BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76359)
(Xem: 63028)
(Xem: 40417)
(Xem: 32014)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc bút ký văn học của Nguyễn Lệ Uyên

27 Tháng Mười Hai 20186:51 SA(Xem: 1504)
Đọc bút ký văn học của Nguyễn Lệ Uyên
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42

nguyenleuyen“Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay,” cái tên nghe như tựa đề một truyện ngắn hay một bài tùy bút, thật ra là một tập sách viết về một số các tác giả và tác phẩm miền Nam.

Theo tác giả, qua lời tâm sự với Trần Hoài Thư trong lời tựa, đây “không phải là tập sách phê bình hay nhận định văn học” mà chỉ là “cái nhìn hoàn toàn chủ quan của người viết về các tác phẩm của những bạn văn, một thời đã góp công xây dựng một nền văn học miền Nam.”

Mà quả thật như thế! Nguyễn Lệ Uyên không sử dụng các lý thuyết văn học như một kính hiển vi để soi rọi các hình thức sáng tác, kết cấu câu chuyện hay các nhân vật, mà dùng tấm lòng để chia sẻ với tấm lòng, dùng tấm lòng để chia sẻ thân phận của các nhân vật và chia sẻ tâm cảm của những nhà văn, nhà thơ trong suốt một giai đoạn lịch sử cực kỳ nhiễu nhương.

Chính vì thế, thay vì đụng phải những thuật ngữ văn học khô khan và mang nặng tính hàn lâm, người đọc lại được thưởng thức những dòng văn thấm đẫm tâm tình. Lúc khoan, lúc nhặt, lúc phẫn nộ, lúc cảm khái, lúc trìu mến, lúc nghiêm túc, lúc mỉa mai, lúc hài hước.

Qua hơn 200 trang sách, Nguyễn Lệ Uyên dẫn độc giả “bay” vào từng ngóc ngách cuộc đời của từng tác giả và từng chi tiết văn chương của tác phẩm. Tác giả viết về Võ Hồng, Y Uyên, Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Ngọc Lư, Khuất Đẩu, Vũ Hữu Định, Lê Văn Trung, Kiều Mỹ Duyên, Trần Hoài Thư, Linh Phương, Lâm Anh, Lê Văn Thiện, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Lữ Kiều.

Hầu hết đều là những tác giả đã nổi tiếng hay ít nhất cũng khá quen thuộc đối với những ai quan tâm hay say mê văn học miền Nam thời trước. Có lẽ chỉ trừ Khuất Đẩu. Dù chỉ mới xuất hiện trong vòng một thập niên vừa qua, nhưng Khuất Đẩu lại là một cây bút già dặn, cả ở tuổi đời lẫn tuổi văn chương; bây giờ ông đã thành danh, nhất là khi đoạt giải Văn Việt lần thứ ba năm 2018.

Tôi gọi tập sách của Nguyễn Lệ Uyên là bút ký văn học. Anh viết về tác giả, về sự kiện, về quan hệ bạn bè, về những biến cố của đất nước lồng trong những biến cố cá nhân. Anh phân tích những nhân vật đồng thời lồng chúng trong bối cảnh của thời cuộc và chia sẻ “tâm tình” của những nhân vật y như họ hiện diện trong cuộc đời thường.

Trong thực tế, có thể nói, “Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay” là một tổng hợp vừa tùy bút, vừa ký, vừa nhận định, phê bình, phân tích, biên khảo và đôi khi cả… truyện ngắn, trong đó, ngoài nhân vật “tôi” ra, còn có hai nhân vật chính nữa là “tác giả” và “tác phẩm.”

Về nhà văn Võ Hồng, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Và ông tiếp tục viết. Viết vì những cảm xúc không thể dằn lòng, viết vì trách nhiệm trước ngòi bút như ông đã từng viết và người đọc đã từng khóc với những trang sách của ông. (…) Những lần được hầu chuyện ông trên căn gác nhỏ bừa bộn sách báo, mền gối, bút mực, chén đũa, bàn ủi, lược gương, kim chỉ… bày la liệt, tứ tung như gánh hàng xén trong phiên chợ quê cuối ngày (ông ngồi trên chiếc ghế đẩu long chân, khách tự tìm lấy chỗ ngồi) bình thản nhắc lại ‘khu Xóm Mới hồi đó toàn cát, gai bàn chải, lộn xộn mà êm,’ hỏi thăm Lò Gốm quê ông còn hay mất. Và rồi ông nhắm mắt lại: ‘Suốt cuộc đời tôi, chỉ có một tâm niệm duy nhất là trả được Hiếu cho quê hương qua từng trang sách. Tôi còn nợ khá nhiều, tôi sẽ cố gắng.’ Ông nhẫn nại làm công việc đó bằng thứ ngôn ngữ đặc sệt nhà quê của quê hương ông. Lấy bối cảnh cho một cốt truyện, ông cũng đưa vào tên làng tên xóm nơi ông từng sinh ra và lớn lên và rời xa nó; chọn tên một nhân vật, ông cũng tìm những cái tên chơn chất cha mẹ đặt cho bạn bè ông thời thơ ấu.” (Về nhà văn Võ Hồng)

Anh dựng lên chân dung một Võ Hồng đơn giản, mộc mạc nhưng đầy tâm huyết. Nhưng khi viết về Phạm Ngọc Lư, hơi văn nghe khác hẳn, đau xót và chua chát: “Ngay đêm ấy, tôi lẩm nhẩm những câu gãy khúc, nghe chừng ‘Biên cương hành’ (một bài thơ nổi tiếng của Phạm Ngọc Lư), như một dự báo về định mệnh oan nghiệt bắt đầu phủ trùm lên cuộc đời anh và đời thơ: lang thang đến sơn cùng thủy tận để mưu sinh, chân tay tóe máu qua những tầng đất đá sâu hoắm cuốc đào để nuôi ba miệng ăn trong thời buổi nhiễu nhương. Có lẽ vì thế, nên ngôn ngữ thơ Phạm Ngọc Lư có phong cách rất riêng, ‘không giống ai,’ không bị ảnh hưởng thiền, không hoàng phái quý tộc, cũng không viễn mơ, ảo ảnh vu vơ, gào rống ba hoa.”

 Trong lúc đó, với Lê Văn Thiện, giọng văn trở nên bình tĩnh, nghiêm túc: “Suốt tuổi thanh xuân, Thiện sống trong đạn bom, cái chết đủ kiểu cho nên anh không thể viết theo phong cách Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng và những nhà văn ‘máy lạnh’ khác. Cõi văn chương của Thiện là lằn ranh giữa sống và chết, là tiếng súng bắn tỉa, những đợt hành quân, những trận tấn công, giải vây, tháo chạy, cảnh lộn xộn, nhếch nhác nơi miền quê nghèo… Cho nên mỗi khi đọc truyện Thiện, điều đập vào mắt, trí não tôi, trước tiên không phải là nội dung mà là những dấu phẩy, dấu chấm, chấm phẩy, ba chấm, hai chấm…”

Viết về Nguyễn Bắc Sơn, anh nhấn mạnh đến một phong cách làm thơ chẳng hề giống bất cứ một nhà thơ nào của Sơn: “Người thọc chân vào làng thơ như một kẻ ‘du côn chữ nghĩa,’ một hành giả rong chơi dọc ngang trong trận đồ bát quái giữa thánh thịện và tội lỗi, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa đạo và phi đạo, giữa tốt và xấu, để cuối cùng nghêu ngao một câu hát rong: kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa. Sự thọc chân bất ngờ của Nguyễn Bắc Sơn cũng tỉ như bứt sợi lông gà ngoáy vào lỗ tai kẻ khác, gây cảm giác nhột nhạt vừa khó chịu vừa thích thú.”

Viết về Vũ Hữu Định thì lại là một bút ký, một bút ký đậm chất tùy bút: “Năm kia, Phạm Chu Sa bất ngờ ghé nhà, rủ đi Pleiku. (…) Tôi lang thang dưới cơn mưa khuya heo hắt và tưởng tượng những bước chân lang thang cùng trời cuối đất của anh (Vũ Hữu Định) ngày nào. Chớ chi mà giờ này còn một quán rượu nghèo. Chớ chi mà đêm trở giấc là ngày, là buổi chiều lấm thấm mưa bay là buổi tối mưa bay lấm thấm để ngồi uống một ly rượu nhạt nói với anh câu hư vô trong cõi tịnh yên. Và bỗng nhiên tôi nhớ đến bài thơ ‘thiếu rượu’ của Định viết hồi năm 1973.”

Phân tích về một nhân vật trong truyện của Khuất Đẩu, Nguyễn Lệ Uyên đứng dạng chân giữa tác giả và tác phẩm: “Nhân thân của nhân vật ‘tôi’ được Khuất Đẩu chăm chút trong cách miêu tả rất bình thản, rất xuất thần giống như đầu ngọn bút lông thả xuống nét ngang chữ nhẫn, như một nốt nhạc xoáy cuộn cuối một trường canh hay mấy sợi lông đuôi bầy ngựa sải vó trong tranh ‘Mã đáo thành công.’ Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để (nhân vật) ‘tôi’ chứng kiến một cách trọn vẹn những năm tháng đi qua cuộc đời mình. Và khác với một Chí Phèo trôi sông lạc chợ của Nam Cao (…) còn (nhân vật) của Khuất Đẩu cũng trôi sông lạc chợ đấy, nhưng may mắn hơn nhờ sự nuôi dưỡng của con chó cái và bà cô Sáu không chồng (…) Những buổi đấu tố, bắt bớ, giết người, phá tan cơ ngơi sản nghiệp của những người dân lương thiện như những bữa ăn, nước uống thường ngày. Cái giọng văn nhẩn nha thản nhiên lướt qua của Khuất Đẩu khi miêu tả những cảnh tượng này khiến người đọc cứ nổi lên cảm giác gờn gợn phần thịt da sau ót…”

Tóm lại, đọc “Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay,” ta tìm thấy không chỉ những tác giả và những tác phẩm, mà tìm thấy những con người quấn quýt với những con người qua văn chương, ở đó, tưởng như thực cũng là ảo mà ảo cũng là thực. Nó chứa đựng ngay trong cái tựa đề: Trang Sách/Giấc Mơ. Bay!

Nguyễn Lệ Uyên sinh trưởng ở Tuy Hòa, Phú Yên, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, nhập ngũ Khóa 6/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trước năm 1975, viết trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn như Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Thời Tập, Nhà Văn, Chính Văn, Ý Thức, Tuổi Ngọc.

Đã xuất bản: Ba tập biên khảo (Trò Chơi Dân Gian, Truyền Thuyết Và Huyền Thoại, Bài Chòi); hai tập nhận định văn học (Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay tập I (2010), và tập II (2012); bốn tập truyện (Mưa Trên Sông ĐăkBla, Mùa Hè Sang Trọng, Sông Chảy Về Núi, Chân Dung Tự Vẽ); một truyện dài (Nhật Ký Thằng Điên).

Trần Doãn Nho
Nguồn http://t-van.net/?p=38019

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn