BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73491)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31183)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bao Giờ Quên

01 Tháng Mười Hai 20168:28 SA(Xem: 1856)
Bao Giờ Quên
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tháng Ba và tháng Tư là những lúc câu chuyện năm 75 như sống lại trong lòng mọi người Việt Nam.  Riêng gia đình tôi ngoài cái tang lớn của đất nước, chúng tôi còn mất đi một người thân trong gia đình trong những ngày loạn lạc ở Đà Nẵng.

Những năm đầu tiên xa Việt Nam vừa định cư ở Mỹ, vết thương như còn mới, nỗi đau nhức chúng tôi giữ riêng trong mỗi người, không ai nói ra thành lời hay san sẻ với ai.  Mãi đến sau này, khi hai người anh của tôi sau mấy năm bị bắt bớ, giam cầm đã may mắn đoàn tụ với gia đình ở hải ngoại, ba tôi từ từ nhắc lại những ngày sau cùng đau thương… Và những mẫu chuyện của giai đoạn loạn lạc tháng 3 tháng 4 năm đó sống lại trong chúng tôi.

Riêng người anh thứ hai của tôi, cho đến giờ này vẫn bặt âm vô tín. Từng ngày qua hy vọng gặp lại được anh càng mỏng manh và dần dà trở thành tuyệt vọng.  Chúng tôi chỉ còn một lưu ảnh của anh với bộ quân phục rộng thùng thình chụp ngày anh mới nhập trại ở Trung Tâm Huấn Luyện Đồng Đế Nha Trang, với gương mặt hiền lành, tuấn tú mái tóc hớt cao…

Cách đây vài năm, anh cả tôi mang tấm hình đó ra.  Chúng tôi im lặng nhìn nhau… nhìn bức hình, tôi thấy nhói trong lòng và hình như tôi nghe có tiếng thở dài nhẹ nhẹ, xót xa…  Trong khi chúng tôi im lặng, anh cả tôi loay hoay một lúc rồi lẩm bẩm:

– TTB làm lính mới coi cũng ra gì…

Câu nói khôi hài đó làm mấy anh em tôi phì cười, không khí tự nhiên bớt nặng nề đi chút xíu.  Mấy đứa em trai tôi nhao nhao:

– Em nhớ ngày ảnh về phép, về nhà… Ba đùa, sao gặp cấp trên mà không chào hỏi, anh dơ tay chào ngay theo kiểu nhà binh “Tân binh TTB trình diện…” làm ba mình cũng phì cười.

– Em nhớ ảnh kể chuỵện trong quân trường nghe ly kỳ lắm…

Rồi mấy anh em quay quần nhắc về người anh vắng bóng, anh hiền lành, thích làm thơ tình lãng mạn, cứ viết rồi xé vất khắp một góc nhà, anh cũng thích ôm cây đàn guitar và hát nghêu ngao…

Riêng tôi có nhiều kỷ niệm với anh, khi còn nhỏ, buổi trưa anh thường ra ngồi ở hàng hiên trước nhà, tôi thì ngồi vắt vẻo trên ghế xích đu. Hai anh em nói chuyện vu vơ với nhau, anh thường ngồi thư thả đàn hết bản này sang bản khác, trên môi phì phà điếu thuốc, thỉnh thoảng len lén nhìn nếu thấy có bóng dáng ba má tôi thì lại vội vàng dập đi! Tôi cũng hát nghêu ngao hát theo bản nhạc… Tôi và anh có điểm giống nhau nhất là… làm biếng học, thích mơ mộng và làm thơ con cóc!

Tôi nhớ anh có nhiều sách thơ, sách truyện, tôi lò mò đi theo mượn đọc, có nhiều cuốn anh tấm tắc khen hay, tôi cố đọc cho xong để thấy nó “hay” ở chỗ nào… Nhưng vì còn nhỏ, nên tôi đọc tới đọc lui chỉ thêm bực mình vì thấy câu chuyện thật là nhạt nhẽo… Anh tôi chỉ buông mấy tiếng:

– Con nít! Bày đặt…

Khi tôi lớn thêm một chút, anh tôi gia nhập quân ngũ, trước khi lên đường tôi nhớ anh thường nghêu ngao hát những bản nhạc ca tụng người lính, vẻ mặt hân hoan chứ không u sầu vì sắp dấn thân vào nguy hiểm:

– Bạn ơi mai này ai hỏi đến tên tôi… thì tôi đã đi xa rồi!  Thành đô lưu luyến bước chân tôi…

Anh bỏ ra hàng giờ viết lung tung trên những tờ giấy, rồi thì cũng xé bỏ và vất khắp nhà… Sau này không có anh tôi cứ tiếc sao không nhặt lấy những “tác phẩm” của anh để giữ làm kỷ niệm…

Cứ mỗi lần nhìn lại tấm lưu ảnh, tôi thấy bùi ngùi xen lẫn hãnh diện khi thấy gương mặt trẻ nhưng rắn rỏi của anh mình trong bộ đồ lính.

Mỗi chúng tôi nhớ về anh một cách khác, anh cả tôi thì có vẻ kín đáo hơn, chỉ nhìn tấm hình cũ, thỉnh thoảng lắc đầu, chặc lưỡi… buồn buồn huýt sáo bản nhạc và rồi… lại ra sân sau hút thuốc!

Một ngày kia, anh cả tôi đem tấm hình cũ ra “scan”… sửa màu và các vết mờ, “hitech” một hồi anh in ra tấm hình lớn, rồi lẩm bẩm:

– Không biết bây giờ chú mày ở đâu… Trốn đâu mà kỹ thế! Tìm hoài không ra… Từ ngày mất Đà Nẵng đến giờ!

Anh tôi mân mê tấm hình trên tay, và rồi quyết định làm đám giỗ cho người em mình vào ngày Đà Nẵng thất thủ.

Thường trong gia đình ba má tôi vẫn lo sắp xếp cúng giỗ, chúng tôi chỉ phụ giúp, giống như “thiên lôi” sai đâu thì đánh đó (lời anh tôi). Nhưng cứ đến đám giỗ anh B là anh em chúng tôi tự lo liệu sắp xếp, hai anh tôi sắp đặt bàn thờ, nhang đèn và lư đồng bóng loáng, mấy cô em gái tôi dành phần sắp dĩa trái cây:

– Chao ôi, trái cây đẹp và thơm quá… Coi nè dĩa trái cây giống như Tết hay là đám hỏi đám cưới vậy đó.

Tôi chợt bùi ngùi đưa mắt nhìn tấm ảnh của anh mình trên bàn thờ, một gương mặt rất trẻ… anh vắn số không được sống tròn những hạnh phúc của người thanh niên, anh cũng có người yêu, nhưng rồi bây giờ không biết chị ta ở đâu có còn nhớ đến anh tôi người tình năm nào! Đất nước loạn lạc anh không có được một ngày cưới, gia đình tôi không có dịp vui với anh…

Bên cạnh hương đèn thế nào cũng có ly cà phê và gói thuốc lá, anh Cả tôi lẩm bẩm;

– Pha cho chú mày ly cà phê đây, thuốc lá nữa… nguyên gói đó nghe chứ không phải mua thuốc lá lẻ…

Tôi thì nhớ lại thuở nhỏ tập tành làm bánh, tôi đã rất vụng về, loay hoay cả buổi trưa, tác phẩm của tôi thường là những cái bánh cứng như gạch… Nhưng anh B khi nào cũng khuyến khích cho tôi lên tinh thần:

– Làm vài lần thì bánh sẽ ngon, đừng lo!

Cho nên bây giờ ngày giỗ anh, tôi làm lại những bánh ngày xưa mà lòng dào dạt nhớ… Tôi cũng thường nửa đùa nửa thật khi đặt dĩa bánh lên bàn và thì thầm với anh:

– Em làm bánh này cúng anh đây… Em nhớ trong nhà chỉ có mình anh khuyến khích tài năng của em… Nhờ vậy em mới được như ngày hôm nay thành công chứ không thành gà…

Mấy ông anh tôi đứng gần nó nghe tôi lầm bầm khi cúng thì cũng thường trêu:

– Cô mày có khấn vái gì thì nói cho to lên, nhất là khi giới thiệu các “tác phẩm” của mình, chắc nó cũng “ngậm cười nơi chín suối” vì thấy cô mày lúc này khá rồi… chứ không như xưa!

Nhưng tôi ít bực mình khi bị trêu ghẹo, vì anh kế tôi sẽ xen vào nói những câu như là:

– Anh B! mời anh ly cà phê… anh phù hộ cho em kiếm được việc làm… Thất nghiệp hoài chán quá!

Các bà chị dâu thấy chúng tôi cười đùa thì than phiền:

– Mấy anh em này… cúng giỗ phải nghiêm trang một tí…

Thì sẽ nghe những lý luận:

– Cúng người già mới nghiêm trang. Anh em thì phải vui vẻ thân mật chứ…

Và rồi chúng tôi cũng quanh quẩn bên bàn thờ anh kể lại chuyện xưa, nhắc đến anh rồi trêu ghẹo như anh đang ngồi đó, tiếng cười thường ngưng lại, có những giây phút chúng tôi nhớ thương anh và ngồi thừ người ra im lặng, rồi buông tiếng thở dài:

– Tôi nghiệp anh quá… Anh hiền nhất nhà…

Riêng anh cả tôi thì trầm ngâm, lâu lâu lại nói:

– Phải hôm đó tao chạy đại về kéo nó đi…

Anh tôi muốn nhắc đến ngày cuối tháng 3 năm 75. Khi tình hình nguy ngập, anh đang là một sỹ quan Không Quân tại phi trường Phù Cát, đã cùng các bạn trong một phi vụ “bay” về Đà Nẵng ngay lúc phi trường này cũng như nhiều đoạn đường trong thành phố giao thông đã tắc nghẽn… máy bay không đáp được tại phi trường mà phải đáp ở một điểm hẹn khác, anh đến đây với hy vọng là liên lạc được để đón gia đình đi về Sài Gòn…

danang30thang4bienmykhedanang031975
Mỹ Khê Đà Nẵng tháng 3, 1975

Thành phố Đà Nẵng lúc đó trong cơn hấp hối, đường phố hỗn lọan… tràn ngập dân tị nạn và lính từ Huế, Quảng Trị vào, tình hình không an ninh… thì làm sao anh có thể rời máy bay để về nhà… Theo lời ba tôi thuật lại sau này, anh cố liên lạc với gia đình, anh rất mừng khi hay tin ba tôi vừa về từ Huế (sau khi đơn vị ông có lệnh rút quân) đã đưa gia đình đã sang Tiên Sa tìm đường lánh nạn… Chiều 28 tháng 3 anh nói chuyện được với ba tôi lần cuối cùng.

Đêm đó gia đình tôi rời Đà Nẵng sau khi tiếng đạn pháo kích vừa ngưng trên thành phố thân yêu. Vài hôm sau anh Cả tôi bị bắt tại phi trường Phù Cát… Hai anh kế thì mỗi người một nơi…

Tiếp theo đó là những chuỗi ngày hãi hùng trong trí nhớ của tôi. Những ngày cuối cùng ở Sài Gòn rất tối tăm trong ký ức tôi, nhìn gương mặt lo âu, buồn bã của thân sinh, tôi cũng biết là nguy cơ lắm rồi, nhưng tôi đã không lường được, đâu ngờ gia đình tôi sắp ly tán… đất nước thân yêu sắp phủ lên màu tang…

Rồi ngày đau buồn của đất nước đã đến, buổi sáng hôm đó tôi chắc không bao giờ người Việt Nam nào có thể quên được dù đang ở đâu và trong hoàn cảnh nào đi nữa… thì giữa buổi sáng, đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố Sài Gòn đã thất thủ, tiếp theo là im lặng… là não nề, giống như thân phận của mọi người!

Tôi đã nhìn ba mình xếp lại bộ đồ quân phục, ông chậm rãi vuốt ve và bỏ vào một cái túi lính nhỏ mà bao nhiêu năm vẫn theo ông. Có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên gương mặt của ba tôi hôm đó, tuy ông chỉ yên lặng nhưng tôi biết ông rất buồn… tôi nhớ ông lặng lẽ đến thắp mấy cây hương ở bàn thờ tổ tiên, ông đứng đó bất động thật lâu…

Để rồi mấy chục năm sau, cứ đến tháng 3 tháng 4… Trong gia đình tôi ai cũng hướng về ngày tháng cũ, nhắc lại một quê hương đã xa vời. Tiếng thở dài của ba tôi… Sau bao năm hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, đặt tổ quốc trên gia đình, rồi một sớm ra đi… mất tất cả! Tiếng chép miệng của các anh tôi… cuộc đời quân ngũ ngắn ngủi của các anh cứ theo đuổi những thanh niên này mãi mãi… nhắc đến đôi mắt vẫn còn sáng, chút gì đó… vương vấn… phải chi… rồi lại lắc đầu!

Và rồi chúng tôi lại làm giỗ cho người anh vắn số, lại ngồi bên nhau trước bàn thờ của anh tôi mà nhớ về một người thân hiền lành…

Không biết bao nhiêu lần tôi muốn viết lên một giòng chữ tưởng nhớ anh mình… Nhưng trước sự mất mát chung to lớn quá… Đã thay đổi cuộc đời của hàng vạn người Việt Nam, và tôi chắc trong mỗi gia đình của người Việt chắc ai cũng có một người anh như tôi đã đi không trở về. Cũng có người cha đáng kính như ba tôi… Như các anh tôi, thì tôi phải viết thế nào đây…

Tôi lại giống anh mình ngày đó, viết rồi bỏ lung tung… Và rồi mỗi lần tôi nhìn thấy tấm hình của anh tôi, một tiếc thương dâng lên, có cái gì nghèn nghẹ ở cổ họng… Tôi còn nghe văng vẳng đâu đâu những lời anh nói, hiền lành đầy ước mơ, tấm lòng nhiệt huyết của anh… Những lúc tôi hăng say viết trên cái lap top của mình tôi lại nhớ đến anh, đến những buổi trưa ở quê nhà, anh cặm cụi viết rồi xé bỏ, vo tròn tờ giấy vứt lung tung… nếu anh còn sống…

Năm nay tháng 3 lại về, những phim ảnh về ngày cuối ở Đà Nẵng lại tràn ngập… tôi cố nhìn trong đám đông, những người lính trẻ, xem có anh tôi không, người ta chen chúc, gương mặt hớt hãi lo âu… đám đông mờ nhạt… hình ảnh xưa mờ nhạt… Tôi không biết đây hai chục năm nữa ba chục năm nữa… và mai mãi về sau, có lẽ cứ tháng 3 tháng 4 về thì tôi cũng như mọi người sẽ sống lại những ngày tối tăm đó, ngày của chia lìa tang tóc… ngày mà anh tôi và gia đình sẽ không bao giờ còn thấy nhau… Ngày tôi sẽ không bao giờ quên…

KimChi
4-2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn