BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77537)
(Xem: 63340)
(Xem: 40788)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện một lá cờ

16 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 1708)
Chuyện một lá cờ
54Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.45
Chuyện ngày xưa, ngày ấy xa thật xa, ngày tôi còn nhỏ vào khoảng bảy hoặc tám tuổi, vào mỗi cuối tháng, nếu tôi học được xếp hạng cao thì ba tôi thường chở tôi trên chiếc xe Mô bi lét cũ kỹ từ trên Thành xuống Thị xã Nha trang để xem chiếu bóng. Vào thời ấy tôi rất thích coi phim thần thoại Ấn độ, loại phim này thời ấy rất thịnh hành. Tôi mê ông thần khổng lồ với cái bụng thật bự bay lơ lửng trên không, mê anh tài tử chính đứng trên tấm thảm thần bay vù vù, để trừ gian diệt bạo...Nếu tôi nhớ không lầm thì những năm 59 hoặc 60 những rạp chiếu phim ở Nha trang vẫn còn phải chào Quốc kỳ, rồi sau đó đến bài hát Suy tôn Ngô Tổng Thống, trước khi vào phim chính, trong những lần như thế đối với thằng bé như tôi thật là không lấy gì hứng thú chỉ mong cho chóng hết để vô phim chính. Tôi nhớ có những rạp hát thì lá Quốc kỳ phất phơ trong gió trông như thật, còn riêng rạp Tân tiến chiếu phim Ấn độ thì thật là cẩu thả lá Quốc kỳ bằng hình vẻ cứng ngắt, màu vàng thì úa ra, bài Quốc ca thì có lẽ đã thu từ thời Xuân Thu chiến quốc với cái cô ca sĩ tôi không rõ tên cùng giọng hát nhão nhẹt như bị ai bóp cổ.Tuổi thơ của tôi với những sáng thứ hai, những thằng bé lớp Nhất ở trường Phương Sài - Nha trang, cố gắng học để có điểm cao rồi thật hãnh diện được đại diện cả trường ra kéo lá Quốc kỳ cho cả trường đứng nghiêm ca bài Quốc ca, cho cả tuần lễ học sau đó. Như thế tuổi nhỏ của tôi hình ảnh lá cờ, với hình ảnh ông thần Ấn độ bụng to, tiếng hát buồn thảm của cô Ca sĩ ở rạp chiếu bóng, xen lẫn niềm vui học trò của sân trường Tiểu học ngày xưa, lá cờ như kỷ niệm một phần đời rời rạc chấp nối theo tôi lớn dần, cho đến năm 1963, sau khi Ông Diệm ra đi, mỗi lần xuống Nha trang coi phim, thì không còn có màn chào Quốc kỳ, và dĩ nhiên cũng không còn có màn hát bài Suy tôn Ngô Tổng Thống, và hình như đã quen dần nên tôi vẫn thấy mình như nhớ nhớ, lá cờ ấy và cả giọng hát buồn thảm của cô ca sĩ...




Vào những năm Trung học, trường tôi không có chào cờ buổi sáng thứ Hai, tuy sân trường vẫn có lá cờ bay phất phới trong những ngày nắng đẹp hay rũ buồn vào những ngày mưa dầm và nó vẫn cứ nhởn nhơ nhìn chúng tôi và bạn bè lớn dần theo tuổi học trò với sự hồn nhiên và đầy ước mơ vào ngày mai.Thế rồi thời gian trôi đi như thoáng mây bay, lá cờ thời thơ dại, thời học trò trôi đi, đất nước nổi trôi vào cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, bao nhiêu bạn bè tôi lần lượt giã từ tuổi học trò ra đi để cố giữ lá cờ còn được bay mãi trên sân trường ngày thơ, và tôi cũng không ngoại lệ.Vào Quân đội như bao lớp bạn bè, rồi từng ngày tháng miên viễn, qua từng miền đất nước, tôi đã từng đi qua những thôn làng buồn hiu, tiêu điều sau những trận đánh mà đơn vị tôi góp mặt, để ngẩn ngơ nhìn lá cờ, buồn ủ rũ trên nóc Giáo đường loang lổ hay cô đơn trơ trọi trên những đồn Ấp tan vỡ sau trận đánh chiều qua... Những lá cờ lúc ấy như có linh hồn, như đang chịu đựng, như nhẫn nhục giữa những vết đạn thù như những nhục nhằn oan khiên đang dày xéo trên Quê hương.

Cũng có những lần tôi nghe lòng mình ấm lại, nghe nỗi hân hoan tận cùng trong hồn mình, khi biết các anh em của mình đang dựng lại ngọn cờ trên Phú vân Lâu (Huế), và hãnh diện, sung sướng khi nghe tin anh em chúng mình đã giữ vững được ngọn cờ ở An Lộc, ở Kon Tum, rồi ngọn cờ đã tung bay trên cổ thành Đinh Công Tráng... và cũng xen lẫn sự đau đớn xót xa vì biết anh em chúng ta cũng đã phải trả một giá thật đắt, anh em chúng ta đã nằm xuống để ngọn cờ được lên cao, và lá cờ ấy cũng đã phủ lên hình hài tan vỡ không nguyên vẹn của chúng ta, nó cũng đưa tiễn anh em chúng ta về với cát bụi cuối trời.

Lá cờ ấy đã nổi trôi cùng tôi, cùng anh, cùng chị qua từng thăng trầm của cuộc sống, của đất nước và bây giờ nơi xứ người vẫn còn lá cờ nơi chúng ta ?!

Bây giờ nơi xứ Việt, có còn bao nhiêu người của một thời quá khứ có còn nhớ đến lá cờ vàng đã qua ?! Vì ngay cả Thành phố, những con đường đã bao lần đổi tên, đã bị quên dần theo ngày qua, huống chi lá cờ của một thời, một chế độ đã mất !

Bên này, đôi khi có những ngày rất nắng, thật đẹp trời, những ngày hội lớn, tôi cũng đã nhìn lại được lá cờ vàng, cả một rừng cờ vàng lung linh trong nắng, tung bay nơi xứ lạ quê người, ô hay sao lòng mình dửng dưng thế, tôi chưa tìm thấy niềm rung động, chưa thấy những dịu dàng của thời tuổi nhỏ, của tuổi học trò, của tuổi một thời ngang dọc xa xăm…

Cả một rừng cờ vàng nơi xứ sở xa lạ này, tôi vẫn thấy lá cờ hình như cứ cô đơn, lạc lõng, như rũ buồn hơn cả lá cờ trên nóc Giáo đường ngày xưa.

Và cùng màu thời gian nhạt phai theo tháng ngày, lá cờ vàng trong tim tôi vẫn còn đó, nhưng màu vàng ngày xưa đã ngã màu xám dần theo tuổi đời chồng chất, bây giờ thỉnh thoảng nơi chốn quạnh hiu tôi đang sống, tôi có đọc đôi dòng chữ của một vài bài viết về chuyện lá cờ vàng ngày nào, rồi lại chuyện về lá cờ vàng ngày xưa, (Cho tôi được gọi là chuyện ngày xưa) vì đã 36 năm rồi còn gì ?! Lại chuyện một lá cờ được dựng lên ở một nơi nào đó ở Quê hương ngày cũ, rồi anh em chúng mình kẻ nhớ người quên, rồi tranh cãi, rồi cắn đắng nhau, ô mà lạ kìa tôi nào có thấy lá cờ vàng trên Quê hương, chỉ thấy cờ đỏ bao phủ tang tóc cả xứ Việt, mà nơi đây anh em chúng mình cứ hờn giận cùng nhau, bây chừ họa chăng có ai còn mơ về xứ Việt, thì sẽ còn mãi là cờ vàng trong tim, hãy cố gắng gìn giữ đừng để phai màu hy vọng, mai này cố gắng mang lá cờ vàng về dựng lại nơi chốn xưa, thế có phải đẹp lắm ru, các anh cố lên nhé, tôi nhất định sẽ theo về để treo lại lá cờ nơi phố cũ trường xưa...

MX Nguyễn đức Hùng


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn