BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73510)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trước Khi Trời Sáng

03 Tháng Hai 20208:40 SA(Xem: 3541)
Trước Khi Trời Sáng
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
[viết theo 90% trí nhớ, và 10% trí tưởng tượng]

 

Vài phút sau bốn giờ sáng, ống nghe máy PRC-25 của hắn rột rẹt tiếng của Lê Bê rất nhỏ: “hai không hai, năm lẻ bốn – hai không hai, năm lẻ bốn, nghe rõ sang sông”.  Thằng Dũng ngồi bật dậy, vặn máy vô tuyến qua băng tần bí mật, bóp ống nghe, và trả lời rõ rệt: “năm lẻ bốn, hai không hai.”

“Đưa Hồng Hà gặp 504” tiếng Lê Bê nhanh nhẹn.  Hồng Hà là danh hiệu truyền tin của Trần Huấn, trung sĩ nhất quyền trung đội trưởng trung đội 2, đại đội 92 nhảy dù.  504 (chín nút) là ám số của Tường Vi, người anh cả của đơn vị. Trần Huấn kéo nón poncho xuống khỏi đầu, nói khẽ bằng môi và hơi thở, “kêu tất cả dậy, chuẩn bị zulu”, trước khi với tay nhận ống nghe.

Thằng Dũng trườn lên miệng hầm chỉ huy trung đội, lăn người qua hố cá nhân của binh nhất Ninh. “Mày nói anh Quang đi khều mấy vọng gác về, ba chạc ba-lô gọn ghẽ, báo động tại chỗ chờ lệnh anh Huấn”, hắn nói thêm “chắc là đi tapi cú nữa” rồi bò về chỗ cũ.

Trên ngọn đồi vô danh, cách làng Như Lệ chưa đầy nửa cây số đường chim bay, nhìn ra hướng tây bắc là bờ sông Thạch Hãn, cả trung đội hai thức dậy trong yên lặng tuyệt đối của bóng đêm. Tháng mười một ở Quảng Trị, đất  trời lúc nào cũng se se lạnh và mưa lất phất. Tuy có mặc poncho nhưng người thằng Dũng vẫn ướt nhẹp nhất là từ đầu gối xuống chân. Gần hai tuần rồi chưa lần được cởi đôi giày bố.

quangtrixua-cauthachhan-nhinvephiabac-1969
Cầu Thạch Hãn - 1969


Thằng Dũng mới qua mười bảy tuổi.  Con trai Huế, lớn lên trong Đà Nẵng. Lúc đầu năm, hắn còn lo gạo học bài thi đệ nhị lục cá nguyệt năm lớp 10 ở trường trung học Phan Chu Trinh. Có chút thì giờ nào thì hắn tập tành làm thơ và tán gái. Rồi đùng một cái là Mùa Hè Đỏ Lửa.  Và đùng đùng nhiều cái nữa thì cường độ chiến tranh lên quá mức chịu đựng, dân tản cư từ bên kia đèo Hải Vân tràn vô tị nạn chiến tranh trong thành phố. Ở trường học nào, trên sân chơi và trong lớp học, lều chõng của dân tị nạn bất chợt mọc lên như nấm. Thằng Dũng xếp sách vở lại đi theo bạn bè đi tham gia cứu trợ.  Dồn dập theo đó là chuyện đôn quân và tổng động viên. Lớp 10B5 của hắn gần 55 đứa học trò, có khoảng một chục tên giơ tay lên tình nguyện. Cuối tháng năm 1972, hắn âm thầm chọn đi lính Nhảy Dù.

danangxua-truongphanchautrinh
Phan Chu Trinh - Đà Nẵng

Trong hầm chỉ huy trung đội, Trần Huấn áp ống nghe chặt vào tai nghe lệnh Tường Vi. “Hồng Hà thấy hạt đậu, cách ba xấp hướng mười giờ (ngọn đồi, khoảng cách 300 thước hướng tây tây bắc) không?  Có cái đinh nhỏ.  Lệnh Cửu Long (Tiểu Đoàn), mình phải nhổ trước khi trời sáng.  Đem con cái zulu, đến chân hạt đậu, trễ lắm là G+2, chờ lệnh tôi.”

“Năm trên năm (nhận rõ), 504.”  Trần Huấn nhận lệnh, can đảm như Kinh Kha trong giọng Huế chay.

Huấn, lúc đó mới hăm ba hăm bốn tuổi mà mà nhìn tra (già) hơn hầu hết trong trung đội. Đi lính từ trước Mậu Thân, Huấn đã qua những tháng ngày mút mùa Lệ Thủy ở Dakto, Hạ Lào, Hải Lăng, Quảng Trị nên đôi giày saut và cái nón bo đã thấm màu nắng gió.

Huấn mò trong túi ba-lô gói cà phê bột. Nấu nước sôi bằng cục C4 bằng đầu ngón tay. Cà phê đen có liền  trong hai phút. Huấn đốt điếu Capstan. Chợt nghĩ đến M, má hồng thơm mùi hương con gái Thành Nội Huế, và mơ có hai ngày phép.

Ờ đầu vòng đai trung đôi, Ninh kiểm soát lại giây ba chạc. Sáu trái lựu đạn và bốn băng đạn M16. Bi đông nước và hai khẩu flare. Khinh binh số một của trung đội, Ninh làm việc nhanh nhẹn gọn gàng. Ninh về trung đội 2 từ tháng tám, lúc đơn vị đụng nặng với tank T-54 Bắc Việt ở động Ông Đô.

Ninh con nhà Bắc di cư ở Hố Nai Biên Hòa. Đi lính có lương là gửi về cho mẹ cho em. Đêm nào trong hố cá nhân, nó cũng lập đi lập lại ước mơ đơn giản: “khi nào về hậu cứ, theo tớ về nhà ăn rựa mận.”

Hố cá nhân cạnh Ninh là Liệu. Người “xanh” nhất trong tổ khinh binh, cũng là người kinh nghiệm nhất vì Nhảy Dù là đơn vị thứ hai của hắn. Trước Mùa Hè Đỏ Lửa Liệu làm lính Sư Đoàn 3. Đơn vị tan hàng ở Quảng Trị, thay vì về trinh diện lại ở Quảng Nam. Liệu về quê ở Truồi cho đã, rồi đăng vô mũ đỏ. Liệu dáng cao roi, và khỏe nhất đám, ngoài ba lô ba chạc, hắn còn mang theo thùng đạn đại liên và một khẩu M72. Có thằng nào đó trong tổ khinh binh hỏi nữa đùa nữa thật “Ê Liệu, mày có vợ chưa mày?” Liệu trừng mắt “đừng hỏi nữa nghe chưa!”.

Kế đó là Luân. Thằng Luân là dân Sài Gòn chính gốc trong trung đội. Nhà ở Quận 4 (nổi tiếng có dân anh chị dữ dằn nhất) trong thành phố. Luân rành rỏi “xóm ở đường đó nổi tiếng xì ke; xóm ở đường kia có nhiều bò lạc.” Cũng con nhà nghèo lao động trong thời buổi đôn quân.  Luân hay nói “ghét nhất là mấy thằng lính kiểng trong xóm tao; sáng đi chiều về mà lúc nào cũng mặc rằn ri láng cóng.”
Luân cởi mở thân thiện với mọi người trong trung đội. Có gì dư thì lúc nào cũng chia ba xẻ bảy; lúc thiếu thì hắn cũng chẳng ngần ngại nhào vô chĩa đại.

Thằng ngớ nhất (và trẻ nhất) trong trung đội là Hồ.  Hồ ngớ. Nó người Bình Định Quy Nhơn.  Từ cách ăn mặc, đi đứng và nói năng ai cũng nói thằng này ngớ nga ngớ ngẩn không hiểu sao mà chẳng lọt về Gia Đình Bác Tám sau khi mãn khóa Nhảy Dù. Hồ thuộc trong tổ đại liên, lúc nào cũng đèo theo hai thùng đạn M60 nặng trịch. Trần Huấn thương thằng Hồ lắm. Đêm nào cũng chia cho nó ca gác nhất, sợ nó gác ca khuya lạng quạng quay mặt vô tuyến mà rỉa là thí mẹ.  Huấn cứ hay nói thằng này đáng ra cho nó miễn đi lính, ở nhà làm thợ nề thợ mộc thì đúng hơn.

Hố cá nhân cuối tuyến là của Quang, cánh tay phải của Trần Huấn. Quang, hạ sĩ nhất, coi tổ đại liên và thành phần trừ bị của trung đội. Quang cao long nhong gần thước tám, và rất là ít nói.  Quang quê ở Vùng 4, miệt sông nước Cửu Long. Quang và Huấn thân nhau từ lúc Hạ Lào, cả hai cùng vào ra bệnh viện Đổ Vinh hai ba chuyến.

Trong khi trung đội chuẩn bị zulu ra khỏi tuyến phòng thủ, Huấn mở bản đồ hành quân ra xem lại khoảng cách và cao độ của Tango, điểm tapi của 202. Từ chân đồi lên tới đỉnh, Tango có dốc cao hơn 20 độ.  Sau chóp đồi của Tango là một lưng ngựa nhìn qua một hạt đậu khác. Huấn suy nghĩ, kiểu này chắc phải chia 202 thành hai nhánh. Huấn dẫn toán khinh binh làm mũi tên chĩa thẳng vào Tango; Quang mang phần còn lại và tổ đại liên bọc phía bên kia triền lưng ngựa.

Huấn nói với thằng mang máy “Dũng, mày gọi Quang lại cho tao nói chuyện.”

Trên đỉnh Tango, trong hố chiến đấu cá nhân hình chữ L, thằng bộ đội mang tên Trần Sĩ Hùng, ngồi gác một mình.  Nó lạnh run, chiếc áo mưa rách mấy lỗ, che không đủ ấm. Phiên gác của nó từ nưa khuya cho đến 4 giờ sáng. Gật gù nhìn bóng tối mênh mông phía trước, thằng bộ đội non choẹt tính thầm: nó vào Nam đã gần hai tháng. Lời nhắc nhở của bu nó còn rỏ ràng trong trí nhớ “mày phải khôn để sống mà về nghe con.” Nó cứ nhớ mãi ánh mắt nhìn theo của hai đứa em còn non dại.

Đi từ miền bắc vào nam, Trần Sĩ Hùng chẳng mang gì theo ngoài một lá thư con nhỏ nhà hàng xóm, tóc cột đuôi gà, màu da trắng và thơm như mùi hoa bưởi. Lá thư đem cho thằng bộ đội chút ấm lòng trong canh gác đầu đông.

Tường Vi đốt thêm điếu thuốc. Người đại đội trưởng Nhảy Dù ngồi chồm hổm, hai đầu gối gần chạm hai tai, nhìn chăm chăm tấm bản đồ hành quân. Sau Tango lại tới Delta (đồi đất đỏ sát bờ sông Thạch Hãn), lúc này 92 của Tường Vi đi ủi chốt không ngừng mặc dù chiến trường Quảng Trị lúc này đã bắt đầu giảm bớt đi cường độ đạn bom tàn khốc.

Tường Vi nói với Lê Bê “kêu tụi nó cho tao chút cà phê” trước khi ngóc đầu ra khỏi hầm chỉ huy nhìn về hướng trời tây-tây bắc. Còn quá tối, sương đêm hay mưa bụi làm không gian ẩm ướt quá chừng. Tường Vi nhẩm nghĩ “chắc lúc G+2 trời cũng bắt đầu hừng sáng.”

Trần Huấn ra dấu cho thằng Dũng tắt máy PRC-25, và ngoắt tay ra lệnh cho trung đội zulu.

Trung đội hai âm thầm rời vị trí.  Đi đầu là thằng Liệu và tổ khinh binh, kế đến là Trần Huấn và thằng máy, sau cùng là Quang và tổ đại liên.  Tất cả di chuyển trong một trăm phần trăm im lặng, nhắm về hướng Tango.

Thằng Dũng nghe nhịp tim của nó đập nhanh hơn, và miệng môi khô nước miếng. Mặc dù đã hết sức cẩn thận, nó vẫn nghe tiếng chân của nó đạp lên cỏ cây xào xạc.

Binh nhì Nguyễn Liệu lẹ làng như sóc rừng và thính tai như cú đêm, loắt thoắt chập chờn.  Thỉnh thoảng nó đưa tay trái lên ra dấu cho trung đội ngừng lại, rồi áp mặt xuống đất nghe ngóng.

Khi sắp đến Tango, Trần Huấn giang hai tay dài cho trung đội làm hàng ngang bám lấy chân đồi.

Dũng mang máy nhẹ nhàng đưa combiné PRC-25 cho Trần Huấn. Huấn bóp nhẹ hai lần.  Giọng Lê Bê rất nhỏ “202 1004 (trung đội 2 đến điểm hẹn)?” Huấn bóp combiné một lần, trả lời đúng vậy.

Tiếng Tường Vi ở bên kia đầu ống nói “Phương Bình (Pháo Binh) 1001 (sẵn sàng). 202 1009 3001 (trung đội 2 tấn công khi nhận định rõ mục tiêu)”. Huấn bóp combiné một lần nữa, 5 trên 5, 504 (nhận rõ đích thân), rồi tắt máy.

Trên đỉnh Tango, thằng tổ trường bộ đội, ngóc đầu ra khỏi hầm chữ A, quan sát tuyến phòng thủ. Hắn định bò đi vòng quanh đi kiểm soát từng vọng gác nhưng không hiểu sao hắn lại thôi, rồi chui xuống quấn khăn quàng cổ ngủ tiếp.

Bộ đội Trần Sĩ Hùng cũng gật gù trong canh gác phía ngoài phòng tuyến. Nhìn phương đông loe loáng sáng, hắn nghĩ thầm, sắp hết canh gác đêm dài, chắc sắp qua được một thoáng bình yên.

Trần Huấn vịn vai Quang nói rất nhỏ “cho trung đội gom ba-lô vào một chỗ, cho ba đứa giữ, còn bao nhiêu, mang đi tấp.”

Trung đội chia làm ba cánh, theo thế chân vạc, vừa bò vừa quỳ, leo lên sườn đồi. Khi tổ khinh binh của Liệu và Ninh còn cách Tango mười lăm thước thì Liệu ra dấu là trên đồi Tango có chốt bộ đội.

Theo kế hoạch của Trần Huấn, tổ khinh binh Liệu Ninh là nỗ lực chính, bên phải là tổ chỉ huy trung đội, tổ đại liên và thành phần còn lại theo Quang thủ sườn cực phải.

Tường Vi và người sĩ quan tiền sát viên đại đội đứng thăng người nhìn về hướng Tango. Trời sắp sáng. Mưa bụi vẫn còn bay. Cạnh đó Lê Bê quỳ thẳng người, áp combiné PRC-25 vào tai trái.

Bỗng nhiên từ hướng Tango có mấy tiếng nổ bụp bụp bùm bùm của lựu đan tung vào hầm chiến đấu và phòng tuyến. Tiếp theo đó là tiếng của tràng M16 và AK lẫn lộn. Và thêm nữa là ánh lửa xanh lè của B40 bật lên trong bóng tối.

Tường Vi nói với tiền sát viên “anh coi chổ nào có tiếng depart của tụi nó thì kêu gà cồ mình gõ vào đó cho tôi.” Người tiền sát pháo binh nhanh nhẹn “xong rồi đich thân.”

Trước đó ba mươi giây, trên sườn đồi Tango. Trần Huấn ra dấu cho trung đội bắt đầu tấp chốt. Năm cánh tay vung lên thẩy M26 vào hầm bộ đội.  Huấn hô lớn “xung phong, xung phong” và siết cò khẩu M16.

Thằng Dũng mang PRC-25 lum khum chạy theo người trung đội trưởng, cố giữ khoảng cách cho đừng bị dính chùm. Thoáng chốc, nó nghe rõ tiếng thằng Liệu la lớn “đ.m. giơ tay lên.”

Khi nghe mấy tiếng ầm ầm lựu đạn nêm vào phòng tuyến, Trần Sĩ Hùng vùng dậy mắt mở bừng ra.  Chưa kịp chụp lấy khẩu AK-47, thì có mũi súng M16 dí vào trán hắn.  Một tên ngụy áo rằn ri giọng miền trung đặc sệt “đ.m. giơ tay lên.” Thằng bộ đội non choẹt, chết điếng, sợ quá đưa hai tay thẳng lên trời.

Bên trong phòng tuyến Tango, thằng bộ đội thủ trưởng ngồi bật dậy khi nghe tiếng chân người ngoài phòng tuyến. Hai tiếng nổ lớn dữ dội. Người bộ đội nằm xuống, ấp mặt trong lòng đất đỏ núi đồi Quảng Trị.

Trần Huấn xách cổ Trần Sĩ Hùng giao cho thằng Dũng “coi chừng nó, nó lạng quạng bắn bỏ cho tao.” Huấn lên máy PRC-25 “504 202.  202 3001 (trung đội đang thanh toán mục tiêu).” Nói xong Huấn dzọt ra ngoài.

Chiến trường kết thúc sau chưa đầy năm phút. Một nửa tổ bộ đội tháo bỏ chạy về hướng bờ sông Thạch Hãn. Hai đầu hàng, và ba sinh bắc tử nam.

Khi trời sáng hẳn thì thằng Dũng mới nhìn thấy rõ mặt Trần Sĩ Hùng. Khuôn mặt trẻ tái mét vì thiếu ánh nắng. “Mẹ, nó còn non hơn cả mình nhiều. Thằng Dũng nhủ thầm “thằng này chắc mới 15, 16.” Người tù binh bắc việt ngồi cạnh người lính nhảy dù, không bịt mắt, không trói chân tay, run run và muốn hỏi đây là giấc mơ hay là sự thật.

Sau một lúc yên lặng, thằng bộ đội nói nhỏ “lạnh quá anh ơi! anh có thuốc lá cho em xin một điếu.” Thằng Dũng giả bộ làm ngơ mà nó cũng thấy lạnh và cần một điếu thuốc thật. Rút trong túi áo gói thuốc lá gói trong bao nylon gạo sấy, móc ra một điếu bật lửa hút. Thằng bộ đội nhìn thằng lính nhảy dù có vẻ hiền từ trước mặt, rồi bỗng nói “Thôi anh lấy súng của em rồi anh tha cho em đi đi nhé.  Em chỉ cần bơi qua sông Ba Lòng là em về đến nhà em. Em có người yêu da trắng và thơm như hoa bưởi.”

Thấy vẻ ngây thơ của thằng bộ đội, thằng Dũng chợt có lòng thương hại. Đưa điếu thuốc đang hút dở cho thằng tù binh, nó nói “thôi đừng lộn xộn nghe mày.” Trần Sĩ Hùng hút lia lịa, điếu thuốc cháy tận đầu ngón tay. Thằng bộ đội nói với thằng lính dù “thuốc lá thơm quá anh, mình hút điếu nữa đi anh.”

Tango yên lặng khi trời sáng hẳn. Quang chạy xuống chân đồi hướng dẫn tổ yểm trợ mang ba-lô trung đội lên vị trí mới của trung đội. Trần Huấn lên máy nói với Tường Vi “Tango xong rồi 504. 7001 (hoàn toàn vô sự). Có hai khách không mời.” Tường Vi có vẻ vui mừng “ngon quá 202! Có con cái của Châu Bá Thông (Thường Vụ Châu) hướng về anh đó.”

Khi toán tiếp tế của đại đội đến Tango thì Trần Sĩ Hùng còn năn nỉ với Trần Huấn “các anh tha cho em về, kẻo bu em mong em lắm.”  Trần Huấn nhìn thằng bộ đội tội nghiệp “còn sống là còn về đó mày ơi.”

Trần Sĩ Hùng bình an rời Tango. Không ai trói tay chân nó. Nhìn màu áo khaki Nam Định của nó lẫn trong màu áo hoa dù đi xa dần trong tầm mắt, thằng Dũng nói thầm trong bụng “thằng bộ đội ơi, tao chúc mày may mắn.”

Trung Hậu
12/2019
Nguồn : Quyênbook

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn