BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73421)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trăng tan trên sông núi

07 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 1347)
Trăng tan trên sông núi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73
Hình ảnh trăng treo đầu súng quả là đẹp đến không thể tả được, nếu quý vị không là lính biên phòng. Phải có thời gian đi hành quân ở núi rừng, đóng chốt tại những tiền đồn biên giới, mà thuở xa xưa, thời vua chúa phong kiến, những người lính được cử, hay bị đày đi “trấn thủ lưu đồn” mới cảm khái nỗi lòng chan chứa: vừa nhớ thương gia đình ở hậu phương, vừa lo chuẩn bị chiến đấu, kích giặc bất ngờ, và vừa rung động trước thiên nhiên cẩm tú bao la khi bình minh ló rạng, lúc hoàng hôn tắt nắng, và nhất là ánh trăng đang tan trên sông núi, tưởng như vầng trăng “ai” treo trên đầu súng, ỡm ờ, lãng mạn đến tuyệt vời.

“Trăng Treo Đầu Súng”, vâng chính là tên một tập thơ đã đi sâu, đi sát vào tâm hồn chiến binh Việt Nam Cộng Hòa từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tác giả là nhà thơ Tường Linh, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chẳng cần nhờ ai đánh bóng, đã tự xếp chỗ ngồi cho mình nơi một chiếu thơ rực rỡ, chan hòa chất lính.

Hôm nay, tôi xin mạn phép quý vị huynh đệ chi binh QLVNCH, và độc giả đã từng đọc thơ Tường Linh trước 30 tháng 4, 1975, giới thiệu về hiện tượng Tường Linh trên hành trình thơ của ông, khi tôi vô tình được bạn thơ gởi đến cùng với số thơ khác, của các tác giả khác, 2 bài hành gần như xướng họa của thi sĩ Tường Linh, hiện còn tự lưu lạc trên quê hương, và nhà thơ trẻ thường sáng tác thơ Đường luật, hiện tị nạn ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ theo diện HO, đến Mỹ theo diện sĩ quan đi tù cải tạo về, được chính phủ Hoa Kỳ cho... tái định cư ở xứ sở USA tự do.



Tại sao tôi phải dài dòng giới thiệu về 2 tác giả của 2 bài hành đan cử sau đây, lý do mà rất nhiều quý vị trong và ngoài quân đội VNCH đều hơn một lần biết rằng vào khoảng mấy năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, sau hai cuộc hành quân lớn cấp lộ quân, tức là rất hiện đại, của VNCH, là Hành Quân Lam Sơn 719 vào mùa Xuân 1971 ở đường 9 VN qua Nam Lào, và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tái chiếm cổ thành Quảng Trị, thì cơ quan tình báo từ Cục An Ninh Quân Đội và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phát giác ra một toán Trí Vận, mà hai nhân vật văn nghệ sĩ quân đội khá tên tuổi là Thượng Sĩ Lưu Nghi (đã xuất bản 2 tập tiểu thuyết) và nhà thơ Trung Sĩ Tường Linh, tác giả tập thơ “Trăng Treo Đầu Súng” đương nêu, dẫn đầu danh sách toán Trí Vận, để hỗ trợ cho “Phong Trào Hòa Bình Dân Tộc,” lung lạc các văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam, mở đường cho... “hòa bình hậu chiến.” Khi toán Trí Vận bị phát giác, tất nhiên tiếp theo là công việc của Cục An Ninh Quân Đội QLVNCH, không phải vấn đề thi ca thuần túy hôm nay tôi sắp đề cập tới.

Số là sau ngày 30 tháng 4, 1975, hai nhân viên thuộc Cục Tâm Lý Chiến có được chính quyền “mới” đãi ngộ không, lại cũng không thuộc chuyện kể của tôi. Nhưng dường như sau một thời gian ví như nhuốm mùi gian khổ của cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, thì riêng nhà thơ Tâm Lý Chiến VNCH xưa đã quá ngán ngẩm, ông làm một bài thơ thổ lộ nỗi lòng: “Một Vầng Trăng Khác.” Những ngày tôi chưa qua Mỹ, tôi được nhà thơ Hoàng Vũ, thuộc giới thơ Đường luật cho đọc, tôi bèn... chia sẻ nỗi buồn khó nói của thi sĩ Tường Linh, mới viết bài có câu:

Một vầng trăng khác, nghĩa là sao
Trăng đỏ hay chưa đủ sắc đào


(Cao Mỵ Nhân)

Ý nói hoàn cảnh ông lúc đó như vầng trăng “chưa đủ sắc đào,” vì ông vốn người miền Nam.
Đã tàm tạm việc giới thiệu sơ sài về thi sĩ Tường Linh trong cái bối cảnh lịch sử quanh mốc 30 tháng 4, 1975. Nay trở lại chuyện 2 bài hành:

“Hành Tuổi Sáu Mươi” của Tường Linh và “Bài Mừng Tuổi Muộn” của Nguyễn Kinh Bắc.

Vượt cuộc nhân sinh quá nửa đường
Sáu mươi năm chẵn, góc chiều thương
Rượu bầy ước lệ mời thơ lại
Gia Định giờ thêm ý cố hương

(Tường Linh)

Sau mấy năm theo... giải phóng (!), chẳng có gì hơn ngoài thơ với rượu, và nơi ở Gia Định giờ ẩn ức nghĩa “cố hương.” Tất nhiên rồi, vì Gia Định xưa đã trở thành quận Bình Thạnh nay, mà căn nhà ông đã và đang cư ngụ cùng vợ con, là một ngôi nhà lai kiểu biệt thự, ở đầu đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.

Nguyễn Kinh Bắc họa... hành như vầy:

“Một mai dù gục ở bên đường”
Thơ viết ngày nào gợi mến thương
Mấy chục năm vèo trong chớp mắt
Người còn phiêu bạt giữa quê hương

(Nguyễn Kinh Bắc)

Ngay câu mở đầu, Kinh Bắc đã dùng ý của chính nhà thơ Tường Linh xưa, trong tập thơ “Trăng Treo Đầu Súng” thuở Việt Nam Cộng Hòa:

Một mai dù gục bên đường
Đời sau sẽ rước nắm xương khải hoàn

(Tường Linh)

Vui vẻ chi, ngày mừng hoa giáp (tuổi 60), Tường Linh ví như ngựa khớp cương, mặc dầu nhà thơ Tường Linh chỉ làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, chẳng hề đi tác chiến, mà cũng cảm khái tinh thần chiến sĩ rong ruổi ngựa hồng, hay xích thố, lỡ thất trận thì da ngựa bọc thây:

Vui vẻ chi ngày ngựa khớp cương
Nhập thế chỉ đau cùng cõi thế...

(Tường Linh)

Chiến mã bên trời lạc mất cương
Nay lắng hồn thơ trong phẫn hận...

(Nguyễn Kinh Bắc)

Với 60 câu thơ 7 chữ, đủ tạo nên một bài hành vừa phải để diễn tả tâm sự mình, nhà thơ Tường Linh chắc cũng thấp thoáng tư tưởng hoài Lê, vọng Nguyễn. Như cụ Tố Như xưa thì nhất định là hoài Lê (triều Lê) mới dựng nên một Từ Hải được chiêu dụ trở về phò Nguyễn (triều Nguyễn) để rồi “hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu.” Còn Tường Linh buổi đầu muốn phò Nguyễn, nên mới thực hiện công tác Trí Vận, nay thì vỡ lẽ ra, biết ngỏ cùng ai mối tơ vò chín khúc, buồn ơi:

Hồ trường ai nỡ chiêu bằng hữu
Ai nỡ chia sầu đến mấy phương...

(Tường Linh)

Vâng là thế, nhưng Nguyễn Kinh Bắc, thế hệ sau nhà thơ Tường Linh, ông sĩ quan cấp úy này vô lính vì lý tưởng Quốc Gia, nên khẳng định ngay:

Canh trường độc ẩm riêng ai nhỉ
Bằng hữu chia lìa khắp bốn phương...

(Nguyễn Kinh Bắc)

Bởi vì sau cuộc đổi đời 30 tháng 4, 1975, quân đội miền Nam đã bị bức tử, tan hàng, nên chi mỗi huynh đệ chi binh lạc lõng một nơi, thành ai sầu hận cũng đành... độc ẩm thôi. Và, thái độ chống đối đẹp nhất, theo tôi, vẫn là thơ.

Nhà thơ Tường Linh thuở làm thơ phong độ nhất hay nói một cách khác, thuở làm thơ trẻ trung là người viết khiêm tốn nhất, hòa hoãn nhất, dù hình ảnh “trăng treo đầu súng” thật lãng mạn, trữ tình, khác với những người lính anh hùng bạt mạng, nên bây giờ ông càng thu mình vào cõi riêng, nhất là các bạn cùng thời Trí Vận đã lần lượt... vỡ mộng hòa bình, riêng nhà văn Lưu Nghi sau này qua đời vì già, bịnh, còn tất cả đã thất tung, thất tán. Thi sĩ Tường Linh đành thúc thủ tuổi lão niên một cách vô thường:

Lặng lẽ một đời, thêm lặng lẽ
Không cần nhìn lại bóng trong gương
Cũng thừa biết tóc tiêu pha muối
Mắt vẫn đăm chiêu nỗi thế thường...

(Tường Linh)

Nguyễn Kinh Bắc chạnh nhớ thời dĩ vãng xa xưa, nhà thơ Tường Linh tặng thân phụ Kinh Bắc tập thơ “Trăng Treo Đầu Súng,” lúc Kinh Bắc mới 12 tuổi, cũng là tập thơ đầu tiên Kinh Bắc được đọc, nên dù hậu sinh, nay thi sĩ Tường Linh đã ở tuổi lão bá (82 tuổi), và Kinh Bắc đã vòng quanh hoa giáp, nên cậu ta chép miệng, viết:

Tâm sự gửi đâu, này giấy bút
Chong đèn, đối bóng đã nhòa gương
Nhân sinh chỉ một tuồng dâu bể
Thành, bại, hơn, thua ấy lẽ thường...

(Nguyễn Kinh Bắc)

Nghĩa là Kinh Bắc so với tuổi lão lai của nhà thơ Tường Linh, còn cách biệt xa, nhưng dù thế hệ trẻ, vẫn có thể nhận định cuộc đời bất như ý là lẽ thường, thì thôi nhà thơ hãy tâm sự cùng giấy bút là vô tư, thoải mái vậy.

Tiếp theo, nhà thơ Tường Linh lý giải thuyết “tài mệnh tương đố,” và cũng như quý vị văn nhân, thi sĩ khác, là ví giống như cuộc đời Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du, “Thơ thánh không lùi được nhiễu nhương”!

Đoạn này trong “Bài Mừng Tuổi Muộn” của Nguyễn Kinh Bắc lại bày tỏ sĩ khí nhiệt tình của một kẻ sĩ nói chung, và một quân nhân VNCH nói riêng, rằng:

Nay tuổi đã già như bóng xế
Con đường trước mặt vẫn mù sương
Con đường trước mặt còn gai góc
Dù chẳng binh đao cũng chiến trường
Dĩ vãng qua rồi khôn níu lại
Cây đời mai sẽ trổ mầm ương
Muôn thuở anh hùng đâu thiếu nhỉ
Bao giờ tái hiện bóng Long Nhương

(Nguyễn Kinh Bắc)

Cũng vần “nhương” của nhà thơ Tường Linh, “nhiễu nhương” quả là tử vận, nhưng Kinh Bắc đã mượn tước hiệu của anh hùng Nguyễn Huệ, sau là vua Quang Trung, có tước hiệu Long Nhương Tướng Quân thì thật bất ngờ và khéo chọn từ “nhương” nếu không muốn nhắc lại 2 chữ “nhiễu nhương” của bài xướng.

Thế rồi thì, nhà thơ đành trở về thực tế, là người vợ tròn nghĩa tao khang, đã cùng ông thi sĩ Tường Linh trôi nổi trong cuộc đời phức tạp:

Chén nữa ta mời em uống cạn
Rượu tình cất bởi nước sông Tương...


(Tường Linh)

Đây một bài thơ mừng tuổi muộn
Thay lời như một chén Quỳnh Tương

(Nguyễn Kinh Bắc)

Cả hai bài “Hành Tuổi Sáu Mươi” của thi sĩ Tường Linh (viết năm 1991) và “Bài Mừng Tuổi Muộn” của thi sĩ Nguyễn Kinh Bắc (họa vần ngày 12 tháng 5, 2013) đều có những lời hay, ý đẹp. Phàm một bài Hành phải biểu lộ được ý đẹp, và nhất là lời lẽ bay bướm, kiểu “Tống Biệt Hành” của thi sĩ Thâm Tâm, là hết có thể tìm được ngôn ngữ thơ nào tuyệt tác hơn:

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...

(Thâm Tâm)

Do đó, tôi xin đan cử 2 câu kết của 2 bài hành đương nêu, thấy rằng xướng họa Hành cũng tuyệt vời như xướng họa thơ Đường luật:

Cạn chén. Tiễn chiều. Trăng gọi bút
Đám Quỳnh hẹn tỏa ngát duyên hương.


(Tường Linh)

Thưa quý vị, ai cũng biết hương quỳnh thơm ngát, nhưng hoa quỳnh ở Việt Nam phải chờ đợi giờ hoa nở, và thưởng thức cũng... vất vả lắm, vì hoa chỉ nở có mấy giờ, nhưng hương quỳnh Việt Nam thì thật ngào ngạt, mênh mông.

Vẫn nhất quán cách nhìn sự thế của một quân nhân, đầy tin yêu và hy vọng:

Những cuộc hành trình đang tiếp tục
Đất trời ngan ngát bóng quê hương...

(Nguyễn Kinh Bắc)

Để kết thúc, tôi xin ghi lại vài dòng trong bài Lời Tựa “Trăng Treo Đầu Súng” của Tường Linh, do nhà thơ Thiếu Tá Tô Kiều Ngân viết, mà nhà thơ Nguyễn Kinh Bắc rất thích và hay diễn đạt lòng quý trọng thi ca với chúng tôi:

“Đọc thơ Tường Linh để yêu đời lính, yêu loài người, và yêu nhau hơn.” (Tô Kiều Ngân)

Cũng có thể nói: Thi ca trong sáng là mối chân tình của người đối với người, mà Thượng Đế đã dành cho nhân loại. Xin gởi lời cung chúc khánh thọ thi sĩ Tường Linh luôn vui tươi, tinh tấn và sáng tác trong niềm tin tưởng lạc quan nơi thế giới thơ bao la, phong phú của dân tộc Việt Nam thuần túy xa xưa...

Hawthorne, 17 tháng 5, 2013

 

Hành tuổi sáu mươi

Tường Linh/Người Việt Utah

Xướng

Vượt cuộc nhân sinh quá nửa đường
Sáu mười năm chẵn, góc chiều thương
Rượu bày ước lệ mời thơ lại
Gia định giờ thêm ý cố hương
Sáu mươi sinh nhật không mừng tiệc
Vui vẻ chi ngày ngựa khớp cương
Nhập thế chỉ đau cùng cõi thế
Có ta nên có vị Hồ trường!
Hồ trường ai nỡ chiêu bằng hữu
Ai nỡ chia sầu đến mấy phương?
Lặng lẽ một đời, thêm lặng lẽ
Không cần nhìn lại bóng trong gương
Cũng thừa biết tóc tiêu pha muối
Mắt vẫn đăm chiêu nỗi thế thường
Cũng thấy hình hài vô nghĩa đứng
Nhò nhoi, xa vắng giữa mùa sương
Mở lời định hỏi cung Tài, Mệnh
Lại gặp Kiều nhi khóc đoạn trường
Rả rích mưa thời Gia Tĩnh vọng
Hồng nhan, bạch diện chịu tai ương
Tố Như, ngọn bút lừng kim cổ
Thơ thánh không lùi được nhiễu nhương
Ý thiện khó xoay tâm ác chuyển
Trăng soi lòng trúc chẳng soi tường
Chưa qua “tam bách dư niên hậu”
Vàng cỏ thanh minh, úa cỏ vườn
Bước ngựa chàng Kim chồn nẻo lạc
Mắt Kiều cũng bỏ hướng Liêu Dương
Lời ai thổn thức “tân thanh” mới
Gọi nguyệt cầm buông điệu chán chường
Sáu chục, một trăm... rồi cũng vậy
Nhân sinh là nợ một đời vương
Đã từng vuốt mắt bao huynh đệ
Đưa khổ hồn qua cuộc hý trường
Từng tiễn người đi vào huyễn mộng
Mắt cay mùa gió ngợp sầu thương
Trở về gác lạnh nhìn sao rụng
Chánh vạc ngang trời thả tiếng sương
Ngổn ngang thế sự hay tâm sự?
Ta hỏi ta và hỏi bốn phương
Chỉ một em mừng ta sáu chục
Sao đành từ chối nhận men hương
Thì thôi ta hãy uống cùng ta nhé!
Tròn nghĩa tao khang bất... hạ đường
Em mãi vì ta giành khổ hạnh
Ta vì em mãi giữ thiên lương
Hơn ba thập kỷ vì nhau sống
Kết với tha nhân mối đạo thường
Chén nữa, ta mời em uống cạn
Rượu tình cất bởi nước sông Tương
Trở lại góc chiều sinh nhật vắng
Buồn buồn ngẫm nghĩ thử soi gương
Ngẩn ngơ trước một “người quen” cũ
Máu đã rơi chung mấy chiến trường
Tóc đã phai chung vì tuế nguyệt
Chung mùa tuyệt tích, ngựa gò cương
Chung sinh, chắc chắn còn chung tử
Chung ý thơ ghi mỗi chặng đường...
Cạn chén. Tiễn chiều. Trăng gọi bút
Đâm quỳnh hẹn tỏa ngát duyên hương


[Sài Gòn sinh nhật thứ 60 (1991)]

 

Bài mừng tuổi muộn

Nguyễn Kinh Bắc/Người Việt Utah

[bài họa của Nguyễn Kinh Bắc]

“Một mai dù gục ở bên đường” (1)
Thơ viết ngày nào gợi mến thương
Mấy chục năm vèo trong chớp mắt
Người còn phiêu bạt giữa quê hương
Trăng xưa đã hết treo đầu súng (2)
Chiến mã bên trời lạc mất cương
Nay lắng hồn thơ trong phẫn hận
Lời đau vang vọng suốt canh trường
Canh trường độc ẩm riêng ai nhỉ?
Bằng hữu chia lìa khắp bốn phương
Tâm sự gửi đâu, này giấy bút
Chong đèn đối bóng đã nhòa gương
Nhân sinh chỉ một tuồng dâu bể
Thành bại, hơn thua ấy lẽ thường
Nay tuổi đã già như bóng xế
Con đường trước mặt vẫn mù sương
Con đường trước mặt còn gai góc
Dù chẳng binh đao cũng chiến trường
Dĩ vãng qua rồi khôn níu lại
Cây đời mai sẽ trổ mầm ương
Muôn thuở anh hùng đâu thiếu nhỉ?
Bao giờ tái hiện bóng Long Nhương? (3)
Phá tan xiềng xích đời nô lệ
Ngày ấy quê hương lại cát tường
Dân chủ chan hòa trên khắp cõi
Để hoa đua nở đẹp trong vườn
Để thêm thắm đượm hồn sông núi
Rực rỡ cờ vàng dưới ánh dương
Chính nghĩa rạng ngời xua bóng tối
Quỷ ma tan tác, mặt thôi chường
Qua mùa tị nạn lưu vong ấy
Trở gót quay về không vấn vương
Tâm sự có đâu như Bá Trác
Mà ngâm nga mãi khúc Hồ Trường
Yêu quê, quê chẳng bao giờ mất
Mỗi bước lâm hành mỗi luyến thương
Hai chục năm dài xa đất mẹ
Vẫn còn lưu lạc giữa phong sương
Gợi bao kỷ niệm trong thời trẻ (4)
Khi đọc thơ người nơi viễn phương
Ôi những tâm tình pha máu lệ
Nhưng lòng mãi mãi giữ thơm hương
Biết đâu sẽ có ngày tao ngộ
Sánh bước bên nhau vạn nẻo đường
Đất nước vươn mình thêm lớn dậy
Dân tình rồi cũng hết thê lương
Ai xây ảo vọng trên nhung gấm
Người vẫn an vui giấc mộng thường
Đây một bài thơ mừng tuổi muộn
Thay lời, như một chén quỳnh tương
Xóa tan những nỗi sầu nhân thế
Mình lại soi mình trước giá gương
Soi mình, ừ nhỉ, đâu ai khác
Nào phải Kiều nhi khóc đoạn trường
Đã có một thời quen lửa đạn
Tinh thần vững tựa đá hoa cương
Trăng xưa đã hết treo đầu súng
Nhưng vẫn còn soi những dặm đường
Những cuộc hành trình đang tiếp tục
Đất trời ngan ngát bóng quê hương


 Cao Mỵ Nhân

Theo Người Việt




 

Chú thích:

(1) Một mai dù gục bên đường
Đời sau sẽ rước nắm xương khải hoàn
(Thơ Tường Linh- Trăng Treo Đầu Súng)


(2) Trăng Treo Đầu Súng: Thơ Tường Linh, (không nhớ rõ năm ấn hành) bìa Tạ Tỵ, lời tựa của Tô Kiều Ngân, trong đó có câu kết mà tôi rất thích “Đọc thơ Tường Linh để yêu đời lính, yêu loài người, và yêu nhau hơn.”

(3) Long Nhương: tức Long Nhương Tướng Quân, một tước hiệu của Nguyễn Huệ trước khi lên ngôi vua.

(4) Thi sĩ Tường Linh đã tặng thân phụ tôi tập thơ Trăng Treo Đầu Súng. Đây là tập thơ đầu tiên trong đời tôi đã được đọc, khi mới 12 tuổi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn