BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

SÀI GÒN - Những ngày cuối thời tao loạn

17 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1337)
SÀI GÒN - Những ngày cuối thời tao loạn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ngu Tôi đi học và lớn lên tại Saigon . Từng hàng cây, từng nhịp cầu, bờ sông, công viên, góc chợ...khắc dấu trong lòng tôi nhiều kỷ-niệm. Làm sao tôi quên được buổi trưa tan trường, tôi đứng chờ Loan dưới dưới hàng me già đang rụng lá.

Saigon cho tôi bài vở lòng của tình yêu, và Saigon cũng là nơi tôi ấp ủ bao nhiêu mộng mơ của tuổi trẻ. Tôi mong Saigon thanh bình để được nhìn từng bước chân Loan đi trên lá me bay....Nhưng rồi, Saigon đã không bình yên.....

Saigon là thủ-đô, trái tim của miền Nam. Phát động cuộc xâm lăng vào nam bộ, Cộng sản miền Bắc không ngừng tiến công vào Saigon bằng các mũi dùi : bao vây kinh tế, đột kích quân-sự, ám sát, khủng bố, đặt chất nổ, đánh phá tôn giáo, chính trị, văn hóa v.v...

Mọi người đều biết, nếu Cộng sản chiếm được Saigon, ắt nhiên trái tim của chế độ miền Nam sẽ ngừng đập . Ai cũng nghĩ rằng, chính quyền Saigon sẽ dành nhiều đơn-vị quân đội tinh nhuệ cấp sư-đoàn phòng thủ cho thủ đô. Người dân Saigon càng yên chí ngủ thoải-mái, vì chung quanh Saigon có các căn cứ quân-đội to lớn như Trường Bộ-binh Thủ-đức, Căn cứ Long bình, Trung-tâm huấn-luyện Quang-Trung, Trại nhảy dù Hoàng hoa Thám, Căn cứ Quân-cụ, Công-binh, Căn cứ Không quân Tân sơn Nhất....



Đô đốc Chung tấn Cang được ông Thiệu bổ nhiệm làm Tư-lệnh Biệt khu Thủ đô kiêm Tổng trấn Saigon - Gia định. Tư lệnh phó là ông Đại tá Trần thiện Thành, anh ruột ông Thủ tướng Trần thiện Khiêm. Bộ tư lệnh BKTĐ đóng tại trại Lê văn Duyệt, nằm trên đường Lê văn Duyệt. Lực lượng nòng cốt để giữ gìn an ninh trật tự của Saigon là Cảnh sát Quốc Gia. Với 11 Bộ Chỉ Huy Quận Đô Thành và tỉnh Gia Định, bao gồm cả vòng đai Thủ Đô và phía bên kia bờ Thủ Thiêm.

Lý do không có đơn vị quân-đội thiện chiến tại Saigon, vì là ông Thiệu sợ đảo chánh và vì những đơn vị Quân Đội tinh nhuệ đang cần cho các chiến trường trong những ngày chiến đấu sanh tử với Cộng quân trên khắp các mặt trận khác. Các hậu cứ của đơn vị bộ binh tác chiến được phối trí đóng xa Saigon. Ông Thiệu ra lệnh cho các đơn vị phải báo cáo về Saigon mọi cuộc di chuyển đơn vị từ cấp trung đoàn. Trong khi đó, phương tiện di chuyển, nhiên liệu đã bị cắt bớt rất nhiều làm mất đi tính chất nhanh chóng của quân đội, không đáp ứng kịp thời những nhu cầu chiến trận đòi hỏi.

Quân đội không có nhiều, an ninh của Thủ Đô chỉ còn trông cậy vào lực-lượng Cảnh sát Quốc Gia đãm nhiệm. Tết Mậu thân, Cộng sản tung quân xâm nhập Saigon, Gia định. Cảnh sát dù hỏa lực yếu kém, đã can đảm chống trả mãnh liệt ngăn chận các đơn vị Cộng sản trong các ngày đầu. Quân đội vài ngày sau mới kéo về và tiếp tục đẩy lui địch ra khỏi Thủ đô.

Năm 1971, tôi rời lực lượng Giang Cảnh về phục vụ tại Bộ chỉ huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ đô. Công việc bảo vệ Thủ đô vô tình do hai thành viên của Hải quân đóng góp, đó là ông Chung tấn Cang trên đầu nảo, và tôi trong phần hành của Cảnh sát. Ông Cang và tôi không có kinh nghiệm chiến trường nào trên bộ. Ông Cang có các sĩ quan bộ binh phụ tá như chuẩn tướng Lý bá Hỷ, Đại tá Cổ Tấn Tinh Châu ...., tôi chỉ có các sĩ quan Biên Tập Viên Cảnh sát giỏi về Tư pháp nhưng chưa có kinh nghiệm về quân sự. Về sau, có một sĩ quan Không quân thuyên chuyển đến làm việc chung với tôi, đó là đại úy Lâm quan Thân, cựu tùy viên của tướng Kỳ, và là em ruột của tướng Lâm quan Thi. Đại úy Thân tốt nghiệp khóa 10 Đà lạt, có hình tướng và bộ râu trông hệt ông Nguyễn cao Kỳ. Cảnh sát Thủ đô có sĩ quan Hải quân là tôi cùng tàu bè Giang Cảnh, nay lại thấy thêm có sĩ quan Không quân, ai cũng nghĩ rằng Cảnh Sát sẽ trang bị phi cơ trực thăng điều hành giao thông như các nước phát triển trên thế giới.

Đơn vị xung kích nồng cốt của Cảnh Sát là Biệt đoàn 5 và Biệt đoàn 222 Cảnh sát dã chiến. Biệt đoàn 5 CSDC tăng phái cho Thủ-đô, Biệt đoàn 222 CSDC làm tổng trừ bị. Cả hai ông Chỉ huy trưởng Biệt đoàn CSDC đều từ Phủ Tổng thống đến . Biệt đoàn 222 CSDC có nhiều đơn vị trú đóng thường trực tại sân đá bóng Tao đàn, nằm sát dinh Thống Nhất. Các đơn vị này sẵn sàng ứng chiến với lực lượng đảo chánh. Sân đá bóng Tao đàn thời ông Diệm là nơi tổ chức các buổi Đại hội Sinh viên, Học sinh toàn quốc, và là nơi học sinh đến tập thể dục, thể thao. Thời ông Thiệu, sân Tao đàn đìu hiu lặng lẽ, nhìn lên khán đài trơ trọi .....Những thân hình đẹp nhịp nhàng theo từng động tác trình diễn của các nam nữ sinh viên ngày xưa, nay không còn ở sân này nữa ....
Tùy theo nhu cầu xử dụng, các đơn vị Cảnh Sát dã chiến xuất quân với trang bị áo giáp, súng đạn tác chiến, hay trang bị lựu đạn cay, khiêng, ma trắc để trấn áp bạo động.

Tổng số cảnh sát tại Saigon vào khoảng hai chục ngàn người phục vụ công việc chuyên môn như tư pháp, căn cước, tình báo, giao thông, .... Bộ Tư lệnh Cảnh sát ra lệnh trang bị vũ khí và đoàn ngũ hóa thành đơn vị tác chiến. Tại Bộ Chỉ Huy Cảnh sát Thủ đô, ông Trang sĩ Tấn chỉ định tôi kiêm nhiệm chỉ huy 24 đại đội Cảnh Sát đoàn ngũ hóa này. Tôi đã tung các đơn vị này tuần tiểu, hành quân khắp thủ đô suốt 24/24 giờ một ngày.
Làm sao bảo vệ an ninh lộ trình cho các yếu nhân như Tổng thống, Thủ tướng đi trong đô thành không bị bắn, không bị kẹt xe? Ông Trần văn Hương ngồi xe hằng ngày từ đường Thống Nhất về dinh, tại số 3 Bến Bạch Đằng, cạnh Bộ Tư lệnh Hải quân. Đoàn xe của ông vừa quẹo vào đường Cường Để đã bị một toán đặc công giả dạng phu xích lô bắn dữ dội. Ông thoát chết. Từ đó, chúng tôi phải lo sắp xếp lại, nhất là có biện pháp kiểm soát các quán ăn trên đường Cường Để. Các quán ăn này rất ngon, Trần như Ý, Quý què, Phúc ngọng và tôi thường kéo các Dương Cưu 2 từ các chiến hạm lên ăn sáng.!

Ban đêm, ông Hương về ngang Câu lạc bộ Sĩ quan Hải quân tại cầu Liamone, mà hàng đêm tại đây đều có tổ chức nhảy đầm, tình hình rất lộn xộn người trên bến sông, người dưới tàu, kẻ tới người lui v.v...nên các cơ quan an ninh không còn cách nào hơn là phải cấm Câu lạc Bộ này hoạt động về đêm. Từ đó, ban đêm Câu lạc bộ Hải quân vắng vẻ, im trôi theo dòng nước sông Saigon. Các cô bé hậu phương xinh đẹp đổi hướng đi lên Câu lạc bộ Huỳnh hửu Bạc hoặc Tân sơn Nhất .

Sau vụ đặc công bắn hụt ông Hương, các ông Thiệu, Khiêm, Hương, ...di chuyển bằng trực thăng từ tư dinh đến nơi làm việc, nên Cảnh sát không phải vất vả trong việc bảo vệ an ninh lộ trình cho các ngài !

Saigon còn có ông Đô trưởng Đỗ kiến Nhiễu kiêm Chỉ huy trưởng Phân khu Đô thành. Văn phòng Đô trưởng và Bộ chỉ huy Phân khu tại Tòa Đô chính. Các ông Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng tại đô thành chỉ huy Nhân dân tự vệ canh gát phường, khóm, cầu , nhà máy đèn.... Chiều ngày 30 tháng tư, năm 75, nhân dân tự vệ tại vài quận đô thành còn nổ súng chống trả bộ đội Cộng sản khi thấy bọn chúng xuất hiện .

Cảnh sát Thủ đô có một toán tháo gở chất nổ. Bình minh vừa ló dạng, nhân viên toán này có nhiều công việc làm , đa số việc làm này là đi nhặt lựu đạn của những kẻ vô danh vứt trong bải rác, đôi khi còn kèm thêm thư tống tiền, tống tình....

Tôi làm việc tại Thủ đô lúc còn là sinh viên, Phật giáo vừa chấm dứt phong trào hô hào xuống đường. Để phòng ngừa sinh viên bạo đông, một trung đội Cảnh sát dã chiến đóng quân thường trực tại Đại học xá Minh Mạng, nơi xuất phát các cuộc xuống đường . Cho đến ngày miền nam thất thủ, khu Đại học xá Minh Mạng hoàn toàn im lặng. Công an Cộng sản đã bóp chết tiếng nói của sinh viên, tiếng nói của tuổi trẻ đầy lòng tha thiết với quê hương. Đàn áp sinh viên là xa lìa với tương lai đất nước. Sinh viên còn trẻ tuổi, còn sống dài lâu với quê hương, và quê hương sẽ là của tuổi trẻ chớ không phải của những ông già như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ v.v ....

Hai công tác quan trọng tôi đã làm trong thời gian làm việc là tái lập hệ thống Cảnh Sát cứu cấp trên hệ thống điện thoại số 17, và thành lập các toán Cảnh Sát tuần tiểu bộ . Mỗi toán tuần tiểu bộ gồm 1 Cảnh sát sắc phục và hai Cảnh sát dã chiến võ trang tuần tiểu sâu vào các khu xóm chật hẹp, có đầy tệ đoan xã hội.

Sài Gòn hấp hối ...

Sân khấu chính trị miền nam thường diễn ra trước tiền đình Quốc hội đường Tự do. Các cuộc biểu tình tập trung nơi đây trước khi kéo đi xuống chợ Bến thành. Để ứng phó với tình hình tại chổ, tôi thiết lập bộ chỉ huy nhẹ trên sân thượng cao ốc rạp ciné Rex. Từ cao điểm này, chúng tôi có thể quan sát mọi diễn biến để ứng dụng các biện pháp mạnh hoặc nhẹ.

Cuối năm 1974, tình hình chính trị bổng nóng sốt . Cha Trần hửu Thanh phát động phong trào chống tham nhũng. Giáo dân phát xuất từ các khu vực Bắc kỳ di cư rầm rộ xuống đường . Khu vực Tân sa Châu trở thành trung tâm điểm chống chính quyền. Đồng bào di cư là những người chống Cộng sản không nhân nhượng, nay họ đứng lên chống đối thật là bất lợi cho chính nghĩa miền Nam. Bằng mọi phương tiện di chuyển, giáo dân từ Tân sa châu, ngã ba ông Tạ ...kéo về điểm tập trung trước Quốc hội. Được tin cấp báo, Cảnh Sát kéo ngựa sắt, kẽm gai cô lập khu vực Quốc hội, chợ Bến Thành, đồng thời ra lệnh Cảnh sát giao thông hướng dẫn xe cộ không được vào trung tâm Thủ đô. Dòng xe cộ ứ đọng, chợ búa vắng hoe, khói lựu đạn cay làm ứa nước mắt..... Saigon chìm trong cơn sốt và hoảng loạn.

Hoàng-hôn phủ xuống bầu trời thủ đô, tiếng chuông nhà thờ kéo vội vã, giáo dân kéo về Tân sa châu. Nguyễn cao Kỳ lên máy vi âm ủng hộ cuộc tranh đấu chống ông Thiệu. Từ trên nóc trường trung học, bốn chiếc loa phóng thanh suốt đêm đọc các tâm thư chống tham nhũng của cha Thanh.

Hai giờ sáng, chúng tôi được lệnh giải tán biểu tình, duy trì trật tự tại trường trung học Tân sa châu.Khu vực đông dân cư không tiện giải tán bằng lựu đạn cay, Cảnh sát dã chiến dàn đội hình tiến vào. Giáo dân từ lầu cao ném bàn ghế học trò, đá xanh, bắn kẽm gai bằng ná thun ngăn chận. Vài cảnh sát bị kẽm gai bắn vào tròng mắt nằm dẫy dụa.

Saigon có khoảng 40 tờ báo tư-nhân và hai tờ báo của chính phủ, một tờ của quân đội và một tờ của trung ương tình báo. Dân chúng Saigon có thị hiếu đọc tin của các báo đối lập. Chạy theo thị hiếu, người làm báo phải bươi móc chính quyền. Một số báo chạy theo thị hiếu khác thấp hơn là đăng tải hằng ngày các chuyện khiêu dâm như chuyện "thầy chín củi "...Ông Hoàng đức Nhã Tổng trưởng Thông tin ra qui chế như: chủ báo phải nộp tiền ký quỹ, tich thu báo trước giờ phát hành, hạn chế phát thẻ mua giấy in. Một số chủ báo không tiền ký quỹ, hoặc bị tich thu báo nhiều lần vỡ nợ đóng cửa . Báo chí đồng loạt xuống đường biểu tình “ngày ký-giả ăn mày”. Lại một cuộc biểu tình vĩ-đại .

Chánh quyền ra lệnh Cảnh sát không được đàn áp bằng lựu đan cay, ma trắc, vì có phái đoàn Thượng viện Hoa kỳ đang quan sát tại Saigon. Các nghị sỉ Hoa kỳ đã tố giác Cảnh sát đàn áp dân chúng. Ngày hôm trước, Cảnh sát xuống chợ Cầu ông Lảnh tìm mua roi mây đánh trẻ con làm vũ khí tấn công và tự-vệ. Để cuộc biểu tình không biến thành bạo động cướp phá, hơn 200 sĩ quan, cảnh sát viên phải vào bệnh viện cứu cấp.... Báo chí là phương tiện hướng dẫn dư luận, chánh quyền đã không khôn khéo với báo chí trong giai đoạn nghặt nghèo ...
Trong những ngày Saigon gần hấp hối, các con rối chính trị đuợc tung ra phá rối. Đó là bà Huỳnh bá Thành , ni sư Huỳnh Liên,và các dân biểu Kiều mộng Thu, Hồ ngọc Nhuận, Hồng sơn Đông, linh mục Chân Tín..... Miền nam theo chế độ dân chủ, Cảnh sát và toà án Saigon không thấy những người này có liên hệ nào với Cộng sản, họ chỉ đòi hỏi chánh quyền chống tham nhũng, nên toà án không nhốt tù họ được.

Cảnh sát đặc biệt có hai chiếc xe trang bị máy phóng thanh có công xuất lớn, ngụy trang thành xe bán mì gói . Mỗi khi bà Thu, ông Nhuận, ni sư Huỳnh Liên ...cầm loa phóng thanh hô hào, lập tức xe mì gói rao quảng cáo bán mì. Tiếng loa xe mì hiệu hai con cua ngon rẻ át mất tiếng loa chống ông Thiệu tham nhũng...

Ni sư Huỳnh Liên tay cầm loa, tay cầm chuổi bồ đề, theo sau có mười nữ đệ tử phật y vàng bay phất phới. Bà đang xông pha trận mạc, trong đám đông biểu tình có kẻ vô danh bỏ vào áo cà sa của bà và các nữ đệ tử những trái mắc mèo. Bà bị ngứa nên bà cưởi áo cà sa chửi tục ....giữa chợ Saigon.

Nghiệp đoàn Lao động Việt nam có trụ sở tại đường Lê văn Duyệt, Chủ tịch là ông Trần Quốc Bửu, người có biệt danh là "vua không ngai". Ông nhiều lần sang Hoa kỳ và được ông Chủ tịch nghiệp đoàn Lao Động Hoa kỳ yểm trợ. Có nhiều người muốn làm Bộ trưởng phải đến nhờ ông tiến cử. Nội các ông Trần thiện Khiêm đi xuống, ông Thiệu nhờ ông Bửu thành lập nội các mới với hy vọng ông Chủ tịch nghiệp đoàn Lao động Hoa kỳ thích ông Bửu mà áp lực chánh quyền Hoa kỳ tiếp tục viện trợ miền nam.

Các tỉnh miền trung lần lượt thất thủ, dân chúng , binh sĩ ào ạt kéo về Thủ đô. Tránh cho Saigon không bị hỗn loạn, tôi tổ chức hằng đêm hành quân Cảnh sát bao vây một vùng rộng lớn, có hơn ba ngàn Cảnh sát tham dự. Để có đủ quân số, tôi xữ dụng các đai đội Cảnh sát dã chiến, các đại đội Cảnh sát đoàn ngũ hóa, các đại đội khóa sinh Cảnh sát Vũng Tàu, và tăng cường quân từ các đơn vị Cảnh sát 11 quận đô thành.... Dân chúng Saigon không phiền hà chúng tôi khi bị lục soát nhà, trái lại họ vui vẻ khuyến khích tinh thần binh sĩ. Cho dến ngày 30 tháng tư, Saigon không xảy ra hỗn loạn nào. Về mặt kinh tế cũng không xảy ra tình trạng vật giá leo thang hay đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm. Dân Saigon cảm thấy thương yêu nhau trước khi đại họa sắp đến với họ....

Ông Thiệu từ chức giao quyền cho ông Hương. Trời Saigon đang nắng bỗng một cơn mưa to chưa từng thấy trút xuống Thủ Đô, như khóc cho đất nước sắp chịu nghiệt ngã từ đây. Ngày hôm sau, Tòa Đại sứ Hoa kỳ điện thoại yêu cầu ông Thiệu ra đi khỏi Việt Nam lập tức. Ông Thiệu cùng ba người tùy tùng thân tín gồm đại tá Cầm chánh văn phòng, đại tá Điền trưởng khối cận vệ, bác sỉ Minh y sỉ riêng được xe tòa đại sứ chở vào phi trường Tân sơn Nhất. Tại đây đã có sẵn ông Trần thiện Khiêm và phái đoàn của dinh Thủ tướng chờ di tản. Hai giờ sáng, hai chiếc phi cơ vận tải Hoa kỳ khẩn cấp bốc các yếu nhân miền nam đi Đài Loan. Một chiếc đáp xuống Đài Bắc, chiếc thứ nhì đáp xuống Đài nam. Ông Thiệu bơ phờ bước xuống phi trường với hành trang vỏn vẹn một chiếc sách tay Samsonite.

Áp lực của phái đoàn Cộng sản tại hội nghị Bốn bên Tân sơn nhất đòi hỏi đích danh các tướng lãnh miền Nam đang chỉ huy phải từ chức. Tại biệt khu Thủ Đô, Cộng sản yêu cầu thay thế tướng Nguyễn văn Minh và Chuẩn tướng Cảnh sát Trang sĩ Tấn . Chuẩn tướng Hạnh thay thế Trung tướng Minh và ông Thẩm phán Mạnh thay thế ông Tấn . Ông Mạnh đến nhậm chức buổi sáng và từ chức ngay buổi chiều cùng ngày.

Trận đụng độ duy nhất xảy ra tại Long khánh. Sư đoàn 18 do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy đã cầm chân địch vài ngày nhưng không được tiếp viện đành thất thủ. Phi trường Tân sơn Nhất bị pháo kích ngày đêm trở thành tê liệt, không còn xử dụng được nữa.

Quốc hội chỉ định Đại tướng Dương văn Minh làm Tổng thống . Ông Vũ văn Mẫu được ông Minh mời làm Thủ tướng cùng nội các thuộc thành phần thứ ba. Dân chúng hy vọng cuối cùng ông Minh sẽ nói chuyện với miền Bắc thành lập chánh phủ liên hiệp.

Mọi hy vọng trở thành mây khói, ngày 28 tháng tư ,đơn vị tiền phương đặc công Cộng sản tiến công trung đội Cảnh sát dã chiến tại chân cầu xa lộ. Biệt đoàn 5 Cảnh sát dã chiến tiếp viện đẩy lui địch. Trận chiến có tính cách thăm dò khả năng phòng thủ của ta, sáng ngày 30 tháng tư, cộng quân xử dụng chiến xa càn lướt qua tuyến phòng thủ Cảnh sát vào thủ đô.

Một góc đổ nát của Sài Gòn ngày 30/4/1975


Mười một giờ sáng ngày 29 tháng tư, Thủ tướng Vũ văn Mẫu đột ngột tuyên bố trên đài phát thanh yêu cầu người Mỹ phải ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Dân Saigon nhôn nhao tìm đường xuống bến tàu di tản...
Buổi trưa ngày 29 tháng tư, tôi vừa bước vào nhà, chuông điện thoại reo vang. Bên kia đầu máy, tiếng ông Trung tá Tạo, chánh văn phòng Tư lệnh Cảnh sát quốc gia : "Tôi về nhiệm sở để đón ông Tư lệnh, ông Tư lệnh sẽ xuống kho 5 đón xà lan đi di tản..." Nhiệm sở của tôi lúc bấy giờ là Cảnh sát Hải cảng .Tôi dùng máy truyền tin gọi ông Thái văn Hưng chỉ huy phó Cảnh Sát Thương cảng ra kho 5 chờ tiếp đón ông Bùi văn Nhu, phó Tư lệnh Cảnh sát. Ông Nhu thấy xà lan đông người không dám đi, ông trở về văn phòng và sau đó đi học tập cãi tạo.
Thương cảng tràn ngập người, xe cộ. Hàng ngàn người chen chúc lên tàu .Không vị chủ tàu nào dám khởi hành. Họ sợ Cảnh sát Hải cảng bắt lại. Mọi người chờ tôi quyết định .

Tôi nhìn thành phố, tôi nhìn dòng sông Saigon thân yêu lần cuối cùng rồi cố ngăn dòng nước mắt . Tôi kiểm điểm lại nhân viên hiện diện trên tàu: ông Hưng chỉ huy phó, ông Thành chủ sự Tư pháp, ông Vạn chủ sự Hành quân, ... Tàu tách bến, theo sau đoàn thương thuyền lục đục ra đi.

Saigon ơi, ba mươi năm qua , tôi vẫn chưa trở lại...

Nguyễn Minh Đức

2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn