BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đà Lạt, Một Thời Yêu Dấu Cũ

07 Tháng Tư 20178:01 SA(Xem: 4279)
Đà Lạt, Một Thời Yêu Dấu Cũ
59Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
59

[…] Tối 31/3/1975, nghe Trường có lệnh di tản, tôi bỏ lại chiếc Peugeot 203, trước căn nhà thuê, khu chợ Chi Lăng, vì không có xăng, và đi bộ, lưng đeo ba lô (đựng đồ lặt vặt, một bộ quân phục sạch, vài quyển sách, và một chai cognac XO Courvoisier do anh bạn Tây Alain Bichet mua tặng), lên Trường xin quá giang xe jeep của Thiếu tá Lê Ân, Văn Hóa Vụ trưởng, xếp trực tiếp của tôi. Cùng chung xe, có Bác sĩ Đặng Phùng Hậu, trưởng bệnh xá Trường (cũng bỏ lại xe hơi riêng, có lẽ bởi thiếu xăng, giống tôi), và Thiếu úy Nguyễn Ngọc Chẩn, sĩ quan phụ khảo, thuộc Khoa. Xe jeep của chúng tôi bắt đầu chuyển bánh lúc 12 giờ đêm 31/3, rạng sáng ngày 1 tháng 4, cùng với đoàn xe Trường Đại Học CTCT. Khi ai nấy an tọa xong, tôi bắt đầu khui chai cognac, rót ra bốn ly nhựa nhỏ, mời mọi người uống. Tôi nói, giọng có vẻ cải lương kiểu Hùng Cường, “xin tất cả cạn chén ly bôi, xem như những giọt rượu nồng cay này là những giọt nước mắt quê hương, để khóc cho đêm giã từ thành phố Đà Lạt thương yêu”. Thiếu tá Ân không uống, lấy cớ bị đau bao tử kinh niên, và đang lái xe. Càng uống, không hiểu sao, tôi càng thấy lòng buồn vời vợi, trước viễn ảnh tang thương, mịt mờ của đất nước. Càng buồn lại càng uống thêm. Làm nhớ bài thơ “Tương tiến tửu” của thi hào Lý Bạch: Ngũ hoa mã, Thiên kim cừu / Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu / Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu (Ngựa năm sắc, Áo ngàn vàng / Hãy bảo nhau lấy ra đổi rượu ngon / Để ta cùng các bạn diệt tan nỗi sầu -dịch bởi Nguyễn Danh Đạt, 1988).

truongvobiquocgiadalat

Trưa hôm sau, đến ngoại ô Phan Rang, sau khi đổ đèo Ngoạn Mục một cách khá nguy hiểm, và chậm rì, vì đêm tối đen và chỉ được phép mở đèn mắt mèo. Tại nơi này, các sĩ quan cơ hữu hiện diện được lệnh tham dự buổi họp dã chiến chớp nhoáng với Đại tá Chỉ huy trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh để nhận chỉ thị và tin tức cập nhật về tình hình. Sau đó, ăn cơm trưa –do giáo dân Quảng Trị định cư tại xóm đạo Quảng Thuận, quen biết Đại tá khi ông là tỉnh trưởng Quảng Trị, khoản đãi.

Rồi được lệnh tiếp tục di chuyển về Sài Gòn qua ngả Phan Thiết. Đoàn xe CTCT nhích lên từng thước một vì hỗn loạn đã diễn ra trên thành phố Phan Rang. Những binh sĩ rã ngũ từ Miền Trung chạy vào, quân phục tả tơi, không vũ khí, nhưng bên hông đeo đầy lựu đạn, không có chỉ huy, và vài người dân trong cơn tuyệt vọng, bất mãn, không còn biết phải đi đâu, đã “xuống đường” chận xe và người di tản, la lối, dọa nạt, khiến ai nấy hoảng sợ. Xe Đại tá Quỳnh cũng bị chận, nhưng không việc gì, nhờ sự can thiệp hữu hiệu của các cận vệ, trông rất ngầu. Theo sau, bốn người chúng tôi, không ai bảo ai, chĩa họng súng Carbine và M16 ra ngoài, đề phòng trường hợp bị làm ẩu […]

Trong khi ấy, tôi chợt thấy một chiếc Mustang màu vàng óng ánh quen thuộc, từ hướng Nha Trang vào, đậu sát lề đường theo một hàng dọc, gồm rất nhiều xe nhà binh và dân sự, bị kẹt, dài cả cây số. Bên trong xe Mustang thoáng thấy bóng ba mẹ tôi, bốn đứa em nhỏ và hai thằng nhóc con của em gái tôi, Thể Trân, và ngồi ở tay lái là Thư, đứa em rể. Xe jeep ngừng lại, tôi nhảy xuống. Cả nhà ngạc nhiên và mừng rỡ trước cuộc tái ngộ bất ngờ, hi hữu này. Mẹ cười qua màn lệ: “Trọng đâu con?”. Nguyễn Kim Trọng, em kế tôi, là Trung úy dạy Anh văn tại trường Võ Bị. Tôi đáp: “Trọng đi chung với Võ Bị, con chưa gặp, nhưng chắc cũng quanh quẩn đâu đây thôi.” Ba hỏi: “Bây giờ con sẽ đi đâu?”. Tôi trả lời: “Trường con sẽ tiếp tục di chuyển đến Phan Thiết.” Tôi dặn Thư chạy bám sát chiếc jeep của chúng tôi.

Quá trưa thì đến cửa ngỏ Phan Thiết. Bỗng nghe có nhiều tiếng nổ, nghe giống tiếng pháo kích, ầm vang trên đầu, trước mặt, sau lưng, không biết từ đâu, của ai. Đám người di tản, tưởng VC tấn công, hoảng hốt, chạy táng loạn, tìm chỗ trú ẩn. Một binh sĩ địa phương quân Bình Thuận xuất hiện, la lên: “Tiểu khu bắn súng cối đó, bà con ơi. Không cho ai vô Phan Thiết”. Và khoát tay: “Tất cả de xe lại. De xe lại”. Đoàn xe của CTCT bèn quay đầu, hướng về tỉnh lỵ Bình Tuy, tức ra biển, kéo theo bao nhiêu là người và xe dân sự, giờ này chỉ còn biết giao phó sinh mệnh cho Trường CTCT.

Đường đi đến Bình Tuy còn xa, và mặt trời còn chói lọi và cái nóng như thiêu, khiến đoàn người di tản mồ hôi đổ ra như tắm, và vì thế càng thêm khát, phải uống cả nước ruộng. Tôi xuống xe, với ba lô và cây carbine, xin phép Thiếu tá Ân được rời nhóm, để theo gia đình, và hẹn gặp lại nhau một nơi nào đó.

Đến Bình Tuy, cả Trường CTCT được phép dừng quân và nghỉ ngơi ngay trước sân trụ sở Tiểu khu, cùng với vô số quân nhân từ khắp nơi kéo về. Đồng thời, tôi nghe tin toàn bộ Trường Võ Bị đã được C130 bốc về Sài Gòn. Mẹ bớt lo cho Trọng. Bỗng một người lính đến hỏi, “Ai là Đại úy Nguyễn Kim Quý, trường Đại Học CTCT?”, và trao cho tôi một mảnh giấy có dòng chữ viết vội của Bội Trân, em gái tôi, tiếp viên Air Việt Nam: “Anh Hai chéri, em đang ở trong máy bay, tại phi trường Bình Tuy, không bỏ đi gặp anh được. Anh đến phi trường gấp để em đưa về Sài Gòn. Bisous”. Rõ ràng Bội Trân, và Trọng, không biết gia đình đã di tản từ Nha Trang vào đây. Thư bèn chở cả nhà ra phi trường. Còn tôi không muốn bỏ đơn vị. Một giờ sau, Thư lái xe trở lại và cho biết, Bội Trân nghe Trọng báo tôi đang ở Bình Tuy, nên, dù không đến phiên, em đã tình nguyện theo chuyến bay Air Việt Nam chở đồ tiếp tế (sữa hộp, mì gói, bánh mì) cho tỉnh Bình Tuy, để đón tôi. Máy bay trở về Sài Gòn đầy nghẹt người, toàn là thân nhân của những ông lớn và những người đi chui. Ba mẹ và Thư đành ở lại, nhường chỗ cho Thể Trân và mấy đứa nhỏ. Buổi tối, mẹ dọn bữa ăn với cơm nắm và thịt kho, làm từ sáng sớm tại nhà. Thêm nửa chai cognac của tôi. Tôi đi tìm Thiếu tá Ân, Bác sĩ Hậu và Thiếu úy Chẩn, mời đến ăn cho vui, nhưng không thấy họ đâu giữa một rừng người dày đặc.

Sáng hôm sau, Đại tá Quỳnh cho lệnh tập họp toàn Trường và quyết định di chuyển về cửa Phan Rí, để thuê ghe vô Vũng Tàu, vì tiếp tục đường bộ, ông nói, rất nguy hiểm. Để khỏi mang tiếng đào ngũ, tôi đưa ba mẹ đến chào Đại tá, và xin phép ông cho tôi tách khỏi Trường, để đi cùng với gia đình. Ông vui vẻ chấp thuận, đồng thời báo cho biết địa điểm tập họp là doanh trại Tiểu đoàn 30 CTCT, tại Tam Hiệp, Biên Hòa. Tôi theo ba mẹ và Thư ra làng chài trước mặt, trên bờ biển, và thuê bao một chiếc ghe với giá cắt cổ, vì phải chở theo chiếc Mustang […].

30thang4phanri
Ghe rời bến Bình Tuy khoảng 11 giờ sáng và 3 giờ trưa mới đến Vũng Tàu. Chậm, vì sóng lớn, biển động. Tại đây, người dân hiếu kỳ chung quanh cho biết, trường CTCT Đà Lạt, khoảng một ngàn người (gồm cả những sĩ quan khóa sinh Căn Bản và Trung Cấp CTCT, và gia đình quân nhân cơ hữu của Trường), đã lên bờ an toàn. Tôi mừng lắm. Thư lái xe chở ba mẹ và tôi về căn nhà trọ của Bội Trân, tạm nghỉ qua đêm, cùng với Thể Trân và đám trẻ. Sáng hôm sau, Thư đưa tôi lòng vòng qua các khu phố, thuê được một căn lầu của một cao ốc, có cửa sổ bên hông nhìn xuống khu chợ Trương Minh Giảng. Cả nhà, gồm có Trọng, tôi, và gia đình người cháu ruột của mẹ bất ngờ được gặp lại, trú ngụ trên đó cho đến một tuần sau ngày 30 tháng 4, mới trở về Nha Trang […].

Portland, Mùa Quốc Hận, 6/4/2017
Kim Thanh,
Trưởng khoa Nhân Văn Xã Hội, Văn Hóa Vụ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn