BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73493)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

30.4.1975, 24 giờ cuối cùng và trong thơ

01 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1115)
30.4.1975, 24 giờ cuối cùng và trong thơ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Xin tóm tắt vài sự việc xảy ra trong khoảng 24 giờ từ chiều 29 đến chiều 30 Tháng Tư trước khi chúng ta đọc những vần thơ với đề tài 30 Tháng Tư.

Cuốn sách sớm sủa nhất viết về những ngày, và giờ chót, của Việt Nam Cộng Hòa là của sử gia Nguyễn Khắc Ngữ (1). Dưới đây là một trang tóm tắt theo lời tác giả, chỉ những chữ trong ngoặc vuông [...] là của người viết bài này: Giờ chót của Việt Nam Cộng Hòa.








Một số tuyển tập thơ văn phong phú tại hải ngoại. (Hình: Viên Linh)

“Sáng ngày 30 tháng 4, 1975, Dương Văn Minh [tổng thống], Vũ Văn Mẫu [thủ tướng] và những người thân cận của ông đã có mặt đầy đủ tại phủ thủ tướng tại đường Thống Nhất thì một sĩ quan vào báo cáo cho biết rằng cuộc di tản của người Mỹ đã chấm dứt. Lý Quý Chung, người được cử làm tổng trưởng thông tin góp ý kiến:

“Bây giờ là lúc chúng ta phải ra thông cáo.”

“Từ chiều hôm trước [anh ta] đã đưa ra ý kiến phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay nhưng Dương Văn Minh không chịu... Thích Trí Quang cũng đã gọi điện thoại... Dương Văn Minh vẫn còn do dự và nói rằng nếu ông đầu hàng thì mọi người sẽ kết án ông. Sau đó Dương Văn Minh trao điện thoại cho Vũ Văn Mẫu để Mẫu nói chuyện với Thích Trí Quang.”

“Mẫu nói sẵn sàng đầu hàng nhưng MTGPMN phải chấp nhận hai điều kiện [...]”

“Nguyễn... [Việt Cộng] theo dõi câu chuyện giữa Trí Quang và Vũ Văn Mẫu, bảo Trí Quang rằng: ‘Bây giờ thì không kịp nữa rồi. Cuộc tấn công vào Sài Gòn đã bắt đầu. Chỉ đến trưa nay, MTGP đã có thể có mặt tại Sài Gòn.”

“Trước tình thế này Dương Văn Minh không làm gì hơn được, nên phải nghe Vũ Văn Mẫu và Lý Quý Chung: ra tuyên cáo đầu hàng. Tuyên cáo được thâu băng ngay ở dinh thủ tướng và được một sĩ quan đem đến cho phát thanh ở đài phát thanh Sài Gòn, vào lúc 9 giờ sáng.” (Những ngày cuối cùng, chương 26, tr. 365-366)

“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu vãn sinh mạng của đồng bào. [...] Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi đang ở đây chờ gặp đại diện chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh đổ máu vô ích của đồng bào.”

Bản tuyên cáo ấy không được VC chấp nhận, vẫn theo nội dung sách Nguyễn Khắc Ngữ viết tiếp như sau:

“Vài giờ sau, một chiếc xe tăng ủi vào cổng dinh Độc Lập tiến vào, mặc dù cổng đã mở sẵn và không có canh gác. [...] Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng nói khi gặp chính phủ DVM: ‘Các anh đã bị bắt. Không có chuyện bàn giao gì cả.’

“Trung đoàn phó Trung Đoàn 66 đòi Dương Văn Minh phải tới đài phát thanh ra lệnh ‘đầu hàng vô điều kiện’ngay tức khắc. Họ đưa hai ông Minh, Mẫu ra đài phát thanh đường Phan Đình Phùng.” (Sđd, tr. 371-372)

Tại đài phát thanh có hai người nói:

1. “Tôi, đại diện lực lượng GPMN, đơn vị đã chiếm dinh Độc Lập và chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Dương văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn.”

2. “Nhân danh tổng thống VNCH, tôi, Đại Tướng Dương văn Minh, kêu gọi toàn thể Quân Lực VNCH hãy bỏ súng và đầu hàng vô điều kiện với QĐGPMN. Tôi tuyên bố giải tán tất cả các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương.” (2)

Nhiều sách sau này, kể cả bộ Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy do Nam Á xuất bản ở Paris, 6 cuốn khổ lớn, dày 3930 trang, cũng trích dẫn các đoạn trên. Đọc đi đọc lại, người ta thấy các hàng tướng, các chính khách bàng môn tả đạo, đi đi lại lại theo sự chỉ dẫn của một anh Việt cộng nằm vùng, liên lạc viên của địch.

Thơ Tháng Tư

Một nhà thơ Việt Nam ở Pháp đã viết một cách cụ thể, lược thuật và mô tả các biến cố cận đại thành một truyện thơ:

Lệnh truyền buông súng...

Lệnh truyền buông súng Nam quân
Mơ màng liên hiệp giải phân một nhà
Cộng đáp ứng chiến xa vụt tốc
Tung cửa dinh Độc Lập cán vô


Mượn danh giải phóng treo cờ
Miền Nam thất thủ xanh mồ hờn căm


Ba-chục-Bốn-Bảy-Lăm đen tối
Tay níu tay bộ đội véo von
Chí Minh giải phóng đường mòn
Dép râu nón cối Sài Gòn từ đây.
(Kiệt Tấn, Việt Nam Thương Khúc, trường thi, tr.104-105, An Tiêm xb, Paris 1999) (3)

Nón sắt, giày sô, vất dọc đường...

Tháng Tư, vợ ngóng chồng đầu ngõ,
Nón sắt, giày sô, vất dọc đường
Mưa sớm khai mùa, tuôn xối xả,
Đất trời cũng xót động tai ương!


Thương binh lê lết - ra y viện,
Tà quyệt nào tha phận tật nguyền...
Đơn vị rã hàngj, tàn chinh chiến
Hỏi người nhân đạo với nhân danh?


Có người lính trẻ không buông súng
Ngẩng mặt hiên ngang trước kẻ thù
Thà ngã dưới cờ, tròn danh dự,
Dày trang sử Việt - sáng thiên thu...
(Diên Nghị, Tháng Tư) (4)

Tháng Tư tướng chết theo thành

Tháng Tư ôm nhau khóc òa
Trưa 30 ấy lệ nhòa sử xanh
Tháng tư Tướng chết theo thành
Tháng tư Tướng lại nỡ đành bỏ quân?
Tháng Tư dời đổi... trầm luân
Neo thuyền Do Thái bỏ nguồn nưổc trôi...
Tháng Tư nhớ tích dân Hời
On tim rớm máu ngàn đời đớn đau
Tháng tư ngụm nước chia nhau
Chia từng tủi khổ nhục sầu Biển Đông
Mỗi năm truy niệm âm hồn
Ngoài Rằm Tháng Bảy Nhớ Còn Tháng Tư.

(Lê Nguyễn, Tháng Tư ơi!) (4)

Những đoạn thơ tháng tư khác trích đăng dưới đây xin khỏi phẩm bình. Chúng tôi cũng chỉ trích đăng những bài xuất hiện sớm sủa nhất, từ 1975 đến 1985 là chậm nhất. Gồm cả những đoạn thơ về vượt biển, tù đày, và lưu vong.

Khi Mỹ chạy, bỏ Miền Nam cho cộng sản
Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than...
Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn.
(Ngục Sĩ, Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, tr.31, 1980)

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng tư

(Thanh Nam, Đất Khách, 1985)

Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.
(Viên Linh, Thủy Mộ Quan, Thời Tập XB, 1982)

Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng tư máu chảy một trời sương tan.

(Viên Linh, Tuyển tập Thơ Văn VNHN, tr. 274, Sông Thu XB, 1985)

Những câu thơ trên là những lời tổng quan, phát xuất như những lời than, những tiếng kêu, rất ngắn gọn, trích từ những bài thơ dài.

Bỏ đơn vị gia đình
Thoát thân bố chạy trước
Tên trung tá đào binh
Cắm đầu giông khỏi nước.
(Nhất Tuấn, sách trên, tr.112)

Vẫn còn đó những con thuyền mục nát
Những con người bầm giập vỡ niềm tin
Vẫn còn đó biển vô tình tàn ác
Nhiều xác người tan tác giữa trời quên.


Vẫn còn đó nụ cười điên hải tặc
Những mũi dao đâm lút thị da tươi
Những thô bạo trên ê chề thể xác
Bao hồn trinh thảm thiết khóc thương đời.
(Hà Huyền Chi, Tuyển tập Thơ Văn VNHN, tr. 56, Sông Thu XB 1985)

Sau những bài viết về Tháng Tư, tìm đọc lại những cuốn biên khảo về thời thế hay các tuyển tập văn chương, tôi xin mượn một câu đã đọc đâu đó để cảm ơn chung những tác giả đã có thơ văn trích dẫn để viết nên bài này, xin diễn ý: “Bất cứ người đọc nào cũng sẽ cần nhìn nhận món nợ nơi những nghiên cứu của các sử gia, các chủ bút, các nhà ngôn ngữ và ngay cả kiến thức thời thế làm nên sự hiểu biết của họ, khi họ đọc văn thơ lịch sử.” (5)

Viên Linh

Nguồn Người Việt




Chú thích:

1. “Những Ngày Cuối cùng của VNCH,” Tủ sách nghiên cứu Sử Địa, Toronto, 1979. Dày 432 trang, bìa cứng. Tác giả Nguyễn Khắc Ngữ sinh năm 1935 tại Duyên Hà, Thái Bình, học trung học Lê Quí Đôn tại tỉnh nhà, tị nạn Cộng Sản lần thứ nhất năm 1954, nhập ngũ khóa 21 SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, ra trường phục vụ trong binh chủng Không Quân. Ngày 30 tháng 4, 1975 rời Việt Nam, định cư tại Montreal, Canada và lập gia đình tại đây, có một con trai. Anh mất vì ung thư dạ dày năm 1992.

2. Saigon, The Historic Hours, Vietnam Courier, N. 36, 5.1975.

3. Việt Nam Thương Khúc là một trường thi rất công phu dài tới 124 câu của Kiệt Tấn, một nhà văn nhà thơ có tác phẩm đầu tay do Sáng Tạo xuất bản tại Sài gòn từ 1966, nhan đề “Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá.” Ông tên khai sinh là Lê Tấn Kiệt, sinh năm 1940 tại Bạc Liêu, cư ngụ tại Pháp từ thời trai trẻ đi du học.

4. Võ Đức Trung, 1/4 Thế kỷ Thi ca VNHN, Paris, 2002.

5. “Any [reader]should recongnize the debt he owns to the researches of the historians, editors, and linguists, and he sould recognize, too, that his reading will make demands upon his own histocical knowledge of his ability to acquire it.” (Ed. W. Rosenheim, Jr., What Happens in Literature, U. of ChicagoPress, 1st editin, 1961)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn