BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73952)
(Xem: 62320)
(Xem: 39516)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lá Thư Chưa Viết

12 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1964)
Lá Thư Chưa Viết
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nhân xem cuốn DVD số 58 của Trung Tâm Asia với chủ đề: "Lá thư từ chiến trường" tôi đã rất bồi hồi xúc động khi nghe đọc lại những lá thơ mà người lính ở tiền tuyến viết vội vã về cho người yêu hay cho cha mẹ, và những lá thơ do các người em hậu phương gởi cho người tình nơi tiền tuyến. Dù sao, đó cũng là những lá thư đã được viết. Những người anh trai tiền tuyến đó đã rất là hạnh phúc khi đã có được những thì giờ quý báu để viết thư cho người em gái hậu phương. Người em gái ở hậu phương cũng đã rất may mắn khi đã chờ đợi và đã nhận được bức thư của người yêu gởi về. Còn những lá thư mà người lính chiến rất muốn viết cho người em gái hậu phương, nhưng chưa viết được, thì sao?

Còn những người em gái hậu phương, đã chờ đợi lá thư hồi âm ngày này qua ngày nọ, để rồi không bao giờ nhận được thư của người yêu từ tiền tuyến gởi về thì sao? Có những lá thư loại này hay không?

Có đấy, bạn ạ!

Những lá thư loại này, sẽ không bao giờ được Trung Tâm Asia đề cập tới.

Những lá thư loại này cũng sẽ không bao giờ được bất cứ ai nhắc tới.

Lý do sẽ rất dễ hiểu: Người Viết chưa viết thì làm sao có thư mà nói tới?

Người nhận không bao giờ nhận được hồi âm, thì lấy đâu ra thư mà đọc, mà kể lể?

Có những người anh trai tiền tuyến, muốn gởi thư về cho người yêu ở hậu phương lắm, nhưng, trời không chiều lòng người, dù đó là một anh lính chiến ở miền xa, rất thương nhớ người yêu.

Những người chiến binh chưa kịp viết thư về cho người yêu đó, không phải vì anh ta không muốn viết, cũng không phải vì anh ta không còn yêu thương người em gái hậu phương nữa. Thư của người yêu anh ta vừa mới nhận được, còn để ở trong túi áo, chỉ mới mở ra thôi, chứ chưa kịp đọc hết. Cũng có thể anh đã đọc thư xong rồi và đang sửa soạn viết thư cho người yêu.

Nhưng anh ta chưa kịp nghĩ về nội dung bức thư sẽ viết, chưa kịp có thì giờ để viết, thì anh đã... tử trận rồi!

Những người em gái ở hậu phương, từ ngày xa người yêu, đã ngày ngày chờ đợi hồi âm. Những cô gái này đã sửa soạn sẵn nhưng giòng chữ nhớ thương, đã sửa soạn sẵn những tờ giấy viết thơ mầu xanh yêu thương, phong bì mầu tím con tim. Cuối cùng là những con tem bưu chính, cũng đã được mua sẵn. Nhưng, những lá thư này chưa được dùng tới, chưa được viết, vì còn chờ tin người anh trai tiền tuyến. Người em gái hậu phương ngày ngày mong đợi thư hồi âm từ tiền tuyến. Cô nhận được thư là sẽ viết ngay thơ trả lời.

Nhưng thư hồi âm từ tiền tuyến không bao giờ tới tay cô. Ngược lại, chỉ có một bức điện thơ gởi tới:

"Rất lấy làm đau đớn báo tin buồn:
Cố Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân đã hy sinh vì Tổ Quốc..."


Nguyễn Ngọc Lân tốt nghiệp khóa mấy Thủ Đức? Tôi không biết. Vì khi còn đi học, anh không học cùng trường với tôi. Khi vào Thủ Đức, anh cũng không học cùng khóa với tôi. Khi nhận đơn vị, anh về Vùng 3, còn tôi thì bay tuốt lên tới vùng Pleiku gió núi mưa mùa mà làm bạn với những con vắt trong những khu rừng cây ngút ngàn. Tôi được biết tới Lân là nhờ đọc "Tập San Biệt Động Quân" số 3, do Tổng Hội Biệt Động Quân (trụ sở đặt tại Hoa Kỳ) xuất bản.

Sau khi học xong khóa Trợ Y, Chuẩn Úy Nguyễn Ngọc Lân đã tự lựa chọn binh chủng Biệt Động Quân để để phục vụ và được phân phối tới Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân, đang tham chiến tại Phước Long.

Ngày lên đường đáo nhậm đơn vị, bạn bè cùng lớp và người bạn gái tên Vân đã ra đưa tiễn anh tại phi trường. Yêu thương Lân, Vân đã gởi hết tâm sự đầy vơi của mình vào trong một bức thư, nhét vội vào túi áo Lân khi anh vẫy tay từ giã mọi người, dặn anh khi tới đơn vị mới hãy đọc thư của nàng. Tới Phước Long, nơi chiến trận đang diễn ra thật tàn khốc, ngay lập tức, Lân đã cùng đồng đội trong đơn vị tham dự những cuộc hành quân gay go cam khổ, lửa đạn tơi bời.

Chiến trường quá khốc liệt, người lính Biệt Động hết giữ vai trò phòng thủ, lại đổi qua tấn công. Tấn công rồi lại bị dội ngược lại chiến hào ngồi chịu đựng pháo kích. Chỉnh đốn hàng ngũ rồi lại tấn công đuổi địch... Người lính Biệt Động phòng thủ ở đâu? Tấn công ở bất cứ chỗ nào? Không cần biết! Nếu họ bị thương, người trợ y phải lên tới nơi mà băng bó cho họ, để họ có thể phục hồi sức khoẻ mà tiếp tục chiến đấu. Nếu người lính bị thương nặng, trợ y phải kéo họ về nơi an toàn để nghỉ ngơi hoặc chờ đưa về hậu cứ.

Một đêm chiến trận, Lân và anh em trong toán trợ y đã phải bò lên tận tuyến đầu để cứu những người đồng đội bị thương nặng. Trong khi hăng say với nhiệm vụ, Lân đã hứng một viên đạn trúng ngay sau ót và trở thành người được cứu thương. Đồng đội đã cố gắng kéo anh về hậu tuyến.

Nhưng thương ôi! Anh đã chết ngay từ lúc bị bắn rồi.

Những người bạn còn lại chỉ biết thở dài và làm một công việc cuối cùng là lấy cái pông sô anh đang đeo bên mình mà phủ kín lấy thân xác anh, chờ trực thăng tới chuyển về hậu cứ.

Tại nhà xác Quân y viện, Mai Châu, một đồng đội, nghe tin có một sĩ quan trợ y chết tại chiến trường, đã tự đến nhìn xác người chiến hữu cũng là đồng nghiệp một lần cuối. Nhân đó, anh tìm kiếm giấy tờ tùy thân và vật dụng cá nhân của Lân để gởi trả lại gia đình. Mai Châu tình cờ tìm thấy một lá thơ Lân còn để trong túi áo, anh vội vàng bóc ra đọc, hy vọng tìm được địa chỉ của người gởi thư. Lá thư dính đầy máu, thật là khó đọc. Người gởi là Vân, người yêu của Lân. Nhìn ngày tháng trong thư, Mai Châu bàng hoàng xúc động: Lá thư mới viết cách đây có mấy ngày.

Trong thư, Vân đã cầu chúc cho Lân ra tới đơn vị được bình yên. Tới nơi, hãy viết thư về ngay, để Vân được an tâm. Vân cũng biết rằng, cuộc sống quân ngũ sẽ rất gian lao vất vả, và thật là nguy hiểm, nên đã nhắc với Lân phải luôn luôn cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, nhất là mạng sống của mình, vì mạng sống này không những chỉ của Lân, nó còn là của Vân nữa. Xa Lân, Vân đã cảm thấy thương anh nhiều hơn, và sẽ chờ đợi thư anh gởi về cho vơi niềm thương nhớ. Vân cũng đã nhắc lại cho anh những kỷ niệm thời ấu thơ, hai đứa đã quen nhau suốt muời bốn năm trường, chưa bao giờ phải xa cách nhau lâu. Hồi ở quân trường, tuy xa nhau nhưng Vân vẫn có thế gặp lại Lân trong những giờ thăm viếng. Dịp đi về đơn vị này, lần đầu tiên Lân phải đi xa mà Vân không biết chừng nào Lân mới được gặp lại, nên nỗi nhớ nhung càng gia tăng. Vân cũng hứa chắc với Lân rằng, dù chưa biết ngày nào Lân trở về, nhưng dù đó là ngày rất gần hay rất xa, Vân sẽ vui lòng chờ đợi. Khi anh trở về, Vân sẽ là người đầu tiên ra mừng đón anh. Cuối thơ, Vân hứa sẽ thương anh trọn đời.

Mai Châu đã cố gắng lục soát hết mọi túi trong bộ quân phục nát bấy tìm thư trả lời của Lân để gởi cho Vân, nhưng không có lá thơ trả lời nào cả.

Mặc dù thư đã bóc, nhưng chưa chắc là người tử sĩ này đã đọc hết được bức thư, vì từ ngày thư viết cho tới khi xác được mang về, tiểu đoàn hành quân đụng trận liên miên. Thì giờ đọc thư còn hạn hẹp hoặc không có, nói chi tới chuyện viết thư trả lời.

Đọc phong bì tới lui nhiều lần, Mai Châu mới viết ra được địa chỉ của Vân, anh đã tự mình ra bưu điện gởi một bức điện tín về cho Vân, và cho gia đình Lân, báo tin Lân đã tử trận. Những vật dụng cá nhân khác sẽ được gởi về cho gia đình Lân theo địa chỉ trong hồ sơ quân bạ.

Thương cảm cho đời người lính Biệt Động quá ngắn ngủi, thương cảm cho người con gái hậu phương mòn mỏi chờ thư người yêu mà thư không bao giờ đến, Mai Châu đã sáng tác ra một bài thơ để đời, đặt tên là "Tiễn Một Người Đi" mà tôi xin được sao lại sau đây:

Tôi tiễn đưa anh
Người lính chiến Biệt Động Quân
Lên đường đáo nhậm đơn vị
Miền đất đỏ khô cằn, sỏi đá
Đất Bình Long!
Trời Sài Gòn
Mưa thu rơi nhiều lắm
Thấm ướt áo anh, màu áo hoa rừng người lính chiến
Ướt áo tôi, màu áo trắng sinh viên
Tôi và anh
Học chung trường từ thuở nhỏ
Quê nhà mình cùng chung một giòng sông
Màu phù sa đất đỏ
Giòng sữa Mẹ Cửu Long
Nuôi mình lớn lên trong tình thương Đất Mẹ.
Trời mưa lạnh,
Cơn mưa rào của cảnh biệt ly
Đôi mắt anh thật buồn, sâu thăm thẳm
"Mày đừng buồn nhớ viết thư thăm Vân!"
Người yêu anh đó, người yêu anh bé nhỏ
Hứa thương anh trọn đời ....
Phi cơ cất cánh, hai đứa vẫy tay
Mắt tôi cay, vì mưa rơi vào mắt
Má tôi ướt, vì gió lạnh mùa thu
Anh đi nhé vì giòng sông của Mẹ
Bảo vệ quê hương khỏi giặc thù.


Hai tuần lễ sau,
Một điện thơ từ Tiểu Đoàn 31
Rất lấy làm đau đớn báo tin buồn
Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân đã hy sinh vì Tổ Quốc!!
Nước mắt tôi nhạt nhòa...
Anh nằm đây, gương mặt thật hiền hòa
Như đang ngủ
Phải, anh đã chìm vào một giấc ngủ thiên thu
Viên đạn sau đầu, đã đưa tên anh vào lịch sử
Vân bật khóc, phải đây là sự thật?
Tay run run, nàng nhẹ vuốt mắt anh.
Đọc thơ anh nhiều lần ngày hôm trước
Vừa gởi về anh một lá thư xanh


Nhưng bây giờ âm dương chia đôi ngả
Anh đang nằm đó, nước mắt em rơi
Anh cứ ngủ, em ru anh an giấc
Em đã hứa sẽ thương anh trọn đời


Người yêu anh bé nhỏ, sẽ yêu anh trọn đời ...

Vân và tôi đưa anh trở về lòng đất Mẹ
Đất Sóc Trăng nhuộm đỏ,
Từ giòng máu anh, hay tự đất phù sa??
Mẹ anh già, đôi mắt khóc mù lòa
Tóc mẹ bạc thêm từ tin anh chết
Lá vàng còn đó, lá xanh rụng rồi!


Lá vàng ngồi khóc lá xanh
Con ơi sao nỡ, sao đành bỏ đi
Mẹ cha có tội tình chi
Cho con chết trước, thay vì mẹ cha
Cha con với mẹ đã già
Sao con lại để cả nhà chịu tang
Lá xanh rụng trước lá vàng
Nước sông chảy ngược bao hàng lệ tuôn
Bây giờ con đã về nguồn
Thôi con an nghỉ, quê hương an bình
Chiến chinh, chinh chiến điêu linh
Thương anh lính chiến hy sinh cuộc đời
Đọc kinh lạy Đức Chúa Trời
Xin thương phù giúp những người chiến binh.


Mai Châu (MGM)

"Chiến chinh, chinh chiến điêu linh,
Thương anh lính chiến hy sinh cuộc đời,
Đọc kinh lạy Đức Chúa Trời,
Xin thương phù giúp những người Chiến Binh"


Bài thơ được phổ biến trong Tiểu Đoàn, rồi Liên Đoàn, rồi ra dân chúng, trở thành nổi tiếng, không kém gì bài thơ "Đồi Tím Hoa Sim" của Hữu Loan ngày xưa.

Sau một thời gian sửa soạn, với sự phụ giúp của một số bạn bè thân thiết, Mai Châu đã lấy bài thơ phổ vào nhạc, tạo nên ca khúc "Một người đi"

Bài hát thật hay, thật cảm động, đã được hãng dĩa "Việt Nam" thâu vào dĩa nhựa với tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh và ban nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng.

Tôi, cũng giống như bạn, mặc dù cũng đã biết bản nhạc "Một Người Đi" và đã từng hát theo nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ được biết lịch sử của bản nhạc. Mãi đến khi nhìn thấy trang nhạc với giòng chữ: "Thương tặng Cố Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân, SQ Trợ Y, Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân", tôi mới biết, bài hát này là do Mai Châu soạn, kể lại chuyện tình của Thiếu Úy Lân.

Tôi đã rất tiếc là bài hát "Một Người Đi" đã không được đưa vào chương trình "Lá Thư Viết Từ Chiến Trường" của Asia. Như đã nói ở trên, thư chưa viết, lấy đâu ra thư mà nói tới?

Có thể Mai Châu không phải là nhạc sĩ nhà nghề và chỉ sáng tác duy nhất có một bản nhạc này thôi (chỉ để đặc biệt nhớ tới một người bạn), nên ít người biết tới.

Cũng có thể bản nhạc này chỉ nói về chuyện tình riêng tư của một cặp trai tiền tuyến gái hậu phương, nên cũng không ai để ý tới.

Nói vậy cũng không đúng, vì bài thơ "Đồi Tím Hoa Sim" cũng chỉ kể lại cuộc tình đôi lứa đó thôi.

Thôi thì, tôi kể ra đây cho quý bạn cùng biết , cùng hát vậy! Hát để mà nhớ lại những người lính như Nguyễn Ngọc Lân, đã hy sinh vì Tổ Quốc, vì Tự Do, cho VNCH, cho chúng ta.

Khi nào có thì giờ, hãy tới bất cứ một đài tưởng niệm chiến sĩ VNCH nào đó mà bạn có thể đến được, thắp cho những chiến sĩ này một nén nhang, bạn nhé!

Hiện tại, ở bất cứ xứ nào, hễ có người Việt Tỵ Nạn, hễ có các quân nhân của QLVNCH cư ngụ, đều có những Tượng Đài Chiến Sĩ được dựng lên, để ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì Tổ Quốc. Tại xứ Úc, khắp các tiểu bang, từ New South Wales (Sydney), Western Australia (Perth), Victoria (Melbourne) tới South Australia (Adelaide), đều đã xây tượng đài chiến sĩ rất trang trọng và uy nghiêm.

Nguyễn Khắp Nơi
Ý kiến bạn đọc
12 Tháng Tư 20117:00 SA
Khách
Mỗi 1 bài hát được gọi là "nhạc vàng" đều gắn liền với 1 câu chuyện, 1 mất mát hay 1 sự thật đau lòng được kể lại, chính vì vậy mà cái hồn, cái cảm xúc của mỗi bài hát đều nguyên vẹn như khi nó được viết lên, hỏi sao dòng nhạc đó vẫn mãi mãi sống trong tim chúng ta và đi suốt chiều dài lịch sử vẫn mãi ko quên. Mỗi lần chúng ta hát lên 1 bài "nhạc vàng" nào thì cũng như đang thắp cho họ, những người lính anh hùng 1 nén nhang để tỏ lòng thành kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn