BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73540)
(Xem: 62254)
(Xem: 39451)
(Xem: 31187)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hòn Ngọc Viễn Đông trở lại ư (?!)

07 Tháng Ba 20247:31 SA(Xem: 893)
Hòn Ngọc Viễn Đông trở lại ư (?!)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hòn Ngọc Viễn Đông - mỹ từ để tôn vinh nền văn hóa Việt Nam - có từ thế kỷ 19. Về sau, tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông gắn liền với Sài Gòn.
 
Cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam với kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 không chỉ như tuyên truyền của Bên Thắng Cuộc. Theo đài BBC cho biết [1] : "... Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì lá cờ của quân chiến thắng được kéo lên nóc dinh Tổng thống ở Sài Gòn là lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chứ không phải là cờ đỏ sao vàng. Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam. Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam "rủ nhau'' nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn. Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống...".

xetangbodoivaodinhdoclap
 Đối với vô số người dân - chi tiết như thượng dẫn - có thể gây choáng váng đến bất ngờ, bởi mục tiêu của cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cờ đỏ sao vàng và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với lá cờ nửa đỏ nửa xanh cùng ngôi sao vàng, không phải như mục tiêu tuyên truyền gần nửa thế kỷ qua, với cái gọi là "giải phóng miền Nam thống nhứt đất nước".
 
Sau thất bại, khi bị Hoa Kỳ phủ quyết việc tham gia vào Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đảng Cộng sản Việt Nam với tên gọi vào lúc bấy giờ là đảng Lao động Việt Nam, nhanh chóng chớp lấy thời cơ để tổ chức "Hội nghị lần thứ 24, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước" vào tháng Chín năm 1975.
 
Tiếp sau đó, ngày 2 tháng Bảy năm 1976, Đô thành Sài Gòn chính thức bị xóa tên và thay bằng thành phố Hồ Chí Minh, thông qua kỳ họp thứ nhứt của Quốc hội khóa VI. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về tên nước (mới) là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca [2]. Cùng năm 1976, đảng Lao Động Việt Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã chính thức đổi thành [3] đảng Cộng sản Việt Nam, vào  kỳ họp đại biểu đại hội đảng toàn quốc lần thứ IV, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Mười Hai năm 1976.
 
Ngày 28 tháng Hai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra tại Hà Nội "TP.HCM sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí Hòn Ngọc Viễn Đông" [4].
 
Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông
Non nửa thế kỷ bạc lòng thế nhân
 
Nguyễn Chí Dũng sanh năm 1960 tại Hà Tĩnh, với xuất thân là một bộ đội cụ Hồ. Sau đó, ông Dũng theo học đại học Giao thông - Vận tải và gắn bó với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1985. Tháng Tư năm 2016, ông Dũng được Thủ tướng lúc bấy giờ - Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sơ phác cho thấy, ông Bộ trưởng Dũng không am tường về lịch sử - chiến tranh chính trị.
 
Làm sao có thể hình dung ra tên gọi mới "Tp. Hồ Chí Minh - Hòn Ngọc Viễn Đông" hoặc giả "Tp. Hồ Chí Minh hoa lệ" mà không khỏi bật cười ngay trong giây đầu tiên của dòng suy tư, từ người Sài Gòn xưa (!)  Vì vậy, không chỉ là tên gọi, Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông mang trong mình cả yếu tố chính trị và thời cuộc. Bên cạnh đó, Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, dung chứa đầy đủ trạng thái con người, từ thất tình lục dục cho đến tệ nạn xã hội. Sài Gòn có thủy chung và có phản bội; từ tình yêu trai gái cho đến chuyện nước non! Không có phản bội, Sài Gòn đã không bị cướp mất.
 
Người ta yêu thương và nhớ nhung Sài Gòn từ cái gì? Nhiều lắm! Không chỉ hình ảnh lãng mạn một thuở; không chỉ những nghĩa cử hào sảng; không chỉ từ địa danh ghi sâu trong tiềm thức v.v... Người ta khắc khoải về Sài Gòn bởi... TỰ DO! Đó là yếu tố căn bản nhứt. 
 
Dân di cư vô Sài Gòn sau 1975, họ hào hãnh chen lẫn ngây ngô để mạnh dạn tự nhận "mình là người Sài Gòn". Rất buồn cười! Bởi họ có thể rất giàu nhưng chắc chắn không sang; họ đầy quyền lực nhưng không hề quý phái! Họ không hề hay biết, quần là áo lụa - vàng đeo trĩu nặng - siêu xe hột xoàn mãi mãi không bao giờ biến họ trở thành "dân Sài Gòn". Sao họ lại nỡ lòng nào chối bỏ bản thân, với tư cách công dân thành phố Bác Hồ - vị tiền bối sáng lập ra đảng Cộng sản Việt Nam và từ đó giúp nhiều thế hệ con cháu của ông ta "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (?!).
 
Muốn Hòn Ngọc Viễn Đông trở lại ư?! Dễ mà khó lắm! Thưa người Cộng Sản Việt Nam.
 
Trước hết, căn bản nhứt và quan trọng nhứt hãy trả lại tên Sài Gòn. Sẽ là bất kính với nhiều thế hệ ông cha của quý vị cùng đôi phần lố lăng, khi buộc phải gọi tên "Hồ Chí Minh - Hòn Ngọc Viễn Đông". Văn hóa hiện nay, tại Tp. Hồ Chí Minh chắc chắn là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sau nữa, quý vị buộc phải gầy dựng lại VĂN HÓA SÀI GÒN.
 
Đừng vọng tưởng, Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ hồi sinh từ đầu tư cơ sở hạ tầng - quy hoạch kiến trúc đô thị - quy hoạch kinh tế vùng, cho đến phần ngân sách nhiều hơn con số 21%, được giữ lại hàng năm. Bởi đó chỉ là "phần xác"...
 
Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông
Hồn lìa khỏi xác long đong phận người
Non nửa thế kỷ khóc cười
Hồn còn vất vưởng tơi bời can qua.
 

Nguyễn Ngọc Già
RFA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn