BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

An Lộc và tôi (2)

17 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 1836)
An Lộc và tôi (2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Má nằm điều trị ở khu ngoại thương dành riêng cho nữ bịnh nhân, những vết thương cắt nát sau lưng chỉ là miểng đạn và những vết cắt của kiếng, lấy hết miểng ra, khâu vết thương lại, bà chỉ nằm BV để thay băng, tránh bị làm độc và chờ lành vết thương thôi. Má khỏe đi đứng được gần như bình thường. Mỗi ngày hay đi qua bên giường bịnh của Ba bên khu của nam bịnh nhân coi sóc và chuyện trò với ông, má cũng đi ra ngoài BV Chợ Rẫy được để mua những thứ cần thiết. Còn Ba, thì khi chụp quang tuyến X-ray, thấy miểng đạn nằm yên trong hai đầu gối, chui vô từ phía sau, nằm yên không thấy tàn phá xương hay gân gì. Bây giờ không biết có nên giải phẫu lấy miểng đạn ra hay không, vì như vậy sẽ đụng chạm gân hay dây thần kinh sẽ nguy hiểm hơn, Ba v ẫn cử động được phần chân bên dưới và còn có cảm giác đầy đủ. Như vậy là trúng miểng đạn, chứ không phải đầu đạn bắn thẳng vào.

Người bạn lớn hơn của anh Hai tôi, lúc trước khi anh hai chưa đi Mỹ, có đến nhà tôi chơi, bác sĩ Trần xuân Ninh, lúc này mới tu nghiệp giải phẫu ở đại học Mỹ, John Hopkins ở Baltimore, Maryland về. Anh Hai nhờ anh Ninh đến khám cho ba, coi quyết định có nên mổ lấy miểng đạn hay không. Sau khi coi kỹ X-ray và khám, anh Ninh khuyên là nên để yên như vậy, chờ coi có biến chứng hay không, chỉ kiểm soát chống nhiễm trùng, chở lành vết thương coi ba có hồi phục, đứng và đi lại được không, lúc đó sẽ tính tiếp, nếu tệ hại hơn thì sẽ mổ tiếp sau đó. Cứ như vậy, chúng tôi chia nhau vào thăm ông bà trong BV, Má thì thỉnh thoảng cũng rời nhà thương đi về nhà, coi chúng tôi sống ra sao.

Sau ba tuần thì Má lành vết thương, chỉ còn dán băng mỏng, xuất viện. Chỉ còn Ba nằm tới mấy tháng, tập đi đứng. Mỗi chiều thứ Năm, đuợc nghỉ hai giờ sau, giờ học giáo lý của học sinh Công Giáo ở Nguyễn bá Tòng, tôi lại tà tà đạp xe qua Hồng Thập Tự, đi dọc Hồng Bàng để vào Chợ Rẫy thăm Ba, đường đi bên những hàng cây dầu cao, gió thổi bay những trái dầu, quay tròn hai đầu cánh chong chóng, tôi ngước lên nhìn trời, và cám ơn là Ba Má vẫn còn sống sót. Chiều tối đạp xe về hướng chợ cá Nguyễn Tri Phương, theo đường Tô Hiến Thành, đi về ngã ba Chợ Hòa Hưng, về nhà. Cứ đạp xe chầm chậm và vui, vì lần đầu tiên, tôi còn nhớ được, đây là lần đầu, mà tất cả mọi người trong gia đình đều ở chung một nơi, Sài Gòn. Tuy Ba vẫn còn nằm trong BV, nhưng cũng về nhà sớm thôi. Bộ Công Chánh sắp xếp cho ba làm việc mới tại Khu 3 Công Chánh, ngay đường Nguyễn Thông, cũng không xa nhà lắm.

Đám cưới tỉnh lẻ, lễ rước dâu đi từ dốc gần nhà Ga An Lộc về chợ Cũ, những ngày bom đạn chưa tới, đầu những năm 1960.


Khi lên Bình Long nhận việc, Ba cũng thích sự yên lặng, an lành ở đây, nếu không có chiến tranh, thì cũng sẽ nghỉ già nơi này, nhà trên Bình Long có đầy đủ đồ đạc và giữ những sách vở, đồ đạc kỷ niệm của chúng tôi, vì mấy anh chị em sống ở Sài Gòn, cũng chỉ là thuê nhà, hay thay đổi chỗ ở sau vài năm. Bây giờ, ba má thoát An Lộc, sống sót trở về, chỉ có bộ quần áo ướt máu trên người thôi. Trong nhà trên An Lộc, bây giờ chắc bị người ta vào lấy hết đồ rồi. Ba làm bên Ty Công Chánh, chỉ cách nhà hơn trăm thước xéo bên Bệnh Viện Bình Long, hy vọng họ cho người qua coi và thu dọn nhà, mà đạn pháo bay vào thì chắc đồ đạc, tài sản cũng hư hại nhiều rồi. Ít tháng sau, thì mấy người trong Ty Công Chánh Bình Long, theo lời yêu cầu của Ba, khi có chuyến xe công tác chuyển về SG, họ mang đến tận nhà cái xe Mô Tô cho Ba. Ông chỉ cần như vậy thôi. Đây là chiếc mô tô thứ hai, mầu đen, chứ không phải chiếc Peugeot mầu xanh lá cây mà tôi còn nhớ khi ở An Lộc. Chiếc xe bị mảnh đạn làm xì lốp, miếng kiếng che đèn trước, lủng một lỗ tròn to. Ba tìm thấy trong nhà có cái đĩa hay tô thủy tinh pha lê cùng cỡ, ông úp vào thay kiếng đèn xe, bắt dây kẽm sắt giữ kiếng lại. Nguyên căn nhà trên An Lộc bây giờ chỉ còn có mỗi chiếc mô tô mang về được SG. Má nói: “thôi của đi thay người, vẫn còn may mắn là còn sống..”

Chiếc xe mô tô của Ba được mang về Saigon từ An Lộc, sau này sửa lại. nhìn kỹ trên hình, đèn xe vẫn là cái tô thủy tinh được dán băng keo vào khung đèn. Hình trên, ba chụp chắc vào năm 1979 hay 80, trước hồ Con Rùa ở Sàigòn.


Anh Hai đi Mỹ về năm trước, đi vòng qua vài xứ như Nhật, Hongkong và Đài Loan, Taiwan, mua maý hình, mua những thước Tê, rất đẹp của Nhật đựng trong bao, cán vặn ốc ra gấp thẳng theo chiều dài. Lúc này tôi được phép học chụp hình và dùng máy của anh, được dùng Tê và Êke để vẽ những họa đồ máy bay kiểu nhỏ của tôi từ những tạp chí và sách máy bay của Mỹ. Tôi cặm cụi vẽ họa đồ máy bay làm bằng gỗ, theo mẫu chiếc khu trục chong chóng Stuka của Đức trong đệ nhị thế chiến, nắn nót vẽ mực, trên hai tờ giấy khổ nhỏ gián lại, vì không có giấy khổ lớn, ghi chú đầy đủ bằng tiếng Anh, kích thước đàng hoàng, nắn nót thêm lá thư tiếng Anh nữa, đi ra bưu điện gửi cho một tạp chí máy bay kiểu nhỏ ở Mỹ, hy vọng họ sẽ đăng và trả công. Cuối cùng chẳng thấy gì, thôi cũng nhờ vậy mà biết vẽ họa đồ, để sau này thi vào Trường Đại Học Kiến Trúc và biết thêm chút vốn liếng tiếng Anh, lúc đó mới học lớp Đệ Tứ, là lớp chín bây giờ, như vậy cũng là gan góc và chịu khó, đầy tự tin lắm rồi. Mà con nít học lớp Đệ Tứ thời đó làm được gì hơn đâu, tui lại dám làm chuyện ruồi bu, vẽ bài, gửi cho tạp chí của Mỹ, tốn tiền tem gửi thư.

Bây giờ tìm lại còn sót tấm hình chiếc máy bay nhỏ do nhà mang qua khi đoàn tụ, còn lúc đó không hiểu tại sao không chụp hình Ba Má lúc nằm bịnh viện Chợ Rẫy. Có lẽ đây là chuyện buồn, tai nạn, nên không ai muốn ghi lại hình ảnh làm gì. Ba chống gậy tập đi, cuối cùng đi đứng lại bình thường, nhưng không được như trước khi bị bắn. Còn chiếc mô tô, chỉ để nghó chơi thôi, ba còn yếu, chưa chống nổi chiếc xe nặng nề này, ba đạp xe đạp đi làm hàng ngày. Mọi chuyện trong gia đình lại trở về bình thường. Chuyện An Lộc đi vào trong yên lặng của ít nhiều kỷ niệm của mọi người, có lẽ chỉ trong lòng, trong tim Ba Má, tôi, đứa em út là có nhiều An Lộc trong đó hơn, vì chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian sống ở nơi này.

Năm 67 là như vậy, có điều làm ba má rất vui là anh kế tôi, học Petrus Ký, thi Tú Tài Một, đậu hạng Ưu, lại học sớm trước 1 tuổi. Tuy nhiên gia đình nghèo, nên anh cũng không được thưởng cái gì, vẫn đạp xe đạp đi học hàng ngày. Anh Hai học Kiến Trúc của những năm chót, thỉnh thoảng có dịp đi Nhật hay đi Phi Luật Tân đại diện Tổng Hội Sinh Viên Saigon đi dự hội nghị sinh viên quốc tế. Chị lớn tốt nghiệp đại học Văn Khoa. Mấy đứa em như tụi tôi thì đang học Trung Học. Coi như trong năm này, nhiều chuyện xẩy ra liên tiếp trong gia đình, như vậy mọi chuyện trôi qua cũng nhanh. Cứ đợi anh Hai đi ngoại quốc mua qùa mang về, hy vọng có chút đồ cho mình. Kể ra thì bây giờ nghĩ lại, ông anh lớn cũng dễ tính, cho nghịch ngợm máy hình, sách vở và đồ dùng của ông. Chỉ nhớ có một lần, chút xiú bị ông ta đinh cho vỡ mặt vì tội nghịch ngợm. Lúc đó anh hai mới đi Phi về, tôi mở cái máy hình Canon ra coi bên trong có gì lạ, mà không biết là vẫn có cuộn phim còn đang chụp ở bên Phi chưa xong, ánh sáng lọt vào là hư hết phim, không phải hình thường, mà hình đi ngoại quốc dự hội nghị sinh viên của anh ta. Chắc không bị mất nhiều hình, hay cuộn phim chỉ mới có ít tấm, nên không thấy ông ta nổi khùng đục cho tui một trận, mà chỉ thấy bị chửi chút ít thôi. Tò mò, và …nông nổi thiếu suy nghĩ đắn đo là tui lúc đó, tuy nhiên về sau thì cẩn thận hơn.

Lần đi Nhật thứ ba, anh Hai mang về cái máy đan len hiệu Singer cho má. Cả nhà đâu ai biết xài, còn muốn biết thì phải đóng tiền đi học, người ta chỉ cho bằng tiếng Việt, mất thời gian và mấy ngàn tiền học phí. Má thì đan len bằng tay giỏi lắm và rất nhanh, nên cũng không ham đan bằng máy, nhưng nghĩ đi học đan máy ở tuổi đó là bà không ham rồi. Còn tui thì thấy máy móc là ham lắm, lần này thì xin phép đàng hoàng, xin Má và anh Hai cho phép tui vọc cái máy đan len, với cuốn sách chỉ dẫn bằng tiếng Anh. Tui và anh kế, giỏi tiếng Anh hơn tôi rất nhiều, hai anh em gỡ máy ra, tháo ráp cho thành hình, sau đó thì ông anh kế tui còn phải lo học thi tú tài, nên chỉ có mình tui vọc phá. Nói vậy chứ, nếu làm bậy chỉ có kẹt hay cong hay làm gẫy kim đan thôi, tuy nhiên cũng có sẵn năm saú cái kim đan dư ở trong hộp, ngoài ra, hỏi gía, thì mua kim đan máy mới ở VN cũng không mắc lắm, cho nên, mấy người lớn trong nhà cũng tò mò muốn coi cái máy đan len hoạt động ra sao nên khuyến khích tôi cứ tự nhiên mà phá máy.

Rồi tui cũng tự mò, tự đọc sách chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tự đan được, không khó lắm, lúc đầu thì bắt đầu đan trơn, sau thì nhìn những thẻ mẫu, đổi qua đan kiểu, cứ thế mà mò mẫm theo quyển chỉ dẫn bằng tiếng Anh, coi như học sinh ngữ, một công hai ba chuyện. Cuối cùng thì tui đan phăng phăng, đan liên tục. Có điều khi đan gấu áo hơi khó, vì phải đan làm sao cho nó thun bó co dãn, hơi khó, và hình như phải mua thêm cái dàn đan gấu mới đan được, mà máy mang về không có dàn đan gấu. Thế là Má tôi sẵn sàng đan gấu bằng tay, rất nhanh, sau đó tôi chỉ móc phần gấu má đã đan vào máy, tiếp tục đan phần trên, còn bao nhiêu mũi, to rộng dài như thế nào, thì má cứ việc chỉ dẫn. Thế là tôi ngồi sau dàn máy đan len, kéo máy kêu sành sạch, âm thanh vui tai. Con nhỏ Hồng, học thua tôi một hai lớp, ở ngay bên cạnh, đúng bên ban công lầu nhìn qua coi tui kéo máy đan, thiệt là phục tui sát đất, và thấy kỳ cục, một thằng con trai, cởi trần vì nóng, kéo máy đan xoành xạch. Có điều SG nóng qúa, đan áo chờ có dịp đi Đà Lạt mới được mặc thôi. Còn trong gia đình, thì anh Hai cũng nhìn tui có vẻ lạ lùng lắm. Lúc này thì tui học luôn cách xài cái máy may điện của má, vì mỗi lần hàn thay hai cục than trong mô tơ máy may cho bà, hay thay cái nút nhấn điện chế ra dưới chân để thay cho cục nhấn nguyên thủy đã bị hư từ lâu, tôi đều phải nhấn điện coi máy may chạy thử. Cuối cùng thì lấy luôn được cái Chuyên Hiệu Thợ May, trong ngành Thiếu của Hướng Đạo. Thành ra biết xài máy đan len thiệt khó, rồi mới biết may máy may điện dễ hơn sau, trái ngược như vậy. Mà đàn ông con trai, con nít, lại rành đan máy với máy may của phụ nữ.

Nói chuyện đi Hướng Đạo, Ba về ở SG, một hôm ông có chú ý đến chuyện HĐ của tôi, biết ông Trần văn Lược lúc đó đang làm Tổng Ủy Viên của Hội HĐ, ba hỏi thêm về ông này, nói ông đó có anh là Trần văn Thao, ngày xưa ba cũng đi Hướng Đạo ở Hà Nội với hai anh em ông này, ba còn nhớ, hỏi tôi: ông này có phải răng hơi vẩu, tức là hơi hô phải không. Tôi nói chưa có dịp gặp mặt nên không biết. Sau có dịp gặp anh Lược (HĐ xưng hô với những người gìa cũng bằng Anh), quan sát thì đúng ông này hơi vẩu. Tới gặp ông ta và nói Ba tôi có lời hỏi thăm. Ông này hỏi Ba làm ở đâu. Ít lâu sau, Ba có kể là ông Lược có đến thăm ba ở nơi làm việc, Khu 3 của Bộ Công Chánh.

An Lộc và tôi không còn gì nối dính nữa, Ba tôi sau thời gian dài, gần 10 năm, bỏ lại chút máu ở đó, Má cũng vậy, thoát chết về được SG, gia đình lại đoàn tụ, ăn cơm ngồi chung bàn có đầy đủ tất cả gia đình, bao nhiêu năm mới có được một hai năm như vậy. Kể ra cũng lạ. Còn Ba Má cũng không thấy nhắc chuyện cũ An Lộc ra trước mặt chúng tôi nữa.

Qua năm sau. 68, năm Mậu Thân, sau trận Mậu Thân, VC bắt đầu pháo kích vào trong SG, không cần biết hỏa tiễn sẽ rớt vào chỗ nào. Nhà kê cái giường cây, lớt chân giường có mặt cây lên cao bằng những cục gạch, khi pháo kích ban đêm, thì chui xuống dưới giường. Còn tôi thì cứ nằm lì trên lầu là gác cây ngủ, không chịu xuống nhà để chui dưới gầm giường. Má cằn nhằn sao tôi không chịu xuống. Tôi trả lời là trái 122 ly, nếu trúng ngay nhà, chui dưới đó lại bị thương tàn tật mắc công lắm, nằm trên này, trúng trái hỏa tiễn 122 thì chết liền, khỏi thắc mắc. Ba chửi tôi là thằng điên. Tôi cũng phải bò xuống nhà cho ông bà vui lòng, nhìn thấy ba tôi run rẩy trong góc nhà, đầu đội cái nón an toàn dùng đi mô tô của ông, ba tui chống hỏa tiễn 122 ly bằng cái nón Mô Tô, thôi phải hiểu, ông đã thoát chết năm trước với lần tấn công trực tiếp và pháo kích của VC trên An Lộc, đã có kinh nghiệm máu rồi.

Lúc này thì tôi dự một khóa cứu thương của Hội Hướng Đạo Nam và Nữ, tổ chức tại hội quán Nữ Hướng Đạo gần ngay góc Hồng Thập Tự và Pasteur, ngay sau lần tấn công tết Mậu Thân để đi giúp đồng bào chiến nạn, học liên tiếp hai tuần lễ do các sinh viên năm cuối đại học Y Khoa dậy, sau đó tôi theo anh Long, đi thực tập và bắt đầu phụ giúp ngay ở Bịnh Viện Nhi Đồng, gần chợ Cá Nguyễn tri Phương. Mỗi tối, mấy đứa nhỏ chúng tôi đến bịnh viện, phụ giúp khu cấp cứu vào ca đêm. Khi pháo kích bắt đầu nổ vang là chúng tôi ra khu cửa cấp cứu chờ, không bao lâu là xe cứu thương hụ còi chạy vào, chúng tôi kéo băng ca ra, khiêng những em nhỏ bị thương vào phòng cấp cứu, em nào đã chết rồi thì xếp qua một bên, chờ làm giấy tờ, ghi tên tuổi, gắn thẻ giấy trên người rồi chờ lệnh khiêng vào nhà xác.



Lần đầu thấy máu thật, thấy thân thể trẻ con vỡ tung ra, thật là khủng khiếp, ghi giấy tờ mà ghi không nổi, nam nữ đã thấy rõ ràng mà còn cứ hỏi nạn nhân nam hay nữ, thật là mất bình tĩnh. Sau đó thì lấy máu mang đi thử để truy ra loại máu, rồi đi lấy máu để tiếp, rồi chờ được sai vặt, làm được chuyện gì thì làm, qua đêm đầy sôi nổi như vậy rồi thì về gần sáng thì lắng dịu lại, không có pháo kích nữa thì không còn nạn nhân con nít được chở đến. Chúng tôi làm việc ở khu ngoại thương, tức là trị các thương tích từ bên ngoài vào, thường là do súng đạn hỏa tiển xâm nhập vào cơ thể. Làm được hai tuần liên tiếp như vậy thì quen đi, làm nhanh hơn và có thì giờ chơi giỡn và đùa nghịch tiếp là coi ai gan dám vô khu nhà xác một mình, chúng tôi vẫn là lũ con nít mới lớn mà!. Như vậy mà coi như an toàn hơn cho mấy đứa con nít chúng tôi, không sợ pháo kích nữa vì ở trong nhà thương có tới bốn tầng lầu mái bê tông, khó trúng đạn VC hơn là ngủ ở nhà mỗi tối nguy hiểm hơn.

Lúc này tất cả trường học vẫn còn đóng cửa chưa được đi học vì các trận đánh trong thành phố còn đang tiếp diễn, tới thêm qua trận công kích tháng 5 kế tiếp. Không trực đêm khi hết pháo kích, thì chuyển qua làm phụ ca ngày, đi thay băng trong khu ngoại thương của BV Nhi Đồng do bác sĩ Trần xuân Ninh làm trưởng khu. Vì là bạn của anh hai tôi, nên ban ngày tôi được đi theo BS một vòng buổi sáng khám bệnh để học hỏi và quan sát. Khi làm việc thì anh Ninh không có dịu dàng nhỏ nhẹ như khi đến nhà tôi chơi, mà rất là nghiêm khắc.

Lúc này thì qủa thật, khi nhớ về An Lộc, cũng thấy nhớ và buồn, bỏ thời kỷ niệm, bỏ tuổi thơ lại đó, gia đình mất hết tất cả những sách vở cũ, những hình ảnh, an-bum, kỷ vật hồi nhỏ, ba má và gia đinh mất luôn tất cả những đồ kỷ niệm ít ỏi còn mang được từ Hà Nội, khi bay vào Nam năm 54. Ba hay khoe một cái búa và một cái kềm của Pháp, đã mang vào từ Hà Nội. Tôi cũng thắc mắc là gia đình đi máy bay từ HN vào Tân Sơn Nhất, mà ba bỏ cái búa và kềm trong hành lý, nặng chết, thế mà cuối cùng lại mất hết ở An Lộc, kèm theo nhiều thứ đồ nghề như cưa bào đục vân vân mà ba mua cho tôi ở An Lộc, khi tôi tập làm thợ mộc, thêm cả những mỏ hàn thiếc nữa. Nhiều thứ lặt vặt, toàn là kỷ niệm. Tất cả đã nằm lại ở An Lộc, một quá khứ nằm lại, chỉ còn thoát được về hai thân thể của Ba Má với nhiều vết đạn trên đó.

Năm 68, anh kế tui, lại làm cho gia đình rất vui, anh tiếp tục thi đậu Tú Tài Hai với hạng Ưu, mới 17 tuổi. Có lẽ nhờ trong mấy tháng sau trận tấn công Mậu Thân, đóng cửa trường, anh tình nguyện đi làm nhà trong khu tị nạn thành Ô Ma, đường Lý Thái Tổ, gần bến xe PetrusKý, gần khu Bàn Cờ, anh ăn ngủ trong đó cả tháng, làm tình nguyện trong Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Phan Bội Châu, Đạo Cửu Long, nên được phúc đức trả lại, thi đậu cao như vậy. Hội ái hữu trường, do ông Trần văn Hương làm Hội Trưởng có làm tiệc mời mấy người đậu cao nhất, học sinh của Petrus Ký đến tham dự và tặng giải thưởng. Người đậu Tối Ưu năm đó, Tôi chỉ nhớ tên là Pháp, học ban Pháp Văn, sau đó là đến anh kế tôi. Còn ông Trần văn Hương là ai? Thì ông ta từng làm Giáo Sư Trung Học, Thủ Tướng, Phó Tổng Thống, rồi Tổng Thống của VNCH.

Sau đó thì gia đình mừng hơn nữa là anh xin được học bổng Colombo của chính phủ Úc, Australia và được chính phủ Úc cho học bổng. Anh lúc này có hai bằng Tú Tài đậu Ưu, có thêm chứng chỉ đã đậu thi TOEF về khả năng tiếng Anh của Mỹ, nên có thể học thẳng, không qua thời gian học sinh ngữ nữa. Thêm một điều vui nữa là anh cũng thi đậu luôn vào trường Y Khoa SG để học Bác Sĩ. Nhưng chuyện vui gì thì cũng có trục trặc, khi chính phủ Úc chuyển danh sách những người được cấp học bổng đi du học ở Úc, hoàn toàn miễn phí, chuyển qua cho Bộ Giáo Dục VNCH để chấp nhận thì lại có chuyện. Ông Bộ Trưởng lúc đó, tôi quên tên, cho người đến nhà tôi, hay là có người đến tự xưng là do Bộ Trưởng gửi tới yêu cầu gia đình đưa tiền hối lộ thì chuyện mới thành, mới được đi du học, họ đòi đâu trên trăm ngàn, sau khi đã coi khả năng gia đình tôi như thế nào. Má trả lời là gia đình nghèo không đủ tiền, thì họ nói cứ đi vay mượn, sau này con bà thành tài thì sẽ làm được khối tiền trả lại. Tính ra còn lời hơn rất nhiều. Má không chịu, vì anh tôi giỏi, nhỏ tuổi, gia đình nghèo, được điểm cao, nên mới nhận được học bổng từ chính phủ Úc, tại sao lại phải đút lót.

Không đưa tiền đút lót cho phía ông Bộ Trưởng Giáo Dục lúc đó, thì Bộ Vô Giáo Dục loại tên anh tôi ra khỏi danh sách sinh viên du học Úc của chính phủ Úc đã yêu cầu bên chính phủ VN chấp nhận. Qủa thật anh tôi mất học bổng đi Úc, trong khi những người đậu hạng thấp hơn, lớn tuổi hơn, điểm thấp hơn, vẫn được Bộ Giáo Dục chấp nhận, và dĩ nhiên gia đình họ đều phải đóng tiền hối lộ do đường dây bên trong của ông Bộ Trưởng làm tiền, bán buôn chuyện du học này, nhất là học bổng của các chính phủ ngoại quốc. Gia đình tôi cũng không thèm, anh tôi cũng đã đậu thi tuyển vào học Y Khoa SG. Như vậy, anh lại lọc cọc đạp xe đạp đi học ĐH Y Khoa, vì nhà nghèo, không có tiền thưởng cho anh cái Honda cũ, lúc đó chừng 20 ngàn, chứ đừng nói có trên trăm ngàn để đưa tiền người ta đòi nộp hối lộ cho anh đi du học miễn phí, mà mấy người đòi tiền cho biết giá trị học bổng này tính cho đến khi thành tài có trị giá tới trên vài triệu bạc VNCH lúc đó.

Chuyện du học, được học bổng của chính phủ Úc đâm ra tịt ngòi, trong khi bạn bè và người quen, khi biết tin vui đều mừng cho anh, qua tới Bộ Giáo Dục VNCH, thành bộ tham nhũng hối lộ, thì chuyện du học không còn nữa. Tôi cũng chẳng để ý, má chỉ nói sơ là bộ giáo dục cho người đến đòi tiền, gia đình mình nghèo, nên anh ở nhà đi học thành bác sĩ thôi, như vậy cũng là may mắn rồi. Năm ngoái, hai ông bà Ba Má tui vừa thoát chết trở về từ An Lộc, nên cũng không dám đòi hỏi nhiều hơn. Sau thì bê bối của ông Bộ Trưởng Giáo Dục chuyên ăn tiền này cũng nổi tiếng, báo chí SG lên tiếng tố cáo. Ông Trần văn Hương, lúc này làm Thủ Tướng, cách chức ông bộ trưởng ăn tiền này, nhưng không truy tố. Ông mới lên thay, là bác sĩ Lê minh Trí, nhận việc chưa được tới vài tháng, thì bị ném lựu đạn vào xe hơi khi đi làm tới Bộ Giáo Dục. Ông này chết, ai cũng biết đây là một chuyện trả thù, vì ông Bộ Trưởng mới có hứa sẽ điều tra những vụ tham nhũng tai tiếng về buôn bán học bổng, thu tiền những người đi du học tự túc, coi như được hoãn dịch, được thoát ra khỏi VN.



Ông Bộ Trưởng Giáo Dục mới bị ám sát giữa ban ngày, ngay trước Bộ Giáo Dục. Thủ tướng Trần văn Hương bây giờ kiêm luôn làm Bộ Trưởng Giáo Dục, ông không tuyển bộ trưởng mới, mà tự mình giữ chức này thời gian để tự điều tra, coi ai muốn ám sát thì ám sát ngay thủ tướng Hương, ông muốn tự tay mình làm sạch sẽ bộ giáo dục. Gia đình tôi cũng theo dõi sơ sơ, vì chuyện đòi tiền đổi học bổng, đã xẩy ra ngay cho anh kế của tôi vài tháng trước. Những người được học bổng Colombo, đi du học Úc, họ đã đi du học vài tháng trước đó rồi. Anh tôi đã đi học ĐH Y Khoa được vài tháng. Ăn tết xong, thì có người trên Bộ Giáo Dục xuống, đưa thư mời của thủ tướng Hương, yêu cầu anh tôi lấy hẹn lên Bộ gặp ông ta gấp. Ông Hương có từng gặp mặt anh tôi, trong tiệc khao thưởng những người đậu cao nhất, của Hội Ái Hữa học sinh Petrus Ký, mà ông Hương từng làm Hiệu Trưởng trường này. Lúc này anh tôi vẫn còn là tên con nít 17 tuổi, chưa được tới 18.

Lại thêm một bất ngờ, anh đạp xe lên bộ giáo dục theo lời yêu cầu, rồi về nhà cho biết, Ông Hương cấp cho anh một Học Bổng Quốc Gia, đi qua Úc học ngay lập tức, vào ngay chương trình đã dự bị trước khi anh đã được chọn trong chương trình Colombo. Gia đình bằng lòng thì anh sẽ được đi liền trong thời gian nhanh nhất, mọi chuyện do Thủ Tướng đã chấp nhận nên coi như khi qua Bộ Quốc Phòng chỉ là thủ tục giấy tờ thôi, thủ tướng Hương sẽ ký giấy tờ một lượt tất cả luôn. Khi ông Bộ Trưởng Giáo Dục mới, là học trò của thủ tướng Hương bị ám sát khi vừa mới về Bộ. Ông Hương buồn và giận lắm vì ai đó dám giết người ông ta tự chọn làm Bộ Trưởng thay thế ông cũ qúa nổi tiếng mua bán chuyện du học, nên ông Hương vào thẳng Bộ Giáo Dục tự mình điều tra coi xét hồ sơ du học liền, kéo ra hồ sơ anh tôi, đậu Tú Tài Hai, điểm cao thứ nhì nhất nước (người đậu cao nhất, Tối Ưu, tên là Pháp đã được học bổng, du học tại Pháp), ông đã từng gặp những học sinh ưu tú hang đầu này trong tiệc thưởng của trường Petrus Ký. Mà giờ vẫn còn một học sinh ở nhà, trong khi cả trăm người đậu dưới anh tôi đã lên đường du học. Bây giờ học bổng của các nước ngoài cho VN, của niên khóa hiện thời không còn nữa, phải đợi đến niên khóa sau. Ông Hương dùng quyền Bộ Trưởng Giáo Dục và Thủ Tướng Chính Phủ cấp ngay cho anh tôi một học bổng quốc gia, tức là du học bằng tiền của chính phủ VNCH, đi ngay để kịp những khóa đại học ở Úc. Còn lý do anh tôi thích đi Úc, vì thích sự yên ổn của xứ này, và anh đã học tiếng Anh với một ông Mục Sư người Úc trong nhiều năm, nên thích xứ Úc hơn.

Thật tình trong vài tháng, từ mừng anh tôi đậu cao, buồn vì không có tiền đóng tiền hối lộ cho con đi học bổng, mừng vì con đậu vào Y Khoa, bây giờ lại mừng hơn vì con lại được đi du học, lại đi cấp tốc, và hình như thủ tướng Hương còn cho thêm tiền sắm sửa hành trang. Ba má chỉ cần nghĩ lại mình vừa thoát chết ở An Lộc hai năm trước xong, như vậy chẳng có gì mừng hơn nữa. Thủ tướng Trần văn Hương là một ông gìa mô phạm đạo đức thanh liêm Nam Kỳ, từng đạp xe đạp đi làm, khi làm Đô Trưởng Saigon, chỉ biết anh tôi, là một thằng nhóc 17 tuổi Bắc Kỳ học giỏi của trường Petrus Ký, con công chức nghèo là ba tôi vậy thôi. Chuyện gì thì cuối cùng cũng đã theo lẽ phải của nó, có lẽ là theo định mạng của anh tôi, của gia đình tôi, và theo định mạng của đất nước, có ông Trần văn Hương làm tới Thủ Tướng, Phó Tổng Thống rồi Tổng Thống.

Phần dưới, có bài tôi trích lại trong đây về cái chết của bác sĩ Lê minh Trí, bị phe đảng nào đó ám sát, khi ông vừa mới nhận chức được vài tháng, người ta giết ông, ông bị thương nặng nằm đợi chết giữa đường coi rất dã man. Nếu ông không bị giết, thì ông Hương không tự mình kiêm thêm chức Bộ Trưởng Giáo Dục, không điều tra những bê bối du học của ông Bộ Trưởng Giáo Dục trước ông Trí, thì không lòi ra hồ sơ du học của anh tôi. Không có những chuyện đó, thì không có chuyện anh tôi được đi du học miễn phí ở Úc, không có chuyện xẩy ra cho tôi sau này, cho Ba Má và gia đình tôi sau này. Một định mạng chung, từ gia đình tôi, ông Lê minh Trí, ông Trần văn Hương, chẳng ai quen biết ai, nhưng định mạng của mỗi người, mỗi gia đình, đều đưa từ chuyện này sang chuyện khác. Cuối cùng là điều thật may mắn cho gia đình tôi. Cho dù không có một lời yêu cầu hay dám mộng mơ gì của người trong cuộc. Anh tôi vội vàng may quần áo, đi du học Úc trong thời gian nhanh nhất.

Anh tôi chỉ dùng học bổng quốc gia có một năm, chương trình Colombo lại nhận anh tôi sau đó và cho học bổng tiếp, vì họ đã nhận anh tôi từ đầu, chỉ có ông Bộ Trưởng Giáo Dục khát máu ăn tiền gạt anh tôi ra khỏi danh sách, cho dù không phải dùng tiền của chính phủ VNCH hay tiền của ông ta. Ngày nay tôi cũng thắc mắc muốn biết tên tuổi ông bộ trưởng Vô Giáo Dục này là ai, gia đình ông ở đâu để coi cái gia đình sống làm giầu bằng tiền máu mủ hối lộ tham nhũng bẩn thỉu này có còn chút phúc đức để mà sống tới ba đời hay không. Chuyện đời có nhiều cái dã man, không có cái cảnh ông Lê minh Trí bị người ta ám sát nằm chờ chết giữa đường, thì không làm cho ông Trần văn Hương nổi giận, mở hổ sơ du học của anh tôi ra coi, thì anh tôi không có học ra Ph. D. đang ở Úc ngày nay, và từ đó, số phận hoàn cảnh của gia đình chúng tôi cũng thay đổi.

“Để cho các bạn không đọc comments của bài này, vì phải nhấn vào đọc. Bạn Lubino, đã tìm ra ông Bộ Trưởng Vô Giáo Dục trước ông LMTrí là Tăng kim Đông…. có ai biết thêm về ba đời con cháu của ông Đông này thì cho họ biết để họ làm việc thiện chuộc lỗi cho cha, và cho họ biết gia đình họ đã sống trên những đồng tiền bất lương đó và nếu ô Đông có dính nợ máu vào cái chết của ông Lê minh Trí.”

Gia đình tôi chỉ đoàn tụ đông đủ được hai ba năm, qua năm 69, thì anh kế tôi được học bổng quốc gia, đi du học bên Úc, Australia, như vậy là gia đình cho tới nay, chưa một ngày nào, thêm đuợc bữa ăn có đông đủ tất cả mọi người trong gia đình. An Lộc vẫn còn đó, sau thì đường xá cũng an toàn, cho đến năm 72 khi trận tấn công hè đỏ lửa bắt đầu, nhưng tôi không có dịp hay có chuyện gì để đi lên An Lộc nữa. Ba má sau khi thoát chết ở đó về thì cũng không nhắc lại cái chuyện buồn nữa. Cho đến khi chiến trường An Lộc sôi động, thì An Lộc trở về trong tôi như thúc hối. Tôi tham gia những hoạt động tình nguyện đón tiếp những nạn nhân thoát ra khỏi An Lộc, và tham dự những lạc quyên gây qũy, cứu trợ giúp đồng bào tị nạn chiến trường An Lộc như đã nói trong những bài trước.

Từ 1959 cho tới mùa hè đỏ lửa của An Lộc năm 1972, coi như khoảng thời gian gắn bó nhất của tôi với An Lộc. Khoảng 72, mỗi ngày dán mắt vào TV coi những tin tức, theo dõi trận chiến An Lộc, sau đó những hoạt động cứu trợ cho đồng bào tị nạn chiến tranh từ An Lộc Bình Long thoát ra. Tới năm 1973, thì Trường Đại Học Kiến Trúc SG, bảo trợ Tiểu Đoàn 51 Pháo Binh của Sư Đoàn 5, tôi lại có dịp đi lên Lai Khê thăm hậu cứ của TĐ này, và nghe thêm những câu chuyện chinh chiến về chiến trường An Lộc, được trao tặng một chiếc vòng đeo tay bằng vỏ nhôm của súng chống tăng M72, với những giòng chữ ghi tặng có tên tôi trong đó. Sau này không biết làm mất cái vòng ở đâu, những khi phải tháo ra khỏi tay.

Lần tôi đi về ngược lại gần tới An Lộc nhất, đó là lúc tôi đạp xe đạp từ SG đi thăm mấy Negres đang đi công tác lao động chặt cây sâu trong rừng, gần sông Bé, chổ đó, chỉ đi thêm một chút nữa là tới Chơn Thành, lúc đó là năm 1977, tôi dợt đi xe đạp lấy sức để rời khỏi VN cùng với hai Negres đang lao động trong trại ở đó. Đó là lần cuối, tôi đạp xe trên đường 13, trên đường về, cứ quay lại nhìn tử lộ này về hướng Bình Long, biết rằng nay mai tôi sẽ đi rất xa, bỏ lại tất cả kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, dọc đường gió bụi 13, không biết bao giờ có ngày trở lại.

Từ đó, cái tên An Lộc, thỉnh thoảng lại trở về trong tôi, ám ảnh, thôi thúc một ngày nào đó, tôi phải trở lại. Năm 2007, tôi trở về thăm An Lộc, 42 năm sau chuyến xe đò chót đưa tôi ra khỏi An Lộc Bình Long, chuyến xe đò miền Đông, nằm ở bến xe Nguyễn Cư Trinh, giữa Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, Giữa rạp Quốc Thanh và rạp Hưng Đạo. Khi lên lại Bình Long, mấy chục năm sau, tôi cũng dùng xe đò, chen chúc chật chội, trên chuyến xe đò nhỏ, không còn được dành chỗ ưu tiên ghế trước bên cạnh tài xế và cửa sổ như hồi nhỏ. Tôi không muốn bỏ tiền ra thuê xe đi riêng như những người vênh váo trở về khoe tiền, khoe tiện nghi giầu sang, mà tôi muốn ngồi trong chuyến xe đò trở về, ngồi giữa mọi người dân của Bình Long An Lộc, rất an lòng và vững tâm, không còn bom đạn, không còn VC giật mìn chận xe bắt đi. Cho nên chẳng có gì mà sợ nữa. Ra Bến Xe Miền Đông bây giờ gần cầu Bình Triệu bên quận Bình Thạnh, mua vé xe đò, ra tìm số xe, cầm theo khúc bánh mì, chai nước, tôi đi lên An Lộc về tìm lại những gì thủa thời ấu thơ của tôi.

Dọc đường 13, không còn nhận ra được một cái gì quen thuộc hết, xe vào An Lộc, không còn nhìn thấy sân vận động, thấy cổng của Tòa Hành Chánh, không thấy ngôi nhà mái đỏ cao hai từng, Tòa Tỉnh, không thấy trường Tiểu Học. Tôi loay hoay, luống cuống, không biết xuống chỗ nào khi người lơ xe hỏi, anh xuống đâu. Tôi chỉ ngay ngã tư đường trước mặt, tôi xuống ngay đây. Vì tôi biết An Lộc chỉ một chiều ba cây số, mỗi bên vài trăm mét là hết rồi. bây giờ già rồi, chứ qua Mỹ thì thường chạy bộ 3 miles, là 4.5 cây số không khó khăn gì, gìờ thì gìa rồi, nhưng mà đi bộ tà tà thì ba cây số mỗi bề đâu có là bao nhiêu.

Nhẩy xuống xe, đứng bên lề đường, tôi hít hà bụi đất đỏ, tìm lại quen thuộc ngày nào. Hỏi người lơ trước khi xuống xe, chợ ở hướng nào bao xa, anh ta chỉ tay. Như vậy là tôi định hướng lại được An Lộc như ngày nào. Từ từ đi ngược ra đầu tỉnh trở lại, tìm lại hướng những con đường xưa, nhận ra được vị trí sân vận động cũ, ra khu Tòa Hành Chánh, Tiểu Khu cũ. Biết rằng phía sau, là nơi ngày xưa có căn nhà tôi ở đó. Không vội vàng gì, chậm chạp đi từ từ, tôi tìm nơi ngồi uống nước ngoài đường, cho cơ thể quen từ từ với cơn nóng và ánh nắng gắt, từ từ, tôi sẽ đi vòng qua căn nhà thời xưa, nơi ba má bị đổ máu, xuýt chết, nửa đêm bò lê lết từ nhà qua Bịnh Viện Bình Long, 40 năm về trước.

Tôi đã trở về, tìm lại An Lộc xưa ngày thơ của tôi … không tìm được tiếng kêu leng keng của chuông bán cà rem dạo, của anh đặc công VC chắc cũng chờ dịp ném lựu đạn giết ba tôi … không tìm được bụi đất đỏ ngầu bay phần phật dưới cánh quạt trực thăng … không tìm được chiếc bóng đổ dài của Phượng đạp xe đến trường từ Xa Cam ra … không còn gì thơ ấu của tôi nữa.

Đêm nay tôi ra vườn, nhìn lên trời tìm những vì sao xẹt, những băng hà cháy xém tiêu tan băng vào vũ trụ. Tuần này, tháng này nơi tôi đang ở là dịp nhìn thấy được nhiều nhất những vì sao đang cháy xém rồi tan biến mất, 60 vì sao cháy biến mất trong 10 phút. Tìm lại những ánh hỏa châu ngày nào:

… Những đốm sáng hỏa châu,

Đang soi sáng địa đàng

Như đôi mắt người tình,

Ấm những lời hỏi han …



Rồi ta đi với gió,

Gieo hương tình nồng nàn,

Bàn chân ai vẫn bước,

Đi về cõi hư vô ….



Lại vẫy tay chào An Lộc.

viết xong tuần đầu tháng tám năm 2010, tại một nơi xa hơn An Lộc nửa vòng trái đất.

duongtiden.

Nguồn https://kientruc5sj.wordpress.com/2014/09/10/an-loc-binh-long-va-toi-mot-chuyen-dai-bai-thu-muoi-hai-by-duongtiden/

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn