BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ôi! Sơn Nam

01 Tháng Chín 20177:59 SA(Xem: 2505)
Ôi! Sơn Nam
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52

Kể về những Nhà Văn Miền Nam có thể bắt đầu bằng những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ông đốc phủ sứ này có số lượng tác phẩm khá đồ sộ, khoảng trên dưới hai ba chục cuốn. Trong lúc chữ quốc ngữ mới phôi thai, viết những chuyện tình ở cái xã hội miền Nam thời Pháp thuộc như Hồ Biểu Chánh thật là quá hay - những chuyện về người nghèo - về những hương chức thôn xã - về cảnh cường hào ác bá nông thôn đã làm nhiều người đọc mê mẫn đến rơi nước mắt. Rồi tiếp theo là Phú Đức, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên , những tên tuổi nhà văn miền Nam được ghi nhận là “có tầm cở.”

nhavansonnamSơn Nam thì không viết những chuyện tình như kiểu Hồ Biểu Chánh hay Bình Nguyên Lộc, hay Lê Xuyên, mà ông viết những truyện về miền đất mới khai phá, “Đất Phương Nam” , bằng những phong tục tập quán, cuộc sống dân dã của những người dân ở đó. Tập truyên Hương Rừng Cà Mau của ông là một tập truyện đặc sắc, một tập truyện tiểu biểu nhất của Sơn Nam.

 

Sơn Nam sinh ra ở vùng U Minh Hạ, tỉnh Kiên Giang. Tuổi ấu thơ rất nghèo khó, ông xa quê, theo đuổi việc học tại Cần Thơ.

Tập truyện Hương Rừng Cà Mau (xuất bản năm 1972) gồm những truyện sau:

Bác Vật xà bông, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Cây Huê Xà, Chiếc ghe “Ngo”, Cô Út về Rừng, Con Bảy Đưa Đò, Đảng Cánh Buồm Đen, Đóng Gông Ông Thày Quít, Đồng Thanh Tương Ứng, Hát Bội Giữa Rừng, Hòn Cổ Con, Hương Rừng, Miểu Bà Chúa Xứ, Một Cuộc Biển Dâu, Mùa “Len” Trâu, Người Mù Giăng Câu, Ông Già Xay Lúa, Sông Gành Hào, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.

Tác phẩm của Sơn Nam còn có: Âm Dương Cách Trở, Ngôi Nhà Mặt Tiền, Biển Cỏ Miền Tây, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Gia Định Xưa…

 

Cảm hứng với tập truyện Hương Rừng Cà Mau, ông có bài thơ như sau:

 

Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Điệu thơ Lục Vân Tiên

Với câu chữ:

Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả

Tới Cà Mau – Rạch Giá

Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng

Muổi vắt nhiều như cỏ

Chướng khí mù như sương

Thần không là linh thú

Sao chưa về cố hương?

Chiều chiều nghe vượn hú

Hoa lá rụng buồn buồn

Tiễn đưa về cửa biển

Những giọt nước lìa nguồn

Đôi tâm hồn cô tịch

Lắng nghe sầu cô thôn

Dưới trời mây heo hút

Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút

Điệu hò…ơ, theo nước chảy chan hòa

Năm tháng đã trôi qua

Ray rứt mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

 

Tôi yêu văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc hơn Hồ Biểu Chánh, bởi vì văn phong trong Rừng Mắm, Đò Dọc, Hương Rừng Cà Mau khác xa văn phong của Phận Gái Hèn, Con Nhà Nghèo. Hồ Biểu Chánh còn dùng nhiều chữ cổ xưa miền Nam, còn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đã thay đổi cách viết, lời văn gọn gàng, giản dị, trong sáng hơn.

Thuở còn đi học, học trò rồi sinh viên, và kể cả khi phục vụ trong quân đội, tôi vẫn ẩn chứa trong tôi tấm lòng kính trọng Sơn Nam, người tiêu biểu và hiện thân “ông già Nam Bộ”, người khai phá “Đất Phương Nam” bằng những câu chuyện về ông lục, ông thầy bắt rắn, về mùa “len” trâu.

Sơn Nam trong tôi trong lành như giòng sông Tiền, sông Hậu, của miền châu thổ, của vùng sông nước miền Nam Việt Nam.

 

Nhưng tôi đã thất vọng. Sau ngày 30 tháng tư bảy lăm, một Sơn Nam được chính quyền mới tô son trét phấn, một nhà văn giải phóng, một người đã được lệnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền  Nam sắp xếp cho nằm vùng, đã lợi dụng sự tự do của chính quyền Việt Nam Công Hòa để hoạt động trong lãnh vực báo chí, văn học, để chống phá chính quyền đương thời. Khi ở trong tù, tôi có đôi lần coi trên truyền hình hay trên báo chí hình ảnh một nhà văn Sơn Nam đi theo những người lãnh đạo trong Hội Văn Nghệ Thành Phố…, đi thăm những “xưởng viết văn” của chế độ mới, đi thăm những di tích lịch sử, những bảo tàng.  Sơn Nam vẫn ốm o, còi cọc, da mặt răn rúm, nhưng nét mặt lại hớn hở, thỏa mản trông thấy.

Rồi tôi lại thấy ông đi theo đoàn làm phim Đất Phương Nam, làm cố vấn cho đạo diễn về những địa danh, những phong tục tập quán của dân ta từ thời mới khẩn hoang lập ấp. Tôi cứ ngỡ một người như ông, một nhà văn có tên tuổi, được trọng vọng, đã theo cộng sản từ những năm nam bộ kháng chiến, nằm vùng viết báo viết văn, len lỏi trong hàng ngũ quốc gia để chống phá chế độ, thì đến ngày cộng sản chiến thắng, chắc chắn là ông sẽ được nhiều ân sũng của chế độ mới.

Thời gian trôi qua. Chế độ mới chỉ xài ông trong giai đoạn đầu thôi, đó là phương sách “xài giai đoạn” cố hữu của công sản là “vắt chanh bỏ võ”. Sơn Nam trở lại con người nhà văn lang thang, không có tiền in sách nên ông không biết dựa vào đâu để có tiền chi tiêu. Con cái không chu cấp, còn với nhà nước thì dĩ nhiên là không.

Gần đây, nhà xuất bản Trẻ (trong nước) đã in lại sách của Sơn Nam. Những sách cũ và cả sách mới nữa. Sách cũ thì có Hương Rừng Cà Mau, Sài Gòn 300 năm…. Sách Mới thì 3 cuốn hồi ký của ông.  Ba cuốn hồi ký này coi như  Sơn Nam kể lại toàn bộ cuộc đời của ông, những ngày ông theo giải phóng là ông kể rõ nhất, đó có phải là tâng công kiếm điểm với chế độ, hay vớt vác kiếm chút tiền còm nhuận bút? Sách của ông được quảng cáo rầm rộ. Nhà sách nào ở Sài Gòn cũng dán đầy những mẫu quảng cáo bằng chữ to, Hồi Ký Sơn Nam, với hình ông còm cỏi đứng cười. Tôi vẫn nghĩ như vậy là đời sống ông khấm khá lắm rồi, ít ra cũng về mặt tài chánh.

 

Nào ngờ,  một hôm tôi đọc trên một tờ báo trong nước, tờ Công An Thành Phố… Lời Kêu Gọi Giúp Đở của chính Sơn Nam, vì ông bị bịnh nặng (bịnh gì chẳng hiểu) nên cần một số tiền mấy chục triệu đồng (VN) để nằm bịnh viện,  ông nhờ bá tánh thập phương ủng hộ tiền bạc để ông chữa bịnh. Ông kêu gọi kiểu… xin ông đi qua… xin bà đi lại… Tôi bỗng nhiên cảm thương cho thân phận Sơn Nam.

Một nhà văn mang danh “ông già Nam bộ”, đã có nhiều tác phẩm xuất bản và bán chạy, mà sao đến nông nổi này. Tôi vẫn nhiều ngày, nhiều đêm, suy nghĩ về chuyện này. Tại sao Sơn Nam đến nông nỗi này? Tại sao? Một nhà văn  cúc cung phục vụ chế độ, bây giờ trở thành hombless cũng thật đáng thương.

 

Rồi tôi cũng (tình cờ)  được đọc một bài phỏng vấn Sơn Nam trên Web site VnExpress, tôi mới tự lý giải những điều tôi đang suy nghĩ. Sơn Nam đã có những câu trả lời thật độc đáo, vừa chua xót vừa đau thương.

 

Xin ghi lại đây một số đoạn:

Phóng viên: Vì đâu người Nam bộ yêu thích  giọng điệu tưng tửng, cách hành văn nhảy cóc, chuyện này xọ sang chuyện nọ, rồi cả lối kể con cà con kê của ông?”

Sơn Nam: Vì tôi là người duy nhất viết về lịch sử Nam bộ, một mảnh đất phải định hình trên một trăm năm mới ra hồn ra vía. Tôi là người nhìn thấy trước cái nét đó. Tôi cũng đã nhìn đâu là văn minh sông nước của đất này. Đừng nghĩ rằng người Nam bộ đánh Mỹ chỉ biết tối ngày xách rượu đế đi tán dóc, bây giờ họ làm kinh tế giỏi lắm. Mấy cái chuyện cá basa còn có người sang tận bên Mỹ cải lộn. (có đúng không đó cha!)

Phóng viên: Và còn cái điều gì bí ẩn sau cái tên “ông già Nam bộ.”

Sơn Nam: Nói đến Sơn Nam là nói đến sự tự tin của Nam bộ. Tự tin có cơ sở. Ví dụ: Tôi mặc áo 5 ngày không thay, thằng cha nào khinh rẻ thì cứ việc. Bởi ở rừng U Minh mà lên Sài Gòn như vậy là quá tốt rồi. Nghe đâu người ta còn mở quán cà phê Sơn Nam ở đường Phạm Ngọc Thạch, rồi khu du lịch Bình Quới sẽ dựng tương Sơn Nam để coi.

Phóng viên: Điều gì làm ông  chua chát?

Sơn Nam: Không có tiền thì không có thể diện. Muốn làm nhà văn, nhà báo phải “oách” mới đi xã giao được, nếu quỳ lụy người ta khinh.

Phóng viên: Nhưng cũng có những thứ khác đâu mua bằng tiền được?

Sơn Nam: Đó là tôi nói lý thuyết thôi. Nhà văn mà không có đủ tiền in sách thì ai đọc? Mà một cuốn muốn in phải năn nỉ nhà xuất bản, phải bỏ ra 2, 3 cây vàng, rồi phải in thử năm ba cuốn mới mong người ta chú ý. Anh không bán được sách chứng tỏ anh dở, tài cũng phải đẻ ra tiền chớ.

Phóng viên: Nhà xuất bản Trẻ chọn Sơn Nam mua hết bản quyền tác phẩm, có phải là một bất ngờ lớn với ông?

Sơn Nam: Bất ngờ chi. Tôi có mấy cuốn được tái bản nhiều lần, người ta thấy lời mới ký hợp đồng chớ. Hồi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, có trên 10 cuốn sách của Sơn Nam ăn khách rất mạnh. Không phải người ta hứng lên rồi làm đâu, vàng đã thử lửa hết rồi.

Phóng viên: Thưa ông, có bao nhiêu phần trăm nhà văn Việt Nam có tư cách?

Sơn Nam: Thời buổi bây giờ, có tiền là có tư cách. Giỡn chơi vâỵ thôi, nhà văn thứ thiệt phải biết chọn loại độc giả đứng đắn. Mà khó lắm, độc giả không còn nhiều nữa đâu?

 

Cuộc phỏng vấn với những câu đối thoại rất Thực. Ông già Nam bộ này dù có sách được nhà xuất bản Trẻ mua đứt bản quyền và chắc là có tiền nhuận bút (bao nhiêu, ai biết?). Nhưng sao ông lên báo trước bàn dân thiên hạ xin cứu giúp ông, cho tiền ông chữa bịnh. Xã hôi ông sống không có bảo hiểm y tế cho ông? Và con cái ông đâu? tuổi đời ông chắc cũng đã trên tám mươi rồi!

 

Tôi chưa gặp Sơn Nam ngoài đời, vì tôi là kẻ hậu sinh, chỉ nhìn ông bằng hình bán thân ở mấy cuốn sách và hình ông mấy lần trong TV. Để được biết về hình dáng và tính cách của nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tả ông như sau:

“Một Sơn Nam đi lửng thửng trên đường Phạm Ngũ Lão đến toà soạn Văn, tạt vào báo quán đưa một bài viết, một Sơn Nam ngồi ở quán cà phê vĩa hè trên đường Võ Văn Tần. Gầy ốm, dáng đi thất thểu, cái áo cũ rách, nhăn nhúm như khuôn mặt nhăn nheo của ông, điếu thuốc trên môi và đôi mắt như không nhìn đâu vào đâu, Sơn Nam có vẻ như không thuộc về một phần đất nào, mặc dù “rất Nam bộ” nhưng không như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc hay Lê Xuyên.”

 

Tình cảm con người thật là khó hiểu. Tôi chỉ đọc một cuốn Hồi Ký của Sơn Nam thôi (cuốn 2) mà tôi đã thấy những cảm tình xưa bay đi hết. Thật sự không phải ông viết, kể lể dài dòng về những tháng ngày ông  đi theo “giải phóng” mà tôi chán, mà ông trở thành kẻ một kẻ tâng công. Tôi ghét mọi sự tâng công nên tôi đâm ra thất vọng.

 Dù trong sách, ông đã bộc bạch:

“Như sau này, tôi biết dùng chữ trên giấy để gợi lại ấn tượng hỉ nộ ái ố. Khó lắm. Kể lại sự việc cho đám bạn bè ngồi nghe đã khó, mặc dầu mình có điệu bộ, có nhăn mặt nhíu mày. Nhưng giấy trắng mực đen là thứ tỉnh lặng, vô tình, và người đọc lắm khi buồn ngủ, im lặng. Truyền đạt lại cho người khác thông cảm sự việc, quả là khó”ù.

 

Sơn Nam cũng trở thành một kẻ huyển mộng. Ông hãnh diện vì người ta nói sẽ mở quán cà phê Sơn Nam ở đường Phạm Ngọc Thạch, hay dựng tượng của ông ở khu Bình Quới. Chuyện đó có gì là lạ đâu, đó chỉ là vấn đề kinh tế, người ta muốn mượn tên ông để làm ăn, để kiếm tiền. Tượng thì bây giờ rất nhiều, ai có tiền muốn dựng mà không được. Có tiền, muốn là được. như ông đã bày tỏ trong bài phỏng vấn trên.

 

Tưởng Năng Tiến viết về Sơn Nam ghi là “Sơn Nam đã chết”, còn tôi thì chỉ viết ba chữ: Ôi! Sơn Nam.

Và bây giờ thì “Ông Già Nam Bộ” đã chết thật rồi.

 

(tháng 8/2008)

 TRẦN YÊN HÒA
Nguồn Xứ Quảng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn