BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lần cuối dưới chân cờ

07 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1489)
Lần cuối dưới chân cờ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
“chào hồn thiêng tổ quốc
lần cuối dưới chân cờ
từ đây rồi mãi mãi
như biển khơi nhớ bờ”
ntd.


Một nhóm bộ đội quân Cộng sản miền Bắc đã chiếm được lô cốt, quân số bên trong lô cốt nhiều hay ít thì không ai có thể đoán là bao nhiêu. Nhưng những cái nón cối bọc vải mầu cứt ngựa, những mũi súng tròn xoe như đồng xu, hiện rất rõ ở khoảng cách không xa tầm mắt nhìn. Hạ sĩ Quý chỉ tay về hướng bên kia đường, nơi cái lô cốt đó, nói với ông Đại úy Đại Đội Trưởng Chỉ Huy phòng tuyến mặt trận.

Đêm 29 rạng ngày 30, tình hình tương đối được ghi nhận là yên tĩnh. Thực tế, như vết dầu loang, âm thầm lặng lẽ, từng cụm nhỏ quân miền Bắc đã xâm nhập từng phần đất ở vùng phi trường, cố hết sức né tránh chạm mặt nơi có quân Dù trấn giữ, để tiến sát về gần vòng đai phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu.

Bộ đội tìm đường an toàn băng qua trại Hoàng Hoa Thám, thọc sâu mũi dùi vào khu vực không quân, đóng chốt ở cổng phi trường dân sự. Nếu nói về địa hình địa vật, chốt đó có thể uy hiếp doanh trại của đơn vị Truyền Tin, đe dọa lực lượng quân thám báo của Sở Liên Lạc thuộc Phòng 7, chiếm hai căn cứ địa này, thì mục tiêu cuối cùng không đâu khác là Bộ Tổng Tham Mưu cơ quan đầu não của quân đội.

Từ ngả Ngã Tư Bẩy Hiền, ba chiếc T 54 cồng kềnh và nặng nề như ba con voi già nghiến xích sắt rổn rảng với khói đen xịt hậu, cứ hướng mũi vùng Lăng Cha Cả bò về. Bình thường, khi chúng tắt máy nằm bất động một chỗ, nom chúng giống như một cục sắt lớn tướng, hay một quả núi nhỏ vô tri vô giác. Nhưng lúc khởi động, ba chiếc T 54 dũng mãnh như ba con hổ phóng mình lao đi vun vút, uy lực mạnh mẽ vô cùng. Nghiến xích, ba chiếc T 54 đó trực chỉ về ngả Lăng Cha Cả để tham dự trận đánh với mục đích đè bẹp thành trì quân chính phủ đang cố thủ ở nơi đây.



Dàn hàng ngang với ba nòng súng trên pháo tháp, ba chiếc T 54 như ba con cọp ngồi rình mồi. Một trong ba chiếc đó bỗng chuyển mình bò về phía Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc. Câu lạc bộ này nằm trong hàng rào căn cứ không quân của Trại Phi Long. Hình như chiếc này muốn bức phá khỏi đội ngũ để tiến sâu vào vùng trận địa với khẩu súng chĩa nòng về ba trại lính ở phía trước mặt. Nó vừa chọn được điểm đứng thì cũng là lúc một tiếng nổ phát ra, lớn đến nỗi âm thanh của chấn động làm rung trời lở đất. Tiếng nổ đó là tiếng của quả hỏa tiễn chống chiến xa của chiếc M.48 hạ thấp nòng súng bắn trực xạ. Hai ngày trước đó, chiếc tăng M.48 của lực lượng thiết giáp đã được điều động đến nằm ụ ở đây. Vóc dáng nó nom gọn gàng thon thả, thế nhưng với nòng pháo bắn đạn Tow cực kỳ mạnh, bằng điện tử điều khiển chính xác, chiếc M.48 quả là kẻ thù đáng sợ đối với những chiếc T 54 to xác lớn con. Bốc lên một cột lửa đỏ rực như lưỡi rồng, súng trên pháo tháp chiếc T. 54 tức thì cong vòng như vòi voi cuộn, xích sắt bung ra từng mắt, tháp trên lưng nó văng xa như một cái đĩa bị người ta mạnh tay quăng đi. Cũng ngay lúc đó, hai chiếc T 54 nằm ở phía Lăng chưa kịp phản ứng, chúng đã hứng trọn hai quả đạn trúng ngay mặt, cùng nổ một tiếng nổ lớn với hai cột khói đen và lửa đỏ rực. Hạ ba chiếc T 54 do chiếc M.48 hay do người lính xạ thủ khẩu súng chống chiến xa đứng trên sân thượng gác cao khạc xuống, dù là ai đi nữa thì kết quả cũng là kết quả đáng được tuyên dương công trạng. Chính nhờ loại ba chiếc T 54 ra khỏi vòng chiến, mặt trận ở vùng cổng vào phi trường dân sự đã phấn khởi quân binh sĩ đang chiến đấu ở đây.



Hình như địch thấy chiếc M.48 quá lợi hại cần phải triệt hạ bằng mọi giá, thế nên ngay sau đó từ bên trong pháo đài, một trái B 40 đã được phóng đi. Không ai có thể nhanh mắt mà nhìn thấy quả đạn hình chùy nhọn đầu bay vút vào không khí cho tới khi quả đạn đó đụng vào chiếc M.48 rồi kích hỏa. Nó lụi đầu vào pháo tháp đủ sức hất văng cái pháo tháp có nòng súng bắn hỏa tiễn đi dù thân thể chiếc M.48 không hề xây xát. Đối với chiếc M.48, vũ khí tối quan trọng và lợi hại nhất là khẩu pháo gắn ở pháo tháp, nay pháo tháp và súng đã bị trái B 40 quạt bay đi, thì viên trưởng xa lái chiếc xe đó biết chẳng còn hi vọng gì để tiếp tục chiến đấu. Vì thế, anh lính chiến xa đã vội lái chiếc xe chạy thục mạng về trước cổng trại Bộ Tổng Tư Lệnh rồi nhẩy ra ngoài.



Vào giờ đó, ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Truyền Tin vẫn ngồi ở văn phòng với niềm tin khá lạc quan. Cũng vào giờ đó, ông Tướng Vĩnh Lộc vẫn tin tưởng vào giải pháp thương thuyết rất có thể sẽ làm tình hình thay đổi bất ngờ. Thành phần thứ ba được nhắc đến rất nhiều trước đó trong các cú điện thoại ở các vị cao cấp. Nhưng trên thực tế, điều đó có được hay không thì kẻ quyết định vẫn là kẻ trong tay cầm vũ khí mà không là kẻ đứng đưa ngực trước mũi súng của kẻ thù. Tới lúc tiếng súng nổ quá lớn của trái B 40 bắn vào chiếc M.48 thì, điện thoại ông Tá gọi đến ông Tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu, giờ đó ở Bộ Tổng Tham Mưu ông Tướng đã bay rồi. Kế hoạch rút toàn bộ xe gắn máy truyền tin của ông về vùng 4 đã không còn được gọi là kế hoạch theo đúng nghĩa của nó. Bởi vì bây giờ, tất cả những con đường, tất cả những ngõ ngách, đâu đâu cũng đều mất an ninh. Quân miền Bắc trước khi vào đến Sàigòn, như người đánh cá, chúng đã túm bốn góc lưới để cá lọt xuống đáy cái lưới miệng túm. Vừa đúng lúc ông sĩ quan mặc quân phục có 6 bông hoa mai chia đều gắn cho mỗi ve áo bước vào, ông Tá Tiểu Đoàn Trưởng lập tức ra lệnh:

“Đại úy ra cổng trại chỉ huy anh em”.

Ông sĩ quan sáu bông mai chưa kịp quay gót ra khỏi phòng, hình như cảm thấy còn cần ra lệnh thêm, ông Thiếu Tá ngay tức khắc nói:

“Súng quay mũi vào trại. Không được bắn”.

“Thưa ...”

“Tình hình đã đến thế này, súng Carbine không thể chọi với AK của bọn nó, không được bắn là để bảo toàn nhân mạng. Tất cả anh em lính tráng trong đơn vị đều là người, đều có vợ con, chết như thế là chết uổng. Tôi muốn mọi người phải sống. Sống đã rồi sẽ tính chuyện mai sau”.

Nhận lệnh, ông Đại úy thắt lưng đeo khẩu Colt, mũ sắt đội đầu, băng mình qua bãi đất sân cờ. Cột cờ cao của doanh trại vẫn còn lá cờ tung bay phất phới. Mảnh vải vàng với ba gạch đỏ lượn trong gió như vẫy tay với những người lính đang trí họng súng suốt một hàng rào phòng thủ. Ở cái lô cốt hướng mặt ra con đường ngoài doanh trại, rõ ràng ông Đại úy thấy lá cờ đỏ sao vàng của bộ đội quân miền Bắc đưa ra phất phất. Người thủ khẩu đại liên trong lô cốt là một ông Trung úy có một trợ thủ cấp bậc hạ sĩ nhất. Ông Trung úy hờm sẵn cò súng như sẵn sàng nhả hết băng đạn trong thùng đạn máng ở cạnh bên. Không biết ông nóng máu muốn dùng những viên đạn để hạ bất cứ kẻ thù nào có ý định băng qua con lộ hay ông nóng vì trước đây, ông đã dùng quá nhiều chai bia nên bia kích thích máu trong huyết quản làm ông hăng tiết. Nhưng gì thì gì, lệnh của ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng vẫn là lệnh của thượng cấp, ông Đặi úy bắt buộc phải thi hành. Ông bảo ông Trung úy ra khỏi lô cốt và để khẩu đại liên đó cho ông. Ông cũng ra lệnh cho tất cả quân binh sĩ dưới quyền phải quay súng vào trại như khẩu lệnh vị Tiểu Đoàn Trưởng vừa chỉ thị. Đó là điều suy nghĩ chín chắn, điều nhận định sáng suốt để có được một quyết định khôn ngoan trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại, còn nếu không, những viên đạn của những khẩu Carbine lỗi thời, bắn vừa chậm vừa yếu tầm xa, so với những khẩu AK băng đạn cong của Cộng quân, chúng chẳng thể gây thiệt mạng bao nhiêu cho kẻ địch.

Người ta chờ đợi khá lâu phe đối phương nhả đạn và tấn công vào doanh trại. Nhưng càng chờ đợi, tâm lý càng thấy thời gian lâu và mất kiên nhẫn. Địch còn chờ gì không tiến chiếm mục tiêu khi đã vây kín như vòng đai thép. Hình như họ còn ngại chưa xung kích đục thủng phòng lũy quân bên trong trại, có lẽ bởi vì có điều gì đó họ chưa tin chắc phần thắng sẽ về mình. Điều đó đúng ngay chóc như ông Đại úy chỉ huy tiên liệu, phải có pháo đi trước dọn đường, quân bộ sau đó sẽ xung phong tiến chiếm cứ điểm. Chiến thuật tiền pháo hậu xung mặc dù đã lỗi thời, nhưng cái chiến thuật đó mười lần công đồn đả viện vẫn được quân miền Bắc đem ra sử dụng.

Bắn mỗi quả đều đặn như chày giã gạo, theo một đường dài thẳng tắp, mỗi quả cách nhau một khoảng cách như thước đo, với hai mươi quả đạn Rocket đó, chúng chấm hàng rào phòng thủ Tiểu đoàn đi ngược lên tới Bộ Tổng Tham Mưu. Tất nhiên cũng có một vài quả rơi lạc rớt xuống trại gia binh, khu nghĩa trang thuộc chùa Phổ Quang bơi móc mồ mả, trước khi chúng ngưng rớt xuống, mười người vợ con binh sĩ chết và bị thương, một hai quân nhân bị mảnh miểng cứa da thịt. Chỉ chờ dứt pháo, từ những chỗ ẩn núp trong lô cốt, pháo đài, hố cá nhân và giao thông hào bên kia khu vực không quân, bộ đội quân Cộng sản miền Bắc đã bò trườn nhanh nhẹn như những con rắn đến sát vòng đai của Tiểu Đoàn Truyền Tin, của Sở Liên Lạc và vượt qua sân vận động cạnh Bộ Tổng Tham Mưu để xâm nhập ồ ạt dưới hỏa lực của những khẩu M 16 và đại liên quạt không ngừng nghỉ của quân đội quân chính phủ. Chúng chẳng dễ dàng tiến nhanh và tiến mau trước sức chiến đấu kiên cường và quyết liệt của những người lính thám báo thuộc Sở Liên Lạc với những băng đạn bắn ra và lựu đạn thảy liên tục nổ rền như trời long núi lở.

Tập trung quân số để áp đảo đối phương, bộ đội quân miền Bắc với người đông, vũ khí lớn, cuối cùng cũng đẩy lùi được phòng tuyến bên trong trại rồi tràn vào làm chủ. Chạy với súng còn cầm tay, những người lính thường đi vào đất địch không biết sợ là gì, thế cùng lực tận đã phải rút lui qua ngả trại gia binh để chạy về vùng Gò Vấp.

Cổng trại sau khi được mở, xuất hiện những tên bộ đội mũ nón cối, quần áo ka ki màu cứt ngựa, súng cá nhân cầm tay, súng cộng đồng vác vai, lúc đầu còn đứng quan sát vẻ e ngại, lúc sau vững tâm rồi thì ùa vào như một bọn cướp hung hãn đột nhập tư gia. Từng nhóm nhỏ chừng năm sáu tên, chúng mở cuộc lục xét các phòng ốc trong doanh trại, tịch thu vũ khí và đạn dược gom lại một chỗ và lùa sĩ quan, binh lính vào những nơi chúng qui định. Thành phần thuộc cấp được đánh giá thấp gồm lớp hạ sĩ quan thì nơi tạm giữ là ngôi nhà vòm lợp tôn thuộc khu quân xa. Thành phần chỉ huy gồm sĩ quan mang cấp Tá và sĩ quan mang lon Chuẩn úy thấp nhất thì được chúng ra lệnh ngồi ở bức tường dựng bằng bao cát ở gần bãi đất nơi sân cờ. Những bao cát làm thành bức tường giả mục đích để bảo vệ xe thiết trí máy truyền tin mỗi khi có pháo kích. Dù biết rằng nếu có pháo kích, với những trái hỏa tiễn 122 ly của địch rót xuống, những cái bao đựng cát cũng chẳng che chở nổi cái quân xa nằm ở bên trong. Thế nhưng, lệnh là lệnh, cấp dưới phải tuyệt đối thi hành để thực hiện bức tường bảo vệ cái quân xa thiết trí máy truyền tin với những bao cát vây quanh chiếc xe. Giờ đây, ngồi tựa lưng vào những cái bao cát của bức tường đó, ông Đại úy Đại Đội Chỉ Huy, ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của đơn vị, những ông sĩ quan khác phút chốc trở thành những tù binh trước mắt những tên lính súng cầm tay, ăn nói lỗ mãng, cử chỉ thô tục, đứng nhìn họ với đôi mắt đầy hận thù. Sự chờ đợi nào cũng thường gây sốt ruột và lâu hơn như người ta tưởng. Hình như trong tâm trạng của mọi người lúc này, sự chờ đợi và kéo dài lâu hơn chỉ là sự bất hạnh sẽ đến bởi một cái lệnh bắn hay tha. Hầu như ai cũng nghĩ đến cái chết chẳng thể tránh khỏi khi bọn chỉ huy cao cấp đang ngồi hội họp ở trong phòng họp, để đưa ra một quyết định xử lý thích đáng với đám sĩ quan bị bắt mà chúng gọi là Ngụy. Mà xử lý thích đáng thì chỉ là bắn bỏ những thành phần mà kẻ chiến thắng liệt họ vào loại chống đối cách mạng. Nếu đúng như điều ông Đại úy đang ngồi suy nghĩ, thì trước những cái bao cát của bức tường này, nó sẽ là bãi bắn không thể nào khác được. Nghĩ đến cái chết, ông và tất cả mọi người đồng chấp nhận, nhưng vợ con của họ thì chấp nhận không được.

Ở sân cờ vào lúc đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được kéo xuống. Thay vào đó, có hai tên bộ đội đang thượng lá cờ màu máu gắn ngôi sao vàng. Một trong hai tên đó với thái độ hung hăng vò nát lá cờ vừa hạ, vung cao tay ném nó ra xa. Vừa chạm đất rớt xuống thảm cỏ, mảnh vải như một bông hoa nở búp, vươn dài những cái cánh tựa hai bàn tay với bắt không trung. Đấy là bởi trời đang im gió, bỗng có gió thổi làm lá cờ đỏ sao vàng vải vỗ phần phật. Với luồng gió đó, lá cờ bị đập mạnh đến nỗi vải của nó muốn rách, dây buộc nó muốn đứt. Cơn gió hành hạ lá cờ trên cột cờ thì cơn gió cùng lúc đã nhấc thân lá cờ vàng ba sọc đỏ từ thảm cỏ hướng về ụ cát nơi ông Đại úy, ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng và các sĩ quan thuộc cấp đang ngồi. Vào lúc lá cờ nhấc nhổm bay từ sân cờ đến gần ụ bao đựng cát, mắt ông Đại úy cảm thấy lá cờ như một người bị thương đang cố lết về phía mọi người. Hình ảnh giống như một cơn mơ nhưng lại là sự thực hiển nhiên. Phản ứng tương tự như một người lính đang đụng trận, ông cố nhoài người về lá cờ để bàn tay ông có thể với tới lá cờ đang cố vươn tay bắt lấy tay ông. Một cơn gió vừa đủ làm lá cờ nương thân bay nhanh chạm tới bàn tay ông để đúng lúc đó ông có thể bắt được. Tên lính cầm súng đứng gác ngó lơ đi hướng khác đã giúp ông Đại úy nhét vội lá quốc kỳ vào dưới áo trước ngực. Thì cũng lúc, gió bỗng im khi gió như một con dao lưỡi bén chạm vào sợi dây buộc lá cờ đỏ sao vàng, cắt đứt. Lá cờ trên cột cờ vì thế chỉ còn một đầu góc vải có sợi buộc, đầu kia không, nên lá cờ bèo nhèo là hình tượng của một mảnh vải múa quẫy như đuôi một con chồn già.

Kẻ thù có tính toán nên thay vì bắn bỏ đã để các sĩ quan từ ông Tiểu Đoàn Trưởng xuống đến ông Chuẩn úy được toàn mạng. Chẳng phải do lòng nhân từ độ lượng mà họ tha chết cho ông và anh em, nhưng đó là chính sách có thâm ý sâu độc của đường lối đã vạch sẵn rồi. Không bao lâu sau đó, bề ngoài gọi là cải tạo, bên trong đúng nghĩa là tù. Suốt từ Nam ra Bắc, các trại giam giữ quân cán chính chế độ cũ đã mọc ra như nấm dại. Và ở đó, những người được gán cho hai chữ cải tạo đã cải tạo đúng với từ ngữ tội phạm chiến tranh.

Đã 29 năm, đêm ngồi ở phòng khách trong căn phòng trên tầng cao khu nhà già, mắt nhìn lên bức vách, bức vách có lá cờ cũ ở đơn vị ông phục vụ, ông vừa hận vừa nuôi niềm tin ở tương lai. Ngọn lửa vẫn còn trong trái tim ông như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng hỏa diệm sơn. Dù niềm tin ở tương lai đó như thế nào đi nữa, ông vẫn không thể để mất niềm tin đó được. Đó là lẽ sống để nuôi ông sống đợi có ngày về. Bạn bè có người nhắn ông hồi cố, còn bảo thêm là đừng sợ. Phó Kỳ còn về, ông cấp nhỏ sợ gì mà không về. Thực ra, sẽ có một ngày ông về. Ngày đó là ngày đất nước đã được quang phục. Còn bây giờ, thành phố với những lá cờ máu, ông dứt khoát không về để mắt phải nhìn thấy những lá cờ và những cảnh bất ưng bất xứng trong xã hội con người.

Đêm 30 tháng 4, lá cờ vàng ba sọc đỏ trên bức vách tường trong phòng khách, lá cờ lại gợi nhớ ngày kẻ thù tiến chiếm trại, hạ cờ trên sân cờ, gom quân binh lính và các sĩ quan trong đơn vị vào một chỗ, gắt gỏng hậm họe với những lời xấc xược hỗn lão của kẻ chiến thắng, ông lại buồn và giận. Khuya khoắt, ông lại mơ mình đứng dưới chân cột cờ, quân phục tề chỉnh, mũ lưỡi trai, ve áo gắn những bông mai, ngước mắt nhìn lên lá cờ màu vàng phơi phới, màu đỏ với ba gạch đậm đà, ông chào với bàn tay phải chụm lại, cạnh sát thái dương. Như biển khơi nhớ thềm đất, lúc tối trời là lúc thủy triều nương sóng đổ về bờ, mang tiếng hát yêu thương của mỗi đợt sóng ngỏng cao đầu, ngàn năm vẫn một tiếng hát đó không bao giờ mất. Như ông, lòng ái quốc chẳng thể mai một dù năm có qua đi, tóc trên đầu sợi đen sợi trắng, chân tay mỗi lúc mỗi yếu, lưng đã hơi còng, nhưng trái tim ông, tuyệt nhiên còn máu huyết màu đỏ sắt son, màu của ba vạch trên màu vàng của vải cờ, vàng như màu vàng của hoa cúc. Như người con nhớ mẹ khi phải xa nơi chôn rau cắt rốn, ngóng nhìn về quê hương nơi có mẹ già đêm đêm ngồi tụng kinh gõ mõ hướng lòng về đứa con. Như con chim cuốc kêu khắc khoải dưới đêm trăng mùa hạ nhớ nước thương nòi. “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”. Đó là những buổi sáng trước đây 29 năm, ngày chưa mất nước, lá cờ được kéo lên ở sân cờ trong Tiểu đoàn mỗi thứ hai đầu tuần, ở đó có quân binh lính ngẩng mặt ngước mắt nhìn lên lá cờ từ từ theo đường thẳng của cột cờ mà đi lên, đi lên cao giữa tiếng hát của tất cả mọi người. Khi đã lên tới đỉnh cột, lá cờ tỏa rộng cánh để bay phất phới theo gió, để đón ánh nắng của mặt trời bắt đầu mọc ở đằng Đông. Cơn mơ trốn mất khi gần sáng. Nhưng cơn mơ đi vội vã đã bỏ quên lại lá cờ của buổi lễ thượng cờ, vì thế lúc thức dậy, ông vẫn còn nhớ rất rõ, nhớ rất chính xác, ông đã dự lễ thượng cờ cho buổi sáng ngày đầu tuần. Chỉ đến lúc, từ cửa sổ căn gác nhìn xuống phố, ông thấy phố có xe qua lại, phố có những cây cối dọc hai bên vỉa hè, phố là thành phố ở Mỹ, thì cơn mơ đã trả ông về thực tế. Ông đang sống ở Mỹ. Rõ ràng và không còn gì để hồ nghi được. Ông sống ở Mỹ với hiện tại, nhưng hồn ông, trái tim ông vẫn là trái tim và hồn người của một người lính thuở xa xưa không bao giờ mất được. Mắt lại nhìn lên lá cờ vàng ba sọc đỏ trên bức vách tường, mắt ông ướt bởi những giọt nước mắt vừa ứa ra. Nhưng bao giờ cũng thế, trong lúc yếu hèn của con tim úa nẫu, ông không thể để cho nó úa nẫu, ông muốn nó không úa nẫu mà phải là hơi nóng sôi sục, ông muốn nó phải là những ngọn lửa trong lò sưởi xua bóng tối và cái lạnh của đêm mùa đông, và vì thế, ông thường mở tape nhạc có những bài chiến đấu ca, mục đích để hâm nóng bầu máu nóng trong người ông, và ông hát theo lời những bài hát đó. “Ta sẽ về Sàigòn, ta sẽ về Hà Nội, giành lại đất quê hương xây bằng nước mắt. Giành lại đất quê hương xây bằng tháng năm mồ hôi... Ta sẽ về Sàigòn, ta sẽ về Hà Nội giành lại đất quê hương chan hòa ánh nắng, giành lại đất quê hương thiết tha ngàn đời... Đây giờ đã đến, giờ bão tố, giờ sắp xếp đang trên đầu dòng... Lời bài hát được ông cập nhật hóa theo thời gian hiện tại, thế cho nên những chữ Đông Hà và Gio Linh bây giờ phải là Sàigòn và Hà Nội mới đúng với thời điểm.

Giọng của ông là giọng của người già. Nó có hơi yếu nhưng vẫn là giọng của người lính mang một bầu nhiệt huyết dâng hiến cuộc đời còn lại cho quê hương. Không bằng súng nhưng bằng tấm lòng chân thực của một người đã sống và hi sinh cho một mảnh đất và lý tưởng của tổ tiên từ ngàn năm truyền lại, đời đời mãi mãi sẽ như sóng biển được biển đưa về bờ.

Nguyễn Trung Dũng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn