BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73443)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bữa cơm tình nghĩa của người dân Bình Tây - Hòn Khói

01 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1482)
Bữa cơm tình nghĩa của người dân Bình Tây - Hòn Khói
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Chúng tôi được công an Dưỡng áp tải đi về làng Bình Tây, Hòn Khói để mua hom giây lang.

Nghe nói tới hai tên làng Bình Tây, Hòn Khói tôi bỗng run lên vì xúc động. Đây là quê nội của tôi. Cha tôi đã sinh ra từ đó. Khi hơn mười tuổi ông mới xiêu dạt vô Nha Trang mưu sinh và sinh tôi ra tại thành phố biển. Thuở nhỏ tôi thường nghe ông nói về cái nơi Hòn Khói có nhiều tàu lớn đến "ăn muối". Tôi không hiểu tại sao tàu lại đi "ăn muối", nhưng không dám hỏi lại. Những năm tôi còn Tiểu học, bà cô Hai, con ông nội Mười, thường hay vô dẫn tôi về quê chơi. Hồi đó, tôi còn nhỏ xíu cỡ bảy tám tuổi nên trí óc còn non nớt, tôi chỉ còn nhớ cảnh hai bên đường làng có rất nhiều đống muối cao ngất như trái núi, trắng lóa mắt dưới ánh mặt trời chói chang, nóng như thiêu đốt. Ngày ấy chưa có phương tiện xe ngựa, xe lam như bây giờ. Con đường từ Ninh Hòa về đến Hòn Khói dài hơn mười bốn cây số, cô Hai dẫn tôi đi bộ. Hai bàn chận bé tí xíu của tôi cứ lê lết theo cô cho kịp. Mỗi lần như thế, về đến được nhà ông nội Mười là tôi lăn quay ra ngủ mê mệt cho đến sáng hôm sau mới tỉnh. Vậy mà tôi không chán. Năm nào cứ đến kỳ nghỉ hè hay Tết là tôi cứ mong ngóng cô Hai tôi vô Nha Trang để dẫn tôi về. Sau nhà ông tôi có nhiều dây sắn nước, tôi cứ đào lấy củ ăn, tha hồ. Ngoài rẫy dưa, cơ man nào là dưa gang, dưa leo, dưa chuột. Tôi cứ bứt ăn vài miếng rồi vất đi, ném vô bụi rậm cho ông tôi khỏi thấy. Lại hái tiếp những trái khác. Trái dưa nào cũng căng mọng những nước, cắn một miếng, mát rượi cả miệng, giữa cái nóng trưa hè, oi bức.Từ khi lên Trung Học cho đến ngày đi tù, hơn mười mấy năm, tôi không có dịp về lại quê nội Hòn Khói. Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ con đường ngắn dẫn vô cổng nhà ông tôi, hai bên trồng đầy hoa vạn thọ vào dịp Tết. Và hoa huệ tím, hoa nở quanh năm. Những bông hoa màu tím nhạt nhỏ xíu bằng ngón tay nổi bật trên nền cát mịn màng, trắng phau phau, cứ làm cho tôi ngây ngất ngắm nhìn.

Bây giờ bỗng nhiên tôi lại được về chốn cũ. Làm sao tôi không khỏi xúc động bồi hồi trong lòng. Tôi nao nức mong xe chạy cho mau đến nơi.

Anh Lời lái xe đưa chúng tôi đi. Anh cũng là tù cải tạo. Anh cũng quê Hòn Khói, người làng Phú Thọ, tiếp theo làng Thạnh Danh rồi tới làng Bình Tây tôi.

Khoai lang cát làng Bình Tây ngon nổi tiếng, bột nhiều, bùi và ngọt. Chúng tôi chọn giống ở đây để đi mua giây hom.

Xe đậu lại đúng ngay con ngõ dẫn vào nhà ông tôi. Cả tổ đi mua hom lang gồm mười hai người. Chúng tôi gửi lon gô, cà mèn và các thứ giỏ lác mang đồ ăn lỉnh kỉnh ở hiên nhà một người dân sát ven đường, để rãnh tay đi cắt hom.

Khi đi ngang nhà ông tôi, tôi thấy ông ngồi trên ghế trước hiên nhà, mắt nhìn mông lung, hướng về phía Dốc Lết. Quang cảnh bây giớ khác hẳn trước. Căn nhà lá ba gian hai chái, rộng mênh mông chứa đầy dưa leo và khoai lang nay không còn. Bây giờ là căn nhà ngói tây, nhỏ hơn căn nhà cũ. Từ cổng vào tráng xi măng. Hai bên vẫn còn những hàng huệ tím đang nở hoa lác đác. Mùa này mới tháng tám, chưa có vạn thọ. Tôi thấy ông nội Mười tôi mà tôi không dám chạy a vào vì có công an đang thúc hối đàng sau. Nước mắt tôi bỗng nghẹn ngào.

Mấy chủ ruộng khoai lang biết chúng tôi là tù cải tạo đi mua hom lang về trồng cho trại, họ không chịu lấy tiền. Họ bảo chúng tôi cứ tha hồ cắt. Miễn đừng làm đứt rễ là được. Trong lúc chúng tôi cắm cúi cắt giây lang, giữa cái nóng hừng hực, khát nước khô cổ, người dân ở đây đã đem cho chúng tôi những gàu nước giếng mát rượi và ngọt lịm.

Đến gần mười hai giờ trưa công việc hoàn tất. Anh Lời xin phép công an Dưỡng về Phú Thọ thăm gia đình. Thấy Ông Dưỡng đang lúc vui vẻ, tôi cũng xin phép ghé vào thăm ông tôi. Khi đi ngang nhà, tôi chỉ cho ông Dưỡng thấy ông tôi. Ông Dưỡng ồ lên một tiếng:

- Nhà anh gần vậy mà sáng giờ không nói tôi một tiếng để tôi cho anh vào thăm sớm!

- Thưa Ông Dưỡng, tôi định làm công tác xong mới xin Ông!

- Ừ! Thôi thế cũng tốt. Nhớ về sớm sớm để ăn trưa rồi còn về trại!

- Cám ơn Ông Dưỡng!

Tôi tách khỏi tổ đang gồng gánh hom lang ra xe, chạy ùa vào nhà. Tôi ôm chầm lấy ông Mười tôi rồi bật khóc nức nở. Ông tôi bây giờ đã quá già. Ông ở trần chỉ mặc có cái quần đùi đen bạc màu thành nửa vàng, nửa nâu. Da ông nhăn nheo chảy thành từng vòng từ ngực xuống bụng. Hai mắt ông không còn tinh anh nữa. Ngày xưa ông cao lớn, vạm vỡ. Những bắp thịt của ông cuồn cuộn. Quanh năm suốt tháng, hết cuốc đất làm rẫy, ông đi cào muối. Bây giờ hai cánh tay dài của ông chỉ còn những lớp da mềm xèo. Ông không nhìn ra tôi. Ông nhìn vào mặt tôi giây lát, nheo mắt lại, ngó từ trên xuống dưới, rồi hỏi:

- Mày là đứa nào?

- Dạ con là thằng Tùy con ông Hai ở Nha Trang đây, Ông Mười.

- Trời! Là mầy đó hả? Sao tao nhìn không ra! Sao mầy ốm nhom, đen thui vậy?

- Dạ! Con đang bị ở tù cải tạo Ông à!

- Ở tù cải tạo? Trời đất quỉ thần ơi! Cháu tôi làm gì nông nổi mà mấy ổng bắt cháu tôi đi ở tù!

Hai hàng nước mắt ông bỗng chảy dài xuống hai bên má nhăn nheo. Ông xoa đầu tóc tôi y như hồi còn nhỏ hớt ca-rê. Ông khóc lặng lẽ. Còn tôi thì cứ rưng rức, ấm ức trong cổ họng. Tôi khóc vì cảm động và tức tửi cho thân phận. Từ ngày đi tù đến giờ, bao nhiêu là đắng cay, khổ nhục tôi vẫn không khóc được. Những giọt nước mắt đã khô cứng trong lòng làm cho tôi chai lì. Bây giờ hình như được khơi nguồn, tôi tha hồ khóc. Hai ông cháu ôm nhau khóc hồi lâu, không nói được gì nhiều. Mỗi lần tôi định hỏi ông về mấy cô Hai, cô Ba, chú Si ... giọng tôi bỗng nghẹn lại nói đứt quãng không tròn câu. Tôi lại khóc. Tôi chưa kịp hỏi ông về đời sống của ông hiện nay ra sao.Tôi vội vã từ biệt ông về lại tổ để ăn cơm trưa. Ông bảo trước khi về trại, ghé lại ông lần nữa, ông sẽ cho cái này.

Khi tôi về lại chỗ nhà ban sáng đã gửi đồ thì thấy anh em đang quây quần quanh một nồi cơm trắng và một soong canh cá chua rất to. Bữa cơm thịnh soạn hôm nay do ông bà chủ nhà tốt bụng, thương tình anh em tù, đãi cho.

Suốt mấy tháng ăn cơm độn bo bo, mì lát với nước muối, chúng tôi thèm một chén cơm trắng với cá hay thịt vô cùng.

Bữa nay, bỗng dưng được bà con đãi cho một bữa hậu hĩ, chúng tôi ăn thỏa thuê một cách ngon lành. Trong đời, tôi chưa thấy bữa ăn nào ngon lành và hạnh phúc đến như vậy. Chúng tôi vừa ăn vừa nghe ông chủ nhà kể chuyện:
- Mấy cháu cứ ăn cho no! Cơm, cá này là do nhiều người quanh đây góp cho. Bây giờ ai ai cũng khổ, cũng đói. Nhà tui làm gì có đủ gạo và cá nấu cho mười mấy cháu ăn. Người dân thấy thương các cháu quá, không biết làm sao, nên hùn nhau mỗi người một nắm gạo và vài con cá đánh bắt được đãi các cháu.


Chúng tôi ai nấy đều xúc động, chỉ biết nói lời cám ơn suông trước tấm lòng nhân ái của người dân nghèo Hòn Khói, Bình Tây.

Nhiều người tò mò kéo đến đứng ngoài hàng rào nhìn vô chúng tôi. Họ trao đổi thầm thì. Nhiều cái gật đầu và nhiều ánh mắt tỏ vẻ thương xót. Chốc sau, họ mang đến tặng cho chúng tôi những bịch thuốc rê. Họ chỉ nói vỏn vẹn:

- Mấy em đem về trại hút cho đỡ buồn! Bà con ở đây nghèo quá!

Cán bộ Dưỡng thúc ra về cho sớm. Tôi vội chạy xuống nhà ông tôi để chào từ biệt. Ông đưa cho tôi cái bao cát Đại Hàn, trong đó có hai củ khoai tím to hơn bàn tay và mấy củ khoai lang. Ông nói:

- Mấy thứ này Nội vừa đào ở vườn lên. Con cầm theo vô trại ăn dần cho đỡ đói. Nội không có tiền bạc gì cho con.

- Con không cần tiền bạc Nội à! Trong tù đâu có xài tiền. Mấy củ khoai của Nội con sẽ để dành ăn cả tháng. Con xin chào Nội con đi, không biết ngày nào con mới gặp lại Nội.

Ông ôm tôi lần nữa, ông siết chặt tôi vào lòng. Hơi ấm người ông tỏa sang tôi làm cho tôi lại xúc động bùi ngùi. (Năm 1981, tôi được thả, về lại quê thăm ông thì ông đã mất hơn một năm rồi)

Nguyễn Thanh Ty
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn