BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đốt bình hương cũ

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1886)
Đốt bình hương cũ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
(Kính tặng cựu Tướng Lê Văn Thân, nguyên tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế và Dân Quân Cán Chính quận Phong Điền)

Tưởng niệm ngày giỗ của cố Chuẩn Tướng Lê Văn Thân (26- 09 - 2005).

Tiếng kèn, tiếng trống vang lên inh ỏi. Pha lẫn tiếng cười nói của rừng người trên đại lộ Habor. Hôm nay ngày cựu chiến sĩ (Veteran’s Day). Thị xã San Diego tổ chức rầm rộ hơn mọi năm. Đủ mọi sắc binh chủng qua các trận chiến: Đệ nhất, Đệ nhị Thế chiến, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam Anh em cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cũng được hội chiến sĩ mời tham dự. Buổi lễ tổ chức rất trang nghiêm, rầm rộ và náo nhiệt.

Ông Hoàng bị xô đẩy giữa rừng cờ các nước. Chen lẫn các vị cựu quân nhân Hoa Kỳ, với hàng hàng huy chương đeo trước ngực. Bỗng một bàn tay lạ đặt lên vai, làm ông Hoàng giật mình quay lại. Trước mặt ông, một ông già Mỹ với hàm râu quai nón xuất hiện.

- Thiếu Tá Hoàng, ông còn nhớ tôi không? Tôi là Thiếu Tá Wright cố vấn trưởng quân Phong Điền ngày xưa đây...

Tiếng nói bất chợt làm ông bàng hoàng xúc động. Sau vài giây định thần, ông Hoàng mới thốt lên lời:

- Ồ đã lâu quá! Đến hôm nay mới gặp lại Thiếu Tá Wright, sau 40 năm xa cách!

Khúc phim dĩ vãng lần lượt hiện ra trong tâm trí ông... Sau biến cố Mậu Thân, cùng ngày mãn khóa Quân Chánh, ông Hoàng được bộ nội vụ bổ nhậm về Quận Phong Điền. Phong Điền, một quận cựu bắc của tỉnh Thừa Thiên. Đúng với tên đặt cho nó: phong là gió, điền là cát. Một nơi đầy phong ba cát bụi... Vị trí quận được đặt trên các đụn cát nóng cháy! Cũng lấy từ chữ phong, nên quận có các xã: Phong Bình, Phong Lộc, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong Nguyên. Giáp ranh có Phá Tam Giang thuộc quận Hương Điền. “Sợ chuông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang” Phá Tam Giang đã đi vào lịch sử qua các thời đại. Hơn nữa Phá Tam Giang đã được nhắc tới trong văn thơ Việt Nam. Bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang nổi tiếng của thi sĩ Tô Thùy Yên được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc rất hay. Thuộc phạm vi quận còn có dẫy phố Buồn Thiu (La rue sans gloire ), nằm vắt ngang xã Phong Bình chạy dài đến Phong Lộc. Nơi đây đã ghi lại các trận đánh ác liệt đẫm máu, giữa quân đội viễn chinh Pháp và các đơn vị chủ lực Việt cộng. Trên lộ còn để lại các xác chiến xa đã hoen rỉ...

Chiếc phi cơ dân sự (Air VN) loại DC06, đáp xuống phi trường Phú Bài vào một buổi trưa hè oi bức. Ông Hoàng còn đang lóng ngóng ở giữa phi đạo, bỗng một chú lính chạy tới chào và nói:

- Thưa có phải Thiếu Tá Hoàng không? Tôi nhận lệnh đem xe ra đón Thiếu Tá.

Đúng như y hẹn. Ở Sài Gòn trước khi lên phi cơ, ông Hoàng đã cẩn thận phôn ra tòa tỉnh Thừa Thiên, xin xe ra phi trường đón. Sau biến cố Tết Mậu Thân, quang cảnh phi trường Phú Bài rất náo nhiệt. Trên phi đạo thấy đủ loại máy bay của không lực Mỹ. Từ vận tải cơ C123, C130 đến các loại trực thăng... Các máy bay đang lên xuống thường xuyên tiếp tế đạn dược, nhu yếu phẩm cho chiến trường Trị Thiên. Những tiếng động cơ nổ vang trời chen lẫn tiếng cười nói của anh em quân nhân, ồn ào và náo nhiệt. Tình hình có vẻ cấp bách. Tất cả cho chiến trường đang sôi động.



Trên đường từ phi trường Phú Bài về khách sạn Sông Hương. Nhiều ý nghĩ ngược về dĩ vãng hiện ra trong đầu ông Hoàng. Hơn 10 năm về trước, ngày đó ông còn độc thân. Sau ngày mãn khóa Sĩ quan Thủ Đức, ông đã tình nguyện đi bất cứ đâu từ Bến Hải đến Cà Mau. Vì thế vùng Trị Thiên không còn xa lạ gì với ông. Đây là lần thứ nhì ông đến vùng sông Hương núi Ngự. Ngày mới ra trường với dáng người bạch diện thư sinh, ông Hoàng đã để lại bao kỷ niệm vui buồn nơi chốn đất Thần Kinh. Thời đệ nhất cộng hòa, cố đô Huế dưới quyền cậu Cẩn, đức hạnh con người được bảo vệ triệt để. Vì thế có lời đồn đãi: nếu chính quyền địa phương bắt được sĩ quan đi (ngủ đò)... Cậu Cẩn bắt phải làm đám cưới với cô gái đó! Thời đó các sĩ quan rất e sợ vụ này. Nếu có đi chơi cũng phải e dè vụng trộm. Thật đúng với hai câu thơ: “Núi Ngự không cây, chim ngủ đất. Sông Hương vắng khách, đĩ kêu trời!”

Trước khi ra nhận quận Phong Điền, ông Hoàng đến tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên (thị xã Huế ) trình diện đại tá Tỉnh trưởng. Thời gian này cựu đại tá Lê Văn Thân giữ chức tỉnh kiêm tiểu khu trưởng Thừa Thiên. Mấy năm sau ông nắm chức Tư lệnh Sư đoàn 1/BB và thăng Chuẩn Tướng). Sau Tháng Tư Đen, ông bị bắt đi tù ở Hoàng Liên Sơn. Ông đã phải ngồi đếm trên 17 cuốn lịch oan khiên! Sau thời gian ra tù, ông sang định cư tại miền Nam Cali. Ông đã qua đời vào năm 2005. Sự ra đi của ông đã để lại bao luyến thương cho toàn thể dân quân cán chính tỉnh Thửa Thiên! Ông có dáng người gầy và cao. Đôi mắt to đen, nhanh nhẹn, tháo vát chứng tỏ con người đầy nghị lực. Ông đã quyết tâm làm một việc gì, theo đuổi đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc. Ở ông, ông Hoàng đã học được nhiều điều hay trong công vụ và xử thế ở đời... Với cựu tướng Thân, ông Hoàng không xa lạ vì ông cùng binh chủng pháo binh với ông. Ngày còn ở bên pháo binh, ông đã nổi tiếng một sĩ quan thanh liêm, làm việc rất khuôn mẫu (rếch lô). Vì thế trong binh chủng pháo binh thường lan truyền gương bốn sĩ quan sạch: “Nhất Thắng, nhì Thân, tam Giang, tứ Sử.”

Ngoài đức tính thanh liêm, việc làm khuôn mẫu, ở cựu tướng Thân còn có bộ óc kỹ thuật tuyệt vời. Ông Hoàng nhớ một kỷ niệm ông đã để lại, trong thời gian ông Hoàng giữ quận Phong Điền. Chúng ta đã thường nghe nói miền Trung đất cầy lên sỏi đá, khác với miền Nam có vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long, nông dân ở đây làm chơi ăn thiệt. Vì thế chính phủ dưới thời nào cũng quan tâm đến lúa gạo miền Trung. Hàng năm tỉnh Thừa Thiên phải nhận viện trợ của nước ngoài một số gạo rất lớn. Gạo hạt dài, hạt tròn của Thái Lan thường đổ vào xứ dân gầy rất nhiều. Để khuyến khích người dân tự túc về lương thựcm mỗi xã thường được trung ương cung cấp hai máy cầy Kubota của Nhật. Ngoài máy cầy, hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu..., mỗi xã còn có một sĩ quan kỹ thuật, để giúp và cố vấn dân chúng về nông nghiệp. Trong một buổi thăm viếng xã Phong Sơn của cựu Đại Tá Thân, sau khi phái đoàn nghe ông xã trưởng K. thuyết trình về tình hình nông nghiệp xã, sĩ quan kỹ thuật trình, tại xã có một máy cày Kubota bị hư đang đợi tỉnh thay thế. Ông liền hỏi sĩ quan kỹ thuật, hướng dẫn ông đến kho để máy xem sao. Khi tới kho, ông liền xắn tay áo, lấy đồ nghề tháo tung đầu máy ra... Mày mò đến hơn nửa giờ, khi lắp máy vào, ông giật dây thấy máy tự động nổ... Sĩ quan kỹ thuật học chưa tới chữ, được một phen xanh mặt với ông!

Ông Hoàng nhận bàn giao quận Phong Điền không có quận trưởng. Hơn 04 tuần trước, cố Tr/Tá Lê Phú, sĩ quan tiền nhiệm quận trưởng đã bị Việt cộng phục kích sát hại tại khúc quẹo đồi thông hai mộ (cách cầu An Lộ 15 cây số). Cua quẹo này đã gây tai nạn cho đôi trai gái chở nhau bằng xe Honda. Dân địa phương đã đặt tên là cua đồi thông hai mộ, để ghi lại mối tình oan nghiệt này! Thời gian này chi khu Phong Điền do Thiếu Tá Đ. tham mưu phó xử lý thường vụ.

Cách quận gần cây số về phía Đông Nam có căn cứ Hoàn Mỹ (Camp Evans) do lữ đoàn 176 nhầy dù, thuộc Sư đoàn 101 không kỵ Hoa Kỳ trấn đóng (101 Division Airborn). Ông Hoàng còn nhớ, ngày đó toán cố vấn chi khu gồn 04 người: Thiếu Tá Wright cố vấn trưởng, Đại úy Smith cố vấn phó kiêm sĩ quan Phụng Hoàng, thượng sĩ Joe y tá và trung sĩ Robert phụ trách truyền tin.

Tình hình quận Phong Điền sau biền cố Mậu Thân tạm lắng dịu. Các đơn vị chủ lực Việt cộng tạm chém vè, chạy ẩn náu trên rừng già Trường Sơn. Bước sang đầu năm 1969, hạ tầng cơ sở Việt cộng bắt đầu hoạt động trở lại. Từ rừng Trường Sơn, chúng thực hiện sẵn những lồng bằng tre rừng. Khi có cơ hội chúng đem xuống đồng bằng, chôn sâu dưới các đụn cát... Mục đích làm nơi ẩn núp cho các toán giao liên hay các cơ sở nằm vùng.

Nắm vững ý đồ của chúng, để triệt hạ các cơ sở nằm vùng tái lập lại an ninh, sau ngày đáo nhậm quận Phong Điền, ông Hoàng lên thảo luận với Thiếu Tá Wright, thành lập toán biệt kích Chi Khu. Toán này quân số khoảng tiểu đội đa số lấy trong thành phần hồi chánh viên và số anh em nghĩa quân gan dạ. Trưởng toán biệt kích là hồi chánh viên tên Chắt. Quá trình ông Chắt là xã đội trưởng du kích xã Phong Bình. Ngoài ra ông Hoàng còn ra tăng thâu lượm tin tức tình báo... Khi có tin tức chính xác về sự xâm nhập của Việt cộng từ rừng núi xuống đồng bằng, chi khu liền tổ chức các cuộc hành quân Diều hâu (Eagle fly) để tiêu diệt địch. Mỗi lần tổ chức hành quân, chi khu thường được lữ đoàn 176 nhẩy dù Mỹ kế cận cung cấp 02 trực thăng HU1B đổ quân và kiềm trở hỏa lực khi cần. Một kỷ niệm sâu đậm và ghi ơn suốt đời, trong thời gian ông Hoàng giữ quận Phong Điền, trưởng toán biệt kích quận, hồi chánh viên Chắt đã cứu mạng sống của ông và Thiếu Tá Wright trong gang tấc!

Vào một buổi chiều Mùa Đông, mưa phùn giá lạnh, cái lạnh tê buốt của cái rét miền Trung bão lụt. Mọi sinh hoạt đều ngừng trệ, nhưng bọn Việt cộng lợi dụng thời tiết xấu, một toán khoảng 05 tên từ núi rừng Trường Sơn, len lỏi băng qua quốc lộ I xuống xã Phong Bình. Tin tức tình báo cho hay, chúng đem theo một số lồng đan bằng tre rừng mục đích thực hiện một số hầm bí mật, gây dựng lại cơ sở đã bị ta triệt hạ trong chiến dịch Tết Mậu Thân.

Trong căn hầm được thiết kế sâu dưới lòng đất, nơi đây đặt làm Trung tâm hành quân của chi khu Phong Điền, ông Hoàng cùng Thiếu Tá cố vần trưởng, hướng về tấm bản đồ xã Phong Bình bàn soạn kế hoạch đổ quân với hai toán phi công trực thăng được tăng phái... Trên bầu trời xám xịt, mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt. Hai chiếc trực thăng HU1B từ từ bốc lên cao, để đánh lạc hướng Việt cộng, trực thăng bay dọc quốc lộ một hướng về cầu Mỹ Chánh, qua xã Ưu Điềm (Phong Hiền), hướng về cầu Vân Trình. Đến đây phi cơ giảm tốc độ, bay dọc theo dẫy phố Buồn Thiu. Điểm đổ quân là về phía Nam của mục tiêu. Toán biệt kích chia ra làm hai mũi nhọn bung ra lục soát các điểm khả nghi trên vùng mục tiêu. Sau hơn một giờ lùng sục, tìm kiếm những điểm khả nghi có hầm bí mật, mọi người tưởng như vô vọng! Ông Hoàng nghĩ có lẽ tin tức tính báo do ban hai phối kiểm sai hoặc giả tụi Việt cộng có phép thần thông biến hóa khôn lường? Nhưng thiên bất dung kẻ gian, lưới trời lộng lộng, những kẻ gây tội ác cho nhân dân đã đến giờ đền tội. Toán của ông Hoàng và Thiếu Tá Wright, có hồi chánh viên Chắt đi theo. Khi mọi người lục soát tới cạnh bờ suối có hàng sim lúc sút bất chợt bàn tay hồi chánh viên Chắt xô mạnh vào người ông Hoàng và Thiếu Tá cố vấn, làm hai người ngã rạt sang một bên... Liền đó, những tràng AK từ căn hầm bắn lên xối xả... Tức thì trong tích tắc, anh em biệt kích đáp lễ lại bằng những tràng M16 và lựu đạn... kèm theo tiếng hô đanh thép của hồi chánh viên Chắt: “Hàng sống, chống chết!” Sau khi khui hầm, kết quả 03 tên Việt cộng chết, 02 tên bị ta bắt sống. Chiến lợi phẩm thu được 03 AK47, một thùng đại liên 50 toàn giấy bạc 500 (VNCH) mới tinh. Bên chi khu có ba nghĩa quân bị thương nhẹ. Vào thời điểm này, bọn Việt cộng trên vùng rừng núi Trường Sơn phía Tây Bắc quận Phong Điền, thường len lỏi xuống đồng bằng. Chúng đem tiền xuống thu mua âu dược và lương thực, tiếp tế cho các đơn vị chủ lực miền... Một buổi lễ ăn mừng đã được chi khu tổ chức rất trọng thể. Anh em trong toán biệt kích, nhất là hồi chánh viên Chắt được ban thưởng huy chương và vật chất xứng đáng.

Sau thời gian hàn huyên, bao kỷ niệm được nhắc lại giữa hai người... Vợ Thiếu Tá Wright, một người đàn bà Mỹ tính tình đôn hậu, giầu lòng bác ái, thông cảm khí hậu Mùa Đông giá lạnh của miền Trung Việt Nam, Bà đã từ tiểu bang xa xôi Florida, gửi những chiếc áo ấm đan bằng len cho các con ông Hoàng. Ông Wright còn nhắc lại, sau trận lụt lớn ngày 23 tháng 10 năm Canh Tuất (1970), Ông Hoàng được thuyên chuyển về một quận thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, còn ông được thuyên chuyển qua phục vụ tại chiến trường Nam Triều Tiên, rồi qua Tây Đức. Sau cùng ông đến tuổi về hưu, giải ngũ với cấp bậc Đại Tá. Còn Thượng sĩ Joe (Y Tá), sau thời gian giải ngũ ông lãm chủ tầu đánh cá ở Houston. Trung sĩ Robert (truyền tin) sau mấy năm được thuyên chuyển qua chiến trường Triều Tiên, ông cũng giải ngũ hiện cùng vợ mở một quán rượu tại New York. Còn Đại Úy Smith (Phụng Hoàng ) khi nhắc đến tên ông, ông Hoàng còn vương lại bao nỗi buồn khôn nguôi! Cố Đại úy Smith đã nằm xuống trên mảnh đất xa xôi miền Trung nước Việt: Chi khu Phong Điền thuộc Tiểu Khu Thừa Thiên! Khoảng Tháng Tư năm 1970 thời gian này ông Hoàng đang tu nghiệp tại rừng Chí Linh (Vũng Tầu). Một buổi sáng, đại úy Smith trong chuyến công tác hai xã Phong Bình, Phong Lộc, xe ông đã cán phải mìn Việt cộng! Bọn cộng phỉ gian manh, chúng đã đặt mìn trong chiếc tĩnh nước mắm bằng mủ. Dù toán an ninh chi khu đã dò mìn trước cũng vô hiệu. Xác của ông được đưa về nguyên quán, tiểu bang Texas Hoa Kỳ. Tên của ông được vinh danh, khắc trên bức tường đá cẩm thạch mầu đen, cùng tên với trên 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam Hiện đặt tại thủ đô Washington DC.

Ông Hoàng bùi ngùi xúc động khi nhớ đến những người đã khuất! Trải qua trên 40 năm dâu bể, dân quân cán chính quận Phong Điền kẻ mất người còn, nhất là sau biến cố 30/04/1975, không biết những chiến hữu của ông, nếu còn thì đang lưu lạc nơi nao. Bất giác ông nhớ đến hai câu thơ của cố thi sĩ Vũ Đình Liên :

“Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ?”

San Diego, tưởng niệm ngày Veteran's Day 2008

Lê Văn Nghị
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn