BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77466)
(Xem: 63331)
(Xem: 40777)
(Xem: 32400)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mối Hận Nghìn Trùng !

24 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 1653)
Mối Hận Nghìn Trùng !
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.33
(Viết theo lời kể)

Long vừa uống ly café, vừa nghiền ngẫm tờ quảng cáo đồ điện tử Fry’s electronics của tờ Sacramento Bee, Long định chiều nầy sẽ đến Fry’s mua thêm một vài món để tu bổ thêm cho chiếc computer đang nhức đầu sổ mũi và chạy như rùa bò của chàng!

Buổi sáng, phải đi làm sớm, Long thường dến tiệm ăn gần khu vực chàng ở, giờ đó khách còn thưa, chỉ những người lao động như chàng mới đi ăn sớm như vậy. Long lơ đãng nhìn ra cửa kính, tay thọc vào túi quần tìm khâu chìa khoá. Chợt tim Long như thót lại, mắt tròn xoe nhìn một người to lớn đang mở cửa bước vào. Linh tính như cho chàng biết, người góp phần gây ra tấm thảm kịch ngày xưa, đang xuất hiện trước mặt chàng!

Liếc nhìn người lạ da ngăm đen, đang kiếm chỗ ngồi trong một góc kín đáo; chàng gọi người hầu bàn, kêu thêm ly café nữa, Long quơ lấy tờ Sacramento bee, chăm chú như đang đọc, nhưng ánh mắt sắc bén của Long nhìn qua kẻ báo, không bỏ qua một cứ chỉ nào của người mới đến đang ngồi xây lưng về phía chàng.

Long nhìn chiếc cổ to lớn có xâm đầu hai con rắn hổ mang quấn lấy nhau cùng bò hướng lên phía chân tóc. Chiếc lưng to lớn như tấm phản gỗ chắc nịch, ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng và một nội lực vô cùng thâm hậu. Long vào phòng toilet, kín đáo nhìn ngang người khách lạ, tim chàng như thót lại khi nhìn thấy một vết thẹo to lớn như một vết chém ngang gò má trái lan xuống tận xương hàm...

Long uất hận nhớ tới chuyến vượt biên gần 30 năm về trước...

Sau khi CS Bắc Việt phản bội hiệp định Genève, xua quân tiến chiếm hoàn toàn miền Nam VN - 1975, đặc ách thống trị độc tài, sắt máu lên toàn miền, khoảng một triệu người Việt đã trốn chạy chế độ CS bằng mọi phương tiện, phần nhiều là vượt thoát trên những chiếc thuyền gỗ mong manh, có gần nửa triệu người đã bỏ mình trên biển cả mênh mông vì phong ba bão táp, vì đói khát bệnh tật, hoặc bị hải tặc cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp... sự thống khổ không thể nào lường, để trả giá cho việc đi tìm tự do!

Thời gian 1978 - 1980, toàn dân miền Nam VN hầu như lên cơn sốt, trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng bàn chuyện vượt biên tìm tự do. Chế độ CS - Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc - mới được dân miền Nam thưởng thức một vài năm mà mọi người, ai cũng khiếp vía, ớn tận cổ qua hai cuộc đổi tiền ăn cướp xương máu của nhân dân, sáng mở mắt ra đã trở thành trắng tay! Qua những cuộc đánh tư sản mại bản, ếm quân đóng chốt ngay trong nhà, đục tường, khoét vách tìm của quí, qua những trận đánh công thương nghiệp, bắt bớ cho đi học tập, bắt đi kinh tế mới.

Miền Nam bắt đầu hưởng chế độ Hộ Khẩu - một cái khóa rất khoa học móc ngay yết hầu của người dân để kiểm soát hệ tư tưởng, một cái khóa ưu việt mà mọi người dân khốn nạn bắt buộc phải tuân thủ không vùng vẫy được! Mọi người bị cung cấp một số lượng gạo không đủ ăn, thêm vào một số bo bo với khoai sắn mốc meo để khỏi chết đói... Mọi quyền tự do bị tước đoạt, công an khu vực rình rập khắp nơi, thậm chí khi người dân nghe radio những đài ngoại quốc khi chiều đến cũng bị mời đi làm việc. Những buổi học tập tổ dân phố, xoi móc lẫn nhau, kiểm thảo nhau, phê bình và tự phê bình dưới sự kiểm soát cú vọ của tên công an khu vực và tổ trưởng dân phố!..

Dân chúng sống như ngồi trên đống lửa, cảm thấy cuộc đời sao mà như con cá nằm trong rọ, mất hết tự do căn bản của con người, chế độ CS thật đáng nguyền rủa; phải tìm đủ mọi cách để trốn thoát gông cùm CS, dù phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình - cột đèn mà biết đi thì cũng dông luôn!

Long cùng các bạn cũng mang tâm trạng đó, vào khoảng năm 1980, chàng và các bạn đứng ra tổ chức vượt biển. Long quyết định chọn Rạch Giá làm nơi xuất phát vì có người quen ở đó nắm vững địa hình. Long giao thiệp với chủ tàu, chuyến đi khoảng hơn 40 người, gồm cả đàn ong, đàn bà và trẻ con.

Long vừa ở trại tù CS ra được 2 năm, là huấn luyện viên Việt Võ Đạo, thiếu uý tác chiến, còn độc thân, 25 tuổi. Chàng rủ anh bạn láng giềng là Danh 22 tuổi, và cô em gái của Danh, tên Lan chừng 20 tuổi, cùng đi. Lan có sạp bán thuốc tây ở chợ trời Hàm Nghi. Lan, trước là sinh viên Luật, đẹp quyến rũ với thân hình cân đối và đôi mắt đa tình, Long hay trêu nàng là có đôi mắt biết cười lại thêm tiếng nói trong sáng, như reo vui mỗi khi nói chuyện cùng ai. Vì vậy, Lan giao thiệp rộng, thân hữu với mọi người, hay nói hay cười với tất cả, nên có nhiều người say mê, theo đuổi…
Long quen Danh, hay qua chơi nhà nàng và cũng để ý đến Lan như mọi người, không tránh được hấp lực của người con gái đó và lạ một đều là tất cả các chàng trai, ai cũng có cảm tưởng là mình là người duy nhất được Lan để mắt tới!

Danh phục vụ ở ngành cảnh sát, cũng ở tù cùng chỗ với Long nên hai người rất thân và hiểu nhau về tư tưởng chính trị. Thời gian dó, dân vượt biên, mỗi lần sắp đi, đều ra chợ trời mua thuốc chống say sóng - Nautamine và những xi rô ho có chứa phenergan hoặc có chất chống dị ứng, gây buồn ngủ! Vit C ngậm để chống khát cũng được dân vượt biên chú ý... Lan bán thuốc rất mát tay, người mua chỉ cần khai ra những triệu chứng thông thường là nàng có thể vừa định bệnh vừa ra thuốc luôn; phần đông khách chỉ uống một vài ngày là khỏi!... Miệng nàng lại tươi như hoa, ngọt như đường, khéo tán ra tán vào, nên các anh chàng không có bệnh cũng rán yêu cầu người đẹp bác sĩ bán cho một vài viên thuốc cảm, lấy lòng!

Bán thuốc vượt biên suốt ngày ở chợ trời, lại nghe bàn ra tán vào những chuyện đời sống tự do, sung túc của những người vượt thoát được và nhất là muốn trốn khỏi sư để ý, xin tiền, kìm kẹp, theo dõi hằng ngày của những tên công an khu vực, thuế vụ... Cuối cùng Lan móc nối được với một chủ tàu tận Rạch Giá; nàng kể cho Danh và Long nghe. Danh và Long móc nối với những gia đình tin tưởng được, mọi người mừng rỡ, sau nhiều lần bàn bạc họp hành, định ngày giờ mua bãi, thuê xế nhỏ, mua được một xế lớn Yanma 4 log đầu bạc, trữ dầu, lương thực và nước uống đầy đủ… Sau khi cùng nhau nạp tiền, mỗi người 5 cây vàng, Long và Danh hẹn người chủ tàu vào một tiệm ăn nhỏ ở đường Hàm Nghi nhậu một bữa và trao gần trăm cây vàng đựng trong một bao cát nhỏ cho người chủ tàu và con trai của ông ta.

Đến ngày ra quân, Long và các bạn về Rạch Giá, tổ chức thành từng toán nhỏ, ếm quân vào các nhà quen rải rác quanh bãi đáp, vào khoảng 9 giờ tối, các toán nhỏ lần lượt ra 2 ghe nhỏ (Taxi), di chuyển bí mật ra xe tải (tàu lớn), đậu cách xa ở cửa sông đổ ra biển. Tất cả hành khách đều được phủ lên người tấm lưới đánh cá, con nít đều cho uống thuốc ho có chứa Phenergan, ngủ say như chết. Hai chiếc ghe nhỏ đi qua trạm gác công an biên phòng mà không xảy ra rắc rối nào! Khoảng 12 giờ đêm, việc lên tàu lớn hoàn tất, sau khi kiểm điểm quân số đầy đủ, Long nói với tài công sắp đặt chỗ ngồi và ra lệnh xuất phát. Tiếng nỗ dòn của con tàu làm mọi người reo lên phấn khởi, Long phải nói lớn:

-Quí vị đừng vui mừng vội mà công an phát hiện, hãy chờ ra gần hải phận quốc tế rồi hãy la cho đã...

Mọi người vội nín bặt, nhưng trong nét mặt còn đầy vẻ phấn chấn, vui mừng.

Long và Danh chia phiên nhau trực với chủ tàu và tài công, cứ nhắm hướng tây bắc trực chỉ. Khi ra đến hải phận quốc tế, chàng báo cho mọi người biết, mọi người reo hò mừng rỡ, hy vọng chuyến hải hành sẽ trôi chảy, vài ngày nữa sẽ được quốc gia thứ ba tiếp đón và một thời gian sau sẽ được đi Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại v.vv.

Long đổi phiên cho Danh, chàng đi vội lại chỗ Lan và những người thân đang nằm ngồi nghỉ mệt, trong số đó có hai cô gái nhỏ 12 và 14 tuổi con bà chị chàng gởi theo chàng.

-Lan và các cháu có mệt lắm không? Long dịu dàng hỏi.

-Hơi chóng mặt thôi, nhưng em thấy thích lắm, bầu trời tuy đầy mây, tuy nhiên trăng vẫn đẹp, sợ gì anh; tàu mình đi gần được 24 giờ rồi phải không?

-Đúng rồi, hy vọng chúng ta sẽ an toàn đến nơi.

Nhìn đồng hồ dạ quang, Long thấy đã hơn 10 giờ tối, ngồi tán gẫu một chốc với Lan, bổng nhiên trăng khuất dần vào một đám mây đen, dày đặc ánh chớp, không khí dường như có hơi nước...
Chợt một làn gió thổi mạnh cùng mưa rơi ào ạt và mây đen vần vũ kéo tới, gió hất tung những tấm bạc che mưa nắng của đám người. Chủ tàu la lớn:

-Mọi người bình tĩnh, mau xuống hầm tàu tránh mưa, đừng xô đẩy nhau, mọi người đều có chỗ.

-Sao thời tiết biến chuyển nhanh thế, trời đang trong sáng mà! đúng là xui tận mạng, Danh lẩm bẩm.

Sau một vài giờ bị nhồi bởi những cơn sóng to, gió lớn; một số người ói tới mật xanh mật vàng. Con thuyền mong manh đi giữa lòng đại dương tối như mực, quay như chong chóng, không biết đâu là bến bờ!

Khoảng trưa hôm sau, con tàu bị tắt máy, mặc cho dòng nước cuốn trôi, không định được hướng, đàn ông vừa lo tát nước, vừa lo sửa lại máy.

Chợt người tài công, nét mặt hớn hở chỉ tay về hướng tây bắc; Long và Danh thấy xa xa một chấm nhỏ màu đỏ da cam đang xuất hiện và dần dần lộ ra là một con tàu nhỏ đang hướng mũi phóng nhanh về phía hông trái con tàu mình. Danh nhì kỹ, la lớn:

-Không phải tàu cứu đâu, coi chừng, bọn hải tặc đó!

Mọi người xanh mặt, ép chặt vào nhau.

Con tàu màu cam đỏ hiện nguyên hình với đám hải tặc độ 10 tên mặt mày hung dữ, ở trần trùng trục, có tên xâm mình kỳ dị, có tên ăn mặc rằn ri; chúng võ trang bằng dao, búa, rìu, chỉ có hai tên có súng dài... Chúng nó lên một lượt, đồng thời cho mũi tàu đâm ngang hông tàu vượt biên làm thân tàu móp vào, mọi người la hét, té dồn cục! Bọn hải tặc đồng loạt nhảy qua phá máy tàu, chọc thủng hông cho nước tràn vào, bắt tất cả đàn ông trai tráng dồn vào một phía trói lại từng người; đàn bà, con gái và trẻ em chúng lùa về một phía. Chúng bắt đầu lục soát, lấy tiền, thu đồng hồ, nhẫn vàng v.v… Khi lục soát đàn bà con gái, chúng cười đùa hô hố và sờ soạn ngang nhiên... có lẽ bị kích thích trong khi sờ mó, chúng chia nhau hiếp dâm đàn bà tại chỗ. Trực, tên người đàn ông có vợ đang bị hải tặc làm nhục, la to lên một tiếng và cố vùng đứt sợi dây trói, bị một tên hải tặc đứng gần đó, đánh mạnh một búa vào đầu, quằn quại chết tại chỗ! Bọn chúng bị tức giận theo phản ứng dây chuyền, dùng búa và dao múa loạn xạ, muốn giết những đàn ông còn lại, tiếng la hét, rên khóc nỗi khắp nơi...

Long và Danh ra dấu cho nhau nhận định, nếu để chúng bắt trói thì chúng cũng cắt cổ như gà mà thôi, vì vậy hai người đứng nép sau đống giây thừng to lớn, sẵn sàng chiến đấu.

Hai vợ chồng được cứu thoát sau khi bị hải tặc tấn công


Long nắm chặt cán dao găm, mắt như toé lửa nhìn chiếc gáy một tên hải tặc to lớn đang tiến lại dần về phía Lan. Mắt chàng như bị thôi miên, nhìn hình xâm hai con mãng xà vương, bò từ chiếc lưng như tấm phản lên chiếc cần cổ to như cổ con bò mộng, quyện lấy nhau và cùng bò ra phía cằm... Hắn đi lại phía Lan, nhìn hau háu vào ngực nàng, nhanh nhẹn vồ lấy, vật nàng xuống đất và cúi xuống... Lan hét lên một tiếng thất thanh cùng lúc với tiếng thét của Long, chàng phóng người như chiếc lò xo bật, từ chỗ nấp ra, hoa dao đâm mạnh vào lưng trái của tên cướp; tên nầy bỏ vội Lan ra, xoay người lại, hụp người né lưỡi dao, đồng thời chân phải quyết ra một cước nhanh như gió. Long bung người lên tránh cú đá quét, đồng thời quay người như con vụ từ trên không, chuyển dao từ tay phải sang tay trái trong bài Nhiếp Hồn Đao lợi hại và đắc ý nhất do vị sư phụ người Nùng truyền dạy; đường dao nhanh như chớp quét ngang yết hầu tên hải tặc. Tên nầy vội ngữa mặt ra sau tránh, nhưng cũng bị lãnh một nhát từ gò má cho đến cằm, máu tuông xối xả, ngã rầm xuống như trái mít rụng. Bọn hải tặc như ngớ ra trước phản ứng ghê gớm của Long, chúng la to một tiếng và vội vàng đến vực tên chỉ huy dậy đồng thời vung búa loạn xạ. Long để ý thấy chúng không kịp bắn viên nào vì súng dài khó xoay xở, chàng phóng con dao vào một tên cầm súng đang loay hoay cách chàng 2 thước, mũi dao cắm vào sườn trái của nó, nó thả vội súng, hai tay ôm lấy vết thương. Cạnh đó, Danh đang dùng một thanh gỗ dài, cạnh vuông bằng gỗ trắc dồn tên hải tặc vào một góc gần đó, đồng thời đá khẩu súng đến cho Long. Long chộp lấy, lên đạn và bắn chết một tên đang hoa búa giết người, đồng thời bắn một tràn ngang về phía chúng. Bọn hải tặc lo sợ cuống cuồng, vội ôm viên chỉ huy về lại tàu. Long nhắm tên cầm súng dài còn lại, bắn một phát vào tay nó, bay luôn cây súng xuống bể! Chàng lại bắn vào buồng lái và nhắm hông tàu hải tặc bắn thêm một tràn ở phần chìm dưới mặt nước làm thủng nhiều lỗ và con tàu khựng lại...

Danh, Long, chủ tàu và tài công vừa sửa máy tàu, vừa cấp cứu những người bị thương. May mắn thay, con tàu nổ máy lại được. Long nói với tài công cho con tàu chạy hết tốc lực, dời xa chỗ cũ, vì chàng biết nếu bọn hải tặc quay lại với súng ống đầy đủ thì tất cả phải đành bỏ mạng sa trường!...
Mưa bão lại ầm ầm như trút nước, trời đất như tối sầm lại, cũng nhờ vậy, sau một lúc thì không thấy tăm dạng con tàu hải tặc đâu nữa. Danh và Long cùng chủ tàu lo việc cầu siêu và thuỷ táng cho những người bị sát hại, tiếng thi hài quăng xuống bể cùng tiếng khóc nức nở của thân nhân làm mọi người xót xa ruột gan.

Con tàu trôi lênh đênh vào vùng bờ biển Malaysia, khoảng ba bốn ngày sau, mọi người đều hầu như kiệt sức, say sóng, nôn mửa khắp nơi, thức ăn cạn kiệt, nước uống khan hiếm, có nhiều người bắt đầu khuyên nhau để dành nước tiểu của mình để uống sau nầy... Tất cả dường như tuyệt vọng, có một vài con tàu ngoại quốc đi ngang qua, nhưng không một chiếc nào ngưng lại cứu giúp! Chiều ngày hôm đó, may mắn thay, một con tàu của ngư phủ Malaysia trên đường quay về bờ, đi ngang thấy con tàu bị nạn, cặp vào giúp đỡ, sau đó con tàu được kéo vào đảo Pulau Bidong. Sau khi cấp cứu, làm thủ tục, tất cả mọi người đều được cho định cư ở đảo, và sau một thời gian dài, mọi người được thanh lọc và dần dần cho định cư ở nước thứ ba...

Cảm ân cứu mạng của Long, và thật ra Lan cũng để ý chàng từ lâu, hai người thành hôn sau khi đến Mỹ. Tuy nhiên ấn tượng kinh hoàng do bọn hải tặc gây ra và cảnh bị tên hải tặc to lớn chộp lấy và sắp làm nhục mình, đã làm Lan hốt hoảng, thỉnh thoảng la hét lúc về đêm...

Đang miên man suy nghĩ, nhìn sang bên cạnh, thấy người khách la to lớn tiến đến quầy để trả tiền, Long ý tứ, nhẹ nhàng đứng lên cũng đến quầy, đứng ngay sau lưng người đó, cố giữ một khoảng cách hợp lý tối thiểu và cố ý nương nhẹ hơi thở. Người lạ hình như không để ý gì đến chung quanh, tuy nhiên, với dáng người to lớn và con mắt đỏ ngầu hung ác, khi y quét nhìn ai, cũng làm cho người ta khiếp sợ. Từ phía sau lưng, gần trong gang tấc, Long dữ dội nhìn kỹ hình hai con rắn giao nhau trên cần cổ kẻ thù, tuy nhiên, chàng cố gắng kìm hơi thở đang trở nên dồn dập; vận công nén xuống đan điền và làm cho tia nhìn dịu đi; tránh nhân điện của mình làm nhột gáy đối thủ- một tay giang hồ lão luyện!

Tên kia sau khi trả tiền, xoay mình tiến ra phía cửa đi về phía parking lot, di động thân hình nhẹ như cơn gió thoảng. Long vội trả tiền, thấy nó đã lái xe đi, chàng nổ máy chiếc xe cũ kỷ rượt theo.

Nhìn thấy bóng dáng chiếc Mustang thể thao màu đỏ chạy nhanh như sao xẹt vừa vượt qua đèn vàng trước mặt, Long rú hết ga chiếc Truck già nua, quyết rượt theo... một tiếng rầm khốc liệt vang lên, chàng vừa vựợt đèn đỏ và bị một chiếc xe Van chạy ngang đụng một cái như trời giáng vào sườn xe. Trong cơn hoảng hốt, bị văng vào thành xe đau điếng, chàng lại thấy chiếc Mustang kia quay lại và tên hải tặc nhảy ra cửa xe, chạy nhanh đến Long, tung người lên, nhắm người Long đá một cái như trời giáng; giật mình, Long đưa tay gạt mạnh một cái...

... Tiếng rơi của ly café xuống mặt bàn đánh xoảng một tiếng lớn làm Long giật mình, chàng mơ màng, trống ngực đánh thình thịch, mồ hôi toát ra như tắm..Nhìn kỹ những mảnh thuỷ tinh long lanh sáng của ly café đã vỡ tan, Long chợt tỉnh hẳn, à thì ra đây chỉ là một cơn ác mộng - Chàng chợt mĩm cưòi, không phải là giấc mộng công danh phù vân trong 30 năm của đời người:

...Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín...
(Giấc mộng kê vàng)

...Nhưng đây chỉ là những phản xạ từ vô thức, những u uất bộc phát từ những ấn tượng kinh hoàng đã trải qua của những người dân không thể sống dưới một chế độ độc tài đảng trị, phải đành bỏ nước ra đi, lênh đênh trên biển cả, rừng sâu, để đem thân làm mồi cho cá mập, hổ dữ và cho những đoàn hải tặc Thái Lan man rợ chém giết, hiếp dâm ...

Long càng tức giận vì nhà nước ta chẳng những không có một ý kiến gì về những vi phạm nghiêm trọng đối với sinh mạng, của cải của người dân mà hình như còn cổ võ, xúi dục những hành động man rợ đó của ngoại bang, mong mượn tay của chúng giết cho hết đi những tên phản quốc, bỏ nước ra đi; những tên phản quốc đó, sau nầy, chúng trơ trẽn gọi lại là những Khúc Ruột Ngàn Dặm. Khúc ruột đó đã vô hình chung cứu chúng khỏi bankruptcy trong thập niên 90, khi họ gởi tiền về giúp thân nhân đang bị chúng bóc lột.

Nhờ khúc ruột ngàn dặm đó mà sau nầy cứ hằng năm, những khúc ruột lại đi tham quan, du hí trong nước, đem hàng tỷ bạc nuôi sống chúng, nuôi tập đoàn lãnh đạo cũng cố quyền lực để tiếp tục sống bóc lột trên đầu trên cổ đám dân đen! Những khúc ruột ngàn dặm đó đã quên đi những tháng năm sống trong những trại tù lao động khổ sai làm thân nô lệ, đã quên đi những tự do nhân bản bị cướp đoạt và đã quên đi ngay cả danh từ phản quốc mà chúng đã ép buộc, móc ngay trên cần cổ bản thân mình và người thân!

Long thở dài, nghĩ đến Lan, nghĩ đến giây phút kinh hoàng suýt bị tên hải tặc to lớn vùi dập, nghĩ đến Trực, người đàn ông phản kháng khi vợ bị làm nhục, bị bọn hải tặc dùng búa sát hại, nhiều và nhiều nữa những nạn nhân giẫy chết trên biển cả! Long tiếc cho vương quốc Việt Nam hùng mạnh dưới triều vua Minh Mạng, lúc đó Thái Lan (Xiêm La), chỉ là một nước yếu, hằng năm phải triều cống nước ta.

Ngay trước năm 1975, Thái Lan cũng chỉ là một lân bang hiền hoà, sống với nhau cũng có thể nói là rất bình yên; thế nhưng khi bọn CS tiến chiếm toàn cõi miền Nam, mọi sự đảo lộn...tự do mất hết...vật đổi, sao dời!!!

Tôn Thất Sang

Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn