BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73512)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kinh qua và nghiệm lại về 30 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975

16 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 1250)
Kinh qua và nghiệm lại về 30 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Miền Nam mất vào tay miền Bắc Cộng sản đến nay đã tròn 30 năm. Thời gian 1 phần 3 thế kỷ này cũng tạm đủ để nhìn lại nguyên nhân và hậu quả của ngày tang thương 30 tháng 4 năm 1975. Ngày này đã đem lại sự thống nhất cho dân tộc Việt Nam hay chỉ làm cho sự phân chia Nam-Bắc ngày thêm trầm trọng vì đất nước chỉ thống nhất phần lãnh thổ mà không thống nhất được nhân tâm? Ngày này là ngày giải phóng cho nhân dân miền Nam hay là ngày nhân dân miền Nam sa vào địa ngục đỏ? Đã đến lúc chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn lại nguyên nhân đưa đến thảm họa 30 tháng 4 cùng những hệ lụy tàn khốc không thể tránh khỏi của nó. Có đánh giá và nhận xét đúng biến cố 30 tháng 4 thì mới nhìn rõ vị trí của nước Việt Nam trong tình hình chính trị của thế giới và từ đó mới mong định hướng được con đường phải đi sắp đến của dân tộc trong những ngày sắp tới.

Cho đến ngày hôm nay, sau khi những tài liệu liên quan đến cuộc chiến Việt Nam được công bố và những nhân chứng Việt Nam cũng như ngoại quốc ở trong cuộc lên tiếng, người ta có thể khẳng định nguyên nhân đưa đến chuyện miền Nam sụp đổ ngày 30 tháng 4 là do quyết định của Tổng Thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao khốn nạn Nguyễn văn Thiệu.

Có hai sự suy luận về chuyện giật sập miền Nam của Nguyễn văn Thiệu:

1)Thiệu giật sập vùng 1 và vùng 2 để tạo sự xúc động trong chính giới Mỹ hầu được Mỹ viện trợ khẩn cấp nhiều hơn để quân đội Việt Nam Cộng Hòa có thể đánh trả cuộc Tổng tấn công của Cộng sản Bắc Việt. Mỹ đã không đáp ứng với sự tính toán của Nguyễn văn Thiệu mà đã bỏ rơi miền Nam luôn sau khi vùng 1 và vùng 2 bị mất. Thiệu bị tháu cáy, lên Đài truyền hình chửi Mỹ thậm tệ, nào là thất hứa, nào là bội ước, vô lương tâm, phản bội khi không giúp đồng minh như đã hứa hẹn. Có điều khó hiểu là sau khi chửi Mỹ ồn ào vài ngày thì Thiệu và gia đình được Mỹ " bồng " ra khỏi Việt Nam kèm theo 15 tấn hành lý mà ai cũng đoán được là tài sản Thiệu thu lượm được sau những năm cầm quyền. Cho nên liệu chuyện chửi Mỹ có phải là một vở kịch mà Thiệu đóng khéo quá chăng ?

2)Từ đầu cho đến cuối , Thiệu đã giật sập miền Nam theo lệnh của Mỹ để đổi lấy sự an toàn cho cá nhân và gia đình. Đồng thời Mỹ cho Thiệu hưởng hết tài sản mà Thiệu thu vén được trong những năm cầm quyền. Nếu Thiệu không ngoan ngoãn làm theo lệnh Mỹ thì làm gì có chuyện Mỹ " bồng " Thiệu đi và sau này cho Thiệu định cư tại Mỹ để sống những ngày cuối đời.

Vùng 1 do danh tướng Ngô quang Trưởng chỉ huy đã không có dịp đánh một trận nào ra hồn với Cộng quân vì những lệnh bất nhất từ Sài gòn do Thiệu đưa ra. Bảo giữ Huế rồi ra lệnh bỏ Huế, nói tập trung lực lượng giữ Đà Nẵng rồi chỉ thị bỏ Đà Nẵng. Những lệnh quái gỡ nói trên đã làm cho tướng tài Ngô quang Trưởng không thể nào bày binh bố trận để đối phó với Bắc quân mà rốt cuộc cuối cùng để cho quân đoàn 1 phải tan rã một cách đau đớn. Khi quân đoàn 1 đã tan rã, tướng Trưởng phải đi tàu ra khơi thì lúc đó Tổng tư lệnh tối cao khốn nạn Nguyễn văn Thiệu ra lệnh tướng Trưởng điều quân để tái chiếm lại Đà Nẵng! Ông Trưởng trả lời là trong tay ông không còn quân thì lấy gì mà tái chiếm! Những lệnh bất nhất do Thiệu đưa ra không phải vì Thiệu hoang mang, bối rối mà cả là một sự tính toán chi li, độc ác để giật cho vùng 1 sụp đổ mà thiên tài quân sự Ngô quang Trưởng đành phải bó tay, không thể điều binh khiển tướng hay xoay xở gì theo ý của ông được. Thiệu giật sập quân đoàn 1 như thế mà sau này Trung tướng phó tư lệnh quân đoàn 1 là Lâm quang Thi vào tới Sài gòn thì Thiệu ra lệnh bắt giam để chạy cái tội khốn nạn của Thiệu. Với tư cách là tư lệnh vùng Tướng Trưởng phản đối chuyện này và cộng khai bày tỏ sự phẫn uất trong một buổi họp ở Sài gòn trước 30 tháng 4 năm 1975. Nếu chuyện ra lệnh rút lui khỏi vùng 1 là một cuộc " di tản chiến thuật " thì tại sao Thiệu không công khai tuyên bố thẳng thừng với quân đội và nhân dân. Rõ ràng là Thiệu đã làm một chuyện khuất tất và tìm đủ mọi cách để che dấu hành vi hèn nhát và khốn nạn của mình về chuyện làm cho vùng 1 tan rã. Dĩ nhiên đã làm cho bao nhiêu binh lính và thường dân bị thiệt mạng và đó là tội ác của tên Tổng thống mặt trơ trán bóng tham nhũng hèn nhát Nguyễn văn Thiệu.

Về chuyện vùng 1 sau này có một số sĩ quan còn cho biết trong thời gian tình hình căng thẳng, Mỹ đã cho mời một số sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ra hạm đội Mỹ đậu ngoài khơi để họp và giữ họ lại luôn không cho về lại đơn vị. Mỹ cố tạo ra tình trạng quân sĩ không có cấp chỉ huy thì như " rắn mất đầu" , đưa đến tình trạng hỗn loạn và tan rã sau đó. Nói chuyện này để thấy cái ý định giật sập miền Nam của Mỹ đã quá rõ ràng. Và người cộng tác hữu hiệu trong chuyện giật sập miền Nam không ai khác hơn là Tổng thống khốn nạn Nguyễn văn Thiệu.

Về vùng 2, sau này một số sĩ quan cho biết trong chuyện rút quân của Quân đoàn 2 theo liên tỉnh lộ số 7, đã có chuyện một đơn vị Biệt Động Quân bị không quân Việt Nam Cộng Hòa oanh kích " lầm", gây ra sự hoang mang cùng cực trong đoàn quân lui binh. Lúc oanh kích hoàn toàn không có chuyện quân Cộng Hòa đụng độ quân Cộng sản nên đây không phải là một oanh kích lầm như mọi người đã lầm tưởng mà đã có một " bàn tay lông lá " nhúng vào, điều động phi cơ của phe ta oanh kích phe mình để tạo sự hỗn loạn và từ đó đưa đến tình trạng tan hàng. Thật không còn gì độc ác và dã man hơn khi phải dùng bom phi cơ giết quân bạn để đạt đến nhu cầu giật sập miền Nam của các thế lực ngoại bang đen tối , cấu kết nhịp nhàng với bọn lãnh đạo tham nhũng, lưu manh, vô liêm sỉ để làm cho quân đội miền Nam tan rã càng sớm càng tốt. 

Vùng 1 và Vùng 2 mất rồi thì chuyện mất miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Một số người trách móc ông Tổng thống Dương văn Minh đầu hàng để miền Nam mất vào tay Cộng sản nhưng thật tình là lúc Dương văn Minh lên ngôi tổng thống thì thánh cũng không cứu được miền Nam. Tội làm mất miền Nam là của Nguyễn văn Thiệu chứ không phải của Dương văn Minh. Nhưng những hành động hèn hạ, nín thở qua sông của Dương văn Minh trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 và sau đó khiến dư luận không thể không khinh bỉ thái độ " tham sinh úy tử " khá hèn kém của ông. Người ta ngao ngán khi thấy ông Minh " hồ hỡi , phấn khởi " đi bầu quốc hội Cộng sản sau 30 tháng 4, 75. Dĩ nhiên là ông đang đóng trò " giả dại qua ải " và hành động yếu hèn đó bị dư luận phê phán nặng nề. Tới ngày tan đàn xảy nghé thì không chỉ có một tên Tổng thống Nguyễn văn Thiệu hèn nhát bỏ chạy mà có thể kể thêm những tên tướng tồi bại tham sinh úy tử như Đại tướng Cao văn Viên, Thủ tướng ( Đại tướng ) Trần thiện Khiêm, Trung tướng Vĩnh Lộc, Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ..v..v. Nước loạn mới biết trung thần. Người ta yêu kính 5 vị tướng tuẫn tiết ( Nguyễn khoa Nam, Phạm văn Phú, Lê nguyên Vỹ, Trần văn Hai, Lê văn Hưng ) trong biến cố 30 tháng 4 bao nhiêu thì lại càng khinh bỉ bọn tướng hèn nhát, khốn nạn, bỏ quân, bỏ dân để leo phi cơ mà chạy, không có một chút danh dự và liêm sỉ tối thiểu của người lãnh đạo. Ngay cả một người thuộc phe đối nghịch là Đại tá Bùi Tín của phe miền Bắc cũng tỏ thái độ kính trọng sự tuẫn tiết của 5 vị tướng trên trong những cuốn sách của ông xuất bản ở hải ngoại sau ngày ông tỵ nạn chính trị ở Pháp.

Ở đây cũng xin ghi nhận một chuyện là có một cựu Tổng trưởng kinh tế của Tổng thống Thiệu là Tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng cách đây 20 năm có cho ra đời cuốn sách " Hồ sơ mật Dinh Độc Lập " ( bản tiếng Anh và tiếng Việt) đề cập đến những bức thư mà Tổng thống Nixon gửi cho ông Thiệu nhằm bảo đảm sự can thiệp của Mỹ nếu Việt Cọng vi phạm Hiệp Định Paris. Mùa quốc hận 30 tháng 4 năm nay, Tiến sĩ Hưng cho ấn hành cuốn sách " Khi đồng minh tháo chạy " ( bản tiếng Việt, chưa có bản tiếng Anh) nói lên sự bỏ cuộc của người Mỹ. Nói chung hai cuốn sách của Tiến sĩ Hưng cung cấp khá nhiều tài liệu quý cho những nhà viết sử và làm cho quần chúng hiểu rõ tình hình đưa đến ngày 30 tháng 4. Nhưng có điều phải nói ra ở đây là Tiến sĩ Hưng quy hết trách nhiệm cho Mỹ trong chuyện mất miền Nam và bóng gió bênh vực cho Nguyễn văn Thiệu. Người ta ghi nhận cung cách ăn ở có trước có sau, có tình có nghĩa của ông Hưng đối với người lãnh đạo cũ là ông Thiệu, nhưng ông Hưng chỉ là một thứ ngu trung bênh vực cho vua tham nhũng Nguyễn văn Thiệu, coi ông Thiệu không có trách nhiệm gì trong chuyện sụp đổ miền Nam. Tất cả là do lỗi của Mỹ! Thật ra không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ mà không tính tới tội lỗi của Nguyễn văn Thiệu trong chuyện làm mất miền Nam. Ngay khi ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973, nếu là một người lãnh đạo yêu nước, thương dân, ông Thiệu phải có kế hoạch xây dựng mật khu ở miền Tây để sau này Sài gòn có mất thì di chuyển chính phủ về đó để kháng chiến. Mỹ ép ông Thiệu ký Hiệp định Paris là Mỹ muốn bỏ rơi miền Nam rồi. Ở vị trí lãnh đạo chắc chắn ông Thiệu biết điều đó, nhưng ông không làm gì cả. Ngày nào Mỹ còn viện trợ là ông còn chống Cộng. Khi thấy tình hình tuyệt vọng thì ông leo phi cơ bỏ chạy. Từ năm 1973 đến 1975, ông chưa bao giờ thảo luận với Quốc Hội về tình hình đất nước để nghe ngóng thêm ý kiến hầu cứu nước, cứu dân. Ông coi chuyện đất nước là chuyện của cá nhân ông, và ông đã hành động sao cho quyền lợi ông được bảo đảm, chứ không đoái hoài gì đến quyền lợi của nhân dân và đất nước. Cuộc bầu cử độc diễn năm 1971 do Thiệu chủ động đã cho thấy con người xấu xa, xôi thịt của Nguyễn văn Thiệu. Có người ghi nhận câu nói của Thiệu, " Làm chính trị thì phải lì". Đúng là cái cung cách lì lợm, vô liêm sỉ của Nguyễn văn Thiệu đã hiển hiện rõ ràng trong khi tranh giành quyền lực và cái thái đô hèn nhát bỏ chạy trước địch quân đáng cho nhân dân nguyền rủa muôn đời. Người phụ tá Nguyễn tiến Hưng dù khéo léo bênh vực cho chủ trong 2 cuốn sách nói trên thì cũng khó mà tránh được sự phê phán nghiêm khắc mà nhân dân miền Nam dành cho ông Tổng thống mặt trơ trán bóng, xôi thịt , hèn nhát và vô liêm sỉ này. 

Cựu tướng Đỗ Mậu trong cuốn Hồi ký " Việt Nam máu lửa quê hương tôi " có nhận xét trong sách là dù quen ông Thiệu từ lâu nhưng đến ngày 21 tháng 4 năm 1975, khi ông Thiệu lên truyền hình đọc bài diễn văn từ chức thì ông Mậu mới nhìn thấy cặp mắt " láo liên " của Nguyễn văn Thiệu. Ông Mậu nhận xét là cặp mắt láo liên đã nói lên tính tính gian giảo của Nguyễn văn Thiệu. Về Phó Tổng thống Nguyễn cao Kỳ thì có " quý tướng " là có cặp mắt một mí ti hí như mắt lươn, và cuộc đời ông Kỳ cũng có thể đánh giá là " lừa thầy, phản bạn, lấy vợ đàn em" đúng như ca dao Việt Nam đã nhận xét ( Đàn ông mắt ti hí thì trộm cướp, đàn bà mắt ti hí thì buôn chồng người). Nói chung, ông Tổng và ông Phó có " quý tướng " về mắt như vậy nên hành động quái gỡ của hai ông trong biến cố 30 tháng 4 cũng không làm ai ngạc nhiên. Nguyễn cao Kỳ mới đây lại vô liêm sỉ về Việt Nam lạy lục Cộng sản để xin một chút cơm thừa canh cặn sống cho qua tuổi già. Thứ " hàng thần lơ láo " như Nguyễn cao Kỳ thì Cộng sản cũng sẽ sử dụng cho phù hợp với nhu cầu chính trị của chúng nhưng làm sao chúng không khinh bỉ và coi rẻ thứ người tồi bại như Kỳ.

Sau khi chiếm được miền Nam, Lê Duẩn đã tuyên bố câu " Không có kẻ thắng người bại, nhân dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có Đế quốc Mỹ là kẻ thua cuộc." Trên báo chí , Cộng sản cho rao giảng luận điệu hòa hợp, hòa giải, nói rằng Cách Mạng không đánh người ngã ngựa. Chao ôi! lời lẽ Cộng sản sao mà ngọt ngào, nhân hậu và hợp với lẽ phải đến thế.! Sau đó là thông cáo những sĩ quan miền Nam cũng như những người công chức cao trong guồng máy hành chánh miền Nam cần đem theo 2 tuần lương thực để học tập cải tạo. Sau khi lừa được những người ngã ngựa vào trại cải tạo thì thời gian 2 tuần biến thành 5, 10 , 15 năm và đã có rất nhiều người ngã gục trong những trại cải tạo tàn bạo có một không ai của Cộng Sản. Người miền Nam từ từ nhận ra cái cung cách nói toàn điều đẹp đẽ thanh cao và làm toàn chuyện tàn bạïo độc ác và dối trá của bọn Cộng sản miền Bắc. 

Miền Nam đã không có tắm máu tập thể sau ngày 30 tháng 4 như các ký giả ngoại quốc tiên đoán nhưng máu đã đổ từ từ trong những trại cải tạo chết người, những nấm mồ tức tưởi vẫn mọc lên quanh trại cải tạo dù tiếng súng tiếng bom đã ngưng. Số cải tạo viên được trả về sau này đa số là thân tàn ma dại. Tên cuồng sát Pol Pot của Kampuchia đã giết người bằng cách cho Khmer Đỏ dùng cán cuốc đánh vỡ sọ nạn nhân đã làm cho thế giới lên án về nạn diệt chủng của chúng. Cộng sản Việt Nam là bậc thầy của Pol Pot về môn giết người. Chúng cho những người cải tạo chết dần mòn vì đói rét, bệnh tật để tránh mang tiếng giết người, thế giới do đó khó lên án về hành vi giết người của Cộng sản Việt Nam. Giờ này sau 30 năm , mới đây người ta thấy có sự lên tiếng muộn màng của Võ văn Kiệt, cho rằng chiến thắng 30 tháng 4 đem lại cho nhiều triệu người niềm vui mà cũng đem cái buồn đến cho triệu người khác. Sự lên tiếng của Kiệt có thể coi như những giọt nước mắt cá sấu nhỏ ra của một thứ " đao phủ ngồi thiền", nhằm vuốt ve những gia đình nạn nhân trước tình hình mới chứ không thể coi là một sự sám hối chân thành được.

Ba mươi năm qua thái độ của chính quyền Mỹ đối với việc đấu tranh cho tư do dân chủ ở Việt Nam nói chung là lưng chừng, lập lờ khó hiểu. Người Việt hải ngoại dành nhiều cảm tình sâu đậm cho ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Marine đã ra Bình Định vấn an Đức Tăng Thống Huyền Quang cũng như vào Sài Gòn đến Thanh Minh thiền viện thăm Hòa Thượng Quảng Độ. Nhưng rồi cũng chính ông Đại sứ Marine này, trong một dịp gặp gỡ với đồng bào Việt Nam ở San Jose, đã dội nước lạnh vào mặt người Việt hải ngoại bằng câu nói , " Mỹ không có chìa khóa để mở cửa tù cho những người đấu tranh chống Cộng sản ở Việt Nam!". Đây là một câu nói khá phũ phàng và tàn nhẫn cho những người Việt vốn đặt quá nhiều hy vọng vào Mỹ trong chuyện tìm kiếm dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Người ta còn nhớ hồi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2004 giữa ông John Kerry và ông George W. Bush . Vài ngày trước ngày bầu cử, ông em của ông George W. Bush là ông Thống đốc Florida Jeff Bush đã ồn ào cho vinh danh lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng là ông nhằm vuốt ve tình cảm của người Việt chống cộng để lấy phiếu thêm cho ông anh đang tranh cử của ông. Nay thì lời tuyên bố phũ phàng của Đại sứ Marine ở San José không khỏi làm cho người Việt chống cộng hải ngoại chưng hửng và khó chịu. Người Việt hải ngoại vẫn có một thành kiến sai lầm là Đảng Dân Chủ là thứ bồ câu thân cộng và Đảng Cộng Hòa là thứ diều hâu chống Cộng. Họ có nhiều ác cảm dành cho ứng cử viên dân chủ Kerry khi ông này dìm dự luật nhân quyền về Việt Nam, không cho đem ra bỏ phiếu ở Thượng viện nhằm chế tài Cộng sản Việt Nam. Nhưng nay không hiểu người Việt hải ngoại nghĩ sao về chuyện chính quyền Bush sắp mời Thủ tướng Việt Cộng Phan văn Khải thăm Mỹ năm 2005 và Tổng thống Bush sẽ đi Việt Nam năm 2006? Phải nhìn thấy một điều là cho dù Cộng Hòa hay Dân Chủ thì chính quyền Mỹ chỉ hành động theo quyền lợi trong khi bang giao với Việt Nam. Khi vui vẻ thì " giung giăng giung giẻ" hợp tác, khi quyền lợi kinh tế hay chính trị bị đụng chạm thì dùng món võ nhân quyền ra để cảnh cáo và chế tài. Cho nên nói Đảng Dân Chủ thân Cộng hay Đảng Cộng Hòa chống Cộng là một nhận xét hời hợt, nông nổi và không hiểu chính sách ngoại giao của Mỹ. Người Việt chống Cộng hải ngoại hôm nay cũng không nên đi theo vết xe đổ của Tổng thống tham nhũng Nguyễn văn Thiệu, suốt ngày chỉ biết dựa vào Mỹ để chống Cộng cho đến ngày bị Mỹ bỏ rơi. Ta chống Cộng vì Cộng làm hại quê hương đất nước , Mỹ góp tay vào thì cám ơn mà Mỹ lạnh nhạt thì cũng vẫn cứ tiến hành đấu tranh. Mỹ sẽ đến với ta khi ta mạnh, chứ ngồi đó mà chờ Mỹ bật đèn xanh, đèn đỏ là một thái độ tay sai nhu nhược và vọng ngoại. Mà " vọng ngoại thì tắc tử " như nhà Đại văn hào cách mạng Phan bội Châu đã ân cần nhắc nhở từ mấy chục năm trước.

Ba mươi năm qua đã cho thấy trong cộng đồng hải ngoại đã thấy những tên trí thức, nhà văn như Trương Vũ hô hào người Việt hải ngoại xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải với bọn cầm quyền trong nước. Chúng lên mặt rao giảng từ bi hỉ xả như những vị chân tu nhưng thực chất là nhằm cứu vãn cho chế độ độc tài toàn trị đã đến hồi bị lịch sử và nhân dân đào thải ở quê nhà. Chúng không bao giờ nói đến tội ác bán nước, dâng biển và đàn áp người đấu tranh cho dân chủ của bọn cầm quyền độc ác Cộng sản. May thay, người Việt hải ngoại cũng đã kinh qua bao máu xương, nước mắt để không uống vào những viên thuốc độc bọc đường hòa hợp hòa giải của bọn thân Cộng khốn nạn này. Cuộc đấu tranh chống Cộng sản Việt Nam là một cuộc đấu tranh chống lại cái ác, cái sai trái, phản dân chủ, tụt hậu, nghèo đói về kinh tế chứ không phải là cuộc tranh đấu giành quyền lực và quyền lợi như bọn thân Cộng hải ngoại thường bêu riếu. Có điều mỉa mai là những tên lên tiếng kêu gọi hợp tác với bạo quyền Cộng sản hôm nay là những tên đã ba giò, bốn cẳng chạy trốn Cộng sản không lâu trước đây ! Giữa người Việt với nhau không có vấn đề thù hận, vấn đề phải đấu tranh diệt cái ác là một chuyện làm chính nghĩa, hợp lẽ phải và lòng người mà ngay đến những vị chân tu như Hòa thượng Quảng Độ cũng đang theo đuổi. Luận điệu của bọn thân Cộng như những cái loa rè, rỉ sét, nhai lại những điều giả dối nên không còn thuyết phục được ai. Chúng nhân danh đất nước, con người Việt Nam nhưng thực chất là hoạt động cho quyền lợi bản thân của chúng, mong được bạo quyền ban phát cho chúng quyền xuất bản tác phẩm của chúng trong nước , kèm thêm một chút cơm thừa cá cặn sống qua ngày. Bọn nay cần phải vạch mặt chỉ tên và cô lập chúng, không để chúng gieo nọc độc bọc đường trong cộng đồng tỵ nạn nữa. Thứ hàng thần lơ láo như Phạm Duy, Nguyễn cao Kỳ và đồng bọn bị người trong nước khinh bỉ vì thái độ cung phụng, vuốt đuôi của chúng với bạo quyền và người Việt hải ngoại cũng nguyền rủa không hết lời . Theo Cộng sản giờ thứ 25 quả đúng là ngu xuẩn hết chỗ nói và nói chung hành vi thân Cộng của chúng không có chỗ đứng trong Cộng động Việt lưu vong hải ngoại. Chúng sớm muộn gì cũng bị đào thải một cách nhục nhã vì những lời đường mật của chúng bị thực tế xấu xa ở quê nhà bác bỏ, nên không còn dụ dỗ và lôi kéo được ai nữa.

Sau 30 tháng 4, 1975, từ hải ngoại đã có những dũng sĩ của thời đại đã can đảm từ giã nếp sống sung túc, an nhàn ở hải ngoại để về nước tranh đấu cho tự do, dân chủ của đồng bào. Anh hùng Trần văn Bá, Hoàng cơ Minh đã anh dũng hy sinh, Võ đại Tôn bị bắt, chứng tỏ sự can đảm hiếm có trong cuộc họp báo " phản phé " ở Hà Nội, sau đó được thả về Úc. Lý Tống bị bắt sau khi rải truyền đơn bằng phi cơ dân sự, được thả ra, lại làm một cuộc rải truyền đơn khác bằng phi cơ Thái Lan, và giờ đây vẫn còn ngồi tù ở Thái Lan vì phía Mỹ không tận tình can thiệp cho người anh hùng tranh đấu cho tự do này. Bên cạnh những hành động anh dũng và hy sinh bất khuất của những dũng sĩ thời đại đó, có những tổ chức chống Cộng dỏm ở hải ngoại. Chúng thành lập những chính phủ ma, tổ chức dỏm để thâu tiền đồng bào hải ngoại. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng bày trò kháng chiến ở Thái Lan để rồi bán đứng anh em kháng chiến cho Cộng sản bắt như bọn Nguyễn hữu Chánh đã làm. Đồng bào hải ngoại cần phải tỉnh táo để nhận rõ và không mắc mưu bọn buôn bán kháng chiến xôi thịt này.

Ở trong nước những hoạt động chống đối bạo quyền vẫn âm ỉ từ 30 tháng 4 năm 75 cho đến ngày hôm nay. Những gương mặt đấu tranh dân chủ tiêu biểu như Nguyễn đan Quế, Nguyễn đình Huy đều không dưới 20 năm tù nhưng Cộng sản không tiêu diệt được ý chí đấu tranh của những người này. Về tôn giáo thì phía Thiên chúa giáo có 4 linh mục Nguyễn văn Lý, Chân Tín, Phan văn Lợi, Nguyễn hữu Giải , Phật giáo Hòa Hảo có cụ Lê quang Liêm, Phật giáo Thống Nhất có những gương mặt bất khuất như 

Đức Tăng thống Huyền Quang, Hòa thượng Quảng Độ, Thượng tọa Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Thiện Minh. Thượng tọa Thiện Minh sau 26 năm tù tội, vừa được thả đã minh định lập trường đấu tranh , " Có áp bức thì có đấu tranh. Nhà nước đừng đặt vấn đề lo ngại có người chống đối mà nên tự hỏi là còn đi áp bức người khác nữa hay không. " Để trả lời cho luận điệu ngáo ộp nhằm quy chụp cho những tăng sĩ có sinh hoạt chính trị, Hòa thượng Quảng Độ đã dõng dạc trả lời, " Giáo Hội Phật giáo không làm chính trị nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị." Linh mục Phan văn Lợi hết lòng tán dương lời tuyên bố khẳng khái và khéo léo của Hòa thượng Quảng Độ trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Quê Hương ở San Jose. Miền Bắc có các cụ Hoàng Minh Chính, Phạm quế Dương, Nguyễn thanh Giang đều giữ vững ý chí đấu tranh. Nhà đấu tranh Hoàng minh Chính và nhà văn Hoàng Tiến cũng đã công khai lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Quảng Độ. Riêng giới trẻ thì có những gương mặt đáng kính như Phạm hồng Sơn, Nguyễn vũ Bình, Nguyễn khắc Toàn và mới đây có người bạn trẻ Phương Nam Đỗ nam Hải du học Úc về nước nhập cuộc. Những nhà đấu tranh trẻ này có kiến thức rộng rãi và có trái tim yêu nước nồng nàn và chắc chắn trong tương lai sẽ làm nên việc lớn. Vấn đề cấp bách ở hải ngoại là phải tiếp tay, tiếp máu với những chiến sĩ đứng dậy đấu tranh trong nước. Thử hỏi Phạm hồng Sơn, Nguyễn vũ Bình, Nguyễn khắc Toàn đi tù thì chúng ta đã giúp gì cho họ và gia đình họ chưa? Tiềm lực hải ngoại quá lớn, tiếc rằng chuyện tiếp máu cho những chiến sĩ đấu tranh trong nước chưa được đẩy mạnh. Khi những người đấu tranh đi tù, nếu họ biết hải ngoại lo lắng cho gia đình của họ thì họ sẽ vững tâm đấu tranh hơn. Người Việt hải ngoại phải bảo đảm một điều rằng: Hễ có người nào trong nước đứng dậy đấu tranh thì bổn phận của hải ngoại là phải lo chuyện cơm áo cho gia đình người đấu tranh tù tội và bản thân người tù tội ấy đến nơi đến chốn. Tiếc rằng ở hải ngoại này còn quá nhiều tổ chức đấu tranh dỏm, háo danh, ăn tục nói phét thì nhiều mà không làm được một hành động đấu tranh nào có ý nghĩa cả. Thật là đáng buồn và xấu hổ trước sự hy sinh quả cảm của những người đấu tranh ở quê nhà. Phải có kế hoạch tiếp máu cho họ và gia đình họ thì mới giữ vững được tinh thần và ý chí đấu tranh ở quê nhà.

Tới giờ này thì chính quyền thất nhân tâm Cộng sản ngày càng rã rời. Đã có những cuộc nổi dậy ở Thái Bình và Tây nguyên để phản đối chính sách đàn áp và sai lầm của chúng. Chúng chia nhau làm hai phe đấu đá nhau là phe của Đại tướng chột mắt Lê đức Anh và Đại tướng cai đẻ Võ nguyên Giáp. Chúng đang bày binh bố trận để giết nhau một trận cuối cùng đưa đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Mâu thuẫn giữa hai phe đã quá trầm trọng tới mức không thể hòa giải được nữa. Bổn phận của người đấu tranh hải ngoại là phải đổ dầu thêm vào lửa cho chúng sớm giết nhau càng sớm càng tốt bằng cách gửi tin tức đấu đá giữa hai phe về nước bằng mọi phương tiện và hình thức ( email, điện thư, điện thoại, internet)cho đồng bào quốc nội biết . Làm như thế là đào sâu thêm mối mâu thuẫn giữa chúng với nhau để đưa đến tình trạng đụng độ quyết liệt một ngày không xa. 

Ba mươi năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã trôi qua. Thời gian là liều thuốc hay nhất làm hàn gắn mọi vết thương lòng nhưng tấm lòng nung nấu đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản của những người đấu tranh ngày càng sôi sục khi nhìn thấy bọn Cộng sản nội xâm đã bán đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp Trung Cộng . Một chế độ được xây dựng nên bằng huyền thoại chống ngoại xâm lại trở thành một chế độ bán nước bỉ ổi nhất. Đó là chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay. Trong nước thì đàn bà được rao bán như những món hàng vật dụng, đàn ông thì đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chỉ riêng có bọn đảng viên là phè phỡn sống trên xương máu của nhân dân. Hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo ngày càng lớn và đây cũng sẽ là một nguyên nhân chính đưa đến biến động trong một ngày gần. Tất cả đều căm phẫn trước một chính quyền thối nát, tham nhũng, bất công và chờ đợi một giọt nước làm tràn ly để đứng lên quật ngã bọn bán nước, hại dân.

Xin kết thúc bài viết bằng bài thơ " Sẽ có một ngày " của Ngục sĩ Nguyễn chí Thiện để thấy một bình minh tươi sáng sẽ đến với dân tộc Việt. Ước mơ sẽ chóng thành tựu nếu mỗi người chúng ta, trong cũng như ngoài nước, đều góp một bàn tay vào công cuộc đấu tranh chung.

SẼ CÓ MỘT NGÀY

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất vờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng 
Oan khiên!
Về với miếu đường, mồ mả, gia tiên.
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù, độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bênb nhau trên mất mát quây quần.
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng !
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng Tiến quân ca
Và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la !


Hoa địa ngục (1979)

Đúng vậy ! Ngày mà có kỷ nguyên " tã trắng thắng cờ hồng" , ngày mà có tiếng sáo mục đồng êm ả, ngân nga thay thế những bài ca sắt máu như "Tiến quân ca " và "Quốc tế ca" thì ngày đó mới là ngày nhân dân Việt Nam đích thực có tự do, dân chủ, có cơm ăn áo mặc và có quyền làm người chứ không phải là thứ thân phận trâu bò, ngựa chó bị đầy đọa mấy chục năm nay dưới chế độc Cộng sản vô thần độc ác. 

Phải nghĩ đến tương lai rạng rỡ và tươi sáng của cả dân tộc để nuôi ngọn lửa đấu tranh trong lòng mà dấn thân tranh đấu. Chế độ tàn độc do bầy quỷ đỏ dựng lên đã tới thời cáo chung đi vào hậu trường để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ có nhiều trí tuệ, quả cảm đứng lên thay thế.

Giờ hành động đã điểm, vận nước đã tới rồi...

Lawndale, Một chiều có nắng vàng hiền hòa và gió thổi mơn man cuối tháng 4 năm 2005
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn