BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73512)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trường tiểu học Lê Văn Duyệt quận Nhất – Sài gòn

03 Tháng Mười Một 20177:24 SA(Xem: 2291)
Trường tiểu học Lê Văn Duyệt quận Nhất – Sài gòn
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

Ngày ấy năm xưa

 

Năm ngoái 2016 tôi có ý định viết một bài về ngôi trường xưa: “Trường tiểu học Lê văn Duyệt Saigon" vì qua năm 2017 thì đã đúng 50 năm tôi rời trường để bước tiếp con đường học vấn của bậc trung học.

Còn chưa biết sẽ viết cái gì? Cho ai đọc? Bạn bè thời tiểu học không phải dễ kiếm nếu sống tại Sàigòn vì người quá đông. Nếu ở tỉnh nhỏ thì có khi kiếm còn dễ.. Nếu ở bậc trung học hay đại học thì may ra vì ở tuổi thời đó cộng với sự trưởng thành, trí nhớ phát triển đầy đủ và tốt hơn so với thời tiểu học.

Cũng không biết làm sao và thế nào để cho mọi người cùng thời với mình biết để đọc. Còn lấn cấn và cái dự định cứ lòng vòng chưa thực hiện được thì tối ngày 25/10/2017 trong lúc tìm kiếm tài liệu và hình ảnh về trường nữ trung học Lê văn Duyệt Gia Định thì thấy một bài viết của bạn Phạm Hoàng Điền học dưới tôi một lớp và rời trường năm 1968 tại trường tiểu học Lê văn Duyệt.

Bài viết về trường cũ Lê văn Duyệt trong đó đã diễn tả và làm gợi nhớ đến thời tiểu học về ngôi trường của tôi. Vui mừng quá đổi nên khi thấy tấm hình chụp toàn lớp Nhất B (sau này gọi là lớp Năm) thì tôi bị quáng gà, ba chớp ba nháng nhìn thấy mình và bạn bè trong đó. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao lại lạ lùng như vậy. Rõ ràng tôi thấy mình trong đó cùng vài bạn quen nên sau khi đọc hết bài viết nhưng không thấy tên tác giả là ai để biết có phải mình quen biết với mình hay không?

Tôi truy tìm tên người qua website của bài viết rồi nhắn tin cho ban biên tập nhờ kiếm giùm. Sáng ra khi xem lại bài viết lần nữa cũng như xem email của bạn có hồi âm hay không. Nhìn lại tấm hình thì rõ ràng không có mình trong đó, toàn là người lạ, hết hồn, thôi tiêu rồi làm tối hôm qua nhắn tin nhận bạn tùm lum bây giờ tréo ngoe có chết không ?

Thôi đành viết thư xin lổi là mình nhìn lầm, Điền cũng nói không sao có bạn 50 năm cùng trường rất là hiếm thôi thì chuyện trò qua lại cho vui.

Thế là tôi có hứng khởi để viết bài này, trước là giới thiệu ngôi trường mình từng học qua và những sinh hoạt thời con nít. Kế đến đó là nếu bài viết này cũng như bài viết của bạn Phạm Hoàng Điền được phổ biến rộng rãi trên mạng cho những ai từng học ngôi trường này được đọc để hồi tưởng lại trường xưa, bạn cũ thì quá hay. 

Có khi qua đó, chúng tôi có dịp tìm lại được những người bạn học nhỏ ngày xưa ?

Theo tài liệu của trường trung học cơ sở Trần văn Ơn hiện nay thì trường Lê văn Duyệt xưa được thành lập vào năm 1911 với tên là trường Richaud. Và nằm trên con đường cùng tên với địa chỉ là số 97 Richaud. Đường Richaud về sau đổi tên là đường Phan Đình Phùng và sau 1975 lại đổi tên là đường Nguyễn Đình Chiểu, phường ĐaKao, quận Nhất.

Ông Hiệu trưởng Đặng văn Nghiệp về thay người hiệu trưởng cũ là ông Phan văn Quan từ năm 1960. Cũng theo tài liệu của trường Văn hoá Quân đội Sàigon đêm, trường Nguyễn Trãi và trường Tự Đức thì trường trung học Nguyễn Trãi sau khi từ ngoài Bắc vào Nam năm 1954 thì một hai năm sau đó đã mượn trường tiểu học Lê văn Duyệt để làm nơi tạm cho học sinh theo học trong khi chờ đợi trường mới. Đến năm 1964 thì trường Nguyễn Trãi dọn qua Khánh Hội.

Trong thời gian này, ban ngày thì là học sinh bậc tiểu học, buổi chiều là học sinh trung học Nguyễn Trãi (đến năm 1964) và buổi tối là học sinh Bổ túc Văn hoá Quân đội đêm (từ năm 1961-1975). Đồng thời cũng có Hội Khuyến học mở những lớp bổ túc văn hóa cho những người đi làm muốn học thêm để thi cử vào buổi tối.

Năm 1958, sở tiểu học Sàigon mượn một dãy phòng phía trước trường, bên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn đình Chiểu) để làm văn phòng nên trường phải dời vô mấy dãy bên trong. Năm 1968 với sự đóng góp của phụ huynh và chính quyền nên trường xây thêm được 2 dãy phòng học phía sau.

 

Đến năm 1969 thì đổi tên trường là Trung học Đô thị Tự Đức và dùng cổng sau của trường làm cổng chính, lấy địa chỉ số 161B đường Tự Đức (bây giờ là đường Nguyễn Văn Thủ) và nâng lên thành trường dạy cả 2 cấp Tiểu học (cấp 1) và Trung Học (cấp 2 và 3). Bậc trung học( cấp 3) theo tôi biết thì vừa đến hết lớp 9 (lớp đệ tứ cũ) thì phải chuyển trường.

Sau năm 1975 thì đổi tên là trường tiểu học Trần văn Ơn và những học sinh cấp 3 phải chuyển qua 2 trường trung học Võ Trường Toản hay Trưng Vương, gần Thảo Cầm Viên. Sau năm 1984 thì trường tiểu học Trần văn Ơn được quay lại bậc Trung học và đổi tên là trường trung học cơ sở Trần văn Ơn, nằm trên đường Nguyễn văn Thủ, quận Nhất.

Năm 2002 tôi có đi ngang trường Lê văn Duyệt xưa thì thấy ngôi trường và cổng trường phía đường Phan Đình Phùng (Nguyễn đình Chiểu) không còn nữa. Thay vào đó là một cơ sở giữ trẻ và mẫu giáo.

Như vậy, như bạn Điền đã mô tả thì trường tiểu học Lê văn Duyệt xưa bị cắt làm đôi. Phần trường bên mặt đường Nguyễn Đình Chiểu thì hoá thành cơ sở Mẫu giáo và phần sau trên đường Nguyễn văn Thủ thì thành trường trung học cơ sở Trần văn Ơn.

Theo trí nhớ của tôi thì ngôi trường được xây theo kiến trúc của Pháp. Phòng ốc trường sở rộng rãi và thoáng mát. Sân trường thì có hai sân chơi và một hồ tắm. Hồ tắm này thì từ năm 1964 không còn được xử dụng nữa vì trong năm này có vụ học sinh bị chết đuối.

Khi mùa hè đến, các cây phượng vỹ trong sân trường nở hoa vào mùa hè, làm tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ. Đó cũng một chút lưu luyến cho những kẻ rời trường và chia sẻ niềm hân hoan của 3 tháng nghỉ hè với đám học trò. Ngày xưa, tôi nhớ ở bậc tiểu học là 3 tháng Hè hay 90 ngày. Trong bài thơ “Nghỉ Hè” của thi sĩ Xuân Tâm của Phong trào Thơ mới đã diễn tả tâm trạng của chúng tôi như sau:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã

Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.

Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

 

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

Cứ mỗi giờ ra chơi, bọn con nít chúng tôi thường bu lại những lỗ thông gió sát gần bức tường ngăn cách nhà trường và một lò bánh mì nằm bên đường Cây Điệp (con đường nhỏ nằm song song với đường Đinh Tiên Hoàng, một đầu đâm ra đường Phan đình Phùng (Nguyễn đình Chiểu), một đầu đâm ra đường Tự Đức (Nguyễn văn Thủ).

 

hemcaydieplenthanhduongcaydiep2012
Hẻm Cây Điệp lên thành
đường Cây Điệp 2012
Hẻm xưa nay đã lên đường...

Bánh mì rất ngon, khi vừa ra lò. Chỉ ăn ổ bánh mì nóng không thêm thứ gì vậy mà quá ngon lành. Những lỗ thông gió để mua bánh mì thì nằm kế bên cầu tiêu của trường. Hôi thúi như vậy nhưng đám trẻ vẫn bu lại để gọi mua bánh. Miệng la chí choé cho tui một ổ, trò kia 2 ổ, úi trời loạn xị con cào cào rùm trời trong giờ ra chơi.

Mùa Trung Thu năm 1966, nhà trường có tổ chức đi chơi Sở thú, em nào có tham dự mới được phát một chiếc bánh trung thu. Thế là chúng tôi cùng đi vừa chơi thăm thú các nơi, nô đùa với chúng bạn rồi trước khi về, được lãnh một chiếc bánh. Không vui sao được, con nít mà !

Tôi nhớ lớp tôi (Nhất H) trong lớp toàn là anh tài, mặt mày bạn nào cũng sáng láng, áo quần lúc nào cũng tươm tất, áo bỏ vô thùng như người lớn. Phần tôi thì lèng xèng, học hành kém hơn chúng bạn rất nhiều và lại ham chơi bởi vì ba tôi đi làm xa nên không ai kềm kẹp, hướng dẫn.

 

hocsinhlevanduyettruoc1975 

Trưởng lớp của tôi tên là Dương văn Hiếu, nhà ở ngay đường Cây Điệp (khúc gần sát đường Phan Đình Phùng), con đường này cặp bên hông trường, chạy song song với đường Đinh Tiên Hoàng. Một đầu gặp đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), một đầu gặp đường Tự Đức (Nguyễn văn Thủ).

Có thằng bạn tên Hà Ngọc Diệp học chung và chơi chung cho đến lớn cũng như đến bây giờ, nhà nó có tiệm may ở khoảng giữa đường Nguyễn Phi Khanh (gần hẻm 45 và đường Lý văn Phúc, Tân Định).

Một người bạn chơi cũng thân khi xưa nhưng sau không còn liên lạc nên không biết hắn ta bây giờ thế nào? Người bạn này tên Đinh văn Thịnh, nhà ở ngay đường Phan Thanh Giản (Điện biên Phủ) hẻm số 12. Trong nhà có bà chị là ca sĩ Xuân Sơn, có hai người anh là Đinh văn Thắng, Đinh văn Thông. Ba anh em lập ban nhạc ĐVT. Năm cuối khi rời trường có trình diển cho chúng tôi xem.

Còn rất nhiều bạn thân quen nhưng mấy chục năm rồi cũng không có dịp gặp lại. Những người bạn đó không biết còn hay mất ? Vì ở vào tuổi chúng tôi, từ 1973, nếu ai nào học trễ năm là phải đi lính. Cũng không biết họ bây giờ lưu lạc phương trời nào vì sau 1975 , ai cũng đi tứ tán.

Tôi với bạn Phạm Hoàng Điền cùng sinh năm 1956 nhưng lại khác tháng sinh. Tại VN vào đầu năm học, thường vào đầu tháng Chín. Nếu ngày lể hay cuối tuần thì đôi khi nhập học ngày hai hay ba tháng chín.

thehocsinhtruonglevanduyetcuanguyensonsaigon
Tôi sinh vào đầu tháng chín nên khi tôi vào ghi danh nhập trường ngày 03/09 thì tôi được cho vào học. Em nào sinh sau ngày nhập trường thì phải chịu khó về nhà và trở lại học vào năm tới. Không biết ai lời hay lỗ nhưng Điền phải học trễ sau tôi một năm vì sinh vào tháng 10.

 

Thời đi học của chúng tôi lúc đó đi học vào lúc sáng sớm tinh mơ bởi vì trường sở được tận dụng tối đa cho ba buổi: Sáng, Chiều và Tối nên buổi sáng phải học sớm.

Nhà tôi nằm đầu đường Tự Đức khúc ngay sông Thị Nghè. Đi bộ đến trường cũng khoảng gần 10 phút. Cứ tà tà thẳng đường Tự Đức (Nguyễn văn Thủ) mà đi.

Tôi không nhớ rõ lúc đó mấy giờ là nhập học mà tôi phải rời nhà lúc mặt trời chưa lên, theo như Điền kể là giờ học từ 7 giờ sáng. Nhiều nhà cửa trên đường tôi đi ngang qua vẫn còn đóng cửa. Có nhiều nhà sáng sớm thả chó chạy rông ngoài đường nên gặp bọn học trò chúng tôi thì sủa vang rồi rượt chúng tôi chạy có cờ. Lúc đó, có lẽ tôi rời nhà sớm, mới hơn 6 giờ đã lo đi.

image004
Hình minh hoạ (báoTuổi Trẻ)

Đến trường còn chạng vạng tối nhưng trên lề đường chung quanh và trước cổng trường thì đã có nhiều hàng xén bày biện trên lề đường gần cổng trường: nào là bán sách hình, truyện tranh ảnh, xe chiếu bóng thùng, xe bán dế, bán cá đủ loại. Về đồ ăn thì đủ cả, xôi, bánh, bánh mì, nước sirô đá nhận trong bịch, kẹo bông gòn, cóc, ổi xí muội... đủ thứ hằm bà lằng như trêu gan mấy nhóc học trò !

 

Rồi lại thêm ba cái vụ bầu cua cá cọp để dụ học sinh chơi. Tôi cũng bị dụ hoài vì con nít mà, lại thêm lòng tham muốn kiếm chút tiền còm. Tiền kiếm được đâu không thấy mà cứ bị thua sạch túi, không còn một đồng ăn hàng!  Sau hết dám chơi vì thấy không thắng được.

Thời con nít của những trò chơi như đánh đáo, chơi tạt lon, chơi bi, chơi hình (tạt hình, dích hình). Lại có những mô hình lính, thú vật... bằng cao su để chơi chọi. Chọi trúng là được ăn mô hình đó. Lại có những trò chơi như quay bông vụ, nhảy cò cò, nhảy theo ô, năm mười, rượt bắt, cá sấu lên bờ...Những trò chơi nhỏ này được học trò mang vô trường để chơi lúc giờ ra chơi (trước và sau giờ học).

Có khi đi đâu đó ngang công viên, bụi cỏ bứt mấy nhánh cỏ gà để dành để chơi với chúng bạn. Hai bên móc 2 đầu cỏ gà vào nhau và kéo qua đập lại đến khi bên nào bị đứt đầu cỏ gà trước là thua. Gọi là cỏ gà vì nhánh nó túa ra như mào gà. Loại cỏ dại này, hồi đó mọc hoang ngoài đường nhưng bây giờ không thấy loại cỏ đó nữa.

tienxutruoc1975tientruoc1975Bọn con nít chúng tôi đi học sớm cũng có mục đích để ăn hàng hay xem mấy thứ họ bán. Mổi ngày đi học tôi được có khi 50 xu, đồng tiền bằng bạc hay nhôm, có loại có hình bụi tre hay cây lúa, lắm khi cũng được $1 đồng.

          

Vào thập niên 1960s người Mỹ có chương trình tài trợ cho các học sinh tiểu học tại VN như cho uống sữa tươi. Hàng ngày trước khi vào lớp, học trò được tập họp ngoài sân trước một bàn dài và được nhân viên rót sữa ra ly và cho từng nhóm học sinh uống. Tôi thì không chịu nổi mùi sữa từ khi còn bú sữa mẹ. Từ nhỏ đến lớn không bao giờ uống sữa cho dù sữa tươi hay sữa hộp. Khi ở khoảng tuổi trưởng thành, tôi cũng chỉ uống cà phê đen thôi. Đến tuổi trung niên mới chịu uống cà phê pha chút sữa tươi.

Những lúc sắp hàng để uống sữa tôi phải nhờ bạn tôi uống giùm hay đôi khi tôi phải đổ bỏ. Uống giùm thì nhiều hơn. Không nhớ là lúc đó họ có cho bánh mì nữa hay không? 

 

Nhắc về  chương trình tài trợ học đường của bậc tiểu học,sachthucongtruoc1975 tôi nhớ mãi những cuốn sách học về lịch sử, thủ công...in ấn rất đẹp. Năm 2012, tôi tình cờ mua được một cuốn sách Thủ Công cũ của thời tiểu học, xin gởi lại các bạn bìa cuốn sách đó như sau:

 

Những tiếng trống báo hiệu lúc vào lớp và lúc tan trường, những lúc cử hành hát chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần giữa sân trường... như đã nhập tâm bọn học sinh chúng tôi từ thời trẻ và đôi khi cũng gợi nhớ về nó một thời xa xưa.

Năm cuối ra trường hè 1967, cô giáo Bảy của tôi đề nghị chuyện tham dự hát hò, đóng kịch.Tôi thì ba cái vụ hát hò hay diễn kịch là không xong rồi. Làm không được vì tôi nhát khi đứng trước đám đông mà lại làm trò biểu diễn nữa thì có mà quê với bạn bè!

Lúc đó cô Bảy chỉ vào tôi và nói "Sơn tham gia đóng kịch nhe". Chết mẹ rồi, người run như cầy sấy, hồi nào giờ có biết mấy dzụ này đâu ?Trả lời cô giáo là mình làm không được. Cô nói cho vai này dể và diễn ít hơn hai bạn kia. Chỉ nói chừng chưa tới chục câu mà phụ diễn đứng cho có thì nhiều. Thế là phải nghe lời cô và chịu khó tập luyện dưới sự hướng dẩn của cô.

Cuối tháng 5/1967, tôi học xong bậc Tiểu học và  tiếp tục bậc Trung học thì ai dẻ tháng 5/1968 lại phải quay vào trường Lê văn Duyệt lần nữa với tư cách là "nạn nhân chiến cuộc". Tháng 5/1968 khu vực nhà tôi ở có xảy ra giao tranh (đợt hai Tết Mậu Thân) nên cả nhà phải đi lánh chiến cuộc. Lúc đó, ba tôi lại không có nhà nên gia đình tôi được hướng dẩn đến trường Lê văn Duyệt tạm trú. 

Tôi trở lại ngôi trường với buồn vui lẩn lộn. Lớp thì vui vì được ở lại trong ngôi trường mình từng học trước đây (Học sinh trong trường phải nghỉ học vài ngày đế cho dân chúng tạm cư ít ngày trong lúc chạy nạn).  Lớp thì buồn vì bỏ nhà cửa và có khi bị hư hại vì nhà tôi nằm đối diện với tòa nhà trường Anh Văn London (London school). Vì trong lúc giao tranh, bắn qua bắn lại thì làm sao không trúng nhà mình và hư hại cho được ?

Sau vài ngày tạm trú ở đó thì ba tôi về và sau đó, cả gia đình tôi đến tá túc nhà bà con thêm-một thời gian. Lý do là căn nhà của gia đình tôi sau đó bị đổ nát vì chiến cuộc, phải xây lại hoàn toàn.

nguyensonsaigontruonglevanduyettruoc1975
Hình tác giả:  Nguyễn Sơn 1968

Cuối năm 1968, ba tôi có dẩn tôi đến trước cổng trường tiểu học Lê văn Duyệt chụp tấm ảnh kỷ niệm ngôi trường thân yêu thời con nít của tôi.

 

Thời gian sau mỗi ngày mỗi lớn, học bậc trung học có nhiều lo toan hơn, nhiều bạn bè hơn nên nếu có dịp gặp bạn bè cũ cùng thời tiểu học thì chơi, còn không thì dần dần mất liên lạc. May mắn là chúng tôi có chụp một tấm hình chung cả lớp Nhất H và những người bạn chụp trong hình, tôi vẩn nhớ như in tuy có người thì tôi còn nhớ tên, người thì quên.

Đến tuổi già, ngồi ngẫm lại thời con nít, ai còn, ai mất. 

 

Cuộc sống không ngừng trôi nên cảnh cũ thì mất rồi, không tìm lại được nữa.

Bạn bè cũ thì như trong trò chơi Năm mười: Trước khi nhắm mắt, có đủ mặt, nói cười nhăn nhở. Nhắm mắt vào, đếm 2,3,4,5,6...đến 50, mở mắt ra thì tất cả đi đâu hết. 

 

Chỉ còn kỷ niệm và vài hình ảnh đã ố vàng theo năm tháng. Bạn cũ, theo dòng đời, đã trôi nổi tứ phương và trong tâm tưởng,không biết tôi có còn dịp gặp lại được ai chăng ?

 

Nguyễn Sơn Sàigòn

27 tháng 10 , 2017

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn