BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73457)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn Cao và hy vọng về những mùa xuân

05 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 1117)
Văn Cao và hy vọng về những mùa xuân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Không phải tất cả, nhưng nhiều người vốn biết đến Văn Cao trước hết như một nhạc sỹ “cách mạng”. Đó là tác giả của bài hát được lấy làm “quốc ca”!

Nhưng bi kịch của Văn Cao là ở chỗ ông phục vụ “cách mạng” mà tâm hồn lại hướng về nơi khác, và sâu bên trong thì ông sống với lý tưởng khác. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Tiến Quân Ca không có được sự ưu ái từ phía các lãnh tụ cách mạng. Dù ông đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, và dù người nhà ông khẳng định ông là “nhạc sỹ cách mạng”, nhưng những giai điệu mà ông sáng tác, hay chính xác hơn, như ông từng nói, là ông đã “nghe” hay “thấy” chúng ùa về từ đâu đó trong không gian xa xăm rồi ghi lại trên giấy và để lại cho đời, thì chứng tỏ ông thực sự sống trong một thế giới kỳ ảo và cao đẹp hơn nhiều so với cái “hiện thực cách mạng” đã diễn ra mấy chục năm qua trên mảnh đất này.



Về hành động, đúng là Văn Cao từng phục vụ hết lòng cho “cách mạng”. Lớn lên trong cảnh đất nước điêu linh, dân tình nheo nhóc, ông đã đi theo “cách mạng”. Ông từng là đội trưởng Đội Danh Dự Việt Minh, một nhóm người chuyên trừng trị những kẻ chống lại Việt Minh. Ông đã thực hiện vai trò này một cách xuất sắc. Nhưng vốn thực sự không thuộc hàng sát thủ, hoạt động đó đối với ông chỉ diễn ra trong thời gian vài năm. Rồi ông trở lại với nghề làm báo, một nghề không quá xa so với nghề làm nghệ thuật.

Có thể nói, tâm hồn một con người chỉ thực sự sâu sắc nếu đó là người “biết buồn”. Người ta không thể hạnh phúc nếu không có niềm vui và những cuộc vui. Nhưng niềm vui của người chưa từng nếm trải nỗi buồn thì bao giờ cũng nông cạn. Một tác phẩm âm nhạc cũng vậy, nó sẽ nông cạn nếu chỉ có sự hứng khởi mà không ít nhiều đượm buồn. Ngay cả hành khúc, muốn thực sự hay cũng phải phảng phất có nỗi buồn.

Xét theo góc độ đó, Tiến Quân Ca có lẽ ÍT có chiều sâu hơn một số ca khúc cách mạng khác của Văn Cao. Những ca khúc như Bắc Sơn hay Chiến Sỹ Việt Nam hay hơn nhiều, sâu lắng hơn nhiều. Và cao siêu hơn nhiều. (Tôi không biết dùng từ nào cho hợp hơn cái từ “cao siêu” này, mặc dù thấy nó chưa đạt. “Cao cả”, “cao quý”, “cao thượng”,… có lẽ đều chưa xứng đáng.) Một số người dùng từ “quý phái” để nói về nhạc Văn Cao. Điều đó đúng, nhưng vẫn chưa đạt. Có thể nói rất khó, thậm chí không thể, tìm từ nào xứng đáng để đặc tả âm nhạc Văn Cao.

Trong các ca khúc của Văn Cao có một nỗi buồn sâu lắng mênh mang, có lẽ dồn tụ từ nhiều kiếp. Nỗi buồn đó làm cho ca khúc cách mạng của ông không đơn thuần là “hùng” mà mang tính bi hùng. Và nó không chỉ nói về cảnh khổ và cuộc chiến đang diễn ra trước mắt. Có vẻ như nó còn liên quan đến một nơi nào đó xa xăm trong cõi vô hình hay đến những kiếp người từ hàng ngàn năm trước. Chính vì vậy mà nhạc Văn Cao, kể cả nhạc chiến đấu, không phải chỉ dùng cho một cuộc chiến, một thời đại, mà mang tính vĩnh cửu.

“Bao chiến sỹ anh hùng

Lạnh lùng vung gươm ra sa trường.

Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi,
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời.
Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng.
Là trang nam nhi
Quyết chiến sa trường,
Sống thác coi thường,
Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai…”

Những cái “lạnh lùng vung gươm ra sa trường”, “khí thiêng ghi muôn đời” hay “ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng” có lẽ không nói về đội quân của những năm 1940 và sau này…

Một con người của vĩnh cửu không thể hợp thời với một giai đoạn, và Văn Cao đã phải chịu sự ghẻ lạnh của “thời đại”. Trong bối cảnh văn nghệ sỹ bị xem thường, Văn Cao còn phải chịu đựng nhiều hơn những người khác. Thậm chí bị chính những người cùng cảnh ngộ kỳ thị. “… Những tư tưởng văn nghệ của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản.” – Xuân Diệu, một nhà thơ trong thâm tâm tôn thờ tự do sáng tác, vì sợ bị nhà cầm quyền bức hại cũng đã phải nói những lời như vậy về Văn Cao.

Sống bao năm trong sự ghẻ lạnh và chứng kiến những thói nhiễu nhương, những bị kịch của thời đại, cũng như tất cả những người cùng thời, Văn Cao chỉ còn biết hy vọng. Mong sao đến ngày nào đó, cuộc sống bỗng dưng thay đổi tốt lên, và từ đó trở đi người với người không còn đối xử tàn tệ với nhau nữa. Không còn cái gọi là “đấu tranh giai cấp” để quy tội và hãm hại nhau nữa.

Và 30 tháng 4 năm 1975 có lẽ là một cột mốc như vậy? Văn Cao rõ ràng đã hy vọng như thế. Đầu 1976, ông cho ra đời Mùa Xuân Đầu Tiên.

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về,
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về,
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên,
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh,
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Từ đây người biết thương người,
Từ đây người biết yêu người…”

Bài hát đã không được tán thưởng. Thậm chí nó gần như bị cấm hát. Vì sao? Vì mặc dù nó nói lên niềm lạc quan và hy vọng, nhưng cái cụm từ “mùa Xuân đầu tiên” nói lên rằng trước đó chưa từng có mùa xuân. Nó gợi nên cái quá khứ mấy chục năm con người sống trong sự khốn nạn, không phải chỉ vì chịu đói, chịu rét, mà còn vì sự hãm hại lẫn nhau. Họ chưa từng biết thương yêu nhau. Cho nên tác giả ca khúc mới mong “từ nay người biết thương người”. Và nếu nói về những năm tháng chiến tranh như “những ngày đẹp hơn tất cả” (Chế Lan Viên) thì hoàn toàn là dối trá.

Đó mới là một khía cạnh làm cho các nhà lãnh đạo ghét bài hát. Còn một khía cạnh nữa, “nghiêm trọng” hơn, theo tôi là giai điệu. Một giai điệu không đơn thuần là buồn. Nó chứa đựng trong nó những tiếng nấc. Nó chứa đựng nỗi buồn không còn là man mác nữa, mà là bi thương. Tôi chắc chắn khi đàn và hát những câu này, Văn Cao đã khóc. Không phải khóc vì xúc động bởi niềm vui mới, mà khóc vì nỗi đau buồn đã bao năm phải chịu đựng. Dù miệng nói ra những lời hy vọng, nhưng trong lòng tê tái nỗi buồn.

Có người nói Mùa Xuân Đầu Tiên là niềm vui nhưng không ồn ào hay nông cạn như những ca khúc khác nói về ngày thống nhất. Niềm vui trong Mùa Xuân Đầu Tiên là niềm vui sâu lắng, nên nhiều người không thể cảm nhận ngay được. Theo tôi thì không phải như vậy. Mùa Xuân Đầu Tiên tuy nói về niềm hy vọng, nhưng không phải niềm vui sâu lắng, mà thực sự là nỗi đau buồn. Và niềm hy vọng của tác giả chỉ là sự hy vọng mong manh. Với kinh nghiệm sống chung với những loại người đã từng không cho ông được sống như ông muốn, Văn Cao không hy vọng gì nhiều vào đám người đó. Nhưng bản chất con người, trái với lý trí, nó luôn sống bằng hy vọng. Vậy nên Văn Cao cũng hy vọng. May ra… Biết đâu lại có một chuyển động vô hình nào đó làm cho con người ở vùng đất này ngày một tử tế với nhau? Có lẽ những khổ ải trong chiến tranh làm con người đối xử tàn khốc với nhau, hết chiến tranh rồi thì không còn lý do thù hận? Chỉ hy vọng 1%. Nhưng con người luôn sống bằng hy vọng.

Và sự thật phũ phàng đã diễn ra trái với điều Văn Cao mong mỏi. 20 năm sau, đến khi ông mất, người vẫn chưa biết yêu người. Và 20 năm nữa sau khi ông mất – vẫn vậy. Hy vọng rằng mùa xuân đó là mùa xuân đầu tiên trong lòng người, tiếp sau đó sẽ là nhiều mùa xuân khác, vẫn là hy vọng hão!

Mỗi lần nghe lại Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, tôi lại thấy ngậm ngùi thay cho Ông.

NGUYỄN TRẦN SÂM

Nguồn Lề Trái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn