BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hận Quê Hương

13 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 1045)
Hận Quê Hương
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Tới rồi đây cô, quận 1 đây. Ông già đạp xyclo vẻ mặt nhăn nhó nói nho nhỏ .

- Tiền đây bác. Nhìn tấm bảng “ ủy ban nhân dân quân 1” chữ đỏ May vui vẻ bước vào cổng .

- Chị tìm ai có việc gì

- Dạ em tìm cha em

- Cha chị tên gì

- Dạ ông Thụt, Trịnh Thụt quê ở Quảng Ngãi.

- Chị đùa à

- Dạ không từ miền Trung vào đây tìm cha xin các anh chỉ giúp

Hai người lính bước ra cỗng thấy May, một người thốt lên, con nhỏ hấp dẫn quá, hợp nhãn tao.

- Cô tìm ai.

Cổ tìm ba cổ mà nói tao nghe không được, hỏi hồi nãy giờ đây. Một người lính lên tiếng.

- Ba cô tên gì mà mầy nghe không được

- Dạ, cha em tên Thụt

- Thụt à ! Hai người lính bụm miệng nín cười. Một người tiếp

- Tối về mới thụt chứ ban ngay làm sao thụt. Cả bọn cười ầm. May đỏ mặt, biết mấy thằng mắc dịch chọc mình. Chưa biết phải làm sao thì trung úy trưởng toán gác la lớn tiếng mấy người lính, và mời May vào văn phòng ngay sát cổng ra vào

- Cô vào quận có việc gì

- Dạ em tìm cha em

- Cha cô làm việc ở đây tên gì tôi mới tìm cho cô chứ.

- Dạ ông Trịnh Thụt

Người trung úy nghiêm nét mặt ra chiều suy nghĩ xem thử có người nào làm việc ở đây có cái tên kỳ lạ như vậy. Anh bấm phôn gọi. Mai vẫn đứng dù viên trung úy mời ngồi từ lúc đầu.

- Xin lỗi cô tôi hỏi trưởng phòng nhân viên cho biết không có ai tên Thụt, như vậy cô phải đi chỗ khác tìm, chứ cơ quan này không có ba cô.

- Dạ chào ông. May lặng lẽ bước ra khỏi cổng, và bây giờ không biết phải làm gì.

Thành phố Hồ chí Minh đông quá, xe chằng chịt, biết đi đâu bây giờ. Một chiếc xe xích lô rà sát chân May:

- Cô đi đâu mời cô lên xe.

May giật mình, hay là ra bến xe về lại miền Trung, ở đây biết chỗ nào mà ở. May liền bước lên xe nói :

- Bác cho cháu ra bến xe về Quảng ngãi

- Bến xe miền Trung hả cô

- Dạ, đó đá.

Ngồi trên chiếc xe xít-lô May yên tâm nhất là một ông già chậm chậm, cẩn thận đạp chiếc xe sát lề đường. May nghĩ, khi sáng một ông già đưa mình đến cơ quan quận, bây giờ cũng một ông già đưa ra bến xe. Sao lại người già làm nghề đạp xe xít-lô như thế này. Thì ra chú Hai nói đúng, có lần nghe chú nói bọn ngụy quân ngụy quyền bây giờ làm nghề đạp xít- lô là chính. Cuộc sống các ổng bây giờ khổ lắm, thì ra đổi đời là vậy. Trước kia cha mình chú Hai làm thuê làm mướn bị bọn điạ chủ bóc lột nên không đủ ăn, bây giờ bọn địa chủ không đủ ăn, cha mình, chú Hai lại giàu có. Trời có con mắt nên mình mới có dịp đi đây đi đó, đi vào thành phố Hồ chí Minh tìm cha. Nhưng tại sao lại không gặp, hay là chú Hai nói sai bảo cha làm việc ở quận 1 mà mấy ông gác tìm không ra. Họ mà tìm không ra thì làm sao mình, đứa con gái nhà quê mới lần đầu vào thành phố, mà tìm ra, nên chỉ còn nước đi về là đúng nhất.

- Bây giờ có xe về Quảng ngãi không bác.

Ông già đạp xít-lô vẫn im lặng. May nghĩ có lẽ mình nói nhỏ quá ổng không nghe . Quanh vào bến xe, đông quá. Người qua lại ồn ào hơn cái chợ. Ông già thở hổn hển bước xuống xe, đẩy chiếc xít-lô sát lề đường nói :

- Bến xe đây cô. Cô xuống xe vào phòng bán vé họ bán cho cô về miền Trung.

Xe chạy ra gần hết tỉnh Long Khánh thì trời bắt đầu tối. Suốt mấy tiếng đồng hồ May dán mắt vào cửa kính xe nhìn cảnh vật hai bên đường. Lạ quá chỗ nào cũng lạ quá đối với May. Mà sao bắp trong này cây thấp quá thua bắp ngoài mình. Mà sao nhà trong này dọc bờ đường cũng thấp quá. May mỉm cười, mình quê thiệt, tại mình ngồi trên chiếc xe cao nên thấy bắp thấp, chứ nghe những người đi kinh tế mới trốn về họ cho biết bắp Long Khánh tốt lắm, cây cao với tay không tới, và mỗi cây ba trái bắp đều đều.

Trời tối hẳn. Khách trên xe ngủ lăn chiêng, kẻ ngã đầu qua, người ngã đầu lại, ngủ say. Ông già ngồi ghế dưới May, ngáy như bò rống. May nghĩ họ vô tư thật, ngã lưng xuống là ngáy khò khò, còn mình sao khó ngủ quá, nên chưa bao giờ có da có thịt, người ốm như cây que. Mẹ ở nhà chắc trông ngóng mình về để biết tin chồng, hơn nữa, lâu nay một mẹ một con hủ hỉ có nhau, bây giờ mình đi vào Nam, bà ở nhà buồn lắm.

Nghĩ đến mẹ May thương vô cùng, nước mắt rơm rớm. Mẹ mình khổ suốt đời. Ngày xưa còn thời loạn lạc, thời chiến tranh, thời phong kiến gì đó, mẹ khổ đã đành vì nhà nghèo không đủ ăn.

May nhớ lại lúc còn nhỏ, có lẽ bốn năm tuổi gì đó, theo mẹ đến nhà ông xã Năm, mẹ làm việc nhà cho gia đình địa chủ này, còn mình thì đánh nhựt, nhảy cò cò với con ông chủ. Có hôm mình với con ông chủ dành lượm khế rụng ở sân sau, mình làm nó té chảy máu răng. Mẹ mình la quá đánh mấy bạc tai làm mình khóc suốt trên con đường về nhà. Nghĩ lại dị thiệt, hồi nhỏ mình mặc áo không có quần, ở truồng dồng dỗng, theo mẹ đến nhà bà chủ, bà lấy cái quần cũ của con trai út của bà cho mình mặc, bà còn nói, đừng ở truồng người ta quở. Từ đó mình có cái quần đùi của con trai khi đi đâu mặc vào, ở nhà thì ở truồng. Bây giờ con nít có đủ quần áo không như mình hồi nhỏ. Cha mình ổng bảo mình khổ, không có áo quần mặc, phải ăn củ thay cơm, không được đến trường học, là vì bị bóc lột. Một hôm mình hỏi tại sao nhà mình bị bóc lột mà gia đình bà chủ không bị bóc lột. Cha la “ con nít ai địt thì dạ” đừng hỏi bậy bạ.

Từ đó tới ngày nay mình cũng không hiểu bóc lột là sao.

May nhớ hồi nhỏ thấy cha và chú Hai cỡi trâu của bà chủ thích quá, đòi cỡi, bị mẹ la và cú đầu mấy cái. Lên 14 tuổi May tập cấy lúa, cắt lúa, xay lúa, giã gạo. Mỗi buổi sáng còn mờ mờ, cha mẹ và mình đã lớn rồi, đến nhà bà chủ, phần ai nấy làm, cha chăn trâu, mẹ giặt giũ trong nhà, còn mình thì xay lúa giã gạo. Chiều tối gần không thấy đường, ba người bợ một nón gạo đầy, đem về nhà. Hồi đó sao mình vui quá, vui hơn bây giờ, tuy bây giờ mình ở nhà ngói, có dư lúa gạo, khỏi đi làm mướn cho người ta.

Tại sao vậy, May nghĩ không ra.

Trời tối quá. Nhìn ra ngoài không thấy gì hết. Ánh đèn xe hơi sáng quét phía trước con đường quốc lộ khi rõ khi mờ. Người tài xế cẩn thận cho xe chạy chậm. Trong xe ngủ hết chỉ trừ May. Một phần, May không quen ngủ trong xe, một phần, May sợ nếu ngủ quên, xe chạy thẳng ra Quảng Nam Đà nẳng thì tai hại . Tuy May đã dặn hai lần người tài xế khi xe đến Đức phổ dừng lại cho xuống, nhưng vẫn không dám ngủ, sợ ngủ quên.

Đã năm năm rồi, nhưng May còn nhớ rất rõ cái đêm đó, đêm mừng hết lớn, mừng quá sức, mừng như ngày hội, đêm cách mạng thành công. Ngay đêm đó cách mạng bắn ông xã Năm chết cong queo trong vườn của ông. Bà xã Năm và mấy người con cút khỏi làng, biệt tăm. Có người nói bà về quê mẹ ở Bình định, vì hình như có mấy ông anh em gì đó làm cách mạng bao che cho bà. Chú Hai làm bí thư xã. Còn cha mình làm chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Trong xã trừ những gia đình ngụy quân ngụy quyền, tất cả đều tưng bừng vui như ngày hội. Chú Hai nhanh chưn đưa gia đình vào tiếp thu nhà ông xã Năm. Cha mình dựng tạm cái nhà tranh trên sân vận động của đám lính ngụy thường đá banh mỗi buổi chiều. Tuy cha chậm chưn nhưng dân chúng ít nói bậy bạ hơn là chú Hai vì chú chiếm nhà của địa chủ. Họ còn ác miệng nói chính chú giết ông xã Năm, đuổi vợ con ông ra khỏi nhà. Nhưng cha thường bảo, đất ruộng nhà cửa của bọn phú nông địa chủ là của nhân dân, nên đảng phải quản lý. Nhờ đất ruộng dọc hai bên quốc lộ, chia thành lô, bán cho người ta làm phố buôn bán, hoặc làm nhà để ở, nên chú Hai xây được cái nhà có lầu, đẹp nhất trong quận. Người ta bảo nhà làm theo kiểu nhà Tây, có phòng ngủ riêng, phòng ăn riêng, phòng tắm và phòng đi iả cũng làm ngay trong nhà mà không nghe mùi hôi thúi gì hết. Một sân trước rộng lát gạch tráng men nhiều màu xanh trắng đỏ. Phía sau là một sân có để bàn ghế có cây kiển. có hồ non bộ, có ao cá vàng, nơi chú uống rượu với bạn bè với các đồng chí của chú. Chú, thiếm Hai, và hai người con ở trên lầu mỗi người một phòng riêng.

Còn cha cũng nhờ mấy cái nền nhà dọc đường bán lại cho người ta, cha làm một ngôi nhà ngay trung tâm sân vận động. Nhà không có lầu không đẹp như nhà chú Hai nhưng cũng vào hạng nhất trong xã. Cha đúc bê tông làm trụ, cứ hai thước một trụ, kéo kẽm gai rào chung quanh vườn, cha bảo làm cái gì cho rõ ràng, có biên giới chắc chắn, để sau người ta khỏi lấn của mình sinh kiện tụng không hay. Đúng một năm sau cấp trên điều cha vào làm việc trong thành phố Hồ chí Minh còn chú Hai vẫn làm bí thư mãi tới giờ còn làm.

Dân làng thường ganh tị xấu miệng mỗi khi thấy gia đình chú Hai hoặc thấy mẹ con mình đi qua họ xầm xì, bọn chăn bò bây giờ sướng như tiên. Chú Hai bực mình, cho công an xã theo dõi trừng trị bọn phát ngôn bừa bãi, nhưng công an cũng đành bó tay không biết ai mà trị. Mẹ bảo họ nói kệ họ, không động đến tên mình thì thôi, can chi phải lên tiếng. Nhưng cha thì vô cùng bực bội, cha bảo cách mạng đổ biết bao xương máu mới thành công, thì người làm cách mạng có quyền hưởng cũng như phần thưởng của đảng ban cho, tại sao dân chúng có quyền gì ăn nói bừa bãi. Ông thường nói ông rất ghét quê hương, hận quê hương, nơi phụ bạc, ông muốn về thành phố ở văn minh hơn, vui vẻ hơn, vì người thành phố không ganh tị, ai làm nấy ăn, không dòm ngó, không xen vào đời tư của ai.

Cha ra đi được gần 4 năm rồi. Cha về có một lần, ở nhà đúng một ngày, rồi vội vã ra đi bảo công việc quá bận. Nhưng hàng năm chú Hai vào thành phố Hồ chí Minh họp có ghé cha và cha có gửi về cho mẹ một số tiền. Đến năm nay mẹ yếu thấy rõ, mắt mờ hay bị xỉu, bác sĩ trong huyện bảo mẹ bị đái đường nặng, phải kiên cử đủ thứ. Nhưng mẹ bảo hơi nào mà nghe mấy anh bác sĩ, các ảnh nói chuyện trên trời dưới đất đâu đâu, hồi bà ngoại mấy kiên cử, mà bà cũng sống trên tám mươi.

Đến quá nửa buổi xe đến Đức phổ. Xuống xe nhìn chiếc xe lấm đầy bùn đất, May cảm thấy thương thương chiếc xe chạy ì ạch suốt đêm không nghỉ.

Đứng trước cổng chính của khu vườn rộng rãi ngay thẳng, đầy cây ăn quả, giữa vườn là ngôi nhà ngói đỏ chói, May cảm thấy phấn khởi. May nghĩ dân làng họ nói bậy nhưng cũng có cái đúng, là toà nhà của ông điạ chủ xã Năm ngày xưa, không bằng cái góc của nhà mình, điều này mình biết đúng vì khi còn nghèo khổ mình đã từng xay lúa giã gạo trong nhà ông địa chủ ác ôn đó. Người dân còn bảo nhà chú Hai, bí thư xã, sang gấp mười nhà quan thượng Tạ ngày xưa, điều này nghe nói chứ mình không biết.

Tiếng chó sũa vang, đứa ở chạy ra mở cổng :

- Họa cô Ba đã về. Ở nhà bà trông cô về

- Bà ra sao.

- Dạ cũng vậy, bà nằm không muốn đi, cháu phải đem cơm tận giường cho bà ăn. Cô đi nhà vắng quá cháu cũng trông cô mau về.

Nghe con gái về, mẹ ngồi dậy :

- Con vào có tìm được nhà không, có gặp cha con không.

- Tìm được nhà, nhưng cha đi họp ngoài Hà nội nên không gặp cha. May phải nói láo với mẹ, không dám nói không tìm ra nhà, sợ mẹ lo.

- Thành phố Hồ chí Minh lớn lắm hả con

- Lớn lắm, không gặp cha con về ngay, sợ ở nhà mẹ trông, con không dám đi chơi

- Ừ con mới đi mà mẹ nhớ quá .

Nhìn mẹ May rơm rơm nưóc mắt.

Nhìn sức khỏe của mẹ May ái ngại quá. Bịnh đái đường rất nặng làm cho cặp mắt của mẹ gần như mù hẳn. Nghe tiếng nói mẹ biết người quen ngưòi thân trong gia đình. Mẹ không còn phân biệt được hình ảnh màu sắc nữa. May định hỏi chú Hai địa chỉ của cha để vào gặp báo cho cha biết tình trạng sức khoẻ của mẹ, và năn nỉ cha về quê thăm mẹ trong dịp Tết sắp đến, vì có thể ngày sống của mẹ không còn bao lâu nữa.

May nhìn bộ quần áo của mình :

- Không xứng ngồi trên chiếc ghế bành da ngoại quốc sang trọng này. Người giúp việc đặt ly nước trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, kính cẩn thưa :

- Mời cô uống nước, ông nhà cũng gần về rồi.

- Cảm ơn chị .

Tuy hai gia đình quen thân, nhưng ít khi May đến nhà chú Hai từ ngày nhà chú quá sang, và nhất là May biết dân chúng rất bất bình chú nhưng không dám nói ra. Vừa thấy chiếc xe hơi của ông bí thư quanh vào ngỏ, May vội đứng dậy đi nhanh ra sân đón chờ.

- Cháu đến bao giờ, mẹ có mạnh không, cha có thư về không .

Chú Hai hỏi lia lịa làm May không kịp trả lời.

- Dạ thưa chú mẹ cháu không được khỏe

- Mẹ đau sao chú không hay biết

- Mẹ cháu đau đái đường nặng lắm

- Chà, cháu cho cha cháu biết chưa.

- Dạ cháu sắp vào cha cháu tin cho biết mẹ đau nặng, nhưng không biết địa chỉ, nên mẹ cháu bảo cháu đến nhờ chú chỉ cho địa chỉ, để vài hôm nữa cháu vào thăm.

- Được cháu vào nhà chú tìm địa chỉ cho cháu, nhưng cháu phải hứa với chú là…

- Dạ cháu hứa gì chú

- Vào nhà rồi chú nói

Vào lại phòng khách May đứng chờ không ngồi. Chú Hai đi vào phòng riêng lấy một cặp đầy giấy tờ ra phòng khách đổ xuống nền nhà, rồi xốc rồi lục đống giấy lộn xộn :

- Mỗi lần chú vào gặp cha cháu ở chỗ làm việc, ở quận 1, rồi hai anh em đi ăn nói chuyện, khi cần mới đến nhà nên chú không nhớ được số nhà.

Tìm không ra sổ địa chỉ chú Hai lại vào phòng bợ cái thùng gỗ lớn đựng đầy giấy đổ ra nền nhà. Chú mừng ra nét mặt :

- Đây rồi, đây rồi, may quá, cháu lấy cây viết trên bàn kia ghi ngay. Số 459 đường Nam kỳ khởi nghĩa quận 1 . Xuống bến xe cháu gọi chiếc taxi cho nó biết số nhà và tên đường. Thằng nào cũng biết con đường quan trọng bậc nhất này. Cháu bọc cẩn thận, khéo rớt mất thì phiền lắm đó.

- Dạ cảm ơn chú cháu về để mẹ cháu trông.

- À mà chưa, cháu phải hứa với chú..

Chú Hai theo May ra sân như tiển khách, nói nho nhỏ :

- Tuyệt đối đừng cho cha cháu biết là chú cho địa chỉ, nhớ chưa. Khi tới nhà thăm cha cháu dặn đi dặn lại nhiều lần bảo chú không cho ai biết địa chỉ, dù mẹ cháu hỏi cũng bảo không biết. Nhưng nay vì mẹ cháu đau nặng nên chú hết cách, đành cho cháu biết, nhưng cháu đừng bao giờ nói chú cho địa chỉ. Cháu nói ai cũng được nhưng đừng nói chú, hiểu chưa

- Dạ cháu hiểu, cháu không nói chú nói. Nếu cha hỏi cháu sẽ nói ông trung úy trưởng toán gác quận 1 cho biết.

- Họa sao cháu biết quận 1

- Cháu có vào nhưng ở đó không tìm ra cha cháu.

- Đúng rồi, đến đó hỏi tên thực của cha cháu ông Thụt, không ai biết đâu. À may chú quên cho cháu biết tên bây giờ của cha cháu, thì cháu có đến đúng nhà, cũng không ai cho vào. May quá không thì cháu đi không về rồi, tốn tiền xe vô ích. Ba cháu lâu nay lấy tên là Trịnh Văn Hóa chứ không dùng tên cũ nữa. Nhớ chưa. Trịnh văn Hóa không còn là Trịnh Thụt nữa, nhớ chưa.

- Dạ cháu nhớ rồi cảm ơn chú, cháu về.

- Có gặp cha nói chú có lời thăm. Và ăn Tết xong, không chừng chú vào họp sẽ gặp. Thôi cháu về.

 

Ngày gần Tết bến xe Miền Trung đông đúc, ồn ào náo nhiệt quá. Xe ra vào tấp nập. Đủ thứ xe, xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh ….chen lấn, la ó, chưởi bới, mời mọc, kêu gọi. Bước xuống xe May choáng ngợp người là người, xe là xe, ồn ào, điếc tai, nhứt óc, đủ thứ âm thanh không phân biệt được, không hiểu gì hết. Chới với.

Người tài xế taxi ló đầu ra khỏi cánh cửa xe mời lớn tiếng:

- Mời cô lên xe đi lẹ Tết đến rồi, cô lên lẹ

May như bị sai khiến bước đại lên xe. Xe chuyển bánh, tài xế hỏi

- Cô về đâu.

- Về đường Nam kỳ khởi nghĩa

Tài xế ngoái đầu lại nhìn kỹ khách vừa lên xe, có ý kính trọng khách đến đường này, số này không có hẽm, chắc là gia đình đại gia rồi đây.

May bước lên xe rồi hoảng hốt, hối hận, lần đầu lên taxi sợ quá. Người ta thường nói bọn taxi lái quanh co mãi để máy tính tiền nhảy lên nhiều tiền. Taxi lái vào hẽm cho bọn cướp của giết người. Đủ thứ chuyện, đừng bày mình không đủ tiền trả thì biết làm sao. Nhìn cái máy chỉ tiền liên tục nhảy, May lo sợ quá, định nói với tài xế dừng lại để xuống đi xe thồ, nhưng May không dám nói, và xe cứ bong bong chạy.

 

May dừng trước cổng nhìn, đọc kỹ, đúng số nhà, đúng tên đường, nhưng May chưa biết phải làm sao gọi người trong nhà. Khu nhà rộng lớn quá. May ngạc nhiên ở thành phố mà sao nhà cũng có vườn rộng như nhà này. Lần trước đến ủy ban nhân dân quận 1 thấy không có vườn, toà nhà cao lớn nhưng sát đường cái không có vườn.

- Cô tìm ai trong này

May giật mình quay lại, một người con gái trạc tuổi May mặc áo chemise trắng quần tây đen, son phấn rất đẹp, cặp kiến đen, mùi nước hoa thơm nức.

- Dạ chào cô, dạ thưa có phải nhà ông Trịnh….văn Hóa đây không cô

- Đúng nhà ổng, cô ở đâu đến đây

- Dạ trình cô tui ở Đức phổ vào đây

- Đức phổ là…. ở đâu.

- Dạ trình cô là ở Quảng ngãi.

- À, cô là gì của ông chủ

- Dạ,..dạ trình cô là…bà con gần với ổng.

- Cô theo tôi

May mừng quá, hú hồn, tìm trúng nhà rồi.

- Cô ngồi đây nhá. Tôi lấy nước cô uống, có lẽ chừng tiếng đồng hồ nữa ông chủ về. Tôi phải làm việc, trưa rồi.

Người con gái dắt chiếc xe honda hai bánh đi theo hẽm bên nhà vào phía sau. Nhìn chiếc giỏ treo ở phía sau xe, May biết cô này đi chợ về, có mua rau muống và trái cây.

Phòng này là một phòng nhỏ phụ trên hành lang phía trước cửa chính vào nhà. Trong phòng một cái bàn bốn cái ghế làm bằng những rể lớn cây cổ thụ danh mộc, có lẽ là gỗ tréc. Mặt gỗ đánh bóng nổi lên những vân gỗ rất đẹp . Lán quá, May sờ sợ không dám ngồi.

- Mời cô uống nước trà đá. Cô cứ ngồi tự nhiên. Tôi là người nấu bếp cho đại gia này nên tôi phải xuống nhà sau, cô cứ tự nhiên có cần gì cô gọi tôi nhá.

May mỉm cười có vẻ thân thiện vì cô này là cô nấu ăn chứ không phải là …gì trong nhà này. May nghĩ thầm cha mình ổng giàu có và sang thật, cô nấu ăn mà đẹp như nàng tiên. Bỗng dưng May buồn buồn, nghĩ đến những ngày xưa, lúc còn đói khổ lúc đi làm tôi tớ, làm mướn cho nhà bà xã Năm. Hằng gì cha ổng không chịu về quê. Ở đây nếu có tiền thì suớng quá, muốn gì cũng được. Ai đời con nấu bếp mà sang quá trời.

Về phía bên trái khu vườn trước mặt có lẽ là hồ tắm. Đúng rồi, đây là hồ tắm lâu nay mình chỉ thấy trên truyền hình, nay thấy tận mắt. Nước xanh trong, không biết họ có bỏ thuốc gì không mà xanh đẹp quá. May đứng dậy nhìn cho kỹ. Quanh hồ có đường đi rải sõi đỏ, có những cái bân như bân học trò làm bằng đá non nước. Đẹp quá, ước gì có mẹ để bà nhìn tận mắt cái hồ tắm của các đại gia. May giật mình, không biết hai ngày rồi bịnh tình mẹ ra sao.

Ngay sát chỗ May ngồi phía tay mặt, một nơi nuôi chim đủ loại. May chỉ biết những con chim két màu xanh, mỏ đỏ, mỗi con đứng trên mỗi cái cầu bằng gỗ tròn bằng chiếc đũa bếp ở nhà quê. Nhiều quá, nếu đứng sát mới thấy phía sau hút, còn nhiều loại chim nhỏ như chim áo già chim se sẻ, nhưng toàn là những giống chim lạ đủ màu sắc và kêu ríu rít. Sang thật. Đẹp thật. Sướng thật. Cuộc sống của cha sướng thật.

Chiếc xe hơi màu đen bóng loáng dừng trước cổng. Người tài xế xuống xe mở cổng. May hồi họp đứng dậy :

Cha đi xe hơi sang như bọn nhà giàu bọn tư bản à. Chiếc xe chầm chậm trên con đường rãi sỏi màu xám vào sân dừng trước cửa. Hồi họp May bối rối không biết nên chạy ra hay chờ cha vào. Nhưng cha May thấy trước ngạc nhiên :

- May, mầy vào bao giờ, đi với ai, sao biết nhà mà đến.

- Dạ thưa cha con vào hồi nửa buổi.

Người tài xế mặc quần áo trắng nghiêm trang mở cửa sau, một cô gái sang trọng bước xuống. Cô gái cao, tóc xỏa xuống vai, uốn rất đẹp. Mặt áo vest đen, quần đen đeo kiến đen, đi giày cao gót làm cho người con gái cao hơn hẳn người tài xế và cả ba của May. Cô gái hình như không để ý đến May, đi bước nhanh thẳng vào cửa chính, thẳng lên thang lầu lộng lẫy, lên từng lầu trên.

May mừng quá nhưng nước mắt chảy trên gò má :

- Lâu quá nay con mới gặp lại cha. Cha có mạnh không.

- Bận quá, họp đêm họp ngày, làm việc không hết việc.

- Ỏ nhà mẹ có mạnh không

- Dạ,

- Lâu nay có gặp chú Hai không, sao lâu quá không thấy ổng vào.

- Dạ lâu con không gặp chú. Mẹ bảo con vào thưa cha về ăn Tết, lâu quá mẹ nhớ cha lắm.

- Làm sao về được, cha ghét cái bọn vô ơn bạc nghĩa, cái bọn đầy tư tưởng ngụy ăn nói xấc xược. Cha hận quê hương lắm. Mầy biết không, phải như ngoài mình ăn rồi tà tà, trong này làm việc tối mặt tối mày, ba mươi Tết mùng Một còn khối việc phải làm. Với cha đâu có Tết nhứt gì. Bây giờ, nhìn chiếc đồng hồ vàng đeo tay, trưa rồi, cha phải đi dự tiệc có phái đoàn ngoại quốc đến thăm, để cha nói tài xế đưa con ra bến xe cho kịp không thì trễ, độ này tìm vé về miền Trung khó lắm vì ai ai cũng nôn về ăn Tết.

- Mẹ đau đái đường nặng lắm, nếu Tết này cha không về,… con sợ không kịp đó.

- Chết sống có số, để tao cho thêm tiền mầy về lo thuốc than lo bác sĩ cho mẹ, tao có về cũng vậy thôi.

Ông Văn Hóa đứng dậy đưa tay làm hiệu cho tài xế chuẩn bị xe. Ông ra cửa May bước theo. Nước mắt chảy trên gò má, May nói trong nghẹn nghẹn :

- Con vào đây vì… mẹ đau nặng quá… xin cha về nhìn mẹ lần chót, mà cha không đi, thôi con về, con đi xe thồ cũng được, cha khỏi lo xe cộ. Nói đến đây May khóc oà thành tiếng.

Ông bối rối, kéo cánh cửa xe, nói với tài xế bảo đưa lên bến xe miền Đông mua vé về Quảng ngãi. Ông đẩy May vào xe, dúi vào tay May xấp tiền dày cộm, nói con đi bình yên, cha thăm mẹ, xong việc cha sẽ về thăm mẹ. Không kịp chào, xe chuyển bánh ra khỏi ngỏ.

Những ngày cận Tết mọi người đều vội vã nôn nao. Xe chạy nhanh, nghỉ ít. May về đến nhà đúng chiều ba mươi Tết. Tiếng pháo tất niên xa xa trong xóm.

Nắm tay mẹ May nói sát tai mẹ :

Cha sắp về thăm mẹ. Mẹ yên tâm con vào cho cha biết, cha về thăm mẹ.

Mẹ nằm yên bất động trên chiếc giường trải cái mền làm nệm. Cặp mắt nhắm nghiền thở pheo pheo. Đứa ở gái đứng bên giường khóc. May đưa tay khoát nhẹ bảo nó ra ngoài phòng. Môi mẹ mấp máy. May nói tiếp :

- Cha sắp về thăm mẹ ăn Tết với mẹ.

Nước mắt mẹ chảy. Mẹ cử động mấy ngón tay trên bàn tay của May.

Rồi mẹ thở mạnh, buông bàn tay bất động, mắt nhắm như ngủ. Trước giờ giao thừa. Tiếng pháo giao thừa, đón Xuân trong xóm bắt đầu nổ dòn nơi gần nơi xa. May gục đầu trên tay mẹ khóc nức nở.

Nguyễn Liệu

Nguồn Quảng Ngãi Nghĩa Thục
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn