BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73546)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện Buồn Trong Và Sau Chiến Tranh

23 Tháng Sáu 20238:04 SA(Xem: 1819)
Chuyện Buồn Trong Và Sau Chiến Tranh
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.25

ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN BUỒN XÉ RUỘT NÁT GAN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN CÙNG ĐƠN VỊ.

CỐ ĐẠI UÝ LÊ VĂN HIẾU TIỂU ĐOÀN 52 BIỆT ĐỘNG QUÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA ÔNG.

CÓ NỖI ĐAU NÀO HƠN NỖI ĐAU NÀY

CÒN NỖI BUỒN NÀO BUỒN HƠN NỖI BUỒN NÀY

Trung uý Lê Văn Hiếu tốt nghiệp Khoá 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, về phục vụ tại Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân vào đầu năm 1968. Ông thăng cấp thiếu uý khoảng tháng 6/1969, thăng cấp trung uý khoảng tháng 6/1971, đảm nhiệm chức vụ đại đội trưởng Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 52BĐQ. Anh dũng hy sinh tại mặt trận An Lộc Bình Long ngày 19/5/1972. Nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó mà nó còn tiếp diễn đến những năm tháng sau này đối với gia đình ông. Sau đây là câu chuyện xé lòng đã xảy đến với gia đình ông. Xin phép cháu Phú cho chú được chia sẻ nỗi đau xé lòng đã đến với gia đình con.

Trung uý Lê Văn Hiếu
Cố Đại Úy Lê Văn Hiếu

Như nói ở trên ông Hiếu (Hiếu lớn) thăng cấp Tr/u đầu năm 1971 và lên nắm Đại Đội Trưởng ĐĐ1/52 thay thế Đ/u Sơn. Hiếu người Quảng Bình, hơi nhỏ con rất hiền hoà vui tính, lúc đó ông đã có vợ và hai đứa con trai, ngoài ra ông còn bà mẹ già đã mù hai mắt đang sống với người con gái tại Cẩm Tâm Cẩm Mỹ, Long Khánh. Tháng 5/71 tôi nhận lệnh thuyên chuyển từ ĐĐ3 sang ĐĐ1 làm đại đôi phó cho ông, vốn biết nhau và từng đi chơi ăn nhậu với nhau từ khi hai đứa còn là chuẩn uý, nên khi tôi về ở chung ông rất vui và tin tưởng ở tôi. Tháng 8/71 khi nhận lệnh hành quân giải toả Đồi 46 Căn Cứ Alpha, căn cứ này đã bị việt cộng vây kín và tấn công liên tục đã gần 20 ngày. Buổi chiều nhận lệnh hành quân cũng là lúc ông nhận được điện tín vợ ông vừa cho chào đời đứa con trai thứ 3. Tôi nói ông hãy về đi để đại đội tôi lo, nhưng ông kiên quyết ở lại cho trận đánh ngày mai, quyết định ở lại của ông cũng đã khiến Ch/u Lê Văn Mạnh đã cầm Sự Vụ Lệnh về lại Ty thuế vụ Kiến Hoà cũng tình nguyện ở lại tham gia trận đánh ngày mai. Ngày hôm sau khi vừa lên đến cách Căn Cứ Alpha 500m về hướng bắc thì đụng lớn, chiếc M113 có ông ngồi bên trên bị trúng B40 bốc cháy, ông cùng hai người mang máy bị tung xuống đất bị thương, viên thiếu uý chi đội trưởng cùng hai xạ thủ đại liên và viên tài xế chết ngay trên xe, bên BĐQ cũng có Hạ sĩ Xuân chết trong thùng xe, vì viên tài xế chết mà chân vẫn đạp ga cho nên chiếc xe lao qua phòng tuyến việt cộng tiếp tục chạy cho đến khi đâm vào bìa rừng cao su và bốc cháy. Thế là tôi phải thay ông điều động trận đánh, trận này ĐĐ1/52BĐQ và Chi Đoàn 3/18 Kỵ Bịnh tiêu diệt 52 tên xác đếm tại chỗ và bắt sống 1 tên, theo lời tên bị bắt sống khai là C (đại đội) đươc lệnh rút hết đêm nay, nhưng vì chúng tôi tấn công vào buổi sáng nên cả C phải nằm lại tại vị trí chiến đấu và đã chết hết. Phía Thiết Giáp cháy 1 xe M113 , 4 hy sinh và 3 bị thương. Phía BĐQ duy nhất chỉ có hạ sĩ Xuân hy sinh bị cháy trong xe M113, khoảng hơn 10 binh sĩ bị thương, còn ông chỉ bị sức ép của trái đạn B40 và văng khỏi xe nên không cần tải thương. Ngay chiều hôm đó ông cùng ch/u Mạnh tháp tùng trực thăng tải thương đi phép về thăm gia đình, điều này cho chúng ta thấy tinh thần trách nhiệm của ông đối với sự sống còn của thuộc cấp quan trọng như thế nào.

Tháng 12/1971 khi tiểu đoàn đi ”hấp” tại Dục Mỹ, lúc này tôi đã sang nắm đại đội trưởng ĐĐ4/52. Chuyện đi “hấp” cũng là điều thú vị đối với các tiểu đoàn Biệt Động Quân, đơn vị có một tháng rời vùng hành quân, ôn tập lại chiến thuật và nhất là được xả hơi. Nhưng đối với TĐ52BĐQ thì lại là một điều mà hầu hết những người lính kỳ cựu của tiểu đoàn đều không muốn, vì mỗi lần đi”hấp”là sau đó đơn vị đụng rất nặng, nó như là cái “huông”. Năm 1963 khi vừa “hấp” về thì đụng trận Thạnh Lợi, tiểu đoàn trưởng Đ/u Lý Thành Nguyên hy sinh, đầu năm 1965 vừa “hấp” về thì đụng trận Đồng Xoài, năm 1966 trận Suối Lòng, năm 1967 trận Kim Hải, tất cả các trận trên đều từ cấp tiểu đoàn trở lên, tuy chiến thắng lớn nhưng tổn thất cũng không nhỏ.

Chỉ còn hai hôm nữa thì tiểu đoàn trở về lại vùng hành quân, một buổi tối Hạ sĩ Tạ Tơ thuộc BCH/TĐ xuống đại đội gặp tôi, tôi còn nhớ nguyên văn anh nói

- Thiếu uý ơi! Lần này tiểu đoàn mình về đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn có mình ông.

 Tôi gặng hỏi

– Sao mày biết?

– Tôi coi bài thấy vậy nên nói thiếu úy nghe.

Tôi lập tức ngăn chặn hắn

– Mày mồm miệng ăn mắm ăn muối, đừng có nói bậy đến tai thiếu tá Dậu ông cho ăn hèo  nghe mày.

– Tôi biết mà, ngoài thiếu uý ra tôi hổng có dám nói với ai đâu ông thầy.

Tôi nghe qua rồi cũng chẳng để tâm đến ba cái chuyện bói toán dị đoan này.

Tiểu đoàn về hâu cứ tại Trại Phan Hạnh Hố Nai, mọi quân nhân đi phép 48 tiếng rồi trực chỉ hành quân sang vùng Kampong Trabek bên lãnh thổ Kampuchia, hầu như ngày nào cũng đụng lẻ tẻ không đại đội này thì đại đội khác, sau này tôi ngẫm nghĩ ra là bọn chúng tìm cách cầm chân hai Liên Đoàn 3&5 BĐQ cùng Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh bên đất Kampuchia để chúng chuyển quân chuẩn bị cho chiến trường An Lộc.

Khi ý định của địch bị ta phát hiện nên lập tức đầu tháng 4/72 chúng tôi được lệnh cấp tốc rút về Suối Đá dưới chân núi Bà Đen, rồi ngày 6/4/1972 trực thăng vận nhẩy vào An Lộc. Thông thường thì đại đội 1&3 cũng như 2&4 thường hoạt động chung một cánh, nhưng vì thấy tôi và Trung uý Lê Văn Hiếu tương đối khá thân với nhau và tôi từng là đại đội phó cho ông nên hai đại đội 1&4 thường đi sát cạnh nhau, cũng như Trung uý Đỗ Mạnh Trường ĐĐ2 cũng từng là đại đội phó cho Trung uý Hà Ngọc Tỉnh nên hai đại đội 2&3 cũng thường sát cạnh nhau.

Sau khi việt cộng pháo cả mấy ngàn trái đủ loại và tấn công bằng chiến xa và bộ binh lần thứ nhất vào đêm ngày 12 và chiếm gần nửa thành phố. Ba ngày sau đại đội 1 từ dưới Ga Hớn Quản được lệnh vào thành phố và đánh chiếm lại căn nhà lầu hai tầng phía bên trái ngay ngã tư Đại lộ Trần Hưng Đạo và Quốc lộ 13. Còn đại đội 4 được lệnh giao đồi 169 cho Nhẩy Dù  và tấn chiếm lại Trường Quốc Quang bên tay phải. Đến khoảng 10 giờ tối thì ĐĐ1 đã chiếm lại được căn nhà lầu (nhà của đại uý Hiệp Hội Đồng Tỉnh Bình Long), phía bên ĐĐ4 bị địch kháng cự quá mạnh đành phải để lại một trung đội nằm lại giữ vị trí, phần còn lại rút về phía bên kia đường.

Đêm 18 chúng pháo cả chục ngàn trái rồi lại tấn công tiếp bằng chiến xa, nhưng chúng hoàn toàn thất bại. ĐĐ4 chúng tôi bắn hạ một T54 và hạ sĩ Hồ Văn Tám của ĐĐ1 đã trèo lên trên pháo tháp ném một quả lựu đạn vào trong khiến xe bốc cháy và phát nổ. Chỉ riêng đoạn đường từ Đài Kito Vua lên đến ngã tư QL13 và Đại lộ Trần Hưng Đạo khoảng trên 300m mà đã có 7 chiếc T54 bị bắn hạ. Tiểu Đoàn 52BĐQ chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng; bên ĐĐ3 Tr/u Hà Ngọc Tỉnh, Th/u Trương Đình Phúc và nhiều anh em khác hy sinh, bên ĐĐ2 Tr/u Đỗ Mạnh Trường bị thương nặng, Th/u Đức hy sinh cùng nhiều anh em khác, ngoài ra số bị thương không biết bao nhiêu. Tôi chợt nghĩ đến điều Hạ sĩ Tạ Tơ nói với tôi hôm trước ngày rời Dục Mỹ :”Thiếu uý ơi! lần này về tiểu đoàn mình đụng nặng lắm, đại đội trưởng chỉ còn có mình ông”.

Tối hôm đó từ bên Ty Thông Tin bất chấp nguy hiểm, tôi chạy băng ngang qua đường để gặp ông, gặp tôi ông nước mắt rưng rưng kể cho tôi nghe từ hôm vào An Lộc đến nay đại đội đã hy sinh 16 người và bị thương trên hai chục người, hiện đại đội không còn một sĩ quan và hạ sĩ quan nào ngoài ông và Thượng sĩ Đông thường vụ. Tôi nói với ông tôi cũng đã mất 4 và bị thương trên chục rồi. Sau đó tôi nói với ông cũng như tự trấn an mình ”Nè trung uý! thùng thì thủ, cù lũ thì dương nghe ông” ý tôi muốn nói tuỳ theo khả năng hiện nay của đại đội mà đánh đấm chứ đừng có nóng quá.

Ngày hôm sau tôi được lệnh chuyển đổi phòng tuyến để ông lui về phía sau bên Ty Thông Tin và dãy nhà đổ nát đối diện với Trường Quốc Quang bên đây đường, nhưng ít ngày sau có Tiểu đoàn 5 Dù ở đàng sau bảo vệ Bộ Tư Lệnh Hành Quân nên ông được lệnh mang đại đội sang phòng thủ bên Ty Chiêu Hồi về hướng đông bên kia đường.

Đêm 18/5 việt cộng tấn công lần thứ 3, cường độ tấn công lần này khủng khiếp hơn. Từ nửa đêm hàng chục ngàn trái pháo đủ loại đã rót vào thành phố, nếu chia đều cho mỗi người lính VNCH tử thủ thì mỗi người cũng được 3 trái còn nếu chia đều cho diện tích thì cứ mỗi 3m2 là lãnh một trái đạn pháo. Gần 4 giờ sáng 19/5, chiến xa của chúng bắt đầu nổ máy và khai hoả, chúng chỉ nằm sát chúng ta không đầy 300m để tránh bom từ B52 cũng như các loại máy bay của Hoa Kỳ và VNCH trút xuống hằng đêm, nên khi vừa nghe chúng rú lên rung chuyển mặt đất là chúng đã xuất hiện ngay trên phòng tuyến. Nhưng nhờ đã có kinh nghiệm sau hai lần bị tấn công bằng chiến xa lần trước, nên các tổ săn chiến xa đã được thành lập, hiệu quả của M72 đã được tin tưởng và ứng dụng triệt để, phương cách tách rời chiến xa với bộ binh tùng thiết rất hiệu quả nên chiến xa của chúng đã bị vô hiệu hoá và tiêu diệt ngay trên phòng tuyến từ lúc đầu

Tuy nhiên mục tiêu của chúng là tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hành Quân nên đai đội 1/52BĐQ của ông nằm tử thủ trong Ty Chiêu Hồi là cái nút chặn mà chúng bắt buộc phải nhổ. Từ bên Trường Quốc Quang chúng tràn sang như thác lũ, tôi đã cho tăng cường thêm các cây M60 để ngăn chặn chúng nhưng không thành công, ngay cả một toán tử thủ của đại đội tôi trong đường cống bên kia đường cũng đã bị bọn chúng tấn công khiến 2 bị thương nặng và phải cho rút về. Trong khi ngồi nhìn hai thằng em bị thương nặng là Hạ sĩ 1 Nguyễn Văn Thương và Binh nhất Nguyễn Hoàng Vân đang hấp hối, tôi vẫn theo dõi tình hình qua máy truyền tin, đại đội 1 đã phải bỏ Ty Chiêu Hồi và rút về bên kia đường, một số anh em hy sinh xác vẫn còn nằm tại chỗ, Trung uý Hiếu đã mấy lần xua quân tràn sang nhưng đều thất bại. Cuối cùng chính ông với cây M16 trên tay cùng hai âm thoại viên và vài anh em khác quyết tràn sang, nhưng ông đã hy sinh khi mới nhào xuống lề đường. Tin ông ngã gục cùng lúc với hai người lính của tôi ra đi khiến tôi bàng hoàng xửng sốt, như vậy lời bói bài của Hạ sĩ Tạ Tơ ứng nghiệm hay sao !!!

Đại Đôi 1 không còn khả năng tác chiến, không còn người chỉ huy, xác của ông cũng như của một số đồng đội không thể kéo về. Buổi chiều Th/t Dậu tiểu đoàn trưởng yêu cầu tôi mang số còn lại của đại đội 1 về với tôi, thật khó khăn Thượng sĩ Đông cùng khoảng 20 binh sĩ còn lại phải đi vòng phía sau lưng của TĐ5ND rồi đến khu Pháo Binh tại công viên Tao Phùng, tôi cho Tr/s nhất Thóc cùng vài người nữa đến đón tại đây và đưa về vị trí phòng thủ.

Đến ngày 8/6 tôi cho đại đội tấn công thẳng sang trường Quốc Quang và chiếm được ngôi trường này cùng mấy căn nhà chung quanh, tại đây chúng tôi tiêu diệt một hầm chỉ huy lớn với dây điện thoại chằng chịt, có lẽ bọn việt cộng tại khu vực này như rắn mất đầu nên giữa đêm chúng gọi nhau ơi ới để rút lui, đụng ngay vào phòng tuyến đơn vị chúng tôi đang nằm nên nhiều tên đã bị bắn hạ. Sáng sớm ngày hôm sau tôi đưa phần còn lại tấn công sang chiếm lại Ty Chiêu Hồi không gặp chống cự. Tại đây thi thể của các anh em hầu như đã bị rữa nát vì chuột bọ và thời tiết nóng mùa hè, cũng như bị đạn pháo tan nát. Trung uý Hiếu chỉ còn cái xương vai, một cái bàn chân rữa nát nằm trong chiếc giầy và hai tấm thẻ bài bị đạn dính vào nhau. Tôi nói Tr/s nhất Thóc bỏ tất cả vào một thùng đại liên 50 rồi giao cho BCH/LĐ để chôn vào khu nghĩa trang của LĐ3BĐQ.

Câu chuyện buồn chưa chấm dứt ở đây, xin mời quý anh chị đọc tiếp phần sau.

Tháng 7/72 chúng tôi rời Bình Long và hành quân liên tục không ngưng nghỉ, thỉnh thoảng chỉ vù về với gia đình năm bảy tiếng đồng hồ. Tôi cũng không dám ghé về hậu cứ vì sợ sẽ không biết phải làm gì? Phải trả lời thế nào? trước những than khóc của các quả phụ với những câu hỏi “trung uý ơi chồng tôi chết mà sao không có xác? Trung uý cho tôi lên tìm xác chồng tôi? v..v…

Khoảng tháng mười một khi đơn vị lại trở lên Bình Long, Trung sĩ Bạch hạ sĩ quan quân số ĐĐ1 có nhắn cho tôi là vợ Trung úy Hiếu muốn gặp tôi. Nhân dịp được về hai ngày tôi mạnh dạn ghé thăm và chia buồn cùng chị và gia đình, chị ngỏ ý nhờ tôi mang hài cốt ông về, và nếu có thể thu xếp cho chị lên viếng anh, tôi nói sẽ trình lại với Đ/t Liên đoàn trưởng và sẽ cho chị biết sau.

Tôi đem việc này trình lại với Đt Biết thì ông nói “ Hiếu về nói lại với chị Hiếu là tôi chia buồn cùng chị và gia đình, xin chị hãy để ông Hiếu nằm lại đây với anh em, Nghĩa Trang của LĐ3BĐQ sẽ là một di tích lịch sử của Bình Long Anh Dũng, Liên đoàn đang cho xây mộ dựng bia và chỉnh trang khu nghĩa trang này. Hiện giờ còn đang giao tranh chưa thể giúp chị lên được, khi nào tình hình tốt hơn thế nào cũng đưa chị lên thăm anh ấy”. Khi có Thượng sĩ Lương Xoa tiếp liệu ĐĐ1 lên vùng hành quân, tôi có nói ông về nói với chị Hiếu tất cả những điều mà Đ/t Biết đã nói với tôi.

Ít tháng sau chúng tôi được lệnh chuyển xuống Chơn Thành, công việc xây dựng Nghĩa Trang vẫn được tiếp tục. Nhưng ý định đưa chị lên thăm đã không thực hiện được vì vào đầu năm 1974 phần thương tiếc chồng, phần buôn bán vất vả tần tảo nuôi con nên chị đã bị bạo bệnh qua đời. Để lại 3 đứa con trai cho ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Sau 1975 tôi đi tù hơn 7 năm, tháng 10 năm 1982 chúng thả tôi về, được tin tôi về một số anh em cùng đơn vị thỉnh thoảng hay ghé thăm trong đó có Tr/s nhất Toàn, một hôm ông nói với tôi là mấy đứa con của Tr/u Hiếu sống với ông bà ngoại và đã được ông bà ngoại cho đi vượt biên, được tin trên tôi mừng cho ông và cho các cháu, cũng xin tạ ơn Trời tạ ơn đời còn có những ông bà đã hy sinh hạnh phúc riêng mình để lo cho tương lai của con cháu.

Tưởng ít ra cũng có một kết quả tốt bù đắp cho nhưng bất hạnh.

Nhưng câu chuyện buồn cũng chưa dừng lại ở đây. Xin kính mời quý anh chị đọc tiếp phần cuối.

Cuối tháng 11/2011, khi một số anh em thiện tâm đã hoàn tất công việc chôn cất lại 61 hài cốt tử sĩ Biệt Động Quân tại An Lộc Bình Long, thì chiều ngày hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam. Xin được viết lại nguyên văn cuộc nói chuyện như sau:

  • Bác Hiếu ơi! Con là Phú con của Trung uý Lê Văn Hiếu, chiều nay dì con đi bán hàng ở bên Hố Nai về có người đưa cho một tờ giấy danh sách những người lính Biệt Động Quân được cải táng tại Bình Long trong đó có tên ba con. Trên giấy có số điện thoại của bác, con liền gọi bác, bác cho con biết tin này có đúng không bác.
  • Đúng rồi, bác là người đã cho mang hài cốt của ba con chỉ còn ít mẩu xương cùng hai tấm thẻ bài chôn tại Nghĩa Trang của BĐQ tại Bình Long, nhưng họ giải toả gần chục năm nay, bác mới được tin và cho chôn cất lại.
  • Cách nay gần một năm, con có đi cùng một nhà ngoại cảm lên Bình Long tìm ba con. Ông có dắt con đến một ngôi chùa có giữ một số tro cốt của lính, ông chỉ cho con một hũ tro mà không có tên nói đó là tro cốt của ba con, rồi ông nói con hãy xin với sư trụ trì cho mang về. Vậy là sao thưa bác?
  • Hài cốt mới chôn lại bác chắc chắn 100% là ba con, trong đó còn có thẻ bài của ba con nữa. Cho bác hỏi ông bà còn sống không? Bác nghe nói ông bà cho ba anh em con đi vượt biên rồi mà?

Nghe tôi hỏi đến đây Phú nghẹn ngào.

  • Thưa bác chỉ có thằng em thứ hai và cậu út con xuống ghe đi được, nhưng ghe bị lạc quá lâu nên khi đến đảo thì em con còn bé quá không đủ sức nên đã chết trên đảo. Còn thằng em út con ( nói đến đây Phú nức nở) nó bị xe cán năm nó vừa mới 18 tuổi bác ơi ! Giờ nhà con chỉ còn mỗi mình con.


Rồi Phú cho tôi biết nó đã có gia đình và được hai con, hiện không còn sống chung với ông bà nữa nhưng ở gần đó. Phú cho biết ý định của nó là sang năm khoảng tháng 3 âm lịch nó sẽ cải táng mẹ nó và chôn mẹ nó và bố nó (cái hũ tro nhận tại Bình Long) chung trong một nấm mồ, nhưng bậy giờ sự việc đã khác đi, nó muốn vài ngày nữa nó sẽ lên Bình Long và yêu cầu tôi cho mang ba nó về, tôi nói với nó:

  • Bác đồng ý để con mang ba con về, nhưng vì đây là ngôi mộ tập thể mới chôn xong hôm qua, trong đó có nhiều anh em khác không công giáo, nếu mình cắt tấm bê tông ra sẽ bị coi là động mồ động mả không tốt. Bác hứa với con tháng ba năm 2013 khi con lên báo cho bác biết, bác sẽ nhờ anh em ở trên đó giúp con và mọi chi phí con không phải lo. Con cứ nói với ông bà, bác tin ông bà sẽ đồng ý với bác về chuyện này.
  • Nếu bác nói vậy con sẽ hoãn cải tang mẹ con lại, nhưng con xin bác hãy để cho con được thanh toán các chi phí vì đây là nhiệm vụ của con với ba con. Bác cho con hỏi còn hũ tro cốt con mang về sẽ phải giải quyết thế nào?


Tôi nói nếu có thể được cháu cứ mang vào gởi trong nhà thờ hay chùa nào đó, họ sẽ sẵn lòng nhận thôi.

Rồi sau Tiết Thanh Minh năm 2013 tôi được Phú báo tin đã hoàn tất việc cải táng và chôn mẹ chung với bố. Anh Hiếu ơi! cuối cùng bao bất hạnh xảy đến với gia đình anh không thể tránh được, nhưng ít nhất là đứa con duy nhất còn lại của anh chị nó đã làm được công việc là mang bố mẹ nằm cạnh nhau như điều cháu hằng mơ ước.

Còn tôi ngày xưa không đưa được chị lên thăm anh như lời ước nguyện của chị , nhưng nay cũng đã góp một phần nhỏ bé trong tình chiến hữu, để anh chị được bên nhau mãi mãi thiên thu trong vòng tay của Thiên Chúa

New Mexico ngày 01 tháng 3 năm 2021

BĐQ Đoàn Trọng Hiếu
https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2023/02/18/chuyen-buon-trong-va-sau-chien-tranh/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn