BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73476)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tùy Bút Tháng 4 Bolsa

04 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 1231)
Tùy Bút Tháng 4 Bolsa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Bây giờ là tháng Tư, ở Bolsa, buổi sáng có hôm trời nặng, tưởng mưa, nhưng nắng lại lên rồi. Không khí, trong báo chí, Ra dô?... Mourning day nhắc nhở, như đong đầy với bao hờn oán, chua cay.

Quán Starbuck đã khá đông, im lặng, đa số sinh viên với Ipad lố nhố phía trong. Ngồi sát bên cửa sổ, nắng hắt, nhìn ra ngoài sinh hoạt của đầu ngày, tươi mới, ở bãi parking với mấy chục tiệm bán, hàng quán chung quanh, nhâm nhi ly cà phê, chúng tôi thấy Mỹ, một xứ xở an bình, giầu mạnh. Việt Nam đã cách xa một đại dương...

Nhìn những cây Hoa Ban như ve vẫy gọi ai trong nắng sớm,trồng dọc lối đi. Cây này ở Sài Gòn ta gọi Lan Hoàng Hậu, Móng Bò, và đây gọi là orchid tree, Tiến chợt nói... ngày xưa... khoảng năm 87, tôi ra tuốt sáu tỉnh thượng du miền Bắc buôn gỗ quí cũng thấy những Ban trắng như thế này, chập chùng đồi núi, hoang dại, nên trông đẹp hơn đây nhiều lắm.

Tôi ngồi yên lặng, thầm nghĩ, Tiến này cũng lang bạt kỳ hồ, dáng dấp thư sinh, nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi, tóc húi cao, da trắng, nhỏ nhắn cũng từng trải dữ a... Như đoán được ánh nhìn, bàn tay năm ngón, xoay xoay ly cà phê, bàn tay to kì lạ, thô ráp quê kệch nghịch hẳn với khuôn mặt thanh tú, thông minh, thuộc giới cổ trắng, mà bây giờ trắng rồi, Tiến hãnh diện ngầm nói tiếp...
Thì hồi đó, tóc dài cột lại, quần bò, áo gió Si đa (cũ, từ Mỹ, Tây... phế thải gửi về), dép nhựa, túi lại thòi bao thuốc lá ba số 5, nói năng hay văng đù địt, vẻ dân chơi thứ dữ, chứ không giống thế này đâu, tôi làm cho mấy tiệm buôn bán gỗ xây dựng. Mấy tiệm này hay buôn lậu gỗ quí như cẩm lai, gõ đỏ, gõ đen, gụ, giáng hương... thường mỗi chuyến lời khoảng hai trăm ngàn đồng, so thời giá là năm mươi ngàn cho một chỉ vàng, và mỗi chuyến đi mất gần tháng trời.

Khi được lái gỗ cho biết có gỗ, tôi mang tiền chi trả của tiệm, và tài xế lái xe Ben, với giấy tờ Kiểm Lâm thị thực trước, do lái gỗ đưa, khi thì đi Tây Ninh lấy gỗ Cẩm Lai... đi bán, giao những chỗ như ở làng Nghề gần Thị Xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Dân làng này rất tinh xảo về nghề chạm trổ, nổi tiếng cả trăm năm trước, đã từng xuôi Nam chạm trổ cung điện Huế, hay cho những nhà giầu, điền chủ Nam Bộ. Một Cụ rất già trong làng có nói, khi về lại trong Nam, cậu thử xem lại những đồ gỗ chạm trổ cổ khoảng 1910 đến 194 mấy, sẽ thấy phía sau có khắc triện làng tôi. Dân làng tôi thường một tốp ở lại một nhà vài tháng chạm trổ cho xong, rồi sang nhà khác. Tôi về trở lại quê, Trà Ôn, Vĩnh Long xem lại đồ gỗ cổ của Ngoại quả thấy những triện khắc phía sau thật.

Giao hàng xong, xe trống, một công hai chuyện, lại đi lấy hàng ở miền Thượng Du. Có một lần, chúng tôi ăn ngủ, mắc võng gầm xe cả tuần, ở bản Nậm Phia? gần Sa Pa. Lái gỗ, thường là dân trong Nam, sống trú ở trong bản, theo dân bản vào rừng cưa cây, rồi dùng ngựa kéo ra cửa rừng giao gỗ, nhận tiền. Gỗ thường là gụ, lim... chở về thường bán ở nhiều tiệm đồ gỗ dọc theo Bảo Lộc, Biên Hoà.

Làm nghề buôn bán gỗ này cũng nguy hiểm, nên trong xe, chúng tôi luôn có 2 mã tấu, vì những đôi co chẳng hạn... gỗ xấu, không đúng kích thước, giá đắt quá, không chịu trả tiền, có thể xung đột thì có gì mà phòng thân. Chứ dân Hmong, Dao, Tày, Dân Tộc... thì hiền lành, hiếu khách từng đãi chúng tôi ăn món cá sống trong veo thấy cả bộ xương, bắt trong suối vào cuối mùa mưa lũ, tròn, lớn bằng ngón cái, cuốn trong mấy cái lá rừng nhai sống nuôt tươi, cũng ngọt, ngon thì không dám chê và cho chúng tôi tham dự chợ Tình, với nhiều ấn tượng nhưng cắm đầu mà chạy.

Tiến nhấp ngụm cà phê, trầm ngâm ngắm những cành khẳng khiu, trĩu hoa Ban trắng lắc lư theo gió... rồi tiếp... những cô gái rừng, xinh đẹp, người rắn chắc như gỗ mun, e lệ nói chuyện với trai Kinh, cười khúc khích, mắt luôn nhìn dưới đất, thỉnh thoảng liếc nhẹ, bị bắt gặp, đỏ ửng gò má. Hồi đó, năm 86, 87... không phải như bây giờ người ta đã thương mại hoá, có tour du lịch chợ Tình, các cô Sơn Cước đâm dạn dĩ, loè loẹt, mà nhàn nhạt chán làm sao. Ngày mai là chợ Phiên, mỗi năm họp một lần để dân trong vùng mua bán, trao đổi sản vật..của mình, thì đêm nay là chợ Tình, chan chứa ôi là tình.

Ở đây, nam nữ đã quen nhau từ trước, có thể là người tình cũ vì duyên phận không thành vợ chồng... từ những miền sâu xa, theo đường mòn về hi vọng gặp lại người thương. Họ diện thật đẹp, mầu sắc thổ cẩm đỏ, vàng, nâu bật lên trong núi rừng u tịch. Họ uống rượu bắp Săn Lùng cho hứng khởi, long lanh mắt ướt, hồng hào xinh tươi, nam thì Khèn, Sáo vút cao hoặc nốt trầm nức nở, nữ thì giọng hát, điệu múa dập dình tả cảnh, tả tình, tả cuộc sống của mình cho người tình vừa gặp lại nghe.

Có anh nghe người tình kể là thằng chồng của em suốt ngày say sưa, không chịu làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi chi cả nên nhà em nghèo lắm,anh thương quá nên đến gặp người chồng kia trách mắng, và còn ở lại giúp gia đinh ngưởi tình cũ phá đất làm ruộng, vườn, giúp một con bò cầy bừa. Xong việc lại trở về vợ mình, rồi năm sau đến Hẹn lại lên. Anh chồng, chị vợ kia chẳng ghen tí nào, phải chăng văn hoá Lĩnh Nam của mình, xưa là thế, coi Nghĩa tình là nặng, còn cái Tiết chính chuyên kia không nặng lắm. Cũng may hay xui? Ở miền Thượng Du, vệ sinh không có, bệnh tật nhiều, ăn uống thiếu thốn, tự do luyến ái? dù chỉ một đêm chợ Tình, con rơi con vãi có lẽ nhiều nhưng không vượt quá số Tử, nên dân số vẫn cân bằng với đất đai, thực phẩm. Thời đại này có condom thì ta có chợ Tình có sao?

Tiến kể tiếp, bọn tôi, hai thằng Kinh, bác Tài, chú Lơ rượu thịt no say,cũng tán được hai cô 17, 18 tuổi Hmong, hay Lolo trong trắng, đang tìm lùm bụi kín đáo để yêu nhau, thì một đàn thanh niên vác rựa đuổi làm bọn tôi chạy có cờ. Hình như, người Dân Tộc không để ý chữ tiết cho đàn bà của họ, nhưng coi trọng chủ quyền đất đai. Phải chăng đàn bà là biểu tượng đất đai, hay là hai thằng Kinh lấc cấc dễ ghét, từ đâu đến chiếm đất, cua đào.

Tôi chợt hỏi, tại sao gia đinh của Tiến không đi hồi đó?

Tiến ngập ngừng, bàn tay to lớn vân vê, vẽ những nét vô hình trên mặt bàn, đắn đo, tư lự một lúc lâu, rồi nói... nhiều lúc tôi đã muốn quên ký ức.

Ba tôi, Bắc Kỳ nghèo đói ở quê, một thân một mình vào Nam lập nghiệp. Ba tôi kể hồi đó có nhiều người Sài Gòn xem miền Bắc như vùng xa lạ, kỳ thị địa phương ra mặt, ra đường mà đếm số một ra một, không phải là "môct" là coi chừng bị chưởi, chọc quê hay bị đòn không chừng. Thì ông Ngoại tôi thương, thấy người làm ăn chăm chỉ, nên gả con gái cho. Sau này, Ba tôi đi Quân Đội, lên tới cấp Tá, về hưu. Những ngày gần 30 tháng 4 bẩy năm, Sài Gòn như lên cơn sốt, nhiều người kiếm cách di tản, cả nhà trông vào Ba tôi mà ông thì cứ nằm vật ra, vắt tay lên trán, thở dài thườn thượt, chẳng có kế hoạch gì cả, nhà có ai hỏi đến chuyện đi, thì lại gắt ầm lên... sang làm cu li cho Mỹ hả?



Mấy anh, chị tôi cũng cuống cuồng theo bạn bè ra Lăng Cha Cả vào được Phi trường đợi, bị bom lại mò về, ra bến tàu thì nghe cái chiếc tầu Việt Nam Thương Tín hư rồi, lại về, rồi sau lại biết chiếc ấy khật khưỡng đi thoát, chỉ nhà văn Chu Tử trên tầu không thoát. Thôi đành theo số phận mà quay về nhìn Ba tôi, vẫn nằm khườn, vắt tay lên trán... có lẽ nghĩ... sau bao năm chiến tranh, đánh mãi chán rồi, may mà không chết... và bây giờ thua trận, chết là cùng chứ gi? kệ... tới đâu thì tới. Ngày 30 tháng 4, TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vài người bạn của Ba tôi như bác Trúc, quân vận, bắn vợ và con, rồi tự sát, còn Ba tôi, 7 ngày sau đi trình diện, Tù Cải Tạo 7 năm, rồi sau này 1994 cả gia đình HO qua Mỹ . Má tôi cùng mấy anh chị em về quê, Huyện Trà Ôn, bên bờ sông Bát Sác, nước cuồn cuộn chảy, to rộng. Tôi làm ruộng, tát đìa bắt cá, bắt chuột, hoặc bơi thuyền dọc bờ sông mọc nhiều cây bình bát, chỗ trú ẩn của tôm càng xanh, dùng dừa khô làm mồi câu tôm. Buổi trưa, ở phố Huyện, ăn một dĩa cơm với một con tôm càng xanh nướng, rưới chút nước mắm, khách thương hồ khoan khoái, khen ngon và no tới chiều, đủ biết tôm lớn cỡ nào, có lẽ cỡ con tôm hùm nhỏ, ở những buffet, all you can eat kiểu Todai, Sumo ngày nào.

Tiến lại ngập ngừng, sao trí nhớ cứ quẩn quanh, đôi khi phải quên đi mới yên vui được, ánh mắt đục mờ u uẩn.

Cuối năm 79, tháng 12 thì phải, tôi lên Sài Gòn, thành thanh niên vất vưởng, đông lắm nên đăng vào Thanh Niên Xung Phong, Tổng Đội Biên Giới mới khốn nạn. Cả Đại đội tôi 90 người thanh thiếu nam nữ 17, 18 tuổi chưa đầy hai năm chỉ còn 13. Mắt Tiến dàn dụa, bật nức lên, Đm... Đm... chiến tranh. Ngọn lửa bạo tàn của chiến tranh Miên Việt đã cháy trên thân xác thanh niên Việt, rẻ bèo như bọt nước.

Tiến trấn tĩnh lại, cơn xúc cảm nuốt ực một cái qua cổ họng. Thanh Niên Xung Phong, con cháu của những Sĩ Quan Cộng Hoà trong tù, oái oăm bọn tôi trang phục màu xanh lá cây, ăn uống cơm độn, dưa muối trong trại, kham khổ, được thêm trăm mấy tiền Sinh Hoạt Phí, chỉ đủ mua 1,2 bao thuốc Vàm Cỏ khét lẹt, lại phụ giúp chính quyền CS trong chiến tranh. Làm sao tránh được? trốn... lại sợ phiền phức gia đình, trốn được... thì đi đâu, ngoại trừ vượt biên? cả một guồng máy trói cứng, chúng tôi cùng vui với nhau vì cùng cảnh ngộ, đàn hát, vui cười cho quên tháng ngày.

Sang Miên, chúng tôi trang phục như Bộ đội mầu xanh lá mạ, không huy hiệu... chỉ khác là không mang dao, súng thôi, mà đi toàn tuyến đầu, như tiếp tế đạn mỗi lần mỗi người phải đeo 4 quả đạn B40 hay cối 82 nặng è cổ, mang tới từng ổ súng, hoặc mang những thùng đạn tới tận ổ súng máy. TNXP đã đi trước, lại về sau vì phải thu dọn chiến trường, khiêng xác tử sĩ... Đại đội tôi đi với Tiểu Đoàn 307 Cửu Long? có nhiều người quê quán ở Tây Ninh, biên giới trấn ải, thù Khmer Rouge lắm, bắt được là giết. Chiến tranh Việt Miên không có tù binh, cả hai phía. Ngay cả dân Miên cũng thù ghét Khmer Rouge, một thằng bé 12, 13 tuổi được đưa một mã tấu sẵn sàng chém cho đến khi rụng đầu của một lính Khmer Rouge bị trói giật cánh khuỷ.

Sang năm 1980 trận chiến nhẹ đi, Khmer Rouge gặp VN là bỏ chạy. Chiến trận lại dữ dội vào đầu năm 81, người yêu của tôi, cùng Đại Đội TNXP thuộc Tiểu Đôi nữ, cùng khoảng 20 đồng bạn đi tắm suối bị phục kích, không một tiếng súng. Đợi lâu quá, chúng tôi đi tìm thấy xác rải đầy bờ suối, cổ bị cắt. Có lẽ, mục kích thảm kịch đó đã làm tôi chai sạn hay sao đó, mà sau này quen nhiều cô gái, tôi không còn rung động như thủa ban đầu nữa mà ám ảnh không nguôi. Ôi người yêu dấu với bao kỷ niệm của hai tuổi trẻ vui tươi, chia xẻ ngọt bùi. Sau đó là trận đánh ở Siemrep tấn công vào căn cứ địa có lẽ cuối cùng của Khmer Đỏ, lâu khoảng nửa tháng, chúng tôi tải xác, bộ đội chết hà rầm. Cuộc chiến chắc đã xong, nên giữa năm 1981, tôi được chuyển ngành qua Tổ Hợp Đánh Bắt Thuỷ Sản ở Phan Thiết.

Cuộc sống chài lưới nắng choả, cháy đen, chúng tôi 11 người trên một tầu đánh cá, tôm, mực dọc theo bờ biển và ra đến đảo Phú Quí, cách Phan Thiết khoảng hơn trăm cây số, và chưa lần nào ra đến Trường Sa. Tôi biết thế nào là mực một nắng, là phơi mực mới bắt trên bong tầu, nắng gió của biển cả, một ngày thôi đủ se thịt mực, cho vào bao plastic, để lạnh, bán được giá hơn.

Tiền lương của chúng tôi được tính ra theo sản phẩm, tôm cá đánh bắt được, tôi sống tạm đủ, không phải lãnh cái Sinh Hoạt Phí chết tiệt của TNXP đói khát, thèm thuồng từng chén chè bắp, khúc bánh mì, ly cà phê... đủ thứ, nhưng sau này đi buôn gỗ thì cũng khá hơn.

Nắng đã giữa trưa, cây Hoa Ban, đứng gió, rũ bóng, cả hai chúng tôi, tình cờ gặp lại. Từ Hoa Ban miền Tây Bắc đến Orchid Tree California, một chặng đường xa, nhưng gợi nhớ bao kỷ niệm, lẫn lộn vui buồn thảm não... muốn quên đi, mà sao dính chặt. Chúng tôi đã là Công Dân Hoa Kỳ nhưng cốt lõi vẫn Việt Nam.

Lê Văn Khoa (QYHD-18)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn