BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Võ Phiến

26 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 2812)
Võ Phiến
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

"Vũ Hạnh, chim cút hoạt đầu văn nghệ" hay"Vũ Hạnh, dư luận viên" ?


***


Trong số những người cầm bút dưới thời Mỹ-ngụy, Võ Phiến xếp mình vào lớp trung niên là lớp mà tuổi đôi mươi gặp nhằm hồi kháng chiến. Đa số có lẽ chưa có tác phẩm xuất sắc trong kháng chiến, nhưng trong kháng chiến họ đã sống những năm hào hùng nhất cũng như những năm bi đất nhất của đời họ, họ đã trải qua những tình cảm thiết tha sôi nổi nhất của đời họ. Hồi đó họ chưa viết hoặc chưa có thì giờ (thì giờ để lo đánh giặc, để tham gia hoạt động chính trị), hoặc chưa có hoàn cảnh để viết, nhưng cái tâm linh sẽ nuôi dưỡng các tác phẩm của họ sau này chính là đạ thành hình từ hồi đó. Một khi cuộc kháng chiến ngừng lại, họ về phía bên này, ào ra viết và mở đầu, gây nên nền văn nghệ hậu chiến ở đây. Đấy là hạng tuổi của Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo v.v... (Tạp luận, trang 227)

Nhà văn Võ Phiến


Suốt thời kháng chiến chống Pháp, Võ Phiến đã sống những năm "bi đát nhất" đời mình chưa, hẳn bây giờ ở Hoa Kỳ, Võ Phiến có dịp thẩm xét trở lại những nhận định ấy của mình. Nhưng bảo thời ấy Võ Phiến đã sống những năm hào hùng nhất, thì quả là chuyện đùa cợt.

Tất cả những người cầm bút đã được Võ Phiến nêu ra trên đây, không ai đã có cuộc sống hào hùng, trong thời khoảng đó. Riêng Võ Phiến thì thế nào?

Vào năm 1946 khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Võ Phiến đang theo Trung học chuyên khoa ở Hà Nội đã bỏ học về Bình Định, là quê hương. Ban đầu Võ Phiến có tham gia những công tác tại địa phương như hầu hết thanh niên vào thời đó : làm liên lạc viên trong quân đội, nhân viên tuyên truyền, nhân viên quan thuế, giáo viên trung học cán bộ... Đến 1951, Võ Phiến tham gia một tổ chức gián điệp có mạng lưới ở bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú - gồm tín đồ và đảng phái phản động, để hậu thuẫn thực dân Pháp đổ bộ Liên khu Năm. Tổ chức ấy bị phát giác, một số đầu sỏ bị tử hình. Võ Phiến lãnh án năm năm tù ở.

Ở tù hai năm - từ 52 đến 54 - Võ Phiến được tự do, vì chính quyền cách mạng tôn trọng hiệp định Giơ-ne-vơ, phóng thích tất cả những người bị giam giữ. Trong thời gian hai bên chuyển quân ổn định vùng, Võ Phiến vội vàng chạy ra Huế, bấy giờ là khu vực của ngụy quyền. Làm thông tin tuyên truyền cho ngụy quyền ở Huế một thời gian, Võ Phiến được đưa về Quy Nhơn làm Trưởng ty thông tin tuyên truyền ở tỉnh nhà. Gần cuối năm 1960, trước phong trào đồng khởi của quần chúng Cách mạng dấy lên sôi nổi ở nhiều nơi, Võ Phiến xin được đổi vào Sài Gòn. Ban đầu công tác ở Bộ văn hóa (ngụy) sau về Bộ thông tin. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh gần kết thúc trong toàn thắng, Võ Phiến cùng vợ con vội di tản sang Hoa Kỳ.

Võ Phiến không có cuộc sống hào hùng và không thể thấy dân tộc hào hùng. Trong những năm đầu kháng chiến, bị lôi cuốn theo phong trào, Võ Phiến làm công tác với tâm trạng người bất mãn. Ngoài hành động gián điệp và án tù 5 năm đã chứng minh về điều ấy, những tác phẩm của Võ Phiến càng cho thấy rõ ràng thêm.

Những truyện ngắn đầu tay của Võ Phiến được viết trong thời kỳ ở Huế, đăng trên tờ Mùa Lúa Mới, tạp chí xuất bản tại đây, sau này được góp lại thành tuyển tập Chữ tình ra đời vào năm 1957. Người tù vào năm 1968. Đa số truyện trong hai tập này lấy đề tài trong hoàn cảnh tác giả bị giam giữ; các tuyển tập về sau như Mưa đêm cuối năm (1958), Đêm xuân trăng sáng (1961), truyện vừa Giã từ (1962), tuyển tập Thương hoài ngàn năm (1962), Thư nhà (1963), đều mượn chất liệu nhiều nhất trong cuộc sống nơi quê nhà. Ngoài những tạp bút, các tập truyện dài và ngắn về sau, từ 1965 đến 1969, kể theo thứ tự: Một mình, Về đâu, Ảo ảnh, Phù thế, qua các tựa đề cho thấy sự bế tắc của Võ Phiến. Những năm còn lại, cho đến ngày rời xứ sở tiếp tục tìm sự che chở của Hoa Kỳ, Võ Phiến chỉ viết những tùy bút ngắn, gồm trong hai tập: Tạp luậnĐất nước quê hương ra đời vào năm 73. Các loại sách dịch, biên khảo văn học, gồm sáu cốn, đều mang một bút hiệu khác: Tràng Thiên, cũng như một số bài báo ký là Thu Thủy, bởi "Thu Thủy công tràng thiên nhất sắc".

Trong chín năm sống với cách mạng, Võ Phiến đã mất hai năm ngồi tù. Thời gian ở tù hai năm kể ra đã được chuẩn bị từ bảy năm trước. Trong thời khoảng này, mặc dầu cũng có tham gia ít nhiều công tác, Võ Phiến đã sống bàng quan với chế độ, đã tự coi như nạn nhân. Tệ hơn thế, đã đối nghịch. Võ Phiến quan niệm anh em, đồng nghiệp ở một cơ quan cùng một tổ chức, là những lớp người chuyên sống bằng sự phỉnh lừa, như trong Những tác phẩm sắp in, đã mỉa mai : Anh bỏ cha già và vợ con lúi húi trong túp quán xiêu mù hơi khói để lếch thếch đuổi theo cái cười hứa hẹn của "anh em" đã tám, chín năm chưa hề thấy mệt mỏi (Chữ tình, tr. 39). Võ Phiến nhìn tổ chức như một bộ máy đàn áp, tiêu diệt cá tính, tước sự độc lập tinh thần của mỗi người, thể hiện qua nhân vật Thái Văn Hòe yêu nữ "đảng viên" tên Minh, đã có ý nghĩ như sau: Anh muốn sự chung dung chân thật với một tâm hồn, một con người, anh chỉ sẽ đụng chạm với một công cụ tinh thần của một tổ chức. Anh muốn một cuộc giao thiệp bình đẳng được (Chữ tình, tr. 53).

Võ Phiến không thấy tổ chức Cách mạng như một nhu cầu tập hợp kết tinh những nguyện vọng cao cả nhất của một tập thể, của một giai cấp, không những không thể chà đạp và nô lệ hóa con người, mà trái lại giúp cá tính được phát triển đầy đủ hơn trong hòa hợp với tập thể. Cách nhìn của Võ Phiến, nếu không với dụng ý xuyên tạc, cũng dựa trên cơ sở của một ảo tưởng tự do, độc lập mang hình thức cá nhân chủ nghĩa, con đẻ của xã hội tư bản. Do đó, những khái niệm về "độc lập", "bình đẳng", "chân thành" trong câu trên, thật mơ hồ. Mang ý thức của giai cấp đối lập, nhân vật vào cuối truyện phải thấy "cảm tưởng bại trận trước một tổ chức sắt đá" (tr. 60) là chuyện đương nhiên.

Trên cơ sở lập trường ấy, Võ Phiến đi xa hơn và lộ rõ mình hơn trong tác phẩm. Trong tù với những địa chủ phản động bị giam giữ, Võ Phiến thấy xót thương và Võ Phiến bênh vực họ. Trước sự cười đùa giễu cợt họ, Võ Phiến thấy đó là sự chà đạp tàn bạo trên sự tàn rụi của một lớp người thất thế đang loay hoay trên bước đường cùng (Cái mũ chào mào, tr. 77). Chỉ một nụ cười của kẻ đồng cảnh về với người địa chủ mà Võ Phiến đã cảm thấy bị tổn thương, đã bất bình, còn những cơ hàn, tủi nhục của người nông dân do bọn địa chủ gây ra bao kiếp, bao đời không thấy Võ Phiến mảy may xúc động. Nông dân, dưới mắt Võ Phiến, như Lê No, như Bốn Thôi, đều đần độn và cô độc. Võ Phiến, trái lại, vẽ ra mẫu người địa chủ hiền lành đến độ thảm thương, để biện hộ cho đương sự bằng ngụy trá và hỗn xược : Anh ta mài mì, anh ta sửa núm vung, cạp vành rổ... thì có hại gì cho già Hồ mà già Hồ đưa anh vào tù? (Chữ tình, tr. 66).

Trên quan điểm của giai cấp bóc lột, đối lập lại Cách mạng, Võ Phiến luôn tìm cách tấn công vào khâu chính của chế độ, là đoàn thể. Không chỉ cho rằng đoàn thể là một tổ chức sắt đá, Võ Phiến còn nói rõ hơn: "đoàn thể không có lương tâm để bị cắn dứt" (Người tù, tr. 59). Đoàn thể ở trong quan niệm của Võ Phiến là sự kết tập ô hợp, không thể giống với đoàn thể Cách mạng - rõ hơn, là Đảng - có sự lãnh đạo nhất quán và sự trách nhiệm cụ thể đối với từng người, từng việc. Hoặc không biết đến điều ấy, hoặc giả vờ như không biết, Võ Phiến cho rằng đoàn thể chà đạp con người, đã bắt con người chung sống một cách trần trụi, hoàn toàn vì những lợi riêng (?) của đoàn thể thôi. Y đã mượn lời nhân vật trịnh trọng thuyết minh : Tôi nghĩ rằng dù sao người ta cũng phải giữ những ước lệ xã hội. Cuộc đời cần phải có vẻ trang trọng mới duy trì được trật tự. Nếu chỉ tính toán lợi với những không lợi thì tội nhân và quan tòa có thể cùng nhau đối diện lõa lồ trước luật pháp mà lý luận, không cần phải mặc quần áo trang nghiêm làm gì. Đoàn thể chỉ tính toán ích lợi cho mình, đã dạy tôi khinh miệt trắng trợn những gì tôi vẫn tin là cao quí thiêng liêng... (Người tù, tr. 58).

"Những ước lệ xã hội" mà Võ Phiến muốn nói đến là ước lệ của tư sản hay phong kiến. Xã hội mới vẫn có những ước lệ mới, vốn không mang vẻ trang trọng, phô trương, mà gắn chặt với đời sống chính đáng của những con người, đặc biệt là những con người lao động. Xã hội cách mạng mà Võ Phiến sống bấy giờ là buổi quá độ giữa cũ và mới, vào cái thời khoảng toàn quốc kháng chiến đương đầu với những khó khăn hết sức lớn lao, ở một vùng đất khổ nghèo là Liên khu Năm, nặng phần dịch họa, nhiều phần thiên tai. Đòi hỏi ngay xã hội ấy phải có "cái vẻ trang trọng" là muốn hồi phục lại chế độ cũ. Võ Phiến đã cố gắng làm điều này qua việc tham gia tổ chức gián điệp, để mong rước Pháp trở về, đem "vẻ trang trọng" lại cho cuộc sống !

Nhưng chỉ mỗi vẻ trang trọng mà duy trì được trật tự chăng ? Và trật tự ấy là trật tự nào ? Của bọn địa chủ đàn áp nông dân, của lớp chủ xưởng bóc lột thợ thuyền, hay của những người lao động làm chủ tập thể xã hội mình sống và xây dựng nên ? Võ Phiến quanh quẩn trong luận điệu này : tách rời đ0àn thể - hay Đảng - ra khỏi quần chúng, thậm chí đối lập Đảng với quần chúng để mong lung lạc quần chúng bằng một cái "tôi" quan trọng của mình. "Đoàn thể đã dạy tôi khinh miệt trắng trợn những gì tôi vẫn tin là cao quý thiêng liêng", những cái cao quí thiêng liêng là những thứ gì ? Quyền tư hữu chăng ? Trong chế độ cũ, tư hữu chính là đầu mối bao nhiêu tệ nạn trên đời. Những tôn giáo chăng ? Những người Mác xít - dầu biết tôn trọng tín ngưỡng kẻ khác - vẫn thừa hiểu rằng tôn giáo chỉ là sự kiện lịch sử có một giá trị nhất định ở trong chặng đường quá khứ đó thôi. Cái cao quí thiêng liêng, y nói đến, chính là ái tình, sự lựa chọn của lứa đôi. Thật ra có đoàn thể nào dạy cho cá nhân khinh miệt trắng trợn ái tình, tôn giáo, hay bất cứ giá trị nào, ngoại trừ kẻ thù của dân tộc, của giai cấp ? Võ Phiến đã cường điệu hóa một sự kiện để đả kích, hoặc là bịa đặt một sự tình sai lệch để mượn đấy mà chối từ Cách mạng. Ngay cái lập luận "có lợi với không có lợi" cũng làm chúng ta buồn cười, nhớ lại quan điểm "hà tất viết lợi" của thời phong kiến xa xưa. Nhưng khi thầy Mạnh Tử bảo : "không cần nói đến điều lợi" là muốn nói đến nhân nghĩa. Và xét đến cùng thứ nhân nghĩa đó là những ràng buộc tinh thần cho những quyền lợi vật chất của cái đẳng cấp thống trị bấy giờ.

Người ta không thể phủ nhận mọi sự tính toán lợi hại là điều then chốt trong đời - vấn đề lợi hại ấy ra sao, và để cho ai ? Quen với mũ cao, áo dài và những kiểu cách bệ vệ, trang trọng của xã hội cũ, Võ Phiến nhìn xã hội mới vừa xây dựng nên trong những điều kiện thiếu thốn ban đầu và thấy nó có vẻ gì trần trụi khó ưa. Không phải Võ Phiến quan tâm quá nhiều đến phần hình thức. Nhưng mượn sự thiếu sót về hình thức để phủ nhận về nội dung, đó là ý đồ Võ Phiến. Mượn nhỏ nói lớn, mượn ngoài nói trong, lấy xa nói gần, chiến thuật Võ Phiến quanh quẩn trong những lề lối như vậy, và những cái đó biểu thị sự chống đối của một ý thức hệ địa chủ, nhưng ở một lớp địa chủ thôn quê, cỡ nhỏ, cố tìm mọi cách bới móc, rỉa rói vào những kẻ hở tìm thấy ở trong buổi đầu cách mạng, chứ không đủ lực mở một mặt trận xuyên tạc, vu khống qui mô, như là đế quốc. Không phải ở Võ Phiến không có sự lồng lộn của ý thức hệ tư sản xen vào, chính những lập luận tư sản rút được trong lò văn hóa đế quốc đã trang bị cho con người địa chủ ấy những thứ vũ khí cần thiết.

Vì vậy, ngoại trừ một số truyện tình vớ vẩn, lăng nhăng và những suy tư đủ loại, trong đó nổi bật là sự tiêu cực và tính thụ động, kết hợp dư vị nhàn tản phong kiến với sự thụ hưởng tư sản, Võ Phiến đều dồn nỗ lực viết lách cho sự chống phá Cách mạng. Tất cả hình ảnh đẹp đẽ của kháng chiến, của Cách mạng đều bị Võ Phiến trù rủa và tìm mọi cách bôi đen. Người dân yêu nước, tuân lệnh chính quyền thực hiện vườn không nhà trống và đi tản cư, đã được Võ Phiến vẽ thành mẫu người già nua, thèm ăn, nói dối, khao khát có những bà con, thậm chí chịu sống hầu hạ một "con đĩ già", cuối cùng bị những "cán bộ, bộ đội" lường gạt và chịu tai nạn thảm khốc. Qua cái nhìn tàn nhẫn đó về ông Bốn Tản trong tập Giã Từ, người ta thấy sự nhất quán trong tư tưởng Võ Phiến. Võ Phiến căm ghét những người tản cư, những người không chịu chấp nhận bọn thực dân Pháp, kẻ thù dân tộc, bởi vì Võ Phiến là kẻ đã tìm ra mọi cách đón rước chúng vào.

Không thích những kẻ chạy giặc, dĩ nhiên Võ Phiến không ưa đảng viên, cán bộ, bộ đội, đoàn thể, và cấp lãnh đạo. Người cán bộ được mô tả như kẻ lừa gạt, lừa gạt cả những con người nghèo nhất và cô độc nhất kiểu ông Bốn Tản. Cán bộ còn được quan niệm như lớp người vô tích sự, ăn không ngồi rồi: Ông ta thành ra một kẻ hoạt động theo lối mới. Hoạt động lối mới cần nhất là ở cái mồm. Những người quen ăn không ngồi rồi thường lại hay khoẻ mồm (Giã từ,tr. 44). Ở một nơi khác, Võ Phiến nhắc lại : Tất cả sự đóng góp của người vào công cuộc Cách mạng chung quy cũng chỉ trông cậy vào ba tấc lưỡi dùng để... động viên kẻ khác (trang 45). Còn về người nữ cán bộ, Võ Phiến cũng mô tả như một lớp dối trá, chỉ nói chính trị ngoài môi, và y mỉa mai : Trong những cuộc hội họp vắng vẻ chỉ riêng có hai người chúng tôi, nàng thản nhiên nói về nhiệm vụ, về tác phong đạo đức, về liêm chính, trong lúc các ngón tay tôi luồn vào mớ tóc rất dày, rất tốt của nàng, len lỏi tìm tòi trên người nàng. Cứ như vậy, chỉ đơn độc có một mình tôi phạm tội cho tới khi ông Ba Thê Đông Thời suýt có cháu ngoại. (Giã từ, tr. 50).

Như lớp địa chủ sống đời bóc lột, bòn rút, cắc ca cắc củm từng đồng, nay Cách mạng về có bị thiệt thòi ít nhiều quyền lợi vội la hoảng lên, nhìn đâu cũng sợ mất cắp, sợ bị gạt lừa, ngay đến hành động yêu nước diệt thù của một chiến sĩ, Võ Phiến cũng mang tâm thức ấy để phê phán. Y đặt vào miệng của Toàn - một người bộ đội can trường - câu nói sau đây ; ... Mình cài những quả lựu đạn để chực gạt giết người, mình vừa vui vẻ huýt sáo luôn mồm (Giã từ, tr. 88). Võ Phiến dùng tiếng "giết người" - cho có tấm lòng "nhân đạo" - thay vì dùng tiếng "diệt thù". Đối với Võ Phiến đế quốc xâm lược đâu phải là thù. Và y cũng không chịu được tiếng huýt sáo ấy của Toàn và muốn diễn dịch sự vui vẻ đó là sự cuồng sát, bất nhân.

Võ Phiến còn đẩy xa hơn sự căm thù người bộ đội qua những tác phẩm của mình. Về trường hợp Toàn, người "bộ đội, đảng viên" ấy, Võ Phiến đã tả trước kia như kẻ ăn xin, sau này đã biến những lớp ân nhân của gia đình mình thành ra tư sản là những kẻ thù để mà đấu đá. Sự nhận thức sâu sắc về lập trường giai cấp của Toàn, được Võ Phiến viết : "Anh ta hớn hở đầu độc cuộc đời mình" (tr. 99). Cuối cùng, Võ Phiến đã cho Toàn chết. Y không cho chết giản dị bằng viên đạn của kẻ thù, y muốn cái chết của người "bộ đội" phải cho thỏa với tấm lòng thù hận Cách mạng quay quắt nơi y : Một viên đạn đại bác đã tung cả cái chân khẩu Brouning nặng bảy kí lô vào đầu anh ta, cả đầu cả chân súng đều văng xa (tr.95). Nghĩa là không chỉ chết bằng đạn thù, mà chết bay luôn cả đầu bằng cả chân súng của mình. Chúng ta nhìn thấy sự hả hê của Võ Phiến qua câu văn đó.

Cho nên, về sự hy sinh của người chiến sĩ mới yêu và cưới một người vợ đẹp lại mang nhiều tâm sự đau buồn về gia đình, Võ Phiến không hề tiếc thương hay thán phục, nhưng sự ca ngợi thì y dành cho kẻ thù : Những người lính Tây đen kháng cự can đảm, liều lĩnh lạ thường (tr. 95).

Thế vẫn chưa hết. Mặc dầu Toàn đã hy sinh, Võ Phiến chưa chịu buông tha. Sau đó, y liền mô tả vợ Toàn "yêu" một hàng binh người Áo, rồi lấy người đó làm chồng. Họ đã sống công khai với nhau vui thú, chị có có cai hồn nhiên cởi mở thích hợp với lối bạo dạn tình cảm của người Tây phương (tr. 109). Qua những lời lẽ làm ra vẻ vô tình, qua những nụ cười cố cho dí dỏm, qua những tình tiết trang trí cho tự nhiên, ta đọc thấy sự hiểm ác của một sắp xếp, và nghe văng vẳng đâu đây những tiếng cười dài lạnh lẽo khô khan thoát ra từ niềm hoan lạc trả thù.

Võ Phiến có thể hành hạ "cán bộ", thông dâm với nữ "đảng viên",

Vũ Hạnh


giết chết "bộ đội", ở trong tác phẩm của mình. Nấp trong văn chương và sau hàng rào kẽm gai đế quốc, y lầm tưởng mình tự do. Nhưng có một người mà y hận thù hơn hết, một người mà y biết rõ đã là cha sinh ra cuộc Cách mạng vô sản Việt Nam, và về người đó y cũng dồn hết tâm cơ để mà phủ nhận. Nhưng Hồ Chủ Tịch vẫn như vầng dương chói sáng trên đầu mọi người, Hồ Chủ Tịch vẫn sống mãi, cuộc Cách mạng vẫn đi lên. Đế quốc với cả thiên binh vạn mã đã không thể đụng đến được Người, thì loài nhãi nhép làm sao mà xúc phạm được ? Võ Phiến hẳn phải loay hoay tìm kiếm khá lâu mới trao cho một nhân vật nói lên những lời nhảm nhí, láo xược như sau : Hồ Chí Minh đâu còn ? Ông ta bỏ mạng lâu rồi. Hồi còn kháng chiến ở Việt Bắc, trúng miếng bom ngang sườn, gãy ba chiếc xương, lủng bao tử một lỗ lớn, bác sĩ ta vá mãi không được. Rồi thầy thuốc Trung Hoa được phái sang, cũng chịu thua, bèn bí mật bày một vài nhân vật tín nhiệm Việt Bắc giấu cái tin dữ đó đi, cứ tuyên bố là Hồ Chí Minh còn sống, rồi mài xương ông Hồ ra cho một người khác uống. Chẳng bao lâu người này giống hệt ông Hồ, ra mắt dân chúng, không ai biết cả. Còn việc lãnh đạo chính quyền thì họ chia nhau nắm hết (Giã từ, tr. 122).

Với con mắt nhìn đen tối như vậy, Võ Phiến đâu còn trông thấy được gì ngoài những vụn vặt và những lệch lạc ở trong đời sống thường ngày ? Và với một quả tim chỉ đập nhịp theo cách nhìn ấy, còn tìm thấy được xúc động nào hơn, ngoài những đam mê hèn mọn, và những ước vọng tầm thường ?

*


**


 Một số những người cầm bút dưới chế độ cũ vẫn bảo nhân vật Võ Phiến không có giá trị xã hội tiêu biểu, và thường dừng lại ở nhận xét này. Kể ra Võ Phiến chỉ mượn một số loại người để bày tỏ quan niệm sống của mình, và quan niệm ấy nổi bật là sự tự trấn an mình, tự tạo cho mình một cái thế giới nhỏ hẹp trong đó tác giả có thể thu rút lại rất bé mọn giữa những sự vật ngẩn ngơ, giữa những con người lệch lạc đặng mình có thể vừa tội nghiệp họ - để được thấy mình cao hơn - vừa cười giễu họ - để được thấy mình có lý,và nhân đây tìm những nguồn vui nhỏ trong cuộc sống mà Võ Phiến càng ngày càng thấy mình bất lực nhiều hơn. Vì vậy, thật là hoài công tìm kiếm những mẫu nhân vật tích cực, tươi sáng, hoặc những con người thành công tối thiểu nào ở trong sách truyện Võ Phiến. Đàn ông hầu hết là những mẫu người gàn dở cô đơn, kiểu anh Bốn Thôi tìm được cách tiêu khiển và mơ mộng trong việc vặt lông mũi. Đó là một cử chỉ nhỏ nhặt không ai để ý đến, nhưng rất quan trọng trong cuộc sống riêng của anh (...) Nhưng thực ra chính những mằn mò vớ vẩn như vậy giúp cho Bốn Thôi thoát khỏi sự đè nặng của cảm tưởng cô đơn. Trong những khi ấy anh lặng lẽ tự xóa mình, vẫn ngồi trước mặt mọi người mà như không hề hiện diện trước một ai, vẫn có đó mà như là không có, như là đang sống ở một thế giới nào xa cách tận đâu đâu, anh lặn chìm rất sâu khuất vào trong sự cô đơn của mình, dứt hết mọi liên hệ xung quanh mình và không buồn áy náy lo lắng gì về thái độ của mọi người. Mặt anh trở nên xa xăm. Và trong cái thế giới mộng tưởng riêng biệt ấy anh tự cho có thể tha hồ nhăn nhíu mặt mày mà không thành ra kỳ cục (Thư nhà, tr. 91). Hay là như Huỳnh Thiện Thủ "cẩn tắc đến lẩm cẩm, tính ít giao thiệp, hay gắt gỏng trong gia đình". Nhân vật này : Trông túi bụi như một con nhện nhớp nhúa xấu xí. Cái sơ mi và cái quần sọt xi-ta nhuộm dà đã cũ quá, rách đôi chỗ, nhàu nhò, lem luốc, ống quần thồng thềnh đến đầu gối. Có hôm anh ngủ dậy loay hoay thế nào, túi quần sau xoay ra phía trước mà anh không hay anh vẫn cứ đi ra hành dịch" (Cái mũ chào mào, tr. 67). Ngoài người nông dân và địa chủ ấy, những lớp thanh niên trí thức ra sao ? Đây là hình ảnh của Thảo : Anh ta gầy và cao, nước da xanh. Không thấy anh ta đau gì, nhưng trông người có vẻ lúc nào cũng mệt. Anh ta lắc đầu tránh những chỗ ồn ào, những cuộc tranh luận. Qua cầu Trường Tiền gặp gió mạnh anh đậy quyển vở trước ngực và chéo hai tay ghì kỹ. Mỗi lần có chuyện ngạc nhiên anh đặt bàn tay lên ngực, vuốt nhẹ. Thường khi đi đường anh chìa năm ngón tay úp lên ngực như một cái lồng bàn tí hon. Quần áo trắng của anh lúc nào cũng dương xanh phơn phớt. Thảo không hay đùa cợt quá trớn, không hay làm quen với anh em, không có nhiều bạn thân (Người tù, tr.33). Và đây tác giả giới thiệu gã Trần Kỳ Vỹ, một thanh niên mười chín tuổi ở trong tù : Tôi cũng đã để ý bắt gặp được những cái lặng lẽ đầy u ẩn của gã. Mỗi lần nhận được đồ tiếp tế của gia đình tự nhiên gã buồn xịu, rồi đêm đêm nằm bên tôi, gã khóc thút thít nho nhỏ (...) Gã đang ở vào cái tuổi thèm ăn, thèm ngủ, sự thiếu thốn trong lao càng làm cho gã quý miếng ăn. Thế mà mỗi lần nhận được đồ ăn tiếp tế từ nhà gửi vào, cơ hồ gã không màng để ý đến. Gã khóc và để yên gói đồ không hề đụng chạm có đến hai ba hôm. Rồi sau gã mới mở ra, ăn dần từng tí, như thích cái lúc mở ra và gói lại hơn là thích ăn. Khi gã nằm đêm khóc bên cạnh tôi, tôi lay vai gã hỏi han nhưng gã không hé răng nói gì về chỗ bí ẩn của mình cả (Người tù, tr. 11). Những người già của Võ Phiến có vẻ nhiều chuyện và ồn ào hơn, nhưng qua những sự sôi nổi của họ, ta lại tìm thấy những người cô độc không biết chừng nào. Ông Bốn Tản, không vợ con, đã bảy, tám mươi tuổi rồi, gặp ai cũng vồ vập nhận là cháu, cuối cùng vào ở nhà một gái điếm và khi cô này bị bắt thì ông già cũng lâm nạn. Ông Ba Thê Đồng Thới và ông bác già Đại Cuộc thì hăm hở nhảy vào chuyện thời thế để cuối cùng còn sót lại nỗi tuyệt vọng chua cay.

Những người đàn bà trong tác phẩm Võ Phiến phần nhiều là nạn nhân của dục tình, dục tình nơi mình và nơi người đàn ông. Cô Dung yêu chồng, quí chồng, nhưng lại ăn ở với một cán bộ, cô Hạnh bị ép gả cho một người con thợ rèn, ít học, đảng viên có thế có quyền rồi trở thành một điếm vườn, cô Hồng không lấy được người mình yêu và bị ép gả cho một cán bộ cao cấp để rồi cô sống lang chạ với đủ hạng người, và còn biết bao cô khác cũng hoặc bị sự cưỡng hiếp, hoặc bị quyến rũ, và đa số nhân vật của Võ Phiến đều trải qua những bí ẩn về dục tình. Trong bốn chị em cô Bạch - ở truyện Thương hoài ngàn năm - thì ba người chị đã có cuộc đời tình ái thật là bất thường : chị cả, cô Hồng, mười tám tuổi đã chửa hoang, sau này lấy anh kép hát thì vào ngày cưới đã mang thai được bốn tháng. Cô thứ hai là cô Hoàng, mới 14 tuổi đã nảy nở, 17 tuổi đã lấy chồng - một anh giáo làng hiền lành - nhưng rồi anh này bất lực, cô lại thông dâm với người trai làng, bị chồng cắt tóc, cô nàng thêm liều lang chạ nhiều hơn. Cô thứ ba là cô Thanh thì trong cái đêm đi xem che mía giữa đồng, cô em thơ ngây theo chị đã có nhiều dịp thấy chị và trai hôn hít trong các bụi cây, "phơi bày thị da trắng nõn dưới trăng". Cả ba người chị đều không giống cha là ông Nghĩa, nhưng giống y hệt ông lý trưởng làn An-Quý. Chỉ có cô con gái út - cô Bạch - giống cha, nhưng cô là người ngây ngô, lầm lì, gần như đần độn "thường lượm kiếm ăn từng nhúm, hôi hám, lôi thôi..." Và cô út này biết yêu, yêu con của ông Học Thạch, mặc dầu khi cô đến nhà ông Học, ông đã tạo dịp phát vào mông cô, "rồi mạnh dạn đưa tay vào xa hơn"... Nhưng tình yêu ấy về đâu ? Tác giả kết thúc như sau : Chuyện đó như thực như hư (...) Bạch có cảm tưởng trong một giấc mơ nó thấy mua bán, thu được tiền nhiều, về sau ngửa tay coi lại thì toàn là tiền giấy cả (Thương hoài ngàn năm, tr. 56).

Ở Võ Phiến chỉ có tình dục, không có tình yêu. Và tình yêu, nếu có mặt, thì nó sớm rơi vào cõi mơ hồ, hoặc bị tình dục xóa bỏ một cách phũ phàng. Cái nhìn bất kính, thô bạo, đầy ý xuyên tạc đối với phụ nữ, trên ý thức hệ địa chủ phong kiến đã đưa Võ Phiến lầm lạc xa hơn trong nhiều nhận định thuộc về nữ giới. Trong truyện Người chồng bất thường, Võ Phiến đã nói thay lời cho một phụ nữ như sau : Chàng hung bạo ? Tôi biết hơn ai hết mối nguy hiểm sống bên cạnh chàng. Nhưng chỉ ở bên chàng tôi mới có sự ổn định. Chàng đánh tôi, tát tôi những cái tát quả quyết, tự tin. Chỉ có chàng mới tát được những cái tát như thế. Những cái tát ấy làm cho tôi thấy trên đời có một ý chí xác quyết, không phân vân. Ngày nào còn sống bên chàng, bên cạnh sự hung tợn dữ dội lôi cuốn của chàng, tôi có cảm tưởng thế giới quanh tôi có vẻ vững vàng ổn cố. Bao giờ chàng cũng đi quá mức một chút, thật đáng tiếc. Phải chi chàng đừng chém, đừng có ý định giết tôi, tôi sẽ vui lòng ở mãi với chàng. Lỗ mãng, thô bạo, là một thái độ xác định. Đó là một thứ lý luận kỳ quặc chỉ có ý nghĩa với những tâm hồn bệnh hoạn. Không có người đàn bà nào lại đi tìm sự hung bạo, trừ một đôi kẻ nào đó đã bị đàn áp nhiều năm và bị mất cả ý chí cùng óc phán đ0án. Dĩ nhiên những người loại đó, không còn là lớp bình thường, và nếu họa hoằn có những phụ nữ như thế thì họ chỉ là quái tượng. Mô tả, vẽ vời về một trạng thái tâm lý như vậy rõ ràng xúc phạm danh dự phụ nữ nói chung, mặc nhiên muốn xác lập một thứ uy quyền thô bạo của người đàn ông trong xã hội cũ, ngày xưa, để hợp thức hóa một cái xã hội bấy giờ đang đi vào những nền ếp tàn ngược dưới sự tác động của xã hội Mỹ, xã hội hình thành bằng sự thô bạo, tồn tại bằng những cú đấm và tìm phát triển bằng sự hủy diệt kẻ khác. Ở Võ Phiến những cách nhìn rất sai lệch về phụ nữ gần quán xuyến các tác phẩm.

Con người bị làm hư đi, xấu đi dưới mắt Võ Phiến, chừng như Võ Phiến không thể chịu được những con người tốt, không muốn nhìn thấy những con người tốt. Tác giả tỏ ra hoàn toàn yên ổn trong cái xã hội những con người ấy, bởi nếu không hẳn đồng lõa với họ thì cũng phải đỡ bận tâm, đỡ phải khó chịu trong lòng, vì họ cũng như tác giả sẽ chấp nhận sư thua thiệt như một định mệnh. Sự làm cho các nhân vật trở nên hư hỏng hoặc xấu xa đi, ở trong trường hợp Võ Phiến, có nhiều ý nghĩa. Trước hết, trong khi tự sắp xếp vào bè nhóm người chống lại những lực lượng mới của tiến hóa, Võ Phiến không thể có được cái nhìn nào khác về con người. Trên cuối chặng đường lịch sử của mình, giai cấp địa chủ phong kiến rồi đến giai cấp tư sản chỉ còn hiện rõ qua cái bản chất hưởng thụ đồi trụy mỗi ngày mỗi thêm đậm nét, và trước sức tấn công không ngừng của giai cấp vô sản, các lực lượng phản động kia càng thêm rời rã, phân hóa, càng thêm rữa nát, hoang mang. Sự sa đọa này vừa là kết quả tất nhiên của của một chuyển biến, nhưng lại được vận dụng thành sức cản - dẫu rằng tiêu cực - ngăn sự xâm nhập của các lực lượng tiến bộ, vừa có tác dụng phá hoại sự tiến bộ đó. Võ Phiến đã bị hạn chế trong cách nhìn, và trước khi là người tù của chính phủ kháng chiến, Võ Phiến đã là tù nhân bi thảm của chính mình rồi. Nếu không ra khỏi được những dây trói của ý thức hệ suy đồi, phản đông, Võ Phiến sẽ tự giam giữ chung thân trong cõi tù ngục của mình.

Võ Phiến đã tự cố thủ trong một phương thức cảm nghĩ xưa cũ, nặng về những lối suy tưởng cá nhân, nô lệ cho các khái niệm mơ hồ về các giá trị trong nền văn hóa tư sản. Đồng thời với bản chất phản động, Võ Phiến tạo một khoảng cách giữa mình và thế giới mới, để từ khoảng cách ấy nhìn sự sống trên đà chuyển hóa, bằng cặp mắt nhìn chủ quan, thiên lệch của mình. Từ đó, những khoảng cách ấy nới rộng thêm, và những cánh tay thiếu hẳn nhiệt tình xây dựng không với tới được những cánh tay khác đang bắt nhịp cho cuộc sống đi lên. Trông nỗi cô đơn tự tạo như thế, những mối liên hệ gia đình - dễ gây được sự rung cảm ở một con người Võ Phiến còn lưu giữ những nền nếp cổ xưa và đẩy Võ Phiến đi sâu vào đường phản động. Một người bà con gần gũi Võ Phiến đã bị tử hình, vì là chủ mưu trong vụ gián điệp, và cái án tù 5 năm - ở vào thời điểm chính trị bấy giờ - xác nhận Võ Phiến không phải là kẻ quan trọng thuộc hàng chủ động.

Những năm tù ấy chưa đủ cảm hóa Võ Phiến thì sự tôn trọng hiệp định Giơ-ne-vơ của chính phủ cách mạng, cùng với hoàn cảnh đất nước chia đôi, đã khiến Võ Phiến có quyết tâm hơn trong sự lựa chọn vốn đã có sẵn nơi mình từ xưa.

Mang những kinh nghiệm bi đát về những ngày sống trong vùng kháng chiến, Võ Phiến hăm hở phụng sự ngụy quyền, đem những mẩu chuyện trong tù ra làm chất liệu cho những sáng tác đầu tiên, vì những năm tháng sống trong giam giữ còn lưu ấn tượng sâu sắc ở nơi Võ Phiến, đồng thời những câu chuyện tù viết ra là cách gián tiếp trưng bày thành tích chống Cộng với chế độ ngụy, một thứ "của tin" dâng lên cho "cụ Cố Cẩn" bấy giờ đang trị vì tại miền Trung. Tuy nhiên với một bản chất dè dặt, và một ý thức tính toán của lớp địa chủ thôn quê cỡ nhỏ, Võ Phiến không dám nuôi nhiều tham vọng. Võ Phiến chưa hề đăng đàn, cổ võ, cũng không thích những hiệu triệu, tuyên ngôn. Mặt khác, những năm sống với kháng chiến, dầu rằng bất mãn, Võ Phiến phần nào cũng đã nhìn thấy sức mạnh của Cách mạng, bản lĩnh của cán bộ, lòng tin tưởng của người dân đối với chế độ. Nhưng vì mang mối thù hằn Cách mạng sâu xa, đứa con trung thành của ý thức hệ địa chủ được bồi dưỡng trong nhiều năm những xa xỉ phẩm văn hóa tư sản, càng giàu tự ái nên không bao giờ nhìn nhận công khai những sự thực về xã hội cách mạng mà y có thể nhìn thấy một cách nào đó. Võ Phiến cũng không cho phép mình được "khách quan" theo lối tư sản như thế. Xuyên suốt tác phẩm của y, bao giờ có dịp - và luôn luôn y tạo dịp - xuyên tạc, nói xấu Cách mạng. Người ta đọc thấy dễ dàng trong bất cứ tác phẩm nào của Võ Phiến, nỗi hằn học và sự cay cú của gã địa chủ thất thế, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy một cách gián tiếp nhưng khá rõ, qua những con người và những sự việc, tấm lòng khiếp sợ Cách mạng của con người đó. Giai cấp địa chủ, phong kiến đã bị đánh bại từ khuya nên nỗi tuyệt vọng của nó thật là xác quyết như một định mệnh. Định mệnh này đã ám ảnh toàn bộ quan niệm nhân sinh Võ Phiến, khiến các nhân vật đều có tính cách tiêu cực, chủ bại, và các đoạn kết tác phẩm thường mở rộng cửa về nỗi hoang mang, về những "mưa bay mây mù giữa đồng" mờ mịt như trong Lẽ sống, về những "bối-rối, sợ hãi, khắc khoải" như trong Tâm hồn, về nỗi tuyệt vọng như trong Thương hoài ngàn năm, về cái "cảm tưởng bất định không biết bao giờ thoát khỏi" như trong Người chồng bất thường, về một ước vọng - như trong Giã từ - là "sẽ tránh được khuất mắt những ve vẩy hèn mọn, bất lực trước cuộc đời luôn luôn xáo động"...

Chính trong tư thế dè dặt, và bằng phương thức chợt đánh, chợt lui, học đòi chiến thuật du kích, mà những luận điệu Võ Phiến xuyên tạc Cách mạng gây những tác hại nhiều hơn trên những lớp người thành phố tuy có học thức nhưng ngây thơ về chính trị. Những tầng lớp gọi là trí thức này học được lối nhìn hoài nghi trong mớ triết lý tư sản cũ xưa rồi, dễ thấy e ngại trước những đao to búa lớn của những loại hạng bồi bút chống cộng nhan nhản bấy giờ, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận những ý phản động mang cái lốt giản dị, tô điểm ít nhiều trí tuệ, ra điều đó là kết quả của sự suy nghĩ sâu xa. Lối đánh bằng những cú rời, cú ngắn, nhưng nhằm vào nơi hiểm hóc, theo một nhịp điệu rỉ rả dài ngày để tích lũy được cái vốn phá hoại lớn lao, cũng là phương thức làm ăn của hạng địa chủ thôn quê cỡ nhỏ.

Vốn bị hạn chế bởi một bản chất và một ý thức như vậy, Võ Phiến không có vốn sống lớn lao và những tình cảm mãnh liệt nên không có sức hư cấu phong phú với những tầm nhìn mang những kích thước rộng rãi. Võ Phiến chỉ theo rình rập cuộc sống và ghi nhận từng mảnh rời của nó, những mảnh rời ấy phần nhiều được lựa lấy phần vụn nát, bủn mục, rồi tán nhuyễn ra hoặc khơi khều được những thứ giòi bọ không ai ngờ đến, đã làm thích thú cho người đồng điệu. Tán vụn hay khơi khều là lối suy diễn quen thuộc của Võ Phiến.

Với lề lối đó, Võ Phiến không viết được những truyện dài. Vài tác phẩm gọi là dài của Võ Phiến chỉ là những thứ truyện ngắn tán rộng, ghép vào chi tiết lan man của nhiều sự việc của nhiều con người và nhiều cảnh đời, theo một ghi chép cẩn thận và một sự suy diễn chi ly. Lối làm ăn căn cơ này khác xa với lối chụp giựt ở các phố phường và phong cách ấy đã khiến Võ Phiến gần như biệt lập với đa số kẻ cầm bút cùng loại ở vào thời đó.

Những sự hạn chế nói trên chỉ cho phép Võ Phiến viết truyện ngắn - một loại truyện lai tạp tùy bút. Càng về sau này, trước một cuộc sống dồn dập vây đuổi, và số nhân vật quen thuộc ở các xóm quê, tỉnh lẻ đã được khai thác hết rồi, đồng thời phố phường đối với Võ Phiến luôn luôn có một vẻ gì xa lạ, nên y không đủ chất sống để viết truyện nữa, trừ đời công chức quen thuộc nhiều năm đã làm đề tài rộng rãi cho truyện Một mình. Bấy giờ, Võ Phiến bèn quay trở về với lối tạp bút, tạp luận, là kiểu cách phù hợp với khả năng của mình hơn hết.

Không chỉ hợp với khả năng, lối tạp bút này đáp ứng quan điểm chính trị Võ Phiến, và quan điểm này, dẫu về cơ bản vẫn không thay đổi, đã có ít nhiều chuyển biến trong mức thể hiện. Buổi đầu, dưới thời Diệm-Nhu, Võ Phiến còn tự giấu mặt phần nào trong sự chống phá Cách mạng. Không phải y không đem hết nhiệt tình thâm thù vào việc sáng tác, nhưng y vẫn còn núp sau một số nhân vật, khi mỉa mai cười cợt, lúc chửi xéo, chửi xiên, thỉnh thoảng khó ngăn ấm ức mới nói đôi câu sỗ sàng - để cho ra vẻ con người đứng đắn, vô tư, chống cộng là vì "chân lý" chứ không phải vì chút tư lợi nào. Nhưng kể từ ngày bùng nổ cuộc tổng tấn công dịp Tết Mậu Thân, khiến cái ảo tưởng an toàn từ lâu giữa lòng đô thị - ảo tưởng không ngừng được quan thầy Mỹ củng cố và vẽ vời thêm mỗi ngày - đã bị tan vỡ, một số gia nô, bồi bút bỗng thấy bàng hoàng đưa vội tay lên sờ lấy cổ mình. Sau cơn ác mộng khá kinh khiếp đó, họ lộ nguyên hình, và bây giờ những râu ria mũ mão đeo vào từ xưa bị vất sạch đi, họ xẳng xớm xông vào việc chống Cộng, không còn cách gì để tự lừa mình và lừa người nữa. Đó là thời kỳ hàng loạt những tay cầm bút ra sách vu cáo Cách mạng, kể cả những người từ trước vẫn hay rao giảng những thứ tình thương chung chung, hoặc vẫn tỏ ra "trung lập", "khách quan" coi chuyện xồng xộc đi vào thời sự không đúng phong cách "con người văn hóa". Giữa cái đám người tưởng như văn nhã, hiền lành, nay bỗng đằng đẵng sát khí chống phá Cách mạng để cố bảo vệ sào huyệt cuối cùng của mình dưới bóng cây đa đế quốc, Võ Phiến dĩ nhiên tỏ ra hăm hở hơn ai. Con người địa chủ mất đất, con người tư sản mất nhà, con người văn hóa gọi là tự do mất làm xuất bản và cả con người "công dân" có thể mất mạng như chơi, năm cái đe dọa ấy đã làm Võ Phiến bồn chồn, không yên. Và y kêu gọi làm vè chống Cộng.

Cũng kể từ đấy Võ Phiến đặc biệt bám vào lối viết tạp luận, tạp bút, có tính cơ động nhiều hơn, để nhân đấy nhảy chồm lên trong từng vấn đề thời sự, công phá Cách mạng cho được kịp thời. Người ta nói về "những tác phẩm lớn", lập tức Võ Phiến lên tiếng : "Sách của những văn nghệ sĩ Cộng sản không lớn". Theo y, như Đất vỡ hoang, từ đầu chí cuối là "lo sao cho dân chịu góp tài sản vào nông trường, sao cho mưu cán bộ thắng mưu địa chủ phản động". (Tạp luận, tr.55) thì lớn làm sao được ? Phải có băn khoăn siêu hình, phải "tự tách lìa cuộc sống, thắc mắc nhìn vào đời người với cái nhìn soi mói ngỡ ngàng" như Giăng Pôn Xạc mới là thật lớn ! Rồi y mỉa mai : ở nước Cộng sản, "Viết sách đã là chuyện không cần thiết, viết sách lớn lại càng không cần thiết" để đưa tới cái kết luận : Chẳng qua tâm hồn lớn thì tác phẩm thể hiện tự nó lớn, những tâm hồn bận bịu về các điều nhỏ nhặt tế toái tự nhiên sản sinh ra sách nhỏ ! Khi cuộc hội nghị Pa-ri mở ra, giữa lúc mọi người xôn xao bàn tán khi nào sẽ ngưng oanh tạc, lúc nào sẽ có chính phủ liên hiệp, đấu tranh chính trị, thì Võ Phiến không giấu được lo âu, vội vàng, chỉ điểm : Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo công việc mai sau : tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hoi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận : các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy. Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này (Tạp luận, tr. 122) Võ Phiến quan tâm với ý nghĩ rằng đình chiến, liên hiệp, là có tàn sát. Y lại viết tiếp : Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến thep hiệp định Giơ-ne. Và cuối cùng y kết luận theo đúng quan điểm một tay chuyên nghiệp làm tâm lý chiến cho đế quốc : Cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sinh mặt trận nọ mặt trận kia.

Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng... Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ thù ngã gục vào 1958, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa phụ từ 1954. (Tạp luận, tr. 126).

Con người từ lâu đồng hóa với hệ ý thức của địa chủ phong kiến và tư sản phản động, luôn luôn cảm thấy sự đe dọa của cách mạng trên đầu mình. Không dám thú nhận rằng mối lo sợ ấy là của mình, của tầng lớp phản động mà mình đại diện, Võ Phiến lại phiên dịch mới lo ấy thành mối lo của... dân tộc. Khi hai bên sắp hòa hội ở Pa-ri, Võ Phiến nghe rờn rợn có điều lớn lao, lởn vởn trên số phận của dân tộc ta mà ta không biết đích là cái gì..., rồi tìm mọi lẽ để trấn an mình và trấn an những đồng bọn : "phải công nhận nước Hoa Kỳ có cái này là vững chắc : toàn thể Hoa lục mất được, nhưng một chút đảo Đài Loan không mất, toàn thể Cu-ba mất cả, nhưng một chút căn cứ Guan-ta-na-mô không mất, cả thành phố Bá Linh chìm sâu trong sự bao vây cộng sản nhưng một khu vực Tây Bá Linh dù bị phong tỏa bức bách thế nào vẫn trơ cùng tuế nguyệt. Nước bạn hơi yếu trong những công việc nhận định, tranh chấp nhập nhằng bằng lời lẽ úp mở, bằng tuyên truyền v.v..., nhưng khi trắng đen đã rõ ràng thì dù chỉ giữ một hạt bụi nước bạn cũng giữ chặt, sấm sét không lay chuyển nổi". Rồi vẫn chưa được an lòng, gã tiếp : "Kể ra không có gì buộc Mỹ phải vội vã đẩy chúng ta vào chỗ khốn cùng : Mỹ không thua sút ở chiến trường, không kiệt quệ ở hậu phương, Mỹ đã nặng lời thề thốt cùng chúng ta và các đồng minh tham chiến tại Việt Nam... Duy có một điều một phần dân chúng Mỹ không muốn đánh nhau nữa. Như thế chưa đến nỗi khẩn bách. Mỹ có thể không vội vã, có thể đĩnh đạc khoan thai chấm dứt chiến cuộc trong danh dự. Nghĩa là đi đến một thỏa ước trong đó không có việc cắt đất cho địch, không có việc nhường quyền hành cho địch". (Tạp luận, tr. 145).

Bây giờ, ở Hoa Kỳ, Võ Phiến có lẽ đã có nhiều phen ôn lại những lời suy đoán ngày xưa của mình. Bao nhiêu bài báo Võ Phiến viết ra không động viên lầu Năm Góc thêm được chút nào. Đài Loan không mất, Tây Bá Linh vẫn trơ cùng tuế nguyệt, nhưng miền Nam Việt Nam thì chẳng còn, "Dù chỉ giữ một hạt bụi, nước bạn cũng giữ chặt, sấm sét không lay chuyển nổi", đó quả là một lòng tin hoang đường, phát sinh từ một nhận thức ngây thơ về bản chất của đế quốc, và oái ăm thay, sự ngây thơ ấy lại được nảy sinh từ sự thập thành.

"Mỹ có thể không vội vã", nhưng Mỹ phải chạy vắt giò lên cổ, làm sao bây giờ ? Mỹ đã đánh rơi mất sự "đỉnh đạc, khoan thai", đánh rơi cả sự "thề thốt nặng lời", đã bị cuốn theo cơn lốc chạy dài và không phải là một hạt bụi mà vô số những hạt bụi. Và biết bao kiếp người đáng thương đã bị đạp xuống sân bay, xô xuống biển khơi để cho Mỹ Thoát. Thế đấy. Để cho Mỹ thoát. "Phải công nhận nước Hoa Kỳ có cái này là vững chắc".

Chúng ta không thể nào - à không cần thiết - kể hết những thứ lập luận phản động, nhảm nhí chứa đầy trong trang sách Võ Phiến. Từ sau Mậu Thân, gần như mọi biến cố trên thế giới, mọi sự kiện đáng chú ý trong sinh hoạt, đều có những ý kiến bàn ngang tán dọc của Võ Phiến, để nhân đấy phà hơi thở chống cộng vào nhiều sinh hoạt, tiếp sức cho đồng bọn đang chới với. Thỉnh thoảng Võ Phiến có nói xa gần để than phiền các chính sách của nguỵ quyền như không đi "sát nông dân", không hiểu âm mưu cộng sản - hoặc hậm hực về sự "thơ ngây" của Hoa Kỳ, để bày tỏ lòng nôn nóng, mong cho tình hình sớm đỡ bê bối, hầu được hưởng chữ bình an dài lâu trong cái thế giới thụ hưởng nhỏ nhoi, bé mọn của mình.

Những năm về sau, Võ Phến lại càng trơ trẽn hơn nhiều. Vào những tháng ngày tàn tạ, phấn trát son tô càng lộ liễu hơn. Võ Phiến không cần giữ kẽ như xưa để làm một người trí thức chống Cộng "ra tuồng độc lập", mà tìm đủ mọi cách ca ngợi ông "bạn đồng minh" Hoa Kỳ. Hồi bầu Ních-xơn, trong bài Người hiền của quần chúng, Võ Phiến gục gặc tán thưởng "Một thế kỷ rưỡi trước đây, công dân Hoa Kỳ cũng tự tay cầm lá phiếu bầu người tài đức, bây giờ họ cũng tự tay bầu người tài đức" (Tạp luận, tr.190) Và liền sau đó một đoạn, gã hớn hở khoe : "Toà Bạch Ốc trong suốt như gương". Nhưng bài Võ Phiến in vừa ráo mực thì vụ Oa-tơ-ghết đã nổ bùng. Mới hay lá phiếu đã bầu một tên đại bợm, không từ thủ đoạn xấu nào không làm. Và Tòa Bạch Ốc thì lại đục ngầu dục vọng, như vốn nó đã đục ngầu xưa nay.

Thực tế, dầu không ác ý, đã làm Võ Phiến sượng sùng không biết bao phen.

*


**


 Có gì đáng phải nói dài hơn nữa về một con người cầm bút như vậy?

Võ Phiến đã không nhìn thấy được sự hào hùng của dân tộc, và ngay trong cái bộ phận gồm những nhân sự và các cơ chế ngụy quyền đã được Võ Phiến mơ hồ gọi là "dân tộc", lại càng không sao có chút hào hùng. Không thể nhìn thấy sự thật, thì không nhìn thấy được cái lớn lao, do đó Võ Phiến chỉ vươn tới được những gì nhỏ nhoi, thấp bé trong đời. Nhưng từ thấp bé con người có thể vươn tới lớn lao, nếu cách nhìn về sự vật thoát khỏi chủ quan méo mó của mình để đạt tới sự khách quan đúng đắn. Vốn thông minh và ít nhiều tinh tế, Võ Phiến cuối cùng là những nạn nhân của những điều này. Thông minh, tinh tế, hướng vào cái xấu chỉ làm cái xấu thành hiểm độc hơn và sự thông minh, tinh tế trở thành bệnh hoạn. Chính sự thông minh tinh tế gói trong tự kỷ sớm dẫn Võ Phiến lạc khỏi con đường chân chính, con đường đòi hỏi trước hết đặt sự thông minh của cá nhân dưới sự thông minh của tập thể, và lấy tinh tế làm phương tiện cảm thông, hoà hợp với nhiều con người, chứ không cốt tạo cho mình một ngôi vị riêng, dầu ngôi vị ấy chỉ là ảo tưởng chập chờn.

Trong mọi vấn đề bàn luận, Võ Phiến thường chỉ nhìn lệch một bên, hoặc chỉ đi tới nửa chừng, có lẽ vì muốn dừng lại để khỏi bước nữa, hoặc không còn biết cách nào đi tới. Lẽ ra, ngay trong hoàn cảnh những người gọi là chống Cộng bấy giờ, Võ Phiến cũng là một kẻ cô độc. Chúng ta đã nói về nỗi cô đơn tìm thấy trong nhiều tác phẩm Võ Phiến, từ trong kết cấu, lời văn, và cả tựa đề của sách. Võ Phiến cũng đã viết bài "Từ Thức bơ vơ" để nói lên tâm trạng mình, nhưng đã không nhìn thấy được những cõi tiên mà chàng Từ Thức giã từ chính là xã hội kháng chiến, nơi con người sôi sục những tình cảm tốt đẹp, gặp nhau trong những ý tưởng cao vời, và có khả năng xây dựng được một bồng lai thật sự trên quê hương này.

Dầu Võ Phiến có giải đáp nỗi cô đơn ấy theo lối lý luận của triết gia Jung là "Giã từ cái dạ con của mẹ đẻ ra ngoài đời, con người vẫn luôn mơ hồ về cái quê hương nguyên thủy của mình, nơi mình đã trải qua một thời cô đơn trong ấp ủ" (Ảo ảnh, tr. 12), hoặc suy luận về nỗi niềm bơ vơ của mình đã cho rằng mình thuộc vào "Lớp người của cuộc chọn lựa chỉ xảy ra một lần trong lịch sử" (Tạp luận, tr. 127), thì vẫn là những kiểu cách suy diễn quẩn quanh để cố chối từ sự thực. Thật ra nỗi niềm cô đơn, bơ vơ không chỉ giày vò bên trong Võ Phiến, mà ở ngoài đời Võ Phiến cũng gặp bàn tay lạnh giá của của nó sờ soạng khắp người. Ở trong gia đình, Võ Phiến cô đơn ngay với anh em, ở ngoài xã hội cô đơn với cả bạn bè. Trong lĩnh vực bọn cầm bút phục vụ đế quốc, Võ Phiến thuộc về trường hợp ít oi của những con người không biết hút thuốc, không biết rượu chè, không có đam mê suồng sã, luôn luôn giữ trong giao tình một sự mực thước, phải chăng, thích sự giản đơn, nhã đạm hơn sự ba hoa, lòe loẹt, và thường hà tiện lời chê hơn là tiếng khen, dầu sự tán thưởng kẻ khác vẫn được duy trì theo đúng ni-tấc cần thiết của một công thức chân thành. Nhưng trong gia đình, người anh là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu Võ Phiến - làm sao có thể thông cảm với người em ruột là Đoàn Thế Hối, bút hiệu Lê Vĩnh Hòa - vừa là nhà văn vừa là chiến sĩ cách mạng, đã hy sinh ở Bến tre vì bom đạn Mỹ , vào năm 1966? Một người đã có cuộc sống mực thước, ít nhiều theo nếp nho phong, làm sao có thể suồng sã chan hoà với đám cầm bút chống Cộng sống đời chụp giựt, bê tha viết theo những đơn đặt hàng của tâm lý chiến hơn là để tự trấn an, để cố ngụy tạo một thứ lý tưởng đặng che giấu mình ? Võ Phiến đã coi chống phá cách mạng như một lẽ sống, khó lòng có thể nhập bọn với những lớp người coi đó là một áp-phe, dầu xét tận cùng, vẫn là một lứa cá mè. Võ Phiến quả là một sự kiện gần như đặc biệt - không phải do lựa chọn của lịch sử nào, xin đừng tự huyễn hoặc thế - nhưng là kết quả của nhiều mâu thuẫn : mâu thuẫn giữa ý thức hệ phong kiến và những đòi hỏi tư sản, mâu thuẫn giữa cái bản chất yếu hèn và sự cuốn lôi của một tình thế, mâu thuẫn giữa một nếp sống công chức và cái ý thức phóng túng, tất cả những mâu thuẫn này chịu sự tác động của một mâu thuẫn lớn lao là sự phản công không ngừng của ý thức hệ Cách mạng, đối với mọi ý hệ phản động. Đây là đầu mối của những cô đơn, không chỉ tìm thấy riêng nơi Võ Phiến, mà phổ biến trong nhiều giới văn nghệ, dưới chế độ cũ.

Qua kẻ chống Cộng di tản theo Hoa Kỳ là Võ Phiến và liệt sĩ Cách mạng Lê Vĩnh Hòa, ta thấy rõ điều cơ bản đã xoay chuyển hai cuộc đời ruột thịt ấy là môi trường văn hóa. Anh Đoàn Thế Hối từ lúc lên sáu theo cha vào Nam sinh sống, đã lớn lên và trưởng thành ở đồng bằng sông Cửu Long giữa thời điểm lòng yêu nước dâng lên dạt dào với gậy tầm vông vạt nhọn. Anh hít thở không khí ấy, được Cách mạng giáo dục và kháng chiến tôi rèn, trở thành nhà văn cách mạng, vừa là chiến sĩ bộ đội. Anh để lại những truyện dài, truyện ngắn chan chứa nhiệt tình yêu nước của một con người giàu cảm xúc, nổi bật ở tính thông minh và sự tế nhị, sau khi đã cống hiến những giọt máu cuối cùng cho mảnh đất thân yêu ấy, mảnh đất đã xây dựng anh nên người, đã giúp cho tên tuổi anh còn được nhắc nhở trong nhiều thế hệ về sau với niềm kính yêu chân thành. Người anh là Đoàn Thế Nhơn có lẽ từ sớm đã hưởng nhiều may mắn, đã được ông bà cưng chiều và cho ăn học, trong khi người em lếch thếch theo cha trên những quãng đường diệu vợi. Nhưng người anh đó bị gói kín trong khung cảnh xóm quê với những nền nếp sinh hoạt của một gia đình địa chủ, tuy đã suy tàn, nên khi được tiếp xúc với những thứ hứa hẹn ảo huyền của nền văn hóa tư sản Tây phương, đã tìm thấy trong loại xa xỉ phẩm này những món trang sức rực rỡ thêm vào mớ ý thức hệ cũ. Giữa những lớp người nông dân chất phác, anh ta thấy mình vượt cao hơn họ, nhìn quanh chỉ thấy toàn hạng Lê No, Bốn Thôi, nên muốn cách mạng phải trọng vọng mình, để khỏi lẫn lộn với lớp cán bộ kiểu ông Ba Thê Đồng Thời hay ông bác Già Đại Cuộc. Từ một cái nhìn như thế đối với bản thân, anh ta đã nhìn ngắm sai lệch cuộc đời, và đã bước đi quá xa đến thành một kẻ tội đồ của dân tộc mình, và tự đọa đày ra khỏi những gì mà anh ta vẫn biết thiết tha qua nhiều cảnh sắc em đềm, thú vị, đó là Đất nước quê hương, nhan đề tác phẩm cuối cùng.

*


**


Nhiều người cho biết Võ Phiến đã khóc trước khi di tản, và những giọt nước mắt này có thể khởi từ một niềm tuyệt vọng phũ phàng trước ảo tưởng về sức mạnh đế quốc đột ngột tan tành, có thể là niềm lưu vong khó rời với những kỷ niệm quê hương. Hẳn với tâm tình bơ vơ và cô độc ấy, Võ Phiến sẽ không thể nào tìm được thích nghi trong xã hội Hoa Kỳ, cuối cùng sẽ lại cô độc và bơ vơ hơn. Bấy giờ những gì còn lại gọi là thông minh, tế nhị nơi con người ấy sẽ lại giày vò, hành hạ nhiều hơn theo một cách khác, và trong những nỗi đau nhức như thế, sau năm mươi ba năm sống trên cõi đời, Võ Phiến có lẽ mới bắt đầu thấy bóng mình thực sự, từ những việc thật là bé mọn.

Người ta cũng có bảo rằng, dịp Tết vừa qua, trong một lá thư từ Mỹ gửi về hai con ở lại Sài Gòn, Võ Phiến có chép hai câu đã bói được trong truyện Kiều :

Thôi con, đừng nói chi con

Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người.

Cả với Nguyễn Du, Võ Phiến cũng không tìm thấy được gì gọi là phấn khởi.

Vũ Hạnh

(Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng - NXB Văn Hóa - tr.15 -> tr. 42)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn