BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73432)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lảng Đảng Bước Tù

07 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1473)
Lảng Đảng Bước Tù
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ảnh minh họa


Trời gay gắt nắng, con nắng tháng ba trên vùng núi Nam Hà, nắng trên trời ụp xuống, nóng trong núi đá bốc lên, cây rừng còn héo lá, vậy mà nó vẫn bước, tay cầm sợi dây bằng loại mây rừng, vừa đi vừa kéo bó củi được buộc tròn cẩn thận bằng mấy nuộc dây mây, gồm khoảng mười lăm cây bưởi rừng to gần bằng cổ chân. Hình như nó không còn nhìn thấy con nắng như soi rọi, như thiêu đốt, da tay nó đen dòn, chắc là nắng nóng khó ăn da nó nhiều hơn được nữa, nó bước đi chầm chậm, miệng ư ử ca, nghe nó ca người bị nghe sẽ phải khổ lắm, vì giọng ca của nó tựa như âm thanh của lò rèn, giọng thì ngang ngang, nhiều khi nó nhái giọng Út Trà Ôn, nó rống thật lớn, như sợ giọng ca của nó núi rừng không nghe được, dù chỉ trong một câu vọng cổ mà nó ca không biết bao nhiều lần trên vùng núi Nam Hà nầy.

“ Mẹ ơi! Nhìn cờ đỏ tung bay trên nền trời đất Việt mà cõi lòng con thêm hối hận dâng …tràn Giặc đã về đây thì sự thế đã muộn màng…"

Nó chỉ ca tới đây rồi ngừng, chốc chốc lại ca tiếp, cũng bao nhiêu chữ đó, đã bao lần, phó quận Đức, người bạn tù chung toán tiều phu với nó càm ràm cưỡi rưỡi khi nghe nó ca.

- Điếc con ráy quá Ròm ơi, mày khép mỏ lại cho tao nhờ, mày không ca không ai nói mày câm…mày cứ “ dọng cổ” tao hoài, khổ quá...

Anh Đức rất thương nó, không phải chỉ mình anh Đức thương nó mà cả đội ai cũng mến nó, có lẽ tại vì nó nhỏ tuổi và thấp cấp bậc nhất trong đội, nó lại rất biết điều trong cảnh sống chung đụng hàng ngày, chung đội với các bậc đàn anh, đáng tuổi anh, chú của nó, vai vế trong quân đội cũng là cấp chỉ huy của nó, dù mệt nhọc thế nào nó vẫn giữ được hòa nhã với mọi người…

Nhiều lần đi ngang qua khoảng cây trống, nó hướng mắt nhìn về phương Nam, đứng yên nhìn bằng đôi mắt thật buồn, thằng đàn ông con trai gì mà có cặp mắt thật buồn, lông mi dài cong, nó cũng thường tâm sự, ngày còn ở đơn vị, những người bạn gái nó quen được cũng đều là những cô từng bị nó hốt hồn bằng đôi mắt u buồn đó. Có cô còn nhận xét:

- Đôi mắt của anh…hình như biết nói.!

Từ ngày các trại tù cải tạo miền Bắc đóng cửa, tất cả tù từ các trại Vĩnh Phú, Hà Tây, Tân Kỳ, Thanh Phong…đều di chuyển về Nam Hà, sáu năm ở trại Hà Tây, nó quen với cảnh đồng bằng, bây giờ chuyển lên vùng núi, nó nhìn cái gì cũng thấy lạ, trong đội rau chuyên trồng bí ngô( rợ), nó và anh Đức tương đối còn có sức nên được quản giáo cắt cử lên núi đốn củi, toán làm củi được cấp phát mỗi người một con dao rừng, một loại mã tấu lục nhầy, sáng nào nó cũng phải tìm tảng đá cứng để mài…gươm, ngày xưa Đặng Dung mài gươm chờ ngày phục quốc, còn nó mài gươm…

Hôm đầu tiên lên núi, buổi sáng sương mù còn lãng đãng chưa tan hết, đứng dưới chân núi nhìn lên, nó phát ngán, núi cách mặt đất khoảng sáu bảy chục thước nhưng từ chân tới đỉnh, cây làm củi được đã bị các tù đàn anh đốn sạch hết, đá buổi sáng thấm sương trơn ướt, bước sơ ý dễ bị trợt ngã, cái gì mới cũng thấy khó khăn, từ bé tới giờ nó mới leo núi lần đầu tiên, thì hỏi sao không bở ngở được.

Hơn một giờ cắt rừng đến được hiện trường lao động, nó đã thấy mệt phờ râu, buổi sáng sớm, nắng chưa lên cao, sương mù còn quẩn quanh đầu cây ngọn cỏ, nó để túi xách tay đựng phần gạo trưa vào trong một lều quen thuộc mà nó, anh Đức và anh dân biểu Trứ đã” xí “ khi lần đầu đội của nó được điều đến đây lao động. Dùng chữ xí ở đây là xí phần, vì dựa theo chân núi, dưới những tàn cây cao có nhiều bóng mát, nhiều nhà chòi được các tù ở trước dựng lên rất đẹp, hình thức giống như các lều quán dọc theo xa lộ Biên Hòa trước năm 75, lều Gió, Lều Bé Năm, lều Mộng… để cho các cặp tình nhân từ Sài Gòn dẫn nhau lên đây tìm chỗ kín đáo hú hí, mỗi lều rộng vừa đủ kê một ghế đôi và một bàn con dùng để nước uống,dĩa trái cây, thuốc hút…Lều ở đây được anh em làm rất công phu bằng mây rừng, với 4 cột trụ và sườn bằng cây rừng cở cổ tay, mái lợp xuôi cũng bằng mây rừng, trong có sàn đủ một người nằm cũng kết bằng mây rừng, ngoài khả năng sáng tạo, anh tù làm lều còn có đôi mắt thẩm mỹ.Nó và Anh Đức trong tổ củi phải lên núi, Anh Trứ trong toán trồng và chăm sóc bí ngô nên mỗi trưa anh có nhiệm vụ nấu nồi cơm, thức ăn ngoài muối mè hay muối đậu, những gì tôi và anh Đức trong lúc đốn củi, kiếm được sẽ mang về sau.. Khi thì nắm lá vang, nấu với bí ngô làm canh chua, khi thì mấy con cá nhỏ nó và anh Đức hì hục chận nước suối rình bắt cả buổi…

Trong một vài khúc sâu của suối, nước lên khoảng 3 tấc, có nhiều hang nhỏ, có những con cua núi thật đẹp, càng cua cái lớn cái nhỏ, màu đỏ chen trắng và xanh vàng...con lớn nhất cở bằng con rạm… Mới thấy lần đầy, nhào xuống chụp là hụt ngay ví nó lẹ lắm thoắt chạy vô hang ngay, không cách gì nạy hang bắt đước… mấy lần sau, khi nhìn thấy chú cua nhởn nhơ tìm mồi, nó chận vội miệng hang, Anh Đức chộp chú cua dễ dàng… Trông thì đẹp mà chẳng có bao nhiêu thịt, vỏ lại cứng khừ…

Lao động của những năm tuổi tù đã lên hàng thứ 8, cán bộ quản giáo cũng không còn khe khắc với tù, và dù có khe khắc anh em tù cũng đâu có ngu dại gì mà bỏ công ra lao động. Với lại dễ dãi với tù còn được uống trà, ăn bánh kẹo miền Nam.. Cán bộ quản giáo sau nầy thường còn trẻ, nên cũng thuận lợi cho cả hai bên tù và quản giáo…

Anh em trồng bí sáng ra lảnh cuốc, đứng khều khều mấy cọng cỏ rồi thì bỏ công hái bông lén chôm vài trái bí dấu vào bụi rậm nào đó để dành ăn dần, anh nào khéo tay làm bẩy đi sâu vào rừng bầy gà, chim … rau ăn được cũng rất hiếm chỉ có rau đắng, cọng xanh mướt, lá to trông rất tươi ngon và dĩ nhiên đắng khỏi chê, rau đắng luộc ăn với cá thịt kho mắm ngon vô cùng, rau đắng ở đây cũng luộc, nhưng chấm với nước muối, anh nào còn chút mắm ruốt nhà gửi cho, ăn còn thấy ngon, chứ chấm với nước muối…ăn để mà sống, nhưng nhiều khi, ông trời cũng rất công bằng, trong kiểu ăn uống khổ hạnh như vậy nhưng lại trúng vị thuốc, mát gan, nhuận trường…

Trong lúc đi tìm củi, cũng lắm khi gặp được mấy bụi chuối rừng, thân cây ốm tong teo, bắp chuối chỉ to hơn nấm tay, đem về lột bỏ lớp vỏ già, luộc xé như kiều xé phay trộn gà của miền Nam…. Tới bửa ăn chòi đủa gắp, chấm chút nước muối, nhai chưa kịp nát đã vội chạy ra ngoài phun ra không kịp, bởi vị đắng chát quá sức chịu đựng..

Khi Cộng Sản lập trại tù, chúng cũng đã nghiên cứu kỷ, núi rừng ở đây chỉ có vài loại thú nhỏ như gà rừng, chim chóc, tuyệt nhiên thú bốn chân chưa từng gặp, lý do là rừng chẳng có gì ăn được cả, rừng đa phần là cây cam và bưởi rừng, trông giống như cây bưởi vườn nhưng không hoa không trái, thân cây cũng không có vỏ cây, thịt rất chắc làm củi cháy rất đượm, rất tốt, cây thịt chắc chỉ mệt cho tiều phu với cái mã tấu chỉ khá hơn cái dao… bằng cây…Bởi vậy tù ở đây chỉ có chấp cánh mới bay khỏi, còn trốn đi đường bộ là vô phương…núi liền núi, rừng liền rừng biết lối nào mà ra cho khỏi đụng mặt dân quân du kích...

Hai anh em chia ra hai lối để tìm củi, thỉnh thoảng hú gọi nhau cho biết tin, hú gọi phải có hú trả lời, gặp cây bưởi to phải quan sát kỷ, mấy lần nó bị ong đánh cho sưng mặt, bởi dây leo chằn chịt khó thấy tổ ong, cũng có những hốc đá khá sâu, lá cây rừng theo năm tháng phủ bít, sơ ý bước lên rất dễ bị té sấp, chưa nói tới rít rừng ở những đống lá mụt lâu năm.. Nó thường rất thích tìm những hang đá, gặp hang là nó chui vào, nhiều hang động rất đẹp, phía trên có thạch nhủ, phía dưới có chổ bằng phẳng tự nhiên, trưa nóng chui vô nằm mát rười rượi. Thường ăn cơm trưa xong nó leo lên núi tìm hốc quen thuộc, chui vào nằm nghỉ trưa, thời gian nằm nhìn thạch nhủ, cũng là lúc nó nhớ trăm điều ngàn chuyện, hình ảnh của gia đình, của ba mẹ anh chị.. Nó nhớ tới bạn bè, sau cuộc đổi đời thảm hại nầy biết ai còn ai mất….Nhiều trưa mơ màng nó thấy rõ thực cảnh Sài Còn, nó và con bé mắt nâu tan trường trên đường Cường Để, nhiều lúc nó thấy đang cùng mắt nâu ăn gỏi khô bò uống nước mía Viễn Đông, lơ đảng nhìn bồ câu bay lượn quanh nóc chùa Chà…

Nhiều trưa vào hang nằm nghỉ, nó thầm van vái các bậc tiền bối hiển linh, trong mơ về dạy cho nó vài bài quyền ngọn cước, nó vái Ông Tả Ao về dạy nghề địa lý, để nó tìm được thế đất thiêng dựng cờ phục quốc, nó vái Thầy Trạng Trình chỉ cho khoa bói toán để xem coi chế độ man rợ nầy chừng nào sụp đổ… Nó van vái rồi mê thiếp trong giấc chập chờn mệt mỏi.. ngày nầy qua tháng khác mà chẳng thấy được vị tiền bối nào chỉ dạy, cuối tuần nó theo nghe các bậc huynh trưởng như Đại Tá Nghĩa bàn chuyện cầu cơ… Nó biết làm thơ từ ngày còn mài đủng quần trên ghế nhà trường nên đọc qua mấy bài thơ mà các đàn anh bảo là của cụ Phan Đình Phùng, của Ngô Đình Diệm.. giáng cơ. Những bài thơ nó đọc thấy rất hay, về nội dung cũng như về hình thức, với những bài thơ đường luật nầy, nó nhận xét những đàn anh đang ở tù nầy khó có người làm ra được .. đúng là chỉ có cơ mới giáng bút thần nên những bài thơ mới hay như vầy, nhưng khi hỏi tới ngày nào được thả, ngày nào chế độ sụp đổ thì các đàn anh có mòi lúng túng, trả lời kiểu huề vốn.!Lúc Trung Quốc đánh biên giới, Tổng Thống Ngô Đình có giáng cơ, ngài cho biết hiện được giao phó coi sóc an ninh lảnh thổ, ngài dừng ghé thăm anh em một chút rồi phải ra biên giới…Âu cũng là một cách giữ niềm tin, mượn vong linh những vị Anh Hùng vị quốc làm điểm tựa để duy trì sự sống trong lao tù khắc nghiệt của Cộng Sản…

Nó cũng thường theo đám bạn trẻ, cuối tuần họp nhau ca hát nhạc vàng, sau nầy căn tin trại có bán đủ thứ, rượu nhẹ, như rượu dâu, rượu mơ, rượi hồng,rượu rắn…, tuần nào cũng có bán bánh kẹo, thỉnh thoảng cũng có bán thịt heo, khi có bán thịt thì đại tá Huy, Tư Pháp Cảnh Sát Quốc Gia là người đầu tiên lựa mua rồi mới tới anh em tù, ở đâu cũng vậy, cho dù là ở tù Cộng Sản, đa kim ngân vẫn phá được luật lệ, mâm cơm của Ông Huy gồm 7 người hầu hết là sĩ quan cấp tá.. trong đó có Trung Tá Tấn( hỗn danh Tấn É, hình như Ông xuất thân khóa 7 ĐL) là em ruột của Ông Huy, bởi có giọng nói có nhiều tong the thé nên mới có hỗn danh nầy, người cấp bậc thấp nhất trong mâm nầy là thiếu Tá Thanh ( Hình như phòng 2 SĐ 7)Thức ăn thường giống trong các mâm cơm trong các gia đình trung lưu miền Nam…Bởi ông được thăm nuôi với đơn vị tính bằng cần xé, riêng bầy gà của ông, trưa nó đẻ cục tác vang khu, làm phiền lòng không ít anh em mất giấc…

Cảnh tù cũng giống như một xã hội thu nhỏ, cũng có giai cấp ngồi chỉ tay 5 ngón, cũng có người tà lọt chuyên nấu nướng, phục dịch cho đại gia, cũng có thợ chuyên làm bếp dầu bằng các lon đồ họp, có thầy bói, có thầy hù( hớt tóc), có rạp hát ( Chiếu phim: Kể chuyện Tàu hay chuyện Kim Dung…)..

Đám trẻ bạn của nó là các em phục quốc, thằng Hổ, thằng Tâm Bi, thằng Tư Ruộng, thằng Vượng... là các sĩ quan trẻ cấp bò nhị bò tam như Niệm, trưởng ban 2 đặc khu 2. La Ngàn trưởng ban 2 chi khu Hòa Đồng, Khiêm( Bộ quốc phòng) Điệp tù binh Phước Long… Cũng có bánh kẹo, đôi khi có mấy chai rượu, thôi thì nhạc của Trần Thiện Thanh, của Trịnh Công Sơn, của Duy Khánh... các anh em lần lượt ca dưới tiếng đàn chuyên nghiệp của Anh Khiêm.. Một bài thơ của thi sĩ Thiếu Tá Thục Vũ( Phu quân của nữ sĩ Lệ Khánh) được phổ nhạc, một bài nhạc của Đại Tá Minh không quân… cũng rất được anh em ưa chuộng..Những giờ phút trà lá bánh kẹo bên nhau, hòa mình với những bạn bè đồng cảnh, giúp nó quên đi nỗi thương cha nhớ mẹ, nhớ con bé Văn Khoa nghĩa tình… nhớ là cờ vàng mà nó đã chào kính suốt bao năm trường, nay phải chịu tả tơi vì quốc nạn..Cũng có ngày chúa nhật nó được xếp lớn vừa cùng quê vừa chung ngành dẫn nó vào khu F ( Khu nhốt tường lảnh), Nó rất ngại khi phải vào khu nầy, trong khu nầy, ông tướng của nó ăn cơm chung với ông tướng Thiết Giáp, hai ông xúm xít nấu cơm, nó ngồi không nó thấy ngại lắm, trước 75 làm gì nó được sống trong cảnh nầy, úy ngồi chơi coi tướng nấu cơm, ngồi buồn nó nhìn mấy vị tướng sinh họat, có mấy ông vừa vét giếng xong, bắt được mấy con cá con, bỏ vô chai, đang đứng ngắm nghía với vẽ mặt đầy thích thú,cũng đôi mắt đầy thích thú nầy, ngày nào Ông Tướng ngồi trên phi cơ chỉ huy, nhìn cảnh chiến trường đã thu dọn xong mà phe ta đã hoàn toàn chiến thắng..! có vị đang đọc sách, có nhóm đang tụ đánh cờ tướng,nó nhìn rất kỷ Tướng Nguyễn Chấn Á,hậu duệ của Tán Thuật, nguyên là Tướng của Tưởng Giới Thạch về làm việc cho Tổng Cục CTCT với hàm râu 3 chòm, trong một thân thể trông còn rất khỏe, nhìn thấy nó còn trẻ, có vị lân la lại hỏi thăm gia cảnh, biết nó cấp bò nhị , ông quay sang nói với các vị khác:

- Chú em nầy trung úy mà giờ nầy còn ở đây… Câu nói buông lửng, nhưng hàm chứa lắm điều xót xa…Ngày về quê, ôi! Xa lắc xa lơ…

- Ngồi ăn cơm chung với hai vị tướng lãnh, nó nghe nhiều hơn nói, Ông tướng thiết giáp kể lại những giờ cuối của ông, một tư lệnh sư đoàn, bị du kích bắt sống…Trước 75 dễ gì nó được ngồi chung mâm với tướng…

Ngày trại chuyển vào Nam hơn 500 anh được đọc tên thu xếp hành trang lên đường, những tù còn lại bị nhốt trong phòng cho tới khi đoàn xe đi khuất mới được ra khỏi chuồng, buồng nó nằm đầu dãy, nằm từng trên( Nó nằm giữa Đại Tá Nhan Minh Trang và Nguyễn Đức Thắng ( Phủ Đặc Ủy) nên nhìn qua tường nó thấy được gần phân nửa xe, biết anh em trong phòng đang nhìn ra, anh em trong toán di chuyển dơ cao lên hai cánh tay, khóa chung một đồng hồ xã hội chủ nghĩa, ngoài cửa khu của mỗi khu có nhiều túi bị có đề tên người nhận. Đây là số quà của người ra đi về Nam dành cho người ở lại, nó cũng có một bị của ông thầy nguyên cục phó cục xã hội, lúc còn làm Tiểu đoàn trưởng đơn vị nó phục vụ, Ông là vị chỉ huy gắn tân thăng cấp thiếu úy cho nó., bạn bè thân thiết phải chia tay, gây xáo trộn nhiều trong đời sống tù, buồn cả tuần lễ mới nguôi ngoai.. ở ngoài đời có gia đình, trong tù có bè bạn, Bác Mười Danh, nguyên có thời là tỉnh trưởng Bình Dương, trước ngày đi, bắt tay từ giã có cho nó 20$, nó không nhận mà ông vẫn cứ nhét vào túi…Những ân tình dù nhỏ nhặt, nó đã nhận, nó không bao giờ quên.

Có lên núi đốn củi, nó mới biết sợ trời chuyển mưa, gió giông vụt vù, chim soãi cánh kêu bay, đá lăng ầm vang… tai nạn thật khó lường…Mẹ của nó đâu có biết thằng con mà mẹ nó hết sức thương yêu, đang là một người tù khổ sai, đang bị hành hạ bởi những người cùng chung huyết thống Lạc Long, ăn phải bả búa liềm mà trở thành lang sói…

Những buổi mát trời, xong phần củi sớm, nó ngồi tựa gốc cây nhìn về phương Nam… mắt nó mờ dần , gió thổi mát mặt… Nó nhìn thấy rõ cảnh Sài Gòn… Con bé mắt nâu, cô bồ tình nghĩa của nó đang đạp xe mi ni.. Áo tưa bâu, lai sờn chỉ, cô xẩm lai xinh đẹp ngày nào bây giờ không son phấn… Nó nhìn thấy chú lính năm xưa, hạ sĩ Lưu đại Tô đang cong lưng đạp chiếc xích lô chỡ đầy bội rau cải đang lên dốc Cầu Bông, nó thấy cô nó đang bưng rổ bách ít rao bán trong chợ ngã tư Bình Hòa, chị nó mặc đồ ngắn đang đứng trên bục giảng, chị đang giảng một bài thơ của Tám Keo, nó thấy thương chị nó vô cùng, bởi chị nó phải nói những gì trái ngược với ý…để có được đồng lương chết đói ...

- - Chuyển củi xuống núi…Ròm ơi!

Tiếng phó Đức làm nó tỉnh giấc, nhìn mười lăm khúc cây bằng bắp vế dài hơn 2 thước nó đang tựa chân.., chỉ tiêu của một ngày. Nó thở dài ngao ngán, tay vấn thuốc rê, mắt nhìn trời lượng định thời gian…

Núi bên kia Anh Thiếu Tá Tống, nguyên trưởng ty cảnh sát Long An và Anh Phụng, Biệt kích tiểu khu Gò Công cũng đang phóng củi theo triền….Xuống núi nó còn phải lội rừng hơn 6 cây số mới về tới chuồng…trên vai nặng quằn một cây củi...

Nó cũng không ngờ dù ốm yếu, mà nó vẫn chịu được cảnh khổ sai qua các trại tù, có mấy lần suýt chết vì bệnh, nó kiệt sức cả tháng trời… Cũng nhờ các đàn anh thấy nó còn trẻ thương tình chia sớt miếng ăn thức uống, an ủi vỗ về…Đại Tá Có, Trung Tá Mười Hai vẫn thường mang bo bo, thuốc men cho nó … Tướng Sư Đoàn 18 mỗi lần gặp nó đều vỗ vai an ủi :

- Em còn trẻ lắm, tương lai còn dài, ráng giữ gìn sức khỏe, nay mai em sẽ về thôi.

Lần đó, cuối tháng sáu năm 1983 nó được thả về, nó có ghé thăm nhà ông tướng, gặp mẹ và em gái ông tướng, mẹ ông tướng tuổi Tân Hợi, bằng tuổi mẹ nó, nó thuật lại những gì nó thấy và biết về ông tướng trong trại tù…Bà mẹ hiền lành nhỏ nhẹ nói một câu nó nhớ hoài:

- Biết được tin thằng Đ, Bác như được uống 10 thang thuốc bổ, bà mẹ chiến sĩ nào cũng rất dễ thương... Nó có vào đốt nhang bàn thờ em ông tướng, vị tiểu đoàn trưởng TQLC, mà ảnh thờ là hình phóng lớn của trang bìa tờ báo Times, ông tá đầu đội nón sắt, có một vài giọt mồ hôi đang lăn trên má. Phía dưới là tấm ảnh nhỏ của Thạch, thằng em của ông tướng, lính sư đoàn 18 cũng đã chết trước 75. Nó còn nhớ chị Tuyết hỏi nó:

- Em thấy anh tôi còn đẹp trai không?

- Ông Tướng còn phong độ lắm chị ơi!, đôi mắt ông tướng còn đẹp lắm, Nó trả lời chị Ánh Tuyết.

Ai quên dễ dàng chứ nó không quên… Hình ảnh dã man của bọn Cộng Sản khắc đậm ảnh hình trong lòng nó… 17 năm xa xứ, nó nhớ quê nhà, nó nhớ Sài Gòn, nó nhớ Gò Công … nhưng nó cắn răng chịu nhớ. Ngày nào còn cờ sao trên đất nước ngày đó nó còn xa quê.

Ba nó mất trong tù, Mẹ nó mất mấy năm sau ngày nó ra đi theo diện HO… Nỗi đau mất mát đó đã dày vò nó hằng bao năm nay.. Làm sao nó không hận giặc cờ đỏ được..

Trong một bài thơ nó viết gởi cho mẹ, nó có viết 2 câu:

 "Con đi dưới lá cờ sao máu
 Rờn rợn lòng con nhục mẹ ơi!"

 Thủy Lan Vy
 Viết tại Kỳ Đà Động, mùa thu 2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn