BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73421)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Vợ Lính

16 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1586)
Người Vợ Lính
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
( Tự Thuật )

Cuộc sống của gia đình em cũng giống như những gia đình Quân nhân khác mà thôi : bình dị và rất hạnh phúc mỗi khi ba em về phép. Lúc đó chúng em còn nhỏ, chỉ biết học hành, vui chơi một cách vô tư lự. Thế rồi vào một ngày mưa tháng bảy : 30/07/1967 cha đã tử trận. Chuỗi ngày hồn nhiên cũng vụt mất. Lúc đó dù mới 10 tuổi, em cũng đã phụ mẹ giặt quần áo cho các quân nhân của Quân Đội Hoa Kỳ ( lúc đó chỉ giặt tay thôi ) những khi rảnh rang không bận lo bài vỡ. Em học cấp 1 và cấp 2 ở nhà dòng SALESIEN của Ý ở Tam Hà, Thủ Đức. Năm nào em cũng được phần thưởng xuất sắc, nhất là Anh văn và Toán , ở nhà dòng em đã học hết EngLish for Today book five, nhờ vậy mà sau này em đi dậy kèm 2 môn này khi có người cần đến ( ở xứ mù thằng chột làm vua mà !).

Thủ Đức


Khi ở nhà dòng, em cũng thường viết báo cho nhà trường. Mới 12 tuổi em đã là thư ký cho tòa báo Trái Tim Đức Mẹ ở Tam Hà, Thủ Đức. Hết cấp 2, em thi vào trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Trong 2000 thí sinh, Trường chỉ lấy có 200, em đã thi đậu hạng 50 và vào theo học ban B.

Khi theo học lớp 10 và 11 ( 1973-1975 ) em đã lên thời khóa biểu cho những ngày trong tuần, riêng chiều thứ năm thì một mình đến cô nhi viện giúp cho các trẻ em mồ côi và tàn tật, may quần áo cho các em và nghe các em tâm sự, sau đó là chiều thứ Bảy đi Hướng Đạo Sinh Quân Đội đến chiều Chủ Nhật mới về. Khi đi sinh hoạt, em luôn mang theo sách vở để học.

Thời gian này là lúc em có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng lúc đó em chưa nghĩ gì, luôn luôn lo về tương lai là phải học và chỉ biết học mà thôi. Trong số những người để ý tới em có một anh Trung Úy ngành Quân Vận, nhà ở SàiGòn nhưng phục vụ tại ở một đơn vị nào đó ngoài Đà Nẵng. Anh ấy tên Trần Ngọc Tuấn. NOEL năm 1974, anh ấy đi xe Jeep đến chở chị em chúng em đi lễ và đi chơi, anh ấy có tặng em mấy câu thơ :

"...Anh đưa em quì dưới chân Chúa
Hai đứa cùng nguyện cầu
Cho đất nước thanh bình
Cho chúng mình yêu nhau ...


...Dù mai mỗi đứa mỗi phương trời ,
Đừng quên kỷ niệm những ngày bên nhau .


Lúc đó nói yêu chỉ là mơ mộng thôi ,chung quanh em biết bao chàng trai cùng xứ đạo . ( Đẹp thì không đẹp nhưng dễ thương )

Sau 30-04-1975, cả nhà phải đi kinh tế mới ( lúc này em mất liên lạc với anh Trung Úy Tuấn ) mẹ con em phải xuống Phước Lý, gần trại Quân Khuyển. Cả làng không ai có trình độ. em buộc phải làm thư ký cho xã Phước An, em hướng dẫn cho đám thanh thiếu niên làm những cây cầu cột dây (em biết việc này nhờ đi Hướng Đạo Quân Đội ) băng qua những con suối, lại có chàng trưởng xã tên Chín đen theo sát nút, em sợ phải bỏ về Tam Hà, bỏ mẹ và một đứa em trai thứ ba lại .

Về Tam Hà em phải nuôi 3 em nhỏ, em bắt đầu suy nghĩ và chập chững đi buôn thuốc nuôi heo và hàng khô từ Sài Gòn lên Bảo Lộc, rồi mua hàng rau, củ, trà, cà phê đem về Sài gòn cho mẹ bán.Trong lúc đi buôn, em có quen anh Sang và anh ấy đã giúp đỡ những việc nặng nhọc. Sau đó chúng em đã yêu nhau, quyết định cùng nhau tiến tới hôn nhân, hai bên gia đình đã đi lại với nhau vài tháng nữa là em lên xe hoa về nhà chồng .

Nhưng, một cái nhưng nó quyết định cả 1 đời người. Vào một buổi chiều định mệnh, em đang bỏ hàng ở Ngã bảy Lê Hồng Phong Q.10, và sau đó đang đi với mẹ lúc trời đã nhá nhem tối thì thấy anh Minh ( bị mù ) đứng ở cột điện ven đường. Đúng là định mệnh vì em đã đi qua rồi nhưng kéo mẹ quay trở lại hỏi anh Minh đi đâu để giúp đỡ. Anh Minh (chồng em ) buồn bã nói không biết đi đâu để kiếm sống. Anh tâm sự là mẹ anh ấy chết sớm, anh ấy đi lính BĐQ bị thương mù cả đôi mắt. Ngay khi cộng sản chiếm toàn Miền nam, cha anh ấy vì làm cho một tổ chức tình báo Mỹ, sợ bị tử hình nên đã đốt hết giấy tờ rồi uống thuốc tự sát. Căn nhà còn lại thì bị chú ruột và em ruột bán luôn. Nghe vây, mẹ con em cầm lòng không đậu nên đã dắt anh Minh về nhà và bắt đầu giúp đỡ anh ấy từ lúc đó,

Những ngày sau đó là khoảng thời gian anh Minh và em có nhiều dịp ngồi riêng với nhau và chuyện nhà cho nhau nghe. Khi biết ba em cũng là Tử sĩ gốc Thủy Quân Lục Chiến và nghe nói đến hoàn cảnh của cả nhà em từ dạo đó, thì anh Minh cũng cảm động lắm. Một hôm , anh kể hết cuộc đời của anh ấy cho em nghe nhất là dạo anh quyết đinh vào lính :



" ... Không phải tôi nông nỗi. Cũng không phải ta đây muốn làm anh hùng. Nhưng có một điều gì đó thôi thúc tôi mãnh liệt lắm. Không thể xác định được động cơ nào đã đưa tôi đến với binh chủng Biệt Động Quân. Nhưng có một điều tôi còn nhớ rất rõ là mỗi lần đi ngang qua Trạm Tuyển Mộ cùa Biệt Động Quân ở ngả Năm Bình Hòa là tôi không thể không dừng lại nhìn ông Sĩ Quan trưởng Trạm và vài người lính của ông. Trông họ " ngầu hầm " nhưng cũng thật " ngon lành " làm sao ! Và thế là tôi tình nguyện đầu quân để để sống hùng, sống mạnh như những người lính đồ bông lúc đó, đồng thời cũng là ước nguyện của tôi : chống cộng sản tới cùng ! Rất tiếc thời gian phục vụ của tôi trong Quân đội không có bao nhiêu. Chỉ chừng một năm thôi là tôi bị trọng thương trong một cuộc phản phục kích tại Bình Định. Qủa Bê ta nổ quá gần nên đã làm chấn thương đôi mắt của tôi. Nhãn cầu bị dập nát và cứ thế mà teo lần cho tới khi không còn gì trong hố mắt. Người ta nói cặp mắt là cửa sổ của linh hồn, nhưng với tôi đó cũng là sự sống. Cuộc đời những tưởng đã xuống tận cùng bằng số của khổ đau khi mà việc gì cũng phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân trong nhà. Nhưng khi chúng nó chiếm được Miền Nam và tống chúng tôi ra khỏi trung tâm hồi lực thì từ đó tôi lại thấy mình càng lún sâu hơn nữa trong cái ngập ngụa khốn nạn của cuộc đổi đời. Cha tự tử hồi 75. Mẹ cũng qua đời từ lâu. Những người thân cũng vì hoàn cảnh khốn cùng mà bán rẻ lương tri. Tôi trở thành một kẻ sống bên lề xã hội. Tứ cố vô thân. Nhưng may quá ! Trong lúc tuyệt vọng thì..."

 Nghe anh Minh kể mà em khóc lúc nào không hay (Em mắc cái bệnh một chiếc lá rơi cũng chạnh lòng ). Thế rồi có một lần nọ, sau khi chuyện trò, tâm sự, anh ấy chợt nói rằng " Loan ơi ! Cho anh xin một bờ vai nương tựa đi em !"

Nghe mà đứt ruột ! Trong tim em vừa đau xót, vừa thương cảm, để rồi tình yêu chợt đến lúc nào cũng chẳng hay. Chỉ biết là nó bắt đầu từ lúc em vừa thấy thương người Phế binh, vừa động lòng vì cảnh đời của một người Lính bây giờ đã mù lòa và không nơi nương tựa. Quyết định chọn đi theo tiếng con tim thật không phải dễ !

Bên kia thúc cưới, mẹ em cũng ngày đêm nói ra, nói vào. Em dùng dằng quanh quẩn, hoãn tới, hoãn lui mấy bận. Cuối cùng, em chính thức từ hôn với anh Sang. Thế là sóng gió bắt đầu ! Mẹ em chửi bới. Anh Sang tìm kiếm năn nỉ em. Em đành phải trốn tránh và biết mọi người cười chê coi rẻ mình, họ nói : " Nó đường đường cũng thể mà lại lấy một người mù ! " Nhưng riêng em , em hiểu anh Minh, em muốn hy sinh cho một người bơ vơ mọi mặt. Em không hối hận !

Khi rời gia đình,em trả lại tiền bạc cho mẹ và lấy anh Minh với hai bàn tay trắng cùng với sự ngây thơ trong trắng của một người con gái. Đó là của hồi môn của em khi bước chân vào đời. Em và anh Minh trở về Hố Nai, là quê của anh ấy. Lễ cưới được tổ chức vào một chiều mưa. Sau thánh lễ đơn sơ ở nhà thờ là vợ chồng quây quần với nhau. Không có tiệc Tân hôn. Không có đình đám chúc mừng. Không có ai khác ngoài chúng em với những lời an ủi chân thành dành cho nhau và một góc tạm gọi là tổ ấm trong căn nhà nhỏ bé trong xứ đạo.

Chúng em làm tất cả những gì có được trong khả năng để tạo dựng mái ấm gia đình, kể cả tập tành đi buôn trà trên lộ trình Sài Gòn - Bảo Lộc . Chúng em lăn lộn kiếm sống một thời gian thì em có mang cháu đầu lòng. Bụng càng ngày càng to nhưng em vẫn phải cùng với anh Minh " bụi đời " trên các đồn điền để tìm mua trà với giá rẻ mang về bán. Có khi chúng em phải vác trà lần mò tìm hướng ra Bảo Lộc và ngủ tạm trong một căn nhà sàn bỏ hoang giữa núi rừng. Bốn bề tối thui. Gió trên đèo rít nghe rợn cả người. Lúc đó em rất lạnh vì không có mền đắp mà trong bụng thì con đạp liên hồi. Vừa đói, lại vừa sợ ma nên trời chưa sáng là hai vợ chồng lại phải cùng nhau vác trà lội bộ xuống hết đèo rồi mới đón xe đi.

Có những lần đang đi trên xe nghe nói có trạm " đột xuất" là con buôn phải xuống giữa đường ( Vì đám công an kinh tế này không có nhân tính. Chúng nó bắt và tịch thu hàng họ một cách tận tình cho dù chỉ là một ký trà cỏn con ! ). Những lúc đó, hai vợ chồng phải vác trà băng rừng, vượt núi. Đi xa lắm! Em không rõ là bao nhiêu cây số, nhưng lần nào cũng phải lội cả ngày. Phải lên đèo, xuống suối, khổ sở vô cùng. Khổ vô cùng vì em mang bầu đói quá đi không nổi. May mà có những người đi rừng chia cho chút măng đã luộc chín để em vét những miếng cơm còn sót lại ăn rồi đi đến tối đêm ra khỏi rừng mà kiếm xe về. Cực khổ lắm mới có được chút đồng lời anh ơi !

Nhưng không phải chỉ có thế thôi đâu anh ! Lúc em mang bầu cháu Thạch là bắt đầu nếm mùi khổ ải trần thân hầu như liên tục. Ngoài những gì em kể ở trên thì một buổi tối nọ, hai vợ chồng em đang đi ngoài đường ở Bảo Lộc thì bị chúng nó hốt lên xe. Chúng nó bảo là đi buôn trà, dù không có gì trên tay thì nó vẫn có quyền bắt. Anh Minh bị nhốt nơi nào không biết, còn em thì bị nhốt ở một trại giam gần chợ Bảo Lộc. Chẳng có kết án, chẳng có phiên tòa gì cả. Đến khi thấy bụng em lớn quá, chúng nó mới chịu thả em ra.

Trong thời gian em bị nhốt thì có một người phụ nữ bị biệt giam rất kỹ. Đêm đêm tiếng hát của chị ấy lánh lót nghe đến rợn người, rồi còn tiếng ngâm thơ nữa ! Thật là ai oán ! Về sau chị ấy bị đem đi bắn. Nghe nói chị ấy bị bắt ở Quốc lộ 20 khi đang họp trong một căn nhà nào đó chồng chị ấy cũng là Sĩ Quan .

Mùa NOEL năm 1979 cả tuần không đón được xe mãi chiều 24 mới đón được xe ,cả đám tranh nhau lên chiếc xe hiệu Reo nhì chở cả 10 tấn mía ,cả đám ngồi chênh vênh trên cao mong về cho kịp đêm NOEL em mua về mấy bịch chuối khô, khi tới Định Quán trời đã nhá nhem tối nói với nhau hễ không về tới nhà thì lấy chuối khô ra mừng lễ, xe đang xuống dốc bất thình lình đảo qua đảo lại và lật luôn ,em bị chôn dưới đám mía em hét lên chồng em tuy không nhìn thấy nhưng nghe tiếng em đã cố moi được em ra, bể đầu máu ra quá nhiều và em không còn biết gì nữa cả khi mở mắt thì đã 2 tuần.

Còn cười ra nước mắt cũng một người mù có đứa bé khoảng 8 tuổi dắt cha đi buôn trà theo tụi em đi sau trạm mỏi chân và mệt nó dắt cha nó vào trạm ngồi nghỉ, cha nó nghe thấy tiếng quen quen hỏi nó : Con ơi ! Con nhớ coi chỗ này là chỗ nào ? thằng bé nói : Cha ơi ! Con không biết nhớ là gì ! Thật là cười ra nước mắt .

Sự sinh tồn của người dân VN sau 30/04/1975 phải nói là cuộc : Bể dâu mà đau đớn lòng .

Dù vật lộn để kiếm sống ,em phải tìm tòi và nói cách khác là khôn hơn và cũng phải dành những khoảnh khắc để đọc sách ,ôn bài để còn dậy cho cu Tèo bập bẹ nói những từ tiếng Anh với mẹ, lúc rảnh thì em thưởng cho mình những tác phẩm : Cuốn theo chiều gió, vườn tội lỗi, trinh thám của Magatachristy....và em mang hàng hóa từ Sài Gòn lên nhiều hơn, bỏ khắp chợ Bảo Lộc ,thậm chí trứng vịt em cũng buôn luôn nhưng riêng trứng vịt lộn thì không bao giờ vì em rất sợ máu và con vịt con trong trứng, và em đã cố mua được 1 căn nhà lá nhỏ 1,8m - 8m ở xứ Tân Chí Linh với giá vàng năm ấy là 1 cây 2 chỉ, tâm niệm trong lòng Chúa luôn quan phòng cho gia đình chúng em, Chúa ban cho em sự thông minh và nhanh nhẹn để em gánh vác cả 1 gia đình mà người chồng bị mù đôi khi em cảm thấy ngã quị thật sự, nhưng rồi lại phải tự đứng lên, nhớ lần đi sanh ban đêm em thường đi có một mình, vì anh Minh phải ở nhà coi con, một giỏ quần áo đồ dùng em xách không nổi lấy sợi dây cột và kéo lê trên đường lúc đó sợ tốn tiền nên toàn lết bộ đến nhà thương ( Nghĩ lại chắc lúc đó nhìn em buồn cười lắm thì phải).

Đau đớn hơn cả là đứa con đầu lòng còn năm ngày nữa là chào đời thì tối hôm ấy bóng điện nhà em thuê bị hư phải nhờ người hàng xóm tới sửa, không ngờ đến đêm sau thì chính hắn đã cắt khóa cửa vào nhà lấy trộm hết tiền bạc quần áo, kể cả tã lót xà bông, thau tắm của em bé hắn cũng không tha. Hai vợ chồng em chỉ còn mỗi đứa 1 bộ mặc trong người và một cái mùng duy nhất. Sáng hôm sau em đã phải bán cái mùng và đi lên Định Quán mua được 5kg đậu nành đem về Sài Gòn bán. Đi được đến ngày thứ 5 là ngày 13/09/1978, chúng em mua được 20kg, sắp sửa lên xe thì em đau bụng sanh con, phải xuống giữa đường ngay chỗ hòn đá chồng trông như Hiệp sĩ thời Trung cổ. Từ đó đi sâu vào trong, có một trạm xá hẻo lánh. Anh Minh phải đem đậu về Sàigòn bán, còn em ở lại chờ sanh.

Nhưng em rất đói và yếu sức nên không tài nào rặn được.. Thấy vậy, cô y tá tốt bụng mua cho em 1 ly sữa uống để lấy sức sanh con. Thêm một may mắn nữa là sản phụ nằm kế bên cho con em 2 cái tã và 2 cái áo. Con trai đầu lòng của em chào đời trong hoàn cảnh khốn cùng như vậy đó !

Em đã đặt tên cháu là Lê Hữu Thạch (Nghĩa là nơi đây có nhiều đá núi ), còn em chỉ có một bộ đồ trên người. Và vì đói lạnh nên em đã bị sốt mê man, còn cháu Thạch thì khóc cả đêm vì thiếu sữa. Hôm sau chồng em mới đem cơm và dầu lên cho em rồi cùng mang con về nhà.

Chúng em rời Hố Nai để mướn nhà trong khu làng đại học Thủ Đức. Thêm người là thêm gánh nặng nên anh Minh mua một số khoai mì để ở nhà rồi đi buôn " đường dài " ra tận Nha Trang bằng xe lửa. Mỗi lần đi là cả tháng mới về.

Không thể diễn tả cho thật chính xác cảnh khổ của mẹ con em lúc bấy giờ. Túng thiếu mọi bề, chồng đi biền biệt. Cơm gạo không có. Chỉ khoai mì luộc tán nhuyễn cho thêm chút nước cho con ăn cầm hơi. Chờ chồng mỏi mắt. Lo sợ đủ thứ. Anh ấy tật nguyền. Đi buôn chung với bạn và cũng là chiến hữu ngày xưa, nhưng mấy anh đó cũng đâu có lành lặn gì ! Toàn là Thương phế binh của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Túng quá, em có nghĩ tới mẹ ở Tam Hà. Chỉ cách nhà em hai cây số thôi nhưng em không dám tới nhờ vã mẹ. Còn mẹ thì vẫn giận em bỏ nhà, bỏ hết mọi thứ để theo anh Minh. Em hiểu tâm trạng của mẹ nên không buồn trách mẹ đã không ngó ngàng tới con cháu. Có người mẹ nào muốn con mình khổ đâu ! Nhưng có người mẹ nào lại không buồn bực khi con cái làm ngược lại ý muốn của mình cơ chứ ?!

Trong lúc tuyệt vọng thì em kêu cầu Chúa, và rồi có một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Thế là em lội bộ về Tam Hà, tìm nhà một người bạn gái rất thân tên Thiện ( bây giờ người bạn này đã qua đời vì một tai nạn ). Tới nơi, bạn em ân cần mời em bữa cơm và em mượn bạn em 2 lạng tơ sợi và 1 cây kim móc và một số tiền nhỏ. Thế rồi trong 2 ngày, em đã móc được 10 cái áo ngực tuyệt đẹp. làm xong 2 mẹ con em ra xe lửa đi Nha Trang tìm chồng em, em xin đi không mất tiền ( năm đó em mới 21 tuổi ) Trên xe lửa, khi lôi áo ngực ra bán, em rất ngượng nhưng em nói em cần tiền để đi tìm chồng, nên người ta mua hết. Nhờ vậy lúc này mẹ con em hết bị đói. Ra tới Nha trang, em vội đi tìm anh Minh ngay. Cũng chẳng khó khăn gì cho lắm vì em đã nhìn thấy anh ấy ở một góc nhà ga. Hỏi ra thì anh ấy mua gạo về Sài Gòn và bị tụi thuế vụ nó bắt và tịch thu tất cả mọi thứ hàng họ và tiến bạc mà chồng em có trên người.

Thế là gia đình em đành phải lưu lạc ở Nha trang, sống bằng cách đi bán quần áo cũ và ở tạm ngoài vĩa hè hay ngay trên hiên nhà của người ta. Mỗi ngày nghe con họ học bài, máu nghề nghiệp nổi lên nên em dậy kèm cho chúng, không lấy tiền. Nhưng dân mình, nhất là ngoài miền trung, họ giàu tình cảm lắm, nên giúp chúng em nhiều việc không nào quên được, chẳng hạn như lúc cháu Thạch bị bệnh nặng. Hai bọng đìu nó cứ sưng to lên. Nhà thương trị không hết, chúng em lại phải ra Tuy Hòa, vào Củng Sơn, là một miền núi có sông Krong Ba tìm thầy thuốc Nam trị cho cháu. Thời gian ở đây em lại đi dậy học. " Trong xứ mù, thằng chột làm vua " phải không anh ? Miếng ăn của cả nhà có dân quê lo hết, lúc đó gia đình em thật hạnh phúc.

Muà Hè năm đó nhớ mẹ quá, sẵn dành dum được chút tiền, chúng em lại về Sàigòn với ý định thăm mẹ rồi tìm cách để anh Minh làm một công việc gì đó. Còn em thì hy vọng xin được một chân giáo viên vì lúc đó nghề giáo rất đang cần người. Nhưng khi về đến nơi thì em lại không dám đến thăm mẹ tuy trong lòng rất nhớ. Rốt cuộc chúng em chẳng biết làm gì. Bấy giờ cháu Thạch (Em gọi yêu là thằng cu Tèo ) đã 2 tuổi, lại thêm một đứa nữa đang tượng hình trong bụng nên chúng em quyết định thuê một xó nhà ở khu Ông Tạ rồi lại đi buôn tiếp.

Sài Gòn - 1980


Lên tới Bảo Lộc thì nhà anh TPB cũ lúc trước không còn nữa, anh chị ấy đã đi Pháp lâu rồi. Cuối cùng em giao thiệp và bắt đầu làm ăn bằng cách lấy hàng tại nhà một người góa vợ để mang đi bán. Cứ thế mà lên xuống Bảo Lộc rất thường xuyên, khi đói, khi no rất bất chợt. Cuộc sống thật vất vả vì phải băng rừng, lội suối để kiếm được đồng lời xương máu. Cứ thế mà lây lất sống trong cái xó bếp mướn của người ta để mà có chỗ trú ngụ..

Khi thằng bé thứ hai ra đời thì chỉ đúng 3 ngày sau là em phải bồng con đi buôn, thằng Tèo lớn em gởi ở nhà sour nhà thờ Đồng Tiến Q.10 để rành tay đi buôn ,thời gian này em chỉ có 35 kg và lúc nào cũng hồi hộp và quá lo sợ cho cuộc sống bấp bênh của mình và gia đình. Rồi một ngày nọ chúng em bị công an kinh tế chận bắt và tịch thu hết mọi thứ, mất sạch cả vốn liếng nên khi lên tới Bảo Lộc, em chỉ biết ngồi khóc ròng ở ngoài hiên nhà tên đầu nậu, chủ nhân của những hàng họ mà chúng em vay mượn để đi buôn vì không biết lấy đâu ra tiền để mua hàng đền lại cho hắn ta. Sau đó hắn kêu hai vợ chồng em lại rồi nói là cho thiếu một chuyến hàng, Chúng em vui mừng khôn tả nhưng xui rủi chất chồng, họa vô đơn chí. Chuyến hàng hôm đó cũng bị mất gần hết vào tay thuế vụ ngay lúc tới nút chặn ở Ma Đa Gui. Cũng may là chúng em giấu được một ít nên em để anh Minh về Sàigòn một mình, còn em thì quay lại Bảo Lộc để chờ chồng em ngày hôm sau sẽ quay trở lên. Khi em trở lại nhà tên chủ hàng thì trời đã tối. Em mệt lã người, bước đi không nổi nhưng cũng ráng sức lên con dốc dài nhà hắn. Thấy em trở lại là hắn biết em đã mất sạch hàng. Em sợ hắn hỏi tiền nên chẳng nói câu nào, chỉ lủi thủi xuống bếp rót ly nước trà nóng uống vì nơi đây rất lạnh. Em biết mình sẽ là món mồi ngon cho con hổ đói, nhưng đất lạ, người dưng, không nơi nào dung thân nên em đành liều nán lại nhà tên chủ. Phải đành cắn răng chịu đựng vì em không còn cách nào khác vì còn ai để nhờ vả. Em đã là con nợ. Hoàn toàn lệ thuộc vào hắn. Thì thôi cũng đành ! Từ từ kiếm cách vay mượn ở nơi khác rồi hẵn hay. Cuộc đời của em sao mà khổ ải triền miên. Cả thoáng hạnh phúc bên cạnh chồng con cũng thật hiếm hoi làm sao !

Sau đó thì em đi buôn một mình, đổi hướng ra ngoài miền Trung, mang các loại dép và thuốc lá từ SG ra các chợ Nha Trang, Diêu Trì, Qui Nhơn, Quảng Ngãi bán rồi mua lông vịt mang về. Có lần đi ngang qua môt cái hố, em thấy có nhiều lông vịt họ bỏ, nên em nhảy xuống hốt hết. Nhiều người đi ngang nhìn thấy chắc họ nghĩ là em bị khùng, nhưng họ đâu có biết mặt hàng tầm thường này rất đắt tiền.. Chịu cực một chút mà có tiền lắm anh !

Nói đến chuyện chịu cực khổ, em nhớ tới lần đón xe từ ngoài Trung về Sàigòn. Xe đi đến Tam Hiệp, Biên Hòa thì đã 1h đêm. Đường vắng nên có một chiếc xe đang bị cướp bắt dừng lại, hàng hóa đang bị dỡ xuống.Chuyến xe em đang đi trờ tới thì tụi cướp ra chặn lại. Tài xế nhấp thắng như thể chạy chậm lại trước khi dừng hẳn, Nhưng thay vì dừng lại thì tài xế rồ ga chạy luôn. Có một chiếc xe phía sau thấy thế cũng phóng theo. Nhưng xui cho họ là bọn cướp bắn theo chiếc xe đó làm cho hai người ngồi ở băng ghế sau cùng bị thiệt mang.

Thoát được lần đó, em bắt đầu " lạnh cẳng " nên quyết định nghỉ đi buôn tuyến đường dài tận miền Trung, để chuyển sang buôn bán lẻ. Thế là em ra ngoài rạp hát Đại Lợi bày tủ bán thuốc lá. Lại phải đương đầu với bọn giang hồ tứ chiếng vốn hay chèn ép những người cô thế. Để được yên thân kiếm chút đỉnh cháo cơm, mỗi ngày em phải quyét dọn cả một khoảng sân rộng thì tụi nó mới cho bày hàng buôn bán. Lúc này cu Tèo ( cháu Thạch ) nhà em đã được10 tuổi, đã biết phụ việc cho mẹ nên em cũng đỡ tay, đỡ chân lắm. Một thời gian sau thì em quen dần với bọn nó, rồi thêm một thời gian nữa thì em buôn may bán đắt cuối cùng bán không thua gì bọn nó. Nhờ vậy mà lo cho cả nhà cái ăn, cái ở. Chúng em ký cóp được chút đỉnh đủ để lợp được mái nhà bằng tôn, rồi mua được một chiếc tu vi nho nhỏ cho có với người ta.

Cuộc sống vật tuy tạm ổn nhưng về mặt tinh thần thì căng thẳng đến nhức đầu. Chả là bọn thương binh bộ đội tối tối cứ đến quấy nhiễu để lấy đồ. Chúng nó chẳng phá ai, mà cứ nhè hàng họ của em mà lấy. Chúng nó biết em có chồng bị mù, chỉ loay hoay trong nhà . Còn em thì một thân, một mình, lo tảo tần mọi việc bên ngoài. Sau mấy lần bị chèn ép, em tức quá làm liều bằng cách đi mượn cây côn nhị khúc về nhà âm thầm khổ luyện rồi luôn thủ sẵn trong người. Chúng nó không thể ngờ em liều mạng như vậy, cho nên vào một buổi tối, như thường lệ, chúng nó sai một thằng đàn em tới quầy hàng của em đòi tiền mãi lộ. Thằng này què chân, nhưng ỷ lại vào băng của nó chống lưng, nên cứ nghênh ngang miệng nói, tay hôi của. Lúc đầu em sợ lắm, nhưng khi nghĩ tới hoàn cảnh gia đình và nhất là tới các con nên em điên lên rút nhị khúc đánh cho thằng đó lết luôn. Cả sân rạp hát trố mắt nhìn em, vừa ngạc nhiên vừa nể phục. Họ không ngờ em dám như thế, ( Bề ngoài làm bộ như thế chứ trong lòng sợ lắm).

Anh thấy rồi đó ! Em lăn lộn với cuộc sống trong vô vàn khó nhọc. Em vừa làm mẹ, vừa làm cha để quán xuyến mọi việc trong, ngoài. Việc dạy dỗ con cái cũng trần ai không kém ! Cu Tèo ra phụ mẹ mỗi ngày nên cháu học bài ngay ngoài đường. Và em thì vừa buôn bán, vừa xem xét bài vở, và dạy luôn cho cháu. Có bữa nó lỳ không chịu , làm em hăm he đủ điều, kể cả nếu không thuộc bài thì cả mẹ lẫn con phải ngủ ngoài đường. Cuối cùng thì nó cũng nghe lời em. Nghĩ cũng tội cho nó vì nhiều khi nó xớ rớ với em đến tận nửa đêm, và chờ đến sau khi rạp hát vãn xuất cuối mới lẹt đẹt theo em về nhà.

Đời cứ thế dần trôi. Người cũng dần dà thích ứng với hoàn cảnh. Mà hoàn cảnh sau đó là vợ chồng em có đến bốn đứa con. Thêm miệng ăn thì thêm tốn kém. Vì thế em nghĩ ra cách bán mặt hàng nào để được lâu,không thiu, không thối thì may ra có ăn hơn. Và rồi em mua một chỗ bán trà tàu (tự xao chế ), cà phê, nhang đèn, bánh kẹo. Nhờ chịu khó, chịu cực nên dần dà đâu cũng vào đó mặc dùlo cho 4 đứa con một lúc quả là trần thân. Chỉ nội bài vở của chúng nó thôi là đủ quay cuồng, mệt mỏi cùng cực. Nhưng em cũng sắp xếp cho gia đình vào nề nếp như mọi người. Và sinh nhật đứa nào em cũng tổ chức trong nhà cho mấy đứa vui chung. Về sau rạp hát Đại Lợi đóng cửa, nhưng may thay, em đã có sẵn một gian hàng nho nhỏ bên chợ Phạm văn Hai nên cũng đắp đỗi qua ngày. Các cháu được học hành đàng hoàng. Riêng Tèo đã lớn biết phụ mẹ chở len ( Đi bằng xe đạp ) về cho mẹ đan, móc thành áo để mang đi bán. Khi mưa to, gió lớn, nhà lợp vách lá nên bị tạt cả nhà không có chỗ ngủ, Tèo hiểu chuyện nên nó nói: con với mẹ cố gắng để có nhà lớn nhé mẹ. Và sau đó cũng giống như mẹ trước đây.

Cháu nó làm đủ thứ công việc, từ kéo xe ở chợ, đến phụ nhà hàng bưng, dọn. Cháu ham học và cầu tiến nên xin coi sóc phòng vi tính tư nhân, nhờ vậy cháu có cơ hội học ( miễn phí ) cách xử dụng máy vi tính. Từ bé cháu vốn siêng năng học hành, lại có khiếu sinh ngữ ( chắc giống mẹ ! ) nên từ lớp 10 là cháu đã thích lên phố " Tây " để nói chuyện với người nước ngoài. Từ đó nó khá dần về mặt sinh ngữ. Năm 1997 cháu Thạch được học bổng du học bên Mỹ ( Tiểu bang nào em không nhớ ) Người ta người ta đài thọ 70%, nhưng còn 30% chúng em chạy tiền không nổi nên cháu không đi được qua Mỹ. Ôi ! Đâu cũng là số mệnh!

Lúc trước ướp trà bán rất đắt hàng còn làm trang trí áo len ( Thêu và móc làm cho áo thêm đẹp ) cho các xí nghiệp và chợ Bến Thành không đủ giao, ngày đêm không dám ngủ vì thời giờ là vàng bạc em dành dụm mua ngay miếng đất hiện đang ở ,lúc đó anh Minh ở nhà lo coi sóc các con và phụ em sấy trà .Về sau ở chợ người ta ra hàng trà nhiều và trà hiệu Tiến Đạt ra em thấy không cạnh tranh lại và thuế bắt đầu lên , em lại phải xoay suy nghĩ bán món gì vốn ít mà lời nhiều nên em lại ra xe sữa đậu nành ,đậu xanh , đậu phộn , cà phê , đem ra chợ bán cho các lái buôn heo mỗi đêm. Thế là vợ chồng em lại tìm tòi cách nấu sao cho ngon và có chất lượng. Cuối cùng em nấu đã thành công, nhưng bán chưa đắt hàng vì chợ heo 3h đêm mới họp mà em đã phải bán từ 10h tối.

Có một việc lạ lùng đã xảy ra với em : ngôi chợ em bán lúc xưa là nghĩa địa, ai bốc cốt thì bốc ,còn không là tụi nó ủi luôn để sang thành mặt bằng và sau đó thành khu chợ. Có lẽ vì vậy mà cả năm em bán rất ế ẩm. Một đêm nọ, trời đổ mưa, chỉ có mình em ngồi với cây dù, không người qua lại, bỗng một bóng đen to lớn đứng trước xe sữa của em. Sợ quá, em phát run như trúng kinh phong. Lại thấy bóng đen vòng qua sau lưng làm em lạnh toát cả lưng rồi bật khóc nức nở và sau đó thì đọc kinh và lần hạt cầu cho các linh hồn liền miệng... Hôm sau về em xin lễ cầu cho các linh hồn. Khoảng tháng sau em lại gặp ma, nhưng lần này là bóng trắng chứ không phải bóng đen nên em bớt sợ nhiều lắm.

Rồi lại thêm một lần gặp ma nữa. Lần đó cũng là một đêm mưa, lại có bóng đàn bà và con nít ve vẩy nón tiến tới chỡ có xe sữa của em. Sợ lắm ! Nhưng vẫn đứng đó đọc kinh và nói với họ đừng làm hại em mà hãy giúp cho em nuôi được chồng con. Cứ vậy mà ngày nào cũng đọc kinh rồi xin lễ cho họ. Sau đó thì bỗng dưng em bán rất đắt hàng, đắt đến nỗi thấy khách là sợ vì làm không kịp, và em đã nghỉ dậy học, nghỉ làm len, nghỉ bán trà luôn .Khi con đã lớn, em bán căn nhà nhỏ về An Phú Đông xây nhà ( năm 2000 ). Hai vợ chồng tự thiết kế và tự chạy vật liệu. Xây xong là hết tiền nhưng bù lại thì có được căn nhà rộng rãi như hằng mơ ước và đồ đạc cũng tương đối đầy đủ.

Thế nhưng chuyện đời thật đúng là khó lường ! Em lại bị bệnh tim hành hạ rất khổ sở. Có đêm xỉu lên xỉu xuống mấy lần. Đã vậy từ nhà đi tới chỗ bán sữa xa đến cả 13 km nên thật là vất vả làm sao! Có lẽ Chúa muốn thử thách em anh à! Cho nên có lần nọ, khi bưng sữa qua bên kia đường cho khách thì bị một thiếu niên khoảng 16 tuổi chạy xe đụng vào chân phải tốn tiền đi hút máu bầm và chạy điện một thời gian mới đi lại được. Thằng nhóc đó đúng là sản phẩm của một nền giáo dục thối nát và là bộ mặt thật của một xã hội suy đồi đến mức, anh biết không, nó đụng em té quị xuống đường, chẳng những không có một chút thương xót hay hối lỗi mà còn quát vào mặt em " Bà có tin là tôi mua đứt mạng của bà không ? Họa vô đơn chí anh ạ! Vì sau đó là cháu Thạch đi làm cũng bị xe đụng hai lần. Lần đầu bị chấn thương sọ não, lần thứ nhì thì gãy cả tay chân. Phải nằm liệt cả năm với ốc, vít bắt đầy trong người. Bây giờ thì cháu nó lại bị suy thận . Ngần ấy thứ đủ làm em suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất, nhưng đang cố gượng để chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ thì đứa con thứ nhì làm em buồn quá đổi. Nó cưới vợ mới được hai năm thì vợ chồng nó ly dị, đường ai nấy đi còn con thì bỏ cho ông bà nội nuôi. Khi còn trẻ thì không sao, bây gờ đã lớn tuổi, lại thêm mang bệnh trong người nên em cứ bị làm mệt hoài. Nhưng dù mệt thì cũng phải ráng mưu sinh qua ngày. Mình khổ, còn có người khổ hơn anh ạ ! Vì thế em và anh Minh lại cưu mang thêm một cháu bé mồ côi, trạc tuổi cháu nội của chúng em. Chỉ tại thấy người khổ quá nên cầm lòng không đậu mà ôm thêm thánh giá. Nhưng đến lúc cháu Thạch qua đời thì em hoàn toàn kiệt sức vì đã ngày đêm chạy tiền lo cho cháu lọc thận liên tục. Khi nhà cạn tiền thì cũng vừa lúc cháu ra đi. Suốt nửa năm trời sau đó em sống như một bà điên, chẳng làm lụng gì được mà nhà cửa thì cũng chẳng còn gì quý giá để bán mà ăn. Không có đứa con nào ở bên cạnh, bản thân cũng không còn trẻ và mạnh khỏe để bương chải, nên em phải cắn răng để anh Minh ra bán vé số hơn một năm qua.

Trong thời gian đó em có muốn làm cái gì cũng không được vì việc học của các cháu. Chúng nó còn nhỏ, bằng mọi giá em cũng phải lo cho chúng ăn học cho đến khi nào không còn đủ sức hay phương tiện mới thôi. Không dấu anh, hiện giờ cứ 3h45 sáng là em đi xe máy xuống khu vực Cát Lái và Thủ Đức để lau các quầy ATM, mỗi tháng được 60 US, vừa đủ để lo miếng ăn hằng ngày, chứ còn trước đây thì em kiệt lực, hằng ngày chỉ làm được mỗi một việc là bếp núc rồi chăm sóc cho các ông cháu để tối đến chở anh Minh và đứa cháu nội đi bán vé số, còn đứa cháu nuôi thì theo am về nhà. Tới giờ hẹn thì lại chở nó đi đón hai ông cháu anh Minh về. Đi bán vé số thì không thu nhập bao nhiêu đâu anh ơi ! Bữa đực, bữa cái rất chật vật mà nhiều khi còn bị kẻ xấu lường gạt nữa! Ngày nào cũng rời nhà buổi tối để rồi chỉ trở về sau nửa đêm. Không chịu cực không được vì con nít bây giờ đi học cũng phải đóng học phí nên đầu niên học là chúng em chật vật vô cùng ! Em cũng không màng nặng nhọc đâu anh ! Mình học ít, đã nếm đủ cơ cầu, nên em cố gắng cho hai đứa cháu học hành đàng hoàng. Ban ngày em lo cho các cháu đi học, chiều về em bắt chúng học bài, làm bài xong rồi mới theo ông đi bán vé số. Chỉ tội cho cháu em phải theo anh Minh ngày này qua ngày nọ thật là thương hết sức. Mà không theo anh ấy không được vì cần phải có một đôi mắt sáng để dẫn đường và nhận tiền thối tiền... Cứ thế mà sống tạm qua ngày, sống không có ngày mai. Cho đến một hôm gần đây, anh Minh gặp nạn.

Đám công an vốn đã không ưa những người có gốc lính của thời trước 75, Thương phế binh như anh Minh cũng không ngoại lệ, mà chồng em thì bất cần đời, cứ chưởi bới chế độ tưng bừng nên đám công an hậm hực lắm. Cho đến cái ngày định mệnh đó. Ngày Chúa chọn cho anh Minh chịu lụy và bị chúng nó kiếm chuyện đánh anh ấy rất nặng. Chúng nó biết là hai ông cháu ,nhưng vẫn già họng cho là chồng em ép buộc rồi bóc lột sức lao động của trẻ em để kiếm tiền. Chỉ cần có vậy thôi là anh Minh xùng lên to tiếng quát tháo, và cũng chỉ cần có vậy thôi là chúng nó xúm vào đánh anh ấy khi anh chống cự lại, không chịu theo đám công an đó về nơi làm việc của chúng. Trong cái rủi có cái may, mà hình như cũng là ý Chúa sắp đặt nên ngay sau khi xô xát xảy ra, và khi biết anh Minh là dân Biệt Động Quân trước đây thì có một anh gốc sĩ quan nhảy dù tên là Phát hỏi an, an ủi và cho biết là anh ấy có bạn cùng khóa đi BĐQ, anh ấy hứa sẽ chuyển tin của chúng em tin cho dân Mũ Nâu biết. Và rồi chuyện sau đó thì tạ ơn Chúa ! Nhờ có anh tận tình kêu gọi những xếp cũ của anh Minh góp sức nên bây giờ anh Minh đã nghỉ bán vé số. Các cháu có được vài bộ quần áo mới mặc vào dịp Tết vừa qua. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của chúng em rồi đó phải không anh ?! Lời tri ân không thể không nói ( Cho dù các anh bất cầu báo) nhưng khi nhìn thấy anh Minh an lành loay hoay trong nhà và các cháu có được khoảng thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và học hành thì em thật sự cảm động vô cùng. Em phó thác mọi chuyện vào thánh ý Chúa. Ngài đã nhậm lời. Và với Đức Mẹ thì lúc nào em cũng : ... " Xin vâng ! Mẹ dạy con 2 tiếng xin vâng, hôm qua hôm nay và suốt đời."

Đỗ Kim Loan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn