Vào giảng đường, thi rớt một năm là vào quân trường ngay. Trong cái không khí ấy, chúng tôi đã đọc những trang bút ký chiến tranh của những người đi lính trước, để tưởng tượng ra những khổ nhọc mà sau này, khi đã bắt đầu đoạn đường chiến binh sẽ hiểu thấu. Có những bài viết, làm xúc động sâu xa. Có những câu thơ mang đến sự chia sẻ tột cùng.
Chúng tôi đọc Nguyễn Bắc Sơn. Chúng tôi đọc Phan Nhật Nam. Thấy Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi. Thấy Dấu Binh Lửa. Thấy Mùa Hè Đỏ Lửa. Thấy những người chết và những người đang lầm lũi trong khói lửa chiến tranh.
Những bài hát, có hình dáng chiến tranh, có khăn tang cô phụ, có hình tượng của một thời núi xương sông máu, dù phản chiến hay cổ võ chiến đấu, với lời ca từ làm nhỏ lệ chúng tôi. Thân phận con người trong cơn bão lốc như chẳng còn chút giá trị. Viết về một thời đại ấy, là kể lại những kỳ tích mà mấy chục năm sau, lớp tuổi trẻ tiếp theo lớn lên khó tưởng tượng nồi. Dù rằng, những tác phẩm ấy chỉ nói lên một phần không toàn diện cuộc chiến. Một nửa, là dòng chữ Phan Nhật Nam, một nửa là câu văn Bảo Ninh. Bao nhiêu năm qua, thống hận đã hết nhưng đau xót vẫn còn. Những vết thương vẫn chưa lành miệng.
Nhưng, có người nói bây giờ mà đọc bút ký chiến tranh của thời xa xưa ấy thì hơi… chậm tiến. Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi đã hàng nửa thế kỷ, bây giờ nhắc lại có ích gì, như hành động cứ moi mãi vào vết thương tâm của cả một dân tộc.
Viết bút ký chiến tranh, là phản ánh lập trường chính trị một cách chủ quan, chỉ là một cách nhìn của một phía và chỉ soi rọi đến một nửa chân lý mà thôi. Đọc những trang sách viết về chiến tranh, chúng ta có thể rõ ràng mường tượng vị trí chính trị. Từ Phan Nhật Nam đến Bảo Ninh, từ Trần Hoài Thư đến Trần Mạnh Hảo. Dù thời điểm sáng tác có khác, dù hoàn cảnh, môi trường có khác, chiến tuyến có khác nhưng những giòng chữ viết của họ phần nào nói lên được tâm cảm của người lính trong bão lốc chiến tranh.
Nhưng, trên phương diện văn học sử, những tác phẩm như Dấu Binh Lửa, như Nỗi Buồn Chiến Tranh… chính là những ghi chép lại của tâm tư một thời, những ngày khốc liệt nhất của lịch sử. Khác với vai trò của một văn công tuyên truyền, họ mang cái lửa của những người tuổi trẻ sống trong một thời kỳ không thể có một quyết định nào khác hơn là cầm súng. Những người không thích chém giết mà vẫn phải lao mình vào lửa đạn.
Tôi đọc Phan Nhật Nam trong tâm cảm ấy. Dấu Binh Lửa, Dọc Đường Số 1, Mùa hè Đỏ Lửa, là những bút ký ghi lại một thời mà chúng ta đều gắng quên mà phải nhớ. Một thời kỳ mà những suy tư đã dằn vặt lên những “con người” biết nghĩ đến phát điên lên được. Thực tế lịch sử đã tròng tréo lên nhau hết mắc míu này đến liên hệ kia. Những thế lực ngoại quốc chi phối, những tâm cảm bức bối nhược tiểu, những con đường đi ít có ánh sáng mặt trời. Tuổi trẻ bị đẩy vào mê cung và quanh quẩn lồng lộn trong những chấn song giới hạn như trong một bẫy rập.
Hình như, bút ký chiến tranh Dấu Binh Lửa đã gây nên rất nhiều phản ứng trong giới cầm bút. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã cho rằng đây là một kiệt tác viết về chiến tranh. Nhà báo Chu Tử cũng phát biểu như thế. Những dòng chữ, viết bằng máu và mồ hôi của một chiến trận có thực và những phẫn nộ có thực đã thuyết phục được người đọc. Đến nỗi, những người cầm bút phía đối nghịch bên kia như Tô Hoài và Nguyễn Tuân cũng phải nhận rằng quả thực Phan Nhật Nam đã viết tác phẩm của mình bằng máu, nhưng là một loại máu bị nhiễm độc. Và, khi chấm dứt chiến tranh, Phan Nhật Nam đã nếm biết bao nhiêu đòn thù, với những ngày biệt giam dài dằng dặc.
Dù ở bất cứ một nhãn quan chính trị nào, ở những kết luận, đều chung một nhận định, chữ viết của Dấu Binh Lửa, Mùa Hè Đỏ Lửa là những dòng chữ của văn chương mang nỗi niềm của tuổi trẻ một thời đại rất là đặc biệt Việt Nam.
Trước khi là lính, Phan Nhật Nam là một sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt. Tôi để ý thấy ông ít tôn sùng một thần tượng nào, nhưng khi nhắc về Trường Mẹ của mình, ông đã viết với sự tôn trọng. Hơn nữa, với cả một tâm tình đằm thắm mà ông đã có từ thuở hoa niên. Những người, mà ông gọi là thầy, là niên trưởng, hay niên đệ, trong văn chương ông, đều có nét chung mang nhân bản, của những mẫu người yêu đất nước và mong muốn hòa bình dù phải bắt buộc cầm súng. Những lời ông ngỏ, như những tâm sự gửi đến, để chia sẻ:
“…Tôi ở lính tám năm, năm nay 26 đi lính năm 18 suốt tám năm của một thời lớn lên tôi đem tặng hết cho quân đội, không phải đến bây giờ tôi thất vọng chán nản vì công danh không toại ý, cuộc sống bị ép buộc không đúng như mơ ước nên cay cú hằn học với nhà binh.
Không như vậy, tôi đi lính năm 18 tuổi vào học trường tình nguyện ra làm ông quan một. Chẳng có ai lôi kéo tôi vào trường ấy, tôi tự động hăng hái hãnh diện để trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan với ý nghĩ đã chọn đúng cho mình một hướng đi, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời mọc. Tôi có những rung động thật thành thực khi đi trong rừng thông hương nhựa thông tỏa đặc cả một vùng đồi, sung sướng vì thấy đã đưa tuổi trẻ vào trong một thế giới có đủ mơ mộng và cứng rắn, một thế giới pha trộn những ước mơ lãng mạn hào hùng. Chuyển quân trong sương đêm, trong mây mù, ánh lửa mục tiêu của một đêm đông, trong hốc núi hoang vắng, thế giới mạo hiểm giang hồ của Jack London phảng phất đâu đây.
Tôi say mê và thích thú với những khám phá mới mẻ đó. Nắng cao nguyên trong những ngày cuối năm vàng tươi rực rỡ, đứng ở đồi nhìn xuống hồ suối Vàng trong vắt yên lặng, người như muốn tan vỡ thành muôn ngàn mảnh nhỏ theo cơn gió bay chập chờn qua vùng đồi trùng điệp và tan đi trong nước hồ xanh ngắt…”
Không phải cảm giác và tâm tưởng ấy là của riêng tác giả Dấu Binh Lửa. Mà hình như của chung những chàng lính “sữa” quân trường. Huấn nhục không làm vơi chất lãng mạn mà còn tạo thành một truyền thống để những cực nhọc thăng hoa thành những kỷ niệm đẹp một thời.
Đà Lạt, phong cảnh hữu tình, người cũng đẹp và trời đất bốn mùa cũng có nét đẹp cách riêng. Sống ở trong môi trường ấy, óc tưởng tượng đã phát triển để thấy được cái lồng lộng vô biên của cuộc nhân sinh. Thực tế cũng có nhiều trắc trở, ngày tháng rồi sẽ kéo dài những mệt mỏi, nhưng trong rực rỡ những hy vọng vẫn là những bản hoan ca của một tuổi trẻ thanh xuân. Không phải là những bài hát mị lính rẻ tiền kiểu “anh tiền tuyến em hậu phương” mà là những tâm tư chất ngất hùng tráng của những câu thơ hào hùng thuở nào nhắc đến một thời trăng treo vó ngựa. Phan Nhật Nam viết về những ngày ở Trường Mẹ:
“…Phải nói thật những ngày ở lính đầu tiên của tôi đầy trong sáng và đẹp đẽ. Trong sáng như giấc mơ của số tuổi 19, giấc mơ mù mờ có cánh chim trắng bay chậm rãi qua rừng thông. Nhưng đời sống nhà binh không hẳn là vậy, nó còn có sĩ quan cán bộ, có nghi lễ, có đủ những phiền toái hỗn độn mà đời sống dân sự không ai nghĩ ra được. Nên khung trời đầy sương mù bí mật ngoài khung cửa sổ hiện ra như một thách thức đối với đời sống kìm kẹp của tôi hiện tại.
Đây cũng là một thời gian thật khủng hoảng, mỗi đêm nhìn về phía thành phố đầy ánh đèn tôi không ngủ được, tưởng như có một tiếng gọi của đời sống ở bên ngoài quân ngũ đang nhắc nhở thúc dục, một đời sống thực sự tôi không có.
Từ khung cửa sổ nhìn xuống những triền đồi im lặng chạy dài trong sương mù và đằng xa ánh đèn xanh của vườn Bích Câu ma quái diễm ảo, tôi thấy rõ trong tôi có một nỗi cô đơn khủng khiếp hiện hình sừng sững. Những lúc ấy tôi thấy được con người thực của mình, một gã trai trẻ viễn vông, thấy rõ những cười đùa ban ngày, những buổi học, bữa ăn tập thể không ảnh hưởng gì đến con người trong tôi. Không thể có được một ý niệm về chuyên môn quân sự mà bằng tất cả mọi cách nhà trường cố nhét vào trong đầu óc. Những đội hình tác chiến, cung cách chỉ huy, chi tiết kỹ thuật về vũ khí trôi qua trí não mơ hồ như một cơn gió nhẹ.
Hai năm sống ở mái trường đó như một cơn gió phiếm du. Những giây phút thực nhất là phiên gác nửa đêm về sáng dưới ánh đèn pha của vọng gác kho đạn tôi khám phá được một thế giới của cây cỏ đang thở, đang lớn lên, những giây phút khoảng năm giờ sáng, sau phiên gác nhìn xuống phòng sĩ quan trực, người lính kèn im lặng đưa lên môi thổi bài kèn báo thức. Và giây phút thực nhất không gì hơn suốt ngày Chủ Nhật một mình một ngựa chạy như bay vào hướng đồn Daksard. Con đường đỏ còn ướt sương đêm, trời chưa tan hẳn mù, ngựa phi như gió cuốn, ngựa đi vào trong một vùng mù đặc, rừng thông chuyển động ào ào, cả trời cao nguyên tan biến chập chờn theo vó ngựa. Kết quả sau hai năm ăn nhờ chánh phủ tôi được biến thành ông quan một ra trường đi binh chủng hung hãn nhất…”
Vào lửa đạn, đi qua từ những chiến trường này đến trận chiến nọ, trải qua bao nhiêu thăng trầm binh nghiệp, bao nhiêu lần thương tích, bao nhiêu lần thấy cái lý tưởng thời xưa bị vầy đạp, vẫn thấy, sáng ngời những ngày tháng quân trường, vẫn thấy, niềm hãnh diện xuất thân từ ngôi Trường Mẹ vẫn chưa nhạt phai.
“…Tôi ra trường năm 1963, thời gian chiến tranh bắt đầu nặng và hỗn loạn không phải chỉ thuần túy ở sự kiện chiến tranh nhưng đã bắt đầu gây mầm bùng nổ ở lòng người. Lẽ tất nhiên là sĩ quan nhà nghề, xuất thân từ quân trường mà quyền hành của khóa đàn anh không phải chỉ để thi hành kỷ luật nhưng là một ám ảnh khủng khiếp cho khóa dưới. Chỉ một cái quắc mắt của Nguyễn Xuân Phúc (Khóa 16) khi bước lên bục gỗ, hai trăm người của khóa tôi co rúm tê liệt như con nai chết trước nhãn quan khủng khiếp của con hổ. Một sinh viên sĩ quan Khóa 19 vì quá sợ niên trưởng nên dù trái lựu đạn đã bật kíp nhưng cũng không dám ném đi vì chưa nhận được lệnh (trong bài học ném lựu đạn tất cả các động tác đều theo lệnh) nên hậu quả trái đạn nổ trên tay.
Tôi biến thành một người lính thực thụ, trận lớn, trận nhỏ, chiến dịch hai tháng, ba tháng, dài ngắn, từ Sài Gòn trở ra Bến Hải, tôi đi đủ. Những địa danh xa xôi bất kỳ một xó xỉnh hiểm hóc nào của miền Nam này tôi cũng có thể biết rõ một cách tường tận. Từ những miền quá nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên đến những làng nhỏ từ cửa Việt đi ra: Diêm Hà Trung, Diêm Hà Nam, cái làng nhỏ cuối thung lũng sông Kim Sơn, làng Hà Tây, đèo ông Hổ đổ xuống Phù Củ ra Phù Ly, Phù Cát thẳng đến biển là núi Lồi, đầm Trà Ổ, xuống phía Nam là đầm Nước Ngọt. Lên đến Pleiku, trực thăng vận xuống phía nam biên giới Lào Việt đầu ngọn sông Ia-Drang… Đâu đâu tôi cũng đến.
Năm thứ nhất, năm thứ hai, thứ ba tôi sống thoải mái, vì đã đi đủ, nhìn đủ. Tôi cũng chấp nhận cho sự góp mặt ở chiến cuộc. Góp mặt để chấm dứt chiến tranh. Thắng bại không kể, nhưng cốt yếu là không ở ngoài, không chạy trốn trong khi bạn bè những người cùng trang lứa đang tham dự đang ngã chết. Dù bên này hay bên kia, chết trong thù hận…”
Chỉ có người ở trong cuộc mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của một cuộc chiến phi lý. Ngoài tiền tuyến hy sinh, trong khi hậu phương thì bị phá nát bởi những tên vô trách nhiệm không một chút ý thức nào về dân tộc và quốc gia.
Có những người trước khi vào lính là những sinh viên hay biểu tình tranh đấu nhưng khi gia nhập quân ngũ lại cảm thấy giận dữ khi máu xương và mồ hôi của mình và đồng ngũ mình bị phí phạm một cách cực kỳ vô ích. Cũng như, có những người lính, sau nhiệm vụ của mình, đã cầm bút như một cách thế để nói lên nỗi niềm tâm sự của mình.
Thú thực tôi cũng không tâm đắc mấy với những ngôn từ như nhà thơ lính, nhà văn lính. Ở một thời kỳ mà tất cả sinh lực, tất cả những tinh hoa của đất nước đều dồn hết vào quân đội thì chữ lính đi sau có phải là thừa thãi không? Nhà văn, nhà thơ là đủ rồi, hà tất còn phải thêm chữ lính làm gì? Đâu có phải đó là dấu mộc của tấm giấy chứng nhận tại ngũ để trình cho cảnh sát đứng gác đường xét hỏi… Thời chiến tranh, mọi người phải hoàn tất nhiệm vụ của mình với đất nước, với xã hội mình đang sống.
Tôi nghĩ đến cái mộng ước của Đại Tá Trần Ngọc Huyến, chỉ huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt một thời. Ông muốn hình thành một lớp quý tộc mặc quân phục với tiêu chuẩn văn võ toàn tài. Từ bước đầu rèn luyện ở quân trường, không phải chỉ là những kiến thức về quân sự về chuyên môn, mà còn cả những phương cách để học làm người nữa. Một mẫu người kiểu mẫu cho một thời đại. Bằng mọi cách, với tất cả nỗ lực ông kiến tạo một tiêu chuẩn mẫu mực mới cho phong cách và chân dung một sĩ quan hiện dịch.
Tiếc là thời gian đã không đủ để có một trắc nghiệm chính xác. Nhưng, từ những người con xuất thân từ Trường mẹ, họ đã không làm phụ lòng những mộng ước mong mỏi trên. Địa linh thì có nhân kiệt. Đỉnh Lâm Viên vòi vọi cao nhưng không phải là chẳng thể vượt qua.
Bây giờ, đọc những trang sách, lại thấy phảng phất đâu đây mùi nhựa thông buổi sáng hay mầu hoa quì vàng làm ngây ngất lòng người. Cái sương mù bây giờ ở xứ người có làm nhớ đến màn sương mù đặc của Phan Nhật Nam thuở trước? Ai làm người lính gác đêm, nhìn thành phố mờ tỏ ánh đèn có thấy xao xuyến nỗi nhớ mong nào đó? Kỷ niệm sẽ rất đẹp, khi lúc ta đang tuổi xuân, lòng bừng bừng men rượu của cuộc sống sắp đến.
Đà Lạt, nơi có những người lính alpha đỏ trên vai, và những cô gái nữ sinh Bùi Thị Xuân, Couvent… đầy e ấp. Ở đó có những mối tình đẹp nhưng cũng có những cuộc chia tay buồn bã. Hoa mimosa, hoa anh đào, hoa quì có một buổi nào nở rộ? Những người lính, lên đường mang giấc mộng của mình đi đến chiến trường, nơi trăng treo vó ngựa, nơi sinh tử mịt mù.
Và với Phan nhật Nam, trong câu chuyện kể hoài không đủ, viết ngàn chương thiếu một tờ, biết đâu, về sau, những lớp con trẻ lớn lên đã thấy được những cảnh ngộ của cha ông trong một thời lịch sử quá nhiều phức tạp…
Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn