BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hai trường hợp ngộ độc

24 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 2272)
Hai trường hợp ngộ độc
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tôi xin kể lại đây một sự thật về cách Việt Cộng giết Tù Nhân Chính Trị trong những trại giam của chúng. Nạn nhân thoát chết là tôi, mặc dù tôi không phải là mục tiêu riêng biệt mà chúng nhắm. Tôi không có cái “vinh dự” được chúng chú ý đặc biệt đến như vậy! Tôi chỉ là một Tù Nhân Chính Trị trong khối hàng trăm ngàn Tù Nhân Chính Trị mà chúng chủ tâm tiêu diệt toàn bộ. Tôi muốn nói việc Việt Cộng chủ tâm giết hàng triệu người là một chính sách chứ không phải là những thủ đoạn riêng rẽ, những hành động có tính cách địa phương.

Dư luận ngoại quốc thường cho là không có thảm trạng tắm máu khi Việt Cộng chiếm được miền Nam Việt Nam. Nếu hiểu tắm máu là bắn giết bừa bãi như anh đồ tể Pol-Pot bắn đồng bào của anh ta tại Cam-Bốt thì quả Việt Nam không có tắm máu. Việt cộng quá quỉ quyệt để không hành động trắng trợn như vậy. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa tắm máu là giết người hàng loạt nhưng không thấy máu đổ, thì ở Việt Nam có tắm máu sau ngày lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng chiếm lãnh!

Có thể hai chữ tắm máu chưa mô tả đúng cuộc tàn sát có kế hoạch qui mô trong những trại giam, mà phải mượn một hình ảnh khác gần với việc giết người hàng loạt của Việt cộng hơn: Hình ảnh những lò sát sinh của Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Đức giết nhiều người hơn Cam-Bốt, nhưng so về cách giết thì Đức tinh vi hơn, tuy nhiên so với Việt Cộng thì mức tinh vi của Đức vẫn chưa bằng. Lò sát sinh của Đức còn bị dư luận gọi đích danh là lò sát sinh, là chỗ giết người. Hitler còn phải tốn hơi ngạt để giết tù nhân, tốn ga để đốt xác họ. Việt Cộng giết người không tốn gì, không mang tiếng, mà còn có lợi bằng cách khai thác sức lực của hàng trăm ngàn Tù Nhân Chính Trị mà chúng giam và giết bằng chế độ làm việc khổ sai, ăn uống đói khát. Cái chết đến với người tù chậm hơn, đau khổ hơn, nhưng cũng chắc chắn không kém gì cái chết của những tù nhân Do Thái trong lò sát sinh. Có thể nói trại cải tạo giết người gọn hơn, kiến hiệu hơn, mà khi bị dư luận lên án, Việt Cộng còn có thể chống chế ngụy biện được.

Ăn đói, làm việc khổ cực, tinh thằn luôn bị hành hạ, anh em Tù Nhân Chính Trị chúng tôi lần lượt và âm thầm dắt nhau đi vào cõi chết! Chúng tôi đào huyệt chôn nhau. Những cuộc tiễn đưa tử biệt diễn ra thường xuyên và buồn thảm, kẻ còn sống thương người ra đi ít hơn là xót xa cho chính bản thân mình còn phải sống lại trong kiếp đọa đầy. Chúng tôi còn mừng cho kẻ ra đi được thoát trại, dù chỉ thoát bằng cái xác bó trong manh chiếu rách!

Câu chuyện của tôi xẩy ra vào mùa Đông năm 1978 tại trại tù cải tạo T.6. Trại này nằm trên sườn giải Trường Sơn thuộc vùng Nghệ An – Hà Tĩnh. Tôi không nhớ, hay nói rõ hơn tôi không biết rõ ngày tháng, vì tiêu mốc thời gian chẳng còn một chút quan hệ nào trong kiếp tù khổ sai thăm thẳm chẳng định kỳ của chúng tôi. Mang bản án hai chục, ba chục năm, người tù còn đếm thời gian chờ ngày mãn tù; đằng này không có án, không biết thời gian bị giam cầm, chúng tôi không quan tâm đến thời gian nữa, và chỉ đánh dấu, xác định thời gian bằng những diễn biến. Đại loại chúng tôi nói với nhau:

- Bữa tôi ngất xỉu là ba bữa sau ngày anh Hóa trốn trại đó.

Hoặc:

- Anh mất cái mền tuần trước thì tuần sau bà xã tôi đến thăm nuôi...

Ngoài ra, những chi tiết như ngày nào, tháng mấy đối với chúng tôi cũng mù mịt như kiếp giam cầm mù mịt vô hạn của chúng tôi vậy.

Tôi chỉ nhớ hôm đó vào một ngày mùa Đông, trời mưa. Mưa khá lớn và gió lạnh cắt da. Bẩy giờ sáng mà chưa nghe kẻng tập họp “trực nhà” (1) đi lãnh đồ ăn sáng. Đây là một việc bất bình thường. Sáng sáng chúng tôi phải thức dậy từ tờ mờ để đợi lãnh đồ ăn sáng trước khi kéo nhau đi lao động. Có thể hôm nay vì mưa lớn và thời tiết quá lạnh nên trại cho chúng tôi nghỉ chăng? Những ngày không lao động bọn chúng thường cắt phần ăn của chúng tôi. Chúng bảo, tay không làm thì hàm nghỉ nhai. Không được ăn, buồn vì đói nhưng chúng tôi cũng mừng vì được nằm trong trại, khỏi dầm mưa, khỏi chịu cái lạnh khiếp đảm của Trường Sơn. Nếu được chọn chúng tôi chắc chắn sẽ chọn đường nhịn đói, nghỉ việc; nhưng dĩ nhiên chúng tôi không có cái quyền kén chọn đó. Chúng tôi chỉ nhẫn nhục chờ lệnh của bọn quản ngục vô cùng dốt nát và cực kỳ ác độc

Sau nửa tiếng đồng hồ lóng ngóng chờ đợi, anh Dũng, người bạn nằm cạnh tôi chui vào “tấm đắp” (2) nằm yên. Năm đó Dũng ngoài 40 tuổi, vóc người tầm thước nhưng có sức và có nghị lực chịu đựng gian lao, đói khổ. Trong Quân-Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh mang cấp bực Thiếu Tá và phục vụ trong hàng ngũ Địa-Phương-Quân.

Dũng thường khuyên tôi nên coi nhẹ mọi việc xẩy ra trong cuộc sống tù đầy. Anh nói:

- Mình phớt hết đi, coi những hành hạ, sỉ nhục của chúng như không có, chứ mỗi chuyện mỗi buồn, mỗi khổ thì sức đâu chịu đựng cho nổi.

Anh thường phân tích ba cách mà Việt Cộng xử dụng để hành hạ tù nhân là bắt làm việc khổ sai, trừng phạt, đánh đập, cho ăn đói để hành xác và chửi rủa, sỉ nhục để hành hạ tinh thần. Anh chủ trương dù người tù chính trị không làm gì được để chống lại những hành hạ thể xác, họ vẫn có thể phớt tỉnh giả điếc, giả ngơ, và tự chủ nội tâm để vô hiệu hóa phương cách hành hạ tinh thần của bọn quản ngục.

Anh chỉ cho tôi một phương pháp thiền: giữ tư thế bất động dù là đang nằm, ngồi hay đứng, nhắm mắt và dốc trống tâm tư không suy nghĩ, không bận tâm đến bất cứ một điều gì nữa cả. Anh chủ trương không phí phạm một chút nhỏ nhoi nào cái sinh lực còn lại trong cơ thể. Chúng tôi cũng hiểu và hoàn toàn đồng ý với Dũng.

Mơ tưởng hình ảnh vợ con, thương nhớ kỷ niệm những ngày tự do đã mất, hay buồn trách hiện tại đen tối đọa đầy đều là nhũng khích động khiến nhịp tuần hoàn chạy mau hơn, tạo ra nhu cầu tiêu hóa làm xót xa cái dạ dầy trống rỗng.

Cơ thể bất động, tâm tư cuộn tròn, chúng tôi giữ cái thế của những con thú Bắc cực ngủ trọn mùa đông, không thực phẩm dinh dưỡng.

Nhìn Dũng nằm tôi hiểu là anh thiền để giữ sinh lực, nghị lực và chút thực phẩm đã ăn từ chiều hôm trước. Phủi chân tôi định leo lên xạp bắt chước anh thì có tiếng kẻng tập họp khua vang. Anh em thở dài ngồi dạy, bò ra khỏi chỗ, xuống xạp, xỏ giép, lấy bạt áo tơi rồi kéo nhau ra sân. Tất cả những động tác này đều tiến hành trong chừng mực, không hấp tấp. Ai cũng ý thức được nhu cầu và phương pháp bảo vệ chút sinh lực thoi thóp còn lại.

Bọn quản ngục ra lệnh cho chúng tôi đi lao động, nhắc nhở những qui định mà chúng đã đặt ra. Điều bất thường là chúng tỉnh bơ không nói gì đến phần ăn mà mỗi sáng chúng phát cho chúng tôi trước giờ lao động. Mọi người nhìn nhau, không ai lên tiếng thắc mắc, hỏi han gì cả. Chúng tôi đã có kinh nghiệm. Chúng không cho ăn thì thôi, hỏi cũng không co,ù mà lại còn tạo thêm cơ hội cho chúng chửi rủa, nhục mạ chúng tôi.

Dưới trời mưa tầm tã, với cái bao tử trống rỗng, và viễn ảnh một ngày làm việc quần quật trong lúc run rẩy vì đói, đoàn tù nhân chính trị chúng tôi thiểu não cất bước ra khỏi trại. Những anh em có tấm ni-lông làm áo mưa còn đỡ ướt, đỡ lạnh. Nhưng ni-lông là vật hiếm, một mặt hàng sang, mà chỉ những người may mắn có thân nhân thăm nuôi mới có. Nhiều anh em dùng bao bố đựng gạo làm áo lạnh và cả áo mưa. Loại áo này gặp mưa thì chỉ giữ được cho người mặc được khô, ấm trong vài phút, nhưng khi đã thấm nước nó còn lạnh hơn, ướt hơn và trở thành nặng nề vô cùng.

Tôi cúi đầu yên lặng bước theo các bạn đồng hành. Đoàn người đi hàng một, chậm chạp, yếu đuối và cam phận, không gây bao nhiêu xê dịch không khí, không tạo tiếng động nhiều hơn những bóng ma. Nghĩ cho cùng chúng tôi cũng chỉ là những bóng ma, những xác chết chưa chôn, những tử tù đang bị bọn thắng trận vừa là đồng loại, vừa là đồng chủng lên án tử hình và đang thi hành bản án bằng phương pháp dã man hơn xử trảm, xữ giảo hay xử bắn. Thực dân Pháp xử trảm nhà ái quốc Nguyễn Thái Học cũng chỉ tạo đau đớn cho ông trong vài giây. Đằng này Việt Cộng kéo dài việc hành hình chúng tôi ra thành nhiều năm, bắt chúng tôi chịu đựng tối đa đau đớn trước khi chết.

Tôi được hai củ khoai bé bằng ngón chân cái trong bữa ăn chiều qua. Những củ khoai bé như vầy chúng tôi đã mang từ ngoài rẫy về nhà bếp của trại. Còn những củ khoai lớn, củ lỡ bọn quản ngục chở đi nơi khác.

Tôi vo tròn hai củ khoai trong tay, hai củ lọt gọn trong lòng bàn tay tưởng cũng là hình ảnh đủ nói lên mức đói của chúng tôi. Ngoài khoai, bữa ăn chiều của tôi còn có thêm một muỗng nước muối. Tôi rót muỗng nước muối này vào trong một cái chai nhỏ, cẩn thận cất vào túi ny-lông.

Tôi chia hai củ khoai thành hai lần ăn. Dù lối ăn dè xẻn này không làm tăng sức dinh dưỡng của số khoai không nặng đến 100 gram, nhưng vẫn nhân đôi cảm tưởng được ăn, và vẫn hai lần đánh lừa được cơn đói.

Tôi cũng không bỏ nguyên củ khoai nhỏ vào miệng, mặc dù cả hai củ chỉ vừa bằng một miếng ăn. Tôi cắn củ khoai làm tư, không nhai mà ngậm cho đến lúc miếng khoai nhỏ đệm chút nước muối tan thành nước bọt. Tôi thực sự uống đồ ăn đúng cách dinh dưỡng của môn phái thiền, mặc dù tôi không có ý định áp dụng phương pháp đó. Tôi chỉ muốc kéo dài bữa ăn đói, kéo dài cái cảm tưởng là đang ăn.

Nhưng dù có dè xẻn, chắt chiu đến đâu thì hai củ khoai ăn từ chiều hôm trước cũng đã bị tiêu hóa trọn vẹn. Tôi cố quên cái bao tử trống trơn trong lúc cùng các bạn đồng tù đi qua rẫy mì. Lưỡi cuốc trong tay chỉ cần cắm phập một nhát mạnh vào lòng đất là tôi có được một củ khoai mì đủ cho tôi ăn no suốt ngày hôm đó. Nhưng bọn quản ngục thường mai phục, rình rập tù đào trộm mì. Hành động đói ăn vụng này của chúng tôi bị bọn chúng thổi phồng lên thành tội phá hoại kinh tế, và người ăn vụng bị chúng hành hạ tàn nhẫn đến mức anh em chúng tôi thà chịu đói chứ không dám đào khoai, trộm mì nữa.

Đoạn đường từ trại giam ra công trường dài khoảng ba cây số . Ba cây số xa hơn nữa sát vào chân núi là chỗ chôn tù, với những nấm mộ hoang mà cụ Nguyễn Du mô tả là: Xè xè nắm đất bên đường.

Nàng Đạm Tiên còn được chôn bên đường; thân xác anh em chúng tôi bị vùi trong một góc núi ảm đạm, thê lương, không bao giờ có người qua lại, dù là trong tiết thanh minh. Tuy nhiên anh em tù vẫn trang trọng gọi vùng đất có những nấm mồ không bia, không có đến cả nắm đất xè xè đó là “Nghĩa Trang Liệt Sĩ”. Trong những giờ dài lao động, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn về phía nghĩa trang, cái nhìn không thèm muốn, không ước ao, nhưng cũng không lo sợ. Cái chết đối với chúng tôi chỉ là một cách trốn trại mà không bao giờ còn sợ bị bọn quản ngục bắt trở lại, một cách chấm dứt cuộc hành trình. Không ai sợ chết, nhưng cũng không mấy người tự tìm cái chết.

Chúng tôi nắm níu chút hy vọng mong manh sẽ có ngày còn sống trở về với vợ con. Sức mạnh của hy vọng quả là kỳ diệu. Thiếu hy vọng này chắc chúng tôi không ai vượt nổi những thử thách của đói khát và cực hình.

Đói run nhưng tôi vẫn phải mạnh tay cuốc cỏ tranh, cố gắng làm cho đủ chỉ tiêu được ấn định. Làm không đủ chỉ tiêu bọn quản ngục lại chửi rủa, hành hạ. Trong những ngày không đói quá, cây cuốc cũng không đến nỗi quá nặng; nhưng sáng hôm nay vì không có gì dằn bụng nên chỉ làm đến khoảng 10 giờ là tay tôi đã bủn rủn không còn dở lưỡi cuốc lên khỏi mặt đất được nữa.

Tôi quỵ xuống trên đôi đầu gối rồi chống cả hai tay trên mặt đất vừa cuốc lồi lõm, dùng tay chịu đựng sức nặng của cơ thể. Cùi chỏ run rẩy, mắt hoa lên, tôi hít từng hơi dài rồi từ từ thở hắt ra, dùng phương pháp hô hấp để điều hòa nhịp tuần hoàn. Vẫn giữ lối hô hấp đều và dài, tôi nhắm mắt tập trung tư tưởng để tự tạo cho mình cái ám thị là mình không đói lắm. Nhưng dĩ nhiên đói không phải là một tạp niệm, do đó xua đuổi cái ý thức là mình đang đói không phải là việc dễ làm.

Nhưng rồi tôi cũng từ từ hồi sức. Thiền trong thế hàm mô công chắc chắn là điều mà sau Tây Độc (3) chỉ có một mình tôi khám phá ra. Nhưng Tây Độc là một nhân vật giả tưởng, tôi mới là người thực sự và duy nhất biết thế võ kỳ bí này.

Thong thả tôi mở mắt và bật cười thành tiếng. Tôi cười cho cái sức mạnh của trí tưởng tượng. Tôi vừa thoáng nghĩ tới Tây Độc và thế võ hàm mô công thì sư phụ của Tây Độc, một chú cocù tía hiện hình ngồi trước mặt tôi. Anh em tù nhân chính trị chúng tôi rất kính trọng loài cóc tía này và gọi cóc là Cậu, vì lý do con cóc là cậu ông trời thì ít, mà vì thớ thịt mềm mịn, mùi thơm tho của Cậu thì nhiều. Tôi nghĩ vì quá đói tôi đã mơ tưởng thịt Cậu và do đó tôi nhìn thấy Cậu. Cậu to gần bằng con gà giò, đang ngồi trong thế chống tay giống như tôi và đang giương mắt nhìn tôi.

Tôi cười vì cái tặng phẩm độc đắc và cũng độc ác của trí tưởng tượng, rồi từ từ nhắm mắt lại, tập trung tư tưởng xua đuổi ảo ảnh. Tôi tự nhủ là tôi không đói lắm là tôi thừa sức chịu đựng chờ bữa ăn trưa.

Sau hơn một phút định tâm tôi lại từ từ mở mắt yên chí là Cậu Cóc ảo tưởng đã biến mất. Nhưng không, Cậu vẫn ngồi đó, vẫn giương mắt cóc nhìn tôi, có vẻ như muốn phản đối việc tôi, một kẻ thuộc giống người, hai chân, cơ thể vốn thẳng góc với mặt đất ra chiều hướng thượng, hôm nay lại vi phạm cái độc quyền ngồi bốn chân của nhà Cậu.

Mắt Cậu Cóc đỏ au, da vàng ánh. Hả miệng Cậu táp gió hay táp một loại vi khuẩn nào đó thật nhỏ trong không khí, nhỏ đến mức thị giác của loài người không nhìn thấy được. Dù không thấy Cậu táp gì, tôi vẫn thấy rõ một điều, tôi đang trúng số độc đắc.

Quơ tay tôi chụp nhanh vào lưng Cậu. Cậu phát ra một âm thanh phản đối rồi cố gắng vùng vẫy chống cự. Tôi sướng run lên vì cái may ngàn năm một thuả vừa đến vô cùng đúng lúc. Lấy ra cái túi ny-lông có đựng chai nước muối còn hơn nửa tôi nhốt tạm Cậu vào đó, chờ giờ nghỉ trưa sẽ thịt Cậu và đem kho với chút nước muối còn lại.

Viễn tượng một bũa ăn trưa linh đình với món thịt Cậu ngon ngọt làm tôi nghe cơ thể khỏe mạnh hơn. Tôi quơ cây cuốc, gác lên vai mà không còn cảm thấy sức nặng quá đáng của nó nữa. Đây là một xác nhận thêm về sức mạnh cả sự tưởng tượng, và của những thuật tạo ra tưởng tượng như thôi miên, tuyên truyền. Rảo bước tôi đi về phía đầu luống đất vừa khai phá để tìm Dũng.

Anh đang đều đặn làm việc, không vội vã nhưng cũng không uể oải. Bốn cái không của anh là không thất vọng, không cầu mong, không buồn, không giận, và tôi nghĩ nếu cần, anh có thể vẽ ra một lô những cái không khác nữa trong chủ thuyết vô tâm của anh.

Tôi giơ cái túi ny-lông nhốt Cậu lên cao để khoe với Dũng. Buông cuốc chạy mau lại anh mừng rỡ, thành kính chiêm ngưỡng Cậu rồi bảo tôi:

- Anh thật may mắn. Vớ được Cậu ở đâu vậy?

- Cuối luống đằng kia. Thật ra thì Cậu tìm tôi, chứ không phải tôi tìm ra Cậu.

- Anh tìm Cậu hay Cậu tìm anh thì cũng vậy mà thôi. Có gì bỏ bụng là quí lắm rồi.

- Trưa nay anh em mình cùng ăn.

Dũng từ chối. Anh không muốn chia miến ăn vô cùng hiếm hoi của bạn, nhưng dĩ nhiên là tôi không chịu ăn một mình. Trưa hôm đó, sau khi bị nài ép Dũng không thể từ chối được nữa, anh ngồi bên tôi bốc một cái đùi cóc chầm chậm ăn từng miếng nhỏ. Dụng ý của anh là dành phần lớn cái may độc đắc cho tôi, người trúng số.

Anh không ngờ rằng nhờ tốt bụng mà anh chỉ ngộ độc nhẹ trong lúc tôi nôn mửa thốc tháo rồi mê man ngất đi, tưởng đã được thoát trại theo anh em về nằm thảnh thơi trong nghĩa trang nơi sườn núi.

Dũng và một người bạn tù khiêng tôi về y-trạm của trại. Trạm này do anh Đẩu, một Sĩ Quan Quân Y trong ngành Không Quân của Quân-Lực Việt Nam Cộng Hòa trông coi; trong những ngày tù tội chúng tôi phong chức cho anh là Y-Sĩ-Trưởng T.6. Anh em tù khi lao động bắt được những sinh vật lạ như rắn, rết, chuột, cú, rơi , cho đến cóc, nhái, ốc sên, cào cào, châu chấu ... và hỏi anh xem có ăn được những loại đó không; câu trả lời trở thành bất hủ của anh là:

- Con gì nhúc nhích được là ăn được.

Tôi mê man hai ngày liền và khi mở mắt tỉnh dậy thì thấy Đẩu ngồi cạnh. Anh cười hiền hòa rồi bảo tôi:

- Lần này chưa thoát trại được.

* * *

Câu chuyện ngộ độc của tôi có thể xẩy ra bất cứ ở đâu. Ngay trên đất Mỹ này vẫn có người ăn “Jack In The Box” ngô độc mà chết. Tuy nhiên vẫn có nhiều khác biệt trong hai cách ngộ độc.

Người chết vì ăn thực phẩm hư của Jack In The Box có quyền không ăn, có quyền chọn chỗ khác để ăn, và khi rủi ro chết vì ngộ độc, thân nhân của họ có quyền được bồi thường xứng đáng.

Có người sẽ lập luận là tôi vẫn có quyền không ăn thịt Cậu, vì dù có đói tôi cũng vẫn chưa chết trước bữa ăn chiều.

Tôi hoàn toàn đồng ý, dù không ăn thịt Cậu tôi cũng không chết đói ngay ngày hôm đó. Tuy nhiên câu chuyện cũng không đơn giản như vậy, và tôi cũng muốn xác nhận sự bất tài của tôi.

Từ lâu tôi đã thử nhiều lần, thử viết đi, viết lại chính sách của Việt Cộng giết tù nhân chính trị bằng những cơn đói và những cay cực kéo dài triền miên. Viết đi, viết lại nhiều lần, nhưng không lần nào tôi ưng ý việc tôi làm cả.

Lần này, câu chuyện tôi viết ra, mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng vẫn chẳng làm tôi ưng ý hơn. Tôi vẫn làm cho người đọc nghĩ là từ bữa ăn chiều hôm trước chúng tôi có đói, nhưng đó không phải là tình trạng quá nghiêm trọng, và nếu sáng hôm đó bọn quản ngục có phát thực phẩm thì có lẽ tôi đã không ăn thịt Cậu, đã không ngộ độc.

Sự thật không đúng như vậy. Chúng tôi đói kinh niên, đói triền miên, không lúc nào là không đói, nên dù hôm đó có được lãnh thực phẩm ăn sáng thì tôi vẫn phải thú nhận là chắc chắn tôi cũng sẽ không buông tha Cậu. Tôi hy vọng điều thú nhận này làm cho người đọc nhận ra sự khác biệt giữa cái đói của người tù chính trị và cái đói của những người xếp hàng chờ đến lượt trong các tiệm ăn “Phát-Phút” (3) để từ đó nhận ra sự khác biệt của hai trường hợp ngộ độc ./.

Ngô Xuân Tâm 

Cước chú:

(1) Trực nhà: Trong một trại tù có nhiều dẫy nhà, mỗi dẫy bọn quản ngục chọn một người tù ở nhà lo việc quét dọn vệ sinh, lãnh thực phẩm, nước uống về phát cho từng đội ở trong dẫy nhà ấy.

(2) Tấm đắp: Tù nhân làm tấm đắp bằng đủ mọi thứ: bao bố, bao cát, miếng ny-lông, những miếng vải rách ghép lại ... để chống rét.

(3) Tây độc: Nhân vật trong truyện chưởng Thần Điêu Đại Hiệp thường ngủ ở tư thế của con ếch.

(4) Phát phút: Fast food.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn