BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76371)
(Xem: 63032)
(Xem: 40422)
(Xem: 32018)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những cung bậc mùa xuân

20 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 1323)
Những cung bậc mùa xuân
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Có Những bài thơ xuân trong đó chất chứa không những niềm vui mà còn không ít nỗi buồn của mùa xuân, những mùa xuân xa xứ. Mùa xuân và Tết đang cận kề Mặc Lâm xin giới thiệu một vài bài thơ xuân

Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.

Và tựa hoa tươi cánh nở dần
Từng hàng thục nữ dậy thì xuân
Đường hương thao thức lòng quân tử
Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân.

Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau
Lên kinh thi đỗ làm quan Trạng
Công chúa cài trâm thả tú cầu.

Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén bút đề thơ
Những bà tóc bạc hiền như phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.

Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tựu dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.

Nguyễn Bính đáng gọi là nhà thơ mới có nhiều bài thơ viết về mùa xuân, về tết nhất trong văn học Việt Nam. Đa số trong các bài thơ ấy là những cái tết ly hương mà nhà thơ trải nghiệm có lẽ bài Thơ Xuân mà chúng ta vừa nghe là bài thơ nguyên vẹn sắc màu mùa xuân vĩnh cửu nhất của nhà thơ.

Hoa đào trong sương mờ. files/ntthnue.edu


Không thật thà dịu dàng như Nguyễn Bính, Bùi Giáng có cái chạm khẽ vào Xuân nhưng lại bật ra sự sửng sốt cho người đọc ông. Bùi Giáng vốn nổi tiếng là làm thơ như lão ngoan đồng, chạm vào chữ như người điên nhưng kết quả là chữ của ông làm cho người ta say sóng. Với mùa Xuân cũng thế, Bùi Giáng đứng xa mà quan sát để rồi bất thình lình xô người đọc vào vùng xoáy của thực và mộng, của hư vô và hiện sinh. Bùi Giáng cũng chào và hỏi như thói quen chào hỏi của người Việt trong dịp xuân về, nhưng cái chào hỏi của ông hàm chứa sự biệt ly không tránh được của kiếp người, từ đó nảy sinh câu hỏi: Khi nào thì trùng ngộ?

Bùi Giáng

Chào Nguyên Xuân

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

 

Mưa xuân, Hà Nội



Sự trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân mà Bùi Giáng đặt để hình như không xảy ra như nhà thơ dự đoán. Từ mùa xuân năm 1975, mùa xuân định mệnh biến đổi một nửa đất nước và hàng triệu người bỗng đánh mất mùa xuân trên bước đường lưu lạc. Từ thành phố Seatlle của tiếu bang Washington, nhà thơ Thanh Nam thở dài não lòng với bài “Thơ xuân nơi đất khách”. Giọng thơ quay trở lại thời của Nguyễn Bính khi vào Nam nhớ về những mùa xuân đất Bắc. Với Thanh Nam không còn may mắn như Nguyễn Bính còn có nẻo mà về vì ông ở quá xa, xa như từ cõi nào khác không còn có mùa xuân thứ hai trở lại.


 Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ

Mới hay năm tháng đã thay mùa

Ra đi từ thuở làm ly khách

Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ

Trôi giạt từ đông sang cõi bắc

Hành trình trơ một gánh ưu tư

Quê người nghĩ xót thân lưu lạc

Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du

Thức ngủ một mình trong tủi nhục

Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ

Giống như người lính vừa thua trận

Nằm giữ sa trường nát gió mưa

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ

Làm thân cây cỏ gục ven bờ

Chợt nghe từ đáy hồn thương tích

Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.

Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ

Những ai còn mất giữa sa mù

Mất nhau từ buổi tàn xuân đó

Không một tin nhà, một cánh thư

Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi

Rối bời tâm sự tuyết đan tơ

Một năm người có mười hai tháng

Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!

Chấp nhận hai đời trong một kiếp

Đành cho giông bão phũ phàng đưa

Đầu thai lần nữa trên trần thế

Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ

Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt

Học làm con trẻ nói ngu ngơ

Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi

Thân phận không bằng đứa mãng phu

Canh bạc chưa chơi mà hết vốn

Cờ còn nước đánh phải đành thua

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng

Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!

Bằng hữu qua đây dăm bẩy kẻ

Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba

Đứa nằm yên phận vui êm ấm

Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa .

Mây nước có phen còn hội ngộ

Thâm tình viễn xứ lại như xa

Xuân này đón tuổi gần năm chục

Đối bóng mình ta say với ta.

Cách Seattle không xa là Portland, Oregon nhà thơ Hoàng Phố trong một chiểu cuối năm đi ngang sở thú Tiểu bang, anh bắt gặp hình dáng một con vượn bạc má ngồi ủ rủ trong chấn song khi đất trời thay đổi. Nỗi cảm hoài đã làm nhà thơ tự hỏi không biết giữa mình và con vượn bạc má ấy ai trong, ai ngoài cái chắn song kia, chắn song mà anh gọi là chắn song cách biệt giữa rừng và phố, giữa Mỹ và quê nhà xa lắc xa lơ…

Chiều ba mươi trong sở thú với con bạc má.

chớm xuân không đủ cho lòng ấm

khóc lời hỗn mang mù đất trời

ngươi, con bạc má hú tiếng nhớ

chắc gì ta chẳng buồn hơn ngươi?

chấn song cách biệt rừng và phố

ngươi ngồi chồm hổm mắt lạc loài

nhìn ngươi ta thốt lời nghẹn ứa

trời cao biển rộng biết đâu về?

ta lục mỏi mòn trong trí nhớ

bao lâu? không biết, ở nơi này

chỉ chắc một điều không bàn cãi

nhớ quê như lửa dụi vào tay

nếu ta hú được như ngươi vậy

rồi ngươi sẽ ngẩn mặt ra nhìn

ngoài ngươi trái đất còn ta nữa

buồn quê đầy ứ đến vô cùng

ta đi một đỗi còn quay lại

ngươi vẫn bên trong ta bên ngoài

ngoài, trong nỗi nhớ không ngơi nghỉ

ngươi nhớ bầy đàn ta nhớ ai?

Rồi như chợt nhớ ra bây giờ đang là những ngày chuẩn bị đón Tết, nhà thơ lại bâng khuâng với khúc phim cũ từ cuộc đời Việt Nam, nơi anh đã rời xa, hút mắt:

Canh cánh

pháo có còn thơm sân áo mới

xuân có còn tươi nụ hôn đời

em có còn xinh đôi gót mỏng

ngõ vẫn buồn hiu vàng lá rơi?

ta nhớ miệt mài con đường đất

thoáng dăm đứa bé dắt nhau đi

ai vấp vào lòng ai tội nghiệp

ba mươi năm tim vẫn thầm thì

lại nhớ dăm căn chòi hiu quạnh

tựa vào nhau xiêu đổ vào nhau

người họp rồi tan bao nhiêu bận

có ai nán lại giữa chợ chiều?

tiếng xe mì gõ đêm mù mịt

cuối xóm mờ câm lạc ánh đèn

ai đứng chờ ai lòng quên mỏi

ầu ơ tiếng mẹ nghe rất quen

nỗi nhớ quẩn quanh không nơi thoát

tụ lại trong tim đầy chỗ nằm

vói tay vặn thử thời gian nguội

vô ích như trò chơi trăm năm

Hoàng Phố buồn và dĩ nhiên trong nỗi buồn mang chữ Việt Nam ấy vẫn là bóng dáng người mẹ cho bất cứ ai còn mẹ ở lại trong nước. Anh nhờ người bạn ghé nhà thăm bà. Có lẽ anh sợ những giọt nước mắt, những lời trách thân yêu mà anh lâu lắm chưa một lần nghe qua:

Thư gửi bạn

mày có đi làm ghé chơi thăm má

mua một tô mì cho má giùm tao

nhớ thêm bột nêm vào trong hoành thánh

tánh má từ xưa vẫn thích ngọt ngào

nếu má hỏi mày làm ăn có khá

cũng ráng mà cười nói “được” nghe chưa

tánh má hay buồn nghe ai thất bại

bốn chục năm rồi má vẫn như xưa

khi mày ra về cũng nên hẹn lại

sẽ đến thăm khi rảnh rỗi việc nhà

má như trẻ thơ thích ngồi nói mãi

những chuyện ngày xưa hồi còn có ba

ừ mà tao quên, mày đốt cho ba

một nén nhang thơm cho má mát lòng

bởi tao đi rồi là hai hình bóng

nay đã mất tăm vừa con vừa chồng

Mẹ của Hoàng Phố có lẽ may mắn hơn mẹ của Trần Trung Đạo, vì bà được bạn của tác giả ghé nhà thăm hỏi trong khi Trần Trung Đạo lại cứ dối quanh ngày về của mình. Sự cách biệt mẹ con vì chiếc cầu về nước đã bị chặt gãy, đại dương mênh mông đối với nhiều người đã được san bằng chỉ còn lại một con lạch cỏn con, nhưng với Trần Trung Đạo thì đại dương ấy vẫn lạnh lùng, bao la, và tàn nhẫn.

Mỗi mùa xuân thêm một lần dối mẹ

Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê

Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Đời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn

Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần

Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm

Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Để mùa Xuân hoa trắng nở trong lòng

Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian

Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai

Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.

Qua một mùa xuân là một lần con người thay đổi mặc dù đất trời chẳng khi nào đổi thay. Những bài thơ cũng từ đó mà lột da, có thể buồn hơn hay ngậm ngùi hơn trong từng mùa xuân riêng lẻ. Chỉ có mùa xuân quê hương, mùa xuân dân tộc là luôn luôn diễm lệ và tưng bừng để từ đó đất nước hít thở sinh khí mới và chia sẻ cho sinh linh niềm hy vọng mà người tha hương chắc chắn sẽ tiếp nhận trong một ngày về…

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

14-02-2015

Nguồn RFA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn