BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76320)
(Xem: 63016)
(Xem: 40409)
(Xem: 32004)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ Về Sư Huynh Phạm Quang Hồng

14 Tháng Mười Hai 20217:09 SA(Xem: 1469)
Nhớ Về Sư Huynh Phạm Quang Hồng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trời đã vào đông!

Đêm nay, những đợt gió khá mạnh rít lên quan những tàng cây lê, sồi trước sân nhà. Chiếc wind chime không ngừng đánh lên những tiếng lanh canh trong trẻo, ngân nga. Khó mà dỗ cho được một giấc ngủ ngon. Tôi phải thức dậy vài lần và sau cùng thì cứ nằm trăn trở để cho ký ức từ xa xưa trở về… và chợt nhớ đến một người đã không gặp từ sau khi tôi ra khỏi trại cải tạo năm 1985.

Ngồi bật dậy. Đồng hồ để bàn chỉ 4:30. Còn quá sớm để thức dậy trong một sáng mùa đông.

Nhưng không tài nào ngủ lại. Tôi miên man suy nghĩ về một người bạn tù đặc biệt đáng mến và quyết định sẽ viết cho anh, viết cho các bạn đồng tù biết về anh.

Rồi không thể kềm được những ý nghĩ lai láng về anh, sợ qua ngày mới thì quên hết chi tiết và bố cục, tôi thức dậy hẳn.

Cách đây chừng nửa năm, trên mạng xã hội loan truyền những đoạn video về những bài giảng kèm câu chuyện hài hước vui nhộn một Linh mục của một giáo xứ thành phố Perth của Tiểu Bang Western Australia. Đó là Linh mục Michael Phạm Quang Hồng, đang là Phụ tá Quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc.
Linh mục Phạm Quang Hồng

 Cho dù bây giờ anh là Linh Mục, hay chức sắc nào cao cấp trong Giáo Hội Thiên Chúa, tôi vẫn chỉ muốn nhớ về anh như một Sư Huynh, một Hướng Đạo Sinh, và trên hết cả, là một bạn đồng tù ở một trại trừng giới khổ sai A-20 tại Xuân Phước, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Thời đó, sau 1975, quân nhân, công chức, dân cử, văn thi nhạc sĩ, thương gia cỡ bự… đều bị coi là tôi phạm chiến tranh vì từng cầm súng, tuyên truyền, có hoạt động cho chính quyền miền nam nhằm đánh lại Cộng Sản. Hàng trăm ngàn người bị lùa vào các trại tập trung cải tạo rải rác trên toàn quốc. Nhà cầm quyền Cộng Sản lựa ra những thành phần mà họ coi là nhiều nợ máu, là mầm nguy hiểm tột cùng của chế độ mới để đưa đến các trại trừng giới xa xôi hẻo lánh ở núi rừng Việt Bắc và cao nguyên Trung Phần.

 

Tôi là một trong số hơn trăm tù “ngoan cố” từ trại Z-30 C ở Hàm Tân được chuyển đến trại Trừng giới A-20 vài tháng sau biến cố Trung Cộng tấn công 6 tỉnh biên giới miền Bắc. Trại A-20 được xem là trại tù ác nghiệt nhất trong miền Nam. Nơi đây chỉ có tra tấn, nhục hình, đói lạnh và lao động nặng. Người tù ở ít nhất cũng là 6 năm (tính luôn các năm ở những trại cũ) cho đến mức 10 năm, 20 năm và có khi lâu hơn. Tại đây, có đến hơn trăm người chết vì yếu sức được chôn sơ sài ngoài cánh rừng quanh trại.

Sống sót được cuộc đời lao tù nghiệt ngã không phải do có sức khoẻ tốt mà còn nhờ khả năng sinh tồn, tinh thần ý chí vững chắc, lạc quan dù trong hoàn cảnh nào.

Tôi đã học tính lạc quan qua Sư Huynh Phạm Quang Hồng.

Chúng tôi may mắn được ở chung một căn nhà giam tuy khác đội. Tôi nằm dãy đối diện anh. Mỗi chiều, sau khi từ khu lao động trở về, chúng tôi thường trò chuyện, có khi cùng ăn chung với nhau trên cái sàn xi măng của anh ở tầng trên. Anh đến trại cùng nhóm với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng bị bắt vào năm 1978 với tội danh tham gia các tổ chức Chống Cộng. Nhóm này có vài trăm tu sĩ gần 400 tu sĩ thuộc 5 dòng tại Thủ Đức là Dòng Chúa Cứu Thế, Đa Minh, Phước Sơn, La San, và Salesiên Don Bosco. Họ bị nhốt rải rác khắp các trại.

Anh Hồng bị án 13 năm, nhưng ra tù năm 1988, sớm được ba năm.

Nhờ từng là võ sư môn phái Karate, anh được làm huấn luyện viên ở  Sở Thể dục Thể thao Sài Gòn và có nhiều dịp đưa phái đoàn thi đấu ở ngoại quốc. Năm 1997, anh và cả đoàn võ thuật đã xin tị nạn ở Úc và được chấp thuận do sự vận động và bảo trợ của Dòng Lasan Úc Châu,

Sư Huynh Phạm Quang Hồng, nếu tôi nhớ không lầm thì thuộc Dòng La San. Đến tháng 7 năm 2003, anh Hồng chuyển qua dòng tu khác, gia nhập Đại Chủng viện St Charles tại Tổng Giáo Phận Perth và tiến theo những bậc thang giáo phẩm cho đến 2009 thì nhận chức linh mục Phụ tá Quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tiểu Bang Western Australia.

 

Anh có lẽ cùng độ tuổi hay trẻ hơn tôi, người cao ráo, trắng trẻo. Khuôn mặt hiền từ luôn có một nụ cười trên môi. Khi nói chuyện, đôi mắt sáng của anh nhìn thẳng vào mắt tôi, tạo một sự tin cậy đối với một người chính trực.

Anh cũng là một Trưởng trong phong trào Hướng Đạo. Tôi phải rời phong trào khi còn là Tráng Sinh để gia nhập quân đội năm 1966. Vì thế, những giờ gần anh, chúng tôi cùng ôn lại chuyện Hướng Đạo, hát lại các bài hát Hướng Đạo trẻ trung, vui tươi cho quên đi nhọc nhằn của những ngày khổ sai.

Anh có một trí nhớ và kiến thức khá rộng về nhiều chuyện trong đời. Nhờ anh mà tôi học được lời ca những bản nhạc ngoại quốc ưa thích ngày cũ. Anh tập cho tôi các bài Jingle Bells, Silent Night. Nhất là bài Children Marching Song, bản nhạc nền trong phim The Inn of the Sixth Happiness mà tôi đến nay vẫn còn nhớ.

 

This old man he played one. He played nick nack on my drum. With a nick nack paddy whack.

Give a dog a bone. This old man came rolling home

This old man he played two. He played nick nack on my shoe. With a nick nack paddy whack

Give a dog a bone. This old man came rolling home

… played three…on my tree

…played four… on my door…

 

Năm 1992, tôi khời sự viết tập hồi ký “Cuối Tầng Địa Ngục”. Trong phần 8 của chương 4 viết về “Những Khuôn Mặt Đáng Nhớ” ở trại A-20, anh là nhân vật đầu tiên mà tôi nhắc đến trong đoạn sau:

 

Sư huynh Phạm Quang Hồng, thuộc dòng Đa Minh (?), bị án 20 năm khổ sai vì tội tham gia lực lượng chống đối. Sư huynh còn trẻ, cao ráo, khôi ngô. Tuy cuộc sống trong tù khổ ải, anh vẫn luôn tỏ vẻ vui tươi vì anh cũng là Hướng đạo sinh nên tuân theo điều luật “gặp khó khăn vẫn vui tươi.” Qua anh, tôi học được rất nhiều điều. Anh dạy cho tôi hát các bài hát trong các phim The Inn of the Sixth Happiness, The Sound of Music, và các bản Thánh Ca… Tôi không nghe các tác giả nhắc đến Sư huynh trong các hồi ký. Hiện nay, Sư Huynh đã là Linh Mục Chánh Xứ tại một Giáo Xứ ở Perth, Tây Úc..”.  (Sdd, trang 143; bản Anh ngữ The Depths of Hell, trang 142)

 

Ra tù, đến được đất tự do, tôi gặp lại nhiều bạn cũ. Nhưng rất tiếc không gặp dược hai người tôi quý mến. Đó là cụ Nguyễn Tú, ký giả nổi tiếng miền nam, cũng ở chung phân trại B thuộc trại A-20 và anh Phạm Quang Hồng. Cụ Tú cũng đến được Hoa Kỳ, sống những năm cuối đời ở vùng thủ đô Washington. Cụ mất chừng gần 10 năm nay.

Còn anh Hồng thì mất tin tức, cho mãi khi biết anh qua những video trên Youtube như đã nói ở trên.

Tôi cũng có một dịp đi Australia ba năm trước đây. Nhưng chỉ thăm viếng hai thành phố Sydney và Melbourne. Nếu biết anh ở Perth, tôi đã không ngần ngại đi thăm anh ngay. Tiếc quá.

 

Nhìn anh trong những chiếc áo dòng khi thì đơn giản một màu, khi thì những lễ phục thêu viền kim tuyến, ngân tuyến… anh vẫn như thuở nào. Dĩ nhiên già hơn, có phần gầy hơn; nhưng vẫn nụ cười hồn nhiên và đôi mắt trong sáng trên khuôn mặt hiền từ của một tu sĩ.

Khán giả/con chiên của anh đa số là các bà, các cô. Họ thích thú nghe những câu chuyện khôi hài anh kể lồng trong những lời giảng Kinh Thánh. Đây cũng là phương cách rất hữu hiệu mà chúng tôi học được từ phong trào Hướng Đạo và cả sau này khi học ở trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Thường các bài học chính trị thì khô khan, dễ gây buồn ngủ, khó thu nhận. Người cán bộ phải tìm cách lấy cảm tình người nghe, tạo một không khí vui nhộn, tự tin bằng những câu chuyện vui làm quà. Có khi thanh, cũng có khi rất tục.

Không biết trong những quý bà ngồi bên dưới nghe ông nói, có ai từng thổn thức mà hối tiếc đã không gặp được chàng thanh niên Phạm Quang Hồng đẹp trai, cao ráo vào những ngày ông chưa khoác lên chiếc áo tu?

 

Bây giờ là 5:15, tôi mở máy tính để trải dài những dòng tâm sự gửi đến anh.

Khó cho tôi để tìm được địa chỉ chính xác. Vì thế, rất mong quý vị và phương tiện truyền thông xã hội giúp chuyển đến anh như một món quà Giáng Sinh - hoặc trễ thì là quá Tết vậy - có ý nghĩa đối với những bạn tù quý mến từng đồng cam cộng khổ.

Xin Thiên Chúa từ nhân ban cho Linh Mục Phạm Quang Hồng tất cả ân diển ngài từng ban trên thế gian.

 

Mùa Giáng Sinh 2021

Đỗ Văn Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn