chúng đã nghĩ đến cách sát hại ông. Tôi nhìn theo ông run lẩy bẩy bước đi trong lòng xúc động và hãnh diện, ít nhất cũng phải có những người khí phách can đảm như ông đã dám đem tấm thân yếu đuối như sên để chống bạo lực.
Khi nhìn ông tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm hãnh diện cho người Quốc Gia, không phải ai cũng được như ông, một kẻ anh hùng mạt lộ nhưng vẫn hiên ngang bất khuất và chống lại sự tàn ác của con người đến cùng, tấm thân yếu đuối ấy có cái sức mạnh của một chiến sĩ dũng cảm, trước kia ông là một chiến sĩ văn hóa với ngòi bút sắc bén đã khiến kẻ thù phải xếp vào hạng nguy hiểm đem đi giam giữ. Và bây giờ ông cũng vẫn là người Chiến Sĩ, chiến sĩ của lẽ phải, công bằng, ông đã lấy lý trí, chân lý, công lý. . . để chống lại bạo lực đê hèn.
Ông ấy lên văn phòng Ban giám thị chừng nửa giờ sau lại đến cổng trại báo cáo cán bộ xin vào trại, anh cán bộ gác cổng vẫn hạch sách:
- Nói lớn lên, nghe không rõ!
Tội nghiệp ông ấy cứ phải báo cáo đi báo cáo lại:
- Báo cáo cán bộ cho tôi được vào trại.
Mãi rồi anh cán bộ cũng phải cho ông ấy vào trại vì chẳng lẽ lại cho ông ấy về nhà với vợ con!
Qua hình ảnh của ông tôi bỗng nhiên nghĩ đến sự tàn ác của con người, của những ý thức hệ khác nhau đã khiến cho con người đối với nhau như thú vật, họ không coi ông ấy là con người nhưng là con gà con vịt cần phải hạ thủ thanh toán cho khuất mắt. Tôi vừa đun nước vừa nhìn theo người Chiến Sĩ đang lững thững đi qua sân trại về nhà hai, tôi biết chắc ông chẳng còn sống được bao lâu và có lẽ chính ông cũng biết vậy, nhìn ông đi ngang qua trước mặt, tôi tự nhiên cảm thấy một nỗi buồn man mác vì biết rằng chỉ một ngày rất gần đây một linh hồn sẽ lìa khỏi thể xác.
Khoảng vài tuần sau, một hôm làm việc cách hàng rào trại chừng mấy chục thước, chúng tôi nhìn vào trại thấy hai anh tù hình sự khiêng một cái xác người có phủ mền trên cái băng ca, tôi đoán là có người mới chết.
Chiều hôm ấy khi tắm sông xong, chúng tôi vào trại được biết ông ấy đã lìa đời. Trong đội 81 có nhiều người cảm phục ông, thương xót ông. Một số người lấy những miếng vải đen bé tí lén lút khâu dưới vạt áo để tang ông, một người Chiến Sĩ dũng cảm thà chết vinh còn hơn sống nhục, một cái chết anh hùng, một tấm gương sáng cho chúng tôi, cho toàn thể tù nhân của trại giam Xuyên Mộc.
Khoảng một năm rưỡi sau tôi được thả về, một người bạn cho tôi biết đài phát thanh BBC Luân Đôn mới nói về ông văn sĩ ấy, họ nói ông ta tuyệt thực cho đến chết.
Trọng Đạt
Gửi ý kiến của bạn