BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một thời ghẻ ngứa

22 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 1612)
Một thời ghẻ ngứa
530Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
530
Tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ đã 40 năm trước, anh Phạm Hoài Nhân. Dạo ấy chúng tôi là những cậu nhóc ở một thị trấn nhỏ, cùng mê văn nghệ, văn chương.

Giờ, chúng tôi vẫn chưa gặp nhau tận mặt, chỉ liên lạc với nhau trên facebook. Anh viết tản văn, tạp bút, rất đều tay. Đọc anh, tôi rất thích sự hài hước và thâm thúy của một người lạc quan.

Thị trấn Xuân Lộc, nơi chúng tôi sống thời thơ ấu là nơi xảy ra trận đánh ác liệt nhất của sư đoàn 18 và quân đội Bắc Việt trước khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình tôi đã về Sài Gòn trước đó, gia đình anh kẹt lại, nhưng may thay họ di tản được bình an. Trước ngày 30/04 năm nay, anh cho đăng bài tạp bút thú vị sau đây lên trang facebook.

Xuân Lộc ngày 13/4/1975. Hiroji Kubota/Magnum Photos


Tới ngày 30 tháng 4, nhiều người kể về những kỷ niệm, những ấn tượng của mình đối với ngày này. Vui có, buồn có, hân hoan có, uất hận có. Đối với tôi những ấn tượng sâu sắc nhất là tại thời điểm diễn ra trận đánh Long Khánh, 9 đến 21 tháng 4 năm 1975, tôi đã kể lại rồi. Còn 30 Tháng Tư và sau đó thì thú thiệt là... không có ấn tượng gì sâu sắc cả. À mà có, có chứ! Những ngày sau 30 Tháng Tư năm 1975 đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên. Đó là nỗi nhớ cồn cào của một thời ghẻ ngứa!

Từ cha sinh mẹ đẻ cho tới Tháng Tư 75 ấy, có đôi khi tôi cũng bị ngứa. Ấy là khi bị muỗi cắn, kiến cắn, hoặc ăn phải cái gì đó bị dị ứng. Thế nhưng ngứa một cách lâu dài, triệt để và toàn diện thì chỉ sau 30 tháng 4 năm 75 mới đạt được. Nói cho chính xác, cơn ngứa 75 ấy không chỉ là toàn diện mà là toàn thân, chỗ nào cũng ngứa. Còn xét về đối tượng thì là toàn dân, không phân biệt gái trai, già trẻ, sang hèn. Nhà nhà, người người cùng ngứa. Nhà nhà, người người cùng gãi. Gãi mọi lúc, mọi nơi. Khổ, lúc ấy là lúc giao thời, mọi tiện nghi cơ bản hầu như biến mất. Thuốc men, xà bông tắm không có, thậm chí nước cũng thiếu! Bối cảnh ấy càng làm tinh thần ngứa phát huy cao độ! Theo quy luật của triết học Mác - Lênin, khi phát triển lên lượng sẽ biến thành chất. Ghẻ ngứa phát triển mạnh sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên ghẻ lở, mụt nhọt. Lúc ấy không chỉ ngứa mà còn đau nhức nữa! Thuở ấy tôi 15, 16 tuổi, đang tuổi mới lớn, mà khổ thay ghẻ ngứa lại phát huy tác dụng mạnh nhất ở cái chỗ bí mật. Đang trò chuyện, giao tiếp với ai đó mà cơn ngứa chẳng đặng đừng, thò tay vô chỗ đó gãi sồn sột thì thiệt là... Nhưng như vậy vẫn chưa hết, khi ghẻ ngứa phát triển thành ghẻ lở mới là bi kịch. Đi đứng, cử động là chỗ lở bị cọ vô... quần xà-lỏn đau thấu trời. Thế là có tướng đi khệnh khạng, dáng đứng chàng hảng, thiệt khó coi! Chưa kể là lúc đó còn nhỏ, lại chẳng biết hỏi ai (đi bác sĩ lại càng không thể vì... làm gì có bác sĩ và làm gì có tiền) nên cứ lo lắng, không biết rằng như thế thì liệu rằng cái đó có bị hư luôn không!

Như đã nói, thời đó chả có thuốc men gì cả, nên người lớn bày cho những cách trị dân gian, không tốn tiền. Để trị ngứa thì đi hái lá khổ qua rừng về nấu nước tắm. Để trị nhọt thì lấy lá rau đay đâm nhuyễn ra và đắp lên mụt nhọt, nó sẽ hút mủ ra. Thời ấy mấy thứ đó còn mọc hoang nhiều lắm, đi một chút vô rẫy là hái được. Nói chung cũng có công dụng phần nào. Tình trạng trên không nhớ là kéo dài bao lâu, nhưng ít ra cũng là cả năm trời. Tại sao lại bị ghẻ ngứa như thế? Tại sao trước “giải phóng” không có mà ngay khi “giải phóng” xong là bị ghẻ? Có người giải thích là do vừa qua đợt đánh nhau dữ dội, thuốc súng lan đầy không khí. Có người nói đó là do chất độc da cam. Có người cho rằng tháng 4/75 tại Long Khánh có bỏ bom hơi ngạt nên ảnh hưởng... Hồi đó thông tin ít, tôi nghĩ chắc chỉ có Long Khánh, nơi mình ở, là bị ghẻ ngứa. Hai năm sau, tôi đi học ở Đại học Bách khoa TPHCM, tiếp xúc với nhiều bạn bè ở khắp các miền đất nước, mới biết là nơi nào cũng bị ghẻ ngứa chứ không chỉ Long Khánh (như vậy nói do bom hơi ngạt ở Long Khánh là sai!). Tôi cũng được nghe một nickname của cái bệnh ghẻ ngứa ấy là Ghẻ bộ đội, kèm với lời giải thích nguyên do ghẻ là do... mấy anh bộ đội đem từ Bắc vô! Cho đến giờ tôi cũng không biết nguyên nhân chính của cơn ghẻ ngứa năm ấy là gì. Đọc bài này, bạn nào biết xin giải thích giúp tôi nhé.

Tuy nhiên, biết nguyên nhân gây ra ghẻ ngứa không phải ý chính của bài viết này. Ý chính là thế này: Có người hỏi tôi kỷ niệm sâu sắc của ngày 30 Tháng Tư năm 75 đối với tôi là gì. Thì đó, tôi chỉ nhớ nhất kỷ niệm ghẻ ngứa ấy thôi!...
o O o

Anh Phạm Hoài Nhân thân mến,

Vậy là chúng mình lại gặp nhau. Tôi thấy đời sống mình tươi vui, thú vị thêm nhờ lây ở anh cái tinh thần lạc quan.

Anh hỏi, “Cho đến giờ tôi cũng không biết nguyên nhân chính của cơn ghẻ ngứa năm ấy là gì?”

Tôi hỏi vài người bạn có tiếng uyên bác, thì có được câu trả lời như thế này: “Lý do là vì thiếu dinh dưỡng, thuốc men, xà bông và phương tiện vệ sinh.”

Mỗi cuộc cách mạng của chủ nghĩa Cộng sản thành công đều đồng hành với sự thành công và phát triển của bệnh ghẻ, các loài chấy, rận, rệp, bọ chét... Tôi đọc “Doctor Zhivago” thì thấy điều này sau cách mạng tháng 10 Nga. Cuộc vạn lý trường chinh của Trung Quốc cũng thê thảm không kém. Và sau đại thắng mùa xuân của VN thì trăm hoa đua nở trên thân thể nhân dân; dưới mái tóc của mọi người là những miền đất phì nhiêu, mầu mỡ của loài chấy.

Không phải kỷ niệm nào cũng đẹp. Kỷ niệm về cách mạng thì càng không đẹp, nghĩ lại còn thấy ghê. Nhưng dù sao đó cũng là thời thanh xuân của chúng mình.

Thôi, anh à, nhớ và ghi lại cũng là cách mình cúi xuống để “hôn em kỷ niệm”*, phải vậy không?

Nam Đan

Nguồn Trẻ

* Hôn em kỷ niệm: tựa một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn