BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73569)
(Xem: 62257)
(Xem: 39453)
(Xem: 31189)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khi người lãnh đạo không làm tròn nhiệm vụ tề gia

16 Tháng Mười Một 200612:00 SA(Xem: 993)
Khi người lãnh đạo không làm tròn nhiệm vụ tề gia
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Ai cũng biết cá nhân là một thành phần của gia đình. Trong giai đoạn từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành thành đạt, cá nhân thường chịu ảnh hưởng và giúp đỡ của gia đình từ tinh thần đến vật chất. Gia đình bao giờ cũng là chỗ nương náu cho cá nhân khi cá nhân gặp những chuyện không may trên đường đời và đường hoạn lộ công danh. Và cũng là chuyện dễ hiểu nếu cá nhân thành công trên con đường công danh thì gia đình cũng coi như được hưởng phần vinh hoa phú quý do chức vụ cao trọng do cá nhân đem lại. Một người làm quan, cả họ được nhờ là thế.

 Nhưng khi một cá nhân đứng vào địa vị lãnh đạo quốc gia thì sự nhờ cậy quá đáng của anh em trong gia đình hay họ hàng xa gần đôi khi đem đến thảm họa cho cá nhân lãnh đạo ấy. Vì khi đã quá nhân nhượng với những việc làm sai trái của gia đình họ hàng thân thuộc thì cá nhân lãnh đạo thường hành xử theo kiểu “ dĩ công vi tư “ và chuyện làm dung dưỡng này dần dần đưa đến tình trạng bất công và gây ra sự bất mãn ngày càng tăng trong quảng đại quần chúng. Từ đó có thể dẫn đến chuyện chính biến đưa đến sự sụp đổ của người lãnh đạo hành xử thiếu nghiêm minh này. Cứ nhìn trường hợp của Tổng thống Ngô đình Diệm, Thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra và Tổng thống Đài loan Trần thủy Biển thì mới thấy khi người lãnh đạo đất nước không làm tròn bổn phận tề gia, thiếu vô tư đối với sự hành xử sai trái của những người thân thuộc trong gia đình và họ hàng thì sẽ dẫn đến chuyện sụp đổ hay rung rinh chính phủ của người lãnh đạo quá nuông chiều bà con họ hàng ấy.

 Chế độ Ngô đình Diệm bị sụp đổ vào năm 1963. Ngày nay người dân cũng như những sử gia khi “ định công luận tội “ ông Diệm đều công nhận dù ông có nhiều sai lầm trong chuyện cai trị đất nước nhưng có một điểm son mà mọi người còn dành một chút cảm tình cho ông đó là cung cách thanh liêm trong sự cai trị và đời sống thanh bạch của ông. Cứ nhìn tình trạng tham nhũng khủng khiếp dưới thời của vua tham nhũng Nguyễn văn Thiệu và lối sống ăn chơi đàng điếm của Phó tổng thống Nguyễn cao Kỳ, người dân thấy Tổng thống Diệm có một ưu điểm trong sạch mà những tướng lãnh thay ông Diệm không có được. Tiếc thay bên cạnh ưu điểm thanh liêm và đời sống trong sạch đó, ông Diệm phạm phải một khuyết điểm trầm trọng là quá nuông chìu anh em dùø anh em ông toàn làm những chuyện sai trái làm hại quốc gia.

 Đầu tiên là ông anh ông Diệm là Giám mục Ngô đình Thục, một người tu hành nhưng rất sân si và không chừa một phương cách bẩn thỉu nào để làm tiền. Khi cha ông Diệm là quan Ngô đình Khả mất đi và sau khi ông anh đầu Ngô đình Khôi bị Cộng sản giết năm 1945, theo phong tục lễ giáo của người Việt thì ông Thục đóng vai “ quyền huynh thế phụ” thay cha mà dìu dắt các em trong gia đình. Ông Diệm là người có căn bản nho học nên phải kính trọng , nể vì Giám mục Thục cũng là chuyện đương nhiên trong một gia đình có lễ giáo như gia đình ông.

 Cựu Thống đốc ngân hàng Nguyễn hữu Hanh mới đây có xuất bản cuốn hồi ký “ Làm việc với các nhân vật thế giới – Câu chuyện đời tôi” có đề cập đến nhà tu phạm giới Ngô đình Thục như sau :

 “ Xung quanh ông Diệm và anh em của ông có một lô người bám theo kiếm chác. Tôi thường nhận được lời yêu cầu giúp đỡ họ nhưng tôi thường từ chối vì cách làm của họ không chính đáng và những điều họ đề nghị chẳng đúng phương thức làm ăn. Người đứng đầu của cả nhóm này là Ngô đình Thục, anh cả của ông Diệm; Diệm rất thương và kính trọng ông ta. Mặc dù là một giám mục Thiên chúa giáo, Thục rất sát trần tục, ông ta dính líu vào một lô chuyện làm ăn dưới cái cớ là gây quỹ để mở mang trường đại học Đà Lạt, ngôi trường mà ông ta bảo trợ. Một người trong đám phụ tá của ông ta từng tới gặp tôi nhiều lần để xin vay tiền cho một trong các công ty của Thục chuyên khai thác lâm sản và xuất khẩu gỗ. Bởi vì cách hoạt động của các công ty này cũng không hợp thức cho lắm và nguồn tài chánh của nó cũng không ổn định nên tôi buộc phải từ chối. Hình như Thục có than phiền với Diệm, vì một ngày nọ ông Diệm bảo tôi nên giúp đỡ cho người anh của ông bởi vì ông ấy đang cố phát triển giáo dục cho dân chúng. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe điều này, bởi ông Diệm không bao giờ can thiệp vào việc làm ăn của ai và cũng không bao giờ lên tiếng xin chiếu cố cho ai. Tôi nói với ông Diệm nếu các công ty của ông Thục làm ăn bình thường như các doanh nghiệp khác và tài chính ổn định hơn thì tôi sẽ rất vui lòng giúp đỡ, bởi vì Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín của tôi có nhiệm vụ phải hỗ trợ cho các công ty Việt Nam. Nhưng đám người điều hành các công ty của Thục lại ưa hoạt động bằng cách đòi được đặc ân và quyền ưu tiên hơn là hoạt động bình thường, và vì vậy tôi bắt buộc phải từ chối. Có lẽ tôi là người duy nhất dám nói” không” với Diệm; tất cả mọi người đều quỳ lụy trước ông ta( có lẽ chỉ trừ Nhu và Thục), không ai dám từ chối ông điều gì. Đám phụ tá của Thục không bao giờ tới gặp tôi nữa. Trong chuyện này tôi có dịp chứng kiến sự chính trực và liêm khiết của Diệm: kể từ ngày đó ông không nhắc tới chuyện này nữa. Tôi luôn luôn kính trọng ông Diệm vì sự thanh liêm của ông, nhưng sau khi Hoàng khắc Thành lên thay tôi cầm đầu Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, thì Thục và đám bộ hạ như Nguyễn văn Bửu đâm ra được nhiều sự dễ dãi khi xin hỗ trợ của ngân hàng- gần như không giới hạn. Dưới sự điều hành của Thành, phương thức hoạt động của ngân hàng đã thay đổi một cách triệt để; anh ta sẵn sàng thỏa mãn bất cứ yêu cầu nào của những người có quyền thế, không cần biết nó có chánh đáng hay không”

  ( Trích hồi ký “ Câu chuyện đời tôi “ của Nguyễn hữu Hanh )

 Tổng thống Diệm kính mến và chiều chuộng ông anh Ngô đình Thục nhưng chính ông anh giám mục này đã đưa đến sự cáo chung của chế độ Ngô đình Diệm. Ai cũng còn nhớ những biến động liên tiếp xảy đến với chính phủ Ngô đình Diệm bắt nguồn từ biến cố cấm treo cờ Phật giáo tại Huế vào ngày lễ Phật đản tại Huế vào tháng 5 năm 1963. Sau này tài liệu cho biết chính Giám mục Ngô đình Thục là người ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật đản. Lý do là Thục sợ cờ Phật giáo bay nhiều quá thì giấc mơ tấn phong Hồng y của Thục khó thành. Bởi vậy Thục đã ra lệnh cho chính quyền địa phương Huế hạ cờ Phật giáo. Dù không có chức vụ gì trong chính quyền nhưng Thục là anh của Tổng thống Diệm nên coi như Thục có quyền sinh sát và chính quyền địa phương Huế coi như phải tuân thủ mệnh lệnh của ông ta. Biến cố cấm treo cờ Phật giáo dần dần lan rộng ra toàn quốc như một vết dầu loang và cuối cùng đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô đình Diệm. Rõ ràng vì quá cả nể chiều chuộng ông anh cả Ngô đình Thục mà cuối cùng Tổng thống phải gánh chịu hậu quả là chính quyền đệ nhất cộng hòa do ông lãnh đạo đã đi đến chỗ cáo chung một cách đau đớn.

 Người thứ hai trong gia đình mà ông Diệm thương yêu và nhân nhượng là ông em Ngô đình Nhu. Ông Nhu mang tiếng là đối xử độc ác với những lãnh tụ phe quốc gia như Phan khắc Sửu, Tạ chí Diệp. Chính ông Nhu đã ra lệnh bắt nhà văn Nhất Linh Nguyễn tường Tam phải ra hầu tòa để đưa đến sự tự tử của Nhất Linh. Khi biến cố Phật giáo xảy ra, người Mỹ nhiều lần nói thẳng với ông Diệm là Mỹ muốn vợ chồng Nhu phải lưu vong trong khi ông Diệm tiếp tục cầm quyền. Ông Diệm không chịu điều kiện này vì ông thuộc loại người bao bọc anh em. Khi cuộc đảo chánh xảy ra thì ông Nhu muốn tách ông Diệm để mong xoay xở tìm lực lượng phản đảo chánh, nhưng ông Diệm cũng không muốn rời xa người em thân yêu của mình cho đến khi hai anh em Diệm- Nhu cùng bị giết trên chiếc xe thiết vận xa.

 Hãy đọc những chi tiết về ông Ngô đình Nhu và ông Diệm mà Thống đốc ngân hàng Nguyễn hữu Hanh ghi lại khá trung thực như sau:

 “ Tôi rất vui mừng với vị trí của mình bên cạnh ông Diệm, về việc tôi có thể phục vụ đất nước mà không để bị dính vào chuyện chính trị như những người khác, nhưng nó cũng nhiều lần làm tôi phải nhức đầu. Từ năm 1960, những cơn nhức đầu của tôi trở thành trầm trọng khi ông Diệm càng ngày càng trở nên độc tài với người ngoài và càng dễ dãi đối với gia đình ông. Con người bí mật Ngô đình Nhu, người luôn luôn tạo cho mình một vẻ ngoài huyền bí và được dân chúng khiếp sợ, càng lúc càng có thêm quyền lực, còn người em phóng khoáng hơn của ông Diệm là Ngô đình Luyện càng ngày càng yếu thế. Vợ của Nhu , “ bà Nhu”, con người tai tiếng và mâu thuẫn càng ngày càng bị công chúng thù ghét và sự có mặt của bà ta trong dinh tổng thống càng ngày càng phủ đen lên ông Diệm. Tôi đã cố gắng cứu ông ra khỏi vòng vây của đám phụ tá khúm núm và nịnh bợ, khỏi đám anh em hống hách và thiếu thực tế của ông đang làm ông bị cô lập với thế giới bên ngoài. Ông Diệm thật tình không biết điều gì đang xảy ra ở bên ngoài dinh tổng thống. Tôi cố gắng thông báo với ông những gì đang thực sự xảy ra trên đất nước càng nhiều càng tốt, nhưng việc ấy không dễ dàng. Ngay cả những lãnh tụ lớn như Diệm cũng chỉ muốn nghe những tin vui và ghét nghe những tin xấu; sự xu nịnh và những lời khen giả dối thường được chào đón niềm nở hơn là sự thật đơn giản.

 Từ năm 1956, Nhu bắt đầu tổ chức chi nhánh Đảng Cần Lao của mình, phát triển nó vào cơ quan chánh phủ, vào các xí nghiệp của nhà nước; tất cả mọi nhân viên dân sự và quân sự phải vào đảng( tôi không vào); họ phải trả đảng phí hàng tháng và phải móc túi ra đóng góp quà cáp cho bọn “ chóp bu” trong đảng. Công ty Đường quốc gia là một công ty độc quyền nhà nước đã làm lời được một số tiền khổng lồ. Trương văn Tố, một trong những tay chân của Nhu điều hành công ty này, mỗi tháng đóng một số tiền đáng kể cho kỳ bộ SàiGòn-ChợLớn; một người bạn của tôi làm việc cho công ty Đường đã kể tôi nghe về khoản đóng góp này. Một ngày kia, sau buổi họp thường lệ với Diệm, tôi kể ông nghe câu chuyện. Mặt ông đỏ bừng và sắt lại: cơn thịnh nộ nổi tiếng của ông sẵn sàng bùng nổ. Khi tôi kể xong và chuẩn bị ra về thì ông Nhu mở cửa bước vào- ông ta là người duy nhất có quyền làm vậy. Diệm xoay gương mặt đỏ gay về phía Nhu và hỏi anh ta có thật như vậy không. Gương mặt Nhu tái như xác chết khi anh ta thấy tôi ở đó, kế bên Diệm. Anh ta ném cho tôi một cái nhìn hằn học, lẩm bẩm vài tiếng trong miệng nhưng không trả lời; theo quan niệm thông thường của người Việt Nam và cách tôi học với ông giám đốc Kredit Bank, thì những người mặt cắt không ra một giọt máu như vậy là người rất trí trá. Họ sẽ không đánh anh ngay đâu, họ chờ đến lúc anh ít cảnh giác nhất mới ra tay – đó là trường hợp của những người tôi đã kể ở trước và sau này nữa. Vào lúc đó tôi đã tự nhủ với mình là anh ta sẽ không quên đâu và tôi phải coi chừng anh ta tìm cách trả thù mà không hề lộ cho tôi biết!

 Diệm hét lên với Nhu: “ Tôi không muốn có lối nộp tiền cho đảng như vậy! Chấm dứt ngay !” Tôi cảm thấy lúng túng nên chào từ giã. Ngày hôm sau người bạn tôi ở công ty Đường goị điện cho tôi hỏi tôi đã làm gì với cái tin anh báo với tôi hôm trước. Tôi cười lớn. Anh ta bèn nói là ở bộ phận kế toán của công ty anh, người ta đang sửa lại sổ sách lung tung. Hai ngày sau, khi tôi lại gặp Diệm, ông nói với tôi một cách ngây thơ rằng ai đó đã làm cho tôi hiểu sai về chuyện đóng tiền. Đó chỉ là chuyện giao dịch làm ăn giữa công ty Đường và hãng kinh doanh của đảng ở SàiGòn-Chợ Lớn.

 Tôi nói gì được? Tôi làm gì được? Nó chỉ làm cho tôi thêm thất vọng với Diệm và chế độ của ông. Ba bốn sự cố như vậy, cùng thái độ hách dịch và cung cách cậy quyền cậy thế của Nhu, những lời đồn đãi không ngớt về chuyện Hoàng khắc Thành giúp đỡ đám anh em dòng họ và tay chận của Diệm, cũng như sự tin tưởng ngây thơ của ông với đám người xu nịnh bao quanh, lần lần làm tôi nhận ra thấy sự yếu đuối của ông và sự khó khăn của tôi khi một thân một mình chống lại số cận thần xu nịnh càng ngày càng đông. Những người giúp Diệm, phần đông các bộ trưởng và công chức không dám nói sự thật cho ông hay, hoặc không dám đương đầu với cơn thịnh nộ của ông nếu báo tin xấu. Tất cả bao vây ông đêm ngày và cô lập ông với thế giới bên ngoài.”

 ( Trích hồi ký “ Câu chuyện đời tôi “ của Nguyễn hữu Hanh)

 Trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ, ông Nhu đã tìm cách liên lạc với Việt Cộng để hóa giải áp lực của Mỹ đang đè nặng lên anh ông là Tổng thống Diệm và ông. Nhân chứng Cao xuân Vỹ ( Giám đốc Thanh niên cộng hòa), hiện nay đang còn sống ở quận Cam, California đã thẳng thắn cho biết đã cùng với ông Nhu đi vào rừng ở Bình Tuy để ông Nhu tiếp xúc với lãnh đạo Việt Cộng lúc ấy là Phạm Hùng. Có điều không hiểu những cuộc tiếp xúc của ông Nhu với Việt Cộng có được sự đồng ý của ông Diệm hay không? Và chắc chắn những chuyện đi đêm của ông Nhu với Việt Cộng không qua được con mắt dòm ngó theo dõi của tình báo Mỹ ở miền Nam . Và khi biết chắc là chế độ ông Diệm tiếp xúc bắt tay với Việt Cộng, Mỹ đã quyết định bật đèn xanh cho các tướng lãnh đứng lên lật đổ ông Diệm.

 Nói đến ông Nhu thì không thể không nhắc đến người vợ đanh đá của ông là bà Trần thị Lệ Xuân. Mặc dù là em dâu của Tổng thống Diệm, dư luận báo chí mỉa mai gọi bà là “ đệ nhất phu nhân” vì cách hành xử của bà trước mắt dư luận như là phu nhân của người lãnh đạo đất nước. Bà luôn có những phát biểu khiêu khích và quá đáng và điều này làm Tổng thống Diệm bực mình khá nhiều. Có chuyện kể rằng có lần Tổng thống Diệm giận quá, đã cầm cái gạt tàn thuốc và ném thẳng vào người người em dâu trắc nết này. Là một người độc thân, Tổng thống Diệm hầu như không biết cách để trị người em dâu quá quắt có danh hiệu là “ Rồng cái “ này. Còn nhớ khi chuyện tự thiêu của những sư sãi xảy ra, Tổng thống Diệm đang cố sức dàn xếp cho mọi chuyện ổn thỏa thì bà Nhu đã có những câu tuyên bố cực kỳ hỗn láo và phi chính trị như đổ thêm dầu vào lửa. Bà trâng tráo gọi những vụ tự thiêu là những vụ nướng sư và nói thêm là nếu có thiếu xăng đốt thì bà sẽ cung cấp cho. Ngay cả cha mẹ ruột của bà là ông bà Đại sứ Trần văn Chương ở Mỹ cũng phải ra thông báo cảnh cáo người con gái Trần thị Lệ Xuân không được vô lễ với Phật giáo. Chế độ ông Diệm sụp đổ một phần cũng vì bà em dâu cứng đầu,cứng cổ, luôn phá hoại những nỗ lực hòa giải của ông. Rõ ràng là ông Diệm không đủ uy lực để trấn áp và ngăn ngừa người em dâu mất nết này để rồi đưa đến tai họa cho chế độ của ông.

 Sau Ngô đình Nhu là người em út vô học, vô hạnh Ngô đình Cẩn. Ông Cẩn có hỗn danh là “ Lãnh chúa miền Trung” có đủ quyền hành sinh sát nơi vùng đất ông cư trú chỉ vì ông là em ruột Tổng thống Diệm. Ông được coi là có những hành động “ cướp của giết người “ với những nhà giàu ở Huế, lại thêm những hành động gian dâm với vợ của những người dưới. Ông Diệm cố tình bao che mọi chuyện sai trái của ông Cẩn vì ông Cẩn là người sống và phụng dưỡng mẹ già. Phải nói những hành động sai trái của Ngô đình Cẩn đã làm hại uy danh của Tổng thống Diệm rất nhiều.

 Có đọc lá thư của ông Võ như Nguyện, nguyên Giám đốc Công an Trung Việt, gửi cho người bạn là Hoàng đồng Tiếu thì mới thấy rằng ông Diệm biết rõ những thói hư, tật xấu của anh em ông nhưng không đủ can đảm giải quyết vì cả nể, sợ mang tai tiếng cho cả gia đình. Lá thư có đoạn viết:

 “ ….Vào khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 1963, ông Cụ ( tức ông Diệm)về Huế cho gọi tôi lúc 4 giờ chiều. Hai cụ cháu ngồi tâm sự với nhau đến 10 giờ đêm. Cụ không ăn cơm tối mặc dù lúc 7, 8 giờ gì đó ông Cẩn thúc dục đến 3, 4 lần mời anh xơi cơm. Hôm ấy tùy viên là Lê châu Lộc( hiện ở Mỹ) đã nghe được câu chuyện giữa hai cụ cháu tôi, lúc tiễn tôi ra cửa Lộc nói với tôi, “ Lần thứ nhứt Lộc mới nghe được câu chuyện giá trị như thế. “ Hôm đó Cụ kể lại chuyện xưa,nhắc lại mấy tập tôi đệ trình Cụ đề cập đến chuyện “ Con đường thoát “ của tôi, của Công giáo, Phật giáo, chuyện trong gia đình, chuyện người Mỹ..Tóm tắt Cụ nói, “ Chú Cẩn và thím Nhu có nhiều lầm lỗi, các vị Linh mục và Đức Cha nữa cũng lầm lỡ, nhưng Nguyện là Nho học, Nguyện có biết câu, “ Gia nan thiên hạ dị”? Chuyện nhà là vậy, khó giải quyết mau, để lần lần sữa chữa, nếu gấp nếu mau sẽ lâm vào thế , “ Bì oa trữ nhục” của Nguyễn Nhạc, Lữ, Huệ. Tôi biết cả và cũng vì bọn làm việc chung quanh cái gì cũng chạy đến thưa trình với chú Cẩn, thím Nhu, Đức Cha. Tôi đã từng la rằng họ chỉ có một Tổng thống thôi như Nguyện đã biết. Cụ lại nói rằng, “ Hiện đang bị khó dễ với người Mỹ vì Mỹ muốn đem quân sang. Nếu quân Mỹ sang thì mình mất chính nghĩa, tạo đường tuyên truyền thuận lợi cho Cộng sản. Mỹ đưa cố vấn là quá đủ rồi. Tôi sẽ không chấp nhận, quân ta có đủ lính để đánh Cộng sản. Mỹ chỉ giúp khí giới, phương tiện là thắng. Nga, Tàu nó giúp Cộng sản nó có đưa quân đâu? Mỹ cũng muốn giao cho họ hải cảng, phi cảng, tôi có trả lời giao hay không giao cũng như nhau, trong vấn đề chống Cộng thì dùng chung. Họ không bằng lòng, chắc sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay, nhưng dù sao mình cũng giữ thể thống của một quốc gia dù mình bị lật ngược thế cờ. Vả lại, tôi và chú Nhu có ý dù hai miền Quốc-Cộng tranh chấp nhưng là đều máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản, rồi bên nào kéo dài chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả.”

 ( Trích Hồi ký “ Việt Nam máu lửa quê hương tôi “ của Hoành Linh Đỗ Mậu trang 726, 727, ấn bản năm 1986)

 Như vậy chuyện ông Diệm tìm cách liên lạc với Cộng sản miền Bắc đã quá rõ ràng. Nhưng người ta không thể hiểu ông Diệm liên lạc với miền Bắc để cùng với Hồ chí Minh hóa giải thế gọng kềm của Mỹ và Quốc tế Cộng sản đang đè nặng lên hai miền hay ông Diệm liên lạc với Cộng sản miền Bắc để hóa giải áp lực ngày càng nặng của Mỹ lên chế độ của ông kể từ khi biến cố đàn áp Phật giáo xảy ra ở Huế ? Tất cả báo chí Cộng sản cho tới bây giờ hoàn toàn không nhắc đến chuyện Hồ chí Minh tặng cho Ngô đình Diệm cành đào để trưng bày trong dinh tổng thống vào xuân 1963 và đã được nhiều người nhìn thấy.( Ngày nay những người làm việc dưới quyền ông Diệm như phụ tá Lê châu Lộc cũng xác nhận chuyện cành đào là có thật). Cũng như báo chí Cộng sản không bao giờ đề cập đến chuyện Ngô đình Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy. Có lẽ nguyên nhân sâu sa là sách báo Cộng sản thường trình bày chế độ ông Diệm như là một chế độ độc ác, phản quốc hại dân và là tay sai của Mỹ nên chuyện liên lạc hợp tác với chế độ Ngô đình Diệm có thể bị coi như chuyện làm không đẹp đẽ và phi chính trị làm lu mờ hào quang cách mạng của miền Bắc Cộng sản. Người Cộng sản thường có lối viết sử theo kiểu cái gì có lợi thì viết ra và vẽ vời thêm cho đẹp đẽ, còn cái gì không đẹp, không có lợi thì dấu bưng bít đi. Ví dụ cụ thể nhất là sau khi lá thư xin học trường thuộc địa của Nguyễn tất Thành ( Hồ chí Minh)khi Thành tới Pháp được sử gia Nguyễn thế Anh và Vũ ngự Chiêu tìm thấy trong văn khố Pháp, giới báo chí truyền thông và sử gia của chế độ Cộng sản Hà Nội vẫn làm lơ coi như không biết đến lá thư không đẹp này. Họ đã mất khá nhiều công để dựng nên huyền thoại đẹp đẽ về chuyện “ Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước “. Nay nếu công bố lá thư này thì huyền thoại đó có nguy cơ sụp đổ nên Cộng sản tới giờ này vẫn tìm cách bưng bít dấu diếm lá thư ô nhục này.

 Ông Diệm có ưu điểm là có cuộc sống thanh liêm, gia cảnh thanh bạch . Nhược điểm của ông là bao che cho những hành động sai trái của anh em ông. Ngoài ra ông còn có nhiều khuyết điểm khác mà Học giả Nguyễn hiến Lê đã thẳng thắn vạch ra như sau:

 “ Nhưng tôi chưa biết chút gì về ông Diệm, nên giữ thái độ chờ xem. Khi tôi thấy cuộc trưng cầu dân ý để lật Bảo Đại, có tính cách rõ ràng là gian lận: ở Sài gòn _ Chợ lớn chẳng hạn có 605025 người bầu cho ông trong khi số cử tri ghi tên chỉ có 450000 người, và kết quả là ông ta thắng với tỉ số 98,2% thuận và 1,1 % nghịch (1) thì tôi đâm ngán. Bịp bợm trắng trợn như vậy thì không thể gọi là thông minh được. Nhất là khi hay tin ông ta trước khi nhận chức thủ tướng đã quì trước mặt Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, và vài người chứng kiến, thề sẽ một mực trung thành với Bảo Đại, “ duy trì ngai vàng cho Hoàng tử Bảo Long”, mà bây giờ lại lật Bảo Đại như vậy, thì tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao có người khen ông là có tư cách cao, nhiễm sâu đạo Khỗng. Tôi nghĩ bụng “ con người đó vô sở bất vi “. Quả nhiên sau này, trong vụ đảo chánh hụt ngày tháng 11 năm 1960, ông lại thất hứa và lừa gạt phe đảo chánh và quốc dân lần nữa. Ngày 12 tháng đó, ông long trọng tuyên bố sẽ giải tán nội các của ông, thành lập một chính thể chuyển tiếp, mở rộng nội các cho các tướng và các nhà cách mạng đối lập hợp tác. “ Quốc dân cứ bình tĩnh và tin ở lòng ái quốc và lòng thương dân vô cùng của Tổng thống.”. Nhưng khi đạo quân trung thành của ông về kịp Sài gòn, đánh bạt phe đảo chánh thì ông nuốt lời hứa, không thay đổi nội các mà đàn áp dữ dội những người ngây thơ tin ở ông.

.. Một điểm đáng ghét nữa của chế độ họ Ngô là chính sách vừa gia đình trị, vừa phong kiến, và một người ngoại quốc đã gọi là chế độ “ quân chủ không vua “ . Ngay từ buổi đầu tôi đã nói với một ông bạn bộ trưởng của ông Diệm:

 _ Sao ông ấy đưa hết cả anh em, họ hàng lên cầm quyền vậy?

 Ông ta bênh vực ông Diệm:

 _ Phải hiểu cho người ta. Người ta chân ướt chân ráo mới về nước, tin cậy ai được, nên phải dùng những người thân, mà anh em ông ta cũng là hạng tài giỏi, chứ có kém ai.

 Chỉ sáu bảy năm sau, ông bạn đó là một nạn nhân chua xót của chế độ mà chính ông đã bênh vực.

 ..Người ta còn mời tôi giữ vài chức vị. Tôi từ chối hết, không muốn dính dáng một chút gì với chính quyền đó. Diệm “ anh minh” hóa ra còn tệ hơn Bảo Đại play-boy, mà Mỹ đỡ đầu cho Diệm còn đáng ghét hơn Pháp .

 ( Trích cuốn sách “ Con đường thiên lý “ của Nguyễn hiến Lê, nhà xuất bản Văn Nghệ , Hoa Kỳ trang 201, 202, 203)

(1) Sau này, tờ Life số 13--, phát giác rằng các cố vấn Mỹ khuyên ông Diệm rằng 60% cũng đủ rồi mà lại có vẻ “ tốt đẹp hơn”, nhưng ông ta ương ngạnh đòi được 98% kia( tài liệu của Bernard Fall trong The two Vietnams) “

Phải nhận lời phê phán của Học giả Nguyễn hiến Lê về ông Diệm thật chính xác và vô tư. Ưu điểm thanh liêm của ông Diệm coi như là quá ít so với những khuyết điểm quá nhiều của ông như đã nêu ở trên. Những khuyết điểm này dần dần đưa đến sự suy sụp của chế độ mà ngay chính bản thân ông cũng không ngờ được.

 Dĩ nhiên ông Diệm không phải là trường hợp duy nhất bị người thân họ hàng làm hại đến chế độ. Trường hợp của Thủ tướng Thái Thaksin Shiwanatra mới đây cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi gia đình ông Thủ tướng buôn bán bất chính làm mất uy tín của ông để cuối cùng đưa đến chuyện đảo chính vào ngày 19 tháng 9 năm 2006 trong khi ông đang có mặt tại Liên hiệp quốc.Sau khi lật đổ phe của nguyên Thủ tướng Thaksin Shinatra, nhà cầm quyền mới đã ban hành thiết quân luật, áp đặt những biện pháp kiểm soát truyền thông và tuyên bố sẽ điều tra những tài sản của ông Thaksin, mà họ gọi là “ của cải bất thường”.

 Ông Thaksin sinh năm 1949 tại vùng miền Bắc Thái Lan. Ông gia nhập ngành Cảnh sát vào thập niên 1970 và có qua Mỹ du học về ngành Tội phạm Công lý ( criminal justice) ở Mỹ. Ông thành lập một công ty về computeur năm 1987. Trong thời gian tại chức, ông Thaksin có vẻ không phân biệt được đâu là quyền lợi cá nhân, gia đình, đâu là quyền lợi của các thành viên trong nội các và đâu là quyền lợi của quốc gia dân tộc. Sự kiện gia đình ông bán tổ hợp viễn thông Shin cho một công ty của Singapore đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, vì tạo ra những làn sóng chống đối trong nước, cho rằng tài sản chiến lược quốc gia đã bị đặt vào tay nước ngoài, như địa hạt viễn thông truyền thông của Thái.

 Một trong những cáo giác đưa ra trong tập tài liệu này là số tiền tín dụng do ngân hàng hỗ trợ xuất cảng Exim Bank của chính phủ cung cấp cho Miến Điện năm 2004 để tài trợ dự án viễn thông trị giá 95 triệu dollars đã bị sử dụng một cách gian dối để làm lợi cho công ty Shin của ông Thaksin. Tài liệu này cũng nói rằng việc gia đình ông Thaksin bán cổ phần trong công ty Shin cho một công ty quốc doanh Singapore hồi đầu năm 2007 là không minh bạch và vi phạm luật thuế.

 Phe đối lập hô hào người dân xuống đường để chống lại sự sai trái của gia đình ông Thaksin và cuối cùng đưa đến cuộc đảo chánh ngày 19 tháng 9 năm 2006 để lật đổ ông.

 Ông Thaksin nguyên là một tài phiệt triệu phú trong ngành truyền thông. Ông trở thành vị thủ tướng dân chủ đầu tiên do dân bầu tiếp tục làm nhiệm vụ trong nhiệm kỳ thứ 2 khi ông thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 2 năm 2005. Đảng “ Người Thái yêu Người Thái “ ( Thai rak Thai) của ông chiếm được 377 ghế trong số 500 ghế ở quốc hội.

 Trong nhiệm kỳ thứ nhất ông theo đuổi một chính sách hợp lòng dân là nhằm giúp đỡ những thương nghiệp nhỏ và những nông dân. Ông cho nông dân trì hoãn trả nợ và cho hàng ngàn dân làng vay tín dụng. Những người ủng hộ cho rằng ông đã giúp vực dậy nền kinh tế Thái sau biến cố sụp đổ kinh tế ở Á châu năm 1997.

 Được coi là một người cứng rắn trong khi thi hành luật lệ, ông theo đuổi một chiến dịch chống ma túy năm 2003 đưa đến sự thiệt mạng của hơn 2500 người và do đó gây ra nhiều tranh luận.

 Ông suýt bị chết vào tháng 3 năm 2001 khi chuẩn bị lên một phi cơ thì phi cơ này phát nổ. Những nhân viên điều tra cho biết không có bằng cớ nào cho thấy tiếng nổ này do bom gây ra. Ông thoát chết nhưng sự nghiệp chính trị của ông coi như tiêu tan vì những hành động mua bán sai trái của gia đình ông. Vấn đề là không biết ông có đồng tình với những hành động mua bán sai trái của gia đình ông hay ông chỉ là nạn nhân?

 Nói tóm lại ông là một người lãnh đạo giỏi, biết cách đưa nước Thái đi lên bằng những kế hoạch kinh tế hữu hiệu. Tiếc rằng chuyện mua bán sai trái và phi pháp của gia đình đã đưa đến sự sụp đổ của ông. Ông Thaksin đã bị đẩy ra khỏi chính quyền bằng một cuộc đảo chính không đổ máu và hiện đang sống kiếp lưu vong ở Luân Đôn, Anh quốc.

 Sau ông Thủ tướng Thaksin bị lật đổ, một người lãnh đạo cũng đang bị lung lay chức vụ vì chuyện làm sai trái của vợ là Tổng tống Đài Loan Trần thủy Biển. Những công tố viên cho biết họ đã có đủ bằng cớ để có thể truy tố ông Trần thủy Biển về tội tham nhũng có liên quan đến một số tiền quỹ ngoại giao . Bà vợ Wu Shu-chen của ông bị truy tố là đã dùng tiền công quỹ để trả cho những chi phí cá nhân. Tội tham nhũng ở Đài Loan có thể bị phạt tối thiểu là 7 năm tù. Bà Wu và ba nghi can khác bị cáo buộc đã cùng nhau đòi bồi hoàn 14.8 triệu đô la Đài Loan ( khoảng 448484 dollars Mỹ) ..từ tháng 7 năm 2002 đến tháng 3 năm 2006. Bà Wu còn bị tố cáo thêm là đã dùng tiền từ một ngân quỹ riêng của chính phủ dành cho chồng bà để trả cho các món chi tiêu cá nhân của bà, trong số có cả nhẫn kim cương trị giá 1 triệu đô la Đài Loan cùng các món đồ khác cho con trai, con gái, con rễ và các cháu trong gia đình.

 Đã có những cuộc biểu tình xuống đường phản đối Tổng thống Trần thủy Biển vì những sai trái nói trên. Phe đối lập yêu cầu ông phải từ chức ngay. Không biết ông có đi theo vết xe đổ của Thủ tướng Thái Thaksin hay không? Rõ ràng là bà vợ làm những chuyện sai trái làm hại ông và làm cho ghế tổng thống của ông lung lay một cách nghiêm trọng.

 Ở Tây phương ít có trường hợp người lãnh đạo bị vợ con họ hàng làm phiền vì luật lệ Tây phương đều đối xử công bằng và không cả nể , dung dưỡng cho những người thân của người lãnh đạo. Ai cũng còn nhớ dưới thời của Tổng thống John F. Kennedy, có ông em Robert Kennedy giữ chức bộ trưởng tư pháp ( attorney general). Nhưng phải nhớ rằng trước khi được vào ngồi ở chức vụ bộ trưởng tư pháp của Mỹ, ông em Robert Kennedy phải được phê chuẩn chấp nhận của Quốc Hội Mỹ chứ ông anh tổng thống không thể đưa ông em vào làm bộ trưởng tư pháp một cách khơi khơi được. Chuyện này khác xa chuyện ông Diệm đưa ông Nhu vào chức vụ cố vấn sau khi ông Diệm lên chức tổng thống mà không có sự phê chuẩn nào của Quốc Hội. Ông anh làm vua thì ông em đương nhiên có chức vụ trong hệ thống quyền lực quốc gia. Dư luận phê phám chế độ ông Diệm là gia-đình-trị cũng vì lý do những người trong gia đình ông đều có quyền hành sinh sát trong bộ máy quyền lực nhà nước do ông thành lập nên.

 Nhìn những trường hợp người lãnh đạo bị gia đình họ hàng hành động sai trái gây ra mất uy tín và từ đó làm sụp đổ luôn chế độ của Tổng thống Ngô đình Diệm, Thủ tướng Thái Thaksin Sinawatra, Tổng thống Đài Loan Trần thủy Biển thì mới thấy câu nói cũ rích, xưa như trái đất của Khổng giáo “ tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ “ vẫn còn có giá trị miên viễn. Chỉ vì không làm tròn nhiệm vụ tề gia: nghĩa là không dạy được vợ con, không kềm chế trấn áp được những việc làm sai trái , phi pháp của họ hàng, thân thuộc mà những nhà lãnh đạo trên bị tiêu tùng luôn sự nghiệp chính trị, không hoàn thành được nhiệm vụ lãnh đạo đất nước.

 Người lãnh đạo đất nước phải luôn nhớ đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc là lên trên hết và khi vợ con hay họ hàng thân bằng quyến thuộc dựa vào chức vụ của người lãnh đạo để làm bậy thì phải mạnh mẽ ngăn chận ngay lập tức một cách thẳng thắn và không do dự. Có làm tròn nhiệm vụ tề gia thì mới làm tốt được nhiệm vụ trị quốc, bình thiên hạ được. Nói thì đơn giản nhưng giải quyết được vấn đề rắc rối giữa chuyện nhà, chuyện nước không phải là chuyện dễ dàng . Cần phải có một cái tâm trong sáng và một ý chí quyết liệt thì mới ngăn chặn được những chuyện làm sai trái, phi pháp của người thân và từ đó mới hoàn thành được nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, đem lại cơm no áo ấm và công bằng cho toàn dân. Phải giải quyết tận gốc rễ những chuyện rối rắm trong gia đình thì mới làm nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia một cách hữu hiệu được. Nếu không, chuyện sai trái của gia đình họ hàng sẽ làm người lãnh đạo thân bại danh liệt và từ đó sẽ làm tổn hại đến quốc gia dân tộc.

 Los Angeles, một trưa đầu thu mát lạnh, có nắng hanh hao và gió hiu hiu cuối tháng 11 năm 2006

 TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

 Email: dalatogo@yahoo.com

 ( Muốn đọc tất cả những bài của Trần viết Đại Hưng, xin vào http://www.nsvietnam.com/ rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm ở bên trái )
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn