BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn về “Văn hoá chết” hay, Chuyện phiếm của mấy ông già… rỗi việc

01 Tháng Tám 200812:00 SA(Xem: 1109)
Tản mạn về “Văn hoá chết” hay, Chuyện phiếm của mấy ông già… rỗi việc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Một chiều nọ, mấy ông già sau khi làm một cuốc bách bộ quanh các phố lân cận cho dãn xương dãn cốt, hoặc làm một vòng quanh hồ Bảy mẫu, Ba mẫu; các ông lại tụ họp lại tại quán bia bên đường để… thở, và nhâm nhi một vài giọt bia hơi. Vào thời buổi lạm phát phi mã này, cốc bia hơi Hànội khoảng 400ml cũng đã tăng đến 6 ngàn đồng, trong khi bia chai 500ml mua về nhà uống cũng chỉ xấp xỉ 7 ngàn đồng một chai. Nhưng các ông vẫn khoái bia hơi hơn, mà nào có ông nào uống được đến vại thứ nhì đâu! Các ông bảo bia hơi nó nhiều sinh tố hơn, nó bổ hơn… và nhất là uống bia bên các bạn ở quán xá nó có vẻ có… không khí hơn; và hơn nữa, tối về ăn bát cơm nó ngon miệng, bà già và con cháu thấy vậy vui và an tâm hơn về sức khoẻ của mình. Vừa yên chỗ, xem ra đã gần đủ số bạn vẫn tụ hội hàng ngày, một ông lên tiếng:

- Các ông ạ, không hiểu sao lâu nay người ta cứ thích dùng từ văn hoá để gán vào rất nhiều việc?

Một ông khác trả lời:

- Dễ hiểu thôi. Vì cuộc sống lâu nay ở ta nó xô bồ quá, nó luộm thuộm nhố nhăng quá, đến mức những kẻ chai lỳ nhất có lẽ cũng cảm thấy… hơi bị xấu hổ, nên họ phải đổi giọng, phải hô to chữ văn hoá lên cho nó có vẻ đỡ… mất văn hoá!

Một ông khác thêm:

- Nhưng rồi vô văn hoá vẫn hoàn vô văn hoá! Các cụ nói không sai: Cái thùng kêu là cái thùng rỗng mà! Càng hô to càng chẳng ra gì!

- Ấy vậy đấy. Cứ chỗ nào khẩu hiệu đỏ chói nhất, la liệt nhất, nhiều câu nghe kêu nhất thì y như rằng chỗ đó là tồi tệ nhất! Cứ ông “cốp” nào nói hay nhất, nói đạo đức nhất thì y như rằng tay ấy là tồi tệ nhất. Cứ xem như Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng hẳn hoi, trưởng ban chống tham nhũng của bộ hẳn hòi, thế mà… báo chí sách vở nói cả rồi. Ai ai cũng đã hay, đến cả ông già bà cả nông dân ở các xóm quê cũng biết. Tôi chẳng cần nhắc lại.

- Ấy chết. Ông Tiến ra tù và phục hồi rồi mà!

- Ôi dào. Ông mà cũng tin được điều đó sao? Nhưng thôi, xin các ông quay về chủ đề mà ông Khai đã khơi ra ban đầu đi. Một hai ngày chúng ta một chủ đề mà! Chủ đề “văn hoá” ấy. Tôi thấy hay hay đấy. Tôi xin kể vài “cái văn hoá” nhé: Đầu tiên là văn hoá ẩm thực này, rồi văn hoá giao tiếp, văn hoá làng xã, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá tư pháp…

Thế rồi các ông vừa nhấp bia, người người góp chuyện, kể ra tiếp… văn hoá hành pháp, văn hoá đối ngoại, văn hoá từ chối, văn hoá từ chức (hồi ông bộ trưởng Ngọ xin từ chức vì sự bê bối của bộ mình phụ trách), văn hoá honda (thời sau 1975), văn hoá đảng (gần đây)…

Đột nhiên có ông nói to:

- Một dạo, “hứng khởi” từ những từ như thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng một tay nào đó đã nói rất bợm rằng chúng ta thì đang ở… thời đại đồ đểu! Nay ở thời đại tham nhũng này thì có thêm văn hoá ăn vụng, văn hoá chùi mép…

Lại một ông khác lên tiếng:

- Các ông có để ý một dạo, các xe bus chạy trong thành phố này, ở chỗ cửa lên xuống của hành khách, bên thành xe, họ kẻ khẩu hiệu “văn hoá xe buýt” không? Tôi nghĩ: Tay nào nghĩ ra câu ấy cũng thật bợm! Rồi đột nhiên, cái khẩu hiệu trên tự nhiên mất tiêu đi đâu mất? đột ngột y như lúc nó xuất hiện!

- Thấy trơ trẽn quá thì xoá đi chứ có chi lạ. Chứ cứ như ông Trần Độ, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Hương Ly đài BBC vào tháng 6 năm 2002, khi nói về những điều nói xơi xơi không thật của đài, của báo, và của các nhà lãnh đạo VN đương chức, Ổng đã phải nói “ấy vậy đấy, họ không biết xấu hổ, họ không cần xấu hổ, họ… không thèm xấu hổ!”. Vậy phải nói tay nhà xe nào cho xoá đi cũng là tay biết xấu hổ, còn tư cách hơn vạn các nhà lãnh đạo nọ!

- Có phải tất cả bắt nguồn từ chỗ vì có ban tư tưỏng văn hoá không? - một ông nào đó lên tiếng.

Thế là tất cả các ông trong bàn “tiệc” cười ồ.

Để các bạn mình có một chút thời gian lấy lại được sự bình thản của tuổi già, khỏi… “nghẹn” bia vì cười; rồi ông Khai - người nêu chủ đề hôm nay - lại lên tiếng:

- Các ông có thấy một cái “văn hoá gì” đặc biệt trong xã hội ta lâu nay không? Gọi là văn hoá gì nhỉ? Ngừng một giây lát, ông nói tiếp: Tôi tạm gọi nó là… “văn hoá chết”!

Lúc này thì các “tiệc viên” không cười được như trước nữa, mà đều lặng đi vì lạ (chứ không phải vì sự nghiêm túc thiêng liêng của sự chết!).

Sau một lúc tĩnh lặng là những tiếng lao xao, giục giã của các bạn, ông Khai chậm rãi lên tiếng:

- Từ lâu tôi cứ nghĩ đến những cái chết quanh ta. Vui thì chẳng ai vui trước sự chết cả nhưng buồn thì cũng chẳng ra buồn. Tôi cứ thấy nó thế nào ấy. Nó chẳng giống ai. Một người chết đi thì người sống bắt đầu lo việc hậu sự cho người quá cố. Có lẽ việc đầu tiên là Cáo phó, tức thông báo về sự chết của một người. Gần đây nhất có sự ra đi của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khen chê ông Kiệt thì tôi không nói ở đây, cái đó người đời lâu nay nói nhiều rồi, hơi nhiều là khác, nhất là nay ổng đã chết. Tôi nói chuyện khác kia. Ông Kiệt đã từ trần tại bệnh viện Mount Elizabeth Singapore lúc 7 giờ 40 phút (có tin khác là 06 giờ 30) ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi, do bệnh viêm phổi cấp. Cái chết của ông được đài BBC loan sớm nhất. Trong khi đó các cơ quan truyền thông trong nước im re; riêng có Vietnamnet thì mau mắn đưa tin lên mạng, rồi ngay sau đó lại vội vã gỡ bài ngay!? Mãi đến ngày 13/6 báo Nhân Dân mới đưa ra thông báo chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng với một bài cải lương dài dài chung chung quen thuộc như tất cả cái chết của các vị lãnh đạo khác đã từng chết trước đó. Các cơ quan truyền thông trong nước sau đó mới dựa vào cái thông báo “mẫu” có tính chất chỉ đạo này để “ăn theo”.

Vì có sự chậm trễ của người trong cuộc như nói trên, thành ra bên ngoài người ta đã ca trước. Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ là người mau mắn nhất. Tân Hoa Xã cho hay: ngày 11/6/2008, Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã phổ biến một thông cáo báo chí, bày tỏ sự đau buồn của ông Ban Ki-moon trước tin ông Võ Văn Kiệt qua đời. Ông gởi lời phân ưu tới tang quyến, tới nhân dân và chính phủ Việt Nam. Cũng trong ngày 11/6, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phổ biến một thông cáo báo chí về việc trên. Thì ra việc gỡ bài của Vietnamnet hôm trước không phải do ông Kiệt hồi sinh mà là chưa… được phép trên! Cho đến nay nhiều người trong nước cũng chẳng biết ông Kiệt chết ở đâu, do bệnh gì mà chết? Tin đồn đại về cái chết này bây giờ thì nhiều lắm, chả biết đâu là sự thật. Người bảo ông uất mà chết vì họ phá nhà quốc hội mà ông (cũng như ông Giáp) bảo là không nên, vì họ cứ ép quốc hội thông qua việc mở rộng Hà Nội một cách vội vã mà ông thì bảo cần xem xét cho chu đáo. Lại còn có người bảo là ông bị ám sát nữa chứ (!?), vân vân. Vì ông là người của một thời cho nên mọi ngưòi quan tâm cũng là lẽ tự nhiên. Tôi không bàn đến những tin đó. Tôi nói đến chuyện khác kia. Các ông có biết ông Kiệt có là lính (theo đúng nghĩa) một ngày nào không mà ông lại nằm trên mâm pháo ra nghĩa địa? Trong khi đó có những người lính từng xông phá chiến trận, vào sống ra chết cả một đời với khẩu súng, lại là công thần của chế độ, chẳng hạn như thượng tướng Chu Văn Tấn (“cha đẻ” của đoàn Cứu quốc quân - một trong 2 tổ chức hợp thành Quân đội nhân dân sau này), và trung tướng Trần Độ, thì lúc ra đi lại… rất dân sự! Thực ra thì 2 ông còn không được các đồng chí và các hậu duệ của mình đối xử như một người bình thường nữa. Chuyện nầy các ông biết rồi, tôi không phải nói nữa.

Nhân nói đến cái Cáo phó đám một ông lớn. Tự nhiên tôi nhớ đến một hôm nọ, truyền hình, không nhớ truyền hình trung ương hay Hànội, người chết có một chức danh rất đặc biệt: cựu công nhân nhà máy Xe lửa Gia Lâm! Cứ kiểu phải nặn ra cho đủ “lệ bộ” như những đám ma “kiểu mẫu” kia có lẽ sẽ có ngày người chết sẽ có chức danh cựu nông dân xã X., cựu công dân khu phố K. cũng nên (vì khi chết ông/bà ta không còn ở xã X. khu phố K. nữa mà!).

Chưa hết, các ông có thấy cái đám tang nào bây giờ, từ thôn quê đến thành thị cũng đều phải có… điếu văn không? Các ông thì tôi không rõ, còn tôi không dưới một lần khổ vì được tang gia phân công làm điếu văn vì được tín nhiệm… anh nói hay và văn vẻ lắm! Ông chú, bà cô, người mợ… có gắn bó tình cảm kỷ niệm với mình khi sống hoặc các vị nằm xuống ấy sinh thời có một chức vị, có một đóng góp chung nào đó đã đi một nhẽ. Có vị đúng nghĩa là… phó thường dân, suốt đời chỉ làm mỗi một cái nghĩa vụ sống cho trọn cái đạo làm người như mọi con người bình thường thì không biết phải nói chi đây trong bài điếu? Thế rồi bao mỹ từ người ta lôi ra bằng hết, không cần biết thực hư ra sao, nào là khi còn trẻ ông/bà đã nghe theo lời kêu gọi của… nhập ngũ (hoặc đi thanh niên xung phong) bảo vệ tổ quốc; nào là ở cương vị nào ông/bà cũng hăng hái làm tròn trách nhiệm cao cả của mình… Có nơi còn tỷ mỷ hơn thống kê ông/bà được bao nhiêu lần đoàn viên, đảng viên 4 tốt; được bao nhiêu giấy/bằng khen cá loại; bao nhiêu lần chiến sĩ thi đua từ cơ sở đến quận huyện nữa…

Một ông nào đó thấy ông Khai nói lâu có vẻ mệt, nhắc ông nhấp chút bia rồi hãy nói vì vấn đề cũng hay hay và có vẻ như một lúc nào đó chính ông cũng chợt nghĩ đến điều này, tuy cũng chỉ thoảng qua thôi.

Ông Khai sau khi nghỉ đôi phút lại tiếp tục:

- Cách đây không lâu, tôi thật ngạc nhiên khi dự một đám tang mà tang chủ không cho “toàn dân”, theo thói quen lâu nay: được nhìn mặt (theo đúng nghĩa) người chết! Để các ông tin là chuyện thật tôi xin nói cụ thể hơn: bà này người Cổ Phục (gần Hải Phòng) mất ở Hànội. Chồng là cán bộ cấp cao trong quân đội, con cái cũng đã trưởng thành và có người làm kha khá, gia đình lại có người gần gũi làm đến tướng nhiều sao. Thế mà khi liệm, sau khi nhân viên nhà tang lễ giúp gia đình thay áo xống xong, họ đã kéo 2 đầu tấm vải trắng người quá cố nằm dọc trên đó, từ dưới chân lên, từ trên đầu xuống, rồi họ buộc lại, nhẹ nhàng và vô cùng trân trọng đặt bả vào quan tài, đặt ván thiên lên, đồng thời cũng đóng luôn… cái lõ nhòm ở đầu quan tài lại! Thế mà việc làm theo đúng cổ lệ đáng khen này sau cũng gây nên những bàn tán rì rầm trong đám tang mới lạ chứ, vì nó khác thông lệ lâu nay mà. Các ông tính, người chết, nhất là chết lúc già, lại ốm đau bệnh tật một thời gian thì khi chưa chết trông đã thảm rồi; nay chết, nằm trong nhà lạnh mấy ngày, cơ thể mặt mũi đã biến dạng; nhân viên nhà tang không làm sao lau hết được những giọt nước lạnh đọng lại trên mặt, rồi cũng vội vã trát lên đó tý ty phấn trắng, bôi tý ty phẩm đỏ rẻ tiền vào môi, cho xác chết có vẻ tươi lên đôi chút để giúp cho hai thế giới âm dương “gặp gỡ” trực diện lần cuối cùng. Tôi biết nhiều người yếu bóng vía có bao giờ dám nhìn vào cái lỗ nhòm kỳ quái kia đâu! Mà có nhìn vào thì cũng… làm mất đi cái hình ảnh đẹp đẽ của người quá cố mà mình cần lưu giữ! (Ở đây tôi xin mở ngoặc, để nói thêm về một liên tưởng vừa xuất hiện trong tôi về sự con người ta cứ hay muốn lưu giữ những hình đẹp đẽ của quá khứ. Tôi có biết ông Đường, anh người bạn thân của tôi từ Anh quốc trở về thăm nhà. Ổng xưa là Ngự lâm quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá, Hoàng Thái tử Bảo Long. Việc đầu tiên là ông đi Đà lạt, thăm nơi đã từng gắn bó với mình một thời. Bạn tôi kể: Đi về, tối đến trong bữa cơm gia đình, cả nhà cứ thấy ông ngồi thần người ra, chưa kịp hỏi xem sao thì tự nhiên ông nói như tự than với mình: “Biết thế không đi nữa cho xong. Ký ức đẹp đẽ ngày xưa như đã bị hiện tại xoá sạch mất cả rồi. Thật là thất vọng!” Hôm sau người bạn tôi rủ đi vãn cảnh Chùa Hương thì người anh rứt khoát trả lời: “Thôi thôi, tôi có bài học Đà lạt rồi!”. Mà đâu chỉ có “ông Đà lạt” này thất vọng?! Ngay cả chúng ta ở đây cũng ngao ngán và thất vọng vì sự cứ phá phá xây xây, chắp chắp vá vá ở khắp mọi nơi; chẳng có tính quy hoạch hoàn chỉnh nào cho tương lai cả. Chính vì vậy mà ở VN này có câu: Bao giờ cho đến ngày xưa?! Một cô cháu tôi ở Úc rất thích câu này, nghe như một thành ngữ, lại có vẻ rất lãng mạn như một câu thơ, đó là một giấc mơ kỳ lạ mà lại… có thật!).

- Mà không hiểu từ quái đâu ra cái sáng kiến khoét cái lỗ nhòm ở đầu quan tài thế nhỉ? Tôi không biết phong tục có đúng không nhưng ngay lúc liệm, có khi con cháu trong nhà có người còn phải kiêng nhìn mặt nữa là, mà nay lại làm cái lỗ để phơi mặt người chết ra thì kể cũng quái thật mà người ta cũng theo! - Một ông lên tiếng.

- Tôi thì tôi cho là nó có xuất xứ từ ngày ông nọ chết, người ta đặt ổng nằm trong quan tài kính. Người người thay nhau túc trực bên cạnh đêm ngày, ngày này qua ngày khác, và nhiều người lũ lượt đến đi xung quanh để viếng và để… ngắm xác chết vì là chuyện lạ, vì lần đầu tiên chuyện đó có ở Việt Nam. Người Việt trong nước mình lâu nay nói chung lười suy nghĩ lắm (Riêng cái lười này cũng là một đề tài hấp dẫn, tiện đây tôi xin ông nhóm trưởng hôm nào cho trở lại để ta bàn… chơi!). Do lười suy nghĩ nên khi thấy người khác làm thấy có vẻ hay hay, là lạ, nhất đó lại là của “người trên” làm là bắt chước liền. Thế rồi lấy đâu ra quan tài kính cho bàn dân thiên hạ dùng? Các nhà công kỹ nghệ chế tạo quan tài liền nảy ra… tối kiến khoét một cái lỗ, đặt tấm kính vào (cũng kính trong suốt như pha lê!), làm cái cửa lật lên lật xuống được khi cần thiết. Cái lệ nhòm người chết qua kính khi đi xung quanh quan tài tôi cho là bắt đầu từ đó. Theo truyền thống, người chết phải được liệm cho cẩn thận, đặt vào quan tài cho kỹ lưỡng và kín đáo, có khi còn trong quan ngoài quách nữa kia, rồi sau đó đào cho sâu chôn cho chặt. Đó là tất cả việc làm tỏ rõ sự chu đáo của những người còn sống với người đã quá cố. Thế mà đằng này thì lại phơi tềnh hềnh ra đấy, lại còn rập rình, khi trục lên lúc hạ xuống cho thiên hạ ngó nhòm thoải mái như xem triển lãm nữa chứ!? Rõ ràng là họ đã hành hạ xác chết chứ tôn trọng cái quái gì phải không các ông?

- Quả thực những điều ông Khai nói hợp lại thành “văn hoá chết” thật - một ông khác lên tiếng – Văn hoá chết của chúng ta thực ra còn phong phú hơn nhiều ông Khai và các ông ạ. Tôi đã dự mấy đám tang ở thôn quê. Một người nằm xuống là người ta quây ngay một chỗ ở góc sân hay góc vườn trông y như một cái rạp nhỏ. Có phông, có màn, có cái bàn trên đặt micro có khi còn phủ tấm vải hoa nữa để lấy chỗ cho tang chủ và các quý đại biểu đứng phát biểu. Khi có một người hay một nhóm người vào viếng người quá cố, thì một người nào đó trong nhà đám chạy vội ra cùng cái mâm trên tay, trên đó đã để sẵn một nải chuối hay chai rượu, người đến viếng có thể (hoặc không) đặt gì thêm lên đó và theo người bưng mâm vào viếng trước linh cữu. (Nải chuối hoặc chai rượu này được dùng làm “lễ vật” cho tất cả các nhóm đến viếng). Cùng lúc phường kèn đám tấu nhạc đám. Nếu nhóm đến viếng lại là bạn đồng ngũ (quân đội, công an, hay thanh niên xung phong) của con cháu người chết; hay của chính người chết thì phường kén liền nổi nhạc hành tiến ầm ầm y như là đoàn vào viếng đang đi đều bước theo khúc quân hành trên quảng trường… vui ra phết!

- Thật lố. Chủ đề ông Khai nêu ra hôm nay cũng lạ và hay hay đấy. Tôi chợt nghĩ, hay là ta đề nghị thủ tướng tập hợp tất cả các “cái văn hoá” trên lại thành lập một Tập đoàn mới gọi là “Tập đoàn văn hoá”, đặng làm cho văn hoá nước nhà phát triển?! Dù sao cái Tập đoàn văn hoá… sắp ra đời này (!) nó cũng chỉ bao gồm có những “cái văn hoá” mà thôi, chứ không có ngân hàng, địa ốc, khách sạn, nhà hàng… Và như vậy thì thủ tướng, sau khi nghe những ý kiến “phản biện” của các chuyên gia trong nước và Tây Tàu Mỹ Nhật Ăng-lê gì gì đó cũng khỏi phải nhắc nhở “làm sai mục đích”, “hãy chú ý đến nhiệm vụ chính của mình” như với Tập đoàn Điện lực, tập đoàn Dầu khí, v.v… vừa qua.

Các ông lại cùng cười rộ, thoải mái và kéo dài hơn lúc trước; không có gì tỏ ra mệt mỏi cả. Mấy ông già cũng vui tính thật! Rồi cũng chính từ ý kiến của người phát biểu cuối cùng, các cụ lần lượt đứng dậy chuẩn bị ra về vì trời cũng đã xâm xẩm tối. Mấy người còn khoẻ hơn trong đám có vẻ còn tần ngần nhìn mấy cụ yếu chống gậy, và tỏ lo lắng không biết các cụ sẽ có sao không khi mà trời đã nhập nhoạng rồi.

Nguyễn Hữu – Hà Nội
01/08/2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn