BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73465)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đoàn Quân Mũ Đỏ (4)

03 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1592)
Đoàn Quân Mũ Đỏ (4)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
 Từ 8 giờ sáng, khu vực biểu diễn nhảy dù đã đông nghẹt khán giả. Tuy vậy, trên những con đường từ thị xã Mỹ Tho, người ta vẫn thấy làn sóng người cuồn cuộn đổ về địa điểm tổ chức cuộc biểu diễn. Để tránh tai nạn rủi ro có thể xảy ra, một số anh em binh sĩ thuộc Sư đoàn 7 Bộ binh đã làm những hàng rào giây commando trắng, giới hạn vị trí khán giả và lối đi dành riêng cho quan khách. Khán đài được thiết lập giản dị, với 4 hàng ghế dựa được che nắng bởi 3 cây dù điều khiển 2 màu trắng đỏ.

Đường Gia Long - Mỹ Tho


Hai bên khán đài, người ta đọc đưọc những biểu ngữ hoan hô chiến thắng vẻ vang mới đây của Khu Chiến Tiền Giang.

Sáng nay, bà con vừa chứng kiến buổi lễ mừng chiến thắng vừa qua, với hình ảnh các chiến sĩ Sư đoàn 7 Bộ binh và một đơn vị tăng phái của Sư đoàn Nhảy Dù được tuyên dương công trạng.

Cuộc biểu diễn nhảy dù này là để giúp vui cho lễ mừng chiến thắng. Vì khán đài hướng về phía tây bắc, nên khán giả đứng thành vòng cánh cung, nhìn ra một vùng đồng lúa phì nhiêu.

Dưới ánh nắng ban mai, nổi bật trên nền cỏ xanh trước khán đài chừng 100 mét, là một chữ thập được kết bằng hai tấm vải đỏ chói. Xướng ngôn viên của Sư đoàn Nhảy dù giải thích đó là mục tiêu đáp xuống của các huấn luyện viên nhảy dù điều khiển. Sau khi rơi tự do ra khỏi máy bay, các huấn luyện viên thuộc Trung tâm Huấn Luyện Nhảy Dù sẽ điều khiển mở và lái dù sao cho mình có thể đáp xuống càng gần chữ thập đỏ càng tốt. Xướng ngôn viên còn nói thêm, đã từng có một số huấn luyện viên đáp xuống trúng giữa mục tiêu. Người thường đắc ý về việc này, là giám đốc Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù (thuộc Sư đoàn Nhảy dù) Trần Văn Vinh. Ông được báo chí tặng biệt danh: Người Bay Trên Không Phận Việt Nam!

Sau khi vị chủ tọa buổi biểu diễn an vị, vòng bay đầu tiên, phi cơ thả một kiện hàng với cây dù mang màu quốc kỳ Việt Nam. Máy bay kế tiếp thả hai kiện hàng với các cây dù mang màu quân kỳ của Sư đoàn Nhảy dù và hiệu kỳ của Sư đoàn 7 Bộ binh.

Vòng bay kế tiếp, theo xướng ngôn viên, hai nữ trợ tá của đoàn quân Mũ Đỏ sẽ mở đầu chương trình nhảy tự động.

Khán giả hồi hộp theo dõi hai bóng đen vừa lao ra khỏi máy bay. Hai cây dù vừa mở trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo bà con chứng kiến. Các nữ sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu nhiệt tình cổ vũ. Một trong hai cô nữ trợ tá đang xuống gần chỗ các nữ sinh. Đó là một cô gái còn rất trẻ. Nàng mặc bộ đồ bông đỏ, mang trước ngực bảng tên thêu hai chữ: Lan Anh.

Lan Anh vừa xếp dù vô bao, vừa vui vẻ trả lời những câu hỏi của đám đông học trò áo trắng.

-Chị nhảy bao nhiêu lần rồi?

-Chưa được bao nhiêu đâu. Chừng trên mười lần thôi.

-Nhảy vậy có sợ không, chị?

-Sợ chớ!

-Eo ơi! Tụi em hổng dám đâu!

Sau khi vác chiếc túi dù để tại điểm tập trung, Lan Anh trở lại chỗ các nữ sinh.

Một cô bé dễ thương hỏi Lan Anh:

- Chị ơi, rồi mấy anh có đáp xuống trước khán đài không, chị?

Lan Anh ngước nhìn lên khung trời mây trắng có những vệt khói màu cuốn theo người nhảy tự do đang rơi xuống:

-Bữa nay gió nhẹ, hy vọng họ sẽ đáp trúng chữ thập đỏ.

-Bốn cây dù vừa mở. Mọi người hồi hộp theo dõi những chiến sĩ gan dạ đang điều khiển cây dù của mình tới gần khán đài. Nhiều tiếng vỗ tay không ngớt. Có khán giả tung nón lên cao. Máy phóng thanh tiếp tục truyền đi lời giới thiệu:

-Kính thưa bà con. Cả bốn huấn luyện viên đã đáp trúng mục tiêu.

Lan Anh vừa định tới khán đài thì nghe có tiếng kêu phía sau: - Thưa chị!

Một thiếu nữ mặc chiếc áo dài màu xanh nước biển vừa lách qua đám nữ sinh đến gần: Lan Anh lên tiếng:

-Em vừa gọi chị? Cô bé gật đầu:

-Dạ! Em là .. Thanh Hương. Lan Anh tươi cười:

-Thanh Hương cứ tự nhiên. Em muốn nói gì với chị? Thiếu nữ ngập ngừng:

-Em muốn chị cho phép em nói chuyện riêng một lát, nhưng sợ làm phiền chị..

-Không phiền gì hết. Em đợi đây, chị phải trình diện trước khán đài. Lát nữa còn nhiều thì giờ, chị sẽ trở lại với em.

Cô bé chớp mắt:

-Dạ! Thế nào chị cũng cho em gặp nha! Lan Anh giơ tay ra phía trước:

-Em coi kìa! Toàn cảnh một đơn vị nhảy thế kia, đẹp không? Em chờ chị chút xíu.

Thanh Hương nhìn theo. Cả một rừng hoa dù nở rợp góc trời tây bắc. Đây là màn chót của cuộc biểu diễn hôm nay, ban tổ chức muốn cống hiến khán giả, hình ảnh một đơn vị nhảy dù hành quân. Thanh Hương lặng lẽ nhìn những cánh dù bay rợp một khung trời.

Chiến sĩ trong Đoàn Quân Mũ Đỏ đang dần rơi trên đồng lúa, trên vườn cây và cả trên khu trường trung học phía bắc.

Loa phóng thanh truyền đi một khúc nhạc quân hành. Thanh Hương nhớ ngày nào từng được tham dự lễ Quốc Khánh trên khán đài ở đại lộ Thống Nhất Sài Gòn. Cũng dòng nhạc tương tự, Đoàn Quân Mũ Đỏ diễn hành trong tiếng vỗ tay vang dội của đồng bào. Thanh Hương nhìn thấy anh trai đi hàng bìa trong đoàn quân đó. Tự nhiên, hai dòng nước mắt chảy từ từ trên khuôn mặt vừa tuổi trăng tròn.

- Kìa! Sao em khóc?

Thanh Hương vội đưa khăn lau mặt. chưa kịp trả lời, khiến Lan Anh hỏi thêm:

- Có điều gì, em cứ nói. Nếu giúp được em, chị cố gắng.

Cô bé nói trong nước mắt:

-Em khổ quá, chị ơi! Lan Anh vẫn dịu dàng:

-Em phải cho chị biết nguyên do chớ! Thanh Hương nghẹn ngào:

-Anh trai duy nhất của em tên là Vũ, phục vụ tại Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Nhưng anh của em đã ... đền nợ nước trong trận Đỗ Xá!...

Lan Anh nói tiếp:

- Trận ấy, Tiểu đoàn 5 thắng lớn. Tất cả các tử sĩ đều đã anh dũng chiến đấu, xứng đáng được vinh danh...

Thanh Hương nhỏ nhẹ:

-Em biết như vậy. Nhưng nỗi lần nhớ anh, nước mắt em cứ trào ra.

-Chắc em định kể chuyện anh Vũ cho chị nghe?

Cô bé gật đầu: - Dạ!

rồi chỉ tay qua phía bên kia đường:

- Nhà em ngay bên cạnh trường học. Câu chuyện em muốn kể chị nghe và nhờ chị giúp cho một việc, hơi dài. Xin chị bớt chút thì giờ...ghé qua...

Lan Anh giơ tay xem đồng hồ:

- Vậy chị phải coi lại giờ tập trung tại khán đài để trở lại Sài Gòn.

Thanh Hương hồi hộp nhìn theo người con gái mặc quân phục đang rảo bước đến khán đài. Chỉ chừng vài phút sau, Lan Anh vui vẻ trở lại:

- May quá, mấy anh chị đó còn rủ nhau đi xem thị xã Mỹ Tho. Lối hơn một tiếng nữa, bọn chị sẽ đến chỗ hẹn trước khán đài để cùng trở lại Sài Gòn.

Cô bé mừng rỡ:

-Em xin cảm ơn chị. Lan Anh cầm tay cô bé:

-Nào chị em mình cùng đi. À, nhà em có những ai?

-Em ở với dì Năm. Sáu năm trước đây, ba má em đều bị thiệt mạng trong một trận pháo kích của đối phương vô thị xã Quảng Ngãi. Tới khi anh Vũ em hy sinh, dì em lên Sài Gòn, vô nội trú xin chuyển trường cho em về học Nguyễn Đình Chiểu. Em ở với dì mấy năm nay. Nhà chỉ có hai dì cháu!

Lan Anh lộ vẻ buồn:

-Chị xin chia buồn cùng em.

-Cảm ơn chị.

Thanh Hương đưa Lan Anh đi vòng quanh một bồn hoa rồi rẽ vô lối đi rải sỏi trắng, hai bên trồng cỏ tóc tiên. Hai chị em dừng lại trước căn nhà có cửa sơn xanh màu nước biển,

Lan Anh khen:

- Ở đây thơ mộng quá.

Vừa lúc đó, một thiếu phụ từ trong nhà bước ra.

Thanh Hương vội nói:

-Thưa dì Năm, đây là chị Lan Anh, người cùng binh chủng với anh Vũ. Lan Anh cúi đầu chào. Thiếu phụ niềm nở nói với Thanh Hương:

-Con mời chị vô nhà chơi. Dì Năm qua lối xóm một lát.

Lan Anh vui vẻ:

- Cảm ơn dì.

Thanh Hương nhìn theo bà dì bước qua nhà bên cạnh rồi kéo tay Lan Anh. Hai chị em đi qua cửa chính. Trước mắt Lan Anh là một bàn thờ Gia Tiên, như phần đông các gia đình ở Miền Tây. Thanh Hương ở trong một căn phòng nhỏ. Cô bé kéo chiếc ghế nơi bàn viết:

-Mời chị ngồi đây. Em đi kiếm nước uống. Chị dùng trà hay nước ngọt?

-Em cho chị ly nước lạnh.

Thanh Hương vội bước ra. Lúc đó, Lan Anh mới để ý thấy căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ. Sát tường cũng có một bàn thờ nhỏ, trên có tấm hình hai ông bà mà Lan Anh biết là ba má Thanh Hương. Một khung ảnh màu với khuôn mặt trẻ của người lính Dù- hẳn là Vũ - mang áo trận, vai choàng 2 giây biểu chương màu Bảøo Quốc Huân Chương và Quân Công Bội Tinh, ngực áo bên trái đeo huy chương, bên phải có tấm bằng Dù thêu chỉ trắng.

- Mời chị dùng nước!

Lan Anh đỡ ly nước lạnh trên tay Thanh Hương. Cô bé ngồi vào mép giường cạnh Lan Anh:

- Thưa chị. Em xin nói vắn tắt để khỏi mất thì giờ của chị. Xin chị vui lòng giúp em một việc sau khi nghe câu chuyện... buồn của em.

Nói đến đây, Thanh Hương chỉ tay lên bàn thờ:

-Nhìn bàn thờ, chắc chị cũng biết những hình ảnh trên đó là ba má em và anh Vũ.

-Anh em còn trẻ lắm. Lúc hy sinh, anh Vũ chỉ chừng hai chục tuổi?

Thanh Hương gật đầu:

- Dạ! Anh em hai mươi mốt. Còn em, mới mười bốn tuổi! Anh Vũ phục vụ tại Tiểu đoàn 5 Dù được hơn một năm thì nằm xuống. Lúc được di tản về Tổng Y Viện Cộng Hòa, anh em còn tỉnh. Em được tin cấp báo nên đã tới phòng Hồi Sinh, trước đó.

Cô bé nghẹn ngào nói tiếp:

- Bác sĩ chấp thuận cho em được ở bên anh trong những giây phút cuối cùng, vì biết là anh em không còn sống thêm được bao lâu nữa.

Hai hàng nước mắt chảy trên khuôn mặt diễm lệ của cô bé.

Thanh Hương cầm khăn lau mặt rồi cố lấy giọng tự nhiên:

-Thấy em khóc, anh Vũ nói qua hơi thở:

-Đừng khóc! Hãy làm theo lời anh dặn...

Em nắm chặt tay anh:

-Anh cứ nói đi. Em sẽ làm theo ý anh.

Trên cặp môi héo hắt của anh, em thấy một nụ cười:

- Trong chiếc rương của anh, có một bao thư lớn. Em trao nó cho người nhận, theo địa chỉ đã ghi...

Lan Anh uống một hớp nước rồi để chiếc ly trên bàn viết:

-Gần hai năm qua rồi, chắc em đã làm theo ý anh Vũ?

-Thưa... chưa!

-Tại sao?

Thanh Hương ngập ngừng:

-Vì sau đó, anh Vũ nói chỉ trao bức thư vào trung tuần tháng Giêng dương lịch tới đây! Lan Anh ngạc nhiên:

-Vậy sao? Anh Vũ có nói lý do tại sao không?

-Lúc đó anh em đã mệt lắm. Em không dám hỏi gì thêm. Chỉ hứa là sẽ làm theo lời anh.

Vừa nói, Thanh Hương vừa kéo hộc bàn viết, lấy ra một bao thư bằng giấy croquis trao cho Lan Anh:

- Đây là bức thư ấy. Sau khi anh Vũ em nhắm mắt, em tới hậu cứ Tiểu đoàn 5 Dù trên Tam Hiệp, Biên Hòa để nhận di sản của tử sĩ đem về nội trú, em vẫn chưa mở chiếc rương. Vì chiếc rương có khóa bên ngoài mà anh Vũ cũng không kịp cho em hay là chìa khóa để ở đâu nữa! Mãi tới khi Dì năm em lên Sài Gòn xin chuyển trường cho em về học Nguyễn Đình Chiểu và ở với Dì, chiếc rương mới được nhờ mở ra. Chị coi, bao thư này hồi đó còn nguyên màu trắng, và vết keo dán còn dính cứng. Em nghĩ là anh của em mới viết cách đó không bao lâu. Bây giờ thì bao thư đã ngả qua màu vàng, vết dán mềm ra...

Trong lúc Thanh Hương kể lể, Lan Anh đọc những hàng chữ trên bao thư:

-“Kính gởi Thượng Sĩ Đinh Viết Định Kbc 4.709"

Lại nghe Thanh Hương nói tiếp:

-Xin nhờ chị trao giùm cho ông Định vào tuần tới. Em sợ ổng đã thuyên chuyển đi nơi khác...

Lan Anh nói ngay:

-Chị sẽ nhờ Phòng Nhất Sư đoàn tìm giùm và sẽ chuyển tiếp bằng thư bảo đảm. Như vậy không sợ bị thất lạc. Trong trường hợp không thể kiếm ra địa chỉ của người nhận, chị em mình sẽ tính sau.

Thanh Hương vui vẻ:

-Chị chu đáo thiệt. Em không biết nói gì hơn để cảm ơn chị...

Lan Anh giơ tay:

-Đừng nói cảm ơn. Chị em mình đều có bổn phận làm theo lời người đã khuất. Có điều chị không hiểu tại sao anh Vũ lại dặn em phải chờ tới hai năm sau mới chuyển lá thư này? Anh em có nói gì thêm với em không?

-Dạ không. Lúc đó anh Vũ đã mệt lắm, nên em không hỏi thêm.

Thanh Hương nghẹn ngào nói tiếp:

- Sau tang lễ anh Vũ vài bữa, em mới tới đơn vị để nhận di sản của Tử sĩ. “Gia tài” của anh Vũ chỉ có một chiếc rương bằng tôn có khóa ngoài. Không kiếm được chìa khóa. Do vậy mà phải chờ đến khi dì Năm em lên xin chuyển trường cho em về học Nguyễn Đình Chiểu, đặng ở luôn đây với dì, chiếc rương mới được nhờ cạy ổ khóa. Ngoài vài bộ đồ thường phục và rằn ri, trong rương chỉ có bao thư này, một tập Album, mấy cuốn sách học, hai bằng dù của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Lan Anh vỗ nhẹ vào vai cô bé:

-Chị sẽ cố gắng. Em ghi địa chỉ ở đây cho chị. Có gì chị em mình sẽ liên lạc với nhau sau. Thanh Hương ghi vội mấy dòng và trao mẩu giấy cho Lan Anh:

-Em mong tin chị.

Lan Anh, bỏ mẩu giấy vô túi áo, rồi cầm chiếc bao thư, đứng lên:

-Chị phải ra chỗ hẹn thôi. Cho chị gởi lời chào Dì Năm. Thanh Hương tiễn chân Lan Anh ra phía ngoài:

-Chị về mạnh giỏi!

Qua bồn hoa, Lan Anh quay lại, còn thấy cô bé ngơ ngẩn tựa cửa trông theo.

Những làn gió làm rát mặt từ phía trước. Sau lưng Định là ánh lửa hừng hực. Cây dù của Định lao theo một cơn lốc và chàng cảm thấy chóang váng. Dưới chân Định là rừng cây xanh. Màn xanh ấy từ từ dâng cao. Định thấy nóng mặt. Bỗng nhiên, chân chàng vừa chạm mặt đất. Rõ ràng đây là một con đường lớn và Định đang đứng xem Đoàn Quân Mũ Đỏ sắp diễn hành tới. Rồi một khuôn mặt trẻ, rất trẻ, hiện ra: Vũ! Vũ mỉm cười với Định. Bên tai Định còn tiếng gió ào ào như lúc vừa nhảy ra khỏi cửa máy bay mà dù chưa mở; tiếng máy bay rít lên khi vừa cất cánh. Vũ nhìn Định, như muốn trao gửi tất cả tâm sự của mình. Định bước theo Vũ như có một động lực lôi cuốn không thể cưỡng lại. Qua rừng cây xanh, hai người đi trên con đường cát trắng. Những tiếng động không còn nữa. Nơi đây thiệt yên tĩnh. Hai người đến trước một biệt thự có ghi hai chữ Phượng Hoàng màu trắng trên tấm bảng bằng đồng đen. Vũ giơ tay ra hiệu cho Định dừng bước. Rồi như đã quá quen thuộc với chủ nhân, Vũ luồn tay mở then cổng.

Nhưng khi Định vô phòng khách thì không thấy Vũ đâu nữa.

Có mùi thơm dìu dịu như hương hoa xoan phảng phất trong phòng. Ánh đèn rực sáng. Tấm hình của Thái treo chính giữa bức tường. Thái đang nhìn Định. Nét mặt Thái thiệt tươi. Dưới tấm hình là chiếc tủ kính - loại tủ chè - với những kỷ niệm của Đoàn Quân Mũ Đỏ.

Định lại gần coi rõ những huy hiệu Ngựa Bay, Ó Đen, những tấm bằng nhảy dù bằng kim khí của các nước đồng minh Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Ý... Mấy miếng vải dù, cắt ra từ T7, T10 và các vải bông may quân phục nguỵ trang từ những năm 50. Tất cả đã được một bàn tay khéo léo xếp đặt rất mỹ thuật, ngăn nắp trong tủ. Điều này chứng tỏ là chủ nhân biệt thự phải có những ràng buộc sâu xa với cá nhân hoặc đơn vị Dù.

Bỗng nhiên, căn phòng chuyển động. Trên màn ảnh vô tuyến cạnh đó, Định thấy rõ ràng một khung cảnh ngoài mặt trận. Vũ đang xung phong tiến chiếm mục tiêu dưới hỏa lực xối xả của địch. Một làn khói hỏa mù khiến Định nhắm mắt lại.

Cùng lúc đó, một tiếng thét vang lên. Định mở mắt ra sau tiếng thét đó và chàng nhận ra Trang ngồi bên cạnh. Nét mặt Trang đầy vẻ lo ngại:

- Có điều gì phiền lòng, anh cho em hay, được không?

Định lắc đầu:

- Anh có sao đâu...

Trang cầm khăn lau mồ hôi trên chán chồng rồi rót ly nước nóng đem đến:

- Anh uống nước. Mấy bữa nay, anh có nhiều cử chỉ khác lạ. Em nghĩ mình cần chia sẻ những ưu tư của anh. Từ bao năm chung sống, anh đâu có điều gì dấu em. Nhưng lần này...

Định mỉm cười ngồi dậy:

-Coi kìa, em lại nghi anh điều gì phải không?

-Em xin anh! Chẳng phải em nghi ngờ truyện trai gái nọ kia, nhưng hẳn có cái gì khác lạ trong tâm tư anh. Sao không cho em hay?

Định cười xòa:

-Thì làm việc nhiều thường hay bị nhức đầu...

Trang cười theo:

-Thế nào anh cũng có điều gì chưa tiện cho em hay. Nhưng cứ cho anh... nợ đó. Bây giờ anh phải vô Trại chích thuốc cho khỏe. Cần nhớ rằng em đang nóng lòng muốn biết những suy tư nào đã làm anh phải trăn trở mấy bữa nay.

Định đến bên cửa sổ:

-Em đừng phiền anh, vì có những chuyện không tiện cho em hay, những chuyện trong đơn vị...

Trang lại gần chồng. Nàng nhìn vô mắt Định:

-Em hiểu, chẳng bao giờ em bận tâm về những điều mà mọi người vẫn thuờng cho là bí mật quân sự. Đàng này là một chiều hướng khác. Anh đang suy nghĩ về một vấn đề khác. Đừng hỏi tại sao em lại cảm nhận như vậy qua dáng dấp, nét mặt, cử chỉ của anh. Có lẽ tại em là vợ anh, người vợ gần như là phiên bản thứ hai của chồng, nhất là vợ chồng chúng ta đã đủ thời gian và hoàn cảnh để có chung cảm nhận.

Định toan lên tiếng thì Trang đã giơ ngón tay lên miệng anh:

- Chưa cần nói bây giờ đâu...

rồi chậm chạp bước ra. Định mỉm cười nhìn theo người bạn đời tri kỷ của anh. Trước khi thay đồ vô đơn vị, Định còn đứng nhìn từng mảng nắng trên vườn rau ngoài khung cửa sổ. Đã nhiều lần, chàng muốn nói cho Trang biết câu chuyện này, để nhờ bà xã cộng tác giải quyết một vấn đề nan giải.

Nhưng hiện Định còn chờ thư hồi âm của Yến, em gái chàng. Gia đình Hùng-Yến đang cư ngụ gần Hải Học Viện Nha Trang.

Tuần lễ trước đây, sau khi Định nhận được di thư của Vũ, thì Hùng cũng ghé thăm anh chị. Định đã viết thư cho em gái, nhờ Hùng mang về. Định hy vọng sẽ nhận được hồi âm của Yến trong vòng một tuần lễ. Định cũng tính rằng, chỉ cần Yến bỏ ra vài tiếng đồng hồ làm theo lời anh rồi viết thư gởi Hàng Không Việt Nam là ngay buổi chiều hôm đó, người bạn làm ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đem về Biên Hòa.

Định sốt ruột vì đơn vị của Thái còn hành quân trên Pleiku từ đầu tháng qua, vẫn chưa trở lại hậu cứ. Thái cũng chưa có thư cho Định, cho Mai. Chương trình lễ hỏi Thái-Mai dự trù vào đầu năm nay. chắc phải hoãn lại, dù Thái đã cho Định xem giấy phép kết hôn của bộ Quốc Phòng.

Trong thời gian Thái tham dự hành quân liên miên thì Định nhận được bức thư của Vũ. Do vậy mà thái độ bần thần, đứng ngồi không yên của Định làm Trang chú ý.

Định đang mang giày để vô Trại coi có tin tức gì không thì Trang bước vào phòng:

- Bữa nay có y tá trực không, anh?

Định quay lại:

- Có, em à! Lát nữa cô giáo có ghé, em liệu trả lời cho xuôi. Anh chưa có tin của Thái, nhưng chắc vẫn bình an.

Trang cười:

-Nhất định như vậy. Cụ Năm nói anh Thái còn sống lâu. Nhưng chương trình làm đám hỏi đầu Xuân không kịp, em sợ đó là điềm ... xui!

-Em đừng tin nhảm!

-Nhưng... em phải trả lời Mai thế nào đây?

Định đội chiếc nón lưỡi trai lên đầu:

- Thì em cứ nói Thái vẫn mạnh, nhưng vì mắc nhiều công chuyện nên chưa có thì giờ viết thư... Thôi, anh đi nha!...

Trang theo chồng ra cửa:

- Anh nhớ chích thuốc. Sau đó, anh cần nằm nghỉ một lát cho khỏe trước khi về nhà. Em sợ anh đau đó!

Định nhìn vợ:

- Không sao đâu. Anh chỉ nhức đầu qua loa, chích một mũi là hết.

Vừa ra tới cổng, Định đã thấy Phúc - người bạn làm ở Nha Hàng không Dân sự - dừng xe lại:

- Anh Định!

Định rất mừng, “cha” này tới đây, thế nào cũng có tin của Yến. Quả nhiên, Phúc rút trong túi áo ra một bao thư trao cho chàng:

- Có thư của cô em anh theo chuyến máy bay đặc biệt sáng nay. Vì chiều tôi nghỉ, nên đem về sớm cho anh.

Định cầm bức thư:

-Cảm ơn anh nhiều. Mời vô dùng trà. Phúc rồ máy xe:

-Tôi không khát. Bye bye!

Định nhìn theo bạn rồi quẹo ra đường vô trại Ngô Xuân Soạn. Vì là ngày chủ nhật, lại vào buổi trưa, nên ban Quân y vắng khách. Sau khi được chích và uống thuốc, Định nằm dài trên ghế bố trong phòng làm việc để đọc lá thư vừa nhận được:

Nha Trang ngày thứ ba 5 tháng 1 Năm 1965.

Anh,

Em thăm anh chị và các cháu.

Vừa được thư của anh là em vội vã làm theo lời anh dặn. Nghĩa là trưa hôm qua Hùng về thì buổi chiều em đã có mặt ở Đồng Đế. Trên con đường cát trắng hai bên trồng dương liễu xanh tươi, biệt thự Phượng Hoàng nằm mé đường bên trái, như anh đã viết.

Người vú già dẫn em vào phòng khách. Mới bước chân qua một bên tấm sáo giữa cửa lớn, em đã thấy một khung cảnh đầy tràn những kỷ niệm của Đoàn Quân Mũ Đỏ.

Trên bàn viết, một búp bê đeo dù, đội nón đỏ đặt chính giữa cùng với tấm lịch bloc có hình một pha nhảy dù hành quân. Trong tủ chè, rất nhiều huy hiệu Nhảy Dù, nhiều plaque tặng phẩm của các đơn vị Nhảy dù Đồng minh. Trên tường treo la liệt huy hiệu binh chủng, các đơn vị Dù (Sư đoàn, Tiểu đoàn, Đơn vị biệt lập, Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù...); các giây biểu chương mang màu Bảo Quốc Huân Chương, Quân Công Bội Tinh, Anh Dũng Bội Tinh...

Trần nhà treo chiếc dù trắng, đỏ của người nhảy điều khiển, có gắn những bóng đèn màu mà ánh sáng thường trực khiến căn phòng lấp lánh, mờ ảo. Hai bên tủ chè là đôi câu đối bằng chữ Hán, có phiên âm tiếng Việt phía dưới:

-Bắc Hà Kim Quận, văn thái phong lưu, viết trí, viết dũng, viết nhân, tuyết án trọng tâm đa hữu đắc;

-Sơn Hải Ngọc Thành, võ công hiển hách, nhi úy, nhi tá, nhi tướng, vân trình thản bộ trực cao thăng.

Ở dòng lạc khoản, em đọc: Hoa Châu Đinh Hữu Giảng kính đề.

Em không biết chữ Hán để hiểu rõ nội dung đôi câu đối này, nhưng em đoán đây là câu đối mừng một sĩ quan Dù trong dịp tân thăng, vì em đã quen mấy chữ “vân trình thản bộ” là “đường mây nhẹ bước”.

Giữa nhà kê bộ salon, bàn kiếng tròn, sofa và hai ghế bành đều bọc nệm. Trên bàn kiếng, chiếc gạt tàn thuốc lá và bình bông đều có gắn huy hiệu Dù.

Lẽ ra, em còn tò mò đọc cả những dòng chữ phía bên bức tường đối diện, có treo cây kiếm bạc với cánh chim vàng, nếu bà vú chưa trở ra với khay nước:

- Mời cô ngồi và dùng giải khát. Cô cháu sẽ tiếp chuyện cô trong giây lát.

Em ngồi trên chiếc ghế bành, mỉm cười vì cách cư xử có vẻ quan cách của chủ nhân.

Quả như ý nghĩ của em, chủ nhân bước ra và trân trọng cúi đầu đáp lễ khi em đứng dậy chào. Em chưa biết phải xưng hô là bà hay cô, vì chủ nhân đội chiếc nón có mạng lưới mỏng màu đen che kín khuôn mặt, thì người đối diện đã chỉ tay xuống ghế:

- Mời cô ngồi. Tôi là Hà Phượng Thúy!

Ngày thường em vẫn liến thoắng, thế mà trước người con gái ấy, chẳng hiểu sao em lại ngượng ngập:

-Thưa cô, tôi là Yến, em gái anh Định. Anh Định tôi là bạn của anh Vũ. Thúy niềm nở:

-Hân hạnh được cô đến thăm. Tôi hơi có chút e ngại, khi nghĩ là anh Thái nhờ cô đến. Nhưng dù sao, chừ mọi việc giờ đây cũng đã ổn thỏa. Xin cô cho hay mục đích cuộc viếng thăm này.

Em vào đề ngay:

-Anh Định của em mới đây có nhận một bức thư mà anh Vũ gửi lại trước khi nhắm mắt...

Thúy gật đầu:

-Tôi biết anh Vũ đã đền nợ nước. Nhưng hai năm qua rồi, chẳng lẽ bức thư đó chừ mới tới tay anh cô?

-Dạ! Đúng như vậy. Trong thư, anh Vũ có nhờ anh tôi đến thăm cô. Nếu cô cần điều gì, tùy theo hoàn cảnh, anh tôi sẽ hết lòng...

-Cảm ơn hảo ý của các anh. Cảm ơn cô đã đến đây. Thực ra, ở đây tôi không thiếu thốn gì cả. Về mặt tình cảm, tôi đang có bà vú, lại có cô em ở Nha Trang thường ghé thăm.

Em gợi chuyện:

-Tôi nghe nói cô bị bệnh nan y. Nhưng mấy năm qua, chắc bệnh đã thuyên giảm. Thúy lắc đầu:

-Cảm ơn cô có lòng thăm hỏi. Đã gọi là bệnh nan y thì còn chữa chạy thế nào được! Tiện đây cũng xin lỗi cô, vì lẽ đó nên tôi phải mang mạng che khi tiếp chuyện với cô. Đúng ra đây là phép xã giao và cần thiết khi phải đối diện với người khác. Vào hoàn cảnh tôi, ai cũng phải làm như vậy. Mong cô hiểu cho.

Em tươi cười:

-Xin cô đừng bận tâm về chuyện này. Lẽ ra, tôi mới là người cần xin lỗi vì đã đến quấy rầy cô, trong lúc cô không được khỏe. Cũng bởi ông anh tôi ở xa, chưa tiện đến thăm cô.

-Xin cô vui lòng chuyển lòng biết ơn của tôi, trước sự quan tâm của anh Định. Từ nhiều năm qua, tôi chỉ muốn được yên tĩnh. Có lẽ cả anh Định và cô chưa rõ nguyên nhân nào khiến anh Vũ lại nhờ bè bạn thăm hỏi tôi bằng một nguyện vọng cuối cùng như vậy.

Rồi không đợi em hỏi thêm, Thúy kể:

Vũ đến đây vì một trận mưa. Hầu như cuộc đời luôn có những giao tình bắt đầu bằng nhiều nguyên do ngẫu nhiên như vậy. Tôi thì cho đó là nghiệp duyên, nói theo những cảm nhận riêng tư của mình. Hôm đó, sau khi mở cổng cho cô em tôi trở lại Nha Trang, bà vú đang loay hoay kéo hai cánh cổng thì đột nhiên trời đổ cơn mưa. Vũ từ bên ngoài chạy vào. Theo phép lịch sự, bà vú không dám ngỏ ý muốn đóng cổng, vì như vậy khác nào xua đuổi người muốn tránh ướt; bà cũng không dám tự tiện mời Vũ vô trong nhà. Nên bà vô hỏi ý kiến tôi.

Mọi ngày, tôi thường từ chối tiếp khách, nhất là đối với những người chưa quen, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi đứng trong phòng khách, nhìn qua khung cửa, thấy cơn mưa còn nặng hạt mà người trú mưa đứng lâu mỏi chân. Tôi nói bà vú mời Vũ vô phòng khách.

Thoạt bước chân vô, người thanh niên này sau khi lễ phép chào và xin lỗi tôi về sự đường đột của mình, anh bắt đầu:

- Thưa...

Vũ ngưng lại, hẳn vì tấm khăn che mặt của tôi khiến anh không biết phải xưng hô như thế nào.

Tôi đỡ lời anh, và cũng là lúc phải tự giới thiệu:

-Tôi là Thúy, cô Hà Phượng Thúy! Vũ vui vẻ:

-Thưa cô, tôi là Vũ. Xin cảm ơn cô cho phép ngồi đây một lát. Tôi thật ngạc nhiên trước khung cảnh này. Những kỷ niệm về một đoàn quân bách thắng khiến tôi có cảm nghĩ là chủ nhân của chúng phải là người yêu binh chủng Dù tha thiết, hoặc giả, phải có mối tình keo sơn với một chiến sĩ Dù. Xin cô thứ lỗi, nếu thấy cảm nghĩ của tôi là không đúng.

Tôi mỉm cười:

- Anh nói đúng, nơi đây có khá nhiều kỷ niệm của Đoàn Quân Mũ Đỏ. Tiếc rằng tất cả sẽ vẫn là kỷ niệm.

Vũ thở dài:

- Tôi từng đọc ở đâu đó, người ta viết rằng những mối tình đẹp phần nhiều là những mối tình dang dở. Chẳng phải vì cô cho trú mưa mà tôi nói những lời ca tụng, mà tự trong lòng, tôi cảm nhận được sự tận tụy chung tình của cô. Vốn là người trân trọng tình yêu thần thánh, nhất là tình yêu dang dở, tôi rất vinh dự nếu được cô cho biết đôi điều về người chiến sĩ may mắn được cô yêu. Trong chỗ riêng tư, tôi biết là không nên ngỏ ý như vậy. Nhưng vì quá xúc động trước khung cảnh này, mong được cô thể tình bỏ qua cho, dù câu chuyện tôi muốn nghe không được đáp ứng.

Tôi vẫn giữ nụ cười hảo cảm với người đối diện:

- Xin anh thông cảm, kẻ rắp tâm ôm mãi hình ảnh người mình yêu, khi nào lại đem chuyện tình đó kể lại cho một người nào khác.

Vũ ngượng ngùng:

- Cô tha lỗi, lẽ ra tôi không nên ngỏ ý như vậy!

Tự nhiên, tôi thấy mến anh. Khuôn mặt anh hiền hậu, đáng cho người đời tin tưởng, tôi buột miệng:

-Thôi được, tôi sẽ kể anh nghe! Vũ ngạc nhiên:

-Cô...

Tôi giơ tay:

- Hẳn là trong vòng tao ngộ, chúng ta cũng có tiền duyên. Mong rằng câu chuyện của tôi chỉ nên để trong lòng anh...

Vũ hứa:

-Xin đoan chắc với cô như vậy. Thúy thong thả kể tiếp:

-Hồi đó là năm 1963 - chỉ một năm trước khi Vũ vô Thủ Đức để khi ra trường tình nguyện phục vụ binh chủng Nhảy Dù - , sau khi nghe câu chuyện, Vũ nói rằng, nếu trong vòng bốn năm nữa, mà tôi và “người ấy” còn sống độc thân thì Vũ tin là đôi lứa vẫn còn yêu nhau. Vũ nhấn mạnh rằng không phải lúc đó anh chưa tin, nhưng thời gian vốn khắc nghiệt vì những chông gai, cạm bẫy của cuộc đời. Bốn năm - theo anh - đủ dài để lượng giá chung thủy của một mối tình. Chừng đó, Vũ tình nguyện đóng vai kẻ ráp nối lại nguồn yêu thương của chúng tôi. Nếu chẳng may Vũ không còn nữa, thì trước khi nhắm mắt, Vũ cũng đã ủy thác cho bè bạn làm việc đó.”

Em ngắt lời Thúy:

-Nếu cả người bạn đó cũng không còn? Thúy cười:

-Lẽ ra cô muốn hỏi, hoặc một trong hai chúng tôi, hoặc cả hai, hoặc cả người bạn đó cũng không còn... Như vậy đó là số mệnh!

Em lại nói:

-Tại sao phải chờ đến bốn năm sau mới làm công việc lẽ ra phải làm ngay?

-Vì... như trên đã nói, Vũ muốn đặt ra cái mốc để thử thách... thời gian. Vũ cho rằng sau bốn năm mà đôi lứa vẫn còn tha thiết yêu nhau thì hai người rất xứng đáng được... trăm năm hạnh phúc!

-Và... cô vui lòng nhận sự xếp đặt đó của Vũ?

Thúy gật đầu:

- Lúc đó, tôi lại được nghe Vũ kể câu chuyện bất hạnh của anh cho tôi nghe. Thêm vào đó, thật không tin mình còn sống đến ngày hôm nay, nên nhận lời cho Vũ vui lòng. Vũ thẳng thắn và chân thành muốn coi tôi như Thanh Hương, em gái Vũ.

Em ngạc nhiên:

-Vũ gặp chuyện bất hạnh? Em chưa nghe anh Định nói!

-Bây giờ Vũ không còn nữa, nói lại làm gì? Sở dĩ tôi cần kể các chi tiết trên với cô, là để chứng tỏ, tại sao tôi đã chấp nhận sự xa lánh người mình thương từ bao năm nay mà còn nhận lời Vũ, khác nào nhận lại sự chắp nối?

-Tại sao cô lại phải xa lánh?

Thúy cúi đầu:

- Tôi cũng có điều bất hạnh! Khuôn mặt tôi - bị biến chứng vì ăn phải chất độc dị ứng với bệnh đau gan - trông rất khó coi, nên tôi tự xa lánh với người ấy. Bệnh tôi ngày càng kéo dài do chữa chạy không đúng cách. Khuôn mặt thế này, dù có khỏi bệnh cũng không thể gặp lại người xưa. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng anh ấy.

Em bàng hoàng vì nỗi bất hạnh của Thúy:

- Xin thành thực chia sẻ điều không may của cô. Hiện tại, giọng nói, cử chỉ của cô chứng tỏ cô đang có sức khỏe tốt. Cô bằng lòng tiếp tôi, chắc cô không còn e câu chuyện này sẽ đến tai người cũ. Như vậy nếu anh ấy tìm thăm cô, chẳng hóa ra sự rắp tâm xa lánh để lưu hình ảnh đẹp trong lòng anh trở nên vô ích?

Thúy gật đầu:

- Cô có lý. Tôi đã nghĩ đến điều ấy. Cô em họ của tôi đã cho tôi hay từng chi tiết về cuộc sống hiện tại của người ấy. Tôi biết rằng, người xưa của tôi đã được phép của bộ Quốc Phòng, sắp làm đám cưới với một cô giáo ở Biên Hòa. Tôi thiệt mừng cho anh. Đinh ninh bị tình phụ, lại lâu năm không tin tức gì của tôi, người ấy lập gia đình là việc sớm muộn gì cũng phải xảy ra. Hồi nãy cô nói sức khỏe của tôi hiện rất tốt. Bề ngoài thì như vậy. Nhưng tôi biết mình ra sao. Bệnh ung thư gan sẽ khiến tôi gục ngã chưa biết lúc nào. Các vị thầy thuốc đều bó tay. Y học hiện chưa có phương thuốc chữa trị căn bệnh mà cô kêu bằng nan y này. Nên chi mạng sống của tôi hiện chỉ tính từng giờ. Nếu anh Định, thể theo nguyện vọng cuối cùng của anh Vũ, có tìm hết cách để hàn gắn cho chúng tôi, cũng chẳng thể thay đổi định mệnh. Người ấy trở lại tìm tôi, chỉ thêm sự bẽ bàng cho cả hai.

Thúy hạ giọng:

- Cô Yến, tôi đã nói những điều cần nói. Mong cô cảm thông nỗi lòng của tôi. Tôi rất vui mừng cầu chúc cuộc hôn nhơn của cố nhân nhiều hạnh phước. Khi yêu, ai cũng mong muốn cho người yêu của mình hạnh phước, cả khi vì nghịch cảnh, mình không còn được tham dự vào cuộc hôn hơn ấy... Cảm ơn cô về cuộc viếng thăm hôm nay. Tôi chỉ còn mong được yên tĩnh trong lúc này.

Em cảm động:

- Xin đoan chắc với cô, em sẽ trình bày tâm nguyện của cô cho anh của em hiểu. Và xin cô an lòng, sẽ không ai còn tới quấy rầy cô nữa. Em rất cảm phục sự hy sinh cao cả của cô. Xin chúc cô có được sự thanh thản trong quãng ngày sắp tới.

Sau đó, em từ giã Thúy.

Về nhà, em cho chạy lại máy ghi âm - mà em học đòi làm trinh thám đã để trong túi xách - để chép lại cuộc tiếp xúc và viết gấp thư này cho anh.

Anh coi, em gái anh “giỏi” chưa?

Hùng sẽ đem thư ra sân bay Nha Trang, nhờ một ông bồ làm ở Đài Kiểm soát Không lưu chuyển giùm. Chậm lắm là sáng hay trưa chủ nhật, 9 Jan 66, anh sẽ nhận được.

Vợ chồng em thăm chị Trang và các cháu.

Em gái anh

Yến.

Đọc xong bức thư dài dòng của em gái, Định thấy nhức đầu hơn. Chàng nhờ nhân viên truyền tin liên lạc với Nha Trang báo cho Yến biết là đã nhận được thư, rồi chạy xe gắn máy về nhà.

Vừa bước vô phòng khách, Định đã thấy Mai và Trang đang tươi cười nói chuyện bên nhau. Chàng vui vẻ:

- Thế mà tôi cứ tưởng lâu ngày chưa có tin anh chàng Thái, cô Mai đâu có tươi tỉnh như thế này được!

Mai cười:

- Anh Thái mới đi hơn hai tháng mà!

Định lắc đầu:

-Nhưng không thư từ gì hết, tôi cũng nóng ruột! Mai hóm hỉnh:

-Em đã hiểu tại sao anh Thái không có thư về...

Định tỏ vẻ ngạc nhiên và thấy điều mình đang lo ngại sắp xảy ra.

Nhưng Mai đã nói tiếp:

- ... vì em biết rằng có những khi hành quân trên những vùng xa xôi, hẻo lánh nên sự liên lạc với bên ngoài toàn bằng vô tuyến. Như vậy làm sao anh Thái gởi thư được?

Định thở phào. Trang nhìn chồng, nói với bạn:

- Mai coi, phải đúng như tôi nói không? Anh Định có những cử chỉ hơi lạ. Hay là có chuyện gì bất thường, anh cứ việc cho chị em chúng tôi hay.

Một ý nghĩ thoáng qua, Định muốn dò phản ứng của Mai thế nào, trong trường hợp nàng gặp phải những chuyện không ngờ. Chàng kéo ghế ngồi đối diện với hai người. Nhưng Trang đã đứng lên:

- Anh nói chuyện với Mai đi. Em còn lo tắm rửa cho mấy đứa nhỏ.

Định nói vừa đủ nghe:

-Đám hỏi phải dời lại chưa biết chắc là ngày nào. Mai có thấy phiền không? Mai mau mắn:

-Thưa... không! Đâu có gấp gì, anh. Bà con bên em không nhiều. Những người ở xa thì chỉ mời dự lễ cưới. Như vậy đám hỏi tổ chức giản dị, chuẩn bị đôi ba bữa cũng kịp anh à.

Định dè dặt: - Cô Mai!

Mai ngắt lời Định:

- Em cũng như em của anh chị, xin cứ kêu em bằng tên thôi. Đừng kêu là cô nữa!

Định cười:

-Sau đám cưới, còn phải kêu là chị mà! Mai lắc đầu:

-Em không chịu anh chị kêu em bằng danh xưng nào khác. Bao giờ em cũng là em của anh chị.

-Được rồi. Bây giờ, trong tình anh em, tôi hỏi Mai điều này. Mai cần trả lời thành thật.

-Em bao giờ cũng thành thật với mình, với người. Nhất là đối với anh chị.

-Ý tôi muốn nói là xin Mai cứ thẳng thắn trả lời.

-Xin anh cứ hỏi.

-Từ khi gặp nhau, có bao giờ Thái kể những chuyện... đã qua cho Mai nghe không? Mai mỉm cười:

-Có, thưa anh. Kể cả những chuyện tâm tình... lỡ dở với những người đẹp ngày xưa!

-Mai có thể cho tôi nghe tên một vài người đẹp mà Thái đã vương vấn không?

Mai ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy anh? Anh làm Mai lo ngại quá.

Định tỏ vẻ thất vọng:

- Không được rồi, sao Mai lại dễ lo ngại như vậy? Khi đã chấp nhận làm người bạn đời của chiến sĩ, Mai phải chấp nhận tất cả những đổi thay. Phải chấp nhận, có khi cả sự hiến dâng sinh mạng của người mình yêu cho lý tưởng, nhất là khi người ấy lại ở trong Đoàn Quân Mũ Đỏ. Đó là một đoàn quân hầu như chưa bao giờ nếm mùi thất bại và người lính chiến trong đoàn quân ấy coi cái chết rất nhẹ nhàng.

Mai cúi đầu:

- Nếu Thái hy sinh, rất hãnh diện chấp nhận, nhưng em khó lòng sống nổi.

Định gật đầu:

- Tôi hiểu tình yêu giữa Mai và Thái. Chúng tôi cũng đã trải qua tâm trạng của hai người. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu tuyệt đối yêu nhau, vạn nhất mà anh Thái hy sinh, Mai lại cần phải sống, để chứng tỏ tình yêu đã tạo cho Mai nghị lực chống trả những giông tố của cuộc đời. Đây là chúng ta bàn chuyện trong trường hợp xấu nhất, chớ còn sống chết là do số mệnh. Bác Năm từng nói anh Thái đâu phải người yểu mệnh.

Mai ngập ngừng:

-Vậy hẳn là anh muốn hỏi em về những... mảnh tình trước kia của anh Thái?

-Không, chuyện riêng tư nào của Thái, tôi cũng đều biết cả. Chỉ hỏi coi Mai có biết hay không thôi. Mai nói ngay:

-Thì em đã trả lời anh rồi.

-Nhưng chưa nói vào chi tiết.

-Ví dụ...

-Ví dụ như trước khi gặp Mai, anh chàng đã tha thiết yêu một người nào đó...

Mai ngơ ngác:

- Em thiệt không hiểu gì cả. Đúng là chị Trang nói, anh đang có điều gì suy nghĩ bất thường. Có tâm sự gì, sao anh không cho chị Trang hay?

Trang vừa dưới nhà đi lên, Mai đứng dậy cầm tay bạn:

- Chị Trang! Đúng là anh Định có chuyện gì bất thường rồi! Chị phải bắt anh nói! Em sợ có gì xảy ra cho anh Thái!

Trang giơ một ngón tay lên miệng: - Suỵt, đừng nói bậy!

Dìu Mai ngồi xuống ghế, Trang quay qua chồng:

- Anh Định, có chuyện gì vậy?

Định đang mải mê suy nghĩ.

-Anh nghe em nói gì không?

-Nghe!

-Sao anh không trả lời em?

-Có chuyện gì đâu mà trả lời! Trang lo lắng:

-Anh sao vậy?

Định cười:

- Đã bảo là không có gì hết mà! Tôi đang hỏi cô Mai coi có biết là anh Thái trước đây từng có vấn vương không?

Trang cười theo:

- Đàn ông các anh, sao khỏi được. Nhưng sau khi có gia đình, không được vương vấn nữa. Mai đồng ý chớ?

Mai nhìn Định:

- Em nghĩ là anh Định chưa nói ra, nhưng phải có điều gì làm anh bần thần khiến chị Trang và em đều nhận ra. Xin anh cứ cho em biết, em đã thưa với anh chị, khi nhận lời làm vợ anh Thái, em sẽ chia sẻ với chồng, mọi ưu tư, kể cả những hậu quả của cuộc sống trước kia - nếu có - của anh Thái.

Trang kéo tay Định:

- Cô Mai đã nói vậy, đâu còn ngại gì mà anh chưa giãi bày một lần cho thanh thỏa.

Định gật đầu:

-Mai biết không? Từ khá lâu, cứ phải chứng kiến những cảnh tử biệt, sinh ly, anh em chúng tôi từng bảo nhau, đứa nào lỡ có vợ rồi thì thông qua, đứa nào chưa có thì hãy... khoan. Chờ đợi bao giờ hết chiến tranh. Bởi có những khung cảnh làm cho người ta rớt nước mắt! Bây giờ, nếu có đứa nào lập gia đình, cũng nên lựa một bà xã không quá mềm yếu, để nếu người lính hy sinh thì quả phụ của tử sĩ cũng không vì quá bi thương mà làm nản lòng những người khác!

-Nghĩa là...

-Mai biết rằng mỗi khi có một chiến sĩ nằm xuống, có thể những đau đớn của bà vợ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần chiến đấu của những người cầm súng. Còn bên đối phương của chúng ta thì lại khác. Họ bị tử thương gấp bội, nhưng hoặc mất xác, hoặc được chôn vùi ngay tại chỗ, không bao giờ được chở về trả cho gia đình, nên không diễn ra những cảnh não lòng như chúng ta.

-Em hiểu.

Định thong thả nói tiếp:

- Đưa ra một vài ví dụ, chỉ là để dò coi phản ứng của Mai thế nào, chứ Thái đâu có sao. Anh chàng tốt số ấy chỉ gặp toàn chuyện tốt lành, tôi tin như vậy.

Mai dè dặt:

- Còn chuyện anh nói đến ảnh hưởng của dĩ vãng?

-Là để chuẩn bị tinh thần cho Mai. Dù sự việc xảy ra thế nào cũng giữ được sự bình tĩnh cần thiết, để không bao giờ tan vỡ.

-Sao trước kia, anh không nói với em. Bây giờ sắp làm đám hỏi, anh mới dặn dò như vậy. Em có linh cảm chuyện gì trục trặc...

Trang ngắt lời:

- Cô đừng nghe anh Định rào đón... Chuyện gì mà không nói thẳng ra cho chị em tôi hay. Chẳng qua, ai mà không biết mấy ông nhà binh bay bướm, đi tới đâu cũng có... em gái hậu phương. Đàn ông mà!

Định nhìn vợ, tươi cười:

-Bà xã lạc đề rồi. Thôi nha, tự nhiên tôi thấy hơi nhức đầu. rồi quay qua Mai:

-Những gì tôi vừa nói với Mai chỉ là giả thuyết, không cần bận tâm. Điều chắc chắn là nội nhật hôm nay mà anh chàng Thái chưa về thì không thể làm đám hỏi đúng ngày đã định.

Mai vui vẻ:

- Có gì gấp đâu, anh. Thôi, em xin phép anh chị về bên nhà. Em còn sọan bài dạy tuần tới. Chị Trang! Được tin gì thêm về anh Thái, xin cho em hay liền nha.

Trang gật đầu:

-Yên trí, Mai khỏi cần dặn tôi.

Nhìn theo cô giáo ra tới lề đường, Định lấy trong túi áo ra hai bức thư của Vũ và Yến để trên bàn:

-Mình coi rồi anh kể đâu đuôi cho mà nghe. Kể ra cũng hơi phiền phức! Thái chỉ tay về phía trước:

-Sắp tới cầu thì phải. Đoàn xe dẫn đầu vừa dừng lại.

Bách chăm chú nhìn theo:

- Thưa Trung úy, cầu di chuyển một chiều. Hiện các xe phía Bồng Sơn đang qua. Tôi đã thấy bảng cấm phía đầu cầu bên này.

Vừa lúc đó, Sáu “Alo” trình với Đại đội trưởng:

-Trung úy, thẩm quyền kêu.

Thái cầm ống liên hợp:

-Giang Sơn, đây Thanh Long, trả lời.

-Thanh Long, tôi nghe anh 5/5.

-Giang Sơn lưu ý: khi qua cầu, anh sẽ tiến chiếm cao điểm bên phải của MT1, khi có tín hiệu GO.

-Thanh Long. tôi nghe rõ.

Đoàn xe ngược chiều của một đơn vị Công binh chạy xẹt qua. Bụi đất đóng từng mảng trên các thành xe, chứng tỏ bạn vừa vượt qua một quãng đường dài. Hẳn là mấy anh Công binh này tham dự Chiến dịch đã lâu, nên ai nấy râu tóc bờm xờm.

Ngồi gần Sáu “Alo” phía sau, Bách lên tiếng:

- Sao Công binh lại đi về phía Bình Định, Trung úy? Tôi nghĩ họ phải ở lại sửa cầu và làm đường cho mình tiến quân chớ?

Thái quay lại:

- Thời gian này họ được xả hơi ít bữa, nên lùi lại phía sau vài km thôi. Làm gì có truyện trở về Qui Nhơn. Vì Giai đoạn II của chiến dịch này, anh em Công binh còn vất vả. Từ Đệ Đức tới Tam Quan, có 4 cây cầu bị đối phương giựt sập.

rồi nói với nhân viên truyền tin:

-Sáu kêu máy dặn các trung đội, để những bệnh binh ở lại tiền trạm của Tiểu đoàn ở Bồng Sơn. Sẽ di chuyển sau.

-Dạ.

-Ông Bách à, mình xuống xe nói chuyện một lát. Còn khá lâu Công binh mới qua khỏi cầu.

Hai anh em nhảy xuống bên lề đường. Thái nói nhỏ:

- Mình đi thêm một giai đoạn nữa như thế này là ngoài ý muốn. Những tưởng được về Sài Gòn, dù muộn còn hơn không.

Bách nói:

- Tôi thấy anh em vui vẻ. Đành rằng những người có gia đình hơi... bần thần một chút. Nhưng đó là mấy ngày trước Tết ở trên Pleiku. Bây giờ đâu ai còn thắc mắc gì nữa. Trung úy khỏi bận tâm.

Thái có vẻ lo ngại:

-Ở nhà, không biết Hạ sĩ nhất Tân có lo quà Tết cho các gia đình Tử sĩ chu đáo hay không nữa.

-Tôi chắc phải chu đáo. Sư đoàn đã chuyển số tiền hai ngàn đồng của đồng bào tặng mỗi gia đình Tử sĩ còn liên lạc được, cùng với gói bánh, mứt trị giá khoảng năm trăm đồng.

Thái gật gù:

-Như vậy cũng khá. Tuy nhiên, tôi chỉ ngại lúc đem quà tặng, ông Tân nói không được tế nhị. Theo tôi, quà tặng chỉ có ý nghĩa, khi người đem trao có sự trân trọng và nói lên được lòng biết ơn của đồng bào.

-Tôi đã nghe Trung úy căn dặn Hạ sĩ nhứt Tân nhiều lần. Chắc ổng làm được.

Có tiếng Sáu “A lô”:]

-Thưa Trung úy, Trung đội 1 của Thiếu úy Lạc, báo cáo là có Hạ sĩ Đỗ Văn Hân bị nhức đầu, nhưng anh ta không chịu ở lại.

-Tốt, anh chàng Hân có vẻ thư sinh, mà hăng lắm.

-Nhà... văn đấy, Trung úy!

-Vậy sao? Tôi có thấy hắn viết lách gì đâu?

-Tại Trung úy chưa có dịp coi mấy truyện ngắn và thơ của Hân đã đăng báo...

Thái giơ tay:

- Mình đội nón sắt vô thôi. Sắp có việc rồi.

Hai người lên xe. Đoàn con voi bắt đầu chuyển bánh qua cầu Bồng Sơn. Cây cầu khá lớn, bắc qua sông Lại Giang rộng trên 500 thước. Gió thổi mạnh làm nhấp nhô từng đợt sóng nhỏ gần, xa. Mé trái dốc cầu, ngay trên bãi cát ven sông, từ bao giờ đã mọc lên dãy Snach Bar. Thấp thoáng khung cảnh các chú GI ra, vô coi bộ thoải mái lắm. Những hàng quán dã chiến này tuy mới cất vội vã, nhưng nhiều bảng hiệu tiếng Anh kẻ chữ đủ màu rất bay bướm.

Bách ngồi phía sau lên tiếng:

- Nhìn qua trái thì thấy...giống Qui Nhơn, Đà Nẵng. Nhìn thẳng thì tôi có cảm giác đang trên đường về quê hương Miền Bắc!

Thái tươi cười:

-Hôm nay Mồng Năm Tết, gợi nhớ giỗ trận Đống Đa. Cầu mong có ngày anh em mình trong Đoàn Quân Mũ Đỏ tiến về... Hà Nội. Nhớ Hà Nội không?

-Mới nhớ quay quắt trong đêm Giao thừa. Bây giờ lại đi ngược lên phía Bắc, lại càng nhớ thêm! Thái tươi cười:

-Giả thử bây giờ mình đổ bộ xuống Hà Nội, ông muốn đi vô con đường nào?

Bách suy nghĩ một lát:

- Ngã tư Trung Hiền, Chợ Mơ, Bạch Mai, Phố Huế, Đinh Bộ Lĩnh, vài vòng quanh Bờ Hồ rồi Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy. lên Quan Thánh, rồi Cổ Ngư...

Cả hai cùng cười.

Đoàn xe dừng lại trước ngã ba vô sân bay Bồng Sơn. Mấy chiếc C124 đang lượn vòng quanh, chờ đáp xuống.

Cầu Bồng Sơn - 1967


Phía trước mặt vẫn là Quốc lộ 1 hướng Tam Quan. Tất cả mọi người nhanh nhẹn xuống xe, sẵn sàng chiến đấu. Thái đi đầu cùng với Trung đội 4 do Thiếu úy Lạc chỉ huy. Trung đội vừa chiếm được cao điểm bên trái quốc lộ thì súng máy của địch bắn xối xả từ tháp chuông nhà thờ Đệ Đức qua. Dưới hỏa lực yểm trợ của Đại đội 10, đơn vị của Thái đi tiên phong. Những người lính trẻ bám sát trận địa với đà tiến quân không một phút ngưng. Mỗi tiêu lệnh của cấp chỉ huy, bằng khẩu lệnh hay cử chỉ, đều được chiến sĩ Dù tuân theo tuyệt đối.

Lại thêm một súng máy của địch nã qua, từ một gò đất cao kế nhà thờ Đệ Đức.

Thái quay lại phía Đại đội 4, kêu lớn:

- Hải!

Hải “xung phong” khom mình lướt tới:

- Có tôi, đích thân!

Thái giơ tay chỉ xéo về mé phải:

-Cậu trông thấy đoạn đường sắt bị mìn tung cong lên như hàng rào cản đó không? Hải gật đầu:

-Dạ, thấy.

-Tốt! Cậu bò thiệt lẹ ra đó, chạy giạt phía 13 giờ, có một bờ đất chắn ngang.

-Rõ.

Rồi liệu thanh toán ổ trung liên trên gác chuông đi .

Thái chưa nói dứt, Hải “xung phong” đã lao vụt đi .

Cùng một lúc, Thượng sĩ I Ký ra lệnh cho khai hỏa khẩu trung liên bắn chặn đầu yểm trợ cho Hải di chuyển. Chưa đầy một phút sau, những trái phóng lựu rớt trúng mục tiêu . Hỏa lực của địch im bặt. Đại đội của Thái vọt lên khu thánh đường Đệ Đức.

Sau khi báo cáo lên Tiểu đoàn là đã chiếm mục tiêu mà không tổn thất, Thái vui vẻ bắt tay Hải “xung phong”:

-Hải! Được lắm! Hải niềm nở:

-Như vậy mới vui, Trung úy! Phải có một cuộc giao tranh. hành quân mà toàn gặp lũ gà chết, chưa đánh đã chạy, chán phèo.

Bách vừa bước tới:

-Bữa nay cậu Hải mần ăn coi đặng lắm! Hải cười:

-Đâu phải chỉ mình tôi mà làm được, Thượng sĩ! Phải nhờ tinh thần quả cảm của tất cả mọi người. Thái chỉ tay về phía khoảng đất trống trước mặt:

-Đêm nay, thế nào đại đội mình cũng phòng thủ mạn bắc. Ông Bách cho anh em sửa soạn sẵn. Cơm nước xong là ta bố trí trước khi trời tối.

-Nghe rõ.

Chờ Bách và Hải đi làm nhiệm vụ, Thái quan sát khu vực thánh đường Đệ Đức. Bước qua chiếc sân rộng, ngổn ngang gạch ngói, Thái đến bên cây tháp mà trên đó vẫn còn quả chuông lớn trên chiếc xà ngang. Từ thềm nhà thờ, Thái có thể quan sát cả một vùng đồi núi bao la phía trước. Quốc Lộ I dẫn tới quận Hoài Nhơn quen thuộc chạy song song với con đường sắt xuyên Việt, có khác là một đoạn đường sắt đã bị đối phương làm nổ tung, dựng đứng như một hàng rào cản.

Có tiếng Sáu “A lô”:

-Trên Tiểu đoàn báo tin, khoảng 45 phút nữa, mời Trung úy lên họp. Thái gật đầu:

-Cậu nói với Thượng sĩ Bách, lát nữa tôi về là bắt đầu di chuyển đến địa điểm phòng thủ đêm.

Chàng thong thả men theo thềm nhà thờ, đi về phía Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. Chàng liếc nhìn những người lính chiến của Đại Đội đang chia nhau từng mẩu bánh. Mão “kều” vừa chùi khẩu AR15, vừa nói chuyện với Hải “xung phong”. Họ tươi cười, gương mặt hồn nhiên đến bình thản. Tinh thần quả cảm của từng chiến sĩ Dù gom lại, thành truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Đoàn Quân Mũ Đỏ.Sau 2 năm làm Trung đội trưởng và 6 tháng làm Đại Đội trưởng, Thái vẫn chưa dám tự hào về những nỗ lực riêng tư, Thái chỉ thấy mình “già” đi, theo những hiểu biết nơi trận mạc.

Bỗng nhiên, Thái nhớ lại 2 câu thơ của Hồ Tân Dân đăng trên nguyệt san Mũ Đỏ:

-“Tôi bé nhỏ trong đoàn quân bách thắng, Bỗng lớn lên, mang sức mạnh thiên thần”...

-Lại... thơ mộng rồi!

Vẫn anh chàng Túc đẹp trai, luôn “ám” khi Thái vừa đi vừa suy nghĩ.

Giọng nói của Túc bao giờ cũng dễ thương:

- Sao cậu nhiều người đẹp “áo tím” dzậy? Mới một cô bé ở đường Phan Châu Trinh Huế ngày nào. Rồi tới “bé Hằng”, nay lại sắp cưới cô giáo Mai áo tím. Tài thiệt!

Thái cười:

- Cậu làm như tất cả là của tôi. Ai mà hào hoa như cậu được? Cô bé “áo tím ngày xưa sang... ngang lâu rồi. Còn cô Mai thì đang... xét lại!

Túc xua tay:

- Cậu đừng hòng che mắt thằng này. Mấy năm nay. ai cũng cho là cậu... tu hành, thế mà cậu dám “đèo” người đẹp trên xe gắn máy đi rước đèn thì đã phá giới rồi còn... xét lại gì nữa?

Hình ảnh Mai thoáng qua trong Thái:

-Rồi sao? Túc cười ngất:

-Chịu ... đèn rồi phải không? Cũng mừng cho cậu, từ nay sẽ không còn lêu bêu nữa. Sắp tới đây, về Sài Gòn rồi, có cưới hỏi đừng lờ anh em đi nghe! Tớ nghe cô giáo rất đàng hoàng, được cả người lẫn nết. Cứ tính tới cho yên bề gia thất. Ai mà chờ cậu mãi được?

Thái cười theo:

-Cưới hỏi gì mà không có cậu, đâu có nổi đình đám được! Tớ đặt trước: cậu làm phù rể thì không còn ai chê vô đâu được! Thôi, bye bye cậu, tớ phải đi nhóm đây. Sắp tới giờ rồi!

-OK! See you again!

Từ 6 cây số phía bắc quận lỵ Hoài Nhơn, trong phần đất của xã Tài Lương lên đến gần địa phận Sa Huỳnh, có vào khoảng 130 ngàn dân sống hai bên quốc lộ I.

Đại đội của Thái chiến đấu để giành lại từng gốc dừa, từng tấc đất , trong suốt ba ngày vói ý định điều quân của bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù:

-Tiểu đoàn 1 giải phóng Tam Quan.

-Tiểu đoàn 3 tái chiếm xứ đạo Gia An

-Nhiều đơn vị khác của Sư Đoàn tung ra những cánh quân ngăn chặn các đường rút quân của địch về hướng bắc, đông nam và phía Hoài Nhơn.

Trong khí thế bừng bừng của quân dân ta nức lòng đồng tâm hiệp lực giải phóng Tam Quan, Gia Hựu, đồng bào đã vùng lên đấu tranh, buộc Cộng Quân phải cho trở lại với nhà cửa, ruộng vườn. Vài năm trước đây, dân chúng bị địch cưỡng ép lên núi làm rẫy hoặc vô sâu trong rừng làm dân công tiếp tế đạn dược, lương thực cho các đơn vị Cộng Quân từ chiến trường Tây Nguyên, nhất tề ùn ùn kéo qua các sườn đồi, thung lũng phía bắc quốc lộ, đổ xuống Bồng Sơn.

Sự di chuyển này có một phần làm trở ngại cho các trục tiến quân của các đơn vị Dù.

Nhưng sau hai ngày đầu giao tranh, do đồng bào ùn ùn kéo về phía quân đội ta, Cộng quân không còn khí thế ban đầu nữa nên chúng dần rút lui lên tây bắc.

Ngoài một số thương vong đáng kể, còn khoảng một trăm tên địch bị hạ dưới hỏa lực của các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 ND, 14 tên khác bị đơn vị của Thái bắt gọn trong một địa đạo.

Cuộc hành quân sang ngày thứ tư, quân lực ta đã hoàn toàn kiểm soát một khu vực đông dân thuộc quận Hoài Nhơn, Bình Định.

Đồng bào ta từ trong rừng núi đổ về, dưới Bồng Sơn lên, trên Sa Huỳnh xuống để trở lại mảnh đất thân yêu của mình. Các xã, từ Đệ Đức, Tài Lương, Công Thanh, Bình Phú, Tam Quan, Mỹ Lộc... lên đến Gia An, Chương Hòa, tất cả mọi người đều hồi cư trong niềm phấn khởi để xây dựng lại đời sống.

Những chiến sĩ thuộc Đại Đội 1, Tiểu đoàn 1 ND hân hoan với những ngày đầu giải phóng của đồng bào ruột thịt tại khu vực Tam Quan.

Khu Đài Tử Sĩ địch đã được một đơn vị Công binh của ta san bằng ngay khi ta vừa tái chiếm Tam Quan.

Sau lễ gắn huy chương ngay tại đây để ghi công chiến sĩ, khu này tạm thời được dùng làm một chợ lộ thiên để sinh hoạt thường nhật của dân chúng được tiếp tục.

Gần hai năm qua, hai năm kinh hoàng đầy máu và nước mắt đồng bào với chính sách thuế khóa đánh cả trên từng trái dừa, với khẩu hiệu lao động “mỗi người làm việc bằng hai”Å. Ai nấy đều phải trải qua đời sống bị đày ải, đói, lạnh đến kiệt sức.

Do vậy mà người lính nhảy dù được chứng kiến nỗi mừng vui vô hạn của bà con khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiến về giải phóng.

Từ trẻ thơ, đến ông già bà cả lũ lượt theo chân quân đội trở về làng.

Cả những thanh niên, thiếu nữ bị cưỡng bức phải theo địch cũng nhất loạt bỏ chúng để trở về với hàng ngũ quốc gia.

Người dân bàng hoàng như vừa trải qua cơn ác mộng mà không thể ngờ còn có một cuộc hồi sinh như thế này.

Giai đoạn II của kế hoạch hành quân, là trực thăng vận các đơn vị đến những địa điểm còn nghi ngờ có địch ẩn núp để thanh toán, hầu bảo đảm an ninh cho miền đất vừa được giải phóng.

Đại Đội của Thái đóng dọc theo quốc lộ tại Tam Quan,cùng với một đơn vị Thiết quân vận. Việc bảo đảm an ninh cho đồng bào là mối quan tâm đặc biệt của các cấp chỉ huy. Vì thị trấn này vốn thuộc quận Hoài Nhơn, nay sắp trở thành một đơn vị hành chánh biệt lập. Tuy vậy chánh quyền quận Hoài Nhơn vẫn tổ chức những đoàn xe tiếp tế đặc biệt cho Tam Quan, nơi bị tàn phá nhiều hơn cả.

Thái ở trong Trường Trung Học Tam Quan, cùng với ban chỉ huy Đại Đội. Đó là một ngôi trường khá lớn, nằm mé trái Quốc lộ 1, nếu đi từ Thị Xã Tam Quan lên Gia An. Địa điểm này vừa được lựa chọn để tổ chức đêm liên hoan chiến thắng của các đơn vị Nhảy Dù, đồng thời chào mừng đồng bào vừa được hồi cư.

Đêm liên hoan giản dị mà vô cùng cảm động.

Người dân, người lính ngồi bên nhau. Ai nấy đều giải khát bằng nước dừa, mỗi người một trái. Khi trao trái dừa đã vạt một bên cho Thái, vị bô lão niên trưởng Tam Quan đã nói:

- Thưa Trung úy, năm nay tôi gần chín chục tuổi, đã tưởng rằng không bao giờ còn được sống những giây phút ân tình như thế nầy trước khi nhắm mắt. Xin cảm ơn quân đội ta, cảm ơn các đơn vị Nhảy Dù VN đã giải phóng Tam Quan khỏi ách độc tài CS. Mời Trung úy và các anh em uống với đồng bào những trái dừa của địa phương này.

Thái đứng lên, nâng cao trái dừa, nói với mọi người:

- Trong khi chờ đợi các quan khách tới đông đủ, xin mời các bác, các chú, cô dì, anh chị em đồng bào, các chiến hữu Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh, Quân Vận... cùng các bạn lính Dù, chúng ta giải khát bằng nước dừa.

Trong khi mọi người uống nước, vị niên trưởng ngồi xuống gần Thái, nghe chàng tâm sự:

- Thưa cụ, chúng con rất vui mừng được gặp cụ. Xin cụ vui lòng cho chúng con biết ý kiến về những tháng năm mà đồng bào ta phải sống trong vòng kiểm soát của CS.

Ông già trầm ngâm:

- Cũng như lúa gạo, cây mía, những trái dừa chúng ta vừa uống nước, là sự sống của bà con vùng này. Trái dừa còn là đơn vị tính thuế của họ. Nhiều người bị đói đã gục chết ngay bên gốc dừa, đồng lúa hay ruộng mía..

Thái tỏ vẻ không hiểu:

-Đơn vị tính thuế bằng trái dừa của họ ra sao, thưa cụ?

-Cứ mỗi trái dừa trên cây, họ đánh thuế một chén gạo, bất kể trái đó còn lành lặn đến khi lớn hay không. Trong lúc dừa không bán được, vì nhà nào cũng trồng dừa thì bán cho ai? Đâu có cách nào chở dừa đi bán bên vùng tự do! Trong lúc lúa và mía không trồng được, vì sợ máy bay oanh tạc, lấy đâu ra gạo, tiền đâu mà mua gạo để đóng thuế. Đó là chưa nói đến lớp thanh niên “làm ra của cải vật chất” hầu hết đã bị lùa ra bưng “phục vụ” chiến trường “đánh Mỹ”, lực lượng nào còn lại để sản xuất? Do vậy mà đồng bào chết đói hàng loạt.

Nói đến đây, cụ thở dài:

- Với số tuổi đời chồng chất, tôi đã sống qua nhiều triều đại, nhưng chưa bao giờ thấy cuộc sống con người thê thảm như trong mấy năm vừa qua!

Thái đang định hỏi thêm thì Sáu “A lô” đã ghé tai chàng, nói nhỏ:

- Thưa Trung úy, Đại úy Linh trên Sư đoàn kêu xuống, nói là có Thượng sĩ nhất Định Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù lên thăm Trung úy. Ông Định ở chỗ Đại úy Linh, đang chờ xe và sẽ đến đây. Vậy báo để Trung úy biết.

Thái gật đầu:

-Cậu nói với anh em lo giùm chỗ ngủ cho ông Định bên cạnh tôi.

-Rõ!

Nhìn theo Sáu “A lô” đi về phía trường học, Thái nói với vị niên trưởng:

-Thưa cụ, chương trình liên hoan đã bắt đầu. Mời cụ lên ghế trên. Các thân hào, nhân sĩ đang chờ cụ.

-Tôi lên ngay. Tiện đây, xin nhờ Trung úy nói với các chiến sĩ nhảy dù,là dân chúng Tam Quan rất cảm phục tinh thần chiến đấu vì dân, vì nước của các anh em. Đồng bào địa phương này sẽ mãi mãi ghi ơn các đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thái đỡ ông cụ đứng lên:

- Con xin thay mặt các anh em đồn trú ở đây, thành kính cảm tạ lòng ưu ái và sự cộng tác quý báu mà đồng bào Tam Quan đã dành cho. Chúng con đâu dám nhận sự biết ơn của đồng bào, vì chúng con chỉ làm theo nhiệm vụ của quân đội ta. Chính chúng con mới phải ghi ơn cụ và bà con, đã dành cho chúng con được sống những giây phút thắm thiết tình quân dân cá nước. Đó là niềm an ủi lớn lao nhứt đối với những người cầm súng.

Thái định dìu ông cụ đi, nhưng cụ đã giơ tay:

- Trung úy để tôi đi một mình được rồi. Mấy bữa rày, tôi thấy trong mình khỏe hẳn lên. Cứ đà này, Trời còn thương cho tôi sống thêm mấy năm nữa để sẽ được chứng kiến cảnh phồn thịnh của đồng bào.

Thái cúi đầu:

-Kính chúc cụ trăm tuổi.

-Cảm ơn Trung úy.

Nhìn theo ông cụ chậm bước tới chỗ ngồi dành riêng, Thái quay trở lại với anh em trong Đại đội.

Trên sân khấu lộ thiên, chương trình liên hoan được tiếp nối bằng ý kiến của một giáo sư Trường Trung học Bồng Sơn, đại diện đồng bào vùng mới được giải phóng:

-Kính thưa quý vị thân hào, nhân sĩ và toàn thể đồng bào.

-Kính thưa quý vị sĩ quan và chiến sĩ tham gia chiến dịch giải phóng vùng Bồng Sơn- Tam Quan-Gia Hựu.

Từ mấy bữa nay, dân chúng địa phương này đã lần lượt trở về nhà cũ để tiếp tục làm ăn và xây dựng lại quê hương sau hai năm lầm than, thống khổ.

Chúng tôi đã được giải phóng, thiệt sự được giải phóng. Không ai có thể diễn tả đầy đủ cuộc sống thê thảm của vùng này trong thời gian Cộng quân tạm chiếm. Hầu như gia đình nào cũng có tổn thương nặng nề. Không người chết thì cũng bị thương, tài sản bị cướp đoạt. Tiếng khóc đã một thời gian kéo dài trên miền đất đau khổ này. Có những người bị chết ở công trường trong rừng sâu. Cũng có những người chết trên đường đi dân công, chết bên ruộng lúa vì đói mà phải đem gạo đi nạp thuế!

Quý vị đã chứng kiến cảnh tàn hoang của chúng tôi, hậu quả để lại của CS.

Do vậy mà đồng bào hiện nay như vừa được tái sinh. Nỗi vui mừng kể sao cho xiết.

Hân hoan trước cuộc hành quân giải phóng của các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gồm các anh trong Đoàn Quân Mũ Đỏ, Pháo binh, Công binh, Thiết giáp, Quân vận...., một học sinh của chúng tôi đã sáng tác bài thơ “Nhớ Ơn Chiến Sĩ Quốc Gia” để kính tặng tất cả các anh. Mở đầu phần văn nghệ giúp vui trong buổi liên hoan mừng chiến thắng hôm nay, tôi xin giới thiệu với quý vị quan khách và đồng bào Tam Quan, cô Giang Thị Tuyết, nữ sinh trường trung học Bồng Sơn lên diễn ngâm bài thơ, nói lên lòng biết ơn của dân chúng địa phương đối với tất cả các anh chiến sĩ.

Một loạt pháo tay nổi lên. Người con gái mặc chiếc áo dài trắng bước lên bục gỗ.

Có tiếng la phía dưới:

-Hạ sĩ Sáu... Sáo đâu? Lại có tiếng đáp ứng:

-Có tôi!

-Hành nghề đi thôi!

Một chàng lính dù tay cầm ống sáo nhanh nhen bước lên. Thái nhận ngay ra, đó là Hạ sĩ Lưu Văn Hạ, Trung đội 2 do Thiếu úy Nguyễn Văn Lễ chỉ huy.

Hạ đến bên cô học trò:

- Cô cứ ngâm tự nhiên. Tôi đệm sáo cũng không dở lắm đâu.

Cô gái mỉm cười, đến gần máy vi âm. Mọi người im lặng. Tiếng sáo Lưu Văn Hạ quyện cùng giọng ngâm truyền cảm Giang Thị Tuyết, trầm bổng, véo von thiệt quyến rũ. Tiếng sáo, giọng ngâm, khi cao vút lên, khi thấp xuống như một niềm thương nhớ thiết tha.

Trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, có ai đó la lên:

-Bis!

-Ngâm thêm một bài nữa!

-Xin cho nghe một bài ca!

-Về Miền Trung đi!

Nhưng ban tổ chức đã cáo lỗi, vì chương trình còn nhiều mục khác. Khi xướng ngôn viên giới thiệu một màn vũ “múa quạt” thì Sáu “A lô” ghé tai chàng:

- Thượng sĩ nhất Định vừa tới, Trung úy ra phía sau gặp. Thái vội vã bước đi.

Hai người bạn xiết chặt tay nhau. Định niềm nở:

-Phong trần lắm mới gặp được anh. Thái vui vẻ:

-Mừng lắm. Anh đến Bồng Sơn hồi nào vậy?

-Từ sáng. Chờ ở sân bay mãi mới có xe đưa về tiền trạm Tiểu đoàn 5. Khi biết anh đang ở trên Tam Quan, tôi bèn tìm cách lên đây.

Thái dẫn Định đi về phía đại đội. Vừa đi, Thái vừa nói:

- Rất vui được anh lên thăm. Nhưng tôi lại thoáng thấy lo ngại, vì sự có mặt bất thường của anh tại đây.

Định thong thả:

- Không có chuyện gì đáng lo ngại, nhưng có hơi khó xử. Tôi đến hậu trạm Tiểu đoàn và được giúp phương tiện ra đây tìm anh. Lúc đi là cứ hy vọng thôi, đâu ngờ gặp anh cũng không ... khó lắm.

Hai anh em bước lên hành lang phía sau trường học. Hải “xung phong” đang pha cà phê:

-Thưa Trung úy, đã kê thêm giường vải. Cà phê sắp xong. Thái gật đầu:

-Cảm ơn cậu. Thôi, cứ để đó cho tôi, lên coi liên hoan đi.

Hải chào hai người rồi chạy vụt ra ngoài. Thái đặt hai ly cà phê trên chiếc kệ gỗ.

- Anh dùng cà phê. Xin cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện - Thái nói với vẻ mặt bình tĩnh.

Định uống một hớp cà phê rôi nằm dài trên giường vải:

- Mình có cả cuộc đời để làm việc, để xây dựng, thế mà gặp việc gì cũng gấp, cũng phải nhức đầu vì suy nghĩ. Có lẽ đó là cái khổ của con người!

Thái cũng nằm trên giường vải bên cạnh:

-Anh nói gì, tôi chưa hiểu?

-Rồi anh sẽ hiểu! Nhân danh tình bạn thắm thiết giữa chúng ta, tôi cần phải ... sửa sai anh! Chẳng phải vì tôi bỏ công việc ở nhà hay ngại vất vả, mà vì anh đa mang nhiều quá!

Thái quay mình lại, nhìn bạn:

- Lạ nhỉ? Đa mang gì đâu? Mấy năm nay mới có... một người. Mà người ấy lại do anh và chị Trang.... thu xếp.

Định lắc đầu quầy quậy:

-Tôi không nói cô giáo Mai! Tôi lên đây không phải vì chuyện đó! Thái ngẩn người:

-Thế thì ai? Tôi đâu còn vấn vương với ai nữa mà anh nói ... đa mang?

-Bây giờ thì cứ coi như không còn ai, ngoài cô Mai. Nhưng trước kia?

-Trước kia? Chuyện... ngày xưa đã lui vào dĩ vãng. Anh nhắc lại làm gì?

Định thẳng thắn:

-Nhắc lại là ... ngày xưa, anh quá đa mang. Thái thở phào:

-Tưởng là chuyện gì nóng hổi mới xảy ra. Vậy cái... đa mang của tôi ngày xưa, như anh nói, có ăn nhằm gì đến sự có mặt của chúng ta hôm nay, ở đây?

-Ăn nhằm chớ sao không?

Định ngồi nhỏm dậy, trỏ một ngón tay về phía Thái, nói tiếp:

- Bởi vì ngày xưa anh quá đa mang, nên gây ra hậu quả đến ngày nay. Đó là nguyên do khiến tôi phải dẫn xác ra đây!

Thái xua tay:

- Thôi, cho “con” xin. Có gì, vô đề ngay đi. Ông vòng vo, phi lộ mãi làm chi cho mệt?

Định làm ra vẻ bình tĩnh, không lưu ý câu Thái hỏi: - Đúng ra, cũng tại vợ chồng tôi thật!

Đến đây, Định lấy trong túi áo treillis ra hai phong thư có đánh số thứ tự 1, 2, trao cho Thái:

-Anh đọc hai bức thư này - nhớ đọc thư số 1 trước - sau đó chúng ta sẽ ... thảo luận! Thái đỡ lấy hai bao thư rồi ngồi dậy. Chàng bỏ thư vào túi áo, đứng lên:

-Tôi phải tới chỗ liên hoan một lát. Giờ này chương trình cũng sắp chấm dứt. Anh nằm nghỉ cho khỏe. Thuốc lá quân tiếp vụ và hộp quẹt trên kệ. Tôi sẽ trở lại ngay.

Định lại ngả lưng trên giường vải:

- Anh cứ tự nhiên. Có lẽ tôi cần ngủ mươi phút. Nhớ đọc kỹ cả hai bức thư.

Nói vậy, nhưng khi Thái đi khỏi, Định lại ngồi dậy, châm thuốc lá hút. Trong đầu óc, Định đang suy nghĩ, tìm cách gỡ rối một vấn đề như cuộn giây chằng chịt. Từ lúc xin được lên vùng hành quân, Định chưa tìm ra giải pháp nào ổn thỏa.

Định phải đồng ý với bà xã, là dù giải quyết bằng cách nào đi nữa, thì khi đã rõ chẳng những Hà Phượng Thúy không phản bội mà còn thiết tha, chung thủy yêu Thái, thì đám hỏi Thái-Mai cần phải dời lại. Nhất là trong thời gian này, Thúy đang mắc bệnh nan y mà sự sống chỉ tính từng ngày.

Phải nói với Mai thế nào về sự dời lại lễ đính hôn? Vợ chồng Định chưa biết phải viện cớ gì cho... xuôi tai! Do đó, Định cần gặp Thái, vừa cho Thái biết sự thật về Thúy, vừa cùng Thái tìm ra một giải pháp.

Trường hợp khó khăn đến với vợ chồng Định cả hai phía. Một bên là sự tác hợp mối lương duyên Thái Mai. Một bên là Định chịu sự ủy thác của Vũ, người chiến sĩ đã nằm xuống trên chiến trường danh dự. Vũ còn chu đáo muốn di bút của mình chỉ được trao cho Định vào thượng tuần tháng Giêng này. Cũng là do Vũ đã làm theo lời yêu cầu của Thúy, khi Thúy chịu nhượng bộ sẽ gặp lại Thái, nếu sau bốn năm xa cách mà Thái chưa cùng ai chung sống.

Tháng Giêng này là tròn 4 năm kể tư khi Thúy xa Thái. Trong thư viết cho Định, Vũ cho hay là khi biết được Thúy có ý định hy sinh để Thái “làm lại cuộc đời”, chàng cảm thấy cần phải hàn gắn lại cuộc tình Thái-Thúy, đền bù những bất hạnh của người con gái mà Vũ tình cờ gặp gỡ trong chuyến ghé Nha Trang, trên đường về thăm quê hương.

Có lúc Định không hiểu tại sao Thúy bằng lòng gặp lại Thái. Hay Thúy chỉ nói cho vui lòng Vũ, vì Thúy cho rằng, có thể nàng chẳng còn sống được đến đầu năm nay, hoặc Thái cũng đã lập gia đình chỉ sau vài ba năm đinh ninh đã bị phản bội. Càng suy nghĩ, Định càng thấy rối thêm. Có lúc chàng cho việc giúp Mai tìm địa chỉ của Thái trước đây là quá vội vã. Lẽ ra, Định phải lường trước hậu quả việc đưa đôi trai gái đến sự quen biết nhau. Nếu chu đáo, Định phải tìm hiểu coi Thái có bị vấn vương gì chưa. Nhất là khi đã mường tượng chuyện sẽ xảy ra, qua những cuộc gặp gỡ Thái-Mai tại Sài Gòn và Biên Hòa.

Định chép miệng:

-Âu cũng là do cái số mình nó vất vả mà ra cả!

-Sao anh không nằm nghỉ?

Thái lên tiếng khi bước vào. Định thở một hơi thuốc lá:

- Nói vậy chứ dễ gì ngủ được!

Thái kéo chiếc “đèn B.A. 200” đến bên giường rồi châm điếu thuốc:

- Tôi bắt đầu đọc bức thư số 1 đây. Anh làm tôi hồi hộp quá!

Khu hành lang phía sau trường thiệt yên tĩnh. Giờ này, pháo binh của ta chưa bắn yểm trợ cho các cuộc hành quân ngoài xa.

Nét mặt Thái thay đổi dần theo từng dòng chữ. Định đọc được phản ứng nội tâm của bạn trước những sự việc xảy ra mà chính vợ chồng Định cũng đã phải bù đầu suy nghĩ. Chàng hiểu là Thái rất chân thành với mình, với người. Nên chi Định đã cho Thái biết tất cả mọi sự thực, dù trong bức thư của Yến, có ghi rõ ràng lời Thúy yêu cầu dành sự yên tĩnh rất cần trong những ngày cuối của đời nàng. Đàng khác, Định lại không thể vì những khó khăn trở ngại mà không làm theo lời trăn trối của Vũ.

Trang thì “đàn bà” hơn. Nàng từng khuyên chồng không nên câu nệ vì bức thư của Vũ để lại. Trang lý luận rằng ý kiến của Vũ xuất phát từ một tấm lòng hào hiệp, muốn giữ lời hứa và phải giúp đỡ kẻ khác cho trọn vẹn. Nhưng cũng phải tùy trường hợp, tùy theo hoàn cảnh mà xử sự. Đàng này, dù sao thì Thúy cũng không thể nào qua khỏi được mà lại cần sự bình thản, yên tịnh cho những ngày cuối. Gợi lại làm gì những trang tình sử đã khép lại, đã lùi sâu trong dĩ vãng. Chẳng phải như vậy là thiếu thủy chung, nhưng nào có giải quyết được điều gì. Trong hiện tại, cuộc tình duyên Thái Mai, trước mắt hứa hẹn đời sống gia đình hạnh phúc, tại sao lại vì những lý do thầm kín không cần thiết mà làm cho dang dở, có thể đưa đến tan vỡ?

Nếu cứ khăng khăng làm theo bức di thư của Vũ, rồi phải nói thế nào với Mai? Vạn nhất mà cuộc hôn nhân Thái-Mai không thành, thì vợ chồng Định đã là nguyên nhân tác hợp cho hai người, lại cũng là “thủ phạm” làm sụp đổ tất cả, mà hậu quả tai hại không lường được!

Định rất đồng ý với Trang, nhưng anh lại không thể không làm theo sự ủy thác của Vũ!

Vì vậy mà, Định phải vận động để lên công tác vùng hành quân, gặp Thái.

Thật may cho Định, giai đoạn đầu của cuộc hành quân vừa chấm dứt, chàng đã tìm gặp được Thái khi đơn vị bạn đang đảm nhiệm công tác bảo vệ an ninh cho đồng bào vùng Tam Quan xây dựng lại những đổ vỡ do Cộng quân gây nên sau hơn hai năm tạm chiếm.

Thái buông bức thư thứ hai xuống, hỏi Định:

- Bây giờ anh nghĩ phải làm thế nào?

Giọng nói của Thái đầy xúc động. Định điềm tĩnh hơn:

-Tôi cũng đang định hỏi anh câu ấy! Thái thở dài:

-Không bao giờ tôi nghĩ rằng Thúy đã dành cho tôi một tình yêu, đến mức độ hy sinh cho tôi, như thế! Tôi thật có lỗi với Thúy, vì không chịu suy xét, tìm hiểu lý do khiến Thúy đột ngột bỏ đi. Đọc bức thư tuyệt mệnh của Thúy, tôi vội vã đi đến kết luận là Thúy không chung thủy. Thảng hoặc, có thể Thúy đang vấn vương thêm một cuộc tình nào đó. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy mình là kẻ hồ đồ.

Định xua tay:

-Bỏ qua những điều vô bổ mà anh vừa nói. Nó chẳng giúp gì trong hoàn cảnh hiện tại. Vấn đề là anh sẽ phản ứng ra sao trước việc gặp lại Thúy. Tôi hiểu anh, khi biết rõ hiện trạng của Thúy, nhất là Thúy không hề phản bội anh, thế nào anh cũng phải minh bạch việc này. Như vậy thời gian không cho phép anh cử hành lễ đính hôn với Mai đúng ngày được. Tôi bay ra đây chỉ là thông báo cho anh những điều mà anh không ngờ tới, để anh sớm chuẩn bị gặp lại Thúy!

-Cảm ơn anh đã cảm thông. Nếu đúng là Thúy mắc phải chứng bệnh đó...

- Tôi tin như vậy, vì nếu không, đời nào Thúy bằng lòng tiếp chuyện với cô em tôi. Theo tôi, sắp tới, khi có dịp thuận tiện, anh cứ xin phép ra Nha Trang một chuyến để am tường sự việc. Cũng coi như anh còn đang tiếp tục cuộc hành quân. Sau đó chúng ta biết sẽ phải làm gì... Nhưng...

Thái dò ý bạn:

-Còn trở ngại nữa sao?

-Nhưng làm thế e không ổn. Vì nếu cô Mai biết anh đã chấm dứt hành quân mà lại không lên Biên Hòa nói chuyện đám hỏi...

Liếc nhìn bạn, Định lại thấy Thái châm điếu thuốc khác. Anh chàng ... đa mang nên gặp rắc rối thở làn khói xanh tròn vo bay vào khoảng không. Trong những lúc cần suy tư để chọn một “đường lối hành động”, Thái thường có thói quen đó.

Hai người im lặng một lúc khá lâu. Đột nhiên, Thái lên tiếng:

- Được rồi!

Định nhanh nhẩu:

- Hay lắm, thế nào?

Thái nhìn bạn, cương quyết:

- Kỳ này về hậu cứ, tôi sẽ lên ngay Biên Hòa kể tất cả mọi chuyện cho Mai nghe. Đã hiểu, yêu nhau, thế nào Mai cũng đồng ý cho tôi xin phép mấy ngày đi Nha Trang. Bởi chỉ có minh bạch những điều chưa rõ ràng, như anh đã nói, chúng tôi mới thanh thản tiến hành cuộc hôn nhân mà không còn điều gì vướng mắc. Mai sẽ hiểu rõ những điều tôi cần làm, bởi trong tình yêu trong sáng đã dành cho tôi, Mai đã gửi trong đó cả sự ký thác và niềm tin trọn vẹn.

Định gật đầu:

-Đúng ra, tôi cũng đã nghĩ như anh, nhưng vợ tôi lại cho rằng làm như thế không được! Thái ngạc nhiên:

-Tại sao?

Định gật gù:

- Phụ nữ thường có những lý do của họ mà đôi khi bọn đàn ông không nghĩ ra. Theo Trang, dù người con gái yêu mình tới đâu, cũng không bao giờ chấp nhận sự việc người mình yêu đi tìm một người con gái khác, với bất cứ lý do chánh đáng nào. Họ dè dặt, bởi dù biện minh cách nào, cũng có thể xảy ra những hậu quả khó lường, những điều xảy ra ngoài ý muốn!

Thái cười:

- Tôi hiểu Mai. Cô giáo có tâm hồn phóng khoáng hơn... thường tình nhi nữ.

Định cười theo:

-Cũng mong được như vậy! Rồi Định cười thật cởi mở:

-Anh nói có phần đúng. Ngay bữa còn ở nhà, tôi đã dò ý cô giáo...

Thái ngắt lời bạn:

-Dò ý thế nào?

-Tôi đã nói xa xôi... về dĩ vãng của anh. Mai vui vẻ trả lời tôi, là những câu chuyện đã qua không cần thiết phải nhớ lại. Tiện dịp, tôi nói thêm với Mai là khi yêu anh, cô giáo nên mặc nhiên chấp nhận những gì đã xảy ra và có thể sẽ xảy ra chung quanh cuộc sống của người lính chiến. Dĩ nhiên càng phải chấp nhận cả những hy sinh lớn nhỏ trong cuộc sống lứa đôi.

-Rồi Mai nói sao?

Định giơ tay:

-Bởi tôi nói vòng vo như vậy, nên cô nàng nghi là tôi có điều gì dấu diếm. Thành ra, thay vì trả lời tôi về sự chấp nhận những suy tư, những hy sinh ràng buộc ấy, Mai lại hỏi tôi là đã có việc gì xảy ra khiến tôi phải nói qua chuyện khác? Trước đó, vì chưa nhận được thư của cô Yến nên tôi đã có những cử chỉ nóng nảy, bồn chồn làm cho Trang để ý. Vì vậy mà vợ tôi cũng đồng ý với cô giáo, cứ căn vặn tôi, bắt buộc tôi phải trả lời là đã xảy ra chuyện gì!

-Và anh đã trả lời là không có chuyện gì hết, vì tôi bận di chuyển luôn nên chưa có dịp viết thư?

-Đúng như vậy. Sau khi Mai trở lại nhà, tôi đã cho Trang đọc cả hai bức thư này, mong bà xã có ý kiến gì giúp mình không. Nào ngờ bả cũng chẳng biết phải làm sao. Khi bày tỏ ý nghĩ, như anh nói, là nên cho cô giáo hay tất cả mọi chuyện, thì vợ tôi can ngay, vì làm thế e không ổn. Còn nếu anh cả quyết rằng Mai sẽ vui lòng với cách “gỡ rối” đó thì thiệt là đỡ được bao nhiêu điều phiền phức.

Thái ngả lưng trên giường vải:

- Thôi, tạm như vậy đã. Anh nằm nghỉ một lát, biết đâu lại chẳng nghĩ ra được một câu trả lời nào khác hợp tình, hợp lý hơn.

Định gật đầu:

- OK!

Trong lúc anh bạn lim dim cặp mắt như không có điều gì bận tâm, Thái đọc lại không biết lần thứ mấy, bức thư Diệu Khanh gửi sau cuộc hành quân Thần Phong 11. Những dòng chữ của “bé Hằng” làm chàng phải suy nghĩ rất nhiều.

Chàng đoán là giữa Thúy và Khanh phải có một liên quan vào mật thiết, mặc dù trong thư, Khanh không viết điều gì chứng tỏ như vậy.

Hồi tưởng khi Thúy đọan tuyệt với mình, Thái bỗng thấy sự xuất hiện của Khanh như do bàn tay vô hình nào xếp đặt.

Ngay cả sau khi Khanh bỏ đi vì không chiếm được tình yêu của Thái, cứ mỗi lần chàng có sự đổi thay là thấy Khanh xuất hiện. Sở dĩ Khanh có mặt cũng vì lời hứa của Thái, vì khi từ chối tình yêu của Khanh, Thái đã rằng chàng coi Khanh như người em gái ruột thịt. Bất cứ lúc nào muốn, Khanh đều có thể đến thăm chàng.

Trong lần tái ngộ trên bãi biển Nha Trang, Khanh lại nhắc đến mối tình Thái-Thúy, đã ướm hỏi nếu gặp lại Thúy, chàng sẽ đối xử ra sao? Bây giờ nhớ lại cử chỉ và những lời Khanh nói, Thái cho rằng nàng còn khá nhiều bí ẩn chưa thổ lộ với mình.Trong bức thư, Khanh có báo trước là sẽ có mặt tại Sài Gòn vào khoảng cuối tháng 2 dương lịch. Cô nàng cũng mong Thái vẫn dành cho nguồn thương yêu ruột thịt như anh hằng nói, để cũng vì nguồn yêu thương ấy, “Khanh sẽ kể tất cả chuyện đời Khanh cho anh nghe!”

Chuyện đời Khanh? Thì Thái đã chẳng biết hết rồi sao? Có chăng là những điều bí ẩn mà từ trước đến nay Khanh chưa bao giờ nói với Thái! Chàng hy vọng là những điều bí ẩn đó, nếu quả có như vậy, sẽ giúp mình hiểu thêm, chẳng những Khanh, mà còn cả Thúy. Hai cô gái này dường như vẫn theo dõi những bước đi của Thái, dù chẳng phải bằng tình yêu hay bất cứ một ràng buộc nào khác.

Lần này quyết tâm tìm Thúy, sau khi gặp lại Khanh ở Sài Gòn, Thái sẽ dứt khoát với lòng mình.

Thế nào Thái cũng phải tìm được Thúy. Chàng không thể bỏ mặc Thúy với những ngày cuối của cuộc đời nàng, một khi Thái đã biết chuyện ngày xưa Thúy bỏ đi chỉ là vì tình yêu chung thủy với chàng. Thái cũng không thể xa Mai được nữa.

Nếu Thái sớm biết Thúy ở trong tình trạng hôm nay thì không bao giờ chàng còn vương vấn với Mai. Bởi ngay trước khi yêu Mai, Thái vẫn đinh ninh là mình đã bị tình phụ. Rồi khi cảm nhận được là Mai yêu mình thiết tha quá, chân thành quá, tự nhiên Thái phải đáp ứng. Cuộc tình này đã dành cho Thái nguồn an ủi mà chàng tưởng chừng đã mất từ khi Thúy bỏ đi.

Bốn năm qua, Thái dè dặt trong giao tế khi có sự tiếp xúc với phái nữ, khiến đôi lúc chàng tự hỏi, hay là mình còn yêu Thúy, còn chưa quên được người con gái Huế ngày xưa. Những ngày xưa cùng với bao nhiêu kỷ niệm sâu đậm tưởng chừng như Thái sẽ không sống được khi mất Thúy.

Cũng như có lần Thúy đã nói bên tai chàng:

- Anh! Đừng bao giờ bỏ em! Anh là Nguồn Sống duy nhứt của đời em. Nếu mất anh, em sẽ héo hon đi mà nhắm mắt!

Thế mà Thúy đã bỏ đi, không một lời từ biệt! Niềm tin vào tình yêu của Thúy khiến chàng tuyệt vọng, đâm ra nghi ngờ lòng chung thủy của người đời, nhủ lòng sẽ chẳng bao giờ còn vương vấn nữa, cho đến khi gặp Mai!

Với Mai,Thái linh cảm đây là một sự an bài của Thượng Đế, một định mệnh. Những sự việc liên tiếp xảy ra giữa chàng và Mai theo chiều tình cảm như những việc tuần tự phải xảy ra. Thái tự thấy có một động lực thúc đẩy chàng phải lập gia đình với Mai. Sự ký thác của cụ Năm chỉ là nguyên nhân khách quan, thêm ràng buộc mà chiều hướng tâm tư của Thái đã xuôi theo động lực đó rồi.

Do tin tưởng vào bàn tay mầu nhiệm xếp đặt, Thái cho rằng câu chuyện sẽ không quá rắc rối như vợ chồng Định lo ngại. Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Thái sẽ nói với Mai tất cả những ưu tư của mình, sẽ kể cho Mai nghe những chuyện tình ngày xưa, trước khi chàng gặp Mai. Thái tin rằng Mai sẽ cảm thông và vui lòng khuyến khích chàng lên đường ra Miền Trung thăm Thúy.

Xếp lá thư của Khanh trong cuốn sách đầu giường, Thái ngước nhìn Định, định nói thì thấy bạn đã ngủ ngon.

Thái mỉm cười:

- Cũng là người ... dễ tính!

Chàng nhắm mắt lại, thiếp dần đi.

-A-lô, phải Phi Long không?

-Phi Long nghe đây.

-Xin bạn vui lòng cho Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù.

-A-lô! Đường giây của Tiểu khu Biên Hòa đang bận, nên chưa liên lạc được với Tiểu đoàn 5 Dù. Lát nữa bạn kêu lại.

-A-lô!

-Tôi đang nghe.

-Tôi đang ở trại Vũ Đạo Ánh. Khi nào nói chuyện được với Tiểu đoàn 5 Dù, mong bạn kêu giùm.

-Đồng ý!

-Xin cảm ơn bạn.

Thái bỏ ống thính cơ xuống, vui vẻ dặn nhân viên trực Truyền tin của Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù:

-Chừng nào Phi Long kêu lại, cậu làm ơn quay cho ban Tư giùm nha!

-Nghe rõ, Trung úy!

Thái trở lại ban 4 Tiểu đoàn. Trung úy Sang, người bạn phụ trách vật liệu đang cắm cúi coi sổ sách. Thấy Thái bước vào, Sang ngẩng đầu lên:

-Cậu liên lạc được với Định chưa?

-Đường giây mắc bận. Chắc phải làm phiền cậu. Sang vui vẻ:

-Cứ việc sai bảo. Mấy khi mà máy bay đáp xuống Biên Huề như bữa nay để đàn anh có việc nhờ vả. Thái trao cho Sang một phong thư:

-Thế này nha! Khi nào nói chuyện được với tổng đài, cậu xin Tiểu đoàn 5 nói với Định là tôi đã về

hậu cứ. Bảo Định chạy đến đây nhận thư. Nếu vẫn chưa liên lạc được, hoặc Định vắng mặt thì phiền cậu cho người đem thư này trao cho người nhà Định trên Tam Hiệp. Cậu còn nhớ địa chỉ của Định chứ?

-Nhớ, yên trí. Còn gì những không?

-Hết.

Vừa nói, Thái vứa giơ tay coi đồng hồ:

-Giờ này chắc đoàn “con voi”đã tới, tôi phải ra sân bay đây. Khi nào về Sài Gòn, nhớ ghé tôi. Sang cười:

-Đó là cái chắc. Cậu vẫn ở hẻm 15 Lê Văn Duyệt nối dài?

-Đúng vậy!

-Cậu bày đặt ra ngoài trại Trần Trung Hiếu làm gì? Hay là sắp có... tiểu đăng khoa?

Thái cười theo:

-Rất có thể! Sẽ có dịp mời cậu về ăn cưới tại Sài Gòn. Sang giơ tay:

-Kẻ này có bao giờ từ chối chuyện ăn uống đâu. Yên trí! Thái bắt tay tạm biệt bạn rồi vội vả ra sân bay Biên Hòa.

Sau hơn hai tháng hành quân, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù về hậu cứ trong tiếng reo hò của đám trẻ em khi đoàn GMC bắt đầu vô cổng Trại:

-Nhảy Dù!

-Cố Gắng!

Thái xuống xe đi về phía Đại đội.

Hạ sĩ nhất Tân đón Thái ngay trước văn phòng Đại đội trưởng:

-Trung úy đi về mạnh giỏi?

-Khỏe lắm, cảm ơn ông, ở nhà có gì lạ không? Tân hạ giọng:

-Thưa Trung úy, Tôn nữ Diệu Khanh lại đây nhiều lần để hỏi thăm tin tức coi ngày nào Trung úy về tới. Cô Diệu Khanh nhờ tôi trình lại là khi nào Trung úy rảnh, xin ghé nhà người bà con của cổ ở gần đây mà Trung úy đã biết.

Thái gật đầu:

-Tôi hiểu rồi. Ngoài ra còn ai tới nữa không?

-Thưa không, Trung úy!

Thái vào nhà, trong lúc hạ sĩ quan và binh sĩ trong Đại đội còn sắp hàng trước sân chờ nghe đọc nhật lệnh của Tiểu đoàn.

Anh em không phải chờ lâu, đã thấy Thượng sĩ Bách tới.

Bách hô:

-Nghiêm!

-Im lặng nghe nhật lệnh! Nghỉ!

“Quân nhân các cấp Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù vừa tham dự cuộc hành quân Thần Phong 11 trở về hậu cứ, được nghỉ 48 giờ sau khi lau súng. Giấy phép do Đại đội trưởng ký.

Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù.”

-Hết!

-Nghiêm! Tan hàng!

Giơ tay chào đoàn quân xong, Bách rảo bước vô văn phòng Đại đội trưởng.

-Có gì, ông Bách?

-Dạ, xin Trung úy ký phép cho anh em.

-Rất sẵn sàng. Chiều nay, tôi tới thăm người bạn ở số 375 Lê Văn Duyệt, căn nhà có tấm sáo hình Hồ Hoàn Kiếm phía trước. Có gì ông cho người tới kiếm tôi. Chừng nào giấy phép làm xong.

-Thưa, chửng nửa giờ nữa, tôi sẽ đem vô.

-Như mọi lần, trước khi phát giấy phép, ông căn dặn anh em ra phố phải tôn trọng màu cờ, sắc áo, quân phục chỉnh tề, lễ độ với đồng bào...

Bách đứng nghiêm, giơ tay chào Thái:

- Tôi nghe rõ, Trung úy!

Anh chàng Thượng sĩ Đại đội đang định quay gót thì Thái kêu lại:

-Ngoài công tác, ai kiếm tôi cứ trả lời là tôi không có mặt trong Trại. Bách ngần ngại:

-Thưa...

-Cứ nói!

-Còn cô giáo trên Biên Hòa?

-Nói với cổ là tôi sẽ lên thăm ngay khi có thể.

-Trung úy chưa về nhà ông cụ trên đường Trương Minh Giảng?

-Chưa. Bữa nay tôi có công chuyện cần phải giải quyết xong rồi mới ghé ông cụ và lên Biên Hòa được.

rồi Thái tươi cười:

- Ông chuẩn bị giấy phép để sẵn đây. Lát nữa tôi ký cho anh em khỏi mong.

Bách chào Thái rồi ra khỏi văn phòng Đại đội.

Trong lúc thay thường phục, Thái chưa đoán biết là gặp lại “bé Hằng” bữa nay sẽ có những chuyện gì. Người con gái ấy đôi khi khó hiểu. Ngay trong lúc tâm tình cởi mở, cô nàng như vẫn có điều chưa nói hết! Trong ánh mắt Diệu Khanh, Thái chưa đọc được.

Nửa giờ sau, Thái đã ra khỏi cổng Trại, băng qua đường, đứng trước cửa Nghĩa Trang Đô Thành. Chàng giơ tay vẫy chiếc taxi tới Hòa Hưng.



Sài Gòn vẫn tất bật, vội vã như ngày nào. Thành phố tưởng chừng đứng ngoài cuộc chiến cam go của người Quốc Gia đang phải đương đầu một mất một còn với Cộng sản! Thiên hạ vẫn xuôi ngược trên những dòng người, xe đông nghẹt trong bầu không khí ngột ngạt. Thái thèm những khung trời mây trắng trên một giãi núi đồi xanh ngát trong các cuộc hành quân ở An Khê, Khánh Dương, Bồng Sơn... những màu xanh tươi mát của rừng cây ven quốc lộ 21.

Saigon trong màn bụi khói, oi bức, tìm đâu ra làn gió mát lạnh trên thảm cỏ xanh rờn Hớn Quản ngày nào trong cuộc hành quân giải tỏa quốc lộ 13?

Taxi ngưng lại trước đầu hẻm nhà bảo sanh Thái Bình. Sau khi trả tiền cho người tài xế, Thái đi vô được vài phút, bỗng nghe tiếng kêu:

- Anh Thái!

Tôn nữ Diệu Khanh đang đứng trước căn nhà quen thuộc ngày nào. Bé Hằng mừng rỡ:

- Anh tôi vừa đi vừa mơ mộng, đang nghĩ đến cô nào mà không nhìn thấy em ngay trước mắt?

Thái cười:

-Mơ mộng gì đâu! Khanh cười theo:

-Có quá nhiều hình ảnh làm anh vương vấn phải không? Khanh mong anh vô cùng. Anh về bao giờ vậy?

-Mới cách đây chưa được hai tiếng đồng hồ là phải đi thăm em ngay. Khanh coi, anh cưng em gái như vậy còn gì nữa.

Khanh chỉ tay vô phía trong:

-Bữa nay Mợ Khanh lên Bàn Cờ thăm người bà con. Anh vô nhà trong tiếp Khanh làm đồ ăn đi.

-Rất đồng ý! Anh đang đói bụng đây.

Khanh nhanh nhẹn vô trước:

- Khoan hãy xuống bếp. Để Khanh pha cho anh một ly nước chanh muối uống cho đỡ mệt sau chuyến bay về hậu cứ. Anh ngồi chơi một lát, chờ Khanh chút xíu rồi anh em mình đi nấu nướng. Khanh mà pha nước chanh muối thì... tuyệt!

Thái vui vẻ:

-Rõ mèo khen mèo dài đuôi! Khanh phải để anh khen chớ!

-Đó là thông thường. Còn Khanh cứ muốn ... tự khen trước đi là vừa. Để nếu anh có chê, cũng... huề!

Vừa nói, Khanh vừa vặn quạt trần:

-Nói vậy chớ Khanh đã làm xong đồ ăn, chỉ còn chờ Mợ về là vo nồi cơm bắc lên thôi. rồi nàng mở tủ lạnh, loay hoay một lát đã đặt ly nước trên bàn:

-Anh uống cho khỏe. À này! Lâu lâu Mợ Khanh lại hỏi thăm anh. Sáng nay, Mợ hỏi Khanh: “Phải anh Thái sắp về Sài Gòn không?” Khanh trả lời: “Đúng rồi, Mợ! Phen này ảnh về Sài Gòn...lấy vợ đó!”...

Thái để ly nước đang uống xuống, trợn mắt:

-Sao Khanh... tuyên bố ẩu vậy? Còn lâu mà! Khanh làm bộ ngạc nhiên:

-Anh nói sao? Khanh còn nhớ anh đã nói với Khanh là tháng đầu năm dương lịch vừa qua làm đám hỏi mà?

Thái lắc đầu:

-Chưa! Vì anh mắc đi hành quân liên miên mấy tháng, như Khanh đã biết.

-Vậy kỳ này anh về tiếp tục đi. Cho Khanh đi theo làm... họ nhà trai!

-Nhưng có thể chưa biết bao giờ mới làm đám hỏi.

Khanh mở to đôi mắt:

- Dễ sợ! Tại sao vậy anh?

Thái điềm tĩnh:

- Từ trước đến nay, anh nghĩ là Khanh còn nhiều điều chưa cho anh biết! Bây giờ Khanh phải minh bạch với anh. Nếu Khanh cứ tiếp tục dấu diếm, sau này có chuyện gì không hay xảy đến cho anh, Khanh đừng hối hận!

Nét mặt Khanh thoáng thay đổi:

- Anh phải cho Khanh biết có chuyện gì quan trọng mà chưa làm được đám hỏi. Sau đó anh muốn biết thêm điều gì, Khanh hứa sẽ không còn dấu diếm nữa.

Thái ôn tồn:

- Như vậy là Khanh đã công nhận có nhiều sự thật chưa cho anh hay. Bây giờ Khanh phải nói cho anh nghe tất cả. Biết đâu, những điều mà Khanh sắp tiết lộ sẽ chẳng là những nguyên do khiến cuộc tình của anh đổ vỡ!

Khanh ngồi dựa vào thành ghế:

- Trước kia, khi từ chối tình yêu của Khanh, anh có cam kết là sau này sẽ cưng chiều em gái, sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để mưu cầu hạnh phúc cho Khanh. Chừ anh chiều Khanh một chút đi. Anh cứ kể lý do khiến anh chưa thể làm đám cưới với cô giáo. Sau đó Khanh sẽ nói hết với anh. Thực ra dù anh chẳng có gì thay đổi, lần này Khanh cũng ... minh bạch với anh, như anh vừa ngỏ ý. Bởi đó chính là mục đích của Khanh từ Miền Trung về Sài Gòn gặp anh.

Cũng dựa lưng vào thành ghế, Thái nói bằng một giọng đầm ấm:

- Cũng được. Cách nay gần ba năm, anh gặp Mai. Chuyện tình của anh và Mai xảy ra ngẫu nhiên và tuần tự như do một bàn tay xếp đặt. Anh cho đây là mối duyên tiền định. Bời người con gái ấy như được sinh ra để buộc chặt vào đời anh. Trong thời gian đó, anh đang đinh ninh là bị Thúy phụ bạc.

Cũng do đinh ninh như vậy, nên hầu như anh không còn tin tưởng vào tình yêu đôi lứa. Anh từng nhủ lòng rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn vương vấn nữa. Vì còn vương vấn là còn làm khổ mình, khổ người. Nhất là trong lúc chiến tranh còn đang tiếp diễn khốc liệt trên khắp các vùng chiến thuật, anh lại đang phục vụ dưới cờ trong một đơn vị Tổng Trừ Bị có thể được điều động đi ứng chiến bất cứ giờ giấc nào. Cho đến khi gặp Mai. Tin tức về Thúy thì vắng bặt mà tình Mai cho anh thì vô cùng tha thiết. Lòng anh dần ngả về Mai. Anh tin tưởng rằng nếu có hoàn cảnh lập gia đình thì Mai quả là người vợ hiền, đảm đang, thủy chung không bao giờ phản bội!

Khanh xen vào:

-Anh ám chỉ Thúy, khi vừa nói đến hai chữ “phản bội”?

-Anh nói chung chung thôi, nhưng cũng có phần nào như vậy. Khi đoạn tình, Thúy đã viết cho anh bức thư ngắn. Trong đó Thúy thú thiệt là nàng đã có người yêu từ trước khi gặp anh. Những ngày tháng Thúy kề cận bên anh ở Huế là vì người yêu của Thúy đi xa. Nay đến lúc người ấy trở lại với Thúy thì nàng cũng trả lại anh cho... cuộc đời. Khanh nghĩ coi, vào trường hợp này, Khanh có coi là Thúy đã phản bội anh, hay nói nhẹ hơn, Thúy chưa hề yêu anh như hằng thủ thỉ bên tai anh không? Anh choáng váng, không dám tin sự thật lại phũ phàng như vậy! Hơn nữa, sau đó, anh đâu còn nhận được tin tức nào về Thúy nữa. Trong thâm tâm, anh thấy mình bị tổn thương nặng nề. Nhiều khi, vì cứ vương vấn những hình ảnh, những kỷ niệm về Thúy, anh đã viện nhiều nguyên do ngoài ý muốn để bào chữa cho Thúy. Nhưng, cho đến những ngày gần đây, anh vẫn đinh ninh mình bị tình phụ!

Khanh nhẹ nhàng dò hỏi và hồi hộp chờ Thái trả lời:

- Còn chừ?

Thái thở dài:

- Bây giờ thì anh mới được biết là câu chuyện ngày xưa không giản dị như vậy. Trước sau, bao giờ Thúy cũng yêu anh, và chỉ có anh mà thôi. Thúy đã hy sinh cho anh quá nhiều. Nhất định anh phải tìm gặp lại Thúy!

Khanh rưng rưng nước mắt:

-Anh sẽ không còn có được một Hà Phượng Thúy như ngày xưa nữa! Thái ngạc nhiên:

-Chuyện chi lạ? Anh mới có địa chỉ của Thúy ở Nha Trang. Chẳng lẽ Thúy đã mất và những câu chuyện mà những người thân cho anh hay đều không xác thực?

Khanh lắc đầu:

-Không phải! Thúy vẫn còn sống, tuy rằng sự sống cũng chẳng còn được bao lâu nữa! Thái cầm bàn tay Khanh:

-Khanh! Em! Chúng ta không duyên nợ, nhưng đã nhận nhau là người thân như ruột thịt, em cần phải cho anh biết tất cả sự thật.

Khanh ngoan ngoãn để Thái nắm tay một lát rồi mới từ từ đưa lên vuốt tóc:

- Khanh kể cho anh nghe đây!

Thái ngả người trên lưng ghế, chờ đợi. Giọng nói của Khanh trở nên đằm thắm, thiết tha:

- Khanh là em họ của chị Thúy, nhưng cũng gần như chị em ruột. Ba mẹ Khanh mất sớm, từ khi Khanh còn nhỏ. Bác Cử nuôi Khanh, coi như con đẻ. Sở dĩ bữa anh ra Huế tìm chị Thúy trong căn nhà đường Phan Châu Trinh, Huế mà không gặp Khanh, vì hồi đó Khanh đang ở bên Gia Hội với gia đình bác Cử. Chắc anh chưa biết bác cử gái không có con, nên bác trai mới cưới thêm má chị Thúy. Còn căn nhà mà 4, 5 năm trước đây anh đến thăm chị Thúy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là của bác gái lớn, chớ không phải của má ruột chị Thúy đâu....

Thái ngắt lời:

-Sao trước kia em không nóì cho anh hay, em là em của Thúy? Khanh mỉm cười:

-Đâu có được! Đời nào Khanh dám tiết lộ điều ấy!

Thái ngạc nhiên:

-Tại sao? Khanh thở dài:

-Bởi vì Khanh đến với anh là thể theo lời yêu cầu của chị Thúy! Thái càng ngạc nhiên hơn nữa:

-Thúy nhờ em đến để...

Khanh giơ một ngón tay:

-Anh đừng ngắt lời Khanh. Cứ bình tĩnh nghe Khanh nói. Chị Thúy mắc chứng bệnh đau gan trầm trọng! Chỉ trong một thời gian ngắn, khuôn mặt chị Thúy sần sùi và nám đen lại. Ngay cả em, bữa đến phòng mạch của bác sĩ Alexandre, em không thể ngờ người trước mặt em là chị Thúy. Không ai còn có thể nhận ra chị nữa, nếu không nghe giọng nói. Khanh bàng hoàng ôm lấy chị, khóc òa lên!

Thái sửng sốt:

-Đó là nguyên do khiến Thúy xa anh? Khanh vẫn dịu dàng:

-Đã biểu đừng nói xen vô! Thế rồi lớp vảy da cá đen sì đó đóng gắn luôn trên khuôn mặt chị Thúy! Thầy thuốc nói cần phải qua một thời gian điều trị lâu dài mới hy vọng phục hồi dung nhan cũ. Nhưng, cũng theo ông, hy vọng này rất mong manh vì e có biến chứng nào đó tiếp theo. Chúng ta cũng biết , các vị y sĩ mà nói một thời gian dài, có nghĩa là không biết đến bao giờ mới có hy vọng, chưa nói đến chuyện bình phục! Trong khi đó, Chuẩn úy Thái được lên Thiếu úy vì liên miên tham dự hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác. Hồi đó anh ham lập chiến công nên không còn thời gian dành cho Thúy, không hề biết Thúy của anh đang mắc chứng bệnh nan y!

Ngưng lại một lát để coi phản ứng của Thái. Thấy anh chàng nhắm mắt ngồi nghe, Khanh nói tiếp:

- Tuy da mặt biến đổi không còn ai nhận ra cô Hà Phượng Thúy ngày nào, nhưng chị vẫn tỉnh táo. Tự nhiên là chị Thúy không muốn anh trông thấy khuôn mặt hiện tại của mình. Đó là thường tình nhi nữ mà. Cô gái nào mà chẳng muốn cho người yêu luôn giữ mãi vẻ đẹp của mình. Vì lo ngại anh có thể về thăm bất tử, nên bọn em lo di chuyển chỗ ở đến một nơi khác trong Thành Nội.

Sau đó vài màng da trên mặt chị Thúy trở nên sần sùi, khi lớp vảy đen tróc đi. Vừa không thể để anh gặp mặt, vừa muốn “đo” lại tình anh, chị Thúy đã viết cho anh bức thư “tuyệt mệnh” đó.

-Đo lại tình anh. Khanh muốn nói... là chị Thúy muốn thử lòng anh, coi anh có quả thiệt yêu chị sâu đậm và bằng một tình yêu duy nhứt như chị vẫn hằng tin tưởng hay không? Đồng thời, chị Thúy cũng muốn dò phản ứng của anh, coi anh tin tưởng ở tình chị đến mức độ nào?

-Mâu thuẫn!

-Anh bảo gì?

Thái tỏ vẻ thất vọng:

- Anh nói là Thúy đã mâu thuẫn với chính mình. Việc mà em nói là Thúy muốn đo lại tình anh, muốn thử coi anh yêu Thúy và tin ở tình Thúy cho anh đến mức độ nào, chính là điều mâu thuẫn ấy. Nó chứng tỏ rằng Thúy cũng chưa tin tưởng vào tình anh cho Thúy. Khanh đồng ý chớ? Bởi nếu Thúy có niềm tin vào tình yêu sắt đá của anh, thì cần gì phải thử thách. Đôi lứa đã yêu nhau thì phải tin nhau như tín đồ trung thành tin ở tôn giáo. Dù hoàn cảnh đổi thay, dù gặp muôn vàn khó khăn cách trở, tình yêu vẫn mãi mãi toàn vẹn. Không một trở ngại nào khiến lòng dạ thay đổi được, kể cả cái chết. Huống chi tình trạng bệnh tật của Thúy càng khiến anh yêu thương và săn sóc, nâng niu, chung thủy với nàng, hầu đền bù những bất hạnh của Thúy. Nếu anh không xử sự như vậy, đâu còn xứng đáng với tình yêu vời vợi mà Thúy đã trọn vẹn cho anh?...

Khanh nhìn Thái, thầm nhủ lòng, có lẽ Thúy đã vội vã xa anh, gây nên sự đổ vỡ của một cuộc tình tuyệt đẹp, rồi Khanh nói tiếp:

- Tùy anh nghĩ sao cũng được. Khanh chỉ biết kể thêm là, sau khi gởi bức thư đó, chị Thúy tỏ ra hối hận suốt quãng ngày tiếp theo. Thúy nhớ anh đến héo hắt. Bác sĩ cho hay, căn bệnh của chị lại có nhiều biến chứng đáng lo ngại. Bởi chị chán nản, ăn uống thất thường , lại quên cả kiêng khem về ẩm thực. Thầy thuốc khuyên chị nên vô Sài Gòn, nằm bệnh viện Grall, trong nớ có nhiều phương tiện điều trị hơn. Nhưng chị Thúy không nghe theo. Khi lớp vảy đen trên khuôn mặt đã tróc hết, lại hiện ra thêm nhiều vết sần sùi như bị tạt át xít, trông không chịu nổi. Nhân một lần bác gái - mẹ ruột chị Thúy xuống thăm, chị đã dặn bác đừng tiết lộ tình trạng này cho anh biết. Cứ trả lời là Thúy đã bỏ nhà đi biệt tích. Vì chị cho rằng, nếu có dịp trở lại Huế, thế nào anh cũng ghé thăm chị ở căn nhà trên đường Phan Châu Trinh, kế bên dòng sông Bến Ngự.

Thái lại thở dài:

- Hèn chi, lúc anh hỏi chuyện, bà bác cứ nghẹn ngào làm anh tưởng là cụ phiền muộn về việc con gái bỏ đi. Đâu ngờ...

- Sau đó, nghe tin đơn vị anh sắp tổ chức một cuộc nhảy dù biểu diễn trên sông Hương. Đây là dịp may tạo cơ hội cho anh trở lại Cố Đô. Chị Thúy vụt có ý định nhờ Khanh tìm cách làm quen với anh để biết thêm về phản ứng của anh sau khi nhận bức thư của chị, vì chị tin rằng thế nào anh cũng có mặt trong cuộc biểu diễn sắp tới.

Khanh đưa mắt nhìn vẻ thẫn thờ của Thái, nói tiếp:

- Quả nhiên, chiếc áo dài màu tím của Khanh được anh lưu ý. Lúc đó, Khanh hiểu là, trước mắt anh, Khanh chỉ là bản sao hình ảnh chị Thúy. Do vậy, Khanh bình thản với vai trò “gián điệp” thăm dò tình cảm của anh, để còn báo cáo lại với chị Thúy. Cá nhân Khanh đâu còn chỗ để cho mình tham dự vào cuộc chơi tình cảm. Thế nhưng, trên đời có nhiều chuyện xảy ra ngoài dự liệu của con người! Dần dà, Khanh thấy mến anh, xa anh thì thương nhớ! Như vậy chẳng biết có phải là trong thời gian làm “tay sai” cho chị Thúy, Khanh đã yêu anh hay không? Tuy trong lòng, Khanh vẫn hy vọng rằng đó chỉ là thứ tình cảm nhất thời. Nhưng khi biết mình không là gì cả đối với anh, khi biết mình đúng ra chỉ là hình ảnh của chị Thúy trong lòng anh, Khanh thấy tự ái bị tổn thương nên bỏ ngang ra đi, thay vì phải “báo cáo” mọi việc với chị Thúy. Chuyến đi này xảy ra chuyện Khanh gặp gỡ một sinh viên trường thuốc. Đang giận thân, Khanh lao mình vô cuộc phiêu lưu tình cảm với người sinh viên đó. Không hẳn là để trả thù anh mà tự chứng tỏ rằng đích thực mình cũng được yêu chiều, chớ không phải được yêu qua phiên bản của một người con gái khác! Tự ái được vuốt ve, nhưng dĩ nhiên chuyện tình một chiều giữa Khanh với anh chàng sinh viên này phải tan vỡ. Bởi Khanh tự thẹn với mình, thấy mình không chân thành với người, nên tự ý rút lui, khi tình cảm còn trong mức độ chưa lấy gì làm sâu đậm. Anh sinh viên ngỡ ngàng trước đổi thay đột ngột của Khanh nhưng khi vỡ lẽ, anh ta đã chấp nhận thực trạng, vui vẻ chia tay với Khanh.

Khanh lại trở về ở với Bác bên Gia Hội. Sau đó, được tin chị Thúy đang ở ngôi biệt thự gần bãi biển Nha Trang, bệnh lại nặng hơn. Khanh vô Nha Trang, ở nhà cô bạn cũng còn độc thân, gần Ga Xe Lửa Nha Trang. Chính cô bạn này đã cho Khanh tá túc dài hạn và kiếm cho Khanh một việc làm đủ sống. Sau khi ổn định công việc và chỗ ở, Khanh mới tìm gặp lại chị Thúy để tạ tội cùng chị! Những ngày cuối tuần, Khanh qua ở biệt thự Phượng Hoàng. Ngôi biệt thự nhỏ nhắn này nguyên là tài sản của một vị ẩn danh, dành cho chị Thúy toàn quyền sử dụng. Vị ẩn danh này hiện là y sĩ tại viện Pasteur đã mãn hạn phục vụ tại VN. Trước khi lên đường về Pháp, ông đã mời chị Thúy tới ở trong quãng ngày cuối cùng của đời chị. Bởi hơn ai hết, vị lương y này biết cuộc sống của chị chẳng còn bao lâu! Theo lời ông, khi nào chị Thúy mất, thân nhân của ông ở Nha Trang sẽ lo hậu sự cho chị và nhận lại biệt thự này.

Vì được toàn quyền sử dụng, nên chị Thúy lấy tên đệm của chị - Phuợng - và của anh - Hoàng - để tạm thời đặt tên cho biệt thự Phuợng Hoàng.

Trước khi Khanh đến, chị Thúy đã ngẫu nhiên gặp anh Vũ. Chuyện này, mãi sau Khanh mới biết, vì không nghe chị Thúy kề lại. Nhưng những chuyện Khanh lên Khánh Dương thăm anh, những chuyện anh em mình nói với nhau trên bãi biển Nha Trang... đều được Khanh kể hết cho chị nghe!

Thái sốt ruột:

-Cảm ơn Khanh. Anh đã hiểu rõ. Hiện nay bệnh tình của Thúy ra sao? Anh phải xin “phép năm” để đi Nha Trang một chuyến.

-Lúc cô Yến đến thăm, chị Thúy đã nói rồi. Hiện nay chị bị ung thư gan, sự sống chỉ tính từng giờ. Ngay sau khi cô Yến ra về, chị Thúy chuẩn bị ngay cho một chuyến đi, đem theo tất cả những vật kỷ niệm của Đoàn Quân Mũ Đỏ. Khi được bà vú cấp tốc báo tin, Khanh vội vã qua Đồng Đế chỉ còn vừa kịp nắm tay chị Thúy thêm một lần, biết đâu chẳng là lần cuối! Khanh bần thần, ngẩn ngơ nhìn theo chị trên chiếc xe Traction màu đen từ từ lăn bánh ra phía quốc lộ 1. Trong lúc bà vú cho Khanh hay thêm là biệt thự Phượng Hoàng đã được trao trả cho người nhà của bác sĩ Alexandre và bà cũng mới ra bưu điện Nha Trang gởi một thư bảo đảm cho một sĩ quan ở Khu Bưu Chính 4143!

Thái dậm chân:

- Sao Thúy không gửi qua Khanh? Hồi nãy vì nóng lòng gặp lại Khanh, anh quên mất tiêu là coi lại trong hộp thư Đại Đội, có thư từ gì của ai gởi cho anh không?

Rồi như sực nhớ ra điều gì, Thái hỏi tiếp:

-Chẳng lẽ Thúy cũng không cho Khanh biết là di chuyển đi đâu sao? Khanh lắc đầu:

-Lần này thì chị Thúy không còn tin tưởng nơi Khanh nữa rồi. Nhưng thế nào bác Cử gái, má ruột chị cũng biết nơi chị tới. Nhưng có hỏi, bác cũng không tiết lộ đâu. Theo Khanh thì có thể là bác gái và chị về ở nhà bà con nào đó bên quê ngoại.

Thái im lặng. Khanh biết anh đang nghĩ cách tìm gặp Thúy, nên dịu dàng:

- Khanh nài xin anh đừng dò hỏi tin tức chị Thúy nữa. Phần vì anh dù mất công tìm kiếm cũng khó lòng có kết quả, phần vì điều này sẽ làm phiền lòng chị Thúy rất nhiều. Chị đã không muốn cho anh gặp lại, chỉ là để anh còn giữ mãi hình ảnh đẹp của mình.

Thái lại thở dài:

-Anh hiểu. Nhưng làm sao anh đành lòng bỏ mặc Thúy trong lúc này.

-Chính vì chị Thúy biết anh còn yêu mình, nên chị mới phải tránh không cho anh cơ hội tái ngộ. Khanh mong anh vui lòng để cho chị được yên tĩnh.

-Anh không thể an tâm, nếu không được gặp lại Thúy!

-Hãy nghe Khanh, như anh đã từng hứa là sẽ cưng chiều và nghe lời em gái. Anh lo lắng cho chị Thúy như vậy là đủ. Anh còn nhiều bổn phận với quốc gia, dân tộc. Coi như anh và chị Thúy không duyên nợ thì phải thuận theo định mệnh thôi.

Thái đưa tay bóp trán:

-Anh thấy nhức đầu quá! Khanh nói:

-Hay là anh em mình đi dạo phố đi anh. Mấy tháng ở trên rừng rồi, anh cũng cần xả hơi chớ. Thái bớt nhăn nhó:

-Đồng ý, nhưng nhà đâu có ai coi và Khanh còn đợi bà Mợ về ăn cơm mà?

Khanh vui vẻ:

- Khanh nấu sẵn nồi cơm điện, ghi vài dòng cho Mợ em biết , rồi gửi chìa khóa bên lối xóm. Xong ngay. Khanh đi thay đồ, chút xíu hà.

Một lát sau, Khanh kéo tay Thái ra ngoài:

- Lâu lâu anh em mình dạo phố một lần. Rồi anh còn phải cho Khanh đi ăn nữa!

Mai đứng nép mình bên cạnh một căn phố. Thái, đúng là Thái đang âu yếm cầm tay một cô gái xinh đẹp mặc chiếc áo dài màu tím nhạt, từ trong hẻm bước ra đường Lê Văn Duyệt!

Mặt nóng bừng lên, hai tay run rẩy, Mai nhắm mắt lấy lại bình tĩnh cho khỏi khuỵu xuống. Nhưng rồi cặp mắt của Mai tự động mở ra. Người Mai yêu vẫn đứng sát bên cô gái đó. Hình như hai người đang chờ một chiếc taxi. Phải chăng người đẹp này chính là “cô bé áo tím ngày xưa” mà có lần Thái đã nhắc qua?

Bỗng thấy cô gái kéo tay Thái đi về phía công trường Dân Chủ. Khi qua hai người đã đi một quãng, cô gái quay đầu nhìn lại. Cùng lúc đó một chiếc taxi trườn tới. Cô gái giơ tay vẫy cho xe dừng lại.

Thái nhanh nhẹn mở cửa xe rồi bước lên sau cô gái. Cánh cửa xe đóng lại. Taxi lao đi, để lại làn khói trắng. Mai đứng lặng theo dõi khung cảnh vừa qua như một khúc phim thời sự.

Mắt Mai mờ đi, có cái gì làm Mai cảm thấy nghẹn ngào. Rồi hình như sợ thiên hạ để ý, Mai lấy lại bình tĩnh, băng qua bên kia đường rồi đứng chờ xe. Nàng hy vọng giờ này cô bạn đi làm đã về.

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn