BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chỉ còn nhờ đến thánh thần!?

14 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1475)
Chỉ còn nhờ đến thánh thần!?
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nguyên một căn phòng trên tầng ba ngôi nhà ở thị trấn là điện thờ cùa Đồng cô Kim Ngân. Xuất thân là một bác sỹ, mổ xẻ cũng tài, nhưng bây giờ Kim Ngân lại nổi tiếng bằng nghề lên đồng bói toán.

Nghe kể rằng, khi mới xây xong ngôi nhà này, mấy đêm liền Kim Ngân nghe tiếng gọi tên mình. Tiếng gọi rất rõ, rất vang từ trên trần nhà vọng xuống. Cô mở mắt nhìn không thấy ai, nhắm mắt lại, lại nghe tiếng gọi. Cô hỏi chồng nằm bên cạnh có nghe thấy gì không? Chồng bảo:

 - Em mơ ngủ!

 - Em không mơ! Rõ ràng người âm về gọi tên em!

Sau một tuần thảng thốt như thế, Kim Ngân lăn ra ốm liệt giường. Ốm đúng ba tháng mười ngày. Trong quãng thời gian đó nhiều lần cô bị hôn mê. Kim Ngân bảo, trong những cơn hôn mê sâu, cô thấy mình lang thang đi khắp nơi, gặp gỡ các linh hồn ở thế giới bên kia.

 - Họ hiền lành và cao thượng, không như người sống! Hình như mọi bẩn thỉu tanh hôi, tham lam, độc ác họ đã trút hết lại trên thế gian rồi. Lần cuối cùng gặp tôi, các thần linh giao cho tôi nhiệm vụ quay về, chỉ đường dắt lối cho con người thoát khỏi mê tâm, mê lộ...

Bác sỹ Kim Ngân nói năng chậm rãi, lưu loát như vậy khi chưa nhập đồng. Nhìn cô già hơn tuổi bốn mươi, khuôn mặt vuông vức, lưỡng quyền nhô cao, cặp mắt dài dưới hai vệt lông cong nhọn. Cô không phấn son chải chuốt, mái tóc búi gọn sau gáy, mặc bộ bà ba mầu đen giản dị.

Nhưng cái điện thờ của Kim Ngân lại trang trí rườm rà và rất chi là lộn xộn. Trên vách tường áp trần , một tấm ảnh Hồ Chủ tịch đóng khung gỗ treo nghiêng, nhòm xuống cái bệ thờ xây gạch. Mặt bệ thờ bày la liệt bát nhang lớn bé. Những đĩa bánh kẹo, trái cây, xôi, thịt, rượu, trầu cau, tiền thật, tiền âm phủ xếp chồng chất lên nhau, như để chứng minh rất giàu lộc Thánh. Bức tượng Phật Bà Quan Âm cao khoảng hai mươi phân ngồi trên bệ gỗ, dựa lưng vào lá cờ đuôi nheo thêu tên Đức thánh Trần bằng chữ Hán. Bên phải, bên trái tượng Phật là bài vị và tranh, tượng các ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, bà Chúa thượng ngàn, Mẫu cửu trùng, Mẫu bán thiên, Mẫu đệ nhị, Mẫu đệ tam,Vương cô đệ nhất, Đỗ Phủ, Khổng Minh, Quan Công, Tào Tháo... Một hội đồng thần thánh, văn võ kim cổ ngự trên cái điện thờ chật hẹp. Không biết các thần linh có phải chạy chọt hối lộ để được an vị trên bệ thờ kia, để được cúng tế, được phán xử và quyết định số phận con người?

Tôi suy nghĩ mông lung, khi Đồng cô Kim Ngân thắp nhang. Mỗi thần linh một bát nhang, bát nhang nào cũng chồng chất chân nhang. Khói nhang nghi ngút, mù mịt điện thờ. Tấm ảnh Hổ Chủ tịch ám khói lâu ngày đã chuyển thành màu đen xỉn, tượng Phật Bà Quan Âm và bài vị các thánh thần cũng đều ngả mẩu và lốm đốm vết cháy tàn nhang. Sinh thời Hổ Chí Minh là người vô thần, bây giờ người ta biến Bác thành Phật, thành Thánh, tôn thờ ở những chốn tâm linh, thậm chí cẩu hồn Người về giúp tài, giúp lộc, giúp giữ ghế, giúp thăng quan tiến chức!

Phía dưới ban thờ Phật, Thánh, một am xây kín chung quanh, chỉ hở một cửa tò vò phía trước. Trong am thờ Bạch hổ linh thần. Tượng bạch hổ làm bằng đất nung, hai chân sau chồm về phía trước, móng vuốt nhọn hoắt, hai chân trước thẳng đứng, đầu ngẩng cao dũng mãnh oai nghiêm, miệng há to, nhe hai chiếc răng nanh và cái lưỡi đỏ lòm. Trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến lúc tỏ lúc mờ, bạch hổ như muốn chồm ra vồ miếng thịt heo luộc trong chiếc đĩa trước mặt, nhưng bị một hàng vũ khí tối tân ngăn lại! Một thanh long đao như của Quan Công, hai thanh kiếm, hai chiếc búa và một cái bừa cào như của Chư Bát Giới.

Thắp hương xong, bác sỹ Kim Ngân phủ tấm vải đỏ lên chiếc ngai sơn son thếp vàng , rồi nói với chúng tôi:

 -Chờ chồng tôi về phụ hầu đồng!

Tôi hỏi:

 - Anh nhà đi đâu và sắp về chưa?

 - Anh ấy lái xe, khoảng một tiếng nữa mới về tới!

Bác sỹ Kim Ngân bỏ xuống nhà dưới, chờ chồng, tôi quay sang nói chuyện với ông lão Bộc và cô Xuân , hai người vừa tới hầu cửa điện.

Ông Bộc năm nay đã chín mươi tuổi, đầu chỉ còn vài sợi tóc trắng phơ, miệng móm mém, lưng còng như con tôm.

Năm năm trước, vợ chồng ông Bộc có hơn sào vườn trồng cây ăn trái cha ông để lại. Chính quyền cho người Trung Quốc thuê đất xây nhà máy, mảnh vườn cùa vợ chồng ông Bộc lọt vào quy hoạch đó. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cử người đến thông báo, rồi đo đạc dọc ngang, đếm từng gốc chè, từ cây chanh đến cây khế, lập biên bản mấy trang giấy, bảo vợ chồng ông đọc rồi ký tên để nhận tiền bồi thường. Bà Bộc không biết chữ. Ông Bộc mắt mũi lèm nhèm. Tám mươi nhăm tuổi rồi, bưng chén cơn ăn tay run cầm cập, nhìn quả cà, con cá trong mâm cơm còn không rõ , huống hồ những dòng chữ nhỏ như con kiến?

 - Thôi các anh chị ấy bảo ký chỗ nào , tôi ký chỗ đó, bà điểm chỉ theo!

Ông Bộc bảo vợ thế. Cán bộ giải phóng mặt bằng an ủi ông bà Bộc:

 - Hai cụ cứ yên tâm! Chúng cháu giải quyết ưu tiên cho hai cụ!

Thế là mặc ai nói ra nói vào, ông bà Bộc cứ tin lời hứa của chính quyền.

Không ngờ 400 m2 vườn cây ăn trái của vợ chồng ông chỉ được áp giá đền bù 100.000 đồng một mét, trong khi đất của con cái, họ hàng lãnh đạo chính quyền được bồi thường năm, sáu trăm ngàn một mét. Ông Bộc nghe người ta nói, mấy người trong ban bồi thường móc ngoặc với lãnh đạo, ăn chặn của vợ chồng ông mỗi mét vuông đất bốn, năm trăm ngàn. Ông bà Bộc thắc mắc, họ đưa giấy tờ ra. Những chữ ký ngoằn ngoèo, những dấu vân tay điểm chỉ còn đỏ như máu trên tửng tờ văn bản thỏa thuận, lảm ông Bộc choáng váng, vì biết mình đã bị lừa.

Vợ chồng ông không có con cháu, nghèo khổ, chỉ có mỗi mảnh vườn ấy là đáng giá. Nghĩ nhà nước đền bù được khoản tiền khá khá, sẽ gửi tiết kiệm dưỡng già, khi chết có tiền ma chay, nào ngờ bị chúng nó lừa.

Ông Bộc nhờ người làm đơn khiếu nại gừi lên xã, lên huyện, lên tỉnh. Hết lần này đến lần khác, hết năm này qua năm khác, chả ai ngó ngàng tới. Năm ngoái hai vợ chồng dắt nhau ra Hà Nội, nhập vảo đoàn người khiếu kiện đất, ăn chực nằm chờ ngoài công viên. Nửa đêm bà Bộc trúng gió, đưa vào bệnh viện thì chết. Trước khi nhắm mắt, bà chỉ ú ớ nói được mấy câu, ngọng lứu lưỡi: “ố òi ại ái ưòn!”

Bà con cùng cảnh đi khiếu kiện đất thương tình, gom góp cho ông Bộc ít tiền trả bệnh viện và thuê xe chở xác vợ về quê. Chôn vợ xong, ông Bộc tiếp tục đi khiếu nại, cố đòi lại cái vườn theo lời vợ ông dặn trước lúc chết. Nhưng chả khác gì gõ cửa nhà trống, càng khiếu nại càng vô vọng.

Năm nay ông Bộc đã bước sang tuổi chín mươi, người khô đét chỉ còn xương dính da, cái cổ dài ngoẵng chằng chịt những sợi gân đen, cặp mắt sâu hoáy như hai cái giếng. Người ta khuyên ông tìm đến chốn tâm linh, may ra giải được hạn.

Ông Bộc nói với tôi:

 - Nghe nói cửa cô đây linh thiêng lắm! Tôi đến nhờ Đồng cô xin thần linh chỉ đường vẽ lối đòi hơn sào vườn ông ạ!

Lý do tìm đến điện Kim Ngân của cô Xuân khác ông Bộc.

Xuân là con gái út một sỹ quan quân đội. Năm 1986, tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, Xuân yêu Quang, một chàng trai cùng làng, đi hợp tác lao động ở Đức mới về.

Bấy giờ thấy bóng Quang đâu, lũ con gái mắt la mày lém tới đó. Năm năm bơ sữa bên tây đã làm thay da đổi thịt chàng trai sinh ra nơi đồng chua nước mặn. Quang đẹp trai, cường tráng, ăn mặc mốt gấp mấy lần bọn trai lơ phố huyện! Quang lại mang về một chiếc Mô tô, mấy chiếc xe đạp. Đó là của nổi, còn của chìm nghe đâu cả chục ngàn Dmar.

Nhiều cô gái xinh đẹp ở thị trấn lăn sả vào Quang , như mèo thấy mỡ, nhưng Quang chấm Xuân, vì Xuân xinh đẹp không kém, lại là con gái út ông đại tá về hưu, từng là bạn chiến đấu cùa bố mình ngày trước.

Đám cưới Quang-Xuân linh đình nhất huyện ngày ấy. Chú rể chở cô dâu trên xe Mô tô, dẫn đầu một đoàn xe đạp diễu khắp làng. Ai cũng nghĩ đó là cặp vợ chồng đẹp đôi và hạnh phúc nhất trần gian. Nhưng nào ngờ lại là một bi kịch!

Cưới tháng giêng, tháng mười Xuân sinh con gái đầu lòng. Ngày ấy chưa soi ngó như bây giờ, sinh ra mới biết trai hay gái. Từ lúc vợ có bầu đền lúc sắp sanh, Quang cứ đinh ninh vợ sinh con trai. Quang lên tỉnh, mua đủ thứ quần áo, dày dép, toàn một loại của con trai. Khi biết vợ sinh con gái, Quang bực mình tung hê ra sân. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu rạn vỡ từ đó.

Xuân không ngờ một thanh niên chưa đầy ba mươi tuổi, có học, đã từng sống bên Tây, lại cổ hủ như chồng mình. Quang buồn bực, cay cú, phát điên chỉ vì vợ đẻ con gái. Những nụ cười biến mất trên khuôn mặt vốn phởn phơ của Quang. Đứa con gái bé bỏng không được nghe một lời âu yếm cùa bố.

Cuộc sống tẻ nhạt trôi đi chậm chạp những ngày Xuân ở cữ. Rồi Quang lại hối hả, vồ vập quan hệ với vợ, hy vọng sinh con trai.

Nhưng Xuân không có bầu. Lên bệnh viện tỉnh khám, bác sỹ bảo Xuân không thể tiếp tục sinh con, nguyên nhân do đã đặt nhầm loại vòng triệt sản cùa Trung Quốc. Vợ chồng Xuân đưa nhau vào tận bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn khám đi khám lại, các bác sỹ cũng kết luận như vậy.

Quang nói thẳng với Xuân:

 - Bố tôi hy sinh, tôi là con một. Gia đình tôi cần một đứa con trai nối dõi. Cô tịt đẻ rồi, ly dị để tôi lấy vợ khác.

Xuân nói với Quang:

 - Li dị khổ thân bé Hương. Em chấp nhận để anh đi gửi một đứa con trai!

Quang hỏi:

 - Không ghen à?

Xuân đáp:

 - Em chịu đựng được!

Từ hôm ấy chiều nào Quang cũng diện láng mướt cưỡi xe dạo khắp làng, rồi lên thị trấn. Có hôm lên tận thị xã, ở ba bốn ngày liền. Mỗi lần đi về nhìn mặt Quang phờ phạc. Xuân gợi chuyện Quang chỉ nhích mép.

Gần một năm, Quang vẫn chưa “gửi”được đứa con nào. Những lần mang tiền đi, Quang đều ném vào các ổ nhện, không gặp được người đàn bà nào tử tế để nhờ đẻ giúp đứa con trai như mong muốn. Trong khi đó, mỗi khi nhìn chồng lên xe, Xuân lại ứa nước mắt. Có lần cô ngoạm hai hàm răng vào cánh tay mình nghiến đến trào máu tươi, để khỏi bật lên tiếng khóc thét. Những đêm Quang không về, trời lạnh ngắt, Xuân ôm đứa con gái bé bỏng thao thức, ruột đau quặn từng cơn, cầu mong chồng gửi được con trai, để bi kịch qua đi.

Xuân cố nứu kéo hạnh phúc gia đình, cố hàn hắn vết rạn nứt tình nghĩa vợ chồng bằng sự hy sinh của mình. Nhưng chằng những vết rạn nứt không liền, mà ngày một rộng thêm. Quang không “gửi” được đứa con nào trong những chỗ kiếm tìm nhầy nhụa gái làng chơi, trở nên thô bạo, phũ phu. Ngày nào Quang cũng đòi ly hôn để lấy vợ khác. Quang đáp trả những lời cầu xin của vợ bằng sự chửi bới và những trận đòn bầm tím mặt mày. Có hôm Quang uống rượu say sang nhà bố mẹ vợ, réo chửi từ ngõ chửi vào. Biết không thể níu giữ chồng được nữa, Xuân ký vào tờ đơn ly hôn, bồng đứa con gái chưa đầy ba tuổi về nhà bố mẹ đẻ.

Quang lấy vợ khác đẻ liền hai đứa con trai. Tưởng như vậy là thỏa mãn ước mơ, nào ngờ lại xảy ra chuyện khác. Quang tham tiền, bán xe máy, chạy cho vợ một xuất đi lao động Đài Loan. Hơn một năm sau, vợ quay về với cái bụng bầu. Cuộc ly hôn thứ hai chóng vánh và Quang lấy người vợ thứ ba, sinh đôi hai đứa con trai nữa.

Trước kia vì cần đứa con trai nối dõi tông đường, Quang bỏ người vợ tử tế, coi đứa con gái rẻ rúng như bèo. Giờ có bốn đứa con trái, Quang lại thèm con gái. Và thế là Quang đòi Xuân trả con cho mình. Bất chấp đạo lý, coi khinh pháp luật, người đàn ông mê muội ấy hung hăng như dã thú , không từ bất kỳ hành động bỉ ổi nào đối với người vợ đă ly dị.

Hơn một năm trước, Hương, đứa con mà Quang bỏ rơi 15 năm trước lấy chồng. Trong đám cưới con gái, Quang uống say , rồi đùng đùng bỏ ra về, nửa đường đâm xe máy vào xe xe ô tô, tử nạn.

Cái nhân quả nhãn tiền, nhưng sao khắc nghiệt quá.

Xuân tưởng bi kịch đã qua đi, nào ngờ số phận vẫn đeo bám Xuân. Mới đây, con gái cô lại sinh con gái đầu lòng, và chồng nó lại giống hệt chồng Xuân ngày nào.

Chồng bác sỹ Kim Ngân đã về. Đó là một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mặc quần lửng, áo pun, mặt mũi hiền lành. Kim Ngân hỏi ông Bộc và cô Xuân:

 - Tên tuổi, quê quán cụ và cô thế nào?

Ông Bộc chắp tay thưa:

 - Dạ, thưa ! Con tên Lê Bộc, sinh năm 1923, ở thôn Độc Lập, xã Tự Do, huyện Hạnh Phúc!

 - Vợ tên gì?

 - Dạ thưa tên Vũ Thị Mẹo!

Xuân tiếp lời ông Bộc:

 - Thưa , con tên Hoàng Thị Xuân, tuổi Mậu Thân 1968, thôn Văn Hóa, xã Đạo Đức , chồng Phan Văn Quang đã chết ạ!

Bác sỹ Kim Ngân ghi lý lịch trích ngang hai người vào quyển sổ và bảo đặt lễ lên bàn thờ. Lễ gồm năm trái cam, một bịch bánh, một thẻ nhang , một trăm ngàn tiền thật trên bản thờ và năm trứng gà dưới am Bạch hổ linh thần.

Bác sỹ Kim Ngân trình lễ xong, khoác chiếc áo sơ mi trắng ra ngoài áo bà ba, cẩm một bó nhang đưa cho chồng, và đứng chắp hai tay trước điện. Người chồng nhúng bó nhang vào bát dầu hôi, châm lửa , đưa cho vợ. Bác sỹ cầm bó nhang cháy đùng đùng vung vẩy múa may, rồi chia làm hai , cắm trên bàn thờ một nửa, dưới am một nửa. Trong ánh lửa bập bùng, khói nhang nghi ngút, bác sỹ Kim Ngân chắp tay trước ngực khấn:

Con lạy Đại thánh Hồ Chí Minh!
Con lạy Đại vương Trần Hưng Đạo!
Con lạy Phật Bà Quan Âm!
Con lạy ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy!
Con lạy bà Chúa thượng ngàn, bà Chúa đệ tam, đệ tứ !
Con lạy bà Chúa bán thiên, con lạy cửu huyền thất tổ!
Con lạy Bạch hổ linh thần!
Quan Công giáng trần, Đường Tăng giáng thế.
Con lạy trời lạy bề, bốn hướng tám phương,

chỉ lối đường cho các anh linh về đây nhập đồng vào tín chủ con!

Dứt lời khấn, Kim Ngân chìa tay ra. Người chồng nhanh nhẹn cầm thanh long đao trao cho vợ. Cô bác sỹ vung long đao lên múa, chém trước, phạt sau, quay tít mấy vòng, miệng thét vang như đang phi ngựa chém giặc. Rồi bất thình lình cô chống thanh long đao đánh rầm xuống nền nhà, mắt trợn ngược, thở phì phì như rắn hổ mang.

Thần Thánh đã nhập vào Đồng cô Kim Ngân rồi đó! Người chồng dìu Đồng cô ngồi xuống cỗ ngai, ra hiệu cho chúng tôi quỳ xuống lạy:

 - Nam mô A-di-đà-Phật. Lạy Thánh mớ bái!

Đồng cô vẫy tay gọi ông Bộc. Ông Bộc run rẩy bò đến bên cạnh Đồng cô , nước mắt , nước mũi chảy ròng ròng, miệng lúng búng:

 - Con xin các ngài giúp!

Đồng cô xòe bàn tay xoa cái đầu lơ thơ vài sợi tóc bạc của ông lão Bộc rồi rú lên:

 - Hú hù! Hầy!

Hai bàn tay Đồng cô giơ lên vuốt vào mặt mình, rồi cất tiếng nói the thé:

 - Chuyện gì nào?

 - Thưa cô, con muốn đòi lại hơn sào vườn!

 - Ai chiếm?

 - Thưa cô, chính quyền!

 - Hú...hù...hầy!

 - Thưa cô con có đòi được không ?

 - Khó, khó lắm! Nhưng để ta giúp con, hy vọng là con sẽ đòi được! Hú...hầy...hầy...

Ông Bộc nở một nụ cười móm mém, lạy ba lạy rồi bò ra, nhường chỗ cho cô Xuân.

Đồng cô lại xoa đầu Xuân, vuốt mặt mình và lại hú hầy.

Tôi lặng lẽ xuống tầng trệt, thấy mấy chục người đang ngồi chờ hầu điện. Đàn ông, đàn bà, người già người trẻ ngồi lặng lẽ trên dãy ghế nhựa, mặt mũi người nào cũng căng thẳng, hồi hộp. Một người hỏi tôi trên điện sắp xong chưa, và cho biết đã chẩu chực hai ngày mà chưa đến lượt.

Mấy chục người, mấy chục số phận như ông Bộc, cô Xuân, đang chờ đến lượt mình xin thánh thần cứu giúp. Không phải hôm nay, và không chỉ riêng điện thờ này, mà ngày nào cũng vậy, hàng trăm hàng ngàn cửa điện, cửa miếu, cửa chùa, những người dân khắp nơi cứ tìm đến cầu khẩn Thần Phật thay đổi số phân mình. Trên đời này, còn biết tin vào đâu nữa, chỉ còn nhờ đến thánh thần! Nhưng đâu có dễ, khi con ngươi sống với nhau mà bất nhân, bất nghĩa, chỉ coi đồng tiền là trên hết, lừa dối nhau trắng trợn, bọn gian tham, phản trắc hè nhau thành bè cánh đánh người chân chính, trung thành, bất chấp mọi lẽ đời luật đạo thì thánh thần cũng đành bó tay!

Người ta nói quá thất vọng nên mới phài gửi niềm tin vào thần thánh?

Thử hỏi có ở đâu nhiều người thất vọng như đất nước tôi không?

Minh Diện
Nguồn: Blog Bùi Văn Bồng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn